Ông Kim đi đi lại lại một mình trong phòng với vẻ sốt ruột. Thỉnh thoảng ông lẩm bẩm: Chết! Chết! Mấy cái đội công nhân giao thông của tỉnh làm sao mà chữa nổi ba cái cầu và hàng trăm mét đường ray đây. Bố chúng nó chứ. Có đánh cũng đánh từ từ chứ đánh kiểu này lấy lực lượng đâu mà chữa kịp. Ông Kim đi thêm mấy vòng nữa rồi dừng lại nhấc điện thoại lên gọi:

- Cậu Hiếu đấy phải không? Ông đạp xe qua đây báo cáo lại một lần nữa bằng miệng cho tôi nghe cụ thể thiệt hại của trận đánh phá chiều nay chứ tôi không muốn nghe báo cáo bằng điện thoại. Tôi đợi ông đấy.

Vừa dập máy xuống ông lại nhấc lên gọi:

- Văn phòng ủy ban đấy à? Ông Quốc có ở nhà không, nối máy cho tớ gặp ông ấy… Thế nào? Ông Quốc đang qua chỗ tớ à? Được rồi. Càng hay.

Ông Kim vừa để ống nghe điện thoại vào máy thì xe con ông Quốc cũng vào tới nơi.

- Tôi định qua chỗ anh sau đó đi xuống Tam Bình xem thiệt hại cụ thể thế nào để còn điều lực lượng.

- Tớ vừa gọi điện cho tay Hiếu qua báo cáo cụ thể thiệt hại của trận đánh phá chiều nay. Ông ngồi nghe xong hẵng đi.

- Ông Hiếu chưa báo cáo với anh à?

- Hắn báo cáo bằng điện thoại ngay khi ở Gia Liễn về. Nhưng tớ sốt ruột quá nên muốn nghe nó báo cáo bằng miệng, có gì hỏi luôn.

Hiếu đi xe đạp vào.

- Chào bí thư, chào chủ tịch.

Không kịp để Hiếu ngồi, ông Kim hỏi dồn:

- Chúng đánh gồm những đâu?

- Chúng đánh trận địa tên lửa ở Đại Hồ thuộc huyện Văn Lâm. Đánh cầu đường sắt, đường bộ Gia Liễn, cầu Tiên Giáng và ga Trung Văn thuộc địa phận huyện Tam Bình. Ngoài mục tiêu cầu cống, nhà ga chúng còn đánh vào các trận địa pháo bảo vệ cầu, trong đó có cả lực lượng bắn máy bay của dân quân Đạo Thắng.

Ông Kim:

- Lực lượng dân quân bắn máy bay của xã Đạo Thắng có ai thương vong không?

- Báo cáo bí thư, dân quân Đạo Thắng không có ai thương vong. Chỉ có lực lượng cao xạ pháo hai hy sinh và ba bị thương nhẹ. Số bị thương đã chuyển lên bệnh viện quân khu. Anh em hy sinh cũng đã chuyển về cơ quan huyện, quê của liệt sĩ để làm các thủ tục truy điệu trước khi mai táng. Thiệt hại vật chất lần này cũng rất nghiêm trọng. Cầu đường sắt, đường bộ Gia Liễn bị sập hoàn toàn. Cầu đường sắt Tiên Giáng sập mất một mố. Đoạn đường sắt của hai cầu này cũng bị đánh hỏng. Chưa đo cụ thể. Chỉ ước tính khoảng hơn một trăm mét.

Ông Kim quay sang hỏi ông Quốc:

- Ty giao thông đã điều lực lượng xuống hai khu vực địch đánh phá chưa ông Quốc?

- Điều hai đội xuống đó từ lúc ba giờ chiều. Tay Khuôn đang cho điều nốt đội đang sửa đường ở Linh Sơn về tăng cường thêm.

- Lát nữa tớ sẽ làm việc với quân khu xin lực lượng công binh chi viện. Tớ cũng định xin thêm một tiểu đoàn cao xạ bảo vệ các mục tiêu chứ kiểu này thì gay lắm.

Hiếu cười:

- Anh làm như miền Bắc này chỉ có mục tiêu ở tỉnh ta là quan trọng nhất. Còn các nơi khác không cần bảo vệ.

- Không phải bảo vệ cho tỉnh Phước Vĩnh mà bảo vệ con đường huyết mạch tiếp nhận hàng viện trợ của nước bạn. Ông Quốc định xuống khu vực bị đánh phá ngay bây giờ à?

- Tôi phải xuống trực tiếp xem tình hình ra sao. Nếu cần, tôi yêu cầu huyện Tam Bình và Văn Lâm điều lực lượng dân công ra giúp khắc phục đường sá cho nhanh.

Ông Kim tán thành:

- Đúng đấy. Phải điều động lực lượng dân công tại chỗ làm nhiệm vụ san lấp hố bom để cho giao thông tập trung vào việc sửa cầu cống. Ông cứ đi đi. Tớ sẽ gọi điện ngay cho tay Thanh chủ tịch Tam Bình cho điều dân công các xã lân cận ra giúp sức. Nếu Tam Bình cử đủ người thì không cần điều dân công của Văn Lâm đâu ông ạ.

Ông Quốc và Hiếu ra khỏi, ông Kim đi đến nhấc luôn máy điện thoại gọi cho quân khu.

- A lô! Phòng Tham mưu quân khu đấy à?… Cho tôi gặp đồng chí Chanh.

Khi nghe đầu dây bên kia có tiếng đáp lại, ông Kim hỏi:

- Ông Chanh đấy à? Tôi lại làm phiền ông đây.

Cuộc đối thoại trong điện thoại tiếp diễn.

- Ông Kim khùng phải không?

- Điên lên đây chứ không phải chỉ khùng đâu. Này, ông đã nắm được hôm nay ba cái cầu và hơn một trăm mét đường ray của Phước Vĩnh bị thằng Mỹ cào tung lên như gà bới không? Biết rồi à? Ông đã biết thì tôi làm việc luôn nhé. Ông cho tôi xin một đơn vị công binh cùng với giao thông tỉnh chữa lại cầu và đường ray không?

- Chẳng còn đơn vị nào trong tay tôi cả.

- Ông bảo sao. Không còn đơn vị nào à? Nếu không còn thì ông rút những nơi chưa cần thiết về giúp chúng tôi đi. Không được một tiểu đoàn thì ông cho vài đại đội cũng được.

- Một đại đội có được không?

- Chỉ được một đại đội thôi à? Sao ông bủn xỉn thế. Ông có biết chiều hôm nay toàn bộ ba cái cầu, trong đó hai cầu đường sắt, một cầu đường bộ đều bị tung ra từng mảnh không? Cầu Tiên Giáng ngắn nên khắc phục nhanh thôi. Nhưng cầu đường sắt, đường bộ Gia Liễn mỗi chiếc dài gần trăm mét. Lại còn hơn một trăm mét đường sắt bị xới tung nữa. Hiện trong tay tôi chỉ có ba đội giao thông đều tung vào đó hết rồi. Còn điều thêm dân công nữa. Tăng cường cho tôi hai đại đội công binh công trình nhé.

- Để tôi xem lại đã.

- Đấy, tôi biết ngay là ông định thử thách tôi mà. Còn một yêu cầu nữa, ông chịu khó nghe và giúp nốt cho tôi nhé.

- Định được voi lại còn đòi tiên phải không?

- Không, không. Tôi chỉ muốn ông điều thêm cho một tiểu đoàn pháo cao xạ tăng cường bảo vệ cho hai cái cầu đường sắt và đường bộ Gia Liễn thôi. Theo tôi, do lực lượng phòng không mỏng cho nên chúng đánh lần nào là trúng cầu lần ấy.

- Việc này thì chịu thật rồi. Mấy đơn vị phòng không của quân khu đều tăng cường cho Khu Bốn hết rồi. Hiện nay chẳng còn đơn vị nào cả.

- Không còn lực lượng. Ông nói đùa đấy à. Phó tư lệnh, tham mưu trưởng quân khu nói thế mà ông không biết ngượng à? Tôi chẳng khích bác ông đâu. Tôi mà còn làm phó chính ủy quân khu như trước đây, tôi sẽ cho điều hẳn một trung đoàn cao xạ các cỡ về cầu Gia Liễn để đối đầu với thằng Mỹ xem ai thắng ai.

Bên kia đầu dây có tiếng cười.

- Ông cười cái gì. Nếu ông không cho tôi thêm một tiểu đoàn cao xạ, tôi sẽ trực tiếp xin với Bộ Tổng tham mưu. Lúc ấy các ông đừng có phê bình tôi qua mặt quân khu đấy nhé.

- Thôi được rồi. Tôi sợ cái tính khùng của ông nên báo cáo với Bộ xin rút bớt hai đại đội đang bảo vệ nhà máy đúc bê-tông tăng cường cho ông. Thế đã được chưa?