Mấy ngày sau đó Triệu Bình đến đón tôi ở trường.
“PK14 đang ở đây.”
“Thật không?” PK14 là ban nhạc của Nam Kinh tôi rất muốn xem. “Anh đùa em phải không?”
Tôi chẳng biết là có nên tin anh. Chúng tôi nhảy lên xe đạp và phóng đến chỗ ở của Mao Đầu, tay trống của ban W. “Vào đi, Xuân Thụ, và hãy chào các chú của em đi.” Anh đẩy tôi vào phòng, nơi có mấy thanh niên trẻ ngồi dưới đất ngẩng đầu nhìn tôi. Ruột gan tôi như muốn vọt ra ngòai. PK14 đúng là đã đến Bắc Kinh! Tôi chỉ biết về họ qua đọc tạp chí, nhưng tôi cũng nhận ra được Dương Hải Tùng, ca sĩ chính của ban nhạc. Anh ta đeo kính, mặc áo phông có tranh họat hình. Anh ta trông giống một anh chàng tốt bụng. Tôi nói chuyện qua loa với các thành viên của ban nhạc, rồi tìm một cớ để chuồn đi. Không khí trong phòng quá lạnh nhạt không thể chịu nổi.
Bên ngòai, tôi ngồi xổm trên bãi cỏ và đang dứt dứt những ngọn cỏ thì một cô gái bước tới và ngồi xuống bên cạnh tôi. “Cậu là fan của ban nhạc W.?” cô ta hỏi.
Lúc đó tôi không biết cô gái này là bạn của Mao Đậu, và tôi tự hỏi tại sao cô ta lại muốn biết. Sự thực là, cô ta muốn biết vì sao tôi lại đàn đúm với Triệu Bình, và nghĩ rằng có thể tôi là một kẻ hâm mộ suốt ngày theo đuôi W, và vì vậy mà tôi bám lấy ca sĩ chính của ban. Cô ta thật là lầm to.
“Không, tôi nghĩ W là một ban nhạc bình thường. Tôi không phát rồ vì nhạc của họ đâu.”
“Cậu bao nhiêu tuổi?” cô gái hỏi tôi.
“Chuẩn bị mười sáu.” Tôi tuy không muốn nhưng vẫn cứ đáp.
“Cậu quá trẻ để mà chơi bời với một anh chàng như Triệu Bình. Cậu không sợ về sau cậu sẽ phải hối hận ư?”
“Ai thèm để ý đến chuyện đó? Chẳng ai có thể đóan trước được mọi sự sẽ thế nào.” Tôi đứng dậy. Cô ta nhìn tôi, nhưng tôi không thể chắc được cô ta đang nghĩ gì.
Bạn tôi Tiểu Lan cũng sống gần đây, và tôi quyết định đi gặp cậu ta, tin rằng điều đó sẽ thú vị hơn là ở trong một căn phòng đầy những người lạ. Phòng khách của cậu ta hầu như là trống rỗng; phòng ngủ chỉ có một cái giường và một cái tủ. Cậu ta mời tôi vào, rồi lại trở lên giường. Tôi chỉ ở đó được ít phút thì đã nghe tiếng ai đó gào lên bên ngòai “Xuân Thụ! Xuân Thụ!” Tôi bước ra, và Triệu Bình nhìn chằm chằm vào tôi, rõ ràng là không vui, chẳng nói một lời nào. Tôi không hiểu vì sao anh ta lại bị chạm nọc đến như vậy. “Làm sao mà em tới đây tìm hắn ta?” cuối cùng anh ta hỏi.
“Chỉ để nói chuyện,” tôi đáp hờ hững.
“Tại sao lại không nói với anh?”
Tôi nhìn thẳng vào mặt anh ta. “Vì sao tôi phải nói với anh? Tất cả chúng ta đều là bạn – anh là bạn tôi, và Tiểu Lan cũng vậy…” Điều đó khiến anh ta chạm nọc. Anh ta chộp lấy tay tôi và bắt đầu lôi tôi trở về căn phòng thuê.
“Anh nghĩ anh đang làm cái quái gì vậy?” Tôi giận dữ hỏi. Anh nghĩ anh đang làm cái quái gì vậy hả?”
“Chúng ta cùng đi ăn,” anh ta chỉ đáp như vậy.
Chúng tôi đi bên con sông. Triệu Bình đi bên trái tôi, còn ban nhạc đi phía trước. Tôi nhìn chăm chăm xuống dòng sông, và nó nom như một quả chanh còn non nhưng đã bắt đầu thối rữa. Giống tôi.
“Em cũng kiêu kỳ ra phết đấy,” ai đó cất tiếng nói sặc mùi ghen ghét.
Tôi cười cay đắng, còn Triệu quàng tay ôm ngang eo tôi. “Nếu như tất cả những cái này làm em khó chịu, em cứ tự do mà đi – đi đi!” Tôi quay lại và bắt đầu bứơc đi, mang theo những cảm giác tuyệt vọng, chỉ muốn nhảy lên xe đạp và cút thẳng khỏi chỗ này. Nhưng tôi chỉ đi được mấy bước thì Triệu Bình đã kéo tôi lại. Thở dài và cúi đầu thấp xuống anh ta nói, “Bố khỉ, đi ăn cái đã…” Tôi nhượng bộ. Tôi là một con nhát như vậy đó. Tất cả những gì người ta cần làm là tốt bụng một tí ti cũng đã đủ để tôi quy phục. Khốn nạn cho tôi. Trong lúc bước đi, tôi nói với anh rằng tôi thích những anh chàng có cơ thể đẹp, những người đàn ông trẻ bền gan, trung thực, say mê và mạnh mẽ. Những người như vậy hoặc là những người không thành kiến với tôi. Anh thì chẳng phải những lọai như thế, anh nói. Tôi liếc anh ta. Anh nói đúng, anh chẳng phải là loại nào trong số đó. Mà giống với loại đàn ông nhỏ con teo tóp, sọm đi trước tuổi, dị hợm, một kẻ cáu bẳn về những chuyện không đâu. Làm thơ, vẽ tranh, và chơi nhạc. Anh có tất cả những nhược điểm mà một nghệ sĩ có thể mắc phải. Anh bừa bãi, dạn dĩ, đầy những mâu thuẫn, và rỗng tuếch. Vậy mà tôi vẫn còn ở cùng với anh. Tôi mới là kẻ rồ dại.
Sau bữa tối chúng tôi cùng nhau quay trở lại để tôi có thể lấy ba lô. Phòng của anh tối om om. Tôi bước vào trước, anh vào sau và khóa cửa lại. “Đ. mẹ nhà anh!” tôi nhìn chằm chằm vào anh ta.
Anh ta nhìn lại, và tôi thấy cả cái khuôn mặt ấy biến dạng méo mó. Mắt anh như xuyên qua tôi. Tôi chẳng sợ một tẹo nào, tôi nổi điên. Tôi trợn mắt lại, càng cố khiêu khích. “Nào nào, có gan thì cứ đánh tôi xem!” Tất cả những gì tôi nghe được là một tiếng rền rĩ chậm chạp, não nề. Rồi anh gục xuống sàn và bắt đầu nức nở thảm thiết. Đấy là điều mà tôi ít ngờ tới nhất trên đời này. Với áo quần tả tơi tóc tai bù xù, anh trông giống như một con vật bẩn thỉu nào đó vừa bị đánh. Tôi bị sốc. Tôi đã tưởng rằng anh sẽ phải trèo lên người tôi hay đại loại như vậy. Nhưng không, anh khóc cho đến khi anh ta bắt đầu run lên và không thể nói lên lời. Cuối cùng anh ngước lên nhìn tôi. “Mẹ…làm sao em dám nói những điều như thế về mẹ tôi? Em làm sao biết được mẹ tôi là một người phụ nữ tử tế, tốt bụng đến thế nào? Anh chẳng thà chịu để em giết, còn hơn là nghe em nói về mẹ như vậy.”
Vẻ khốn khổ trong mắt anh biến mất. Tất cả những gì tôi nhìn thấy giờ đây là sự vô vọng và tự thương thân. “Nằm xuống và nói chuyện với anh một lúc, Thụ à.” Tôi không nói gì. Gần như là tự nói chuyện với mình, anh tiếp tục, “Anh thật sự yêu mẹ anh, mẹ anh mất rồi, mẹ anh đối với người khác thật là tốt, thỉnh thỏang anh lại nghĩ đến mẹ và lại phát điên lên một tí, anh là đứa con trai duy nhất của mẹ…”
Anh bắt đầu kể lể với tôi tất cả chuyện của mẹ mình, và nếu nghe anh, bạn sẽ cho rằng bà ấy là bà mẹ vĩ đại nhất, chăm con nhất từng sống trên đời. Đẹp, tốt bụng, một người nội trợ tận tụy yêu đứa con của mình đến nỗi tự nguyện hy sinh hết tất cả sự sung sướng và hạnh phúc cá nhân của mình cho anh. Mẫu bà mẹ nông thôn cần lao đúng kiểu Trung Quốc của bạn. Khi Triệu Bình nói về chuyện bà ấy phải làm việc vất vả hàng ngày thế nào, rằng bà ấy đã không có sức để chống chọi lại với cơn trọng bệnh cuối cùng và đã mãi ra đi, tất cả những tôi có thể nghĩ đến là, vậy thì tất cả những lúc như thế cha anh đang ở đâu? Ông ta đang làm gì? Ung dung giương mắt ra nhìn bà vợ qua đời ư? Ông ta không buồn bận tâm khi thấy vợ mình ốm nhưng từ chối không chịu mua thuốc để lành bệnh? Nhưng Triệu Bình thì chẳng thấy như vậy. Hoặc giả là anh ta chưa bao giờ nảy ra ý nghĩ như vậy. Anh ta nói cha anh ta là người nông dân chính trực nhất, tử tế nhất trong làng và rằng anh ta là đứa con thứ hai của cha anh và là đứa mà ông ta tự hào nhất.
“Bà ngọai anh gọi mẹ anh là ‘Cần Cần’ vì từ khi còn bé tí mẹ đã làm việc đầu tắt mặt tối mà chẳng hề kêu ca, một đứa trẻ gương mẫu. Chưa bao giờ trong đời mẹ đòi hỏi một điều gì, và mẹ chưa bao giờ hỏi mượn đến một đồng xu, kể cả để mua thuốc khi mẹ đang ốm nặng. Mẹ đối xử với người khác đều rất nồng hậu; mẹ chưa bao giờ ngồi lê đôi mách với những người khác, mẹ chưa bao giờ để mất bình tĩnh. Cái ngày mẹ ra đi, cả làng đều khóc. Đêm đó anh ngủ trên mộ mẹ, và sau đó anh viết tặng mẹ một bài thơ. Anh gọi nó là ‘Một đêm bão giông tháng Năm’.”
Đêm đó, cuối cùng chúng tôi đã lặng lẽ làm tình với nhau, rồi anh ta đưa tôi đến thôn Trung Quan, từ đó tôi đạp xe về nhà một mình. Trên đường đi các ý nghĩ của tôi ngổn ngang trăm mối. Tôi biết anh ta chẳng hợp với tôi và đây chẳng phải là tình yêu. Tôi chỉ không biết làm sao để dứt được nó ra.