Ở tận cuối tầm nhìn, qua khóe mắt, tôi thấy bộ mặt trắng như tráng men đằng sau cửa sổ buồng kính đang lắc lư bên ngoài trên chiếc bàn lúc sưng sỉa, lúc nhăn nhúm, cố lấy lại hình dáng cố hữu của mình. Những người còn lại cũng đang nhìn, dù cố vờ như không phải. Ai cũng làm ra vẻ đang bị thu hút bởi màn hình màu xám của chiếc tivi trống rỗng, nhưng ai mà chẳng hiểu họ đang lén lút nhìn về phía ấy, cũng như tôi. Lần đầu tiên mụ y tá ở bên kia cửa kính được cảm thấy đang bị người ta quan sát trong khi ý muốn duy nhất là buông tấm mành xanh xuống, trốn khỏi những cặp mắt đang nhìn vào.

Bọn bác sĩ thực tập, tụi hộ lý, các nữ y tá cũng đang theo dõi mụ, đợi mụ bước ra hành lang, đến dự cuộc hội ý đã được chính mụ ấn định, và đợi xem mụ sẽ làm gì khi giờ tất thảy biết rằng cả mụ cũng có thể mất tự chủ như ai. Mụ biết họ theo dõi, nhưng vẫn không cử động. Khi mọi người bắt đầu kéo tới phòng nhân viên để mụ lại, mụ vẫn chưa chịu rời chỗ. Tôi nhận ra các máy móc đặt trong tường cũng im tiếng, dường như đang đợi xem khi nào mụ nhúc nhích.

Sương mù đã tan hết.

Tôi sực nhớ nhiệm vụ của mình là phải quét dọn phòng nhân viên. Không biết đã bao năm tôi vẫn luôn làm việc đó vào lúc người ta hội ý. Nhưng giờ đây tôi sợ không dám đứng dậy. Chúng vẫn luôn cho phép tôi quét dọn vào giờ hội ý vì nghĩ rằng tôi điếc, nhưng vừa nãy ai cũng thấy tôi đưa cánh tay lên theo lệnh của McMurphy, chẳng lẽ chúng không đoán ra là tôi nghe được? Không đoán ra là trong những năm qua tôi đã lắng nghe, nghe hết những bí mật của riêng chúng? Nếu phát hiện được chúng sẽ làm gì tôi trong phòng nhân viên?

Nhưng dù sao, chúng đã quen thấy tôi trong đó. Nếu không chúng sẽ biết chắc không nghĩ ngờ gì nữa, Hiểu rồi, hắn không đến quét dọn, chẳng phải là bằng chứng ư? Thế là rõ phải làm gì với hắn...

Chỉ đến phút này tôi mới cảm nhận được những nguy hiểm đang chờ khi chúng tôi dại dột để McMurphy lôi ra khỏi sương mù.

Bên cánh cửa, một gã hộ lý tựa vào tường, hai tay khoanh trước ngực, cái đầu lưỡi hồng hết le ra lại thụt vào giữa hai môi, nhìn chúng tôi xem tivi. Tròng mắt gã, sau một lúc đảo điên y như cái lưỡi, dừng lại ở tôi, mi mắt khẽ hé lên. Gã nhìn rất lâu, và tôi biết gã đang nghĩ về hành vi của tôi trong cuộc họp. Bật khỏi bức tường, gã đi về phía gian kho chứa bàn chải mang ra một xô đựng nước xà phòng và miếng mút chùi sàn, xăm xăm đi đến trước mặt tôi và kéo tay tôi lên, treo chiếc xô vào đó như treo cái ấm lên trên đống lửa.

"Ái chà, Thủ lĩnh," gã nói. "Đứng dậy làm phận sự của mình đi thôi."

Tôi không nhúc nhích. Chiếc xô vẫn lủng lẳng trên cánh tay. Tôi làm như mình không nghe thấy gì cả. Gã muốn bẫy tôi. Gã bảo tôi đứng dậy lần nữa, và thấy tôi vẫn ngồi yên, gã thở dài, nhìn lên trần nhà rồi túm lấy cổ áo tôi giật khẽ, và tôi đứng lên. Gã nhét luôn miếng mút vào túi tôi, chỉ tay về phía căn phòng cuối hành lang và tôi cất bước.

Và trong lúc tôi lê bước dọc hành lang, tay xách xô, mụ y tá vượt qua tôi ngoặt vào cửa vẫn bình thản và mạnh mẽ như thường lệ. Điều đó làm tôi có băn khoăn.

Còn lại một mình bên ngoài, tôi mới nhận ra hành lang sáng quá. Sương mù không còn chút nào vương vất, dù là ở các ngóc ngách. Chỉ còn lại cái lạnh ở những nơi mụ vừa đi qua, và trên trần nhà những ống đèn màu trắng phát ra một thứ ánh sáng lạnh lẽo đến rùng mình, như những ống nước đá, như những vòng tủ lạnh đóng tuyết bị dựng lên sáng lấp lánh. Hệ thống đèn ống trải dài đến cuối hành lang, tận cửa phòng nhân viên, nơi mụ y tá vừa bước vào: tấm cửa cũng bằng sắt, nặng như cửa phòng Đột Tử trong Nhà số Một nhưng có số, ngang tầm đầu được gắn một lỗ nhìn để tụi nhân viên có thể thấy người gõ cửa. Khi đến gần, tôi thấy lọt ra từ đó thứ ánh sáng màu xanh, đắng như mật. Trong ít phút nữa cuộc hội ý sẽ bắt đầu, vì thế mới rò rỉ thứ màu xanh này. Chừng giữa cuộc họp nó sẽ thấm đẫm khắp các bức tường và cửa sổ, còn tôi phải dùng tấm mút lau và vắt nó vào xô, để chút nữa sẽ dùng cọ ống nước trong chuồng xí.

Lau rửa phòng nhân viên luôn luôn là việc làm khó chịu. Không tưởng tượng nổi những gì tôi cời ra từ những cuộc hội ý kiểu này; những vật tởm lợm, thuốc độc tiết ra ngay từ lỗ chân lông và axít trong không khí đậm đặc đến mức hòa tan được cả một người. Tôi đã thấy mà.

Tôi đã có mặt trong những phiên họp có chân bàn không chịu nổi oằn đi, ghế vặn xoắn lại, những bức tường nghiến vào nhau tưởng như có thể vắt được mồ hôi ra từ đấy. Tôi có mặt trong những cuộc họp mà ở đó người ta nói về con bệnh lâu đến mức hắn hiện ra bằng xương bằng thịt, trần truồng trên bàn cà phê trước mặt chúng, hứng lấy bất cứ ý tưởng quỷ quái nào chợt đến trong đầu; hắn sẽ bị nghiền thành một đống cháo lõng bõng trước khi cuộc họp kịp kết thúc.

Vì thế chúng cần đến tôi, bởi công việc có thể rất bẩn thỉu, nhiều rác rưởi phải có ai đó dọn dẹp, và vì phòng nhân viên chỉ mở cửa vào những hôm có hội họp, chúng cần một đứa không ba hoa về những điều mắt thấy tai nghe. Là tôi. Đã nhiều năm nay, căn phòng này cũng như căn phòng bằng gỗ ở tòa nhà cũ được tôi lau chùi, dọn rửa không biết bao nhiêu lượt, tới nỗi đám nhân viên thậm chí không nhận thấy tôi: tôi lau chùi còn chúng nhìn xuyên qua người tôi tựa như tôi không hề có, nếu phát hiện ra sự vắng mặt của tôi thì chỉ vì không có chiếc xô và miếng mút bơi trong không khí.

Nhưng lần này, lúc tôi gõ cửa, mụ Y tá Trưởng ghé mắt vào lỗ nhìn vào nhìn thẳng vào mặt tôi, và mở chậm hơn mọi khi. Khuôn mặt đã trở lại như thường, mạnh mẽ sắt đá, ít ra tôi thấy vậy. Bọn còn lại vẫn làm những việc quen thuộc trước mỗi buổi hội ý, cầm thìa con khuấy đường trong tách cà phê và mượn nhau thuốc lá, nhưng vẻ mặt đứa nào cũng căng thẳng. Thoạt tiên tôi nghĩ là do sự có mặt của tôi. Sau đó tôi nhận ra là mụ y tá thậm chí còn chưa ngồi xuống, cũng chẳng buồn đụng đến đồ uống.

Để tôi lách qua, mụ găm cả hai mắt vào người tôi rồi khép cửa, chốt khóa và quay phắt lại, và lại nhìn tôi thêm một lúc. Rõ ràng là mụ nghi ngờ tôi. Tôi cứ nghĩ là McMurphy làm cho mụ tức giận, chẳng còn hơi đâu để ý tôi, song mụ vẫn tỏ ra bình thản. Với cái đầu minh mẫn, hẳn mụ đang nghĩ làm cách nào mà ông Bromden nghe biết được rằng cái thằng tâm thần McMurphy bắt ngài giơ tay, làm sao ông ta đoán được rằng phải quẳng giẻ xuống và ngồi vào trước tivi cạnh tụi Cấp tính? Ngoài hắn ra chẳng đứa Kinh niên nào làm như thế cả. Mụ đang nghĩ chẳng phải đúng lúc ta thử kiểm tra ông Thủ lĩnh Bromden một chút xem sao.

Tôi quay lưng lại phía mụ và đi vào góc phòng. Tôi giơ miếng mút lên đầu cho mọi người thấy là nó phủ đầy một chất nhờn màu xanh và tôi đang làm việc cực kỳ chăm chỉ, rồi tôi cúi xuống và lau thật lực. Nhưng dù có cố sức làm việc và cố sức tỏ ra không biết có mụ ở đó đến đâu, tôi vẫn cảm thấy mụ đứng ở cửa và đoan khoan vào sọ tôi, cho tới lúc chỉ còn một phút nữa là mũi khoan xuyên thủng đầu, tôi sắp la lên, thú nhận tất cả nếu mụ không thôi nhìn tôi như vậy.

Nhưng mụ bỗng nhận ra chính mình cũng đang bị kẻ khác nhìn chằm chằm - cả đám nhân viên còn lại. Mụ đang nghĩ về tôi thì chúng cũng đang nghĩ về mụ, đợi xem mụ nghĩ ra điều gì cho con bệnh tóc đỏ. Chúng đang chờ xem mụ sẽ nói gì về hắn, và tất nhiên chẳng hơi đâu quan tâm đến thằng đần da đỏ đang bò lồm cồm trên sàn nhà. Chúng đang đợi mụ nên mụ nhả tôi ra, đi rót một mình một tách cà phê, ngồi xuống và khuấy đường, thận trọng đến mức chiếc thìa không chạm vào thành cốc.

Cuối cùng lại là gã bác sĩ bắt đầu: "Thế nào các bạn? Chắc đã đến lúc chúng ta bắt đầu?"

Gã cười với tụi bác sĩ thực tập đang nhấm cà phê. Gã cố không nhìn mụ y tá. Mụ ngồi im như tượng làm gã đâm lúng túng. Gã vớ lấy kính, đeo vào để nhìn đồng hồ, rồi vừa lên dây vừa nói.

"Mười lăm phút rồi. Bắt đầu thôi, đã quá muộn. Cuộc hội ý này như phần đông chúng ta đã biết, do bà Ratched triệu tập. Trước cuộc họp Cộng đồng Trị liệu, bà đã điện thoại cho tôi và nói rằng, theo ý kiến riêng của bà, McMurphy sắp sửa trở thành nguyên nhân của một số rắc rối trong khoa. Trực giác tuyệt vời, như ta chứng kiến những gì xảy ra ít phút trước đây, các bạn đồng ý không?"

Gã ngừng lên dây đồng hồ - dây cót đã căng đến mức chỉ vặn thêm một vòng nữa là các chi tiết sẽ bắn tung tóe khắp phòng, và ngồi đó, gõ nhịp các ngón tay hồng hồng xuống mu bàn tay kia, cười với cái mặt đồng hồ và đợi. Thường đến lúc này, mụ Y tá Trưởng sẽ lãnh lấy vai trò chủ trì cuộc họp nhưng hôm nay mụ lặng im.

"Sau những việc xảy ra ngày hôm nay", gã bác sĩ tiếp tục, "không ai còn tin là chúng ta đang làm việc với một người bình thường. Rõ ràng như vậy. Hắn là nhân tố của sự rối loạn. Và... và... và... tôi cho rằng mục đích của buổi hội ý hôm nay là đưa ra những biện pháp cụ thể áp dụng với con bệnh này. Theo tôi hiểu, bà Y tá Trưởng triệu tập buổi hội ý - xin bà sửa giùm, bà Ratchel, nếu tôi có nhầm lẫn - để chúng ta thảo luận và đi đến một ý kiến thống nhất về việc nên làm gì với ông McMurphy?"

Gã nhìn mụ van vỉ nhưng mụ vẫn lặng thinh. Mụ ngẩng mặt lên trần nhà, có lẽ là để tìm các vết bẩn, và có vẻ như không nghe thấy một lời nào.

Gã quay sang tụi bác sĩ thực tập đang ngồi thành hàng ở phía đối diện: tất cả cùng vắt chân phải lên chân trái thành hình chữ ngũ và cùng đặt cốc cà phê lên đầu gối. "Các bạn. Tôi hiểu, các bạn chưa đủ thời gian thích hợp đưa ra một chẩn đoán bệnh chính xác cho McMurphy, tuy nhiên đã có cơ hội quan sát qua hành động của con bệnh. Các bạn nghĩ sao?"

Vừa nghe câu hỏi chúng nhất loạt ngẩng đầu. Gã bác sĩ đã khôn khéo lôi chúng vào cuộc. Tất cả đưa mắt từ gã bác sĩ sang mụ y tá. Thật khó hiểu là mới ít phút trôi qua mà mụ đã giành lại được quyền uy cũ. Mụ chỉ ngồi im lặng, mỉm cười với trần nhà, thế mà đã làm chủ tình hình và mọi người hiểu rằng cần phải tính đến ai trước tiên. Nếu phát biểu chẳng ra gì, chúng sẽ phải tiếp tục đợt thực tập ởPortland, trong bệnh viện giành cho những kẻ nghiện ngập. Cũng như gã bác sĩ, chúng bắt đầu ngồi không yên.

"Đúng, hắn ta là phần tử gây rối", đứa thứ nhất nói thăm dò.

Bọn còn lại uống cà phê, mặt đăm chiêu ra bề nghĩ ngợi. Rồi đứa thứ hai, "Và có thể là một nhân tố nguy hiểm".

"Đúng, đúng," bác sĩ phụ họa.

Anh chàng trẻ tuổi cho là mình đang đi đúng hướng, bèn tiếp tục: "Một mối nguy hiểm không nhỏ," hắn nhổm người về phía trước. "Không được quên rằng con người này đã có những hành động bạo lực chỉ nhằm mục đích được chuyển từ trại cải tạo sang bệnh viện, nơi điều kiện sống dễ chịu hơn."

"Hành động bạo lực có tính toán," đứa đầu chêm vào.

Còn đứa thứ ba lắp bắp: "Tất nhiên, ngay tính toán đó đã chứng tỏ y chỉ là kẻ bịp bợm chứ không hề mắc bệnh tâm thần."

Gã liếc qua chờ phản ứng của mụ y tá và thấy mụ vẫn không nhúc nhích, thậm chí không tỏ ra một dấu hiệu nào. Nhưng tụi còn lại thì giận dữ ra mặt, cứ như gã vừa nói ra một điều bậy ba đến khủng khiếp. Biết mình lỡ lời quá xa, gã cười khì khì: "Các vị biết đấy, ‘ai bước sai chân thì chẳng qua vì nghe nhịp trống riêng’." Nhưng muộn rồi. Đứa thứ nhất đặt tách cà phê xuống, lôi cái tẩu thuốc có bầu to bằng nắm đấm ra khỏi túi và quay lại phía gã.

"Tôi nói thẳng,Alvin, anh làm tôi thất vọng. Thậm chí không cần đọc bệnh án mà chỉ nhìn việc làm của McMurphy cũng thấy anh đã vừa nhận xét quá hồ đồ. Con người này không chỉ ốm nặng, rất nặng mà còn là dạng Hung bạo Tiềm tàng. Tôi nghĩ chính điều đó đã làm bà Ratchel lo lắng và triệu tập chúng ta đến đây. Chẳng lẽ anh không nhận ra nổi những triệu chứng cổ điển của người mắc bệnh thái nhân cách hay sao? Chưa có ca nào rõ hơn thế nữa. Con người này là Napoleon, Thành Cát Tư Hãn, vua Hung Nô Attlia."

Một đứa nữa ủng hộ gã. Thằng này vẫn nhớ lời mụ y tá về khoa điên. "Robert nói đúng,Alvin. Anh không thấy sáng nay hắn thế nào ư? Khi mưu đồ của mình bị đánh bại, hắn lập tức chồm dậy, chực tung nắm đấm. Bác sĩ Spivey, ông làm ơn cho biết người ta viết gì trong hồ sơ về những biểu hiện côn đồ của hắn?"

"Phá phách, vô kỷ luật tới mức độ đáng kể," gã bác sĩ nói.

"Đấy,Alvin, giấy tờ chứng thực rằng hắn đã nhiều lần biểu hiện sự chống đối, thù địch với những nhà chức trách: ở nhà trường, trong quân đội, trong nhà tù! Và theo tôi, hành động của hắn sau cuộc biểu quyết này vừa rồi đã chứng tỏ cho chúng ta thấy những gì tệ hại hơn nữa mà hắn sẽ làm trong tương lai." Gã cau mày, nheo mắt nhìn cái tẩu rồi đút vào miệng, bật diêm và rít ngọn lửa vào tẩu đánh chụt. Qua làn khói màu vàng, gã lén liếc sang mụ Y tá Trưởng, chắc cho sự im lặng của mụ là một biểu hiện đồng tình nên tiếp tục một cách hoạt bát hơn, tự tin hơn.

"Hãy chịu khó nghĩ hơn một chút, Avin, và hãy tưởng tượng," giọng gã đục lại vì khói thuốc. "Hãy tưởng tượng xem điều gì sẽ đến với chúng ta nếu phải mặt đối mặt với McMurphy trong giờ Điều trị Cá nhân. Giả sử chúng ta đang sắp đạt được một khám phá đặc biệt khó khăn và bỗng nhiên hắn cảm thấy phát chán cái trò - hắn nói sao nhỉ? - ‘đào bới lung tung của tụi học trò dốt nát’. Anh sẽ bảo hắn không nên nổi cáu còn hắn trả lời ‘Cút cha mày đi...’ Anh yêu cầu hắn bình tĩnh - dĩ nhiên là bằng một giọng nghiêm khắc - và ngay lúc đó một trăm linh năm cân thái nhân cách tóc đỏIrelandấy nhào qua bàn, vồ lấy anh. Liệu anh có - liệu ai trong chúng ta sẵn sàng đón nhận một cuộc gặp gỡ như thế với McMurphy?"

Gã cắm chiếc tẩu ngoại cỡ vào khóe miệng, xòe hai bàn tay đặt lên đầu gối chờ đợi. Tất cả mường tượng thấy những ngón tay to rám đó, hai nắm đấm đầy sẹo, cái cổ như cái nêm sắt gỉ của McMurphy thò ra ngoài cổ áo. Sự hình dung đó làm cho khuôn mặt thằng bác sĩ trẻAlvintrở nên vàng ệch, tựa như đám khói thuốc bạn hắn phả ra lắng đọng lại trên đó.

"Nghĩa là các bạn cho rằng," gã bác sĩ hỏi, "tốt hơn hết nên chuyển McMurphy sang khoa điên?"

"Ít nhất cũng an toàn hơn, tôi cho như vậy," đứa có chiếc tẩu trả lời và nhắm mắt lại.

"Tôi xin rút lui ý kiến và đồng ý với Robert,"Alvinnói, "ít ra là để bảo vệ lấy chúng ta."

Bọn còn lại cười rộ lên. Chúng bình tâm chút ít vì đã đưa ra được một giải pháp làm vừa lòng mụ. Tất cả nhấm nháp cà phê, trừ đứa có tẩu thuốc đang ngồi không yên vì chiếc tẩu trên tay hơi chút lại tắt mất, lại phải bật diêm, bặm môi và rít tới khi cuối cùng chiếc tẩu cũng cháy đều như ý. Bằng một giọng pha chút kiêu hãnh, hắn nói tiếp, "Vâng, tôi cho là khoa điên đang đợi anh bạn tóc đỏ McMurphy của chúng ta. Theo dõi hắn mấy hôm nay, các bạn có biết tôi kết luận gì không?"

"Phản xạ có tính tâm thần phân liệt,"Alvinđoán.

Cái tẩu lắc đầu.

"Đồng tính luyến ái tiềm tàng với tập tính phản xạ?" đứa thứ ba hỏi.

Cái tẩu lắc đầu và lim dim đôi mắt: "Không," hắn nói và cười thỏa mãn, " Mặc cảm Ơ đíp nghịch."

Cả bọn chúc mừng hắn.

"Có nhiều triệu chứng để kết luận điều đó," hắn nói. "Nhưng dù kết luận cuối cùng ra sao thì vẫn phải nhớ một điều: chúng ta đang phải làm việc với một con người không bình thường."

"Ông... lầm to, ông Gideon."

Đó là mụ Y tá Trưởng.

Một loạt cái đầu ngoảnh lại phía mụ - đầu tôi cũng thế, nhưng kịp nhớ ra, tôi giả vờ vừa phát hiện một vết bẩn trên tường. Giờ thì cả bọn đầu óc quay cuồng. Chúng tưởng đã đưa ra được đề xuất mà mụ muốn, cái đề xuất chính mụ định đưa ra hôm nay. Tôi cũng nghĩ vậy. Mụ đã tống lên khu điên những đứa chỉ bằng nửa McMurphy, chỉ vì biết đâu chúng có thể muốn nhổ bọt vào ai đó, còn đằng này lại là một con trâu không thuần phục mụ, tụi bác sĩ hay bất cứ ai, và chính mụ trưa nay gần như đã tuyên bố là sẽ đẩy hắn ra khỏi phân khoa, vậy mà giờ lại nói không.

"Không. Tôi không đồng ý. Không đồng ý chút nào," Mụ cười với mọi người. "Nhất quyết tôi không đồng ý chuyển hắn sang khoa điên; đó là con đường dễ dàng nhất để trút cái gánh nặng của mình lên vai kẻ khác, và tôi cũng không tán thành ý kiến cho rằng hắn là một cá thể phi thường, một kẻ siêu thái nhân cách."

Mụ chờ, nhưng có đứa nào dám phản đối. Đến lúc ấy mụ mới chậm rãi nhấp ngụm cà phê đầu tiên; tách cà phê rời khỏi miệng mụ với một vệt đỏ. Tôi nhìn vào vành tách dù không chủ tâm - son mụ bôi không thể có màu đỏ như vậy được. Đó chỉ có thể là màu đỏ của miệng tách do nhiệt, nó bị cặp môi của mụ nung nóng.

"Thú thật, khi tôi nhận thấy McMurphy là nguyên nhân của sự rối loạn trật tự trong khoa, thì ý nghĩ đầu tiên của tôi là chuyển hắn lên khoa điên. Nhưng giờ đã muộn, nghĩ vậy. Chúng ta có thể hàn gắn nổi những đổ vỡ mà hắn gây ra bằng cách đó, nhất là sau buổi hôm nay trong khoa không? Dĩ nhiên là không. Nếu chúng ta chuyển hắn lên khoa điên tức là chúng ta làm đúng điều mà bệnh nhân chờ đợi. Và dưới con mắt họ, McMurphy trở thành một thần tượng; một người tuẫn tiết. Vô hình chung, chúng ta đánh mất khả năng cũng như cơ hội chứng minh cho họ thấy rằng, hắn hoàn toàn không phải - như ông đã diễn đạt, ông Gideon: ‘một cá nhân phi thường’."

Mụ uống một hớp nữa từ tách cà phê rồi đặt xuống, chiếc tách gõ lên mặt bàn nghe như tiếng mõ tòa; cả ba đứa vừa phát biểu ngồi dựng dậy.

"Không. Chẳng có gì phi thường cả. Hắn cũng là người, cũng bị nỗi sợ hãi, sự hèn nhát và tính rụt rè chi phối như bao kẻ khác. Chỉ ít ngày nữa thôi, tôi có cảm giác chắc chắn rằng hắn sẽ chứng minh điều đó cho chúng ta, cũng như cho bệnh nhân thấy. Nếu để hắn lại trong khoa, sự hỗn xược sẽ mất đi, tính ngang bướng, hung hăng tự tạo sẽ cùn mòn đi và, "mụ cười, biết mình hiểu điều mà chúng không hiểu nổi, "người hùng tóc đỏ của chúng ta sẽ co lại thành một cái gì đó mà các con bệnh sẽ nhận ra và thôi sùng phục: một kẻ chơi trội và khoác lác thích trèo lên hộp xà phòng ba hoa để kiếm đồ đệ, như chúng ta đã thấy ở ông Cheswick trước đây, rồi rụt vòi ngay khi thấy bản thân mình có thể gặp nạn."

"Bệnh nhân McMurphy," đứa có chiếc tẩu vẫn cố bảo vệ kết luận của mình để vớt vát lại chút sĩ diện, "theo tôi không phải là kẻ hèn nhát."

Tôi chờ đợi sự nổi giận của mụ Y ta Trưởng, nhưng tuyệt nhiên không, mụ chỉ nhìn hắn như muốn bảo ‘cứ sống khắc biết’, và nói, "Ông Gideon, tôi không nói rằng hắn là đứa nhát gan - ồ, không! Đơn giản là hắn rất yêu một người. Là kẻ thái nhân cách, hắn quá say mê ông Randle Patrick McMurphy và rất sợ ông ta bị nguy hiểm đe dọa." Mụ thưởng cho Gideon một nụ cười khiến chiếc tẩu trên tay hắn tắt hẳn. "Nếu chịu khó đợi thêm ít nữa, thì người hùng của chúng ta, như thanh niên các anh vẫn nói, sẽ cụp đuôi bỏ chạy. Đúng không?"

"Nhưng có thể phải hàng tuần..." hắn phản đối.

"Chúng ta có hàng tuần," mụ nói. Mụ đứng dậy với bộ mặt thỏa mãn mà tôi chưa hề thấy từ một tuần nay, kể từ khi mụ có McMurphy quấy rối. "Chúng ta có hàng tuần, hàng tháng, nếu cần sẽ có hàng năm. Không được quên là McMurphy được gửi tới đây. Thời hạn lưu lại trong bệnh viện của hắn hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta. và bây giờ nếu không còn gì thắc mắc..."