Biên Thành Lãng Tử

Chương 37: Cái Khổ Chọn Lựa

Chiếc bao được mở ra.

Trong bao, có người. Một người cụt chân tả !

Dịch Đại Kinh !

Mỗi cá nhân đều muốn kêu lên một tiếng kinh khủng, thật to.

Nhưng, người kinh dị hơn hết, chính là Dịch Đại Kinh.

Y phảng phất từ cõi mộng trở về, phát hiện ra cảnh trước mắt đáng sợ hơn cảnh trong mộng !

Y thấy, Diệp Khai, Phó Hồng Tuyết, cả Lộ Tiểu Giai.

Sau cùng, y co rúm người lại, như cố thu nhỏ thân hình. Bởi, y thấy luôn người lạ.

Người lạ nhìn y, hỏi:

- Ngươi còn nhận ra lão phu ?

Dịch Đại Kinh gật đầu, thái độ của y cực kỳ tôn kính.

Người lạ tiếp:

- Mười năm trước, chúng ta gặp nhau một lần, lúc đó thì ngươi còn đủ hai chân ! chưa lẻ loi như bây giờ !

Dịch Đại Kinh gượng điểm một nụ cười:

- Nhưng tiền bối thì còn nguyên phong thái, chẳng khác mảy may mười năm trước !

Người lạ hỏi:

- Chân ngươi cụt từ bao giờ ?

Dịch Đại Kinh đáp:

- Cách nay nửa tháng !

Người lạ hỏi:

- Ai chặt ?

Dịch Đại Kinh lộ vẻ thống khổ:

- Sự việc thuộc về quá khứ nhắc lại càng thêm phiền.

Người lạ thốt:

- Xem ra ngươi rộng lượng đối với người thật !

Dịch Đại Kinh điềm nhiên:

- Vãn bối cố học tư cách người xưa !

Người lạ mỉm cười:

- Nhưng ngươi cần học một việc khác, trước hơn mọi việc !

Dịch Đại Kinh hỏi:

- Việc chi ?

Người lạ đáp:

- Việc nói thật !

Lão quắc mắt sáng như lửa bừng, nhìn vào mặt Dịch Đại Kinh, gằn từng tiếng:

- Ngươi nên biết bình sanh lão phu rất ghét những kẻ nói oan !

Dịch Đại Kinh cúi đầu, thốt:

- Trước mặt tiền bối, vãn bối khi nào dám nói oan ! Vô luận là ai cũng không dám nói oan !

Người lạ lạnh lùng:

- Lão phu biết, muốn cho ngươi chịu nói thật, chẳng phải dễ dàng gì. Bởi ngươi hiểu, sau khi ngươi nói thật rồi, rất có thể là ngươi phải chết. Mà đương nhiên là ngươi chưa muốn chết.

Dịch Đại Kinh không dám đáp vu vơ.

Người lạ tiếp:

- Tuy nhiên, ngươi nên biết luôn, trên đời có nhiều cái đáng sợ hơn cái chết, những cái đó làm cho con người thống khổ cực độ !

Dịch Đại Kinh đổ mồ hôi trán.

Người lạ tiếp:

- Sở dĩ lão phu mang ngươi đến đây, là vì nhiều năm trước, lão phu từng phát thệ, tuyệt đối không để cho ai lừa dối !

Trên gương mặt rắn rỏi, niềm thống khổ hiện lên, lão nhớ đến sự tình ngày cũ ...

Dịch Đại Kinh không dám ngẩng đầu nhìn lão.

Lâu lắm, người lạ mới tiếp:

- Ngươi mô phỏng nét bút của Tiểu Lý Thám Hoa, ước hẹn lão phu, gặp mặt nhau tại đây. Thực ra lão phu đã thấy là nét bút giả mạo. Lão phu vẫn đến như thường, đến để xem có cái trò gì đây !

Dịch Đại Kinh thốt:

- Thuở thiếu thời, Tiểu Lý Thám Hoa đã có oai danh chấn động khắp nơi, bút tích của người lưu truyền khắp thiên hạ, ai muốn mô phỏng lại chẳng được ? Sao tiền bối nhất quyết là vãn bối ?

Người lạ đáp:

- Lão phu đã tìm gặp trong thơ phòng của ngươi, có đủ chứng tích, chả hạn, một mảnh giấy có bút tích của Tiểu Lý Thám Hoa, ngươi nhìn nét bút mà phỏng theo ...

Dịch Đại Kinh càng đổ mồ hôi lạnh.

Người lạ trầm gương mặt, tiếp:

- Ngươi cũng có nghe về lão phu, lúc nhỏ lão phu như thế nào. Và ngươi cũng nên tin rằng hiện tại lão phu cũng có thể dùng phương pháp năm xưa để bắt buộc ngươi phải nói thật.

Dịch Đại Kinh thở dài:

- Được rồi ! Vãn bối xin nói !

Người lạ hỏi:

- Làm sao ngươi biết hành tung của lão phu ?

Dịch Đại Kinh đáp:

- Đinh tam công tử cho biết !

Người lạ hỏi:

- Đinh Linh Trung ?

Dịch Đại Kinh gật đầu.

Người lạ tiếp:

- Lão phu biết, hắn là một thiếu niên rất thông minh. Nhưng, không khi nào hắn biết được hành tung của lão phu,.

Dịch Đại Kinh thốt:

- Thanh đạo nhân biết tiền bối sẽ đi Giang Nam.

Người lạ hỏi:

- Ngươi quen Thanh đạo nhân ?

Dịch Đại Kinh gật đầu:

- Nếu tiền bối đi Giang Nam, thì tất là phải do con đường này.

Người lạ ạ lên một tiếng.

Dịch Đại Kinh tiếp:

- Nhân vì, lần thứ nhất tiền bối gặp Tiểu Lý Thám Hoa, chính là trên đoạn đường

này.

Người lạ mơ màng, ánh mắt hướng về xa xăm. Cuộc gặp gỡ giữa lão và Lý Tầm Hoa đến nay vẫn còn ghi lại nơi lòng lão một kỷ niệm êm đềm.

Dịch Đại Kinh tiếp:

- Cho nên, vãn bối đặt người tại thập lý trường đình, chờ tiền bối. Khi tiền bối đến, là trao mảnh giấy có bút tích của Tiểu Lý Thám Hoa.

Người lạ thốt:

- Ngươi cho rằng lão phu tin là thật sự Tiểu Lý Thám Hoa sai người trao mảnh giấy cho lão phu ?

Dịch Đại Kinh đáp:

- Vãn bối biết, vô luận tin hay không tin, tiền bối vẫn đến !

Người lạ khẽ thở dài:

- Lão phu thấy ngươi, chợt nhớ một người ...

Dịch Đại Kinh hỏi:

- Ai ?

- Long Thiếu Vân !

Lão lại buông tiếng thở dài, tiếp:

- Ngươi giống Long Thiếu Vân, giống ở chỗ suy tư cực kỳ cẩn mật, nhưng rất tiếc ...

Lão không nói nữa. Lão không nỡ nói tiếp.

Một lúc sau, lão chợt hỏi:

- chân ngươi cụt từ lúc nào ?

Dịch Đại Kinh đáp:

- Mới hôm nay !

Ai ai cũng giật mình.

Người lạ hỏi:

- Bị người ta chặt ?

Dịch Đại Kinh buông gọi:

- Tự chặt !

Mọi người biến sắc, trừ người lạ và Diệp Khai. Mường tượng đã biết như vậy.

Dịch Đại Kinh tiếp:

- Trước hết, vãn bối tìm một người có dung mạo tương tợ, chặt chân người đó, rồi cãi sửa thêm vài điểm cho giống, đoạn cho người đó vào phòng bệnh.

Người lạ không cần hỏi nữa.

Bởi lão biết, thế nào rồi Dịch Đại Kinh cũng nói tiếp.

Y tiếp:

- Cửa sổ rèm buông, cửa phòng đóng kín, bóng tối mờ mờ còn ai nhận ra ? Hà huống, người bị chặt chân không được phép nói nhiều, người thăm bệnh cũng không ai ở lâu trong phòng, tránh phiền nhiễu con bệnh.

Đinh Vân Lâm nhìn thoáng qua Diệp Khai, thầm nghĩ:

- Tại sao gã quái vật đó biết hết, như chứng kiến tận mắt ?

Dịch Đại Kinh tiếp:

- Trong lúc đó, vãn bối chuồn êm, xuất ngoại hành sự. Trước hết, vãn bối cho mời Tiểu Đạt Tử đến, rồi an bày mưu kế, đưa Phó Hồng Tuyết vào tròng. Vãn bối biết, hắn giết người, xuất thủ rất nhanh.

Phó Hồng Tuyết khổ sở vô cùng.

Hắn không muốn ai tưởng rằng hắn hành động vội vả đến hồ đồ.

Dịch Đại Kinh tiếp:

- Vãn bối lại hiểu tiền bối rất ghét những kẻ tùy ý mà giết người. Phó Hồng Tuyết gặp tiền bối rồi, thì phải bị giết là cái chắc !

Y thở dài, một phút sau, lại tiếp:

- Cái kế hoạch đó, vố rất chu đáo, cẩn mật, không ngờ, trên đời này còn có Diệp Khai ! Một con người trời sanh để mà gánh vác việc thiên hạ !

Đinh Vân Lâm hỏi:

- ngươi cho rằng kế hoạch rất chu đáo, thì muốn giả bệnh, tất phải chọn một thứ bệnh nào khác, cần gì phải làm cái việc chặt chân ? Giả như thành công rồi, thì ngươi làm sao khỏi chặt luôn ? Có phân là mình tự hủy hoại một cách vừa ngu xuẩn, vừa đáng tiếc chăng ?

Dịch Đại Kinh đáp:

- Tại hạ đã chuẩn bị chặt chân từ lâu rồi, vô luận mưu đồ thành hai bại, cũng phải chặt !

Đinh Vân Lâm hỏi:

- Tại sao ?

Dịch Đại Kinh đáp:

- Bởi vì tại hạ không muốn ai hoài nghi hành động của tại hạ, sau khi kế hoạch thành công !

Đinh Vân Lâm thở dài:

- Lòng dạ ngươi độc ác quá ! Độc ác cả với chính mình !

Dịch Đại Kinh mỉm cười:

- Chỉ vì tại hạ muốn trở thành một chân chánh quân tử ! Để đạt mục đích, tại hạ dám hy sinh nhiều hơn thế, thử hỏi mất một chân thì có nghĩa gì !

Đinh Vân Lâm thốt:

- Ngươi vốn là con người giảo hoạt, lại muốn làm quân tử, ngươi mô phỏng hành vi quân tử, dần dần cũng tạo được cho mình một tác phong quân tử. Nếu cứ thế mà

làm, thì còn ai dám cho rằng ngươi là một ngụy quân tử đâu ? Rất tiếc, với việc làm cuối cùng này, con người của ngươi biến đổi rồi, nói một cách khác, là ngươi chuyển hướng hành vi, tự mình phá hoại tác phong đã tạo tựu từ lâu !

Dịch Đại Kinh gật đầu:

- Tại hạ cũng nhận thấy là mình biến đổi, dù tại hạ không tưởng phải biến đổi !

Đinh Vân Lâm tiếp:

- Như vậy là ngươi bị một áp lực nào đó ! Ai bức bách ngươi phải làm ?

Dịch Đại Kinh không đáp.

Người lạ thốt:

- Ngươi đã bắt đầu nói sự thật, thì cứ tiếp tục nói hết, không nên giấu diếm làm gì.

Dịch Đại Kinh gật đầu:

- Phải ! Vãn bối sẽ nói hết. Vãn bối quyết định nói chứ không vì sợ tiền bối áp dụng phương pháp cay độc bức bách vãn bối đâu nhé !

Người lạ ạ một tiếng.

Dịch Đại Kinh tiếp:

- Chỉ vì vãn bối biết tiền bối không phải là con người tàn nhẫn !

Rồi, sợ người ta cho là y ve vuốt, phụng thừa một tay đáng sợ, y tiếp luôn:

- Vãn bối nhận thấy, cần phải nói sự thật 1

Ai ai cũng chờ nghe.

Dịch Đại Kinh bắt đầu kể:

- Mười chín năm trước, vãn bối có tham gia cuộc hành thích Bạch Thiên Vũ bên cạnh Mai Hoa Am. Hành động đó tuy không quang minh chính đại, song nếu bây giờ cần phải tái diễn, vãn bối vẫn làm, không ngần ngại, bất chấp ám muội ...

Y nói, như Tiết Võ đã nói !

Rồi y tiếp:

- Bạch Thiên Vũ đã dồn vãn bối vào con đường cùng, tiến không xong, thoái không được. Y muốn vãn bối gia nhập Thần Đao Đường, lại còn muốn vãn bối mang hết sự nghiệp gia tài cung hiến vào Thần Đao Đường, tùy thuộc quyền sử dụng của y. Đổi lại, y bảo đảm là sẽ làm cho vãn bối vang danh khắp sông hồ ...

Lúc đó vãn bối chỉ là một con người quá tầm thường dưới tay Bạch Thiên Vũ, dù có được vang danh khắp thiên hạ, cũng chẳng ích lợi vào đâu.

Thực ra, Bạch Thiên Vũ không phải là con người ti bỉ, đê tiện. Y là một bậc anh hùng, tài nghệ cao tuyệt, so với Thượng Quan Kim Hồng ngày trước, chẳng kém chút nào.

Có điều, y hành sự không giống Thượng Quan Kim Hồng, y khẳng khái giúp người, dám hy sinh để cứu trợ những đồng đạo chân chánh ngộ nạn tai ...

Người lạ thở dài:

- Nếu hắn không vậy, thì đâu còn sống đến ngày ngươi hành thích !

Dịch Đại Kinh tiếp:

- Tuy nhiên, y là con ngươi mà không một ai có thể sống chung ! Khi quyết định làm một việc gì, y không dung cho ai phản đối. Nếu y cho rằng việc làm nào đó là phải, thì mọi người phải công nhận là phải, không ai được quyền chỉ trích. Y độc đoán, chuyên hành, muốn làm một việc gì, là làm ngay, bất chấp hậu quả. Y có chỗ đoản, là không cho ai góp ý kiến với y. Những kẻ dưới tay y, phải hành động như những con người máy, chỉ biết tuân phục và hành sự theo mạng lệnh ! ...

Đinh Vân Lâm nhìn sang Diệp Khai, bất chợt thấy chàng lộ vẻ bi thương ...

Dịch Đại Kinh tiếp:

- Phàm muốn thành đại công, lập sự nghiệp lớn, tất phải có cái tâm quả cảm, ý chí cương quyết. Cho nên, vãn bối dù hận, cũng phải tôn kính y.

Những kẻ ở xa y, đều có hưởng nhờ ân huệ của y. Chỉ khổ cho những người tiếp cận y thường xuyên, những người này không chịu nổi tánh khí của y. Ai tiếp cận y rồi, là phải bị y chi phối, hoàn toàn nép mình dưới sự chỉ đạo của y, phải phục tùng y, chẳng khác một tên nô lệ, kẻ nào muốn tự do, là kẻ đó cầm như tự sát ! ...

Người lạ hỏi:

- Bọn người hành thích, chẳng lẽ đều là bằng hữu của y ?

Dịch Đại Kinh gật đầu:

- Đa số là bằng hữu.

Người lạ lạnh lùng:

- Trong mọi việc sai lầm của y, có một việc đáng trách nhất, là kết giao bằng hữu sai lầm ! Y lầm trogn việc chọn người !

Phó Hồng Tuyết nhìn lão, ánh mắt ngời niềm cảm kích.

Người lạ tiếp:

- Dù cho độc đoán, chuyên hành, nhưng y vẫn xem các ngươi là bằng hữu, y không hề cầm đao đâm lén sau lưng ngươi.

Dịch Đại Kinh cúi đầu:

- Vãn bối không cho rằng bọn vãn bối hành động chính đáng. Vãn bối chỉ nói, không thể không làm !

Người lạ hỏi:

- Không thể không làm ?

Dịch Đại Kinh gật đầu:

- Phải !

Ánh mắt mơ màng, người lạ từ từ thốt:

- Lúc còn thanh thiếu, lão phu cũng có ý nghĩ đó, cho rằng có rất nhiều việc không thể không làm. Nhưng sau này, dần dần lão phu thể hội sự tình, trên đời không có việc gì mà con người bắt buộc phải làm, không thể không làm. Vấn đề là mình phải suy, phải suy thật kỹ.

Phó Hồng Tuyết từ từ cúi đầu.

Như để suy tư.

Người lạ tiếp:

- Chỉ cần ngươi nhẫn nại trong lúc đó thôi. Rồi ngươi thấy ngay việc không thể không làm đó, nó không còn giá trị đáng cho ngươi làm nữa.

Nghiêm sắc mặt, lão tiếp:

Bất cứ việc gì, cũng có hai mặt. Nhìn một mặt đối với ngươi, ngươi thấy việc đó là phải. Nhưng nhìn đến mặt kia, ngươi thức ngộ lầm ! Tại vì ngươi chỉ trông sự việc ở một mặt thôi !

Dịch Đại Kinh thốt:

- Nhưng ...

Người lạ chận lời:

- Các ngươi muốn giết Bạch Thiên Vũ, là vì y không để cho các ngươi có tư tưởng nào. Nhưng các ngươi hành động như vậy, có phải là chẳng khác gì y không ?

Dịch Đại Kinh lộ vẻ buồn:

- Có thể là bọn vãn bối sai lầm !

Người lạ lắc đầu:

- Lão phu không nói là các ngươi quấy, về sự việc đó, vĩnh viền không ai phán đoán bên nào phải, bên nào quấy.

Dịch Đại Kinh thốt:

- Sở dĩ thế, vãn bối nhất định chặt một chân, để tránh nhìn cừu hận tiếp diễn mãi mãi không ngừng, truyền đời truyền kiếp.

Lộ vẻ thống khổ, y tiếp:

- Đêm đó, sau cuộc hành thích, chỉ còn bảy người sống sót rời Mai Hoa Am trở về. Mười chín năm qua, vãn bối thống khổ triền miên ! Vãn bối tưởng, các người kia cũng thống khổ như vãn bối !

Một người, sống trong thống khổ, trong khiếp sợ, ngày chồng ngày, suốt mười chín năm qua, sống như vậy, thà chết còn hơn !

Y tiếp:

- Đêm đó, tuyết đổ nhiều, tuyết phủ trắng bao la, man mác. Sau cuộc chiến rồi, vùng tuyết quanh Mai Hoa Am nhuộm hồng ! Không mục kích cuộc chiến, không ai hình dung đúng thảm cảnh ! Chính vãn bối cũng phải rợn người mỗi lần hồi ức lại.

Bỗng, Diệp Khai hỏi:

- Sao các hạ không tưởng xem, ai đã khởi xướng nên một thảm cảnh như vậy ?

Dịch Đại Kinh không đáp, chỉ thốt:

- Hôm đó, máu đổ nhiều, máu của họ Bạch, máu của bọn tại hạ !

Diệp Khai mỉm cười:

- Máu song phương đều đổ, các hạ cho là hận cừu liễu kết ?

Dịch Đại Kinh thở dài:

- Bọn tại hà đành là không xứng đáng với tình giao hữu của Bạch Thiên Vũ, song thiệt hại đã đủ đền tội rồi !

Diệp Khai hỏi:

- Người chết được xem như đã đền tội, còn người sống thì sao ?

Dịch Đại Kinh khó đáp.

Y không thể đáp câu đó !

Diệp Khai tiếp luôn:

- Tại hạ không có ý nói, nhất định cừu hận phải báo phục. Nhưng, bất cứ việc gì, cũng phải được đặt trên cơ bản công bình. Nếu người sống cho rằng kẻ chết đã đền tội thay, thì quả thật là một sai lầm.

Chàng gằn từng tiếng, tiếp luôn:

- Nợ của ai, người đó trả, không có việc trả thay !

Dịch Đại Kinh nhìn chàng, như chưa bao giờ gặp chàng.

Diệp Khai rất bình tịnh, rất khinh túng. Luôn luôn, chàng không hề thay đổi thần sắc, dù đứng trước hiểm họa tử vong.

Sở dĩ được thế, là vì chàng trải qua ngàn muôn thử thách.

Không ai biết lai lịch chân chánh của chàng ! Bắt đầu vào giang hồ, con người chàng đã như thế rồi. Chàng xuất hiện trên giang hồ, cũng như Phó Hồng Tuyết, đột ngột, từ vô danh, phút chốc biến thành một thứ mà ai ai cũng ngán sợ !

Rồi chàng bám theo Phó Hồng Tuyết, chiếu cố Phó Hồng Tuyết như mẹ hiền dìu dắt con thơ !

Giữa chàng và Phó Hồng Tuyết, có liên hệ gì chăng ?

Nhìn Diệp Khai một lúc lâu, Dịch Đại Kinh vụt hỏi: - Các hạ là ai ?

Diệp Khai thốt: - Đáng lẽ, các hạ phải biết !

Dịch Đại Kinh lại hỏi: - Họ Diệp, tên Khai ?

Diệp Khai gật đầu: - Diệp, là lá cây ! Khai, là cởi mở. Tâm tình cởi mở !

Dịch Đại Kinh hỏi:

- Đó là tên thật ?

Diệp Khai mỉm cười: - Thế các hạ cho tại hạ là ai ?

Dịch Đại Kinh bỗng thở dài:

- Tại hạ không cần biết các hạ là ai, chỉ hy vọng các hạ minh bạch một điều.

Diệp Khai điềm nhiên:

- Cứ nói.

Nhìn chiếc chân cụt, Dịch Đại Kinh từ từ tiếp:

- Tại hạ vay nợ, vốn không tưởng nhờ người trả nợ thay, tại hạ hành động sai lầm, thì đã sớm trả cái giá sai lầm rồi. Giả như các hạ cho rằng chưa đủ, thì tại hạ xin chờ, các hạ tùy thời mà hạ thủ !

Diệp Khai điềm nhiên:

- Cau đó, các hạ nên nói với Phó Hồng Tuyết.

Dịch Đại Kinh tiếp:

- Vô luận là nói với ai, tại hạ nói lời thật, toàn là lời thật.

Y nhắm mắt lại, không nói gì nữa.

Người lạ nhìn Diệp Khai, rồi nhìn Phó Hồng Tuyết, thốt:

- Y nói thật đấy !

Không ai nói gì. Không ai phủ nhận.

Người lạ lại nhìn Phó Hồng Tuyết, thốt:

- Lão phu đưa y đến đây, để cho y nóisự thật, chứ không để cho ngươi giết y.

Lão không dùng giọng sáo nữa, xưng tại hạ, gọi các hạ.

Bởi, thân phận của lão đã lộ rồi.

Phó Hồng Tuyết nhìn Dịch Đại Kinh. Hắn cảm thấy thống khổ hơn Dịch Đại Kinh.

Người lạ tiếp:

- Y đã nói sự thật cho tất cả nghe rồi. Chúng ta không ai có đủ tư cách phán đoán lỗi về bên nào.

Phó Hồng Tuyết có đủ tư cách hay không ?

Người lạ tiếp:

- Nhưng đích xác y có vay nợ tiền nhân của y. Y cũng đã trả rồi, nếu ngươi cho là chưa đủ, thì có thể tùy thời ngươi giết y. Hiện tại, y không còn năng lực phản kháng.

Đêm tàn dần.

Ngày sắp trở về trong chốc lát.

Phó Hồng Tuyết bóp cứng chuôi đao, mồ hôi lạnh đẫm ướt lòng bàn tay.

Người lạ không nói một tiếng nào.

Hạ thủ ? Buông tha ?

Ai ai cũng chờ xem thái độ của hắn.

Cuối cùng, hắn thốt:

- Ta không giết ngươi, bởi ngươi không xứng đáng. Nhưng nhất định ta không dung thứ Mã Không Quần. Lão ấy chẳng những là bằng hữu, mà còn là huynh đệ của phụ thân ta. Vô luận làm sao, lão cũng không nên đứng ra xướng xuất. Lão phải ngã gục dưới thanh đao này !

Đó là câu nói cuối của hắn, trong hiện cảnh.

Đó là sự tuyển chọn cuối của hắn.

Hắn không nhìn ai, từ từ quay mình, từ từ bước đi, tiến về phía cửa, chân tả nhích, chân hữu lết theo.

Lưng hắn hơi còng. Niềm thống khổ đè vai, nặng quá.

Ngày nào đó, Tiêu Biệt Ly có nói với Diệp Khai: - Ai mang thanh đao đó, là mang điều bất hạnh ! Mang họa diệt thân ! Thanh đao, là vật bất tường. Cho người, cho mình.

Câu đó, giờ đây, còn văng vẳng bên tai chàng !

Hiện tại, mắt chàng chớp sáng, mường tượng cái sáng do màn lệ vừa giăng ... Đinh Vân Lâm nhìn chàng.

Nàng hỏi: - Tại sao ngươi thương tâm ?

Diệp Khai lắc đầu: - Không thương tâm. Mà là cao hứng ! Đinh Vân Lâm hừ một tiếng: - Cao hứng về cái gì ?

Diệp Khai đáp: - Hắn không giết Dịch Đại Kinh !

Bỗng, chàng nghe Dịch Đại Kinh khóc.

Y khóc lớn !

Từ lâu lắm, y không khóc. Y không thuộc hạng người tùy tiện hiện lộ chân tình. Có lẽ y thấy, trong vài trường hợp, chết sướng hơn sống ! Người lạ nhìn Dịch Đại Kinh, rồi nhìn Lộ Tiểu Giai.

Lộ Tiểu Giai bất động, quên luôn cả việc bóc vỏ đậu phộng, ăn hạt. Không một cảm tình biểu lộ nơi mặt.

Người lạ thở dài, bảo: - Ngươi có thể đưa y trở về nhà !

Người lạ thừ người một lúc.

Chợt, lão thốt:

- Hôm nay, lão phu cao hứng quá !

Diệp Khai hỏi:

- Lý do là hắn không giết Dịch Đại Kinh ?

Người lạ gật đầu !

Lão tiếp:

- Giết người, là việc dễ. Tha người, là việc khó ! Nhất là tha một cừu nhân !

Diệp Khai nghe nhói ở tim, đồng thời có ngọn gió mát quét vào lòng.

Chàng nân chén uống cạn rượu.

Người lạ cũng cạn chén rượu. Lão thốt:

- Từ lâu, lão phu không uống rượu nữa. Trước kia, lão phu có tửu lượng đáng kể lắm. Nhưng sau này ...

Lão không thốt tiếp.

Diệp Khai không hỏi.

Chàng thấy trong ánh mắt lạnh lùng của lão, hiện lên tình cảm phức tạp, điều đó chứng tỏ lão không hẳn là vô tình như giang hồ truyền thuyết.

Ngưng câu nói dở chừng, lão mơ màng, hồi ức dĩ vãng xa xăm ...

Đinh Vân Lâm chợt hỏi:

- Tiền bối có phải là A ...

Người lạ mỉm cười:

- Là A Phi ? Người ta gọi lão phu như vậy đó, ngươi cứ gọi theo đời !

Đinh Vân Lâm hỏi:

- Tôi có thể kính tiền bối một chén rượu ?

Người lạ gật đầu:

- Có thể !

Đinh Vân Lâm uống liền.

Được đối ẩm với A Phi, dù chỉ một chén, cũng là một sự kiện thuộc thần thoại

rồi !

Nàng tiếp:

- Giang hồ truyền thuyết, tiền bối xuất thủ cực nhanh ! Mãi đến bây giờ, tôi mới tin là truyền thuyết đúng !

Người lạ thốt:

- Còn một người, xuất thủ nhanh hơn lão phu !

Đinh Vân Lâm hỏi:

- Ai ?

Người lạ đáp:

- Kinh Vô Mạng ! Người đã dạy Lộ Tiểu Giai sử dụng kiếm. Vô Mạng, là không có mạng, mỗi con người có một mạng sống, song cái mạng của lão ta đã hứa cho đời, thành ra không còn thuộc về lão nữa.

Lão tiếp:

- Cái hay của Kinh Vô Mạng, là sử dụng được cả hai tay tốc độ ngang nhau. Trong thiên hạ võ lâm ngày nay, không ai sánh được lão.

Đinh Vân Lâm tặt lưỡi:

- Vậy là lão ấy khó tránh được cao ngạo !

Người lạ gật đầu:

- Lão là con người tàn khốc ! Vì một câu nói, lão có thể giết người. Lão cũng có thể ... tự sát !

Đinh Vân Lâm thở dài:

- Chắc là ai ai cũng sợ lão !

Người lạ mỉm cười:

- Tự nhiên !

Đinh Vân Lâm hỏi:

- Đã là tàn khốc, lão còn đem sanh mạng hứa cho đời là hứa làm sao ?

Lão nhân không đáp.

Đinh Vân Lâm hỏi:

- Còn Tiểu Lý Phi Đao ?

Người lạ sáng mắt lên:

- Lối xuất thủ của Tiểu Lý Thám Hoa, không thể dùng tiếng nhanh mà hình dung được !

Đinh Vân Lâm gật đầu:

- Tôi hiểu rồi ! Nhanh hay chậm, cũng lợi hại như thường, bởi lão đã đạt đến cảnh giới vĩ đại võ công. Không một ai đánh bại được lão !

Người lạ mỉm cười:

- Tuyệt nhiên không có ai.

Đinh Vân Lâm tiếp:

- Và Thượng Quan Kim Hồng dù là vô địch trong thiên hạ, cũng phải bại nơi tay

lão !

Người lạ gật gù: - Ngươi thông minh đó ! Đinh Vân Lâm hỏi: - Hiện tại lão ở đâu ? Còn sống hay chết ?

Người lạ đáp:

- Đừng tìm hiểu tung tích con hạc phiêu linh theo mây ngàn, gió núi. Lão phu còn đây, đương nhiên là lão ta còn !

Đinh Vân Lâm hỏi:

- Nếu lão chết, tiền bối cũng chết theo ?

Người lạ đáp:

- Có thể là lão phu không chết theo, song bắt đầu từ ngày mất lão, là thế nhân không còn thấy lão phu lai vãng trên giang hồ nữa.

Quý thay, tình bằng hữu !

Đinh Vân Lâm thở dài:

- Ngày nay, thắp đuốc mà tìm, vị tất tìm ra một mối giao tình hầu như thần thoại của tiền bối !

Người lạ thốt:

- Cho nên, lão phu hận Mã Không Quần vô sĩ, khả ố, không đáng sống trên đời !

Đinh Vân Lâm tiếp:

- Và tiền bối không phản đối Phó Hồng Tuyết tìm họ Mã mà giết !

Người lạ thở dài:

- Nhưng Lý Tầm Hoan có tư tưởng khác lão phu ! Lão ấy không hề nhớ đến cừu hận, luôn luôn khoan thứ thế nhân.

Đinh Vân Lâm hỏi:

- Tiền bối gần đây có gặp Lý tiền bối chăng ?

Người lạ đáp:

- Mỗi năm, ít nhất chúng ta cũng gặp nhau một lần.

Tiếng gà đâu đó gáy vang, báo hiệu đêm tàn.

Phương đông, bầu trời rựng trắng.

Người lạ từ từ đứng lên, đặt tay lên vai Diệp Khai, cười thốt:

- Lão phu biết, ngươi rất mực tôn kính con người đó. Luôn luôn hành động với tác phong phỏng theo người đó ! Lão phu rất cao hứng !

Diệp Khai xúc động vô cùng:

- Vãn bối hy vọng thành công.

Người lạ gật đầu:

- Với quyết tâm, ngươi sẽ đạt mục đích !

Diệp Khai hỏi:

- Còn tiền bối ...

Người lạ đáp:

- Ta đi Giang Nam. Rất có thể ta gặp ngươi đó !

Nhìn Đinh Vân Lâm, lão mỉm cười, tiếp:

- Gặp người ấy, lão phu sẽ cho lão ta biết, là có một cô bé rất thông minh. Hy vọng ta sẽ tìm đến gặp ngươi !

Đinh Vân Lâm cảm kích lắm.

Chợt, nàng thốt:

- Tôi muốn biết một chuyện ...

Người lạ bảo:

- Nói đi !

Đinh Vân Lâm hỏi:

- Có phải là tại Giang Nam, một biến cố lớn sắp phát sanh, nên các vị đồng đến

đó ?

Người lạ đáp:

- Có thể có như vậy ! Tuy nhiên bọn lão phu hành động, thường không muốn cho ai biết, nên không thể có người biết được !

Lão từ từ bước đi, đến cửa, dừng chân lại nhìn về phía Đông, rồi quay đầu lại, cười hỏi:

- Hôm nay, lão phu nói nhiều hơn mọi hôm, các ngươi biết tại sao chăng ?

Làm sao họ biết được ?

Người lạ từ từ tiếp:

- Vì lão phu già rồi ! Nói nhiều để bù lại khi vĩnh viễn không còn mở miệng được

Lão đi luôn. Đinh Vân Lâm nhìn theo lão, lẩm nhẩm: - Với dáng đi đó, ai nói lão đã già ?

Diệp Khai cười nhẹ: - Lão không thể già ! Có những người vĩnh viễn không già.