Ông Kim đang ngồi uống nước thấy bà Thường và ông Côn vào khoe luôn:

- Mới sáng sớm tinh mơ cô Chi đã gọi điện khoe là hai Hợp tác xã ở Đạo Thắng thu hoạch một vụ khoai tây thắng lợi chưa từng thấy ông ạ. Nông dân phấn khởi lắm.

Ông Côn kéo ghế ngồi xuống:

- Hôm dự Đại hội bầu Ban quản trị Gia Đạo mọi người cũng dự đoán như vậy và đang lo không biết sẽ tiêu thụ khoai tây bằng cách nào. Tay Dậu đề nghị với cô Chi nếu không có phương pháp bảo quản lâu dài được thì cho bà con gánh đi bán bớt. Cô Chi bảo quyền quyết định là của anh chứ cô ấy không dám quyết.

- Sáng nay cô nàng cũng bảo tớ cho chủ trương về việc này. Khôn thật. Hắn muốn gạt trách nhiệm qua cho tớ đấy.

Ông Côn cười:

- Cô ta đùa anh đấy. Hôm ấy cô ta nói nếu bí thư tỉnh ủy không dám cho dân gánh khoai tây đi chợ bán thì cô ta sẽ làm. Tôi gợi ý hay là làm như thằng Linh Sơn, bán thức độn kèm sổ gạo. Cô Chi bảo sẽ làm khác đi xem sao.

- Tớ nghĩ việc này đều có lợi cho cả người mua và người bán. Người mua có cái để ăn, người bán kiếm được ít tiền dùng cho việc khác. Theo chị Thường và ông có nên để cho dân tự do gánh khoai đi bán không?

Ông Côn bảo:

- Anh không quyết định thì cô Chi cũng quyết định chuyện này. Nhưng quyền hạn cô Chi chỉ cho bán loanh quanh ở trong huyện của mình thôi. Còn đi qua huyện khác có thể bị tịch thu mà không can thiệp được. Nhưng nếu anh quyết định thì có thể bán khắp các vùng trong tỉnh. Tôi nghĩ số lượng khoai tây của hai Hợp tác xã ở Đạo Thắng thu được không phải ít. Nếu bán trong phạm vi các chợ trong huyện Tam Bình thì không sao tiêu thụ hết được, vì không phải người nào cũng mua khoai tây. Nếu để hàng chục tấn khoai tây của nông dân teo tóp hoặc thối rữa thì vụ sau có vận động nông dân làm vụ xen canh chắc chắn sẽ gặp trở ngại.

Ông Kim rít một điếu thuốc lào rồi ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Lát sau ông ngồi thẳng dậy nói giọng sôi nổi:

- Thị trường nông sản tự do! Đúng. Thị trường nông sản tự do! Tại sao người dư thừa không được bán cho người còn thiếu nhỉ? Thật vô lí. Tớ nghĩ người nông dân sau khi hoàn thành các nghĩa vụ với Nhà nước rồi, có thể được bán tự do các loại nông phẩm còn lại như lợn gà, ngô lúa cho bất kỳ ai trên địa bàn của tỉnh. Chị Thường và ông Côn thấy thế nào. Có làm được hay không?

Bà Thường can:

- Chú định làm cái việc vác đá vá trời đấy à? Có khi chưa vá được trời thì đã bị đá đè cho nát như cám rồi.

Ông Côn tán thành ý kiến của bà Thường:

- Chị Thường nói đúng đấy. Suy nghĩ của anh phải nói là rất hay. Nếu làm được như vậy sẽ kích thích được người nông dân lao động hăng say để có của cải dư thừa đem đi bán. Cung cầu của xã hội cũng được điều hòa một cách tự nhiên. Nhưng thời điểm để thực hiện được những điều như anh nói chưa tới. Anh tìm cách đi trước thời điểm thì vô cùng nguy hiểm.

Bà Thường cười:

- Chú mà xông lên để mở thị trường nông sản tự do thì thế nào cũng được bêu riếu là một kẻ dám mở ra nền kinh tế thị trường của Chủ nghĩa Tư bản. Thân bại danh liệt, phí hoài mấy chục năm đi làm cách mạng.

Ông Kim cảm thấy cụt hứng sau câu nói của bà Thường:

- Thế là ngọn lửa nhiệt tình của tôi bị hai gáo nước lạnh của chị và tay Côn dập tắt rồi. Bây giờ giải quyết vụ khoai tây cho nông dân Đạo Thắng thế nào đây, hay là đùn đẩy cho cô Chi?

Ông Côn thấy mình như người có lỗi đối với ông Kim nên nói:

- Khi nãy tôi nói với anh rồi. Anh cứ lặng lẽ cho phép nông dân gánh khoai đi bán. Bảo với cái bọn chuyên ngăn sông cấm chợ không được tịch thu của dân. Và đừng tuyên bố mình đang mở ra thị trường nông sản tự do. Nếu trên biết mà phê bình thì cứ nói đó chỉ là biện pháp tình thế, nhằm cứu nông dân khỏi để khoai tây bị thối.

Ông Kim vui vẻ trở lại:

- Cái tay này cũng lắm mưu mẹo ra phết. Đúng là ếch chết vì tiếng kêu. Tớ sẽ làm theo lời khuyên của ông. Lát nữa tớ sẽ gọi điện cho cô Chi cho phép nông dân Đạo Thắng gánh khoai đi bán bất kỳ chợ nào ở trong phạm vi của tỉnh. Chuyện khoai tây như vậy là xong nhé. Nhân có chị Thường ở đây, ông Côn báo cáo cụ thể xem chuyện khoán của Hợp tác xã An Bình như thế nào?

Bà Thường cắt ngang:

- Tôi không có thì giờ ngồi nghe chuyện Hợp tác xã của hai chú đâu. Thế nào chú Kim? Ý chú quyết định kỷ luật đối với đồng chí Sinh như thế nào đây? Có đồng ý kỷ luật như chi bộ Ty thương nghiệp đề nghị không?

Ông Kim nói cộc lốc:

- Khai trừ khỏi Đảng.

Ông Côn tham gia:

- Quyết định kỷ luật như vậy có nặng quá không?

- Trong lúc cán bộ và nhân dân phải nhường nhịn cho nhau từng cái kim sợi chỉ được phân phối thì hắn và bọn nhân viên dưới quyền chuồn cho con buôn không biết bao nhiêu hàng hóa để con buôn lợi dụng hoàn cảnh thiếu thốn quay ra bóp hầu, bóp cổ người khác. Khai trừ Đảng là nhẹ đấy.

Bà Thường từ khi nhận biên bản cuộc họp của chi bộ Ty thương nghiệp chuyển lên từ hôm qua đến giờ vẫn phân vân không biết nên xử lí như thế nào. Hạ tầng công tác xuống thành nhân viên, cho chuyển khỏi ngành thương nghiệp như đề nghị của chi bộ bà thấy nặng quá. Mà cảnh cáo ghi lí lịch Đảng và để nguyên chức vụ phó Ty nông nghiệp thì lại nhẹ quá. Tuy Sinh có tội thật, nhưng xóa bỏ toàn bộ công lao cống hiến của anh ta thì bà thấy không nỡ. Suy tính mãi, bà Thường mới nói nhỏ nhẹ:

- Kể ra tội của đồng chí Sinh nặng thật nhưng công lao của đồng chí đó cũng không phải ít. Trong hoàn cảnh thiếu thốn của thời chiến, đồng chí Sinh đã chạy khắp các ngõ ngách lùng nguồn hàng về cung cấp cho bộ đội và nhân dân trong tỉnh, giảm bớt phần nào khó khăn và căng thẳng của tình trạng thiếu thốn. Xét tội phải nghĩ đến công mới công bằng chú ạ.

Nghe bà Thường nói, ông Kim phần nào nhận ra sự nóng nảy của mình. Ông bảo bà Thường:

- Tay Sinh là cán bộ dưới quyền của ông Quốc. Chị qua trao đổi với với lão ta rồi đưa ra thường vụ xem xét.

Chờ bà Thường ra khỏi phòng, ông Kim nói với ông Côn:

- Mấy hôm nay tớ đắn đo suy nghĩ mãi liệu thời cơ ra Nghị quyết về hướng đi cho Hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh đã đến chưa. Bởi tình hình phát triển của Hợp tác xã nông nghiệp đang có hiện tượng lách qua cơ chế cũ để tìm lối thoát. Nếu chúng ta không có một Nghị quyết chỉ đạo thống nhất, tớ lo có khi nó đi lệch hướng thì chết.

- Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện ấy. Nhưng thấy ra Nghị quyết vào lúc này có khi hơi sớm. Bởi chúng ta chưa tổng kết được phong trào.

- Làm gì có phong trào mà ngồi chờ để tổng kết. Hiện nay chỉ mới xuất hiện hiện tượng thôi.

Ông Côn bảo:

- Dù chỉ có hiện tượng một số Hợp tác xã đang lách cơ chế để tìm lối thoát thì cũng phải tổng kết để tìm ra cái được và chưa được của các Hợp tác xã ấy. Đồng thời cũng phải đánh giá chính xác cả một quá trình từ khi đưa các Hợp tác xã lên quy mô cho đến hôm nay. Tìm cho ra nguyên nhân vì sao kinh tế Hợp tác xã càng ngày càng đi xuống. Có như thế khi ra Nghị quyết mới có sức thuyết phục.

Ông Kim ngồi lặng yên suy nghĩ, lát sau nói với ông Côn:

- Ông nói đúng. Ông là trưởng ban Nông nghiệp tỉnh ủy, có khi tớ giao việc này cho ông. Ông giao các công việc khác cho tay Đoàn, phó của ông để tập trung lo cho tớ chuyện tổng kết. Làm sao trong một thời gian ngắn, ông có đủ các căn cứ để có thể soạn thảo một Nghị quyết về hướng phát triển của Hợp tác xã nông nghiệp trong tình hình mới. Nếu cần người giúp thì tớ giao cậu Đô làm thư ký riêng cho ông. Mình tớ tự biên tự diễn cũng chẳng sao.

Ông Côn cười:

- Ai lại thế. Trưởng Ban nông nghiệp thì có thư ký riêng, còn bí thư tỉnh ủy thì tự biên tự diễn. Anh cho tôi thời gian bao nhiêu lâu?

- Hai tháng vừa đi khảo sát vừa viết có được không? Làm sớm được ngày nào, nông dân được đỡ khổ ngày ấy cậu ạ.

Ông Côn vừa cười vừa nói:

- Anh tính toán kiểu gì mà lạ thế. Hai mươi chín Hợp tác xã ở Linh Sơn tôi đã khảo sát xong rồi, còn lại năm huyện và bốn Hợp tác xã vùng ven thị xã. Cứ cho mỗi huyện tôi chọn năm cái có các đặc điểm khác nhau để có cái nhìn toàn diện thì cũng đã có tới ba mươi Hợp tác xã phải đi khảo sát. Mỗi Hợp tác xã ít ra phải ở năm ngày chứ không thể cưỡi ngựa xem hoa được. Tính sơ sơ ba mươi Hợp tác xã tôi phải mất ít nhất là một trăm năm mươi ngày. Như vậy riêng đi khảo sát cũng đã mất năm tháng rồi. Trong khi đó anh cho tôi hai tháng vừa đi khảo sát vừa viết, làm sao tôi làm nổi?

- Việc gì cậu phải đi nhiều Hợp tác xã như vậy. Theo tớ mỗi huyện cậu chỉ cần chọn ba cái thôi. Một cái đang có chiều hướng làm ăn khá, một cái trung bình và một cái yếu kém tầm Hợp tác xã Gia Đạo. Thế là cậu có đủ căn cứ để kết luận một cách chính xác rồi.

Ông Côn lại cười:

- Như vậy phải đi khảo sát mười Hợp tác xã. Thời gian mất năm mươi ngày. Còn lại mười ngày ngồi viết. Giá như có một cái máy tự động, cứ bấm nút là ra ngay Nghị quyết thì hay biết mấy.

Ông Kim gõ gõ tay xuống bàn một thôi một hồi nói với ông Côn:

- Ông đừng có nói kiểu ấy. Làm việc cách mạng mà cò kè bớt một thêm hai cứ như kẻ buôn trâu. Hai tháng. Không thêm bớt gì hết.

- Anh vừa bảo tôi cò kè bớt một thêm hai, giờ lại chính anh cò kè rồi.

Hai người vui vẻ cười với nhau.