Tôi hắt hơi một cái rõ kêu rồi tỉnh ngủ. ánh đèn dầu vàng vọt chiếu trên tường. Mẹ ngồi dưới đèn, tay mân mê tấm lông chồn, chiếc kéo lớn để trên đầu gối, cái đuôi con chồn rập rình trên tay mẹ. Tôi nhảy xuống giường, lập tức nước chảy như xối vào bô tiểu. Một người đàn ông mặc quân phục màu vàng, mặt mũi lấm lem, dáng như khỉ đột ngồi trên chiếc ghế đẩu bên cạnh giường. Ông ta gãi bộ tóc hoa râm bằng những ngón tay co quắp, nét mặt nhăn nhó khó sở.

- Kim Đồng phải không? - Ông ta thận trọng hỏi tôi, cặp mắt đen tỏ vẻ thân thiện.

Mẹ bảo:

- Kim Đồng, đây là anh Tư Mã của con!...

Thì ra là Tư Mã Đình. Mấy năm không gặp, không ngờ ông ta thay đổi đến nông nỗi này. Còn đâu một Tư Mã Đình oai phong lẫm liệt khi làm trưởng trấn cầm súng quan sát trên chòi canh? Những ngón tay mũm mĩm như quả dưa chuột đâu rồi?

Khi hai người bí ẩn bắn vỡ đầu Tư Mã Phượng và Tư Mã Hoàng thì Tư Mã Đình đang nấp sau máng cỏ trong chái hiên nhà tôi, nhảy dựng lên như con cá chép vọt lên khỏi mặt nước. Tiếng súng chát chúa như dùi nhọn đâm vào màng nhĩ. Ông ta sốt ruột đi vòng quanh cối xay như con lừa, hết vòng này đến vòng khác. Tiếng vó ngựa râm ran trong ngõ rồi xa dần như sóng thủy triều. Ông ta nghĩ, bỏ bà rồi, phải trốn thôi, không thể ở đây chờ chết? Sau đó ông ta may mắn chạy thoát. Sau khi được tin Tư Mã Phượng và Tư Mã Hoàng đều bị bắn chết, ông ta cứ xuýt xoa mãi về sự may mắn của mình. Rơi vào tay họ, Tư Mã Đình này chắc chết! Khoan hãy nhắc đến chuyện là trưởng trấn, trưởng ban an ninh, chỉ riêng chuyện là anh trai Tư Mã Khố cũng đủ để họ băm vằm mình ra! Ngụy trang trên đầu bằng một nắm rơm, ông ta trèo qua mặt tường vây phía nam là nơi thấp nhất, rơi đúng một đống phân chó, ngã như trời giáng. Lúc này, nghe thấy tiếng ồn ào đầu ngõ, ông ta vội rúc vào một đống rơm, nằm đè lên một con gà mái và ổ trúng của nó. Ngay sau đó là tiếng đập cửa rất mạnh, rất thô bạo. Rồi có mấy người cao to, mặt bịt khăn đen, vòng ra chân tường, những cụm cỏ khô bị nghiền nát dưới những bàn chân hộ pháp. Người nào cũng tiểu liên trong tay, hùng hùng hổ hổ, vọt qua tường nhanh như én liệng, trông rất giống những vệ sĩ của nhân vật bự. Ông ta không hiểu bọn này vì sao lại che mặt. Sau khi được tin Tư Mã Thượng và Tư Mã Hoàng đầu bị bắn chết, cái đầu rối tinh của ông ta chợt lóe lên, hình như ông ta đã rõ chuyện. Những người kia nhảy vào trong sân. Tư Mã Đình cố sống cố chết rúc sâu hơn nữa, chờ đợi tình hình ngã ngũ ra sao.

- Chú Hai là chú Hai, tôi là tôi! - Tư Mã Đình bảo mẹ - chuyện ai người ấy bàn!

Mẹ bảo:

- Vậy thì gọi là bác vậy. Kim Đồng, đây là bác Tư Mã!

Tôi gật đầu nhìn những ngón tay co quắp của ông ta rồi lại lồm cồm bò lên giường chui vào trong chăn. Trong lúc mơ màng để đi vào giấc ngủ, tôi nhìn thấy ông ta lấy ra một tấm huân chương đưa ẹ, giọng ề à có vẻ ngượng:

- Thím này, tôi đã lập công chuộc tội rồi đấy?

Tư Mã Đình lợi dụng bóng đêm chạy ra khỏi thôn. Nửa tháng sau, ông ta bị đưa vào đội tải thương, cặp đôi với một thanh niên mặt đen, khiêng một cáng. Tôi nghe ông ta thì thào kể lại những điều kỳ lạ mà ông ta đã trải qua như một thiếu niên dựng chuyện để biện bạch cho những sai lầm của mình. Cái đầu nặng trĩu tóc của mẹ lắc lư dưới ánh đèn, da mặt như dát vàng, đôi môi đường nét phân minh hơi cong lên, mẹ mỉm cười tỏ vẻ châm biếm.

- Những chuyện tôi kể đều rất thật - Tư Mã Đình phân bua - Tôi biết thím không tin, nhưng cái huân chương này thì chắc chắn không phải tôi làm ra, mà phải đổi bằng cái đầu của tôi đấy?

Có tiếng kéo cắt tấm lông chồn, mẹ nói:

- Anh Tư Mã, có ai bảo anh bịa chuyện đâu?

Tư Mã Đình và chàng thanh niên mặt đen cáng ông trung đoàn trưởng bị trúng đạn ở ngực, sấp ngửa chạy qua cánh đồng. Máy bay lượn trên trời, sáng lóa màu xanh của thép. Đạn pháo và các cỡ đạn kéo theo những đuôi lửa dài vạch dọc vạch ngang bầu trời, đan thành một lưới lửa dày đặc và biến hóa muôn màu muôn vẻ. ánh chớp của đạn pháo và tiếng nổ rền như sấm, soi rõ những bờ ruộng ngoằn ngoèo và mặt ruộng mấp mô đầy cuống rạ rắn đanh sau khi gặt hái. Các dân công tải thương chạy tán loạn trên cánh đồng, nháo nhào không còn biết chạy theo huống nào. Tiếng kêu thê thảm của thương binh râm ran trong đêm tối.

- ối mẹ ơi, đau chết mất?... Tiểu đội trưởng ơi, làm ơn cho tôi một phát, tôi không chịu nổi nữa!...

Chỉ huy dân công là một phụ nữ tóc cắt ngắn, tay cầm đen pin có tua lụa đỏ, đứng trên bờ ruộng thét to:

- Không được chạy lung tung, phải bảo vệ thương binh!...

Giọng chị ta rất rè, như miết gót giày trên cát khô. Những ánh chớp xanh soi rõ khuôn mặt chị ta. Chị quàng chiếc khăn mặt trắng quanh cổ, thắt lưng da cài hai quả lựu đạn chày và chiếc ca sứ. Đây là một phụ nữ cực kỳ tháo vát. Ban ngày, chị mặc chiếc áo màu đỏ ớt dẫn đội cáng thương chạy như sóc trên hỏa tuyến. Chị như một con bướm màu không ăn nhập với cảnh trận mạc chút nào.. Hàng vạn phát đại bác cày xới cánh đồng, biến mặt đất đông cứng thành tơi xốp như trong vụ xuân. Lúc trời còn sáng, Tư Mã Đình trông thấy một đóa hoa bồ công anh nở bên cạnh đám tuyết bị máu nóng làm tan thành nước. Dưới chiến hào ngột ngạt, các binh sĩ đang xúm lại ăn cơm, nhưng bánh màn thầu trắng tinh, những củ hành muối màu trắng ngà, miệng nhai rau ráu, ăn như vũ bão. Mùi thức ăn khiến Tư Mã Đình rỏ nước miếng. Những phu tải thương lôi những nắm cao lương khô cứng ra để gặm, nét mặt nhăn nhó khổ sở. Họ trông thấy chiến hào trước mặt, vị nữ đại đội trưởng nhởn nhơ như con bướm đang cười đùa với một cán bộ thắt lưng giắt khẩu súng lục, vừa cười vừa đi theo chiến hào tới chỗ họ.

Nữ đại đội trưởng nói:

- Thưa các đồng chí, trung đoàn trưởng Lã đến thăm các đồng chí!

Đám dân công gượng đứng dậy. Tư Mã Đình nhìn đôi lông mày rậm trên khuôn mặt đỏ như táo chín của trung đoàn trưởng, nghĩ mãi không ra lai lịch của người này.

Trung đoàn trưởng tỏ vẻ khách sáo:

- Mời các đồng chí ngồi xuống!

Đám dân công ngồi xuống, tiếp tục ăn. Trung đoàn trưởng nói:

- Cảm ơn bà con, các vị vất vả quá?

Đám dân công phần lớn im lặng, chỉ có mấy người hô to:

- Thủ trưởng khỏe!

Tư Mã Đình vẫn không nhớ ra đã gặp người này ở đâu.

Trung đoàn trưởng tỏ vẻ quan tâm bữa ăn đạm bạc và những đôi giày rách nát của đám dân công. Trên khuôn mặt như tạc bằng gỗ đàn hương của ông ta, thoáng một chút thương hại. Ông ta gọi to:

- Liên lạc đâu? Một chiến sĩ thân hình nhỏ bé, men theo chiến hào chạy tới.

- Bảo lão Điền đem tất cả bánh bao còn lại đến đây. Chú liên lạc chạy đi như bay.

Trung đoàn trưởng nói:

- Bà con cố chịu đựng một chút. Cách mạng thắng lợi, chúng ta sẽ có màn thầu ăn hàng ngày.

Trung đoàn trưởng đích thân chia bánh, mỗi người một chiếc kèm theo nửa củ hành. Khi trung đoàn trưởng đưa cho Tư Mã Đình chiếc bánh màn thầu còn bốc hơi, bốn mắt gặp nhau, Tư Mã Đình liền nhớ ra người trung đoàn trưởng mặt như táo chín này chính là Lã Thất, trung đội phó trung đội lừa thuộc Chi đội Tư Mã Khố mấy năm về trước. Lã Thất cũng nhận ra Tư Mã Đình. Anh ta nắm vai Tư Mã Đình bóp mạnh một cái, nói nhỏ:

- Ông Cả, ông cũng ra mặt trận à?

Tư Mã Đình thấy cay nơi sống mũi, định nói câu gì đó với Lã Thất, nhưng Lã Thất đã quay sang nói với đám dân công:

- Thưa bà con, xin cảm ơn, không có sự ủng hộ của bà con thì cách mạng không thể thắng lợi!

Khi cuộc tổng công kích bắt đầu, Tư Mã Đình và người bạn khiêng cáng của ông ta phục trong chiến hào thứ hai nghe tiếng rít của pháo bầy bay qua đầu và tiếng nọ long trời chuyển đất xa xa. Kèn hiệu vang lên, các binh sĩ hò hét xông lên. Nữ đại đội trưởng đứng thẳng dậy hét to:

- Xông lên cứu thương binh

Chị ta vọt khỏi chiến hào, tay giơ cao quả lựu đạn. Đạn vãi như trấu xung quanh, cắm phầm phập xuống đất. Sắc mặt chị trắng nhợt nhưng không phải vì sợ. Đám dân công dè đặt đứng lên trong hào sâu đến ngang ngực, khom người theo bản năng. Một dân công nhỏ con vụng về trèo lên mép chiến hào, tràng đạn nổ xung quanh khiến anh ta lại lăn xuống vừa khóc vừa gọi:

- Đại đội trưởng, tôi bị thương rồi?

Nữ đại đội trưởng nhảy xuống hào hỏi:

- Bị thương ở chỗ nào?

Anh dân công nói:

- Đũng quần tôi nóng ran lên.

Nữ đại đội trưởng kéo anh ta đứng dậy. Chị nhíu cặp lông mày tuyệt đẹp, nhăn mũi đánh hơi, giọng khinh bỉ:

- Đồ thỏ đế, ỉa đùn ra quần rồi!

Chị ta đập nhẹ quả lựu đạn vào vai anh dân công, nói to: -

Các đồng chí, các vị đều là bậc tu mi nam tử, chẳng lẽ không bằng một phụ nữ như tôi?

Lời khích của nữ đội trưởng quả nhiên có tác dụng, đám dân công ào ào xông lên.

Tư Mã Đình đứng lên, trông thấy người khiêng cáng với mình nằm run như cầy sấy dưới chiến hào.

- Anh bạn, anh làm sao thế? - Ông ta hỏi nhưng người kia không trả lời.

Tư Mã Đình cúi xuống lật ngửa anh ta lên, chỉ thấy anh ta mặt tái nhợt, răng nghiến chặt, hàm răng đánh cầm cập, nước bọt sùi ra hai bên mép.

- Tư Mã Đình, ông còn đợi gì nữa? Sợ chết hả? - Nữ đại đội trưởng trợn mắt hỏi.

- Đại đội trưởng,... - Tư Mã Đình lúng túng - Có lẽ anh ta trúng gió độc?

- Mẹ kiếp, lúc nào chẳng trúng, lại trúng ngay lúc này! - Nữ đại đội trưởng vừa chửi vừa nhảy xuống hào, đá vào người anh kia. Anh ta nằm yên. Chị ta lấy lựu đạn gõ vào đầu gối, anh kia vẫn không cựa quậy. Chị ta lồng lên, y hệt con báo gấm trong chuồng. Chị ta vặt một nắm cỏ ở mép chiến hào nhét vào miệng anh bị trúng gió, dỗ dành: ăn đi, ăn đi, trúng gió ăn cỏ là tỉnh, ăn đi nào! Chị ta dùng chuôi lựu đạn đẩy cỏ vào trong miệng anh kia, Anh kia rên lên một tiếng rồi ngước cặp mắt trắng đã lên. Cách này hóa ra hiệu nghiệm. Nữ đại đội trưởng nói, vẻ đắc ý:

- Hứa Bảo, Hứa Bảo, lên đi, thương binh đã chuyển xuống rồi?

Anh thanh niên có tên là Hứa Bảo này rên rỉ vịn mép hào đứng lên. Chân tay anh ta hãy còn run, các bắp thịt trên mặt co giật, khi trèo lên mép hào, chân tay anh ta mềm nhũn. Tư Mã Đình lôi chiếc cáng lên, kéo anh thanh niên chạy theo. Hứa Bảo mỉm cười nhìn Tư Mã Đình tỏ vẻ cảm kích. Nhìn nụ cười quái dị của Hứa Bảo, Tư Mã Đình thấy trong lòng đau nhói. Ông ta không bao giờ quên được nụ cười đó.

Họ xách cáng, loạng choạng chạy theo nữ đại đội trưởng. Tuyết bị dẫm nát trộn lẫn với bùn, từng đống vỏ đạn va vào nhau lạo xạo. Đạn bay chíu chíu, đạn pháo dựng lên từng cột khói, những tiếng nổ lớn rung chuyển cả đất dưới chân. Theo sau ngọn cờ hồng, các binh sĩ ùa lên như nước vỡ bờ. Phía trước, khẩu liên thanh đặt sau bức tường đất cao, rống lên ông ổng như chó dại, những tia lửa xòe ra như nan quạt, các binh sĩ xung phong bị đốn gục từng mảng. Khẩu súng phun lửa từ sau bức tường phụt lửa cuồn cuộn như rồng lộn, các binh sĩ xung phong như nhảy múa trong vầng lửa, la hét khiến người nghe sởn gai ốc. Có binh sĩ thoát được ra ngoài, lăn lộn dưới đất để dập lửa trên người. Có binh sĩ bị rồng lửa trùm lên, nhảy nhót như điên, mặt méo xệch vì đau rát và vì sợ hãi, rồi chỉ trong chớp mắt là gục xuống, mùi khét của thịt người cháy xộc vào mũi và lan rộng ra, khiến đám binh lính và dân công lộn mửa. Trong tầm nhìn hạn hẹp của Tư Mã Đình, đã thấy đám binh sĩ đổ rạp như những cây gỗ mục. Hứa Bảo bỗng ngã lăn ra, kéo Tư Mã Đình ngã theo. Miệng ông ta vừa chạm đất thì một loạt đạn nóng bỏng quật ngã mấy người dân công phía sau. Súng phun lửa réo ù ù, những quả thủ pháo xì khói, lăn lông lốc, phát nổ đùng đoàng, những mảnh đạn bằng hạt đậu xé rách không khí.

- Mẹ ơi, hôm nay không thoát chết, mẹ ơi!

Hứa Bảo hai tay ôm đầu, chổng mông lên, chiếc quần bông thủng lỗ chỗ, lòi cả bông bẩn ra. Những binh sĩ xung phong đều là những tay cừ khôi. Họ hò hét vừa cúi xuống thấp vừa nhả đạn, dẫm lên thi thể chiến hữu của mình và băng tuyết nhuốm đầy máu, xông lên chỗ bức tường vây theo hiệu kèn và ngọn cờ hồng rách tơi tả bất kể sống chết leo lên tường, trèo bằng thang, bằng dây thừng. Những thân hình từ trên cao rơi xuống cùng với tiếng rú thê thảm. Những thân người rơi xuống dưới chiến hào đóng băng, co quắp, lăn lộn, lết đi bất kể đi đâu.

Nữ đại đội trưởng nằm cách Tư Mã Đình một khoảng không xa, hai tay thọc sâu vào bùn, mông chị bốc khói trắng. Quần chị bén lửa. Chị lăn tròn trên tuyết, bốc đất nhét vào lỗ thủng trên quần. Các chiến binh trèo lên bức tường vây, tiếng reo đinh tai nhức óc, súng bắn như vãi đạn. Nữ đại đội trưởng chạy lên được mấy bước bỗng gục xuống như bị trúng đạn, chắc là rất đau. Chị bật dậy chạy tiếp, chị khom người mà chạy như cây cao lương đã thành thực. Chị lôi ra một người từ đống xác chết rồi kéo trở lui. Chị kéo một cách vất vả như con kiến tha mồi, đến trước mặt Tư Mã Đình và Hứa Bảo. Đó là trung đoàn trưởng Lã Thất. Anh bị mấy vết thương ở ngực, máu chảy, bọt máu đùn ra, vết thương rộng đến nỗi trông thấy phổi đang phập phồng.

- Cáng về tuyến sau, mau lên! - Nữ đại đội trưởng ra lệnh.

Hứa Bảo cứ đứng ngẩn ra mà nhìn nữ đại đội trưởng. Nữ đại đội trưởng giận điên lên, quát to:

- Đồ khốn!

Tư Mã Đình vội vàng mở cáng ra đặt trung đoàn trưởng Lã lên. Cặp mắt nâu của trung đoàn trưởng Lã nhìn Tư Mã Đình một thoáng tỏ vẻ áy náy rồi nhắm lại.

Họ khiêng cáng chạy trở lui, đạn đuổi theo chíu chíu như tiếng chim. Tư Mã Đình khom người xuống mà chạy, nhưng chạy như vậy rất khó, ông ta liền đứng thẳng lên mà chạy, sống chết có số, ông ta nghĩ. Vậy là bạo dạn hẳn lên, chân bước thanh thoát hơn.

Tại trạm cứu thương, các y tá băng tạm cho trung đoàn trưởng rồi cho cáng tiếp về phía sau để đưa vào bệnh viện. Lúc này mặt trời đã ngả về tây, nơi đường chân trời có vầng mây hồng, dày và đặc quánh. Cây dâu cổ thụ đứng trơ trọi giữa đồng không mông quạnh, cành lá vấy đầy máu, thân cây ướt mèm như đổ mồ hôi. Dưới sự chỉ huy của nữ đại đội trưởng, các cáng tải thương dần dần tập trung ở một ruộng lúa. Máy bay đã bay đi. Trên nền trời màu tím, những ngôi sao nhấp nháy trong ánh chớp của đạn pháo. Cuộc chiến vẫn tiếp tục Các dân công vừa đói vừa mệt. Tư Mã Đình dù sao thì tuổi đã cao, lại cặp đôi với một anh vừa bị trúng gió, nên càng mệt đứt hơi. Ông đứng mà ông không cảm thấy mình có chân hay không, mồ hôi trong người đã chảy hết từ ban ngày, giờ đây tại ruộng lúa, trên người ông chỉ còn rỉ ra một chất nước dính và sau đó ông cảm thấy lục phủ ngũ tạng khô héo đi như quả mướp khô. Trung đoàn trưởng Lã là con người thép, anh cắn răng chịu đau không rên một tiếng. Tư Mã Đình luôn cảm thấy mình khiêng trên vai một xác chết, mùi tử khí thi thoảng lại tạt vào mũi ông.

Nữ đại đội trưởng chỉnh đốn lại đội ngũ rồi ra lệnh xuất phát về tuyến sau. Chị ta khuyên mọi người không nên dừng lại để nghỉ, vì dừng lại là không dậy nổi nữa. Họ theo nữ đội trưởng qua sông. Mặt băng rạn vỡ vì đạn pháo. Hứa Bảo bước hụt, ngã xuống nước. Tư Mã Đình cũng ngã theo. Chàng thanh niên này như cố ý tự tử hay sao mà cởi luôn dây cáng trên người, chui luôn xuống lỗ băng mất hút. Trung đoàn trưởng Lã đau quá chịu không nổi, bật ra những tiếng rên rỉ. Nữ đại đội trưởng túm lấy một đầu cáng, cùng khiêng với Tư Mã Đình, thất thểu về đến bệnh viện hậu phương. Chuyển thương binh xong, đám dân công liền nằm lăn ra đất. Nữ đại đội trưởng nói:

- Đừng nằm, các đồng chí ơi!

Nhưng chửa nói hết câu, chính chị cũng nằm lăn ra.

Trong một chiến dịch sau đó, Tư Mã Đình bị mảnh đạn tiện đứt ba ngón tay phải. Ông ta cắn răng chịu đau, cõng một trung đội trưởng bị gãy chân về tuyến sau.

Sáng sớm, lúc ngủ dậy, trước tiên tôi ngửi thấy mùi thuốc lá, rồi trông thấy mẹ ngồi ngủ trong ghế dựa kê sát tường, một dòng nước bọt trong suốt chảy ra từ khóe mép. Tư Mã Đình ngồi ngủ gật trên chiếc ghế bên giường như con điều hâu đậu trên chạc cây. Mặt đất vương vãi những mẩu thuốc.

Cô Kỷ Quỳnh Chi mà sau này là cô giáo chủ nhiệm lớp tôi, từ huyện về trấn Đại Lan phát động phong trào cải giá cho phụ nữ. Cô đem theo một số cán bộ nữ hung hăng như ngựa hoang, tập trung tất cả phụ nữ lại để giảng giải ý nghĩa của chuyện cải giá. Sau đó, như phân phối gà mái, họ ghép đôi những phụ nữ góa chồng với những người đàn ông độc thân. Ngay cả ông Đỗ thọt cũng được chia một chị góa trẻ măng, da trắng nõn, mắt có nhài quạt. Khi chị góa này trông thấy cái chân đầy mủ hôi thối của ông Đỗ, chị khóc như mưa như gió, xin chị cán bộ cho phép không lấy ông ta. Chị cán bộ sốt ruột nói:

- Khóc cái gì? Chân rỉ ra mủ thì có gì đáng sợ? Chỉ cần chim không chảy mủ là được rồi?

Trong cuộc vận động này, những phụ nữ góa chồng nhà Thượng Quan trở thành vật cản. Chị Cả Lai Đệ không ai lấy, vì các vị biết rằng chị đã từng có quan hệ với Tư Mã Khố, cũng là người đã hứa hôn với Tôn Bất Ngôn, mà hai người này đều không hiền lành chút nào. Mẹ ở trong độ tuổi mà Kỷ Quỳnh Chi qui định phải tái giá nhưng mẹ kiên quyết không chịu. Cô cán bộ La Hồng Hà vừa bước vào nhà liền bị mẹ chửi ột trận, đuổi ra.

Mẹ mắng:

- Cút, tôi còn lớn tuổi hơn mẹ cô!

Điều kỳ lạ là khi Kỷ Quỳnh Chi đến khuyên nhủ thì mẹ lại nhẹ nhàng hỏi: - Cô định gả tôi cho ai? Thái độ của mẹ đối với Kỷ Quỳnh Chi so với La Hồng Hà khác nhau một trời một vực, chỉ xảy ra cách nhau vài tiếng đồng hồ.

Kỷ Quỳnh Chi nói:

- Bác ạ, người trẻ thì không xứng đôi người lớn tuổi một tí thì chỉ có Tư Mã Đình. Lý lịch ông ta tuy có vết, nhưng sau đó ông ta đã lập công, lấy công bù tội. Hơn nữa, quan hệ của hai nhà không xa lạ như những gia đình khác.

Mẹ cười buồn:

- Cô này, em trai ông ta là rể của tôi?

Kỷ Quỳnh Chi nói:

- Thế thì đã sao?

Lễ cưới tập thể của bốn mươi lăm phụ nữ góa chồng được tổ chức trong nhà thờ dột nát. Tôi căm lắm, nhưng tôi vẫn đến dự. Mẹ ngồi trong đám các bà góa, một thoáng đỏ mặt trên sắc da tái xanh của mẹ. Tư Mã Đình đứng trong đám đàn ông, luôn vuốt tóc bằng những ngón tay cụt không hiểu là để khoe mẽ hay để che giấu sự bối rối.

Kỷ Quỳnh Chi thay mặt Chính phủ tặng khăn mặt và xà phòng cho các cặp vợ chồng mới cưới. Trưởng trấn phát cho họ giấy đăng ký kết hôn. Mẹ cầm khăn mặt, giấy đăng ký kết hôn mà mặt đỏ như gấc, như một cô gái cả thẹn.

Trong lòng tôi bùng lên ngọn lửa căm ghét. Mặt tôi nóng bừng, xấu hổ thay ẹ. Trên tường nhà thờ, nơi xưa kia treo tượng chúa Giêsu thì nay toàn là bụi. Trên cái bục mà xưa kia mục sư Malôa làm lễ rửa tội cho tôi thì nay chen chúc một lũ đàn ông đàn bà không biết xấu hổ. Họ co ro cúm rúm, lấm la lấm lét như kẻ cắp. Mẹ tóc đã hoa râm mà phải kết hôn cùng anh trai con rể. Không, ý nghĩa thật sự của kết hôn là Tư Mã Đình ngủ cùng giường với mẹ một cách công khai. Bầu vú to bự của mẹ sẽ bị Tư Mã Đình chiếm hữu, giống như Tư Mã Khố, Bác-bít, Sa Nguyệt Lương, Tôn Bất Ngôn đã chiếm hữu bầu vú của các chị tôi. Nghĩ đến đây, nỗi đau như khoan vào tim, những giọt lệ căm phẫn ứa ra khỏi mắt tôi. Một nữ cán bộ rắc những cánh hoa nguyệt quế lên đầu các cô dâu, những cánh hoa khô héo rơi lả tả như một trận mưa bẩn thỉu, như những lông chim rơi xuống đầu mẹ, mái đầu hoa râm nhưng trơn bóng vì mẹ chải bằng dầu vỏ cây du.

Tôi chạy ra khỏi nhà thờ như một con chó dại. Trên đường phố già cỗi, tôi trông thấy rất rõ mục sư Malôa với chiếc áo chùng đen đang thủng thẳng bước đi, mặt đầy bùn đất, mái tóc đầy những mầm lúa mạch. Hai con mắt ông như hai quả nho tím, lạnh băng, ánh mắt đau xót.

Tôi lớn tiếng thông báo cho ông về việc Tư Mã Đình đã kết hôn với mẹ, nhìn thấy những thớ thịt co giật trên khuôn mặt đau khổ của ông, thân hình ông và cả chiếc áo choàng đen trong khoảnh khắc tan ra từng mảnh rồi biến thành một cụm khói đen, bay đi.

Trong sân, chị Cả đang vươn cái cổ trắng nõn để gội mái tóc dày của chị. Khi chị cúi xuống, hai bầu vú trắng hồng tuyệt đẹp của chị khoan khoái cất giọng du dương như chim vàng anh. Khi chị đứng thẳng lên, những giọt nước nối đuôi nhau chảy giữa khe vú. Chị đưa hai tay ra sau gáy vấn tóc, nheo mắt nhìn tôi rồi cười nhạt.

- Biết chưa? Mẹ lấy Tư Mã Đình - Tôi bảo chị.

Chị không nói gì, chỉ cười nhạt một tiếng. Mẹ dắt chị Ngọc Nữ, trên tóc còn vương những cánh hoa nhục nhã, bước vào trong nhà. Tư Mã Đình len lén theo sau. Chị Cả bưng chậu nước gội đầu hắt mạnh ra sân, nước bay thành vòng cung, trắng xóa. Mẹ thở dài, không nói gì. Tư Mã Đình móc trong túi ra tấm huân chương đưa cho tôi, không hiểu là để lấy lòng hay để khoe. Tôi nghiêm nghị nhìn vào mặt ông ta, trên mặt ông là một nụ cười giả dối. Mắt ông né tránh cái nhìn của tôi, ông giả vờ ho khẽ để che giấu sự lúng túng. Tôi ném chiếc huân chương đi, nó bay như con chim qua nóc nhà.

Mẹ giận dữ nói:

- Đi nhặt về đây!

Tôi vùng vằng, nói:

- Không nhặt!

Tư Mã Đình nói:

- Thôi, để cũng chẳng làm gì!

Mẹ đánh tôi một bạt tai.

Tôi nằm lăn xuống đất, lăn lộn như con lừa tắm khan. Mẹ dùng chân đá tôi, tôi chửi cay độc:

- Đồ mặt dày, đồ mặt dày!

Mẹ sững người, đầu gục xuống ngực rồi đột nhiên gào khóc ầm ĩ, vừa khóc vừa đi vào trong nhà. Tư Mã Đình thở dài, ngồi xổm hút thuốc dưới gốc cây lê. Hút xong mấy điếu thuốc, Tư Mã Đình đứng dậy bảo tôi:

- Cháu khuyên mẹ đừng khóc nữa!

Ông móc túi lấy tờ đăng ký kết hôn xé vụn, quẳng xuống đất rồi bỏ đi. Nhìn từ sau lưng, ông đã già thật sự.