Suốt buổi sáng McMurphy cười nói với tốc độ một ki lô mét mỗi phút. Sau bữa sáng nay, hắn nghĩ xơi mụ Y tá Trưởng là một việc rất dễ dàng nếu hắn muốn. Hắn không hiểu chẳng qua đã chộp được đúng lúc mụ sơ ý, và chuyện đó chỉ càng làm mụ đề phòng và mạnh thêm lên.

Hắn làm trò, cố gây cười cho cả bọn, nhưng phật lòng khi thấy thỉnh thoảng chúng mới uể oải nhếch mép hay cười khì. Hắn đá vào chân Billy Bibbi đang ngồi bên kia bàn rồi nói bằng một giọng bí mật: "Ê Billy, có nhớ tao và mày chài hai con nhỏ ởSeattlekhông? Chơi thế mới là chơi chứ?"

Billy giương đôi mắt trố lên, há miệng nhưng không nói được nửa lời McMurphy quay sang Harding:

"Tao không nghĩ là dễ thế, nếu không phải hóa ra chúng đã nghe đến tên Billy Bibbit từ lâu. Billy Dùi cui, tên lóng của hắn như thế. Khi hai con nhỏ chực chuồn thì một đứa bỗng nhìn Billy và hỏi: "ông chính là Billy Dùi cui nổi tiếng? Nổi tiếng vì ba mươi lăm xăng ti mét của mình? Billy cúi gằm xuống đất, mặt đỏ bừng, ngượng nghịu y như lúc này tụi bay đang thấy đấy, nhưng cá dã cắn câu. Bọn tao dẫn chúng vào khách sạn. Đến đó tao nghe thấy giọng con nhỏ từ giường Billy: "Bibbit, ông đã làm em thất vọng. Em đã nghe nói về ba... ba... giời ơi!"

Hắn cười phá lên và vỗ bì bạch vào đùi, dùng ngón tay trỏ chọc vào sườn Billy, còn thằng kia thì đỏ mặt cười và cười như muốn xỉu luôn.

McMurphy nói rằng nói chung bệnh viện này còn thiếu gì thì chỉ là một hai con nhỏ xinh xẻo kiểu đó. Ngoài ra trong đời hắn chưa bao giờ được ngủ trên tấm nệm êm như ở đây, còn thức ăn, chao ôi, ngập cả bàn. Vậy thì việc gì tụi tôi phải ngán cuộc sống nhà thương đến vậy.

"Nhìn qua đây," hắn nói và giơ chiếc cốc lên. "Cốc nước cam đầu tiên sau nửa năm. Hu la, tuyệt quá còn gì. Thử hỏi người ta đã cho qua hắn những thứ gì ở trại cải tạo? Qua được đãi món gì đây? Ái chà, qua có thể tả chi li xem chúng giống cái gì, nhưng không thể tìm được tên gọi của chúng. Sáng, trưa, chiều chỉ có một cốc đựng thứ nước như nhựa đường đun chảy và khoai tây, lại còn cháy đen. Qua biết chắc dù sao cũng không phải là cốc nước cam. Còn ở đây, tụi bay nhìn xem: giăm bông, bánh mì rán, bơ, trứng, cà phê... Con búp bê bé bỏng trong bếp còn hỏi qua dùng cà phê đen hay cà phê sữa. Thật lịch sự. Lại còn cốc nước cam bự, ngọt lừ, mát lạnh này. Cho tiền qua cũng không rời khỏi đây."

Hết mỗi món, McMurphy lại xin thêm; hắn đã kịp làm quen và hẹn hò với cô bé rót cà phê khi nào xuất viện, còn với bà đầu bếp da đen, hắn khen là chưa bao giờ được ăn món trứng lập là ngon đến vậy. Người ta mang chuối ra là để ăn với ngô rang thì hắn thủ luôn cả nải và bảo gã hộ lý rằng có để dành cho gã một quả vì trông mày đói đến thảm hại, còn gã kia vừa liếc về phía buồng kính vừa trả lời là nhân viên không được phép ăn cùng bệnh nhân.

"Khoa quy định thế à?"

"Ừ!"

"Tiếc thật," và bẻ một lúc ba quả ngay trước mũi gã hộ lý, hắn chén lần lượt, còn nói thêm cần ăn gì cứ bảo, tao lấy cho, nghe Sam.

Hết nải chuối, hắn xoa bụng rồi đứng dậy đi ra cửa. Nhưng thằng hộ lý to con đã đứng chắn mất lối đi, gã giải thích rằng quy chế ở đây là ăn xong, tất cả bệnh nhân đi ra cùng một lúc, vào bảy giờ ba mươi. Hắn nhìn gã hộ lý như không tin vào tai mình, rồi quay lại phía Harding. Harding gật đầu, hắn nhún vai và ngồi vào chỗ cũ. "Tao sẽ không vi phạm những luật lệ ngu xuẩn của tụi bay."

Đồng hồ trên tường chỉ bảy giờ mười lăm, có nghĩa rằng chúng tôi chỉ mới ngồi trong nhà ăn mười lăm phút nhưng sự thực thì cả tiếng đã trôi qua. Tất cả đã ăn xong từ lâu và ngồi đợi kim đồng hồ chỉ bảy giờ ba mươi. Tụi hộ lý thu dọn khay của hai ông già Thực vật và rồi đẩy họ đi xối nước. Trong nhà ăn, một nửa gục mặt xuống bàn ngủ gật, chờ tụi hộ lý quay lại. Không biết làm gì hơn: không bài, không sách báo, không xếp hình. Chỉ có ngồi hoặc nhìn lên đồng hồ.

Nhưng McMurphy không chịu ngồi yên, hắn phải nghĩ ra trò gì đấy. Một hai phút rồi rê chiếc thìa quanh cái đĩa hắn đã thấy chán. Ngả người ra phía sau, ngón cái xọc vào túi, hắn nheo mắt nhìn lên đồng hồ. Rồi hắn xoa mũi.

"Tụi bay biết không... mặt cái đồng hồ này làm tao nhớ đến tấm bia trên tường bắn ở cảng Riley. Ở đó tao đã đoạt mề đay đầu tiên trong đời, mề đay bắn súng. McMurphy Hồng Tâm. Đứa nào cá một đồng tao ném cục bơ này vào chính giữa mặt kính, thôi, vào mặt kính vậy?"

Ba đứa đặt cược. Bốc mẩu bơ còn sót lịa quệt vào mũi dao, hắn vung tay. Cục bơ dính bệt vào tường phía bên trái, cách chiếc đồng hồ cả gang tay, và tất cả bắt đầu chọc ghẹo hắn cho tới khi hắn rút tiền ra trả. Chúng vẫn còn thi nhau gọi hắn là McMurphy Hồng Tâm nhưng gã hộ lý tí hon đã bước vào, tất cả cúi đầu và nín bặt. Hắn ngờ ngợ song không hiểu chuyện gì, nếu không có đại tá già Matterson lúc nào cũng thao láo nhìn quanh, thấy cục bơ dính trên tường liền giơ tay chỉ vào đó và bắt đầu giải thích cho chúng tôi bằng một giọng nhẫn nại, đều đều và vang to, như thể những lời lão nói là có nghĩa.

"Bơ... đó là đảng Cộng Hòa..."

Gã hộ lý nhìn về phía Matterson chỉ, ở đó mẩu bơ bắt đầu chảy dọc theo tường thành một vệt như con sên màu vàng. Gã chỉ chớp mắt mà không nói gì, thậm chí cũng không ngoái cổ tìm xem do bàn tay ai gây ra.

McMurphy đang huých vào hông những đứa ngồi cạnh, thầm thì, và chúng gật đầu cả lượt; hắn đặt ba lô lên bàn và ngả lưng vào thành ghế. Tất cả quay sang chiêm ngưỡng cách con sên bơ đang chậm chạp bò theo tường xuống sàn nhà, nghỉ lấy sức rồi lại trườn tiếp để lại một vệt óng ánh. Không ai nói một tiếng. Chúng im lặng, nhìn vệt bơ, nhìn đồng hồ rồi lại nhìn vệt bơ. Giờ thì kim đồng hồ đang dịch chuyển.

Mẩu bơ bò đến sàn nhà chỉ nửa phút trước khi kim đồng hồ chỉ bảy giờ ba mươi và McMurphy nhận lại được cả ba đô la mà hắn thua cuộc lúc trước.

Gã hộ lý sực tỉnh, rời mắt khỏi cục bơ và thả chúng tôi ra, và McMurphy nhét tiền vào túi, đứng dậy ôm vai hắn, vừa dẫn vừa lôi đi dọc hành lang về phòng chung. "Sam, người anh em, đã nửa ngày rồi, mà tao thì chỉ mới vừa gỡ lại. Tao phải nhảu lên mới mong bù. Mày mở tủ cho tao xin cỗ bài thì tốt quá, còn tao sẽ cố gắng gào thi với cái loa trên đầu kia."

Gần hết cả buổi sáng, hắn cố gắng bù lại bằng cách chơi blackjack nhưng không ăn thuốc lá mà ghi giấy nợ. Hắn phải xê dịch bàn chơi vài ba lần để chiếc loa trên trần nhà bớt nện vào đầu. Rõ ràng tiếng nhạc có ảnh hưởng đến thần kinh của hắn. Cuối cùng không chịu nổi, hắn đứng lên, bước tới buồng trực, gõ vào cửa kính tới khi mụ Y tá Trưởng quay nửa vòng trên chiếc ghế bành, mở cửa, và hắn hỏi mụ có thể tắt hộ thứ tiếng động địa ngục ấy được không. Sau làn kính, mụ vẫn ngồi nguyên trong ghế, bình thản hơn bao giờ hết; lúc này không có thằng tà giáo nào cởi truồng chạy rông khiến mụ phải rối trí. Mụ nhắm mắt, lắc đầu và rất nhẹ nhàng trả lời McMurphy: không.

"Nhưng có thể vặn nhỏ lại được chứ? Không cần thiết cho cả bangOregonnghe thấy Lawrence Welk cứ ba lần một giờ chơi bài "Tiệc trà chỉ có hai người!" Nếu đỡ ồn hơn để có thể nghe được tiếng đứa bên kia bàn đặt cửa, tôi đã có thể mở một hội poker..."

"Ông đã được thông báo rằng chơi bài ăn tiền trong khoa là vi phạm nội quy."

"Được rồi, chúng tôi sẽ chơi ăn diêm, ăn cúc quần... Nhưng bà hãy vặn nhỏ cái loa chết tiệt kia đi."

"Ông McMurphy..." nói đến đây mụ ngưng lại, đợi cho giọng giáo huấn bắt đầu ngấm vào, vì biết rằng tất cả các con bệnh Cấp tính đều đang rình nghe bọn họ, "ông có biết tôi đang nghĩ gì không? Tôi nghĩ ông xử sự như một kẻ ích kỷ. Chẳng lẽ ông không nhận thấy rằng ngoài ông, trong bệnh viện còn bao kẻ khác? Có những người cao tuổi mà vặn nhỏ đi thì họ không nghe được, đó là những cụ già không thể đọc hoặc xếp hình, hay chơi bài ăn thuốc lá. Âm nhạc là thứ duy nhất có thể dành cho những người như Matterson hay Kittling, thì ông lại muốn tước nốt. Chúng tôi luôn thỏa mãn mọi đề nghị, yêu cầu của bệnh nhân, nếu có thể, nhưng trước lúc đề nghị điều gì, thiết nghĩ ông nên tính đến cả quyền lợi của những người khác."

Hắn quay nhìn tụi Kinh niên và hiểu rằng trong lý lẽ của mụ có phần nào sự thật. Hắn bỏ mũ, luồn tay vào trong mớ tóc rối và quay lưng lại với mụ, hiểu không kém rằng tụi Cấp tính đang lắng nghe từng lời của cả hai.

"Thôi được, quả là tôi chưa nghĩ tới điều đó."

"Tôi hiểu như thế."

Hắn giật nắm tóc đỏ thò ra ở cổ áo và nói: "A ha, vậy nếu chúng tôi mang bàn chơi sang chỗ khác thì sao? Thí dụ mang sang phòng tắm cũ vẫn dùng để chứa bàn thừa của phòng chung mỗi khi có họp hành. Phòng đó trống cả ngày. Hãy giao nó cho tụi tôi còn các ông già, cứ để họ ở lại đấy với chiếc loa của mình. Nhất cử lưỡng tiện, ai cũng bằng lòng."

Mụ cười, lại nhắm mắt và lặng lẽ lắc đầu. "Tất nhiên, lúc nào tiện ông có thể đưa đề nghị đó lên cấp trên, nhưng tôi e rằng họ sẽ trả lời như tôi. Chúng tôi không đủ nhân viên để phục vụ đồng thời hai phòng. Không còn ai theo dõi bệnh nhân cả. Và, nếu có thể, xin đừng tựa vào kính như vậy, tay ông để lên gây những vết bẩn khó xóa. Ông đang bày thêm việc cho người khác đấy."

Và tôi nhận thấy hắn bỏ tay ra, định nói gì đấy nhưng lại thôi, và tôi hiểu hắn chẳng biết phải nói thêm gì nữa, trừ phi chửi mụ ra. Cổ và mặt đỏ bừng lên, hắn hít một hơi dài và cố gắng trấn tĩnh lại như mụ sáng sớm hôm ấy, hắn xin lỗi mụ vì đã làm phiền và quay về bàn chơi.

Cả phòng hiểu rằng mọi sự đã bắt đầu.

Mười một giờ gã bác sĩ đến, yêu cầu McMurphy đi cùng hắn về buồng làm việc nói chuyện. "Tôi luôn trò chuyện với những người mới nhập viện vào buổi sáng hôm sau."

Hắn cất bài, đứng dậy và đi tới. Gã bác sĩ hỏi hắn đêm qua ngủ thế nào, hắn chỉ lầu bầu.

"Hôm nay trông ông có vẻ tư lự, ông McMurphy."

"Tôi là con người luôn trầm tư," McMurphy trả lời và họ cùng bước ra hành lang. Tưởng chừng như họ vắng mặt cả tuần lễ, nhưng họ đã quay về kia rồi, vừa đi vừa vui vẻ cười cười nói nói. Gã bác sĩ lau nước mắt trên kính như vừa được cười một trận ra cười còn McMurphy đã lấy lại vẻ oang oang, ngỗ ngược. Hắn cứ thế cho đến hết bữa trưa, và lúc một giờ vào họp, hắn chiếm chỗ đầu tiên trong góc phòng, đôi mắt xanh uể oải nhìn ra.

Mụ Y tá Trưởng tay xách giỏ giấy má cùng các nữ y tá thực tập bước vào phòng chung. Mụ cầm quyển sổ trực lên và cau có xem mất một lúc (cả ngày không đứa nào viết gì vào đó cả) rồi mới ngồi vào chỗ của mình bên cánh cửa. Mụ lôi tài liệu trong chiếc cặp ra, đặt lên đùi, lục tìm giấy tờ về Harding.

"Theo tôi nhớ, hôm qua chúng ta đang thảo luận dở một số khúc mắc của ông Harding, và có một số bước tiến..."

"Vâng... trước khi bàn vấn đề đó," gã bác sĩ nói, "cho phép tôi xin một vài phút, để đề cập đến buổi nói chuyện sáng nay giữa tôi và McMurphy. Thực chất đó là một buổi hồi tưởng, ôn lại những ngày đã qua. Các vị biết không, hóa ra cả hai chúng tôi trước đây cùng học một trường."

Các nữ y tá nhìn nhau, không hiểu gã đã nghĩ ra trò gì. Còn các con bệnh nhìn nhanh sang McMurphy đang cười tủm tỉm trong góc của mình và đợi phần tiếp theo. Gã bác sĩ gật đầu.

"Vâng, cùng một trường. Trong lúc chuyện trò, chúng tôi cùng nhau ôn lại những ngày hội hóa trang mà ở trường chúng tôi đã tổ chức. Những ngày hội ồn ào, vui tươi đủ màu cờ, sắc áo và các trò chơi luôn là những sự kiện nổi bật trong năm. Như đã nói với ông McMurphy, trong hai năm cuối tôi là chủ tịch hội hóa trang của nhà trường. Một thời sôi nổi, vô tư..."

Cả phòng họp im lặng. Gã ngẩng lên nhìn căn phòng một lượt, nhìn xem dưới con mắt của mọi người gã có phải là một thằng điên không. Cái nhìn của mụ Y tá Trưởng trả lời rằng điều đó thật rõ như ban ngày, nhưng với cặp mắt không kính, gã không phát hiện ra.

"Và để kết thúc những dòng hồi tưởng lãng mạn, tôi và McMurphy nghĩ đến việc tổ chức một ngày hội hóa trang ngay trong khoa chúng ta: ý kiến các vị thế nào?"

Gã lại đeo kính vào và nhìn mọi người. Chẳng có ai nhảy cẫng lên vì sung sướng. Vài đứa trong chúng tôi còn nhớ, cách đây mấy năm, Taber đã thử làm chuyện đó và kết cục của nó thế nào. Gã đứng đợi; sự im lặng như một làn khói bốc lên từ mụ Y tá Trưởng, bao trùm lên tất cả, khiến chẳng đứa nào dám hé răng. Tôi hiểu McMurphy im lặng vì ý tưởng tổ chức ngày hội hóa trang là của hắn, và đúng lúc tôi nghĩ sẽ chẳng thằng nào liều mạng thì Cheswick ngồi bên cạnh McMurphy chợt kêu oái và đứng bật dậy, tay chùi vào sườn.

"Hừm... theo tôi," hắn nhìn xuống tay vịn chiếc ghế bành, nơi McMurphy đang đặt nắm đấm với ngón cái to đùng chĩa ra như roi thúc bò, "đó là một sáng kiến tuyệt vời. Phải phá vỡ cuộc sống thường ngày đơn điệu bằng cách nào đó."

"Hoàn toàn đúng, Charley," gã bác sĩ thỏa mãn vì có kẻ đồng tình. "Và đối với việc trị liệu đó không phải là vô tác dụng."

"Tất nhiên," Cheswick tươi tỉnh lên. "Ngày hội hóa trang cũng là một cách trị bệnh rất tốt."

"S...sẽ... sẽ vui lắm," Billy Bibbit nói.

"Vâng, cả vui nữa," giọng Cheswick nói. "Chúng ta sẽ thành công lắm, bác sĩ Spivey. Scanlon sẽ biểu diễn tiết mục người bom, tôi sẽ làm cột ném vòng trong giờ Liệu pháp nghề nghiệp."

"Còn tôi sẽ đoán số," Martini nói và giương mắt nhìn trần nhà.

"Còn tôi sẽ xem tướng tay, đoán bệnh lý," Harding tiếp.

"Tuyệt, tuyệt," Cheswick vỗ tay hoan hỉ. Từ trước tới nay chưa ai ủng hộ hắn trong bất cứ việc gì.

"Còn tôi," McMurphy dài giọng. "Tôi đã từng trông quầy ném phi tiêu, có kinh nghiệm..."

"Ừ bao nhiêu khả năng!" Bác sĩ đầy hưng phấn, duỗi thẳng người trên ghế. "Tôi còn nhiều dự định rất hay..."

Gã còn nói thao thao thêm năm phút. Có thể thấy rõ nhiều chi tiết đã được thảo luận trước với McMurphy. Gã mô tả các trò vui, đá sang chuyện bán vé vào cửa và đột ngột dừng lại như bị cái nhìn của mụ Y tá Trưởng thụi vào mắt. Gã chớp mắt nhìn mụ hỏi: "Ý kiến của bà về sáng kiến tổ chức ngày hội hóa trang ra sao, bà Ratched? Ngay ở đây?"

"Tôi không phản đối rằng điều đó cũng đóng một vai trò nhất định trong việc chữa bệnh." Mụ nói và đợi. Sự im lặng lại bốc lên và tỏa ra. Khi thấy không đứa nào có ý định lên tiếng, mụ tiếp, "Nhưng tôi cho rằng những sáng kiến loại này nên bàn bạc với hội đồng bệnh viện trước, ông nghĩ sao, ông bác sĩ?"

"Đúng thôi, bà hiểu cho, tôi chỉ muốn thăm dò thái độ bệnh nhân một chút. Còn tất nhiên, phải bàn bạc với hội đồng bệnh viện trước. Rồi sẽ đến các kế hoạch tiếp theo."

Ai cũng hiểu, với ngày hội thế là hết.

Mụ y tá cho là đã đến lúc phải cầm dây cương, và giở đống giấy tờ ra. "Tuyệt! vậy nếu không có tin tức gì mới và nếu ông Cheswick ngồi xuống, tôi nghĩ rằng chúng ta nên tiếp tục cuộc đàm thoại dở dang hôm qua. Chúng ta chỉ còn..." mụ rút chiếc đồng hồ quả quýt ra khỏi giỏ, "bốn mươi bảy phút. Nào..."

"Ô! Xin chờ cho một phút, tôi chợt nhớ là còn một tin nữa cần thông báo." McMurphy giơ tay lên, bật hai ngón tay. Mụ nhìn rất lâu vào cánh tay trước khi mở miệng: "Gì thế, ông McMurphy?"

"Không phải của tôi mà của bác sĩ Spivey. Bác sĩ, hãy nói cho mọi người biết sáng kiến của ông về chiếc loa và những người nghễnh ngãng."

Cơ mặt mụ giật khẽ hầu như rất khó nhận thấy, nhưng tim tôi bắt đầu đập rộn lên. Mụ thả tập giấy vào giỏ và quay sang gã bác sĩ.

"Vâng," bác sĩ nói, "tí nữa thì tôi quên." Gã ngả người, vắt chân chữ ngũ, hai bàn tay đan vào nhau ôm lấy bụng. Dễ thấy hắn vẫn còn khoái chí vì chuyện ngày hội hóa trang lắm. "Các vị thấy không, tôi và McMurphy còn thảo luận vấn đề tuổi tác trong khoa ta: thành phần bệnh nhân đa tạp, già, trẻ, trung niên ở lẫn lộn. Đây không phải là cách sắp xếp tối ưu để thực hiện Cộng đồng Trị liệu. Rất tiếc là bộ phận hành chính cũng không giúp được gì cho chúng ta, vì nhà của khoa Lão đã quá chật. Phải thừa nhận rằng tình huống không mấy dễ chịu cho những ai có liên quan. Tuy nhiên, trong lúc chuyện trò, tôi và ông McMurphy đã nảy ra một sáng kiến làm giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống chung đụng giữa lớp già và lớp trẻ. Ông McMurphy đã để ý rằng thính lực của một vài bệnh nhân cao tuổi hơi yếu. Ông đề nghị vặn to loa truyền thành để các bệnh nhân Kinh niên lãng tai nghe được. Tôi cho đó là một đề nghị rất nhân đạo."

McMurphy khiêm tốn phẩy tay chối từ. Gã bác sĩ gật đầu với hắn và tiếp tục:

"Nhưng tôi nói với ông ta rằng đã có một vài bệnh nhân than phiền với tôi là loa phóng thanh quá to khiến họ không thể chuyện trò hay đọc sách báo được. McMurphy nói rằng ông đã không nghĩ đến chi tiết này, nhưng có lưu ý đến nghịch cảnh là những người ham đọc không biết đường tìm lấy một chỗ yên tĩnh trong khi đó vẫn phải mở loa cho những ai muốn nghe. Và tôi chợt nghĩ đến gian phòng tắm cũ mà mỗi lần họp chúng ta vẫn mang bàn ghế sang cho rộng chỗ. Gian phòng đó trước đây dùng để thực hiện thủy liệu pháp, nhưng từ ngày có những loại thuốc mới, nó không còn được sử dụng nữa... Vì thế tôi muốn hỏi, các vị có muốn dùng căn phòng này như một phòng chung thứ hai, chẳng hạn như, phòng chơi bài không?"

Các vị đều im lặng. Họ biết rõ giờ đến lượt ai đi. Mụ Y tá Trưởng đóng cặp hồ sơ của Harding lại, đặt lên đầu gối, hai tay bắt chéo giữ lấy và đưa mắt nhìn khắp phòng họp một lượt, bà thách đứa nào hé răng? Khi thấy rõ sẽ không đứa nào dám, mụ quay sang bác sĩ: "Một dự kiến khá thông minh, bác sĩ Spivey, và tôi cũng đánh giá cao sự quan tâm của McMurphy tới các bệnh nhân khác, nhưng sợ rằng chúng ta không đủ nhân viên để phục vụ hai phòng một lúc."

Vấn đề được quyết định, mụ tin tưởng điều ấy đến mức mở cặp ra lần nữa. Nhưng gã bác sĩ đã tính toán kỹ hơn mụ nghĩ:

"Tôi đã tính đến điều đó, bà Rathced. Trong phòng chung có gắn loa chỉ còn lại các bệnh nhân Kinh niên mà phần đông trong số họ phải buộc vào ghế bành hay ngồi xe lăn, vì thế chỉ cần một hộ lý và một y tá là có thể dẹp yên bất kỳ một cuộc phá rối hay nổi loạn nào nếu chúng xảy ra, bà có nghĩ như vậy không?"

Mụ không trả lời cũng không để ý đến câu nói đùa của Spivey về các cuộc bạo động hay nổi loạn, nhưng nét mặt không hề thay đổi. Nụ cười vẫn trên môi.

"Vì thế, hai hộ lý và các nữ y tá còn lại sẽ trông coi số bệnh nhân ở phòng tắm, điều này có khi dễ dàng hơn so với việc để họ trong một gian phòng quá rộng như phòng chung. Các vị nghĩ sao? Một kế hoạch trong tầm tay nhỉ. Ngay tôi đây cũng thấy rất hứng thú, và tôi nghĩ bà Ratched, chúng ta cứ thử ít ngày xem sao. Nếu không thành ư, chúng ta cầm chìa khóa, và có thể đóng căn phòng đó lại cơ mà."

"Đúng rồi!" Cheswick nói và đập nắm đấm vào lòng bàn tay. Hắn vẫn không dám ngồi xuống, nhưng sợ nắm đấm của McMurphy lại gí vào sườn. "Đúng rồi, thưa bác sĩ Spivey, tất nhiên, trong trường hợp không thành công, chúng ta có thể đóng căn phòng đó lại."

Spivey nhìn xuống đám khán giả: tụi Cấp tính gật đầu cười khoái chí, khiến gã cảm thấy sáng kiến mà gã cho rằng chính mình đưa ra hoàn thiện không chê vào đâu được; nghĩ đến đó, gã cũng đỏ mặt lên như Billy Bibbit và phải lau đôi mắt kính lần nữa rồi mới tiếp tục nói. Tôi buồn cười khi thấy con người nhỏ bé đó quá tự mãn về mình. Nhìn những con bệnh đang gật đầu, gã cũng gật đầu lẩm bẩm "rất tốt, rất tốt" và đặt hai bàn tay lên đầu gối. "Tuyệt, nếu chúng ta đã quyết định vậy... à quên, sáng nay chúng ta định thảo luận vấn đề gì nhỉ?"

Cơ mặt mụ lại khẽ giật một cái, rồi lẳng lặng cúi xuống cái giỏ lôi ra một cặp giấy khác. Mụ lật từng trang, và có vẻ tay mụ run run. Mụ lôi một tờ ra, nhưng không để cho mụ kịp bắt đầu, McMurphy đã đứng lên, vẻ mặt đăm chiêu, tay đưa lên và đổi chân liên tục, cất tiếng: "Thế này...", và mụ sững người tựa như tiếng nói của McMurphy đã làm mụ hóa đá hệt như mụ đã làm gã hộ lý hóa đá lúc ban sáng. Nhìn cảnh đó, đầu tôi lại lâng lâng một cảm giác dễ chịu. McMurphy nói, còn tôi chăm chú quan sát mụ ta.

"Thế này... bác sĩ ạ, đêm qua tôi mơ thấy một giấc mơ mà có chết tôi cũng muốn biết đó là cái gì. Ông hiểu không, cứ như tôi là tôi, nhưng sau đó lại không phải là tôi, mà là một ai đó giống tôi, như là... như là bố tôi vậy. Vâng, đó chính là bố tôi. Chính là bố tôi vì đôi lúc tôi nhìn thấy mình - thấy bố - bị... đóng một chiếc đinh bu loong xuyên qua hàm như ông ngày xưa..."

"Bố ông bị đóng đinh vào hàm?"

"Bây giờ thì không, nhưng đã có thời, suốt một năm, ông đeo cái đinh từ đây... xuyên suốt tận đây. Ngày đó tôi còn bé. Ông hiện ra trước cả vùng cứ như Frankenstein. Một lần, trong xưởng cưa, ông đánh nhau với một gã coi đập nước, bị hắn nện sống rìu vào hàm... ái dà, để tôi kể cho mà nghe!..."

Mặt mụ Y tá Trưởng bất động như được đổ bằng khuôn, có thể tô vẽ để biến thành giận, thương, vui hay buồn tùy ý. Một khuôn mặt luôn tỏ vẻ nhẫn nại, tự tin, phẳng phiu như tảng băng. Không còn giật nữa, chỉ còn nụ cười điềm tĩnh, được dập từ một thứ chất dẻo màu đỏ; cái trán nhẵn nhụi, sạch sẽ không một nếp nhăn, không bộc lộ một sự yếu đuối hốt hoảng nào; cặp mắt to, xanh và nông choèn, được vẽ lên chỉ để nói: ta có thể đợi, có thể chịu lùi vài bước, nhưng ta có thể đợi, biết chịu đựng, biết giữ bình tĩnh và tin tưởng, bởi vì ta biết trong trận này ta không bao giờ có thể thua.

Trong một phút lúc nãy, tôi có cảm giác là mụ đã thất bại. Có thể không chỉ là cảm giác. Nhưng giờ tôi hiểu chuyện đó chẳng có ý nghĩa gì. Các con bệnh hết đứa này đến đứa khác lén lút nhìn mụ, xem mụ phản ứng ra sao trước việc McMurphy cứ cầm dây cương mà điều khiển cuộc họp như vậy, và tất cả chúng đều hiểu điều này. Làm sao một con người to lớn như bức tượng bán thân Nhật Bản, choán hết một nửa căn phòng lại cam chịu thất bại? Không cách nào di chuyển mụ, không ai có khả năng chống mụ. Mụ thua hôm nay, nhưng đây chỉ là một trận đánh nhỏ trong cả cuộc chiến lớn, một cuộc chiến mụ đã chiến thắng và sẽ tiếp tục chiến thắng. Không thể để cho McMurphy gieo hy vọng vào lòng chúng tôi, cũng không để cho hắn dụ chúng tôi lao vào một ván bài không đường ra. Mụ sẽ tiếp tục thắng cuộc như Liên hợp đã thắng, vì đằng sau mụ là Liên hợp với sức mạnh vô địch của nó. Khi đối phương thắng mụ không yếu đi chút nào, nhưng khi đối phương thua thì mụ mạnh lên gấp bội. Để khuất phục mụ, chỉ thắng ba trong năm ván hay hai trong ba ván không đủ, mà phải thắng từng ván một, từ lúc khai cuộc đến khi cuộc tàn. Chỉ cần xuống sức, nản chí hay sơ hở, để thua một lần thôi thì mụ sẽ thắng dứt điểm. Và sau rốt chúng tôi từng đứa một sẽ chịu thua. Không ai có thể làm gì được.

Ngay lúc này mụ bắt đầu khởi động máy phun mù, và trong khoảnh khắc tôi không thấy gì ngoài bộ mặt của mụ, nhưng mù vẫn tuôn tới càng lúc càng dày đặc, khiến tôi cảm thấy tuyệt vọng hết đường ra cũng nhiều như đã cảm thấy sung sướng mới hồi nãy, khi mặt mụ giật lên, còn tuyệt vọng hơn nữa bởi tôi hiểu không ai có thể làm gì được, trị nổi mụ cũng như Liên hợp của mụ. McMurphy cũng chẳng làm được gì hơn tôi. Không ai làm gì được. Và tôi càng nghĩ về chuyện không ai làm gì được, sương mù càng ùn lên.

Và tôi yên tâm vì trong sương mù dày đặc không ai còn trông thấy tôi, không còn phải chống cự hay sợ hãi điều gì.