20

Có một khoảnh khắc, tôi đã nghĩ: Tôi nên tắt điện thoại.

Chỉ còn một môn thi cuối cùng thôi.

Tôi đã thi khá tốt cho đến giờ.

Nếu tôi không nhận cuộc gọi này thì sẽ hoàn thành kỳ thi một cách suôn sẻ, có lẽ quỹ đạo cuộc đời của tôi sẽ hoàn toàn khác biệt.

Nhưng cuộc đời không có "nếu".

Chu Tưởng ở bên tôi, vội vã cùng tôi đi đến bệnh viện.

Ba tôi bị đột quỵ sau khi uống rượu.

Ông ấy đã sống sót nhưng nói chuyện lắp bắp, đi lại không còn như trước nữa, chưa kể đến việc kiếm tiền.

Ông ấy nằm trên giường, không dám nhìn thẳng vào tôi.

“Hạ Hạ… là do đất quá trơn..."

Mẹ lắp bắp: "Em gái con đã lớp 12 rồi, đừng để con bé biết lại mất tập trung."

"Hạ Hạ, ba con sau này không còn cách nào kiếm tiền, con đừng thi thạc sĩ nữa, nếu con đi học, gia đình sau này sẽ thế nào!"

"Vấn đề của Thu Thu thì sao?"

Tôi cố tự nhủ để bình tĩnh, nhưng không thể kiểm soát được nữa, tôi bùng nổ và hét lớn:

"Con đã nói với ba mẹ là mấy ngày này con thi, tại sao vẫn đi uống rượu?"

"Tại sao trong mắt ba mẹ chưa bao giờ có con vậy?"

"Tại sao con luôn là người phải hy sinh?"

"Ít nhất một lần, ba mẹ có thể nghĩ cho con không? Ba mẹ có biết không, con đã chuẩn bị hơn một năm."

"Con không yêu cầu ba mẹ phải ủng hộ, nhưng ít nhất, ít nhất..."

Ít nhất đừng kéo tôi lại.

Ba mẹ cúi đầu rất thấp.

Tôi nhìn thấy mái tóc bạc phủ đầu họ.

Nỗi buồn chồng chất dâng lên.

Có lẽ, đây là số phận của tôi.

Tôi chạy ra khỏi bệnh viện.

Chu Tưởng chạy ra sau, tìm thấy tôi dưới một gốc cây trơ trụi.

Anh ôm tôi nhẹ nhàng, vỗ về lưng tôi: "Không sao đâu, còn có anh ở đây."

"Ở bên anh, em luôn là quan trọng nhất."

Tôi ôm lại anh, khóc nức nở.

Mùa đông đó, dưới cái cây khô kia.

Tôi như là đã khóc hết những sự dày vò mà tôi đã chịu trong hơn hai mươi năm qua.

Chu Tưởng ôm tôi, nhẹ nhàng nói: "Xin lỗi, trước đây anh không biết, Hạ Hạ đã chịu nhiều khổ cực như vậy mới trưởng thành độc lập và kiên cường như bây giờ."

Tôi chưa bao giờ kể cho anh ấy nghe quá nhiều về quá khứ của tôi.

Khổ cực có gì đáng ca ngợi chăng.

Nếu có thể lựa chọn, tôi cũng muốn trở thành một cô công chúa được nuông chiều.

Khi tôi trở lại phòng bệnh lần nữa, mẹ nói: "Nếu không, năm sau con thi lại một lần nữa, mẹ có thể đi rửa chén, một tháng cũng có thể kiếm được hai ngàn đồng."

Em gái vẫn biết tin này.

Con bé nói với tôi: "Chị, lúc em vào đại học có thể nhận học bổng, cũng có thể đi làm thêm."

"Hãy tập trung vào kỳ thi của chị, tiền sinh hoạt của chị thì em sẽ lo."

21.

Mẹ tôi mấp máy môi, định nói lại thôi.

“Thôi, con không thi nữa.”

Thi lên thạc sĩ cũng như đi đánh giặc.

Một tiếng trống tăng thêm dũng khí, hai tiếng trống sa sút tinh thần, ba tiếng trống dũng khí suy kiệt.

Dũng khí của tôi đã cạn.

Bây giờ không thể lên nổi nữa.

Ba tôi có mua bảo hiểm y tế của hợp tác xã nông thôn.

Nhớ không nhầm lúc ấy mỗi người đóng hơn 100.

Ba mẹ nghe tôi khuyên nên cả hai đều mua, lúc ấy bác gái còn chế giễu nói chúng tôi lãng phí tiền.

Nhưng hôm nay, nó đã phát huy tác dụng.

Hệ thống y tế ở hợp tác xã nông thôn yêu cầu phải trả tiền trước, sau đó họ sẽ hoàn lại.

Lúc ấy tôi không có đủ tiền, Chu Tưởng đã ứng giúp tôi 1 vạn.

Trong dịp Tết Nguyên Đán, tiền hoàn trả được gửi tới, ba mẹ tôi lại không nói một lời.

Tôi dò hỏi thì họ ấp úng nói: “Cũng sắp ăn Tết đến nơi rồi, cái gì cũng cần tiêu, số tiền hoàn trả này, mẹ với ba con định...”

“Ít ra cũng phải trả tiền cho Chu Tưởng chứ?”

Mẹ tôi lúng túng nói: “Nó là bạn trai con, cho ba mẹ ít tiền cũng là chuyện nên làm...”

Tôi tức đến đau đầu: “Mẹ cũng biết anh ấy chỉ là bạn trai con cơ đấy? Một vạn rưỡi chứ không phải một trăm rưỡi! Nếu con cầm số tiền này thì sau này làm sao mà con dám ngẩng đầu trước mặt anh ấy hả mẹ?”

Tôi đành phải nói nặng: “Nếu ba mẹ không trả tiền, cả đời này đừng hòng con cho hai người một xu!”

Cuối cùng mẹ cũng đưa tiền cho tôi.

Đêm đến, tiếng thút thít của mẹ tôi xuyên qua cánh cửa gỗ mỏng manh.

“Sau này anh không kiếm được tiền, tôi thì phải chăm anh. Thu Thu sắp vào đại học rồi mà trong nhà không có chút tiền nào, tôi chỉ muốn cầm ít tiền trong tay để an tâm thôi mà?”

“Tôi cũng biết con gái khổ, nhưng nó trẻ tuổi, có năng lực, còn chúng ta thì đã già rồi.”

Ba tôi im lặng rất lâu, mơ hồ nói: “Đáng ra tôi không nên uống rượu, hủy hoại tương lai của Hạ Hạ. Tôi đúng là đáng chết!”

Thực tế, bậc làm cha làm mẹ hẳn ai cũng vậy.

Họ có không ít khuyết điểm, cũng nhiều sai sót.

Nhưng...

Họ nuôi bạn lớn, lại cho bạn một chút yêu thương.

Khiến bạn chẳng thể yêu thương họ sâu sắc, nhưng cũng không đành lòng cắt đứt quan hệ.

Tôi đọc biết bao nhiêu quyển sách như thế rồi nhưng chẳng tìm được quyển nào dạy: Nên xử lý quan hệ với cha mẹ thế nào?

Bạn cùng phòng biết chuyện xảy ra đều tiếc thay cho tôi.

Nhưng tôi vẫn còn nhiều chuyện khác phải làm, không có thời gian để tiếc nuối.

Một là luận văn tốt nghiệp, hai là qua Tết tôi còn phải tham gia thi kỳ thi cấp chứng chỉ TEM-8(*), ba là tìm việc làm.

(*)Chứng chỉ TEM-8: Chứng chỉ tiếng Anh chuyên ngành cấp 8 là cấp độ cao nhất của bài kiểm tra trình độ tiếng Anh ở Trung Quốc, dành cho các sinh viên năm cuối thuộc chuyên ngành tiếng Anh hoặc chuyên ngành liên quan.

Ban đầu tôi định bỏ kỳ thi TEM-8, tập trung chuẩn bị cho cuộc chiến thi lên thạc sĩ.

Bây giờ, lại phải tiếp tục ôn tập.

Chu Tưởng khuyên tôi: “Hay là em thả lỏng chút đi?”

Anh lo lắng cho sức khỏe tinh thần của tôi.

“Không sao mà.” Tôi cười, “Em không nhàn nổi đâu, ngày trước anh thích em cũng bởi vì cái tính luôn nỗ lực này còn gì?”

“Nhưng anh lo lắm, anh mong em hãy thư giãn một chút.”

Nhưng tôi chỉ là một người bình thường.

Nếu không nỗ lực hết mình, lúc nào cũng có nguy cơ bị thụt lùi, bị mọi người bỏ lại.

Tôi tin bây giờ những lời anh nói là thật lòng.

Nhưng 1 năm, 5 năm, rồi 10 năm sau anh ấy còn nghĩ như thế nữa không?

Thi xong TEM-8, tôi bắt đầu đi tìm việc làm.

Cầm chiếc bằng của trường đại học hạng 2, lại còn bỏ lỡ kỳ tuyển dụng của trường, tôi muốn tìm được công việc thích hợp khó hơn lên trời.