Nhà cũng vừa được thuê, gồm một phòng ngủ một phòng khách, không gian rất nhỏ. Năm đó kể cả lúc dẫn con gái đi chạy nạn, Kim Sân cũng phải thuê căn ba phòng ngủ.

Phòng khách này lại không có tivi, không có sô pha, chỉ có hai cái bàn học, trên đó toàn là sách.

Kim Chúc Chúc đi lại mấy vòng xung quanh phòng khách, ngân nga một bài hát không biết tên, dỗ con ngủ xong lại vội vàng chạy đến bên bàn học, cầm bút lên, viết ghi chép.

Cô gái Kim Chúc Chúc trẻ tuổi yên lặng ngồi bên bàn, chăm chú ghi chép.

Kim Sân yên tĩnh đứng sau con gái, nhìn vở ghi chép của cô. Cô giống như một nàng công chúa trong cổ tích, có cha là quốc vương, có tòa lâu đài, có quần áo đẹp. Nhưng bỗng một ngày kia, ba biến mất, lâu đài không còn, cô phải đối mặt với hiện thực.

Cô không kêu khóc, không tuyệt vọng, không đi tìm lại tòa lâu đài tiếp tục sống sung sướng mà cô dám đứng lên, hệt như một dũng sĩ cố gắng giải thoát cho ba mình.

Kim Sân nhẹ nhàng xoa đầu con gái. Đây là con gái anh. Anh phải làm sao để đối mặt với việc một ngày nào đó nó sẽ rời xa anh.

Điện thoại rung lên, Kim Sân bắt máy bèn nghe bên kia nói: “Ba ơi, con và anh Thừa Khiếu đang trên đường về nhà, hôm nay ba không cần đến đón tụi con.”

Kim Sân cúi đầu nhìn đồng hồ. Đã bốn tiếng trôi qua, giọng anh hơi khàn: “Ba lập tức đến ngay.”

Bà cụ Hồ nghĩ ngợi rồi bảo: “Vậy ba từ nhà đi chậm chậm qua đây, bọn con đang theo con đường cầu vồng về nhà, như thế chúng ta có thể gặp nhau giữa đường rồi.”

Kim Sân cất điện thoại, rời khỏi nơi này để đi đón con gái.

Vừa nhìn thấy Kim Sân, bà cụ Hồ đã thấy mắt ba mình đo hoe như vừa khóc vậy. Bà nghĩ ngợi rồi nói: “Ba ơi, ba ngồi xuống đi.”

Kim Sân nhìn con gái chậm rãi vẫy tay, nhớ tới lúc còn trẻ, con bé nghèo khó vất vả mà còn phải nuôi thêm một đứa bé không nghe lời thì trong lòng chua xót, tuy nhiên anh vẫn nghe lời ngồi xuống.

Vừa ngồi xuống, bà cụ Hồ lập tức lấy trong túi áo ra hai quả cherry thật to, còn có cả cuống trông rất tươi. Bà nói: “Ba ơi, đây là trái cây con mang từ trường về đấy, ngon lắm.”

Nhà ăn của trường có cung cấp trái cây nhưng nhân viên ở đó sẽ nhắc mọi người không được mang về nhà, chỉ được ăn tại chỗ. Bởi vì lần đầu tiên mang trái cây ra, có một bà lão đã mang tất cả trái cây về nhà.

Buổi trưa, bà cụ Hồ đỏ mặt, len lén lấy vài trái cherry giấu trong túi áo.

Kim Sân nhận lấy, cắn nhẹ một miếng. Nhìn vẻ mặt mong đợi của con gái, anh bắt chước giọng điệu của bà: “Đúng là ngon quá ngon!”

Bà cụ Hồ vô cùng vui vẻ, ôm lấy ba mình. “Vậy sau này con mang về cho ba nữa nha.”

Bà cũng không quên chuyện quan trọng này. “Ba ơi, sao ba lại buồn thế ạ? Có phải có kẻ xấu bắt nạt ba không?”

Kim Sân trả lời: “Không, chỉ là…”

Lòng anh không ngừng nghĩ đến cảnh con gái chịu khổ. Anh luôn hy vọng con có thể có cuộc sống vui vẻ. Là một người cha, anh chẳng những không thể cho con cuộc sống tốt nhất mà ngược lại còn liên lụy đến con bé nữa.

Kim Sân không muốn để con gái thấy mình buồn bã nên nhẹ nhàng bảo: “Ba cõng con nhé.”

Anh quay người qua, bà cụ Hồ ngoan ngoãn nằm lên lưng anh, hỏi: “Ba ơi, thật sự không có kẻ xấu bắt nạt ba sao?” Nếu không có thì sao ba lại buồn đến muốn khóc vậy?

“Không có kẻ xấu bắt nạt ba thật mà.” Kim Sân cõng con gái đứng dậy.

Lúc Chúc Chúc bốn tuổi, anh biết con bé chỉ có thể sống đến tám tuổi. Là một tử thần, anh có thể tiếp nhận được chuyện đó. Rồi sau này anh muốn nhìn con bé lớn lên, muốn con được hưởng thụ cuộc sống này như những đứa trẻ khác. Lúc đó Kim Sân không hề lo lắng vì anh là cha con bé, anh có sinh mệnh vô tận, anh có thể cho con gái những gì tốt nhất.

Nhưng đời người luôn sẽ xuất hiện những chuyện bất ngờ.

Kim Sân cõng con gái đi trên con đường cầu vồng, chậm rãi mà đi. Anh ở cõi hư vô mấy chục năm, với anh mà nói không tính là dài, nhưng mỗi giây mỗi phút ở đó lại là sự giày vò vô tận.

Bà cụ Hồ vẫn đang an ủi ba mình. “Ba ơi, ba đừng buồn nữa. Con hát cho ba nghe nha.”

Kim Sân vốn tưởng con gái mình lại hát bài Ốc tù và, ai ngờ bà nghĩ ngợi rồi bắt đầu hát: “Trên đời chỉ có ba là tốt. Có ba con được nâng niu như châu báu…”

Bà lão bác sĩ đã dạy cho bà bài hát này. Bản gốc của nó vốn là “trên đời chỉ có mẹ là tốt” nhưng bà lão bác sĩ cảm thấy ai tốt với đứa trẻ thì thay người đó vào. Tuy trên đời này, đa số là mẹ sẽ hy sinh nhiều hơn nhưng gia đình Chúc Chúc thì không như vậy, vì thế bà đã thay đổi bài hát để Chúc Chúc hát cho ba nghe.

Lúc tiếng hát vang lên, ông cụ Hồ rất muốn lùi lại ba bước.

Nhưng đã không còn kịp nữa rồi. Bà cụ Hồ nhớ ra điều gì, nhìn ông bảo: “Anh Thừa Khiếu, anh cùng hát với em đi.”

Thế là trên con đường cầu vồng, một ông lão đã có tuổi đi theo hai cha con nhà kia, khe khẽ hát: “Trên đời chỉ có ba là tốt…”

Ông đã không còn nhớ rõ dáng vẻ của cha mình là thế nào, chỉ nhớ lúc đó ông ta lừa gạt ông, vứt bỏ ông, làm mẹ quên mất ông.

So với cha ruột, Kim Sân càng giống cha của ông hơn. Ông nhớ lúc còn nhỏ, một mình ông đi bộ rất rất xa, Kim Sân tìm và đưa ông về nhà.

Lúc đó, Kim Sân không nói nhiều với ông, nhưng mỗi lần mua cho Chúc Chúc thứ gì đều sẽ cho ông một phần như vậy, lúc đưa họ đi học cũng sẽ xoa đầu ông.

Mỗi lần ông ngủ dưới đất, Kim Sân sẽ đắp chăn cho ông. Bây giờ nghĩ lại, hồi thiếu niên ngu ngơ ông dám dụ dỗ con gái cưng của Kim Sân, Kim Sân cũng không đánh chết ông…

Bà cụ Hồ thì hát được một lúc rồi ngủ thiếp đi. Dù gì từ trường về đến đây cũng mất một đoạn, tuổi bà đã cao, yếu sức nên nhanh mệt.

Kim Sân thấy con gái đã ngủ, lúc ấy mới quay quả hỏi con rể bên cạnh: “Hồ Đào có biết thân thế của nó không?”

Ông cụ Hồ lắc đầu, đáp: “Không biết ạ.”

Kim Sân nhìn con rể, nói: “Con nuôi dạy nó kiểu gì thế hả? Sao lại để nó trở nên như vậy chứ?”

Chẳng được tích sự gì, ích kỷ lại cố chấp, chỉ than trời trách đất, hoàn toàn không có chút đức tính tốt đẹp gì của con gái anh cả.

Ông cụ Hồ còn hoang mang hơn cả Kim Sân. “Con cũng không biết.”

Ông cảm thấy thật là oan ức. Ông và vợ vừa bận rộn vừa vất vả mà vẫn cố gắng cho con một hoàn cảnh tốt nhất. Nếu họ không đồng thời xảy ra chuyện, ông hoàn toàn không biết con trai lại là người không có trách nhiệm như thế, cứ như là chưa trưởng thành vậy.