Chuyến xe lửa đầu tiên hú còi chạy ngang qua nhà trong lúc tôi và dì Hạnh đang ăn sáng. Bữa ăn đượm một chút buồn như hương khói cà phê đang bốc lên. Tôi nhìn thấy vệt đèn pha sáng quắc của đầu máy xe lửa quét lia một khoảng bóng tối. Những đỉnh cây, những cái mái nhà lóng lánh sáng, rồi chuyến xe lướt qua, tiếng máy dập dình một lúc. Xe qua khỏi, tôi nói với dì Hạnh:

- Nếu dì đi xe lửa, dì đã đi qua khỏi rồi.

- Đi bây giờ chắc lạnh lắm.

Dì vừa ngó vừa mím môi, ngó tôi, một nụ cười nở ra. Đôi môi dì Hạnh không thoa một tí son nào nhưng vẫn đỏ hồng. Gương mặt dì sáng long lanh dưới bóng đèn và trông mát như buổi sáng pha đầy sương. Mái tóc dì Hạnh chảy xuống một khoảng lưng. Hôm nay dì Hạnh mặc chiếc áo dài màu tím than, cổ tay dì trắng như những cái hoa sứ trắng nở ngoài vườn. Tôi nhìn làm dì ngượng. Dì quay đi, rót nước nóng vào cà phê. Tôi nhắc:

- Dì có mang theo đồ nhiều không, đi ít ngày cũng mang theo chứ?

- Một cái túi xách đựng mấy bộ quần áo và mấy cuốn sách cần học.

- Dì đi chuyến mấy giờ?

- Sáu giờ ruởi.

- Lúc đó mặt trời vẫn chưa lên.

- Dì thích đi như vậy.

Tôi buông thõng:

- Hình như ai cũng đều thích đi như vậy hết. Những chuyến xe trong buổi sáng sớm có một cái gì mơ màng đối với đời sống quá hiển nhiên.

Dì Hạnh cười:

- Đông ở nhà mấy bữa nhớ làm thơ cho dì đọc nghe. Lúc này thấy Đông vui.

- Gần thi, buồn là cầm chắc cái rớt. Đông không thích rớt trong khi mấy thằng bạn đều có tên trên bảng vàng.

- Đông có gặp Thục?

- Có.

- Thục có biết dì đi ít hôm chứ?

- Hình như biết.

- Đông nói?

- Hình như vậy.

- Hai người vẫn thân thiết với nhau?

- Hình như thế.

Dì Hạnh cười lớn tiếng:

- Coi chừng. Dì sắp mất hai người thân. Một đứa là bạn và một người bà con.

- Tôi cũng cười, trêu lại dì:

- Không chừng thi xong Đông mất dì. Lại phải tốn tiền mua quà cho một người về nơi xứ lạ.

- Ai về xứ lạ?

- Còn ai vào đây nữa, dì theo chồng về nơi xứ lạ.

Dì Hạnh đỏ mặt, uống vội ngụm cà phê để đỡ ngượng. Dì lắc đầu quầy quậy:

- Dì còn đi học, đi học hoài, không lấy chồng đâu.

- Nhưng người ta sẽ dẫn dì đi lúc nào không hay. Đối với Đông con gái không cần học cao. Học cao trông con gái kỳ lắm, chỉ cần học vừa vừa, thông minh, hiểu biết một chút là được.

- Dì chưa được một trong những cái mà Đông thích. Dì chưa lọt mắt xanh của ai hết.

Tôi cười, uống cà phê sửa. Ly cà phê buổi sáng hôm nay uống ngon lạ lùng.

- Thục có tới chơi, Đông nói chờ dì đi SaiGòn về sẽ có quà. Dì đi bất ngờ không nói trước được, Thục đừng giận nhé.

- Đông sẽ nhắn lại đầy đủ lời dì.

Dì Hạnh bỗng ngó tôi cười:

- Mà bây giờ Thục đâu có nhớ Hạnh nữa mà giận. Thục chỉ nhớ một người. Giận người khác, dì đã ra đứng ngoài lề rồi, buồn chết được.

Biết dì trêu, tôi vẫn tỉnh nói:

- Chắc Thục không giận dì đâu.

- Còn Đông, thích quà gì?

- Uống dùm nước mía Viễn Đông. Nước mía nó ngọt lắm, ngọt như mật.

- Uống dùm mấy ly?

- Năm ly.

- Biết tại sao nước mía ấy ngọt không?

- Không, Đông uống từ nhỏ, bây giờ không làm sao nhớ nổi.

Dì Hạnh cười:

- Vì các cô học trò Trưng Vương về, mỗi buổi trưa trời nắng ghé Viễn Đông uống nước mía. Những cặp mắt ấy ngọt, những đôi môi ấy ngọt phải không Đông?

Tôi cười, dì Hạnh chiên trứng thật ngon, những mẩu bánh mì nguội được dì nướng lại, vừa thơm lại vừa dòn. Bữa ăn sáng trong hơi lạnh, và một người sắp ra đi. Chuyến xe sáu giờ rưỡi sáng. Dì Hạnh đi rồi về, nhưng không hiểu sao tôi hơi buồn, như có một cuộc tiễn đưa. Dì Hạnh dọn dẹp bàn ăn. Tôi ngồi yên lặng lắng nghe tiếng gió bên ngoài. Tiếng gió rít trong buổi sáng sớm mơ hồ, buốt lạnh hơi heo may. Dì Hạnh bảo:

- Sẽ mua quà cho Đông.

Tôi bật cười, đứng lên đi ra ngoài thềm, bóng tối vẫn còn đầy ngoài vườn cây. Những con chim thức sớm kêu líu lo trên cây lá. Hương hoa thơm ngát dưới thềm. Lúc tôi quay vào dì Hạnh đã dọn dẹp xong. Dì đang ngồi trong ghế với cái xách để dưới chận Tóc dì cột bằng một mảnh vải màu có hoa trắng lớn. Dì ngồi yên lặng chờ giờ ra bến xe. Tôi đi loanh quanh chỗ ngồi của dì một lúc. Tôi nói:

- Nghe nhạc chứ?

Dì Hạnh gật đầu. Tôi mở máy. Tiếng hát vút lên, lướt đi, như hơi gió sớm. "Ai lướt đi ngoài sương gió, không dừng chân đến bên em bẽ bàng..."

Tôi tới ngồi xuống bên chiếc ghế đối diện với dì Hạnh. Dì nói:

- Bản nhạc buồn quá Đông nhỉ?

- Dì thích?

Dì gật đầu:

- Nhạc hay là nhạc buồn, luôn luôn là những bản nhạc buồn.

- Cũng như những bài thơ.

Dì ngó cái bình hoa trên mặt bàn đã không còn cành hoa nào. Dì nói:

- Đông ở nhà thay hoa nhé.

- Hoa gì?

- Hoa ở ngoài vườn nhà mình. Để chiếc bình trơ trọi trông buồn quá. Bây giờ còn sớm mà dì sắp đi, không thôi dì ra vườn hái hoa vào cắm. Chiều hôm qua Đông không nhắc dì.

- Đông không để ý.

- Vậy thì ráng tìm hoa mà cắm vào đi, đừng có lười biếng như vậy.

Tôi cười, dì Hạnh cũng cười. Đồng hồ trên tường gõ đều như những tiếng chuông. Dì Hạnh bảo:

- Đi vừa rồi Đông ạ.

- Dì lạnh không?

- Không?

- Tưởng dì cũng nên mặc áo ấm ra bến xe. Buổi sáng sớm sương có vẻ nhiều, lạnh lắm đấy.

- Không ăn nhằm gì, mặc áo len mùa này người ta cười.

Tôi nhớ tới những ngày cận tết. Học trò con gái tỉnh lỵ ai cũng mặc áo len. Buổi sáng đi học, áo len đủ màu sắc làm rực rỡ những con đường có nhiều cây lá xanh. Dạo đó trời lạnh, bầu trời ngả thấp, hiu hắt những cánh én từ xa bay về sửa soạn cho một mùa xuân êm đềm. Học trò con gái diện áo mới. Dì Hạnh và Thục cũng có áo len. Ngày xưa đó, tôi đã đứng nhìn Thục trong chiếc áo màu xanh đậm nổi bật trên những cái hoa giấy đỏ trước cổng nhà những hôm Thục tới rủ Hạnh đi học. Những người con gái gần tới Tết trông bàng bạc một thứ mây trời, hai má chín ửng màu hoa đào, và đôi mắt long lanh, tóc buông dài đen mượt như suối chảy.

- Đi chứ, mơ mộng gì thế.

- Mơ mộng gì đâu.

- Sao ngẩn người ra thế.

Tôi cười, dắt xe ra cổng. Dì Hạnh đi theo phía sau. Tôi lắng nghe thấy tiếng chân dì bước nhẹ trên sỏi.

- Lạnh quá Đông nhỉ?

- Đã bảo mà.

- Hôm nay sương nhiều, chắc ướt hết cả cỏ. Lạ thật, chưa tới tết mà sao giống Tết quá.

- Sắp sửa mùa thu, thời tiết thay đổi một chút.

- Và một chút đó thôi cũng tha hồ cho Đông làm thơ.

Ra đường, dì Hạnh khép cánh cổng lại, rồi dì ngồi phía sau, cái xách của dì tôi móc vào tay cầm xe. Đèn đường hiu hắt đổ dài xuống mặt nhựa. Bóng tôi và bóng của dì Hạnh nhỏ bé, cụt ngủn, thu ngắn trên mặt đường.

- Đông xem phòng thi giúp dì nhé.

- Ở đâu?

- Hùng Vương.

- Còn Thục?

- Hình như Tiền Giang.

- Phòng dì số mấy?

- Số 6.

- Vần H và T gần nhau sao hai người lại khác trường nhỉ, Đông cứ đinh ninh là hai người thi cùng một trường chứ.

- Dì nhớ số phiếu báo danh của Thục không?

- Dì có biên, nhưng quên, không nhớ được. Đông tới Thục hỏi đi.

- Ai hỏi thế, quê chết.

- Quê gì mà quê.

Bờ hồ buổi sáng sớm cỏ xanh mướt lóng lánh sương. Một chút ánh sáng đã xua đuổi bóng tối. Và mặt hồ phẳng lặng như láng bạc. Gió từ hồ thổi lên mát lạnh, không có sương mù giăng trên hồ nhưng lại đổ đầy trên mặt đất, mặt cỏ. Qua khỏi hồ tới bến xe, dì Hạnh đi xe nhỏ. Những chiếc xe du lịch hiệu Minh Chánh sắp thành hàng dài với nhau. Tôi mua vé xe cho dì Hạnh xong, đứng nói chuyện với dì chờ giờ xe chạy.

Con sông chạy cặp khu bến xe. Phía bên kia là vườn cây ăn trái. Những đống đá xanh cao ngất của một công trường xây cất nào đó che lấp hết một khoảng sông. Những cơn sóng buổi sáng đầu gió đánh ầm ì vào bờ. Dì Hạnh co hai vai lại, mím môi nói:

- Lạnh ghê.

- Đứng xích vào trong này một chút tránh gió.

Dì Hạnh xích vào trong. Tôi châm một điếu thuốc hút cho ấm. Dì nói:

- Đông bày đặt hút thuốc, lại hút nhiều nữa.

- Con trai không hút thuốc yếu lắm. Thục nói thế đấy.

- Và Đông bèn hút thuốc?

Tôi cười:

- Đông lớn rồi chứ bộ. Con trai lớn phải biết một tí. Không biết người ta chê mình công tử sửa. Cái tên nghe không hay ho tí nào.

- Nhưng hút thuốc nhiều quá có hại.

- Đông chỉ hút được thuốc nhẹ.

- Rồi mai mốt Đông ghiền, Đông sẽ hút thuốc nặng. Tay Đông vàng khói thuốc, môi Đông thâm đen, phổi Đông lủng từng lỗ nhỏ.

- Vào nhà thương nằm lo gì.

Dì Hạnh nhăn mặt, không hiểu vì lạnh hay vì câu tôi nói. Những người phu khuân vác của bến xe làm việc trong sương mờ, trong ánh sáng chập choạng của một ngày đầu ló dạng. Họ di chuyển loáng thoáng bằng những cái bóng đen. Tôi bỗng yêu không khí của bến xe, của những chuyến xe chờ giờ khởi hành.

- Thích ghê, phải chi Đông được đi với dì.

- Đông phải ở nhà.

- Khóa cửa.

- Tụi trẻ con nó qua phá hết.

- Đùa chứ Đông không đi đâu. Đứng ở đây nhìn dì đi thích hơn. Người đi có buồn?

- Một tí.

- Sao trông dì như sắp khóc?

- Hồi nào, Đông xạo thấy mồ.

Tôi cười, dì Hạnh cũng ngây thơ dụi mắt mình. Không có nước mắt, nhưng trông mắt dì Hạnh thật buồn. Dì nói:

- Dì thích tỉnh lỵ hơn Sài Gòn.

- Sợ rồi dì sẽ theo người ta về Sài Gòn.

- Lại nói ẩu nữa.

Tôi thở một hơi khói tròn, nhìn khói bay tỏa lên trần nhà đợi của hành khách. Mọi người lên xe. Ông tài xế bóp kèn tin tin vang cả bến, làm rộn rã cả buổi sáng yên lặng. Tôi bỗng nhớ ra và chạy vội đi mua cho dì Hạnh một lọ dầu. Tôi đứng bên cửa xe nói chuyện với dì cho đến lúc xe chạy đi. Dì Hạnh cười như mếu.

Tôi đạp xe quay về nhà, nghe tiếng nhạc ở trong, tôi mới nhớ lúc đi quên tắt máy. Tôi vào ngồi ở ghế tưởng tượng ra căn nhà sẽ vắng dì Hạnh ít nhất là ba ngày. Tôi phải đi ăn cơm tiệm. Hay tôi tới nhà Khôi ăn nhờ. Tôi bắt đầu bối rối. Nhà vắng quá. Dì Hạnh vừa đi như là đã đi lâu, đi không về. Tôi đi loanh quanh, hết ngoài thềm rồi vào trong phòng chờ sáng. Đến khi tiếng chim kêu nhiều ngoài cây và nắng ửng một chút trời tôi biết trời đã sáng hẳn. Tôi ra vườn cắt hoa theo lời dì Hạnh. Tôi chọn hoa lung tung, thấy cái nào đẹp tôi cắt. Được thật nhiều tôi mới mang cắm vào bình rồi ngồi nhìn. Tôi có ý định sẽ biên một bức thư cho Thục ngay trong buổi sáng nay. Hàng nhạc ngựa bắt đầu reo bên ngoài, và chuyến xe lửa thứ nhì cũng là chuyến cuối cùng vừa rời tỉnh. Tôi nghe tiếng máy nổ, lướt qua nhà rồi mất hút.

Tôi lên phòng ngồi vào bàn viết thư cho Thục. Nhưng bức thư chỉ ghi được ngày tháng và một chữ "Thục mến" rồi tôi thấy ngại ngùng. Nói chuyện thì nói gì cũng được Thục nghe, hay không nghe cũng chả ăn nhằm gì, nhưng biên thư mà Thục không nhận thì tôi quê chết, có nước bỏ trường mà đi, bỏ tỉnh mà trốn. Tôi ngồi nhìn qua cửa sổ thấy nắng lên ấm áp trên các lá cây xanh, trên mái nhà, trên những sợi dây điện. Tôi cũng thấy ấm áp trong lòng một chút. Dù sao Thục cũng đã hiểu tình cảm của tôi đối với Thục. Bây giờ là lúc tôi phải yên lặng, càng yên lặng càng tốt. Có nên chăng? Tôi lo sợ tiếng nói của mình quá chậm. Thục nghe người khác nói như thế rồi. Và Thục có bồ. Tôi tưởng tượng ra cảnh bồ Thục dắt Thục đi ciné, đi ăn kem, đi dạo, hẹn hò trong công viên gặp tôi chắc tôi ngượng và xấu hổ lắm. Tôi nghe đau nhói trong trái tim mình. Tôi yêu Thục thật? Chắc là thật đứt đuôi rồi. Bây giờ tôi thấy nhớ Thục. Nhớ lại hồi đêm ngồi với Thục trên băng đá công viên, nhớ lúc chở Thục về. Nhớ bóng Thục băng qua bóng cây vào nhà. Nhớ con đường thơm ngát như hương của một thuở ban đầu biết yêu người. Thấy tình yêu của mình làm mềm cây lá, mềm trời đất.

Nắng đã lên cao bên ngoài vườn. Hàng nhạc ngựa bắt đầu reo trong gió sớm. Một ngày đẹp trời, mây ở cao trên đầu, xanh biếc. Cuối cùng tôi bỏ dở bức thư, tới đứng bên cửa sổ, nhìn nắng lên mang theo hương đất và sương khói bốc. Tiếng chim hót nhiều trong cây lá, tiếng hót gợi lên những tình cảm êm đềm. Tôi cũng êm đềm nghĩ tới Thục. Tỉnh lỵ chứa chan những ngày tháng mới, những con đường, những góc phố, những khoảng sông, rồi cũng sẽ rộn ràng một thứ tiếng hát chỉ có hai người nghe thấy. Hiểu được và say sưa. Tôi và Thục. Tình yêu vừa chớm nở, vừa bắt đầu. Thời gian êm êm trôi, vỗ nhẹ vào lòng như tiếng sóng. Còn hai tuần nữa tôi đi thi. Tôi nhớ ra điều đó trong sáng hôm nay. Và dù sao tôi cũng thấy một chút e ngại. Tôi trở vào soạn lại một số sách, thấy có nhiều cái mình chưa ngó đến. Tôi cười, trên những trang sách mới tinh tôi thấy loang loáng bóng Thục. Tôi sẽ ôn lại bài và sẽ đến trường với một chút yên tâm. Tôi mang một quyển sách ra ngoài bao lơn, bắt ghế sích đu nằm đọc nhẩn nha. Những cánh mây bay qua những trang vở, những cánh mây trong bầu trời sáng hôm nay đẹp quá.

Tiếng chuông reo làm tôi giật mình. Tôi đứng bật dậy nhìn ra cổng thấy Khôi đang đứng đợi. Tôi chạy vội xuống mở cổng cho Khôi. Tôi mời nó vào nhà. Khôi hỏi:

- Không đi đâu à?

- Coi nhà.

- Còn Hạnh đâu?

- Đi Sài Gòn ít hôm.

- Ở nhà một mình?

- Một mình.

Tôi bật cười bảo Khôi:

- Chứ với ai mà không một mình.

- Buồn chết.

- Không những buồn mà còn sợ đói nữa. Đang nằm lo không biết trưa nay ăn cơm đâu. Chắc là ra tiệm.

Khôi ngó quanh quất, đùa:

- Sợ ma không?

Tôi cười. Hai đứa nói chuyện trên lối đi thay vì vào nhà. Khôi di di chân mình trên sỏi. Tôi hỏi:

- Đi đâu sớm vậy?

- Buồn, định tới rủ mày đi lòng vòng.

- Thì đi, có gì để không đi được đâu.

- Mày học bài hết chưa.

- Còn vài môn chưa học, nhưng không sao. Thức khuya vài đêm là xong.

- Có đứa đã thảnh thơi rồi đó, mình như vậy là hơi bê bối.

- Thi đậu mày làm gì, Khôi? - Tôi hỏi.

- Học nữa.

- Dĩ nhiên nhưng tao muốn hỏi đời sống có gì khác, tình cảm sẽ có gì khác.

- Chắc vẫn vậy.

- Tao mơ hồ thấy rồi sẽ đổi khác nhiều. Nhiều chứ, tao không nói rõ được, nhưng cảm thấy như vậy.

- Còn rớt?

- Đậu hoặc rớt, cũng là một chuyện thay đổi. Vui hay buồn, thế thôi.

- Mong đừng đứa nào rớt.

- Mày chờ tao một chút.

Tôi vào lấy xe, mặc bộ đồ mới. Rồi trở ra. Tôi ngạc nhiên thấy lần đầu tiên trước khi ra phố tôi mới để ý đến cách ăn mặc, nhất là chải tóc. Ngày xưa tôi không để ý tới. Đi là đi. Tóc tai như thế nào mặc kệ, chỉ cần đưa bàn tay lên vuốt một cái, năm ngón tay thay chiếc lược gỡ tóc. Bây giờ tôi đã khác, Khôi ngó tôi:

- Diện dử.

Tôi cười, huýt sáo. Hai đứa dắt xe ra cổng. Tôi khóa cổng lại bỏ chìa khóa vào túi. Hai đứa lên xe và đạp đi. Tôi hỏi Khôi:

- Đi những đâu?

- Đi lòng vòng một chút đã, rồi tính. Mày còn tiền ngồi quán.

- Còn, một ít.

- Thế được rồi. Tao cũng muốn hút thuốc. Việc trước tiên mày mua một bao thuốc mới, một hộp diêm đầy.

- Sẽ có.

- Rồi tao nói cho mày nghe một chuyện.

- Quan trọng?

- Có vẻ như quan trọng.

- Của mày?

- Tình cảm của tao thì đúng hơn.

Tôi cười:

- Vấn kế, nhờ tao gỡ rối tơ lòng hả? Đừng hy vọng gì nhé. Bởi vì tơ lòng của tao cũng đang rối bời mà không biết làm sao gỡ ra đây.

- Không, tao muốn tâm sự một chút với mày. Hai đứa nghe, biết rồi bỏ qua, mình còn mấy ngày thi sắp tới. Và ít nhất một năm nữa để ra khỏi trường. Sau đó hoặc còn ở đây hay đi nơi khác.

Hai đứa đi lòng vòng ra công viên. Khôi bảo tôi đứng chờ nó đi mua bao thuốc rồi trở về. Tôi nói:

- Bao thuốc trong túi tao còn.

- Đợi vào quán hãy khui bao mới.

Tôi và Khôi đứng hút thuốc giữa những người đi dạo buổi sáng trong công viên. Hôm nay trông Khôi có vẻ đứng đắn, quan trọng và gương mặt đượm buồn. Tôi và nó thân nhất trong lớp. Chuyện tôi nó biết, chuyện nó tôi cũng biết.

- Xuyên nó nhắc mày hôm qua, mày còn nợ nó cái gì phải không?

Tôi cười:

- Không nhớ được, nhưng sắp trừ được nợ rồi. Mai mốt đợi dì Hạnh về.

- Nó là bạn của con Hiền đấy, mày liệu mà giữ hồn.

- Hiền, em của Thục?

- Còn giả vờ hỏi nữa, mất hồn chưa bạn?

Tôi cười:

- Thế thì tao phải có quà cho Xuyên mất rồi. Chết cha, từ trước giờ tao đâu có biết, ăn nói bậy bạ quá, nó học lại con Hiền, rồi nhỏ này học lại chị nó. Chết tao.

- Hiền vẫn ghé nó chơi hoài.

- Sao không nói với tao?

- Chuyện của mày ai mà biết được. Tôi đấm Khôi:

- Mày xạo, định hại tao thì nói.

- Coi bộ mày luống cuống dử. Thục nó nghiền nát trái tim mày ra trăm mảnh chưa?

- Chưa.

- Liệu mà đi bọc sắt trái tim thì vừa. con gái khôn lắm mày à.

Kim chở Uyển từ đâu chạy tới ngang trước mặt tôi và Khôi thì thắng xe lại. Chiếc xe solex thắng gấp, bánh chao đi như sắp ngã. Kim cười, tắt máy hỏi:

- Hai ông làm gì đứng đây? Ngắm màu áo nào?

- Đừng hiểu lầm.

- Không đứng ngắm các cô đi đò bên sông qua chứ ngắm ai, ngắm cây cối à?

- Ngắm cây cối, cũng thơ mộng chán. Cần gì phải ngắm các cô học trò?

Uyển nheo mắt:

- Thục đâu anh Đông?

- Thục ở nhà Thục.

- Trả lời thế mà cũng trả lời. Anh Đông quê một cục.

- Chứ biết trả lời sao bây giờ, làm như người ta bỏ Thục trong túi áo.

- Biết đâu.

Khôi hỏi:

- Còn hai cô, đi đâu đây?

- Tụi này vừa mới ăn phở chân cầu xong. Đi lang thang.

- Sướng nhỉ?

- Hơi sức đâu mà buồn như anh, chỉ khổ thân.

- Sao biết người ta buồn?

- Mắt anh khói bốc lên nghi ngút thế kia, dấu sao được.

- Nói ẩu, có rảnh đi uống cà phê với tụi này. Tôi mời. - Gì chứ ăn uống lúc nào tụi em cũng sẵn sàng.

Tôi cười:

- Uống thôi, chứ không có ăn. Tới cà phê Thủy đi.

- Uống chịu hả?

- Trả tiền đàng hoàng, yên tâm.

Kim và Uyển cười rúc rích. Tôi và Khôi lấy xe chạy theo xe Kim. Bốn người vào quán chọn chiếc bàn gần quầy của Thủy. Kim ngó tôi nheo mắt nói:

- Hôm nay Thủy ngồi "két", tha hồ cho anh Đông thiếu nhé.

Thủy chạy ra, ba người con gái quay nói chuyện với nhau. Chuyện dòn như bắp rang.

Trong lúc tôi và Khôi ngồi yên lặng hút thuốc. Một lúc Thủy mới nhớ ra, quay lại hỏi:

- Ấy chết, quí vị uống gì?

Khôi cười:

- Tôi chết khát nãy giờ rồi.

- Xin lỗi anh Khôi nhé, mải lo chuyện nên em quên.

- Một mình tôi sao, còn tên kia nữa chứ?

Thủy bẽn lẽn:

- Xin lỗi luôn Đông, kỳ quá, anh Khôi cứ trêu người ta.

Khôi bảo:

- Thôi, ngượng làm gì cô chủ quán, cho tôi ly cà phê sữa đá đi, nhiều nhiều nước đá, đập nhỏ ra nhé. Còn hai cô kia uống gì. Đông nữa.

Tôi nói:

- Cà phê sữa đá.

Kim gật đầu:

- Kim và Uyển cũng thế.

- Chờ một chút, các bạn nhé.

- Yên chí, cô chủ dễ thương.

Thủy ngượng bỏ chạy đi. Kim nhăn mặt:

- Nhỏ Thủy để nhạc quê ba cục. Thay băng khác đi Uyên.

- Biết thay gì bây giờ.

- Ta đi thay cho.

Kim vào trong, băng nhạc được ngắt giữa chừng để Kim thay băng khác. Kim trở ra, tươi cười:

- Nghe được không quí vị, toàn nhạc êm dịu. Vừa uống cà phê vừa nghe, rất thích.

- Kim có tài quảng cáo. Mai mốt đi theo quảng cáo sơn đông chắc đông khách hàng chiếu cố lắm.

Kim nguýt tôi bằng đuôi mắt dài. Thủy mang cà phê ra. Bốn chiếc phin và bốn cái ly sẵn đá. Cà phê đang nhỏ từng giọt xuống. Khói quyện thơm thơm. Tôi khui bao thuốc mới, Khôi hút liên miên. Có hai cô gái nên cà phê không nói chuyện gì được với tôi. Khôi bảo để về nhà. Thủy cũng ngồi xuống nói chuyện với chúng tôi về chuyện thi cử. Cả ba đều mong ngày bãi trường. Tôi chợt nhớ ra mùa hè vẫn còn. Những cành phượng vẫn còn đỏ một cách vô tình trong trí nhớ tôi.

Khôi bảo:

- Còn mùa hè thì sao?

Kim cười, cắn chiếc muỗng bao cà phê:

- Anh Khôi ngủ mơ chắc.

- Lúc nào mà chẳng ngủ mơ, đời là một cơn mơ dài mà.

Cả bọn cùng cười. Tôi lấy đá bỏ vào ly cho Kim và Uyển. Những viên đá nhỏ tan rất nhanh. Tôi nói với Thủy:

- Cho thêm đá chứ cô chủ quán.

- Có ngay.

Uyển nheo mắt:

- Nhưng anh đừng có "đá" người ta đấy nhé.

Tôi lườm Uyển:

- Giữ mồm giữ miệng một chút. Ăn nói như thế có ế chồng thì đừng có khóc.

- Ai thèm, yêu thương chi cho khổ. Để người ta yêu mình thôi, trong khi mình tỉnh bơ đá lông nheo với người khác, thảnh thơi và vui vẻ hơn.

- Nghe cô ăn nói thấy mà ghê.

- Thục của anh bộ không ghê sao, làm như chỉ có mình Thục là hiền.

Kim chanh chua:

- Phải rồi, khi người ta phải lòng nhau người ta đều hiền cả. Những người dữ không có tình yêu.

Khôi nói:

- Có chứ, phải có thêm hai cái búa chẻ củi nữa.

- Anh không có búa nên Nhàn của anh bay mất.

Uyển trêu:

- Con sáo sang sông rồi.

- Con sáo sổ lồng rồi, anh Khôi chắc đang cần một tạ gừng.

Tôi bảo:

- Đừng động chạm tới tình cảm riêng tư của người ta chứ. Đừng nên đùa trên nỗi đau khổ của người khác.

- Anh Khôi sức mấy mà đau khổ, anh chỉ đau khổ giả vờ.

- Thật hay giả vờ người ta cũng đang đau khổ.

- Thật thì được, giả vờ không thể tha thứ được. Đau khổ cho đến chết mới thật sự yêu thương nhau.

Khôi thở dài não ruột:

- Tôi đang chết đây.

- Chết vì một người khác thì có.

- Ai thế Kim?

- Suỵt, bí mật, chiều ta nói cho mi nghe. Chỉ có mình khám phá ra thôi.

Tôi ngạc nhiên đưa mắt nhìn Khôi. Kim cười:

- Anh Đông cũng mù tịt luôn. Chuyện này anh thua Kim rồi. Anh Khôi muốn giữ bí mật thì hối lộ nhỏ này đi, không thôi anh khó làm ăn à.

Khôi cười:

- Không sợ, chả có gì hết.

- Rồi anh đừng hối hận nhé.

- Cho Kim dọa suốt năm luôn.

Thủy nói:

- Thủy chả hiểu gì hết.

- Uyển cũng mù luôn.

Tôi đang lắng nghe một đoạn nhac. Nhạc ở đây không chọn lọc. Có những bản khá xen vào đó có những bản quá tồi. Tôi thích nghe nhạc ở nhà, trong phòng khách lúc đêm thật khuya và tắt hết đèn. có một lần dì Hạnh suýt chết giấc vì không ngờ có tôi đang ngồi trong bóng tối. Khi dì bật đèn lên thấy tôi ngồi lù lù trong ghế rộng, dì kêu thét lên. Tôi hoảng hồn chạy tới đỡ cho dì khỏi té xỉu. Dì Hạnh nghe nhạc bằng một bóng đèn nhỏ, vàng, đủ soi bóng dì trong đêm tối. Dì thường nằm trên ghế dựa, đọc một đoạn sách, vừa nghe nhạc. Nghe nhạc ở đây không thích thú chút nào. Nhưng tôi vừa nghe được một đoạn nhạc hay. Khôi nói:

- Trưa nay nhà nào còn dư cơm cho Đông nó ăn nhờ một bữa.

- Bộ dì Hạnh bỏ đói à?

- Không, Hạnh đi Sài Gòn.

Kim tròn mắt:

- Ủa, đi Sài Gòn gì bất tử vậy, bao giờ Hạnh về, anh Đông?

- Vài hôm.

- Rồi anh đi lang thang à?

Khôi bi thảm giùm tôi:

- Nó không có cơm ăn, áo mặc. Ai dám nuôi nó không?

Uyển ngó Thủy:

- Chắc chỉ có Thủy là đầy đủ can đảm đó.

- Tôi không uống cà phê sữa trừ cơm đâu đấy nhé.

Cả bọn phá ra cười làm Thủy ngượng cứng không nói được lời nào, Uyển nói:

- Anh Đông không nấu cơm được mà ăn sao. Năn nỉ tụi này đến nấu cho, nhưng anh đi chợ.

- Anh Khôi nữa, hai người xách giỏ đi chợ thì tụi này tới nấu cơm liền, tình nguyện và vui vẻ để đức lại cho con cháu.

Khôi cười:

- Đồng ý, thử coi ai can đảm hơn ai.

- Bằng lòng không Uyển, cả Thủy nữa.

Uyển nói:

- Bằng lòng, anh Đông với anh Khôi thua là cái chắc. Hai anh xách giỏ đi chợ, ngày mai cả tỉnh đều biết. Thủy đồng ý đi Thủy, mình thắng là cái chắc.

Thủy e thẹn, nhìn tôi nói:

- Thủy thua trước, ngượng lắm.

- Vậy thì để hai đứa này, nhưng kẻ thua phải mất cho người thắng cái gì?

- Một chầu kem, một chầu cine?

- Ít lắm.

- Thôi đừng có đùa, lỡ mình thua thật thì khổ.

- Mày không dám đi chợ à?

- Dĩ nhiên là dám, nhưng tao sợ gặp mấy con nhỏ quen bán thịt bò. Nó cười bể chợ.

- Khôi cũng chợt nhớ tới đứa em gái của Nhàn cũng có một sạp hàng trong chợ. Khôi đành chịu thua:

- Thôi, chịu thua trên nguyên tắc. Con trai không nên xách giỏ đi chợ, nhiệm vụ thiêng liêng đó là của con gái. Con trai không nên xía vô, chỉ nằm ngủ chờ đánh thức dậy ăn thôi.

Uyển cong môi:

- Vậy anh Đông chịu khó ăn cơm tiệm chờ ngày Hạnh về.

- Kim bảo:

- Đề nghị anh Đông tới nhà một người.

Uyển ngó Thủy, rồi thúc vào hông Kim nói:

- Không nên nói ở đây, nguy hiểm.

Bốn ly cà phê cạn khô. Thủy vào trong mang ra một bình trà. Nhưng Kim và Uyển đứng lên xin về trước. Tôi và Khôi còn ngồi lại. Thủy bỏ vào ngồi trong quầy. Khôi nói:

- Thủy có vẻ buồn.

- Biết làm sao bây giờ?

- Mày cũng nên nói gì cho tao còn tới đây uống cà phê thiếu nợ chứ?

Tôi cười:

- Đời là một nỗi buồn lớn mà.

Tôi nhìn Thủy, nàng quay vội đi tránh cái nhìn của tôi. Đôi mắt Thủy buồn quá, cái dáng ngồi cũng buồn. Thủy chỉ dám nói chuyện với tôi khi có đông đủ bạn bè. Một mình Thủy không dám nói gì hết. Và tôi cũng không có gì để nói với Thủy. Tôi thở dài. Khôi bỗng nói:

- Bây giờ nói mày nghe chuyện tao. Lúc nãy không nói được.

- Nói đi.

- Mày sẽ không ngờ.

- Nói đi, dĩ nhiên chuyện bất ngờ rồi, nếu tao biết thì đâu có cần mày nói.

Khôi ngần ngại một lúc rồi mới nói:

- Phiến vừa biên thư cho tao, một bức thư đầy tình cảm. Tao bối rối quá, mày thấy thế nảo

- Nội dung bức thư?

- Đại khái Phiến chia buồn chuyện tao với Nhạn Nhưng đó chỉ là một cái cớ. Phiến nói rất quí mến tao, từ lâu, từ trước khi có chuyện tao với Nhạn.

Phiến cũng được, tội gì mày phải đau khổ với Nhạn. Người đi qua đời tôi rồi.

- Tao đang phân vân một chuyện.

- Chuyện gì?

- Ẩn.

Tôi chợt nhớ tới Ẩn:

- À, rắc rối nhỉ?

- Vì thế, tao chỉ nói cho mày nghe biết rồi bỏ qua. Tao không muốn Ẩn buồn, tình bạn đáng quí, đáng giữ hơn.

- Nhưng mày không thể làm gì khác hơn được, mày cũng quí mến Phiến vậy?

- Dĩ nhiên.

- Thế, làm sao tránh được. Chuyện tình cảm mà.

Khôi dụi thuốc, uống một ngụm nước trà, buông thõng:

- Thôi, bỏ qua, kỳ thi này tao phải đậu.

Tôi không biết khuyên Khôi thế nào. Tự nhiên rồi gần kỳ thi đứa nào cũng dính vào chuyện tình cảm. Tôi cũng vậy, kỳ thi này tôi phải đậu. Tôi vừa thoáng thấy bóng mẹ tôi. Đôi mắt hiền từ của bà, gương mặt khắc khổ ấy. Tôi rớt, người buồn nhất có lẽ là mẹ tôi.

- Tao cũng vậy, tao cũng phải đậu. Rớt mẹ tao sẽ khóc.

Khôi bảo tôi tính tiền. Tôi ngại gặp Thủy, tôi đưa tiền cho Khôi vào quầy. Nó đứng nói chuyện với Thủy một lúc lâu trong khi tôi ra đứng đợi bên ngoài. Lúc ra, Khôi nói:

- Thủy nó buồn thật, nói chuyện với tao như sắp khóc.

- Chuyện gì?

- Nó bảo nghỉ hè xong nó bỏ trường.

- Theo chồng à?

- Mày nói ác, nó sang tỉnh khác học.

Tôi yên lặng đạp xe bên cạnh Khôi. Hai đứa không nói gì thêm. Tới ngã rẽ Khôi về một mình, tôi về nhà. Tôi có ý định ghé Thục nhưng rồi đổi ý. Suốt mấy ngày dì Hạnh đi vắng tôi muốn nằm nhà ôn lại bài. Buổi trưa, tôi nghĩ tới bữa cơm vội vàng ngoài quán, tự nhiên tôi thấy buồn, và có cảm giác như dì Hạnh đã rời khỏi căn nhà này mãi mãi. Tôi chỉ còn lại có một mình, lẻ loi như chiếc bóng đổ dài trên thềm cửa cũ.