Bảy Viễn đem rượu Tây đãi Tám Nghệ:

- Nói thật với anh Tám, tôi không khoái Nguyễn Bình. Nó là thằng trôi sông lạc chợ vô đây làm cha mình. Ai chịu được!

Tám Nghệ đặt mạnh ly Cognac xuống, cắt lời:

- Xin phép anh Bảy cho tôi nói. Nam Trung Bắc gì cũng là người Việt Nam. Dân Nam Kỳ mình đây chính là cháu chắt chia dân Ngũ Quảng theo lệnh Nguyễn Hoàng vào Nam sinh cơ lập nghiệp. Kỳ thị Nam Bắc là ta mắc mưu chia để trị của thực dân.

Bảy Viễn hậm hực:

- Nhưng anh Tám thấy Nguyễn Bình hơn mình chỗ nào mà chỉ huy mình?

Tám Nghệ nghiêm chỉnh:

- Hơn nhiều chớ! Trước nhất là bản lĩnh. Miền Nam mình, ai có bộ đội trong tay cũng làm trời, cá lớn nuốt cá bé. Như thời Thập nhị sứ quân, không ai phục ai. Vậy mà Nguyễn Bình chân ướt chân ráo tới miền Ðông Nam bộ đã mở hội nghị An Phú xã (Gò Vấp) thống nhất các đơn vị bộ đội địa phương, lập ra mười mấy chi đội, trong đó có 7 chi đội của Liên khu Bình Xuyên. Nếu không phải Nguyễn Bình, ai làm được việc lớn lao đó? Rồi còn lập ra các ban Công tác thành, đem chiến tranh vào tận hang ổ Sài Gòn bị địch chiếm... Các danh tướng Leclerc, Nyo đều nể mặt Nguyễn Bình.

Bảy Viễn lắc đầu:

- Tô i không nhận chức Khu bộ trưởng đâu! Ðây là kế "điệu hổ ly sơn". Tôi đã quen giang san Rừng Sác của mình rồi. Xuống Ðồng Tháp Mười, đồng không mông quạnh, lạnh lưng lắm!

Tám Nghệ cười lớn:

- Người ta tặng anh danh hiệu Hắc Hổ tướng quân. Anh là cọp mun, chúa tể sơn lâm. Sao hôm nay nói nghe yếu xìu vậy? Cọp ở đâu cũng là cọp. Không lẽ xuống đồng, cọp biến thành chồn cáo hay sao?

Bảy Viễn đang nâng ly vụt đặt mạnh xuống bàn, mắt long lanh hai bàn tay nắm chặt lại:

- Anh Tám nói đúng! Cọp ở đâu cũng là cọp, cũng là chúa tể sơn lâm! Bảy Viễn này là Hắc Hổ tướng quân thì sợ ai mà không dám về Nam bộ...

Nhưng mà...

Tám Nghệ hiểu ý, nói ngay:

- Anh Bảy sợ mắc kế "điệu hổ ly sơn" chớ gì? Không có chuyện ấy đâu! Tôi nghĩ anh Bảy và Nguyễn Bình không hiểu nhau vì đóng quân cách xa. Thêm nữa, chung quanh lại có người ác ý nói Vô nói Ra nhằm chia rẽ. Theo tôi, anh Bảy nên về Nam bộ nhậm chức. Trong lễ sẽ có đủ mặt anh em, có chuyện gì chưa thông, ta bàn bạc, thậm chí tranh luận để xóa bỏ mọi hiểu lầm. Nếu anh Bảy chưa an tâm thì cứ đem theo vài đại đội cứng.

Bảy Viễn gật gù:

- Ý hay! Mình sẽ đưa hai đại đội súng lớn theo, trước nhất là để bảo vệ an toàn trên đường đi sau nữa là thị uy Nguyễn Bình.

Tám Nghệ vui mừng khi thấy Bảy Viễn chịu về Nam bộ nhậm chức Khu trưởng. Anh chồm qua bắt tay Bảy Viễn:

- Anh Bảy xứng đáng là Hắc Hổ tướng quân. Tôi rất hãnh diện được kết bạn với anh Bảy.

Bảy Viễn hứng khởi bá vai Tám Nghệ:

- Anh Tám không phải dân giang hồ, nhưng anh Tám là một hảo hán khét tiếng ở Chiến khu Ð. Tôi cũng rất hãnh diện được kết nghĩa huynh đệ với anh Tám.

Tiệc tàn, trời nóng, lại thấm hơi men, Tám Nghệ đứng lên cởi áo:

- Xin phép anh Bảy cho tôi xuống sông nhúng nước một lúc. Nóng quá!

- Anh Tám cứ tự nhiên? Coi đây như nhà của anh Tám.

Trong khi Tám Nghệ vẫy vùng trên sóng nước, ba tên com măng đô thiện xạ chĩa mũi tiểu liên vào con mồi. Chúng núp trong mui ghe chỉ thò họng súng qua kẽ lá.

Tư Sang hồi hộp hỏi Năm Tài:

- Sao mầy Năm? Có cần hỏi ý ông Bảy không?

Năm Tài đắn đo:

- Hỏi chắc ông Bảy không cho phép. Hay là mình làm ẩu? Tiền trảm hậu tấu?

Tư Sang thở ra:

- Nên hỏi! Làm ẩu, coi chừng cả bọn chết theo Tám Nghệ!

Năm Tài lật đật chạy vô tìm Bảy Viễn:

- Ông Bảy. Dịp may hiếm có, chớ nên bỏ qua. Tám Nghệ là thằng Cộng sản. Nó là cánh tay mặt của Nguyễn Bình. Nó xuống đây để thi hành độc kế "điệu hổ ly sơn". Tự nó dẫn xác tới đây. Chúng tôi đã cho ba tay súng phục sẵn. Nếu ông Bảy cho phép...

Bảy Viễn nạt lớn:

- Im? Ai cho phép tụi bây làm ẩu? Tám Nghệ là thượng khách của tao. May cho bây đó. Nếu bây làm ẩu thì tao sẽ tế cờ năm mạng tụi bây...

Năm Tài sượng sùng lui ra, khoát tay bảo Tư Sang:

- Dẹp ngay! Ông Bảy hăm tế cờ năm mạng bọn mình nếu ta làm ẩu.

Cái chết rình rập Tám Nghệ suốt thời gian anh nô đùa với nước. Chừng lên bờ, một đội viên nói:

- Khúc sông này có sấu. Tôi thưa kịp nói thì ông đã "long" xuống nước rồi.

Tám Nghệ cười:

- Tôi biết ở đây có sấu, nhưng sấu không gắp được người lội đứng.