Ý thức của tôi đang theo dõi theo bước chân của con lừa chở bà Tứ, cùng vời bước chân của ông Cửu dắt con lừa trên con đường lớn lặng lẽ rời làng năm mươi năm về trước nhưng thân thể của tôi thì đang theo sau bà Cửu trong hiện tại trên con đường này. Tôi trông thấy mặt trời lóng lánh như thủy tinh treo trên nền trời xanh lam đang chuyển động, những giọt nắng màu vàng nhảy múa trên đường bao quanh lấy những chú gà trống mỏi mệt nấp trong bóng râm của những cây hòe già nhưng vẫn đang tính chuyện giở trò lưu manh với những cô gà mái. Lông gà trống sặc sỡ, lông gà mái xù xì... Năm ấy, khi chống chọi với nạn châu chấu, sao tồ tiên chúng tôi lại không nghĩ đến chuyện nuôi cho thật nhiều gà nhỉ? Quan hệ giữa gà và châu chấu có khác nào giữa gấu trúc và cây trúc, giun và đất? Tôi đem những suy nghĩ này ra hỏi bà Cửu, thấy bà liếc xéo nhìn tôi. Bỗng nhiên tôi nhớ ra, bà Cửu vốn có đôi mắt giống mắt gà, tròng mắt đen đến độ khiến người ta nghi ngờ đó là mắt giả bằng thủy tinh đen. Nhưng lúc này bà đang mở miệng chọc tôi:

- Ôi thằng cháu học nhiều biết rộng của bà, cháu đọc sách nhiều quá đến độ lú lẫn mất rồi, không biết gì hết. Thằng cháu ngốc nghếch ơi, thịt lợn rất ngon, nhưng bắt cháu ăn liền một tháng, liệu cháu còn có thấy ngon nữa không? Cháu ăn ngán thịt lợn là sẽ thèm thịt dê thịt cừu, đang ăn món trong bát của mình nhưng lại nhìn món khác trong bát của người, đàn ông các người đều như thế cả! Xem cái mặt non choẹt bóng nhẫy như con trâu nghé chưa thiến của cháu kìa, lời lẽ của cháu cũng ngọt ngào lắm, e rằng mai kia cũng sẽ trở thành một kẻ chửa đầy một bụng nước thối cho mà xem. Nhìn ông Cửu nhà cháu đó, bây giờ thì đã già, trông có vẻ thật thà lắm nhưng thời trẻ, ngay cả chị dâu mình mà cũng không bỏ sót...

Lúc ấy ông Cửu đang xách chiếc lồng trong đó có con cú mèo, đứng tần ngần bồi hồi trên đám cỏ; tôi và bà Cửu đang đứng trên con đường của quá khứ, của hiện tại và cả của tương lai ngắm nhìn từ xa bóng dáng xiêu xiêu của ông Cửu dưới ánh mặt trời trắng lạnh. Tôi không thể nói rõ vì sao ngày ấy mặt trời lại phát ra những luồng ánh sáng trắng lạnh lẽo như một ánh kiếm sắc đến ghê người như vậy, cũng không hiểu vì sao đáng ra ông Cửu phải gào thét những câu hát vô nghĩa khi chăm sóc con cú mèo nhưng hôm ấy ông lại không thèm hé miệng gào lấy nửa câu. Ông Cửu như một con vượn mới học được dáng đi bằng hai chân của loài người, ngây ngô và vụng về lặng lẽ bước ở phía xa xa, tôi đoán là dưới ánh sáng chói chang đến độ lạnh lẽo của mặt trời như thế, ông Cửu không dám mở mắt, do vậy mà dáng đi của ông mới liêu xiêu như thế, vừa thần thánh vừa nghiêm trang, vừa cụ thể vừa trừu tượng; vừa giống như một điệu nhạc thê thiết vừa giống như một bãi phân, bãi phân này đang trong thời kỳ hóa thạch... Trong thứ ánh sáng trắng bàng bạc bao phủ lấy ông Cứu ấy, đường chân trời cũng đang dao động, những con châu chấu lần thứ ba xuất hiện trong lịch sứ cận đại của Đông Bắc Cao Mật lúc này đã to bằng viên đạn súng trường, không những thế, chúng giống như những viên đạn vừa căng vừa thẳng từ bốn phương tám hướng lao thẳng về ông Cửu. Ông Cửu đang vung đôi tay lên rất cao - chiếc lồng chim và trong đó có một con cú mèo đang học nói, đồng thời tạo ra một ký hiệu màu đồng xanh xanh có tính chu kỳ lặp đi lặp lại và hướng về phía trước.

Có tiếng hô khẩu lệnh tập hợp từ phía doanh trại bộ đội nằm đối diện với đầm lầy màu đỏ sậm. Một lát sau, tôi và bà Cửu trông thấy khoảng hơn một trăm binh sĩ tay cầm gậy chạy thẳng ra đồng cỏ. Những bộ quân phục màu cỏ của họ được ánh sáng trắng lạnh của mặt trời chiếu rọi nên đã biến đổi màu, thành một thứ màu xanh đen của lá dâu già, trên toàn thân họ như được dát bởi một lớp băng mỏng và trong suốt. Họ đang hô, đang quát vang trời. Tôi nói với bà Cửu rằng, một đơn vị bộ đội đến giúp dân làng diệt trừ châu chấu đã đến, tôi còn nói là trong chiến đấu chống lại tai họa thì bản chất anh hùng của quân đội mới có điều kiện bộc lộ. Bà Cứu hỏi, họ hò hét ầm ĩ như vậy, phải chăng họ chính là thuộc hạ của tướng quân Lưu Mãnh? Tôi nghiêng đầu chăm chú quan sát đôi mắt của bà, đột nhiên tôi nhận ra rằng ngôn ngữ giao tiếp giữa tôi và những bậc trưởng bối trong gia tộc có một chướng ngại rất khó có thể vượt qua.

Đúng lúc ấy, bầu trời đã biến dạng, trở thành một nửa của quả cầu pha lê màu xanh lục, mặt trời cũng sáng đến độ mất đi hình tròn vốn có, chu vi vòng tròn trở nên mờ mờ ảo ảo. Những chiến sĩ đi vòng qua bờ đầm và triển khai đội hình trên đồng cỏ, trông họ lúc này chẳng khác những chú ngựa non đang tung tăng đầy hoan lạc trên đồng. Họ đang đứng ở phía đối diện với ông Cửu, cách chúng tôi một quãng khá xa. Bởi ông Cửu đứng gần với chúng tôi hơn nên tôi có cảm giác họ trở nên nhỏ bé hơn ông Cửu nhiều. Không biết bà Cửu có cảm nhận được như tôi hay không, bà có đôi mắt đặc biệt của loài gà, liệu rằng những gì bà trông thấy trước mắt có đặc biệt hay không?

Bà Cửu kêu tên cúng cơm của tôi ra mà bảo:

- Can Ba! Không phải là cháu không biết tính tình của ông Cửu, khi lành thì ngoan ngoãn như một con cừu, khi trở chứng thì hung hãn như một con sói. Năm ấy, mỗi khi ăn cơm cùng với ông Tứ, ông Cửu vẫn đặt khẩu súng Pặc-hoọc trên đùi của mình...