Cả nhà ba người họ ăn xong bữa sáng vui vẻ, Kim Sân đưa con gái con rể đến trường.

Kim Sân vốn nghĩ hôm qua bị bệnh, hôm nay không nên đi học nhưng bà cụ Hồ nghe ba nói vậy thì lập tức đeo cặp vào, nghiêm túc nói: “Vậy đâu có được. Trẻ nhỏ như tụi con hàng ngày phải đến trường học tập mới phải chứ. Nếu con mà không đi học, các bạn khác sẽ nghĩ: cái bạn Kim Chúc Chúc này ấy à, lười biếng học tập, sẽ không thể thi đậu đại học, ba của bạn ấy sau này phải làm sao đây!”

Câu cuối cùng, bà còn dùng giọng điệu cảm thán, giống như một người lớn đang nói về một đứa trẻ lười học. Không biết bà học từ đâu ra mà lời nói, giọng điệu giống y hệt làm Kim Sân phải bật cười.

“Được rồi, vậy con đi học đi, có chuyện gì thì gọi cho ba, ba lập tức đến bên cạnh con ngay.” Kim Sân ngồi xuống, đeo điện thoại lên cổ con gái, căn dặn.

Bà cụ Hồ gật đầu: “Dạ.”

Trên đường đi học, bà cụ Hồ đột nhiên nhoài tới, nói với Kim Sân: “Ba ơi ba, con quyết định rồi, sau này con sẽ trở thành cảnh sát.” Bà thường hay nói sau này lớn lên con sẽ làm gì nên Kim Sân cũng không lấy làm lạ.

“Tại sao?” Anh hỏi.

Bà cụ hớn hở nói: “Bởi vì trong lớp chúng con có một bạn là cảnh sát. Bạn ấy rất lợi hại, thoắt cái là có thể nhảy ra ngoài cửa sổ rồi. Bạn ấy còn nói bạn ấy là người chuyên bắt kẻ xấu. Khi con thành cảnh sát, kẻ xấu xa hôm qua không thể bắt nạt con được nữa, con có thể bắt hắn lại.”

Trong đầu bà cụ vẫn còn nghĩ về kẻ xấu xa hôm qua bắt nạt mình.

Kim Sân nói: “Ừ, sau này Chúc Chúc nhà chúng ta sẽ trở thành cảnh sát, chuyên đi bắt kẻ xấu.”

Rất nhanh, họ đã đến trước cổng trường. Bà cụ Hồ lưu luyến chia tay ba mình, sau đó nắm tay anh Thừa Khiếu đi vào trong. Vừa đi vào trường bèn nhìn thấy ông cụ cảnh sát mặc đồ, mang giày thể thao đen đang chạy bộ. Hàng ngày ông sẽ chạy bộ quanh trường để rèn luyện sức khỏe, bất luận kể mưa gió tuyết.

Bà cụ Hồ lập tức lên tiếng chào hỏi. Sau này bà sẽ trở thành cảnh sát, họ đều là cảnh sát nên đương nhiên phải chào nhau.

Bà cụ Hồ quay đầu qua, nói với ông cụ Hồ: “Anh Thừa Khiếu, có phải nếu muốn làm cảnh sát thì mỗi ngày em phải chạy bộ không?”

Ông cụ Hồ nhìn vợ mình tròn vo vì ăn mặc quá dày, vội nói: “Không cần chạy bộ, đi bộ nhiều chút là được.”

Bà thở phào nhẹ nhõm. “Vậy thì được, em không thích chạy bộ.”

Bà lão đã biết sau này muốn làm gì nên vào đến phòng học là vội vàng chia sẻ lý tưởng với các bạn, sau đó còn kể cho “những người bạn thân” nghe chuyện mình gặp kẻ xấu hôm qua. “Tức chết đi được, mình không nhớ kẻ đó trông thế nào nữa.”

Mấy ông bà lão kia nghe đến đây cảm thấy vô cùng nghi hoặc, sao người được ba bảo vệ kỹ lưỡng như Chúc Chúc lại gặp phải tình huống này. Họ như có thể đồng cảm với bà. Bị đánh, bị thương chút thôi là vết thương rất khó lành lại, hồi phục rất chậm, vì thế họ nhao nhao nói:

“Thật là quá đáng mà!”

“Lẽ ra phải báo cảnh sát bắt hắn lại.”

Bà cụ Hồ gật đầu, tức tối nói: “Nhưng không biết hắn đang ở đâu nữa!”

Ông lão vừa chạy bộ đã quay trở lại phòng học, đi tới bên này, nói: “Mình là cảnh sát, bạn kể cho mình nghe xem kẻ đó có dấu hiệu đặc biệt gì không, mình sẽ vẽ chân dung kẻ đó ra.” Ông ấy chính là người bạn làm cảnh sát mà bà cụ Hồ hay kể. Lúc còn trẻ ông là cảnh sát, về hưu cách đây không lâu. Sau khi về hưu, ông bị phát hiện mắc chứng alzheimer. Bình thường ông lão rất ít nói, chỉ yên lặng ngồi ở chỗ của mình, thỉnh thoảng tái phát sẽ đi tra hỏi phạm nhân, những nhân viên trong trường đều rất phối hợp với ông.

Bà cụ Hồ nghe người bạn cảnh sát nói có thể vẽ được chân dung của kẻ xấu bèn trợn tròn mắt, nhìn ông với vẻ hưng phấn: “Bạn thật là lợi hại!”

Bà cụ Hồ lập tức huơ tay múa chân chạy về chỗ của mình, lấy bút màu và giấy vẽ đưa cho người bạn cảnh sát.

Ông cụ Hồ trước nay rất kiệm lời, ông thích ở cạnh bà nghe bà nói chuyện như một đứa trẻ. Bất kể là nói chuyện với ai, bà đều sẽ nắm tay “anh Thừa Khiếu” của mình.

Lúc này, bà cụ Hồ đang vui vẻ cầm giấy bút, ngửa đầu nhìn người bạn cảnh sát với vẻ ngưỡng mộ. Ông cụ Hồ nhìn bàn tay trống không của mình, trở về chỗ ngồi, lấy giấy bút ra chuẩn bị vẽ.

Những ông bà lão khác lần đầu tiên được nhìn thấy cảnh sát vẽ chân dung nên đều vây lại, mặc dù họ đều biết ông lão này đang phát bệnh, nghĩ rằng mình đang phá án.

Người bạn cảnh sát nghiêm túc ngồi xuống đối diện với bà cụ Hồ. “Đại khái bao nhiêu tuổi, là nam hay nữ?”

“Không biết bao nhiêu tuổi nhưng là con trai đó.” Trong nhận thức của bà, giới tính chỉ có hai loại là con trai và con gái.

Cảnh sát nói: “Con trai, vậy chứng tỏ còn chưa trưởng thành. Mặt trông thế nào? Có tóc mái không? Mắt to hay nhỏ?”

Bà cụ Hồ hoang mang lắc đầu. “Không biết nữa.”

Bàn tay đang cầm bút của ông lão cảnh sát run lên nhưng ông cố nén cơn tức giận, hỏi tiếp: “Vậy bạn còn nhớ gì không?”

Ông lão ở cùng phòng ký túc xá với ông lão cảnh sát phát hiện vẻ bất thường nên vội vàng đứng dậy, ấn vai ông lão cảnh sát xuống, nói: “Ông bình tĩnh một chút, đây là em Chúc Chúc đó.”

Ông lão cảnh sát ngẩng đầu, khuôn mặt già nua tràn ngập vẻ lo âu: “Ba ngày rồi, đã ba ngày rồi! Đó là con gái tôi, làm sao tôi có thể bình tĩnh được?”

Bà cụ Hồ bị dọa đến giật mình, lí nhí nói: “Bạn đừng vội, để mình nghĩ lại, chắc chắn mình có thể nhớ ra được.”

Ông cụ Hồ đã đi đến bên cạnh vợ mình, âm thầm che chắn trước mặt bà. Ông lão cảnh sát khá là kích động, cuối cùng cũng bình tĩnh lại.

Tất cả những người ở đây, ngoại trừ bà cụ Hồ đều biết ông lão phát bệnh, trí nhớ có vấn đề.

Mọi người đều biết bệnh tình, nghề nghiệp và tình cảnh gia đình của nhau, tuy nhiên có nhiều chuyện vẫn không tường tận được.

Về phía ông lão cảnh sát, mọi người chỉ biết ông không có con cái đưa đón, trước nay ông cũng chưa bao giờ nhắc đến con cái. Ông ở lại ký túc xá của trường, mỗi buổi sáng sẽ dậy sớm tập thể dục. Mọi người hay trêu ông là đã đến tuổi này rồi, cứ cố gắng hưởng thụ mới là chân lý nhưng ông chưa từng đáp lại.

Ông lão cảnh sát ngồi xuống, bình tĩnh trở lại, nhìn các “đồng nghiệp” của mình, nói: “Các anh hỏi bà ấy, tôi ra ngoài bình tĩnh lại đã.”

Mọi người đều ngơ ngác, hoàn toàn không biết phải hỏi những gì nên vội lén nói với bà cụ Hồ: “Em Chúc Chúc, bạn ấy bị bệnh nên mới vậy. Lát nữa bạn ấy tỉnh táo lại sẽ đến xin lỗi em, em đừng giận nha.”

Bà cụ Hồ gật đầu. “Không giận đâu.” Nhìn bạn ấy có vẻ đau lòng lắm, bà cụ Hồ nghĩ, mình đâu có dễ giận như vậy.

Ông cụ Hồ hỏi: “Ông ấy bị sao vậy?”

Ông lão ở chung phòng với người cảnh sát nói: “Haiz, cũng không trách được ông ấy. Trên đầu giường của ông ấy viết rất nhiều thứ, còn có cả hồ sơ vụ án nữa. Tôi xem thử hồ sơ ấy rồi, tính ra ông ấy cũng thê thảm lắm. Hồi trẻ, hai ông bà bận rộn. Con gái lên cấp 3, không ở ký túc xá mà ở nhà. Một buổi tối, sau giờ tự học, trên đường về nhà bị giết hại, đến nay vẫn chưa bắt được hung thủ.”

Mọi người lập tức trở nên im lặng. Thảo nào buổi chiều tan học, ông lão cảnh sát không có con cái nhưng ngày nào cũng ra ngoài mấy tiếng đồng hồ, có lẽ ra muốn ra ngoài điều tra vụ án.

Có điều với bệnh tình của họ, rất nhanh sẽ quên mất những chuyện này.

Bà cụ Hồ cũng hiểu được. Bà trở lại chỗ ngồi của mình, cầm bút lên, cố gắng nhớ lại và vẽ ra. Bà khá ngây ngô, cho rằng kẻ xấu mà mình gặp chính là người mà bạn cảnh sát muốn bắt.

Ông cụ Hồ ở bên cạnh nhìn vợ mình. Bà đang vẽ rất chăm chú.

May mà tiết sau là tiết mỹ thuật.

Lúc cô giáo đi ngang qua chỗ bà cụ Hồ, bà đang cúi đầu vẽ, miệng còn lẩm bẩm khe khẽ, không biết nói gì. Khi cô đi ngang qua chỗ bà lần nữa, bà vẫn đang tiếp tục vẽ. Lần này cô giáo dừng lại, nghe bà nói: “Mình nhất định phải vẽ ra được!”

Cô không quấy rầy bà, tiếp tục quan sát tranh vẽ của những ông bà lão khác.

Ông cụ Hồ nằm xoài lên bàn, tay cầm bút màu, vẽ tới vẽ lui trên giấy. Vẽ xong ông ngắm nghía thử, không hài lòng bèn vẽ lại cái khác.

Lúc tan học, ông lão cảnh sát đã tỉnh táo lại và đến xin lỗi.

Bà cụ Hồ rất rộng lượng. “Không sao, bạn cũng chỉ vì muốn tìm kẻ xấu thôi mà.”

Bà cảm thấy kẻ đó chắc chắn là rất xấu, xấu vô cùng.

Chiều hôm đó, lúc Kim Sân đến đón con gái bèn nghe được con nghiêm túc nói: “Ba ơi, ba về trước đi, bọn con phải theo chú cảnh sát đi bắt kẻ xấu.”