Chị Hai Thượng Quan Chiêu Đệ cũng là giống của ông Vu Bàn Vả. Liên tiếp sinh hai con gái, sắc mặt bà Lã càng khó coi.

Mẹ nhận ra một chân lý nghiệt ngã: Là đàn bà, không lấy chồng không được, lấy chồng mà không sinh con không được, sinh con toàn con gái cũng không được. Muốn có địa vị trong gia đình, dứt khoát phải sinh con trai.

Đứa con thứ ba, mẹ thụ thai trong bãi sậy.

Đó là một buổi trưa, khi Chiêu Đệ được hơn một tháng tuổi, theo lệnh bà Lã, mẹ đến đầm lau ở tây nam thôn, bắt ốc vặn về nuôi vịt. Mùa xuân năm ấy có người bán vịt con. Đó là một người ở vùng khác đến, to cao khỏe mạnh, vai khoác vuông vải xanh, chân đi giày cỏ, gánh hai lồng vịt con lông màu vàng tuổi. Anh ta bày hai chiếc lồng ngay trước cửa nhà thờ, rao bằng một giọng du dương:

- Ai mua vịt con đây! Ai mua vịt con nào?

Những mùa xuân trước, người ta bán gà con, ngỗng con, nhưng chưa ai bán vịt con. Mọi người vây quanh lồng vịt, ngắm nghía những con vật bé tí như một cục bông, mỏ màu phấn hồng. Chúng kêu áp áp, màng chân trong suốt, đi lại một cách vụng về.

- Mua đi mua đi, mùa xuân mua về, sang thu thu tiền, nếu lẫn vịt đực không lấy tiền! Đây là vịt Bắc Kinh, mắn đẻ, cho trứng ngay trong năm, mỗi ngày một quả, chỉ cần cho ăn những thứ như cua ốc, mỗi ngày có thể cho hai trúng, sáng một, chiều một.

Bà Lã là người đầu tiên mua 10 con, có người mở đầu, những người khác cũng mua theo, chỉ một loáng, hai lồng vịt con đã bán sạch.

Anh chàng bán vịt chỉ đi dạo một vòng quanh thôn rồi bỏ đi. Đêm hôm đó, con trai lớn nhà Phúc Sinh Đường bị thổ phỉ bắt cóc, mất mấy nghìn mới chuộc được về. Người ta đồn rằng, anh chàng bán vịt đi tiền trạm, mượn cớ bán vịt để thám thính tình hình nhà Phúc Sinh Đường.

Nhưng những con vịt thì quả là vịt tốt, mới nuôi được 5 tháng mà đã lớn như chiếc thuyền tí hon. Bà Lã yêu đàn vịt như sinh mạng của mình, ngày ngày sai con dâu đi bắt ốc, hy vọng mỗi ngày chúng đẻ hai trứng: Mẹ xách một cái hũ sành, tay cầm sào trên đầu có buộc cái gầu xúc đan bằng dây thép, đi về hướng bà mẹ chồng đã chỉ. Những mương rãnh gần thôn, ngoài đầm đã bị những người nuôi vịt vét không còn một con ốc. Mẹ chồng đi chợ Liêu Lan, khi qua bãi sậy trông thấy rất nhiều ốc ở chỗ nước nông.

Hàng đàn vịt trời xanh biếc bơi lội trong bãi sậy. Mỏ chúng như những cái xẻng, ăn sạch những con ốc mà mẹ chồng đã trông thấy. Mẹ vô cùng thất vọng tiếc mình đến muộn bây giờ về tay không, chắc bị chửi tối mắt tối mũi. Men theo con đường nhỏ khúc khuỷu lầy lội, mẹ tiến sâu hơn nữa, hi vọng bắt gặp một chỗ chưa bị lũ vịt trời sục sạo để hoàn thành nhiệm vụ mẹ chồng giao. Mẹ cảm thấy bầu vú căng sữa, lại nhớ hai đứa con gái ở nhà. Lai Đệ chập chững biết đi, Chiêu Đệ thì chưa được hai tháng tuổi. Mẹ chồng coi mấy con vịt hơn cả hai đứa bé. Chúng có khóc hết hơi cũng đừng mong được bà nội bế một lúc. Thọ Hỉ thì khó nói đó là một con người, ra ngoài thì là một thằng đụt, trước mặt mẹ thì nhũn như con chi chi, nhưng đối với vợ con thì hung hãn hết chỗ nói. Anh ta hoàn toàn không thích hai đứa trẻ. Sau mỗi lần bị chồng ngược đãi, mẹ cảm thấy như trút được mối hận:

- Đồ con la! Đánh đi, đánh nữa đi, hai đứa nhỏ này không phải giống nhà anh! Toàn Nhi này có đẻ thêm một nghìn đứa nữa, cũng không phải giống nhà Thượng Quan.

Từ sau khi có chuyện ấy với chú dượng, mẹ cảm thấy không còn mặt mũi nào gặp lại bà cô, nên ngày tam phục năm nay, mẹ không về thăm nhà. Mẹ chồng giục mẹ về mẹ bảo:

- Nhà con chết cả rồi, mẹ bảo con về đâu bây giờ?

Xem ra giống của ông chú dượng Vu Bàn Vả cũng không được việc! Mẹ nghĩ, phải xin giống ở người đàn ông nào tốt hơn. Này mẹ chổng, này chồng, các người cứ đánh tôi đi, cứ mong đi, tôi sẽ đẻ con trai nhưng nó không phải giống nhà Thượng Quan, các người thiệt to rồi? Mẹ nghĩ ngợi miên man, tay rẽ những cây lau gần như bịt kín lối đi. Bãi lau xào xạc, mùa tanh tanh của những cây thủy sinh khiến mẹ sờ sợ. Tiếng chim kiếm ăn trong nước kêu quác quác từ nơi rất sâu, từng làn gió nhẹ lách qua kẽ lá. Một con lợn rừng mõm dài nghêu đứng chắn đường, chỉ cách vài bước chân, hai chiếc răng nanh nhọn hoắt chìa ra hai bên mép. Nó giương cặp mắt ti hí phủ đầy lông mi dày nhìn mẹ với vẻ thù địch, khịt khịt mũi hăm dọa. Mẹ như sực tỉnh sau khi uống một ngụm dấm, bất giác sợ run lên, nghĩ rằng sao mình lại lọt vào nơi này? Có ai ở Cao Mật biết mình vào đây? Bãi sậy mênh mông là sào huyệt của bọn thổ phỉ, ngay cả Vương Tam, Tư lệnh du kích vùng Tề-Lỗ trong tay cả đại đội nhân mã mà cũng không dám thọc sâu. Lần tiễu phỉ năm xưa, ông ta chỉ dám đặt súng cối ngoài đường lớn, nã vào bãi sậy hơn chục phát rồi rút.

Khì tìm đường để ra, mẹ mới phát hiện có rất nhiều con đường nhỏ chạy ngang chạy dọc trong ánh sáng lờ mờ, không rõ đó là lối đi của người hay của thú. Mẹ không thể nhận ra mình đã đến chỗ này bằng con đường nào. Mẹ chạy nháo nhào một lúc rồi đứng lại khóc. ánh sáng xuyên qua kẽ lá có hình lưỡi kiếm, mùi thối rữa từ mặt đất bốc lên. Chân mẹ dẫm phải một bãi phân lỏng, tuy thối nhúc mũi nhưng mẹ lại cảm thấy yên tâm, có phân là có người. Mẹ gọi to:

- Có ai đấy không? Có ai đấy không?

Tiếng gọi như bị nghẹt rồi tan biến trong bãi sậy dày đặc. Mẹ cúi nhìn mới thấy bãi phân lổn nhổn những rễ và đọt cây thì hiểu rằng không phải phân người mà là phân lợn rừng hoặc của loài thú nào đó. Lại chạy thực mạng một đoạn nữa rồi tuyệt vọng ngời xuống mà gào khóc. Mẹ cảm thấy sống lưng lạnh toát như có hàng trăm con mắt dữ dằn đang nhìn trộm mình. Quay lại không thấy gì cả, chỉ có những cây lau ken dày, lá nhọn chĩa thẳng lên trời. Một làn gió nhẹ từ bãi lau nổi lên rồi tan đi trong bãi lau, chỉ còn lại những tiếng xào xạc. Tiếng chim hót từ một nơi xa thăm, nghe quái dị, hình như đó là người nhại tiếng chim. Mẹ không dám nán lại lâu hơn nữa, ba bề bốn bên nguy hiển đang rình rập, bao nhiêu cặp mắt xanh lè nhìn qua kẽ lá. Những đốm lân tinh nhảy nhót trên lá sậy. Tim mẹ như muốn vỡ ra, khắp người nổi da gà, vú đanh lại như một thỏi sắt. Mẹ mất dần lý trí nhắm mắt xông bừa làm kinh động đàn muỗi đông như một đám mây đen. Chúng xông vào đốt mẹ. Mồ hôi đầm đìa khiến chúng kéo đến càng đông. Cái hũ sành đã rơi mất, cây sào cũng mất nốt, mẹ vừa kêu gào vừa chạy thực mạng. Khổ thân mẹ! Giữa lúc hoàn toàn tuyệt vọng đó, Thượng đế sai cứu tinh đến: chính là anh chàng bán vịt con!

Anh mặc áo tơi, đội nón lá, dẫn mẹ đến một khoảnh đất cao trong bãi sậy. Chỗ này sậy mọc thưa. Chính giữa là túp lều trước cửa lều có một bếp lửa cháy rừng rục, phía trên treo một nồi cháo kê thoàn phức.

Anh ta dẫn mẹ vào trong lều. Mẹ quì xuống nói:

- Xin quí anh cho em về, em là con dâu nhà thợ rèn Thượng Quan.

Anh ta cười:

- Vội gì? Đã mấy khi có khách, phải thết dãi chút gì chứ!

Trong lều kê tấm phản gỗ làm giường, trên phủ tấm da hổ để chống ẩm. Anh ta đốt lá ngải xông muỗi, hỏi mẹ:

- Đau lắm hả? Muỗi vùng này cắn chết trâu, huống hồ da thịt thơm tho của chị Hai!

Lá ngải bốc khói trắng, tỏa mùi thơm dễ chịu. Anh ta hạ chiếc làn treo trên xà ngang xuống, lấy ra chiếc hộp con màu đỏ, mở nắp quệt một ít àu vàng chanh bôi lên những chỗ bị muỗi cắn trên mặt trên tay mẹ. Mẹ cảm thấy một mùi thơm thấm tận trong tim. Anh lại lấy ra một viên đường, ép mẹ ăn bằng được. Mẹ hiểu rằng, một nam một nữ ở nơi mênh mông sâu thẳm này, chuyện ấy sớm muộn sẽ diễn ra. Mẹ vừa nói vừa chảy nước mắt:

- Quí anh ơi, anh làm gì em cũng được, chỉ xin anh cho em về sớm một chút, cháu bé đang khát sữa ở nhà...

Mẹ tiếp nhận người đàn ông với thái dộ vâng chịu, không xót xa cũng chẳng mừng vui, chỉ cầu mong anh ta ẹ một thằng con trai.