Ông Côn dắt xe đạp đằng sau đèo cái túi du lịch bằng vải bạt dựng xe bước vào phòng làm việc của ông Kim. Đang làm việc với ông Dần, ông Kim ngẩng đầu lên hỏi:

- Ông đi xuống Đạo Thắng đấy à?

- Vâng. Hai anh đang bàn chuyện gì đấy?

- Hôm qua ở Linh Sơn về tối quá nên không qua chỗ ông được. Tớ định ông không phải xuống Đạo Thắng nữa mà đi Cao Sơn cho tớ. Đạo Thắng giao cho cô Chi.

Ông Côn phân vân giây lát rồi bảo:

- Tình hình ở đấy phức tạp lắm, không biết một mình cô Chi có xoay xở nổi không.

- Ông không lo. Ở đó còn có cô Luận, bí thư đảng ủy xem ra cũng là người biết việc. Ngoài ra còn chi bộ Gia Đạo có ối anh đảng viên đang muốn thay đổi lề lối sản xuất. Ngồi xuống đây tớ kể chuyện cho mà nghe. Tớ vừa kể cho tay Dần nghe đấy.

Ông Côn kéo ghế ngồi xuống:

- Có chuyện gì thế ạ?

- Chuyện làm ăn của thằng Đằng Xá. Mạnh mẽ và kiên định lắm. Lại đồng lòng đồng sức từ lãnh đạo huyện cho đến xã mới hay chứ. Thằng này sẽ vượt qua đầu thằng Hồng Vân cho mà xem – Giọng ông Kim sôi nổi.

- Không biết ở Cao Sơn đang xảy ra chuyện gì khiến anh vui như thế?

Vẫn giữ giọng sôi nổi, ông Kim nói tiếp:

- Phải nói là chúng nó liều, à không. Phải nói là chúng nó dám làm những điều mà nhiều người còn kiêng kỵ. Thậm chí đến nói cũng chưa chắc dám nói tới chứ đừng nói gì làm. Năm kia chúng nó dám giấu cả lãnh đạo huyện lẫn xã, cày đất chia cho xã viên trồng đậu tương, rồi giao cho bà con tự chăm sóc và cho hưởng tất. Vụ vừa rồi mạnh dạn phá những ruộng lúa không có khả năng cho hạt và thay thế cây khoai lang vào đấy và hai ông biết thế nào không. Chỉ có mấy mẫu khoai lang mà chúng nó đóng đủ thuế nông nghiệp của cả Hợp tác xã đấy.

Ông Côn ngạc nhiên:

- Đóng thuế nông nghiệp bằng khoai lang?

Ông Kim cười sảng khoái:

- Nghe chúng nó kể lại chuyện xử lí việc đóng thuế bằng khoai lang, tớ vừa phục vừa buồn cười. Các ông biết thế nào không? Cái vụ khoai lang ấy chúng nó thu hoạch gần tám chục tấn củ. Sắp vào vụ gặt, nếu có chia cho xã viên thái phơi khô cũng không kịp, mà để lại thì khoai sẽ mọc mầm coi như công toi. Thế là chúng kéo nhau lên đề nghị với huyện cho đóng thuế nông nghiệp bằng khoai lang. Mấy tay Đằng Xá lại bảo nếu tay Pha thấy bí thì giao cái chức chủ tịch huyện cho mấy tay ở Đằng Xá làm. Có quyền trong tay, chúng nó sẽ có cách giải quyết. Tay Pha bảo hắn sẵn sàng giao quyền chủ tịch cho tay Hoãn, giải quyết xong vụ khoai lang thì trả lại chức chủ tịch cho hắn. Cuối cùng tay Pha và tay Hạp chịu thua. Hai ông biết chúng nó giải quyết bằng cách nào không? Chúng nó cho những người hưởng phiếu lương thực trong toàn huyện đong ba mươi phần trăm chất độn bằng khoai lang.

Ông Côn kêu lên:

- Phục thật.

- Phục quá đi chứ. Qua việc làm của thằng Đằng Xá có thể rút ra được bài học. Phải mở rộng dân chủ ở cơ sở. Cái vụ bắt Phòng Lương thực huyện nhận mấy chục tấn khoai lang để bán làm thức độn cũng là nhờ thái độ kiên quyết của tay Hạp chứ tay Pha không dám mạnh tay như vậy đâu. Có dịp nào đó phải sắp xếp tay này vào cơ cấu tỉnh ủy để tăng thêm lực lượng những người lãnh đạo có đầu óc quyết đoán.

- Khó lắm - Ông Dần nói - Mang cái án “H đúp” ai dám bầu làm tỉnh ủy viên.

- Ông là Trưởng Ban tổ chức mà có đầu óc thủ cựu bỏ mẹ. Chuyện đã rồi, cứ thành kiến mãi thì làm sao người ta ngóc đầu lên được.

Ông Côn nói:

- Nghĩ như anh không có mấy người đâu.

Ông Kim thở dài:

- Chuyện muôn thủa nói không bao giờ hết. Bây giờ bàn công việc nhé. Ông Côn đi lên Linh Sơn hộ tớ có được không?

Ông Côn cười:

- Đảng đặt đâu ngồi đấy, từ chối thế nào được.

- Lên đó không phải ngồi đâu mà vắt chân lên cổ để chỉ đạo phong trào đấy. Thằng Đằng Xá mở ra nhiều hướng đi rất hay nhưng phải có chỉ đạo chứ tình hình hiện tại không cho phép nó đi quá đà. Nên nhớ là tổ phái viên của Ban Nông nghiệp Trung ương đang nằm kè kè bên cạnh. Chỉ cần một lệnh cấm là coi như tất cả trở về con số không. Ông hiểu ý tôi không? Bên cạnh mừng, trong lòng tớ lúc nào cũng nơm nớp lo.

- Tôi thông cảm với anh. Cũng phải có dự kiến là những Hợp tác xã nằm cạnh Đằng Xá sẽ học tập anh Đằng Xá. Khi đã thành một phong trào quần chúng rồi, thế nào cấp trên cũng nhìn nhận lại những khiếm khuyết trong chính sách và cơ chế đang hiện hành.

- Quần chúng đang từ bi quan, chán nản với cái cơ chế hiện tại, đã chuyển sang tìm cách phá vỡ nó. Thằng Hồng Vân, An Lưu, Cao Sơn và có thể một số Hợp tác xã nữa đang lén lút làm. Phải nắm lấy những Hợp tác xã này để tìm ra cái hay cái dở của nó để điều chỉnh cho nó đi đúng hướng. Qua đó chúng ta sẽ rút ra những bài học để tiến đến có một Nghị quyết về vấn đề này.

Ông Dần tỏ vẻ thận trọng:

- Theo tôi, việc chỉ đạo các Hợp tác xã đang tìm cách phá rào ta cứ chỉ đạo nhưng chưa nên ra Nghị quyết để thực hiện trong toàn tỉnh.

Ông Kim hỏi:

- Sao thế?

Ông Dần đáp:

- Để cho các Hợp tác xã tự làm, nếu Trung ương biết có hỏi thì ta bảo đó là phong trào tự phát của quần chúng. Còn nếu ra Nghị quyết, Trung ương sẽ kết tội chúng ta chủ trương đưa nông dân đi chệch hướng con đường làm ăn tập thể Xã hội chủ nghĩa. Tội ấy chắc không nhỏ.

- Thôi dẹp chuyện đó lại để bàn chuyện đang bàn dở. Ông Côn đi lên Linh Sơn có được không?

Ông Côn:

- Có gì mà không được ạ. Tôi chỉ lo không biết một mình cô Chi có xoay xở nổi với cái lô cốt ở Đạo Thắng không thôi.

- Ông không phải lo. Tớ sẽ chỉ đạo cụ thể cho cô Chi nên làm gì với thằng Đạo Thắng. Ông lên Linh Sơn kết hợp với tay Hạp và tay Pha chỉ đạo thằng Đằng Xá. Qua đó rút ra những bài học để chỉ đạo cho toàn tỉnh sau này. Tớ sẽ trao đổi cụ thể trước khi ông đi. Riêng việc sáng mai xuống Văn Lâm tổ chức lễ tưởng niệm đồng chí Mạch, tớ muốn mời ông Ẩn cùng dự, hai ông thấy thế nào.

Ông Dần phân vân:

- Không biết anh Ẩn có đi không? Nếu đi được thì tốt quá.

- Lát nữa tớ qua trực tiếp mời, chắc ông ấy không từ chối. Ông Côn chuẩn bị sáng mai cùng đi nhé. Lát nữa ông Dần bảo văn phòng chuẩn bị một vòng hoa viếng của tỉnh ủy. Lấy xe tớ về thẳng Hà Nội đặt hẳn một vòng hoa cho nó đàng hoàng. Nếu không còn gì nữa thì tớ qua chỗ ông Ẩn đây.

Ông Kim đứng lên đi ra khỏi phòng.