Màn đêm buông xuống, Tống Kiêu cài then cửa rồi ngáp dài một cái.

Ông đứng ở cổng lớn, hô: “Tích Nhi, ngủ sớm đi đấy.”

“Con biết rồi.” Tống Tích nói xong, tiếng bước chân cũng xa dần.

Buổi tối ở hộ làm nông vừa buồn tẻ vừa nhàm chán.

Sau khi mặt trời khuất dạng sau ngọn núi đằng Tây cũng chính là lúc đi ngủ.

Chỉ có nhà địa chủ giàu có mới thắp đèn vào ban đêm.

Tống Tích mở cửa sổ ra, bên ngoài vẫn còn tiếng mưa tí tách rơi xuống đất.

Nàng duỗi tay ra khỏi khung cửa, những giọt nước mát rượi rơi vào lòng bàn tay của nàng, ngưa ngứa.

Nàng áp bàn tay dính đầy hạt mưa lên khuôn mặt hơi nóng của mình, nghĩ tới bàn tay to rộng và lành lạnh ban sáng.

Đôi bàn tay ấy vô cùng xinh đẹp, gầy gò trắng nõn.

Trước đây, nó từng cầm một cây bút lông nhỏ, đung đưa nét mực trên mặt giấy Tuyên Thành trắng tinh.

Thế mà hôm nay, đôi bàn tay ấy cứ vậy mà phủ bên môi nàng, man mát lành lạnh, giống như mưa phùn của mùa mận chín [1] vậy.

Đêm không trăng, chỉ có màn đêm bao trùm cả làng.

Tống Tích nằm trên giường, cửa sổ mở toang, gió lạnh thổi vào phòng.

Nàng kéo chăn lên người, lặng nghe tiếng mưa vỗ xuống bụi chuối tây rồi rơi xuống đất.

Nàng hãy còn nhớ rõ, mùa xuân năm nay, mưa như trút nước bên ngoài học đường.

Tiên sinh mặc thường phục, tay cầm quyển sách cổ, cất giọng trong trẻo mà đọc bài 《Ngu mỹ nhân – Thính Vũ》 [2].

Lầu ca niên thiếu nghe mưa,

Trướng rèm mờ ảo lay đưa nến hồng.

Nghe mưa thời trẻ thuyền dong,

Mây đùn sông rộng mênh mông bến bờ.

Nhạn nào lạc lõng bơ vơ,

Tiếng thương đau đáu thẫn thờ gió Tây.

Tăng phòng cô tịch giờ đây,

Nghe mưa sương nhuộm tóc mày trắng tinh.

Bi hoan ly hợp vô tình,

Ngoài thềm nhỏ giọt bình minh mặc lòng.

Tống Tích vẫn còn nhớ rõ, khi đó nàng nghe chữ hiểu chữ không, nghi hoặc hỏi: “Chỉ là nghe tiếng mưa thôi, sao còn có thể nghe được nhiều thứ khác như thế ạ?”

“Người xưa tả cảnh không đơn giản chỉ tả cảnh, mà là mượn cảnh bộc tình, giấu tình vào cảnh.

Ví dụ nghe tiếng mưa, vào những giai đoạn khác nhau trong đời, tâm trạng khác nhau, cảnh vật khác nhau thì tiếng mưa khi nghe được cũng khác nhau.” Bùi Tu Vân bước tới trước bàn của nàng, gõ nhẹ quyển sách lên góc bàn.

“Nếu đổi con làm thơ, chắc cùng lắm là chế linh tinh như ăn mận khô trong mưa thôi.” Khuôn mặt xán lạn của Bùi Tu Vân vốn nên nhòe đi trong làn mưa xuân, thế mà đêm nay, một mình nàng nằm trên giường, nghe tiếng mưa róc rách bên ngoài lại nghe ra một thoáng sầu ưu.

Ngày mai, khi tới học đường, nàng nhất định phải kéo ống tay áo mà kể cho Bùi Tu Vân mới được.

Trời còn chưa sáng, Tống Tích đã mở bừng mắt dậy trong gian phòng đầy hơi ẩm.

Mưa vẫn chưa tạnh, sương sớm len vào phòng nàng.

Tay nàng đặt trên chăn của mình, sờ thấy rất ẩm.

Hoa sen đã hái hôm qua vẫn tươi đẹp như vậy.

Tống Tích ôm đầy sen trong lòng, đi vào phòng bếp.

Một giờ sau, Tống Tích cầm hộp điểm tâm mới ra lò, hãy còn thoang thoảng hương sen và bước ra khỏi cửa.

Qua mấy đầu phố, nàng chợt thấy một thiếu niên, miệng ngậm cỏ đuôi chó [3], đang cưỡi một con bò đô con, ngúng nguẩy đi tới chỗ nàng.

Dù chưa thấy rõ mặt thiếu niên nhưng Tống Tích thừa biết đó là Triệu Minh Đức cùng lứa với mình.

Nhà nông quý trâu quý bò lắm, chỉ có Triệu gia lắm tiền nhưng khí chất thô thiển [4] mới đưa con bò trưởng thành mạnh khỏe, có thể cày bừa như vậy cho đứa độc đinh của mình cưỡi đến học đường thôi.

Thấy nàng ở phía đối diện đi tới, thiếu niên vội phun cọng cỏ đuôi chó trong miệng ra, cao giọng gọi: “Tống Tích!”

“Ờm!” Tống Tích đáp.

“Về nhà đi.

Hôm nay tiên sinh lại ốm rồi.” Triệu Minh Đức xua xua tay.

“Ơ…” Tống Tích nhíu mày.

Chẳng lẽ hôm qua nàng kéo tiên sinh dầm mưa nên mới khiến tiên sinh bị nhiễm gió lạnh? Nếu là vậy thật thì nàng đúng là tội đồ.

Con bò chậm rãi đi ngang qua người Tống Tích, Triệu Minh Đức nghiêng người, hai tay đè sống lưng của con bò lại.

Sau đó, chân dài tụm lại một chỗ, cậu nhẹ nhàng lắc một cái trên không trung.

Thân hình của cậu gầy gầy, dưới ống quần lộ ra mắt cá chân tựa ngó sen, mà ống quần to rộng bay phần phật chỉ càng lộ rõ cái gầy nơi cậu.

“Ê, trong tay muội là gì thế? Ta ngửi thấy hương sen.” Triệu Minh Đức khẽ hất cằm, vẻ mặt tò mò không nhịn được, hỏi.

Đôi mắt của cậu đen tuyền mà sáng rỡ, hấp háy lòi ra tia ranh mãnh.

“Không phải cho huynh.” Tống Tích vội che hộp điểm tâm của mình lại rồi ôm vào lòng, chuồn nhanh như chớp.

“Này, hôm nay không có lớp mà!” Triệu Minh Đức phía sau lưng nàng hô to.

“Ơ! Ta còn chưa hỏi gì…” Triệu Minh Đức sờ sờ chóp mũi, chẳng hiểu Tống Tích chạy cái gì nữa…

Chú thích: 《Ngu mỹ nhân • Thính vũ》 là một bài thơ của Trương Tiệp thời Tống.