Thông thường, sau khi bị sốc, tôi lang thang suốt hai tuần liền như kẻ mộng du, sống trong màn sương mờ đục như trong cái đường biên giấc ngủ đầy bất ổn, vùng xám giữa sáng và tối, giữa ngủ và thức, giữa sống và chết, khi người ta biết mình không còn bất tỉnh nhưng vẫn chưa hiểu ra hôm nay là ngày mấy và mình là ai và trở về thì có tích sự gì không – suốt hai tuần. Nếu cảm thấy tỉnh lại cũng chẳng để làm gì, người ta có thể bơi thật lâu trong cái khoảng xám xịt đó, nhưng tôi đã phát hiện rằng nếu thấy cực kỳ cần thiết vẫn có thể giãy ra được. Lần này, sau không đầy một ngày tôi đã giãy ra. Chưa bao giờ nhanh đến vậy.

Và khi sương mù trong đầu đã tan, tôi có cảm giác như mình vừa nổi lên mặt nước sau một hơi lặn thật sâu và dài hàng trăm năm. Đó là cú sốc điện cuối cùng của đời tôi.

McMurphy trong tuần đó lãnh thêm ba lần. Chỉ cần hắn tỉnh lại và nháy mắt được là Ratched và gã bác sĩ xuất hiện hỏi han hắn đã nghĩ lại chưa, sẵn sàng thú nhận các lỗi lầm và quay về khoa nội ngoan ngoãn điều trị chưa? Còn hắn cứ phồng mang trợn má, biết rằng tất cả các bộ mặt đói khát trong phòng điên này đang hướng vào mình, và nói với mụ tiếc rằng hắn chỉ có thể hy sinh cho đất nước được một cuộc đời và rằng mụ hãy cứ hôn vào mông đít hắn, nếu như hắn rời bỏ cái tàu khốn kiếp này. Vậy đó!

Sau đấy, hắn đứng dậy, nghiêng mình hai ba lần chào đám khán giả đang cười, còn mụ y tá dẫn gã bác sĩ tới phòng trực gọi điện thoại xin phép làm liệu pháp cho McMurphy một lần nữa.

Một hôm, khi mụ ngoảnh lại hắn véo mụ một cái rõ đau, qua váy, đến nỗi mặt mụ đỏ bừng lên, đỏ hơn cả tóc hắn. Tôi nghĩ, nếu không có gã bác sĩ đứng bên đang cố nén cười thì mụ đã cho hắn một bạt tai.

Tôi thuyết phục hắn cố gắng chiều lòng mụ thì người ta chắc sẽ để hắn yên, nhưng hắn chỉ cười và bảo tôi quỷ hói đầu ạ, toàn bộ vấn đề là để người ta sạc điện không công cho tao. "Khi tao đi khỏi đây, người phụ nữ đầu tiên chọn được McMurphy tóc đỏ, chàng thái nhân cách công suất mười ki lô oát, cô ả sẽ sáng bừng lên như máy chơi bạc tự động và đổ ra hàng đống bạc. Tao đâu sợ kiểu sạc điện nhỏ nhoi này."

Hắn nói, hắn phớt tuốt. Và thậm chí không thèm uống mấy viên con nhộng. Nhưng mỗi lần, khi cái loa bảo hắn nhịn bữa sáng và chuẩn bị vào nhà chính, quai hàm hắn cứng lại như hóa đá và bộ mặt trở nên xanh rớt, gầy vêu và hoảng hốt – như lần tôi nhìn thấy trong gương chắn gió trên đường đi câu cá về.

Cuối tuần, tôi được trả lại khoa nội. Tôi muốn nói với hắn nhiều điều trước lúc chia tay nhưng hắn vừa mới đi liệu pháp về, ngồi dán mắt dõi theo quả bóng bàn như đã được vít dây vào đó. Tên hộ lý da màu và tên tóc vàng đưa tôi xuống tầng, trả tôi về khoa nội và khóa cửa sau lưng tôi. Sau khi ở khoa Điên, tôi cảm thấy ở đây sao yên tĩnh lạ lùng. Tôi đi đến phòng chung và không hiểu sao, dừng lại giữa cửa; tất cả các bộ mặt đều quay lại phía tôi, với biểu hiện tôi chưa từng thấy. Chúng sáng bừng lên như đang xem một buổi biểu diễn cuồng nhiệt của các nghệ sĩ lang thang. "Kính thưa quý vị khán giả," Harding xổ ra. "Trước mặt các bạn là con người Hùng mạnh đã bẻ gãy tay tên hộ lý! Hãy nhìn xem! Nhìn xem!" Tôi cười đáp lại họ và hiểu ra McMurphy đã cảm thấy ra sao suốt nhiều tháng ròng khi những khuôn mặt này hét lên với hắn.

Họ vây lấy tôi và bắt đầu hỏi về tất cả những điều đã xảy ra: hắn cư xử ra sao trên ấy? Hắn làm gì? Trong phòng thể dục người ta nói mỗi ngày hắn chịu một lần sốc điện, những trò đó với hắn cũng như nước đổ đầu vịt, và hắn còn cá với tụi kỹ thuật viên sẽ mở mắt được bao lâu sau khi mạch đóng, đúng vậy không?

Tôi kể hết và hình như không ai ngạc nhiên rằng tôi đang trò chuyện với họ - một kẻ bấy nhiêu năm được xem là vừa câm vừa điếc, bỗng nhiên cũng chuyện trò, cũng lắng nghe, như bất kỳ người lành lặn nào. Tôi nói với họ rằng tất cả những chuyện đó có thật và kể thêm chút ít những chuyện mình biết. Chúng cười bò ra khi nghe những lời đối đáp của hắn với mụ y tá khiến hai lão già Thực vật nằm phía Cấp tính cũng cười theo và thở hồng hộc dưới tấm chăn ướt, ra chiều hiểu hết.

Ngày hôm sau khi mụ y tá đưa vấn đề về Bệnh nhân McMurphy ra trước nhóm, rằng theo một nguyên nhân không rõ nào đấy, McMurphy dường như không chịu tác dụng của sốc điện, và để tiếp xúc được với hắn cần phải có những phương pháp kiên quyết hơn nữa, Harding nói: "Có thể là như thế, thưa bà Ratched, vâng... Nhưng theo những điều tôi nghe được về các cuộc gặp gỡ của bà với ông McMurphy ở tầng trên, thì ông ta đã tiếp xúc được với bà không khó khăn gì."

Đòn điểm trúng huyệt. Chúng tôi cười ầm lên và mụ không bao giờ đả động đến chuyện đó nữa.

Mụ hiểu rằng khi McMurphy còn ở trên đó và chúng tôi không nhìn thấy mụ gọt hắn như thế nào thì hắn càng lớn thêm lên trong chúng tôi, trở thành như một huyền thoại. Khi hắn vắng mặt mụ không thể chứng tỏ hắn yếu đuối, và mụ bèn nghĩ cách đưa McMurphy trở lại khoa. Khi đó, mụ nghĩ, các con bệnh sẽ thấy rằng hắn thật thảm hại, thật đáng thương, không kém bất cứ đứa nào trong bọn họ. Anh hùng gì hắn nếu sau khi bị sốc cứ đực người ra cả ngày trong phòng.

Chúng tôi cũng đoán ra chuyện đó và cả chuyện khi nào hắn còn ở khoa trước mặt chúng tôi, mụ sẽ cho hắn xơi sốc điện ngay mỗi lần hắn tỉnh. Scanlon, Fredrickson và tôi bàn bạc với nhau và quyết định sẽ thuyết phục hắn rằng cách tốt nhất đối với hắn và với tất cả chúng tôi là hắn phải trốn khỏi bệnh viện. Hôm thứ Bảy, khi bọn chúng dẫn hắn về - hắn vào phòng chung, như một võ sĩ bước ra võ đài, nhảy một điệu ngắn, hai tay bắt chéo sau gáy và tuyên bố nhà vô địch đã trở về, thì kế hoạch của chúng tôi đã vạch xong. Chúng tôi tính sẽ đợi đến tối, đốt một cái nệm và khi lính cứu hỏa xuất hiện, chúng tôi sẽ mau chóng thả hắn ra sau cửa. Ai cũng nghĩ rằng hắn sẽ không từ chối một kế hoạch tuyệt vời như vậy.

Nhưng chúng tôi đã quên nghĩ tới chuyện đó cũng là ngày hắn đã định cho kế hoạch đưa cô gái – Candy – lẻn vào gặp Billy.

Hắn được thả về khoa vào khoảng mười giờ sáng. "Hút mừng tao đi, tụi bay. Chúng đã kiểm tra phích cắm, đánh bóng các điện cực, và tao bây giờ đánh lửa như ống đốt của xe Ford T. Tụi bay chưa đứa nào giỡn với thứ ống đốt đó ngày Halloween hả? Thử đi! Vui chết thôi." Rồi hắn khuỳnh khuỳnh đi lại quanh khoa, to lớn hơn bao giờ hết; hắn đá đổ xô nước bẩn ngay cửa phòng trực, bắn một cục bơ lên chiếc giầy da trắng mịn của tên hộ lý bé con mà tên kia không hay biết làm cả nhà ăn trưa cười rúc rích suốt buổi trong khi cục bơ tan ra, biến mũi giày thành "một màu vàng đầy ý nghĩa" – theo lời Harding; hắn to lớn hơn bao giờ hết, và mỗi lần đi sát qua một nữ y tá thực tập cô ta lại kêu ôi ối; mắt trố ra và sợ hãi bỏ chạy dọc hành lang, tay xoa xoa và sườn.

Chúng tôi trình bày kế hoạch giải thoát cho hắn, còn hắn nói rằng chẳng đi đâu mà vội, nhẹ nhàng nhắc chúng tôi là hôm nay Billy có cuộc hẹn hò. "Anh em, chẳng lẽ lại làm Billy đau khổ khi anh ta đã quyết định từ bỏ quá khứ trinh bạch của mình? Và nếu chúng ta thành công thì sẽ có một buổi dạ hội miễn chê, hãy nghĩ đó có thể là buổi dạ hội vĩnh biệt tớ!"

Mụ Y tá Trưởng lãnh phiên trực thứ Bảy đó vì muốn có mặt trong ngày trở về của hắn, quyết định triệu tập cuộc họp bất thường để ít ra là giải quyết được chút đỉnh. Vào họp mụ lại khơi ra câu chuyện về các biện pháp kiên quyết, và yêu cầu gã bác sĩ chú ý tới vấn đề đó "trong khi còn chưa muộn và có thể giúp đỡ được bệnh nhân". Nhưng McMurphy cứ nghiêng ngửa, nháy mắt, ngáp dài hoài hoài làm mụ ta cuối cùng cũng phải nín lặng, đến lúc đó hắn làm gã bác sĩ cũng như các bệnh nhân được một trận cười vỡ bụng khi nói rằng nhất trí hoàn toàn với từng lời của mụ.

"Ông biết không, bác sĩ, hình như bà ta đúng; tự ông cũng thấy, mười vôn đã mang lại lợi lộc đến thế nào cho tôi. Nếu tăng điện thế gấp đôi, tôi có thể bắt được kênh tám như Martini nữa ấy chứ. Tôi đã ớn đến tận cổ việc nằm suốt ngày trên giường, mê sảng toàn những tin tức thời sự và thời tiết trên kênh bốn."

Mụ y tá hắng giọng, cố gắng duy trì cuộc họp. "Tôi không định đề nghị tăng cường độ sốc điện, ông McMurphy..."

"Thế sao?"

"Tôi đề nghị... chúng ta dùng đến phương án phẫu thuật. Thực tế là điều đó rất đơn giản. Và chúng tôi đã thu được nhiều kết quả khả quan, đã loại bỏ được các khuynh hướng hiếu chiến ở một số bệnh nhân hay gây gổ, hằn thù..."

"Hằn thù ư? Thưa bà, nhưng tôi hiền lành như con cún vậy. Bà tính xem, hai tuần liền tôi chưa từng chọc ngoáy tên hộ lý nào. Vì thế chẳng có nguyên nhân nào để cắt thiến tôi cả, đúng không?"

Mụ nở một nụ cười ra vẻ thông cảm với hắn lắm. "Randle, chẳng có cắt thiến gì đâu..."

"Ngoài ra," hắn tiếp tục, "bà có cắt bỏ chúng thì cũng có ý nghĩa gì đâu. Tôi còn một đôi trong tủ."

"Một đôi...?"

"Một đôi, ông bác sĩ ạ, một quả to như trái bóng chày."

"Ông McMurphy..." Mụ hiểu là mình đang bị nhạo báng, nụ cười vỡ vụn ra như kính.

"Còn quả thứ hai to hơn cả thế, có thể gọi là kích thước bình thường."

Hắn cứ sồn sồn như thế đến tận lúc đi ngủ. Đến lúc này không khí trong phòng đã tưng bừng như trong hội chợ, tất cả đều thầm thì rằng nếu cô gái mang rượu đến thì sẽ là một bữa tiệc thật sự. Mỗi người đều muốn nhìn Billy một tí và nếu hắn nhìn lại thì nháy mắt và cười với hắn. Khi chúng tôi xếp hàng lấy thuốc, McMurphy tiến đến và xin cô y tá nhỏ bé có cây thánh giá và vết bớt vài viên vitamin. Cô ta ngạc nhiên nhìn hắn, nói rằng chẳng có lý do gì để từ chối và đưa cho hắn mấy viên thuốc to bằng cái trứng chim sẻ. Hắn đút vào túi.

"Ông không uống ư?" cô hỏi.

"Tôi ư? Không, vitamin chẳng ích lợi gì cho tôi cả. Tôi lấy cho Billy. Gần đây anh ta có vẻ hốc hác đi, rõ ràng là máu bị axit hóa."

"Thế... tại sao ông không đưa luôn cho anh ta?"

"Tôi sẽ đưa, cô bé ạ, nhưng tôi tính đợi đến tối, khi chúng cần cho anh ta nhất." Hắn quàng tay qua cái cổ đỏ lựng lên của Billy và đi vào phòng ngủ, dọc đường còn nháy mắt với Harding và chọc ngón tay vào cái sườn tôi, mặc kệ cô y tá trố mắt nhìn hắn, đánh đổ cả nước xuống chân.

Còn về Billy phải nói thế này: mặc dù mặt đã có nếp nhăn, tóc đã có sợi bạc, nhưng hắn trông rất trẻ con - như một đứa trẻ tai to, mặt tàn hương, răng thỏ, quanh năm suốt tháng đi chân trần, kéo lê một xâu bống biển trên mặt đất đầy bụi - thế mà hắn đâu có giống thế. Khi hắn đứng bên cạnh những người đàn ông khác, người ta sẽ phải ngạc nhiên vì thấy hắn hoàn toàn không thấp hơn ai, tai cũng không to, mặt cũng không lốm đốm tàn hương và nếu nhìn kỹ thì răng cũng không nhô ra cho lắm, mà thực tế, đã ngoài ba mươi tuổi.

Chỉ một lần tôi nghe được chính xác hắn nói mình bao nhiêu tuổi, thực ra là nghe trộm, khi hắn nói chuyện với mẹ ở trong phòng thường trực, nơi bà làm việc. Đó là một phụ nữ to béo, bộ tóc thay màu cứ vài tháng một lần từ vàng sang xanh da trời, sau đó sang đen rồi lại thành màu trắng, hàng xóm và bạn thân thiết của mụ Y tá Trưởng, theo như tôi nghe được. Mỗi lần chúng tôi tham gia một lớp liệu pháp nào đó, khi qua phòng thường trực, Billy đều nhất thiết phải dừng lại để nghiêng cái má đỏ bừng cho bà hôn chặt vào đó. Chúng tôi nhìn, cũng xấu hổ không kém gì Billy, và không ai trêu chọc hắn về chuyện đó, thậm chí cả McMurphy.

Một hôm, tôi chỉ nhớ đã khá lâu rồi, chúng tôi dừng lại đợi trên đường tới một lớp nào đó, đứa thì ngồi trong phòng thường trực, đứa thì đứng ngoài sân dưới ánh mặt trời bạn trưa trong lúc gã hộ lý đi gọi điện cho tay chủ hộ, còn mẹ Billy tranh thủ lúc này bỏ vị trí, bước tới cầm tay cậu con trai và ra ngồi xuống đám cỏ cách tôi không xa. Bà ngồi thẳng, duỗi đôi chân ngắn ngủi và tròn lẳn đi tất dài ra trước mặt khiến tôi liên tưởng tới khúc xúc xích Ý, còn Billy nằm bên cạnh gối đầu lên đầu gối bà, cho bà lấy cây bồ công anh cù vào tai hắn. Billy bảo mẹ tìm vợ cho hắn và hắn sẽ thi vào đại học. Bà mẹ cù hắn và cười phá lên trước những chuyện ngớ ngẩn như vậy.

"Con thân yêu, con còn bao nhiêu là thời gian cho những chuyện như thế mà: Con có nguyên cả cuộc đời ở phía trước!"

"Mẹ, con đã ba mươi mốt tuổi rồi!"

Bà cười, ngoáy ngọn cỏ trong tai Billy. "Con thân yêu, mẹ có giống mẹ của một người lớn không?"

Bà chun mũi, hé môi, đánh lưỡi phát ra những tiếng chụt ẩm ướt, và tôi thầm đồng ý rằng bà ta nói chung chẳng hề giống một người mẹ chút nào. Cho đến khi có dịp lại gần hắn và nhìn thấy năm sinh của hắn khắc trên vòng tay, tôi mới tin rằng hắn đã ba mốt tuổi.

Mười hai giờ đêm, khi Geever cùng một gã hộ lý nữa và mụ y tá đi khỏi và phiên trực chuyển sang ông già da màu Turkle, McMurphy và Billy đã dậy, để uống vitamin, tôi nghĩ thế. Tôi chui ra khỏi chăn, khoác áo choàng rồi đi đến phòng chung, nơi hai đứa đang nói chuyện với Turkle. Harding, Scanlon, Sefelt và vài đứa nữa cũng ra theo. McMurphy giải thích cho Turkle phải xử trí như thế nào khi cô gái xuất hiện, hay nói đúng hơn là nhắc lại, vì hình như những điều này chúng đã thỏa thuận từ hai tuần trước đây. Hắn nói phải đưa cô vào qua cửa sổ, chứ không liều đưa qua phòng thường trực, nơi có thể gặp người trực đêm bất kỳ lúc nào. Còn sau đó, mở Buồng Cách ly. Đó là nơi hoàn toàn biệt lập. Một túp lều tranh lý tưởng cho hai trái tim vàng. ("Thôi đi, McM... Murphy," Billy cố nói.) Không bật đèn. Để trực nhật khỏi nhìn vào. Đóng cửa buồng ngủ để không đánh thức tụi Kinh niên hay càu nhàu dậy. Và tất cả phải yên lặng, để cặp uyên ương không bị quấy rầy.

"Thôi đi, M... M... Mack," Billy nói.

Đầu Turkle lắc la lắc lư, trông như đang ngủ gật. Nhưng khi McMurphy bảo: "Có lẽ tất cả đã thỏa thuận xong" thì Turkle đáp: "Không... không hẳn..." và ngồi đó cười nhăn nhở trong bộ đồ trắng và cái đầu hói vàng khè trên cổ nom như quả bóng bay chao chao trên cái que.

"Đủ rồi đấy, Turlke. Lão sẽ không bị thiệt đâu. Cô ta sẽ đưa đến hai chai."

"Đã gần trúng rồi đấy," Turkle nói. Đầu lão lại nghiêng nghiêng và đổ gật xuống. Lão làm như mình cố gắng lắm mới thắng được cơn buồn ngủ. Tôi có nghe nói ban ngày lão còn làm việc ở trường đua ngựa. McMurphy quay lại phía Billy.

"Billy, cậu bé! Ông Turkle đang tự nâng giá của mình lên đấy. Mày sẽ trả giá bao nhiêu để trở thành một người đàn ông?"

Trong khi Billy đang ngắc ngứ để thốt được lên lời thì lão Turkle lắc đầu quầy quậy. "Không, không phải thế. Tôi đâu cần tiền. Em nhỏ của các anh không chỉ mang rượu theo người. Anh cũng không chỉ nhằm vào rượu, phải không nào?" Lão cười khẩy, nhìn cả bọn.

Billy suýt nổ tung trong một tràng lắp bắp không, không phải Candy, không được đụng tới cô gái của hắn! McMurphy dẫn hắn ra một góc khuyên hắn đừng lo lắng gì về tuyết sạch giá trong của cô gái của hắn - khi Billy xong việc thì Turkle đã xỉn là cái chắc. Làm sao lão có thể nhét nổi củ cà rốt của mình vào ống máng?

Cô gái lại tới trễ. Chúng tôi mặc áo khoác và ngồi trong phòng chung, nghe McMurphy và lão Turkle kể cho nhau nghe chuyện tiếu lâm của lính và thay nhau rít điếu thuốc của Turkle với một kiểu hút rất kỳ quặc - giữ khói đâu đó trong miệng cho đến khi mắt trợn ngược lên trán. Khi Harding hỏi thứt huốc gì ngửi kích thích đến vậy, Turkle trả lời bằng một giọng cao vút vì cố nín thở: "Thuốc là thuốc thôi. Hi - Hi. Làm một hơi?"

Billy mỗi lúc thêm bứt rứt; hắn sợ cô gái không đến, rồi lại sợ cô ta sẽ đến. Hắn luôn mồm hỏi, tại sao chúng ta không đi ngủ, tại sao cứ ngồi trong bóng tối lạnh lẽo này như bầy chó đói ngồi bên bàn bếp đợi đồ thừa? Chúng tôi chỉ cười với hắn. Chẳng ai buồn ngủ và trời cũng chẳng lạnh, ngược lại, thật là yên tĩnh và thú vị khi ngồi trong bóng tối lờ mờ và lắng nghe McMurphy với Turkle kể chuyện. Dường như không ai muốn đi ngủ và thậm chí cũng không ai lo lắng gì tới việc đã hai giờ sáng rồi mà vẫn chưa thấy bóng dáng cô gái đâu. Lão Turkle cho rằng vì khoa này tối om, cô ta chẳng nhìn thấy đường nên đến muộn, và McMurphy nói tất nhiên là thế, và cả hai chạy khắp hành lang, bật hết đèn lên, thậm chí còn muốn bật cả mấy cái đèn báo thức to tướng ở phòng ngủ nhưng Harding nói, nếu thế thì chúng ta đánh thức cả bệnh viện mất và như vậy phải chia chác cho tất cả. Họ đồng ý là thay vào đó, bật hết đèn phòng bác sĩ.

Phân viện sáng như ban ngày. Vừa lúc đó có tiếng gõ cửa. McMurphy chạy tới và áp mũi vào đấy, tay che mắt khỏi ánh sáng để nhìn ra, sau đó quay về phía chúng tôi và cười.

"Nàng đến và sắc đẹp xua tan đêm tối!" Vừa lúc đó có tiếng gõ cửa. McMurphy chạy tới và áp mũi vào đấy, tay che mắt khỏi ánh sáng để nhìn ra, sau đó quay về phía chúng tôi và cười.

"Khoan, Ma... McMurphy, nghe đã," Billy ngoan cố như một con la.

"Billy, cậu bé, vứt mẹ cái McMurphy của chú mày đi. Không lùi được nữa rồi. Mày sẽ làm tốt; nghe này, tao cá với mày năm đô nếu mày ép được cô ta phẳng lì, cuộc nhé. Mở cửa sổ ra. Turkle."

Hai tiểu thư đứng trong bóng tối - Candy và cô gái đã trượt chuyến đi câu với chúng tôi lần trước. "Ngon lành!" Turkle kêu lên, giúp các cô leo vào, "và đủ cho tất cả."

Chúng tôi chạy tới giúp: để rèo qua được bậc cửa sổ, các cô đành phải vén váy lên tận bẹn. Candy nói: "McMurphy, đồ quỷ!" và lao vào ôm chầm lấy hắn, suýt nữa làm vỡ cả hai chai rượu đang cầm tay. Cô ngả nghiêng đùa giỡn làm mớ tóc cuộn trên đầu tung ra. Tôi nghĩ cô hợp hơn với kiểu tóc tết sau gáy như hôm đi câu. Cô chỉ chai rượu vào cô gái thứ hai đang trèo phía sau:

"Sandy cũng tới. Nó đã kịp bỏ anh chàng cuồng dại ở Beaverton - thế mới đặc biệt chứ, phải không?"

Cô gái trèo vào và hôn McMurphy. "Xin chào, Mack... xin lỗi, lần trước không đến được. Nhưng với tên đó thế là xong. Làm sao chịu nổi các trò đùa của hắn, lúc thì chuột bạch trong áo gối, lúc thì giun trong hộp kem, lúc thì ếch nhái trong coóc xê." Cô lắc đầu và xua xua tay trước mặt, như muốn xóa nhòa mọi hồi ức về người chồng cũ, người mê súc vật. "Lạy Chúa, làm sao có người cuồng dại vậy."

Cả hai đều mặc váy, áo len và đi tất da chân, chân không giày, mặt mũi đỏ lựng và cười khúc khích luôn miệng.

"Phải hỏi đường đấy," Candy giải thích, "gặp quán bar nào cũng ghé vào hỏi."

Sandy nhìn quanh, mắt tròn xoe. "Ôi Candy, chúng ta rơi vào đâu thế này? Có thật là chúng ta đang ở bệnh viện điên không? Ái chà!" Cô ta to hơn Candy, lớn hơn khoảng năm tuổi, tóc màu hạt dẻ cuộn rất mốt sau gáy, nhưng nhiều lọn tóc không giữ được buông xuống thành từng mớ ngang đôi má bánh đúc màu mận chín, khiến cô ta trông giống một cô bé chăn bò giả trang bằng quần áo của giới thượng lưu. Vai, ngực và đùi cô quá lớn, còn nụ cười thì quá rộng và giản dị đến nỗi khó có thể xem cô là người đẹp, nhưng cô thật dễ thương và khỏe mạnh và có một chai đựng đến bốn lít rượu đỏ treo trên ngón tay, lủng lẳng ngang đùi như chiếc túi xách.

"Candy, Candy. Tại sao những chuyện hoang dã như thế này lại có thể đến với chúng ta được nhỉ? Cô lại quay trọn một vòng nữa rồi dừng lại, hai bàn chân trần xòe ra và cười khúc khích.

"Những chuyện này không xảy ra," Harding trịnh trọng nói với cô. "Đây là những chuyện em tưởng tượng ra trong những giấc mơ hàng đêm dài, những khi trằn trọc không ngủ, và sau đó sợ không dám kể cho bác sĩ phân tâm của em. Các em thực ra cũng không hề có ở đây. Rượu này cũng không có, chẳng có cái gì ở đây tồn tại hết. và chúng ta có thể bắt đầu từ đó."

"Chào anh, Billy!" Candy nói.

"Đúng là ra trò!" Turkle bảo.

Candy vụng về chìa cho Billy một chai rượu. "Em đưa đến cho anh một món quà."

"Đây là một giấc mơ siêu thực chỉ có trong sách của Tho e Smith!" Harding nói.

"Ôi mẹ ơi!" cô gái tên Sandy kêu lên. "Chúng ta đã rơi vào chốn nào đây?"

"Suỵt!" Scanlon nói và cau mặt nhìn quanh. "Đừng có kêu lên, đánh thức bọn ăn bám dậy."

"Thì sao, ông keo kiệt?" Sandy cười khúc khích và lại quay tròn một vòng. "Sợ không đủ cho tất cả sao?"

"Sandy, lẽ ra anh phải biết là thế nào em cũng mang đến cái loại poóc tô rẻ tiền này."

"Ôi, này!" Cô dừng lại không quay nữa và nhìn vào tôi. "Candy, nhìn này? Một chàng khổng lồ đích thực."

Turkle nói, "Ngon lành," rồi đóng lưới lại, và Sandy một lần nữa lại kêu lên: "Ôi này!" Cả lũ chúng tôi cụm lại giữa phòng, lúng túng như gà mắc tóc, toàn nói những câu ngớ ngẩn vì không biết phải làm gì tiếp theo - chưa khi nào chúng tôi lại rơi vào tình huống như thế này - và tôi nghĩ những câu chuyện tuôn ra trong khi luống cuống hồi hộp, những tiếng cười và dáng đứng lóng ngóng sẽ chẳng bao giờ chấm dứt nếu không phải ngay lúc đó từ cuối hành lang vang tới tiếng khua chìa khóa ở cửa phân khoa, và tất cả giật thót mình như nghe còi báo trộm.