Buổi chiều, cuộc họp vẫn do luật sư Phạm Ngọc Thuần chủ tọa.

Với tài điều hành nhanh gọn, ông đề nghị Mười Trí giải đáp những thắc mắc của Trung tướng Nguyễn Bình:

Một: ông đã chứa Vũ Tam Anh sau khi tên này đánh chết một lính gác rồi cùng Trần Quang Vinh vượt ngục từ miền Tây lên tá túc trong Chi đội 4 của ông.

Hai: ông bao che cho Nguyễn Hòa Hiệp khi Ðệ tam sư đoàn bị bộ đội Huỳnh Văn Một xé lẻ bắt gọn từng trung đội bằng cách tổ chức cho ăn cơm, sau đó cho dân quân giả làm dân đi xem súng, rồi bất ngờ cướp súng bọn này. Bộ tham mưu Nguyễn Hòa Hiệp đã chạy vô Chi đội 4 ẩn núp vài ngày rồi kéo ra thành đầu Tây.

Ba: ông đã để Vũ Tam Anh và Bùi Hữu Phiệt công khai nói xấu Chính phủ Hồ Chí Minh trước mặt tôi, Trung tướng Nguyễn Bình và các ông Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Kim Cương, đồng thời ca ngợi Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam trong khi tôi tới viếng thăm ông sau trận đánh ấp số 10.

Bốn: Việc Chi đội phó Sáu Section giả chữ ký của ông mời tôi tới nhà ông ăn cơm thân mật để cho người nã tiểu liên dọc đường. Rất may tôi chỉ bị thương nhẹ ở vai và tay.

Xin mời ông Mười Trí có ý kiến về bốn điểm trên.

Mười Trí đứng lên, nhìn trung tướng Nguyễn Bình nói với giọng thân tình:

- Nhờ Chi đội 4 đóng gần Khu 7 nên tôi là người hiểu anh Ba Bình hơn nhiều chỉ huy Bình Xuyên khác. Bao giờ tôi cũng xem anh Ba là người chỉ huy tài ba, xứng đáng là Khu bộ trưởng Chiến khu 7 - chiến khu đàn anh của cả Nam bộ. Thử nhìn lại xem, khi quân đội viễn chinh của tướng Leclerc đánh chiếm các tỉnh miền Trung và miền Tây, khí thế như chẻ tre, có lúc có người chủ trương xuyên Ðông và xuyên Tây (tức là chạy lên miền Ðông hay xuống ghe chạy qua Xiêm) thì anh Ba Bình vẫn vững vàng, chủ trương ăn miếng trả miếng như Tết Tây năm 1946 đã đánh lớn vô thị xã Biên Hòa làm cho Tây cực kỳ hoang mang.

Bây giờ tôi xin trả lời thắc mắc của anh Ba.

Câu thứ nhất: Hai thằng tù vượt ngục từ khám đường miền Tây, chúng giấu biệt làm sao tôi biết? Lúc đó thông tin liên lạc của mình kém quá. Nếu biết thì tôi đâu chứa trong nhà: tốn gà vịt nhậu nhẹt ngày đêm!

Câu thứ hai: vụ Nguyễn Hòa Hiệp bị Huỳnh Văn Một tước súng chạy vô chỗ tôi xin tá túc, mình là người quen kiểu mạnh thường quân, ai tới ở nhờ ăn chực vài ngày là chuyện thường. Ðến hồi nó kéo ra đầu Tây, mình mới tá hỏa thì chuyện đã rồi. Có bị phê bình thì đành nhận khuyết điểm.

Chuyện thứ ba: Bọn Vũ Tam Anh, Nguyễn Hòa Hiệp nói xấu Chính phủ cụ Hồ là chuyện dĩ nhiên vì hai cha này theo Việt Nam Quốc Dân đảng. Tôi có lỗi là không kịp ngăn chặn hai đứa đó lại, cũng xin nhận khuyết điểm.

Còn chuyện thứ tư: mới là chuyện động trời. Thằng Sáu Section là Chi đội phó của tôi, theo tôi từ đầu. Nó chữ nghĩa đâu có bao nhiêu. Vì vậy nó nghe hai cha Vũ Tam Anh và Bùi Hữu Phiệt dụ dỗ "bắn một mũi tên rơi hai con nhạn" - một là diệt trung tướng Nguyễn Bình, hai là tôi bị nghi phải vô trại giáo hóa không biết bao giờ mới được minh oan. Cũng may là nhờ anh Ba sáng suốt biết phân tách chữ ký giả của Sáu Section, nếu không thì tôi cũng mang họa!

Nguyễn Bình đưa tay xin nói:

- Từ lâu tôi biết anh Mười mang tánh mạnh thường quân, một đức tính cần thiết cho những người biết tập hợp chung quanh những đồng chí đồng đội. Nhưng anh Mười đi hơi lố. Nên suy xét bạn trước khi giao du. Người xưa có nói "phải ăn hết một đấu muối mới biết bạn hiền".

Luật sư Thuần tiếp tục với Tư Ty:

- Xin anh Tư Ty trả lời những thắc mắc của trung tướng Nguyễn Bình:

Một: Về vụ anh hất Bảy Quái, chỉ huy bộ đội An Ðiền (Thủ Ðức) để chiếm đoạt Chi đội 25.

Hai: Về việc anh che chở tên giáo sư Trần Quốc Bửu - kẻ sau này nhảy ra thành làm tay sai cho địch.

Tư Ty lắc đầu:

- Về việc Bảy Quái, anh ta được ông Lê Ðình Chi mời lên Nha Quân pháp để tăng cường cho ngành. Còn về Trần Quốc Bửu thì nó khóc lóc than thở nhờ tôi che chở, không thì có thể bị Việt Minh bắt oan. Mình vốn anh hùng cá nhân, thấy ai gặp hoạn nạn thì thương. Có vậy thôi!

Cuộc kiểm thảo tới đây tạm nghỉ để sau đó bàn chuyện quan trọng nhất: giải thể hay không giải thể lực lượng Bình Xuyên?

Buổi sáng, trong mấy lời tâm tình của trung tướng Nguyễn Bình, vấn đề đã được đề cập phớt qua, dù sao cũng làm nháng lửa với phản ứng dữ dội của Bảy Viễn, Sáu Ðối, Năm Hà, Mười Trí...

Chiều nay, quyền Chủ tịch Phạm Ngọc Thuần trình bày vấn đề toàn diện hơn. Do vậy thái độ của Bảy Viễn và các chỉ huy Bình Xuyên có phần bình tĩnh, lịch sự hơn.

Với giọng hùng hồn của một luật sư, ông Thuần phân tích lợi và hại của việc duy trì chiến khu Rừng Sác theo kiểu Bảy Viễn. Cái hại trông thấy khá rõ. Từ lâu Phòng Nhì giao hảo với Bảy Viễn, hai bên ngầm ký hiệp ước bất tương xâm. Anh không đánh tôi, tôi không đánh anh. Như vậy chúng đã biến Rừng Sác thành một con đường để vận tải, tiếp tế vũ khí lương thực, tự do đi lại. Càng nguy hiểm hơn, chúng xem như đã nắm được Liên khu Bình Xuyên là các đơn vị thiện chiến ở miền Ðông Nam bộ và chúng sắp biến nơi đây thành chiến khu quốc gia ủng hộ Bảo Ðại chống Chính phủ Hồ Chí Minh. Còn giải thể Bình Xuyên thì ta tránh được âm mưu thâm độc của địch như đã kể trên. Thứ nữa, danh dự Bình Xuyên không bị Ô uế vì sự mua chuộc bằng tiền và gái.

Ông Thuần nhấn mạnh một điều thuyết phục mọi người: lâu nay ta dung dưỡng Bình Xuyên, khiến tổ chức này có giang san riêng, quân đội riêng, tài chính riêng, thu thuế riêng. Như vậy là một quốc gia trong một quốc gia, một điều thậm vô lý?

Từ nay giải tán Bình Xuyên, không còn Bộ tư lệnh Bình Xuyên, không còn bộ đội Bình Xuyên mà tất cả hòa đồng trong đại gia đình Vệ quốc đoàn.

Trời đã nhá nhem tối, nhưng ai cũng thấy được nét bất mãn từ Bảy Viễn tới người ngồi cuối bàn.