11.

Môn Ngữ văn 121.

Môn Toán 92.

Môn tiếng Anh 105.

Tổ hợp môn Khoa học xã hội 240.

Tổng điểm 548.

Năm đó, các trường đại học có điểm xét tuyển đợt hai của khối Khoa Học Xã Hội là 523, còn điểm xét tuyển đợt một là 578.

(*)Xét tuyển đợt một thường là các trường trọng điểm tuyển, còn xét tuyển đợt hai do các trường thường tuyển.

Tay tôi run lên không ngừng, tai nghe ù ù.

Tôi nghi ngờ mình nghe nhầm, liền bấm lại để nghe lần nữa.

Trong phòng khách ồn ào, lúc này im lặng không một tiếng động.

Chỉ có tiếng thông báo máy móc vang lên.

Em gái tôi là người phản ứng đầu tiên, con bé ôm chầm lấy tôi: “Chị, chị, chị đậu rồi, chị đậu đại học hạng hai rồi, hơn điểm sàn những 25 điểm. Chị giỏi quá.”

Mắt ba tôi cũng đỏ hoe, cầm ly rượu trước mặt uống cạn, lẩm bẩm: “Đậu rồi, thực sự đậu rồi...”

Mẹ tôi không biết từ khi nào đã tựa vào cửa chính của phòng khách.

Bà quay lưng đi dùng tay lau khóe mắt, lau mãi lau mãi rồi ngồi bệt xuống góc tường.

Ba tôi đứng dậy đi tới.

Bà ôm lấy chân ba tôi bắt đầu thổn thức.

Ba vỗ vai bà: “Khóc cái gì, đây là chuyện vui mà.”

“Con gái Hạ Hạ đậu đại học rồi, sau này chúng ta cũng có hi vọng rồi.”

Em gái tôi đưa tay lau mặt tôi, cười khúc khích: “Chị, chị cũng đừng khóc nữa.”

Tôi khóc sao?

Tôi đưa tay lau, mặt đầy nước mắt.

Có thể đối với các bạn thông minh, việc đạt được 548 điểm thì không đáng gì cả.

Nhưng tôi là Trịnh Hạ Hạ bình thường mà.

Từ nhỏ đến lớn, tôi đã cố gắng hết sức cũng chưa bao giờ đứng nhất, số bằng khen tôi nhận được đếm trên đầu ngón tay.

Tôi vĩnh viễn không thể giải được câu hỏi cuối cùng trong đề toán.

Tôi chưa bao giờ là đứa con được ba mẹ chú trọng nhất, trong gia đình không ai khen ngợi tôi.

Một năm trước, tôi bị công ty nước ngoài từ chối.

Nhưng lúc này, tôi đã đậu rồi.

Dù chỉ là đại học hạng hai, nhưng nó đủ để kéo tôi ra khỏi cuộc đời bùn lầy.

Bác gái tôi suýt bẻ gãy đũa, cười nhạt nói: “Là đậu đại học hạng hai, cũng không phải là đại học trọng điểm, có cần phải vui mừng như vậy không?”

Tôi mạnh mẽ lau nước mắt trên mặt: “Tất nhiên là vui mừng rồi, chẳng phải hơn ba trăm điểm sao?”

“Anh cả và anh hai đều không đậu được cấp ba. Em trai cũng sắp thi vào cấp hai phải không?”

Em trai họ tôi vẫn đang cầm máy chơi game, lúc này mặt đầy khó chịu: “Đừng lôi tôi vào, tôi không phải là người học giỏi.”

Bác gái tức giận đến nghiến răng nghiến lợi, giật lấy máy chơi game của cậu ấy: “Mày không thể để tâm chút à!”

Em họ đáp lại bác gái: “Bà cũng chẳng để tâm đến tôi. Chú thím có thể vì chị Hạ và em Thu mà chuyển lên huyện để ở chung và đưa đi học, bà cũng đưa tôi lên đi!”

Bác gái giận điên: “Với thành tích ba trăm điểm của mày...”

“Ba trăm điểm thì sao, chị Hạ trước đây còn không đạt được ba trăm điểm kia mà!” Em họ đá văng ghế, “Phiền quá rồi.”

Bà nội run rẩy đứng dậy: “Tam Bảo, con đi đâu, cơm còn chưa ăn mà.”

“Không ăn, giận no rồi.”

Em họ quay lưng đi mất.

Bà nội trách bác gái: “Coi chuyện tốt mày làm kìa, đứa nhỏ còn chưa ăn cơm đã bỏ đi rồi, trách sao nó không lớn nổi.”

Mẹ tôi đã chỉnh đốn lại cảm xúc.

Tôi kéo bà đến ngồi vào chỗ của em họ: “Mẹ, ngồi xuống ăn cơm đi.”

Bà lau mắt: “Còn một đĩa rau muống chưa xào nữa!”

Tôi liếc bác gái một cái: “Để bác gái xào đi, mẹ bận rộn lâu rồi.”

12.

Bác gái biến sắc, định mở miệng từ chối.

Bà nội nhìn bà ấy: “Còn đứng đó làm gì. Đi đi, khách khứa đang đợi đó!”

Mẹ tôi an tâm ngồi xuống, nở nụ cười mãn nguyện.

Tôi là đứa đầu tiên trong nhà họ Trịnh vào đại học chính quy.

Trong đám họ hàng ở đây, thế hệ con cháu cao nhất cũng chỉ học đến cao đẳng.

Chỉ trong vài phút ngắn ngủi, giọng điệu của mọi người đã thay đổi.

Lời chúc mừng và ghen tị không ngớt.

Trước đây những buổi tụ tập như thế này, gia đình bác cả sinh ba con trai là tâm điểm chú ý của mọi người.

Bây giờ, mọi sự chú ý đều tập trung vào gia đình tôi.

“Kiến Quân, vẫn là anh có bản lĩnh, con gái Hạ Hạ đậu đại học, em gái Thu Thu cũng chắc chắn rồi.”

“Hai cô con gái đều là sinh viên đại học. Những ngày tháng sau này không biết sẽ sung sướng đến mức nào đây!”

Cô cười: “Sau này, vào dịp lễ tết, rượu ngon uống không hết đâu.”

Ở chỗ chúng tôi có phong tục, dịp lễ tết con rể phải mang rượu cho ba vợ.

Có chú họ cảm thán: “Anh không có con trai, cũng không cần kiếm tiền cưới hỏi. Đến lúc đó tiền sính lễ nhận được cũng không phải bù đắp cho con trai, mà đều có thể giữ lại cho mình. Nghĩ thế này, tôi cũng muốn sinh thêm vài đứa con gái!”

“Đúng vậy, con gái là sinh viên đại học, sính lễ ít nhất cũng phải tám đến mười vạn.”

Nụ cười của tôi dần tắt.

Nghe kìa, thật đáng sợ.

Đối với những người này, giá trị của cô gái thi đỗ đại học là có thể nhận được sính lễ cao hơn.

Có bác họ thở dài: “Các người không biết thôi, bây giờ kết hôn không giống như trước nữa rồi. Có nhà ở làng cũng không bõ nữa rồi, phải là nhà trong thành phố cơ!”

“Mua nhà trong thành phố đâu có dễ vậy, phải trả góp ít nhất ba mươi năm. Có khi xương cốt hóa thành tro rồi mà nợ mua nhà còn chưa trả xong đấy!”

Nhắc đến điều này, mọi người đều than thở.

Thời đại này thực sự đã khác rồi.

Nếu đi làm ở ngoài, có thể tự mình tìm đối tượng còn tốt.

Nếu không tìm được thì phải dựa vào mai mối. Các khoản phí lớn thì chưa nói, mà nhiều cô gái còn yêu cầu mua nhà trong thành phố và không ở cùng ba mẹ.

Đối với những người nông dân kiếm được ít tiền thì càng khó hơn.

Nói đến đây, cô tôi hỏi bác gái: “Không phải nói Đại Bảo có bạn gái sao? Nó cũng hai mươi lăm rồi, các chị phải nhanh lên chứ.”

Bác gái mặt mày khó coi: “Chia tay rồi.”

“Đang tốt đẹp sao lại chia tay?”

“Xấu quá.”

Cô tôi cau mày: “Chị dâu, cô gái đó tôi đã gặp, ngoại hình khá tốt mà.”

Bà nội gõ đũa: “Là do chị dâu của con, người ta chưa “vào” nhà đã làm bộ làm tịch mà bắt người ta rửa bát nấu cơm, khiến con gái người ta tức giận mà bỏ đi.”

“Bây giờ đã hai tháng trôi qua rồi mà Đại Bảo vẫn chưa gọi điện về nhà.”

Mọi người liền trách móc không ngớt.

Bác gái biện bạch vài câu mà còn bị trách mắng càng dữ hơn.

Cho đến khi thím nói về việc học của con trai mình, mọi người mới quay lại đề tài về ba mẹ tôi.

Ba tôi uống khá nhiều rượu, mặt đỏ bừng.

Vành mắt ba ẩm ướt, không biết là do rượu hay do xúc động.

Tàn tiệc, mẹ tôi lại muốn vào bếp rửa bát.

Tôi kéo bà lại: “Mẹ, thức ăn là mẹ mua, mẹ nấu, bát đĩa cứ để bác gái rửa đi.”

Tôi và em gái kéo bà về.

Bác gái gọi với theo: “Em dâu, em dâu, bát đĩa...”