Hiệp định sơ bộ 6.3.46 được ký kết, theo đó Pháp công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Việc thống nhất sẽ được quyết định bằng một cuộc trưng cầu dân ý.

Nhưng bọn thực dân không tôn trọng hiệp ước này.

Ðô đốc - Cao ủy D argenlieu tuyên bố Hiệp ước không liên quan gì tới Nam Bộ.

Hai tháng sau, vào ngày 7.5.1946 đại tá Cédille, ủy viên Cộng hòa tới Nam kỳ theo lệnh Cao ủy D argenlieu lập ra chính phủ Nam Kỳ tự trị, đưa bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm Thủ tướng.

Tiếp theo đó, chúng lập Mặt trận Quốc Gia Thống nhất (MTQGTN) để ủng hộ chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Thinh, đồng thời chống phá việt Minh.

Từ trong bưng, Khu trưởng Nguyễn Bình theo dõi diễn tiến của các hoạt động của thực dân và tay sai qua báo chí và qua báo cáo của các Ban Công tác thành. Nhận thấy vai trò phản động của MTQGTN, Nguyễn Bình ra lệnh giải tán tổ chức này. Các Ban Công tác thành rải truyền đơn, ném lựu đạn vào trụ sở mặt trận để cảnh cáo trước nhưng phần tử ngoan cố.

Trước hoạt động mạnh mẽ của quân đội của các Ban Công tác thành ở ngay sào huyệt Sài Gòn, bọn Việt gian hoảng sợ, không dám tung hoành ngang dọc như trước.

Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh cũng tự thấy mình đi sai đường, vì ngây thơ chính trị mà âm mưu thực dân Pháp nên đã tự kết liễu đời mình bằng cách treo cổ trong tư dinh vào rạng sáng chủ nhật 10.11.46.

Khi Nguyễn Bình giải tán MTQGTN, Bảy Viễn ngày đêm lo lắng, không rõ Nguyễn Bình sẽ có hành động gì với mình. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy Khu đá động gì tới việc mình "xé rào" và "đi đêm" với các lãnh tụ Cao Ðài, Hòa Hảo nên Bảy Viễn bớt lo và tự giác ngừng giao du với các tổ chức chống phá kháng chiến.

Mối quan tâm lớn nhất lúc đó của Bảy Viễn là tranh cho được chức thủ lĩnh Liên khu Bình Xuyên mà trước đây Ba Dương rồi sau đó Năm Hà chiếm giữ.

Nhưng giữa tháng 4.1946 thì mơ ước của Bảy viễn đã tan thành mây khói, anh Năm Hà, Tư lệnh Liên chi 2-3 nhận được công điện của Khu trưởng Nguyễn Bình về việc bầu chọn người thay thế cố Thiếu tướng Ba Dương trong cương vị chỉ huy trưởng Liên khu Bình Xuyên.

Nguyên văn như sau:

"VNCÐH - Vệ quốc đoàn - số 7/3/KB

Tổng hành dinh, ngày 12.4.1946

Nguyễn Bình, Khu bộ trưởng Khu thứ 7, nước Việt Nam

Kính gửi đồng chí Dương Văn Hà, Tư lệnh Vệ quốc đoàn Bình Xuyên.

Về việc đồng chí được cử thay đồng chí Dương, tôi rất tán thành. Mong đồng chí đừng phụ lòng mong mỏi ký thác của anh em chiến sĩ Bình Xuyên, của tôi, của đồng chí Dương Văn Dương đã quá cố, nhất là giữ tiếng tăm cho đồng chí Dương là người lỗi lạc, khác hẳn với Ðệ tam, Ðệ tứ sư đoàn phản động và lôi kéo bè phái. Có được như vậy mới thật là xứng đáng với anh linh đồng chí Dương Văn Dương, người đã hy sinh oanh liệt cho Tổ quốc.

Ngoài ra tôi không đồng ý việc mượn tiền dân. Bộ đội nên tăng gia sản xuất để dân dược nhẹ phần đóng góp.

Mặt khác tôi không cho phép vợ con đi theo bộ đội, tránh tình trạng ô hợp như Ðệ tam, Ðệ tứ sư đoàn, HT29... "

Tin Năm Hà được chính thức nhìn nhận là Chỉ huy trưởng Liên khu Bình Xuyên thay anh Ba Dương được phổ biến khắp miền Ðông.

Bảy Viễn nuốt nước bọt, chờ thời cơ sẽ tới trong những năm sau.

Tuy Khu không đá động tới việc Bảy Viễn tham gia MTQGTN, nhưng Nguyễn Bình bắt đầu theo sát hành tung của Bảy Viễn. Phong cách lãnh đạo của Bảy Viễn còn dáng vẻ giang hồ. Có sự ngăn cách giữa cấp chỉ huy với chiến sĩ. Phần lớn cấp bộ đại đội là dân anh chị nên xem binh sĩ như lâu la em út. Cán bộ tiểu đoàn tách rời cấp dưới. Nghe sinh hoạt của Bảy Viễn chẳng khác lãnh chúa, dưới trướng có nhiều bề tôi sẵn sàng làm mọi việc theo lệnh Bảy Viễn. Xa xỉ phẩm do Lâm Ngọc Ðường và Maurice Thiên cung cấp không bao giờ thiếu. Ở rừng mà có rượu chát đỏ, rượu chát trắng, rồi Martell, Cognac, sâm banh, bia Con cọp uống thay nước. Cà phê, sữa hộp, ca cao đủ thứ, trên thành có gì, Rừng Sác có nấy.

Nhưng điều mà Nguyễn Bình quan tâm nhất không phải là sinh hoạt đế vương của Bảy Viễn mà là cách thu thuế nuôi quân của Chi đội 9. Nhờ án ngữ hai con sông cái dẫn tới Sài Gòn -Chợ Lớn, Chi đội 9 đón tất cả ghe thương hồ từ miền Trung và miền Tây, lấy thuế.

Ðể không bỏ sót, Chi đội 9 lập nhiều trạm thuế ở tất cả vàm rạch.

Bảy Viễn thấy thu thuế là nguồn lợi lớn nên chọn Ba Tuấn là con Hội đồng Thì ở Bến Tranh, Dầu Tiếng làm trưởng ban.

Ba Tuấn có Tú tài, khi kháng chiến bùng nổ, Ba Tuấn chưa biết đầu quân đâu thì cha anh khuyên nên theo chú Bảy Viễn là người quen biết của ba.

Khi làm Trưởng ban Thuế vụ của Chi đội 9, Ba Tuấn mới thấy thương - dân thương hồ.

Bộ đội nào cũng đều có quyền gọi ghe buôn lại để thu thuế. Thành ra một ghe chở nước mắm từ Phan Thiết vô hay một ghe chở hột vịt từ Mỹ Tho lên phải đóng bao nhiêu lần thuế.

Ba Tuấn mở hội nghị với các chi đội phân chia ranh giới thu thuế để tránh giẫm lên nhau và cũng tránh cho người dân buôn bán trên sông chịu nhiều đau khổ.

Nhưng nạn giành nhau thu thuế đã đưa tới sự xung đột giữa Chi đội 9 và Ban Kinh tài của Khu.