Cần Quân Hiệp nghe đánh vù bên tai một tiếng, giật mình kinh hãi luống cuống, chàng muốn tránh cũng không kịp nữa.
Vật đó đập trúng vào cổ tay chàng đánh “tạch” một tiếng. Chàng hốt hoảng giật lùi lại một bước.
Vật kia đập vào tay Cần Quân Hiệp rồi rớt xuống đất. Chàng để ý nhìn lại thì ra một nắm cỏ khô.
Cần Quân Hiệp còn đang ngơ ngác không hiểu ai liệng nắm cỏ này vào và chẳng biết nó có nguy hiểm gì không? Bỗng nghe thanh âm lão già bệnh hoạn ở bên ngoài cửa sổ nói vọng vào :
- Thương thế y nặng lắm đó, ngươi chỉ đụng vào người y một cái là có thể y chết ngay lập tức. Vậy ngươi không được vọng động.
Bấy giờ Cần Quân Hiệp mới hiểu sở dĩ lão già liệng nắm cỏ vào tay mình là cốt ý ngăn trở không để đụng vào Triển Phi Yên. Đồng thời chàng cũng ghê cho thủ pháp mau lẹ và tuyệt diệu của lão.
Cần Quân Hiệp vừa rụt tay về thì Triển Phi Yên hỏi :
- Công tử muốn đem ta đi đâu và có việc chi?
Cần Quân Hiệp không nghĩ ngợi gì đáp ngay :
- Diệu Cô được tin cô nương chết, người quá đỗi thương tâm, có lúc như ngất đi. Nay tại hạ thấy cô nương không chết thì muốn đưa cô nương về để gặp Diệu Cô cho bà vui lòng hởi dạ.
Triển Phi Yên kêu lên một tiếng rồi nói :
- Tuy ta chưa chết hẳn, còn có cảm giác và biết nói năng nhưng không cử động được thì làm thế nào để về ra mắt mẫu thân ta được? Công tử...
Cần Quân Hiệp nghe thanh âm nàng nói rất yếu ớt thì biết rằng đã kiệt lực lắm rồi. Chàng thấy nàng nói dở câu rồi ngừng lại thì cho là ý nàng muốn nhờ mình quay về đưa tin cho mẫu thân nàng hay. Chàng liền vui vẻ tiếp lời :
- Vậy tại hạ xin đại lao cô nương việc này đi báo tin cho Diệu Cô biết.
Bản ý chàng cũng muốn dời khỏi Triển Phi Yên cho mau vì trong lòng đã sẵn thành kiến úy kỵ nàng. Chàng vừa dứt lời đã trở gót bước đi ra cửa luôn.
Cần Quân Hiệp vừa đi được một bước lại nghe tiếng Triển Phi Yên thều thào kêu gọi :
- Công tử!... Công tử hãy quay lại đã. Ta còn có câu chuyện muốn hỏi cho biết.
Tuy Cần Quân Hiệp rất sợ Triển Phi Yên chỉ muốn xa nàng cho chóng, nhưng lúc này chàng thấy nàng bị trọng thương thập tử nhất sinh. Hơn nữa thương thế của nàng trở nên trầm trọng như vậy, chàng yên trí là mình phải chịu một phần lớn trách nhiệm, nên vừa nghe tiếng nàng gọi, chàng vội quay lại hỏi :
- Cô nương còn có điều chi dặn bảo nữa không?
Triển Phi Yên không trả lời ngay, nàng giương cặp mắt lờ đờ nhìn chàng hồi lâu rồi hỏi lại bằng một giọng thê thảm và tựa hồ có vẻ ai oán :
- Ngươi có gặp nhị thư ta không?
Cần Quân Hiệp thấy nàng hỏi câu này liền nghĩ ngay đến những chuyện xích mích giữa hai chị em nàng và có thể nàng ngờ chàng đồng lõa với Triển Phi Ngọc để làm cho nàng phải đau đớn ê chề. Chàng ngập ngừng một chút rồi đáp :
- Có! Tại hạ cùng nhị cô nương...
Triển Phi Yên cười lạt hỏi tiếp :
- Ngươi cùng nhị thư ta ở với nhau một chỗ phải không?
Cần Quân Hiệp lại càng chột dạ gượng cười đánh trống lãng :
- Nhị cô nương không hiểu có xích mích gì với Tam Tuyệt tiên sinh rồi hai người xảy ra cuộc động thủ. Cuộc chiến đấu giữa đôi bên chưa kết liễu thì lão tiền bối ốm yếu kia kéo tuột tại hạ về đây để ra mắt cô nương.
Triển Phi Yên biến sắc. Mặt nàng đã xanh xao bây giờ biến thành lợt lạt. Nàng hỏi bằng một giọng u oán :
- Ngươi không muốn nhìn ta ư?
Cần Quân Hiệp vội chống chế :
- Không phải thế đâu. Cô nương thật đã hiểu lầm. Được thấy cô nương, lòng tôi rất khoan khoái. Nhất là trong vụ này, vì tôi bất cẩn một chút để cô nương ngã ngựa chết liền... À quên tôi nói lầm... để cô nương bị trọng thương.
Triển Phi Yên từ từ nhắm mắt lại rồi hỏi :
- Có phải nhị thư ta bảo thế không?
Cần Quân Hiệp gật đầu đáp :
- Nhị cô nương bảo thế thực.
Triển Phi Yên chậm rãi hỏi :
- Từ lúc ta bị ngã ngựa có ngất đi thật. Nhưng may mà chưa chết. Kể ra ngươi cũng lạ thật! Người ngất đi với người chết rồi chẳng lẽ cũng không phân biệt được hay sao?
Cần Quân Hiệp bẽn lẽn đáp :
- Tại hạ không đến gần cô nương, chỉ nghe nhị cô nương bảo là tại hạ đã gây nên vạ lớn. Rồi trong lòng tại hạ lúc đó cực kỳ hoang mang xao xuyến, không còn có chủ ý gì nữa, nên không nhận thức được.
Triển Phi Yên càng nói chậm chạp hơn :
- Ta cần có ngươi hay là: sau khi ta ngất đi rồi, đến lúc sắp hồi tỉnh thì nhị thư ta đã đem bỏ ta vào một hốc cây lớn.
Nàng ngừng lại để lấy hơi rồi nói tiếp :
- Y còn phóng chưởng bồi thêm một phát vào ngực ta, khiến ta phải hộc máu tươi rồi lại chết giấc... Nhị thư ta tưởng ta chết thực rồi mới bỏ đi. Ngươi có tin lời ta không?
Triển Phi Yên chưa dứt lời, Cần Quân Hiệp đã biến đổi sắc mặt. Chàng nghĩ rằng :
- Chắc cô này vì có mối hiềm khích với Triển Phi Ngọc muốn đặt điều ra như vậy, chứ có lý nào thế được!
Nghĩ vậy chàng liền xua tay lia lịa nói :
- Tam cô nương! Tại hạ nghĩ rằng lúc đó thần trí cô mê rồi nên tưởng tượng ra như vậy. Thực tình tại hạ thấy nhị cô nương rất thương yêu và lo lắng vì cô bị tai nạn.
Triển Phi Yên mở hé mắt, nở một nụ cười chua chát hỏi :
- Ngươi không tin lời ta ư?
Cần Quân Hiệp nghĩ tới mình cùng Triển Phi Ngọc trong buổi đầu khăng khít với nhau. Bây giờ chàng thấy Triển Phi Yên dường như cố tình buộc cho Triển Phi Ngọc một cái tội tày đình, chàng đứng thộn mặt ra hồi lâu rồi hỏi lại :
- Lời cô nương nói không thể nào hiểu được. Nhị cô nương và cô là hai chị em ruột thịt, tình thâm nghĩa trọng như chân tay, có lý nào nhị cô nương lại có ác tâm như thế được?
Triển Phi Yên từ từ nhắm mắt lại rồi nói :
- Ta cũng biết vậy. Vụ này đích thân ta được nhìn thấy mới tin là thực, còn ai nói thì mình cũng chỉ cho là bịa đặt. Tục ngữ đã có câu “Hiểu biết con không ai bằng cha mẹ”. Hành động dã man của nhị thư ta không thể nào qua mắt má má ta được.
Cần Quân Hiệp nghe nàng nói vậy trái tim lại đập loạn lên, đầu óc cực kỳ bối rối. Chàng chỉ sợ Triển Phi Yên còn lôi ra những chuyện có dính líu đến mình cùng Triển Phi Ngọc, liền tìm lối thoát nói :
- Bây giờ tại hạ đi đưa tin cho Diệu Cô hay. Cô nương chẳng nên nghĩ ngợi nhiều cho mệt trí. Cô cần tĩnh giới, nghỉ ngơi cho lại sức và bảo trọng tấm thân.
Triển Phi Yên hỏi :
- Ngươi đi rồi... Không muốn trở lại nhìn ta nữa phải không?
Cần Quân Hiệp chỉ ậm ừ cho xuôi chuyện rồi giật lùi đi ra.
Chàng vừa bước chân ra khỏi cửa lại nghe Triển Phi Yên buông một tiếng thở dài não nuột. Nhưng chàng không thấy nàng gọi lại nữa, mới yên tâm thở phào một cái. Không phải chàng sợ Triển Phi Yên đau nặng, mà chàng chỉ sợ những lời xói móc tinh ranh của nàng.
Dù sao chàng cũng cho là Triển Phi Yên nói đúng theo thâm tâm của nàng, vì chẳng những Diệu Cô mà cả Triển đại tiểu thư cũng nói là Triển Phi Ngọc đã đem lòng ám hại em mình. Có điều Cần Quân Hiệp vẫn cho là những lời nàng đã nói ra theo sự tưởng tượng chứ sự thật không đến nỗi thế.
Cần Quân Hiệp ra khỏi cửa rồi chàng dừng bước lại, ngẩn ngơ một lúc vì thấy lão già bệnh hoạn vẫn còn đứng ngoài xa, hai tay chắp để sau lưng, ngửng đầu trông những đám mây bạc lơ lửng trên trời, vẻ mặt ra chiều thư thái.
Cần Quân Hiệp ngẫm nghĩ một lúc rồi tiến lại trước mặt lão già, thi lễ nói :
- Vãn bối đã cùng tam cô nương đôi hồi mọi sự. Bây giờ vãn bối xin cáo từ.
Lão già bệnh hoạn chỉ ừ hữ một tiếng dường như chẳng muốn nhìn mặt chàng.
Cần Quân Hiệp nóng lòng đem giai âm (tin lành) về báo cho Diệu Cô hay. Chàng liền băng băng đi ngay. Chớp mắt đã ra khỏi núi. Bên tai chàng còn văng vẳng thanh âm lão già ốm yếu từ đằng xa vọng lại.
- Theo chỗ ta biết thì những lời Triển cô nương vừa nói với ngươi đó toàn là sự thực.
Cần Quân Hiệp trong lòng rất lấy làm kỳ, tự hỏi :
- Lão già bệnh hoạn kia không biết đã theo dõi mình từ lúc nào?
Chàng liền ngoảnh đầu lại xem thì phía sau chẳng thấy bóng một ai.
Cần Quân Hiệp ra khỏi hang núi đi hết một khúc quanh mới quay đầu nhìn lại thì thấy lão già bệnh hoạn vẫn chắp tay để sau lưng đứng nguyên chỗ cũ dưới khe núi. Lão ngẩng đầu nhìn trời, dường như chưa dời khỏi đó một bước mà không hiểu tại sao thanh âm vừa rồi chàng nghe rất rõ tựa hồ như người đứng ngay ở sau lưng nói ra. Bỗng chàng tỉnh ngộ lẩm bẩm :
- Đây là lão vận động công lực của hạng thượng thừa nội gia, dùng phép Thiên lý truyền âm để phóng thanh. Thế thì lão già bệnh hoạn kia đúng là một kỳ nhân võ công cực cao.
Cần Quân Hiệp lại ngẩn người ra ôn lại những lời nói của Triển Phi Yên và chàng vẫn cho là một luận điệu vu vơ không phải sự thực. Đột nhiên chàng vận động cước lực chạy thật mau. Giữa đêm hôm tăm tối chàng vẫn vun vút băng người đi, chân không dừng bước.
Sáng sớm hôm sau, chàng đã về tới phía ngoài hang núi chỗ Diệu Cô cư trú.
Còn ở đằng xa, Cần Quân Hiệp đã cất tiếng gọi :
- Diệu Cô tiền bối! Diệu Cô tiền bối!
Chàng biết Diệu Cô bản lãnh rất cao thâm, một bước chân một tiếng nói là ở đằng xa, bà cũng có thể nghe thấy được. Nhưng chàng vừa chạy vừa gọi vào đến cửa hang mà trong hang núi vẫn lặng ngắt như tờ, không có một thanh âm nào phản ứng hết. Chàng cho là Diệu Cô hiện đi khỏi rồi không ở nhà.
Cần Quân Hiệp tuy nghĩ vậy nhưng vẫn bước đều chân. Chớp mắt đã tới hang núi. Chàng ngẩng đầu nhìn ra thấy Diệu Cô cùng Triển đại tiểu thư hai người đang ngồi xếp bằng tựa lưng vào nhau và đều đưa song chưởng ra phía trước.
Cần Quân Hiệp thấy tình hình này thì tưởng hai người đang luyện công. Chàng liền tiến mau về phía hai người lớn tiếng gọi :
- Diệu Cô tiền bối! Khoan rồi hãy luyện công! Vãn bối đem tin mừng về cho tiền bối đây!...
Chàng nói tới đây, thì chỉ còn cách Diệu Cô chừng một trượng rưỡi.
Đột nhiên Cần Quân Hiệp cảm thấy trước mặt mình dường như có một bức tường vô hình cản trở hất ngược lại.
Vì chàng hấp tấp chạy lẹ quá, không kịp đề phòng, vấp phải phản lực, không dừng bước kịp, để người bị hất văng ra.
Lúc người chàng còn lơ lửng trên không, đồng thời lộn luôn đi ba vòng rồi mới hạ xuống đất.
Cần Quân Hiệp rất lấy làm ngờ vực, không hiểu sự tình ra sao. Người chàng vừa hạ xuống đất, bỗng nghe thanh âm một người đàn bà lớn tiếng quát :
- Diệu cô! Còn cố chống chọi làm chi nữa? Ngươi định chống đến bao giờ mới chịu thôi?
Cần Quân Hiệp vừa nghe đã biết thanh âm đó là tiếng Cốc Thiên Phạm phu nhân ở động Song Dương.
Chàng liền nhìn về phía phát ra thanh âm mới biết ngoài hai mẹ con Diệu Cô trong hang núi còn có người khác nữa. Vừa rồi chàng hấp tấp đem tin mừng về báo nên chẳng để ý gì đến bên ngoài và không nhìn thấy.
Ngoài mẹ con Diệu Cô, còn có bốn người nữa chia nhau ra giữ bốn góc vây mẹ con bà vào giữa. Bốn người kia đều đứng trước mặt mẹ con bà chừng hơn hai trượng, và bọn người ngoài cũng đẩy chưởng ra phía trước.
Cần Quân Hiệp tuy võ công tầm thường nhưng chàng là con nhà võ có danh tiếng nên vừa nhìn thấy tình hình này đã biết ngay là hai bên đang tỉ đấu nội lực.
Luồng cường lực chàng vấp phải vừa rồi là chưởng lực của hai bên hất ra.
Cần Quân Hiệp ngấm ngầm kinh hãi. Chàng không ngờ quả nhiên Cốc phu nhân đã tìm đến tận nhà Diệu Cô để trả oán. Chàng nghe lời phu nhân vừa nói thì dường như kêu mẹ con Diệu Cô đang lâm vào thế nguy, sắp không chống lại được nữa. Nhưng không hiểu Cốc phu nhân đã mời được những tay cao thủ nào đến?
Cần Quân Hiệp đảo mắt nhìn bốn phía thì thấy hai người sư ni đứng tuổi, tướng mạo hai người này giống nhau như đúc.
Không những tướng mạo giống nhau mà thân hình cũng gầy ốm, vẻ mặt lạnh lẽo như nhau.
Cần Quân Hiệp bất giác khẽ “ồ” lên một tiếng. Chàng nghĩ tới trong các phái võ kể cả tăng, đạo, ni, tục thì võ công cao nhất là Phổ Đà song ni.
Võ công của Phổ Đà song ni tuy cũng là Phật môn tuyệt nghệ, nhưng không như những tay cao thủ các Phật môn khác. Võ công của môn phái Phổ Đà luyện “Phục Ma kỳ công” làm tuyệt nghệ. Bản lãnh Phổ Đà song ni đã cương mãnh tuyệt luân mà tính hai người lại hợp nhau như một.
Phổ Đà song ni ghét kẻ hung ác như quân thù nghịch. Cứ ba năm lại dời khỏi chùa Phổ Đà một chuyến, đi các nơi hành thiện tác phúc. Không biết đến bao nhiêu kẻ tàn ác đã chết về tay hai vị này. Vì thế, mỗi lần hai vị xuống núi là bọn tà phái lại bảo nhau trốn chạy ẩn náu để khỏi gặp hai vị ni cô này mà có khi mất mạng như chơi.
Dưới gầm trời muốn tìm thấy hai vị ni cô về tướng mạo cũng như về tính tình giống nhau như đúc thì ngoài hai vị này khó mà kiếm được một đôi nào khác như thế.
Cần Quân Hiệp ngấm ngầm lo thay cho Diệu Cô. Chàng lại nhìn ra phía khác xem còn những ai nữa?
Bỗng chàng để ý đến một người thân hình cao lớn sắc mặt hồng hào. Người này tuổi đã già mà tướng mạo rất oai nghiêm.
Cần Quân Hiệp nhìn kỹ lại thì lão nào phải ai xa lạ, mà chính là Thiên Ngô lão nhân, Chưởng môn phái Thanh Thành.
Thiên Ngô lão nhân đã xuất hiện trong tòa cổ thành và tại Lý gia trang, Cần Quân Hiệp đã gặp lão rồi.
Cần Quân Hiệp vừa nhận ra Thiên Ngô lão nhân, lại càng kinh hãi vì phe địch toàn là những tay cao thủ vào hạng nhất trong võ lâm.
Chàng tự hỏi :
- Gặp những tay ghê gớm này thì hai mẹ con bà Diệu Cô chống thế nào nổi?
Chàng lại đưa mắt nhìn về phía Diệu Cô, thì thấy Diệu Cô chưa có vẻ gì núng thế, còn Triển đại tiểu thư sắc mặt lúc vàng lợt, lúc xanh lè, thay đổi luôn luôn. Trán toát nhưng giọt mồ hôi lớn hơn hạt đậu nhỏ xuống tong tong, chàng biết ngay nàng đã mỏi mệt rồi.
Chưởng lực của đại tiểu thư chống với Phổ Đà song ni. Tuy nàng bản lãnh cao cường, nhưng khó lòng chống lại hai cao nhân Phật môn ghê gớm này.
Lát sau Triển đại tiểu thư run run người lên, mỗi lúc một lâm vào tình thế nguy bách.
Bỗng nghe Triển đại tiểu thư la lên một tiếng quái gở. Người nàng ngồi không vững. Mười đầu ngón tay xòe ra. Đầu bù tóc rối. Toàn thân mồ hôi toát ra như tắm. Tướng mạo nàng đã xấu xa, bây giờ lại càng khủng khiếp hơn, trông chẳng khác chi quỷ sứ.
Bất thình lình Triển đại tiểu thư nhảy xổ về phía trước.
Phổ Đà song ni thấy đối phương xông lại cũng đứng phắt dậy và đều bật lên một tràng cười lạnh lẽo, quái gở, khiến người nghe phải ớn da gà.
Triển đại tiểu thư vận hết nội lực, đà nhảy rất mạnh và mau lẹ vô cùng. Nàng nhảy một cái đá đến trước mặt song ni. Mười đầu ngón tay nàng, đều bôi một chất đen kịt, giơ lên nhằm chụp xuống trước mặt đối phương.
Phổ Đà song ni khẽ ngửa người về phía sau để tránh.
Giữa lúc ấy Diệu Cô rú lên một tiếng, đột nhiên đứng phắt dậy, nhảy lùi lại.
Nguyên Diệu Cô đang đưa song chưởng về phía trước để đấu chưởng lực với Cốc phu nhân và Thiên Ngô lão nhân.
Chưởng lực của Diệu Cô vẫn tiếp tục giữ vững được mặt trận. Nhưng bà thấy Triển đại tiểu thư lâm nguy, vội co mình lùi lại phía sau, nên phải thu chưởng lực về.
Thiên Ngô lão nhân và Cốc phu nhân liền thừa cơ vận chưởng lực, oai thế nghiêng non lấp bể xô tới.
Nhưng Diệu Cô nào phải tay vừa. Bà đã định bụng rút lui khi nào còn để chưởng lực đối phương đánh trúng. Bà lùi lại rất nhanh, nên chưởng lực đối phương tuy dồn ra mà không kịp tập kích đến được người bà. Thân pháp Diệu Cô quả đã đến mức phi thường.
Lúc Diệu Cô lùi lại, đồng thời bà lạng người ngay tới phía sau Triển đại tiểu thư. Bà vẫn không xoay mình lại mà giữ nguyên một tư thế nhảy tung người đi, nhô lên hụp xuống hai cái đã đến sau lưng Phổ Đà song ni.
Động tác của Diệu Cô đã nhanh đến cực điểm thì động tác của Triển đại tiểu thư và Phổ Đà song ni cũng thần tốc phi thường. Lúc Triển đại tiểu thư đưa mười đầu ngón tay ra chụp xuống, Phổ Đà song ni ngửa về phía sau một chút, đồng thời tay áo đột nhiên vung ra. Những tay áo lơ lửng trên không va chạm vang lên những tiếng choang choảng như sắt đá xô xát.
Triển đại tiểu thư thu chiêu về không kịp, những ngón tay bị chụp vào tay áo của đối phương.
Bỗng nghe những tiếng rắc rắc vang lên như tiếng xương gãy nát.
Triển đại tiểu thư rút lên một tiếng thê thảm, rùng rợn!
Nguyên Phổ Đà song ni đã vận động Phục Ma chân khí vào hai tay áo và đã hất mạnh mười đầu ngón tay của Triển đại tiểu thư làm cho phải gãy hết.
Ngay từ lúc Triển đại tiểu thư tung lên khỏi mặt đất, Diệu Cô đã biết là nàng sắp bị nguy đến nơi. Bà hiểu rõ cô con nóng tính và nàng đã nhảy xổ tới nơi nhất định là để liều mạng. Vì thế mà bà hấp tấp lùi lại, toan giải vây cho Triển đại tiểu thư. Nhưng lúc bà người được đến sau lưng Phổ Đà song ni thì chậm mất một chút rồi. Triển đại tiểu thư đã bị sức hút rung động quá mãnh liệt của những tay áo đối phương khiến cho mười đầu ngón tay bị gãy hết.
Diệu Cô trong lòng vừa đau xót vừa nóng nảy. Bà vội vận chân khí phóng chưởng ra. Giữa lúc những ngón tay của Triển đại tiểu thư bị gãy rời, song chưởng của bà mới đánh tới sau lưng Phổ Đà song ni.
Phổ Đà song ni đều xoay tay lại phóng chưởng ra đỡ. Không ngờ thế chưởng của Diệu Cô phóng ra cực kỳ mãnh liệt, ầm ập áo tới chỉ là một đòn đánh dứ. Bà đã tiên liệu Phổ Đà song ni lâm nguy không kịp xoay người, tất nhiên chỉ có cách xoay tay lại để nghênh địch. Bà chờ cho đối phương phóng chưởng ra rồi đột nhiên thu chiêu về, nắm hai tay lại, chĩa ngón tay cái lên. Chỉ phong phát ra veo véo!
Phổ Đà song ni vung chưởng phản kích, huyệt Lao Cung ở trên lòng bàn tay hai người trúng vào đầu ngón tay cái của Diệu Cô.
Lúc này Diệu Cô cực kỳ đau xót vì con gái bị trọng thương, bà vận công lực đến độ chót để trả thù.
Phổ Đà song ni tuy có Phục Ma chân khí hộ thân, nhưng ngón tay Diệu Cô lại nhằm điểm yếu huyệt hai người. Song ni không né tránh kịp, huyệt đạo trúng chỉ, rú lên một tiếng, rồi một cánh tay đột nhiên bị nhũn ra, mất hết công lực.
Cách biến chiêu của Diệu Cô mau lẹ và kỳ diệu phi thường. Bà giơ hai tay lên, ngón tay cái vẫn chĩa thẳng ra. Ngón tay trượt theo cánh tay Phổ Đà song ni và điểm thêm ba phát nữa. Trúng vào những huyệt Liệt Khuyết, Khổng Túc và Thiên Phủ. Đồng thời bà phóng cước đá theo thế liên hoàn. Hai chân bà cũng đá trúng vào huyệt đạo đối phương.
Cách phóng cước liên hoàn của Diệu Cô động tác mau lẹ tuyệt luân. Bà phóng chiêu liên tiếp chỉ cách nhau chừng sợi tóc.
Phổ Đà song ni là những bậc cao nhân ghê gớm đến thế mà không có cách nào, hay một giây nào rảnh tay để kịp xoay mình lại đối phó với địch nhân ở phía sau.
Cặp giò của Diệu Cô đã vang lên hai tiếng “binh binh” đá trúng lưng Phổ Đà song ni.
Phổ Đà song ni không tự chủ được, người bị hất tung lên. Giả tỷ hai người khác mà bị hai chân Diệu Cô phóng trúng thì tất phải gãy xương hay mất mạng rồi.
Nhưng Phổ Đà song ni nhờ có Phục Ma chân khí hộ vệ thân thể, nên không đến nỗi.
Lúc người còn lơ lửng trên không, song ni đã lộn nhào đi hai vòng khiến cho hai chân của Diệu Cô tuy đá trúng nhưng sức mạnh đã giảm bớt. Song ni liền thừa cơ chớp nhoáng này, hạ mình lẹ xuống đất.
Phổ Đà song ni ai cũng cảm thấy từ ngày mình ra đời đến nay chưa bao giờ bị cái nhục bị người đá bay đi như lần này.
Hai người đứng vững lại rồi, vẻ mặt xám xanh vì mỗi người đều bị một tay vẫn còn mềm rủ chưa cử động được.
Dĩ nhiên cánh tay song ni không đến nỗi bị tàn phế, nhưng đã bị Diệu Cô điểm trúng mấy huyệt đạo thành ra khí huyết bị ngưng trệ và cánh tay không sao cử động được.
Diệu Cô phóng chân ra đá Phổ Đà song ni rồi lập tức nhảy tới đỡ Triển đại tiểu thư.
Bà thấy mười đầu ngón tay Triển đại tiểu thư sưng lên, ngón xám xịt, ngón tím bầm. Sắc mặt nàng lợt lạt như cắt, không còn một giọt máu. Bà đau khổ vô cùng, liền vẫy một cái cho người nàng tiến lại sau lưng. Rồi một mình bà độc lực chống với bốn tay cường địch.