Hai đại đội cứng của Bảy Viễn giữa đêm rút quân lặng lẽ trên dòng kênh Dương Văn Dương. Khẩu hiệu của Tư Sang là khẩn trương và tuyệt đối im lặng. Tuy vậy trên bờ kênh luôn luôn có ánh đèn pin thỉnh thoảng nhấp nháy trong đêm đen chứng tỏ các đội trinh sát các Trung đoàn chung quanh đã được báo động và âm thầm theo dõi cuộc tháo chạy trong vòng trật tự của nguyên Khu phó Bảy Viễn. Bảy Viễn vốn thích mặc xà rông và áo thun tơ ba lỗ cho mát, nhưng trong đêm lịch sử này, ông Bảy phải mặc quân phục, nai nịt súng đạn hẳn hoi, phòng khi hữu sự. Có lúc lính Bình Xuyên thấy thấp thoáng các đội trinh sát các trung đoàn vẫn cứ bám sát mà không nổ súng. Về sau mới biết tuy Trưởng phòng Dân quân Nam bộ Lê Duẩn ra lệnh cứ để Bảy Viễn rút quân về Rừng Sác, nhưng Trung tướng ủy viên quân sự Nam Bộ kiêm Phó chủ tịch ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ ra lệnh cho các Trung đoàn phải bám sát vì biết quá rõ là Bảy Viễn không về Rừng Sác mà rút về thành.

Tới Quân khu Ðông Thành, nơi Chi đội 4 của Mười Trí đóng quân, Bảy Viễn mừng rỡ ra lệnh hai đại dội kéo vô tá túc.

- Anh Mười có cách gì dể mình rút quân an toàn không? Bọn trinh sát các Trung đoàn của Nguyễn Bình cứ bám sát, mình sợ không biết lúc nào hai bên nổ súng.

Mười Trí gật gù gọi Ba Chiêu là Chánh văn phòng Chi đội 4 tới nói:

- Mày ra nói với mấy anh bên ngoài là chú Mười sẽ thuyết phục ông Bảy không rút quân về thành. Xin các anh cho rút quân đi. Có gì chú Mười xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Mười Trí bảo vợ làm gà vịt đãi Bảy Viễn. Hai anh em tâm tình.

Mười Trí thăm dò:

- Chính ủy Hai Trí đã phát lệnh tảo thanh Rừng Sác. Bây giờ anh Bảy tính sao?

Bảy Viễn thở ra:

- Tính sao gì nứa? Nó lừa mình xuống Tháp Mười để tảo thanh căn cứ của mình. Bây giờ căn cứ không còn, chỉ có nước về thành mượn đất thằng Tây ở tạm rồi sẽ tính sau.

Mười Trí lắc đầu:

- Ðã tính kỹ chưa? Nhớ mùa thu rồi, hai đứa có lời thề "Một ra đi là không trở về" hay không?

Bảy Viễn:

- Sao không nhớ? Nhưng mà bây giờ tình hình đã đổi khác rồi (thở dài). Mình già mà dại! Phạm một sai lầm chết người!

- Sai lầm gì?

- Là hành động mà không suy nghĩ chín chắn. Mình theo kháng chiến mà không hiểu mấy cha mưu sĩ lợi hại như thằng Hai Trí.

Mười Trí nói:

- Chuyện về thành, nên suy nghĩ kỹ lại. Còn nước còn tát....

Bảy Viễn lắc đầu:

- Không còn con đường nào khác. Tắc Cây Mắm của tao đâu còn mà mầy khuyên tao đừng về thành?

Mười Trí đặt mạnh ly rượu xuống bàn:

- Nhục lắm? Tôi khuyên anh nên nghĩ lại. Với thằng Tây, tụi mình là cái gì? Là những thằng du đãng, là những thằng ăn cướp, là những thằng tù khổ sai, đày ra Côn Ðảo đập đá, xeo san hô, lên núi đốn củi.Chỉ có theo kháng chiến mình mới là ông nọ bà kia, tao với mầy đều là chỉ huy. Mầy còn ngon lành hơn tao: Khu bộ phó rồi Khu bộ trưởng...

- Tao đâu có ham ba cái bánh vẽ đó. Tao thà làm đầu gà hơn đuôi phụng. Khu bộ trưởng làm cái con mẹ gì? Tao chỉ khoái làm lãnh tụ Bình Xuyên. Vậy mà tụi nó chủ trương giải tán Bình Xuyên. Chơi vậy chơi với ai?

Mười Trí gật:

- Tao cũng không đồng ý giải tán Bình Xuyên. Cho rằng Tây lợi dụng Bình Xuyên thì mình phải cao tay ấn hơn. Tội gì giải tán? Cứ để Bình Xuyên đó, thằng Phòng Nhì nào léng phéng tới thì mình chộp ngay. Chính quyền trong tay mình mà sợ cái gì?

Bảy Viễn lắng nghe Mười Trí nói, có vẻ nghĩ ngợi nhưng giữ im lặng.

Chuyện lạ là lâu nay bỏ rượu, nhưng trong tiệc này Mười Trí lại uống quá chén.

Một lúc sau, Mười Trì nói giọng lè nhè:

- Bảy Viễn, chuyện về thành mấy nghe tao, suy nghĩ lại. Về đầu Tây thì nhục lắm? Tu mấy kiếp, rốt cuộc cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ?

Bảy Viễn buồn bã:

- Mầy phải đặt địa vị mầy như tao. Tao mất hết trơn, còn gì mà ở lại?

- Nhưng đầu Tây là nhục muôn đời? Ðúng là đốn củi ba năm đốt một giờ. Mấy không còn Tắc Cây Mấm thì mầy cứ ở lại đây với tao. Tao sẽ bảo lãnh cho mầy. Hai đứa sẽ gầy dựng lại. Có gì đâu!

Thôi mầy đi ngủ đi. Tao mong ngủ một đêm, sáng mai mầy sẽ đổi ý.