Ba Đường Luân Hồi

Quyển 5 - Chương 3: Ngoại truyện Đinh Ngọc Điệp

Lúc Đinh Ngọc Điệp rời khỏi Tam Giang Nguyên, trên đường xảy ra chút trục trặc, không kịp về Thái Nguyên bắt chuyến bay cuối trong ngày, lại không muốn trọ thêm một đêm, dứt khoát đi đường xuyên đêm, nhờ tài xế chịu khó một chút, cứ đi thẳng về.

Chịu đựng được đến nửa đêm, đói đến hoa mắt run tay, không kịp đợi tới trạm nghỉ chân kế tiếp, bảo tài xế rời khỏi đường lớn vào thị trấn phụ cận kiếm chút đồ ăn.

Không ngờ trong thị trấn lại không có thói quen ăn đêm, xe lượn quanh những ngõ phố vắng tanh: Có không ít những bảng hiệu bật đèn xuyên đêm nhưng số hàng quán mở cửa lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Vất vả mãi mới tìm được một cửa hàng tiện lợi xóm núi mở 24/24, tài xế mua thuốc lá, ngồi xổm trên con phố không một bóng người nuốt mây nhả khói, Đinh Ngọc Điệp mua một cốc mì ăn liền, xin nước nóng úp mì, cúi đầu ngồi vào bàn tự phục vụ đồ ăn nhanh trong cửa hàng đợi, giữa chừng ngẩng đầu nhìn bóng mình trên mặt cửa kính quay ra mặt đường.

Tuy nhìn không rõ lắm nhưng trong lòng hắn vẫn cảm thấy trông mình rất tang thương. Con bướm nhỏ ban đầu trên túm tóc bị Đinh Bàn Lĩnh vung bình đập vỡ, không thể khôi phục lại như trước, bèn tìm nhà thiết kế châu báu vẽ lại bản vẽ thiết kế một lần nữa, dù thành phẩm cũng rất ra dáng nhưng làm thế nào cũng không có cảm giác ban đầu, như thiêu thiếu chút gì đó.

Hắn cố chấp cảm thấy, cái thiếu đi chính là linh hồn tự do không ràng buộc không vướng bận của chính mình.

Có thể không tang thương được sao.

Thành thật mà nói, ban đầu khi nghe Đinh Bàn Lĩnh chỉ định hắn nhận ca, trong lòng Đinh Ngọc Điệp không phải không vui vẻ: Là vàng tự khắc sẽ có lúc phát sáng, mình bình thường chói lói ưu tú như vậy đương nhiên là không có sự lựa chọn thứ hai rồi.

Đến lúc thật sự tiếp nhận rồi mới biết thế nào là trợn mắt há hốc, sản nghiệp của ba họ rất lớn, sự vụ trong sáng ngoài tối chưa từng có lúc nào đứt đoạn, mà đa số đều không phải thứ hắn thấy hứng thú – bấy giờ mới biết làm một con bướm xuyên qua bụi hoa mặc kệ sự đời lại vẫn có tiền là chuyện hạnh phúc nhường nào.

Hắn cảm thấy mình như bị một con vịt bị ép lên chiến trường, thật sự mù tịt về việc bày mưu tính kế.

Muốn giao ban thì lại như đang bưng một củ khoai nỏng bỏng, làm thế nào cũng không giao ra được:

——Giao cho Khương Thái Nguyệt và Đinh Hải Kim ư? Dẹp đi, đều là người cao tuổi cả rồi.

——Dịch Vân Xảo? Cũng không được, cô Vân Xảo cũng đã sắp sáu mươi, hơn nữa người ta cũng đã nói rõ, giúp đỡ làm việc thì có thể chứ chủ trì thì xin kiếu.

——Dịch Táp à? Càng không được, nói hơi khó nghe, nhưng nó là người “hấp hối” rồi còn gì…

Giao bừa cho ai đó thì lương tâm lại băn khoăn, suy đi nghĩ lại, thôi mình cứ làm đi, không thể đổ trách nhiệm cho người khác được.

Hắn đoán, hi vọng duy nhất của mình là chơi trò “nuôi nấng”, dùng hai mươi năm bồi dưỡng tài năng ra một người như kiểu người nối nghiệp, giao trọng trách ra rồi, hắn lại có thể một lần nữa sống cuộc sống tiêu dao.

Hai mươi năm cơ đấy, cuộc đời sao nặng nề đến thế.

Đinh Ngọc Điệp thở dài, mở nắp hộp mì ra ăn: Hình như úp hơi lâu quá rồi, sợi mì đã trương lên.

Vừa cầm nĩa quấn một cuộn mì bỏ vào miệng thì điện thoại reo lên.

Là Dịch Vân Xảo.

Đinh Ngọc Điệp bấm nút trả lời, tiếng nghe thấy đầu tiên từ đầu bên kia là tiếng gió thổi sóng đánh: “Cô Vân Xảo, vừa mới xuống nước ạ?”

Giống như việc hắn siêng năng chạy tới Tam Giang Nguyên vậy, Dịch Vân Xảo phụ trách khu vực Lão Gia Miếu, nhiệm vụ là mỗi tuần xuống nước ít nhất một lần, đã nắm rõ đáy hồ như lòng bàn tay, chỗ nào có hố, chỗ nào cát mềm, đều có thể nói rõ ràng chi tiết.

Dịch Vân Xảo ừ một tiếng, có điều gọi cuộc này cũng không phải là để thảo luận chuyện nước nôi với hắn, bà vội vàng vào chủ đề chính: “Cháu đã nghe chuyện ông lớn chưa?”

Ông lớn? Sống lưng Đinh Ngọc Điệp lạnh buốt, rất sợ có tin xấu thật, giọng cũng lập cập: “Ông lớn…xảy ra chuyện gì ạ?”

Dịch Táp hấp hối, Đinh Bàn Lĩnh lại “đi” rồi, ma nước suy sút đến độ đếm một bàn tay còn chẳng hết, đã không thể chịu được bất kỳ biến cố gì nữa rồi…

Nghe giọng điệu này, biết là hắn hiểm lầm, Dịch Vân Xảo xì một tiếng khinh thường: “Còn khỏe lắm… Không phải ông cụ đòi lấy quyển sổ bìa đen à, ngày nào cũng giở ra xem.”

Đinh Ngọc Điệp tranh thủ hút một sợi mì: “Vâng, chuyện này bọn cháu đều biết cả mà.”

“Còn tưởng ông cụ chỉ xem vậy thôi, ai ngờ mấy ngày nay lại càng thêm hăng hái, tự mình đến xưởng lò một chuyến mới ghê chứ – tim còn bắc cầu động mạch vành đấy, leo lên leo xuống hầm thế, người đi theo xanh hết cả mặt.”

Đinh Ngọc Điệp nghe mà nuốt nước bọt, cảm thấy trái tim bé nhỏ này cũng muốn bắc cầu động mạch vành tới nơi.

“Vậy còn chưa xong, trước đây không phải trong xưởng lò nhốt tầm hai mươi người à, có người nói ông lớn phái người lần lượt gọi điện thoại cho người nhà những người đó hỏi chuyện – ông lớn cũng thật thiếu suy nghĩ, chuyện này đã hơn hai mươi năm rồi, cũng không lấy cớ gì ra đệm, cứ thế hỏi thẳng, có thể không khiến người ta sinh nghi sao?”

Mà phần lớn những người xảy ra chuyện ban đầu đều là người nhà họ Dịch, người nhà họ Dịch muốn tìm hiểu đến cùng, tất nhiên là sẽ thông qua Dịch Vân Xảo, hai ngày nay, điện thoại bà bị gọi đến sắp hỏng rồi, ai ai cũng hỏi bà: Chuyện năm đó có phải có điều gì khác thường không? Bằng không sao ông lớn họ Đinh lại truy vấn chuyện này mãi vậy chứ?”

Đinh Ngọc Điệp: “Có phải ông lớn đã phát hiện được điều gì rồi không?”

Dịch Vân Xảo cũng nghĩ vậy: “Ông ấy còn đánh tiếng với cô, bảo cô gửi cho ông ấy quyển sổ ghi lời chúc trong đám cưới cô năm đó cho ông ấy, nhưng ông cụ cố chấp lắm, hỏi ông dùng làm gì ông lại không nói.”

“Bướm Nhỏ, cháu đi Tam Giang Nguyên về chưa? Cháu họ Đinh, còn là ma nước do ông cụ tự tay dạy dỗ, cháu đi hỏi thử xem…”

Bà cằn nhằn: “Có phát hiện gì thì phải nói cho mọi người biết đấy, giấu giấu giếm giếm là muốn bao giờ lập công sẽ khiến người khác phải kinh ngạc đấy à? Người đã bảy tám chục tuổi đầu rồi mà sao còn hẹp hòi thế không biết.”

***

Nghe Dịch Vân Xảo nói thế, Đinh Ngọc Điệp không về Thái Nguyên ngay mà trực tiếp đổi tuyến đường chạy vội lên Thiểm Bắc.

Đinh Hải Kim sống trong một vùng quê ở Thiểm Bắc.

Ông đã lớn tuổi, thường hay hoài niệm, không thích ở trong thành phố, cũng không thích về nhà cũ – nhà cũ mấy năm nay cũng đã trùng tu rồi, không còn là dáng vẻ trong ký ức thuở thiếu thời của ông nữa.

“Vùng quê” này là ông vô tình tìm được, nghèo thì nghèo thật, hình như còn không có đường cho xe ô tô, ở thì ở trong nhà hầm (*), trên triền núi thường có người chăn dê, súc vật kéo là lừa, trên cổ còn đeo chuông, lúc đi đường nghe leng ca leng keng.

(*) Khu vực cao nguyên Hoàng Thổ ở Tây Bắc, Trung Quốc, người ta đào những cái hang ở vách núi đá để ở gọi là nhà hầm.

Đinh Hải Kim vừa gặp đã yêu, nói là giống ký ức khi còn bé như đúc, nhất định đòi phải ở đây.

Ở thì ở, dù sao ba họ cũng có tiền, vung tiền cho ông sống cuộc sống nghèo khổ trên núi, lại mua đất dưới núi xây nhà cho người chăm sóc ông ở, còn thuê hai bác sĩ cấp cứu tới nữa.

Đến nơi, Đinh Ngọc Điệp nghỉ ngơi dưới chân núi trước rồi leo bộ lên núi, giữa chừng nhường đường cho lừa mấy bận, đi tới lưng chừng núi thì trông thấy xa xa có một ông già đầu đội khăn lòng dê trắng đứng ở ven đường cầm tẩu hút thuốc.

Đinh Ngọc Điệp đi qua, cung kính gọi một tiếng: “Ông lớn ạ.”

Đinh Hải Kim ngạc nhiên: “Cháu tới làm gì vậy?”

Trước mặt người trong nhà cũng lười phải bóng gió, Đinh Ngọc Điệp nói thẳng: “Ông lớn, ông cầm cuốn sổ bìa đen, tới xưởng lò, lần lượt gọi điện tới nhà những người họ Dịch xảy ra chuyện, còn hỏi cuốn sổ lời chúc trong đám cưới cô Vân Xảo năm đó, có phải ông…”

Còn chưa dứt lời, Đinh Hải Kim đã hung dữ: “Là con bé Dịch Vân Xảo bảo cháu tới hỏi phải không? Ông đã nói ông chỉ xem xem thôi, nó cứ không chịu tin, còn bắt thằng khỉ nhà cháu đến nữa!”

Đinh Ngọc Điệp cười trừ, không nhúc nhích, vẻ mặt rất ương bướng.

Hắn rất hiểu thế hệ trước như Đinh Hải Kim, ỷ vào thân phận, chuyện chưa chắc chắn sẽ không rêu rao ra ngoài, có bị hỏi cũng chỉ đáp là “Không có phát hiện gì”, “Chỉ xem thôi”.

Nếu thật sự không có phát hiện gì thì hà tất hết đi xưởng lò lại gọi điện thoại rầm rộ như vậy chứ.

***

Kỳ thực Đinh Hải Kim cũng không có phát hiện gì lớn, chí ít thì ông cảm thấy phát hiện này thứ nhất là không có bằng chứng, thứ hai là cũng không giúp ích được gì cho tình huống trước mắt.

Kế hoạch nguyên bản của ông là làm một con lừa già cố chấp, ngậm chặt miệng không hé răng, nhưng cố chấp một hồi, chợt nhũn lòng.

Thằng bé Đinh Ngọc Điệp này, trước đây tinh thần phấn chấn vô tư vô lự như thế, vậy mà một năm trở lại đây đã thay đổi hẳn rồi, trọng trách không chỉ gánh trên vai mà còn hiện rõ lên khuôn mặt.

Ông phủi bụi trên người đứng dậy, tẩu thuốc ra dấu ra sau lưng, nói: “Vào nhà rồi nói.”

***

Đinh Ngọc Điệp theo Đinh Hải Kim vào nhà hầm.

Căn nhà hầm này cũng giống đồ cổ, hơn nửa mặt tường là cửa sổ song gỗ dán giấy rách bươm, trên cửa treo một tấm rèm xanh trắng lớn dính đầy bụi bẩn.

Vào cửa là một chiếc giường lò (*) lớn, trên mặt bàn gác trên giường đặt một chồng sách vở, có cả quyển sổ bìa đen, cả cuốn sổ lời chúc đám cưới Dịch Vân Xảo, bên cạnh còn có một cái kính lúp – đó là vật dụng phụ trợ xem đọc do mắt Đinh Hải Kim không tốt.

(*) Loại giường đặc trưng của người phương Bắc Trung Quốc, dưới giường khoét rỗng để bỏ than nung nóng vào giữ ấm.

Khoanh chân ngồi lên giường, Đinh Hải Kim hỏi chuyện hắn trước: “Trên lịch canh vàng còn bao đơn chưa mở?”

Vừa nhắc tới cái này, Đinh Ngọc Điệp lại ủ rũ: “Chín đơn ạ, trong đó có ít nhất ba đơn nghe nói con cháu người ủy thác còn sống, có thể cầm được chứng cớ tới đòi. Nói cách khác, đến lúc đó mà chúng ta không mở được canh vàng thì chắc chắn sẽ phải bồi thường.”

“Đã xác định bài vị đều không dùng được nữa?”

“Không dùng được ạ, bài vị ông tổ họ Khương đã bị Khương Tuấn mang xuống đáy hồ Bà Dương rồi, canh vàng khắp Trường Giang đều phải bỏ cả. ‘3/12’ năm ngoái nhà họ Dịch có mở canh vàng, cô Vân Xảo mang bài vị ông tổ họ Dịch tới khe núi Hoành Đoạn, sau khi xuống nước cũng không có phản ứng gì.”

Đinh Hải Kim rút vài hơi thuốc, nói: “Đã nợ thì không thể lấp liếm đi được, phải bồi thường, thằng nhóc cháu nhận ca đúng thời điểm rối ren, trên vai trọng trách nặng nề, cũng may mà mấy năm nay, ba họ mở rộng kinh doanh không ít, cháu nghĩ cách thử mở rộng ra nữa xem, thu được nhiều tiền hơn, đến lúc đó cũng chưa chắc đã không trả nổi.”

Trong lòng Đinh Ngọc Điệp chua xót: Hắn còn phải dẫn ba họ đi kiếm tiền trả nợ nữa, cuộc đời sao mà gian nan quá.

Đang ủ rũ, Đinh Hải Kim chỉ chỉ vào quyển sổ bìa đen: “Mấy đứa về sau có xem lại quyển này không.”

Chưa xem lại lần nào, còn đang bận bịu tìm hầm đất trôi nổi, làm gì còn ai có tâm tư ôm mãi lấy quyển sổ không buông chứ.

Đinh Hải Kim không nói chuyện cuốn sổ bìa đen ngay mà mở cuốn ghi lời chúc ra trước, một tay cầm kính lúp dò dò trên trang giấy: “Bà Khương của cháu đã kể lại hết toàn bộ sự việc với ông, ban đầu ông đúng là chỉ lấy thứ này xem giết thời gian, sau đó, ông lại phát hiện ra một chuyện.”

Nói đến chủ đề chính, cổ họng Đinh Ngọc Điệp bất giác nuốt một cái, ngồi thẳng người dậy.

“Có lẽ mấy đứa cũng phát hiện ra rồi nhưng không truy tra đến cùng, hoặc là sự chú ý của mấy đứa đều dồn hết lên hầm đất trôi nổi cả… Cháu xem cái này đi.”

Ông quên mất Đinh Ngọc Điệp không cần kính lúp, cứ thế dúi cho hắn: “Ừ, đây này.”

Đinh Ngọc Điệp đâm lao phải theo lao, cũng giơ kính lúp lên xem.

Bên dưới là một vết ấn ngón tay rất lớn, cạnh đó có một hàng chữ nhỏ viết: Dịch Bảo Toàn, tiền mừng tám trăm.

Có ý gì? Đinh Ngọc Điệp không hiểu ra sao.

Đinh Hải Kim giải thích: “Ông đã hỏi Dịch Vân Xảo, con bé nói Dịch Bảo Toàn không biết chữ, tham dự đám cưới của nó, lúc tặng tiền mừng không ký tên được đành nhờ người khác viết hộ, bản thân chỉ ấn vân tay.”

Vừa nói vừa mở quyển sổ da đen kia ra: “Cháu xem cả cái này nữa.”

Đó là cuốn sổ ghi chép của Đinh Trường Thịnh, ghi lại vài lời của những người bị giam trong lúc mê sảng, trong đó của Dịch Bảo Toàn là đáng nghiên cứu nhất, đặc biệt là bốn câu thơ.

Trống trăm trượng nơi bãi cát Hoàng Hà, đồng hồ luân hồi dưới đáy hồ nước treo, nước canh vàng thông đường tới kiếp sau, ngàn vạn thuyền đợi chèo nơi bến đò.

Cho nên, là có ý gì? Não Đinh Ngọc Điệp vẫn chưa thông.

Đinh Hải Kim lật sang một trang trong cuốn sổ: “Ông đặc biệt đi một chuyến tới xưởng lò là để xem bức vẽ chèo xác làm thuyền trên tường và chữ viết của cậu ta… Bàn Lĩnh là người cẩn thận như thế, vậy mà cũng bỏ sót chỗ này, Đinh Ngọc Điệp, không phải cháu không phát hiện ra người làm thơ viết chữ này và Dịch Bảo Toàn là hai người khác nhau đấy chứ? Dịch Bảo Toàn là người mù chữ, không biết viết không biết vẽ, sao có thể đột nhiên viết được chữ đẹp, còn có thể vẽ ra bức tranh rõ ràng thế này, ngâm ra câu đối hoàn chỉnh thế chứ?”

Đinh Ngọc Điệp vội giải thích: “Không phải đâu ạ, cháu có nghe Táp Táp nói, ban đầu nó tưởng là người của nền văn minh thế hệ trước ‘mượn xác hoàn hồn’, những người đó mang theo cả ký ức tới nên người viết chữ vẽ tranh ngâm thơ không phải là Dịch Bảo Toàn, sau đó giả thuyết này bị lật đổ, phát hiện ra căn bản không có nền văn minh thế hệ trước gì cả, mọi người bèn vội vàng đi tìm hầm đất trôi nổi, đấu với bài vị, không còn xoắn xuýt chuyện này nữa.”

Hình như cũng quên chuyện này thật, không giải quyết được gì, manh mối này cứ lủng lẳng ở đó.

Đinh Hải Kim ừ một tiếng: “Sau đó thì sao, cháu đã tra ra bài vị là cái gì chưa?”

Đinh Ngọc Điệp khó nhọc lắc đầu: Mấy người Dịch Táp đã tận mắt nhìn thấy bài vị, cũng tiếp xúc ở khoảng cách gần rồi, từng chạm vào, cũng từng cầm dao chém, lấy lửa đốt, đấu với nó cả một đêm, chỉ có điều không biết nó là cái gì.

Ngón tay Đinh Hải Kim gõ lên cuốn sổ bìa đen: “Tra không ra kết cục thì phải quay lại điểm khởi đầu, giả thuyết lớn tuy đã bị lật đổ nhưng chi tiết nhỏ thì vẫn còn nguyên giá trị, không thể phủ định hết đi được – ông cho người gọi điện thoại cho người nhà những người họ Dịch này là để hỏi cặn kẽ đặc điểm tính cách, đặc điểm hành vi của họ, sau đó so sánh với ghi chép trong sổ này, phát hiện ra không chỉ Dịch Bảo Toàn mà có không ít người cũng không giống.”

Ông hạ giọng: “Những người này đều hoàn toàn biến thành một người khác, hoặc giả, bên trong cơ thể họ quả thực có một người khác.”

Đinh Ngọc Điệp nghe mà cái hiểu cái không: “Ông, ông muốn nói gì vậy ạ, ông nói thẳng đi ông.”

Đinh Hải Kim đưa tay xoa ngực như để trấn an trái tim yếu ớt kia: “Ông biết đám trẻ mấy đứa thích nói chuyện phải có khoa học nhưng vào thời ông ra đời, trong nhà thường có thói quen thỉnh thầy cúng, gặp chuyện thì tế bái quỷ thần, cho nên, ông sẽ nói theo cách của ông, cháu muốn hiểu thế nào thì tùy các cháu.”

“Cháu có nghĩ tới không, người khi còn sống, hồn phách…chính là ý thức mà mấy đứa nói đó, là nhận được từ đâu? Sau khi chết lại đi đâu? Có khi nào có thứ gì đó có thể thu được hồn phách không? Giống như một nhà kho lớn vậy, có thể thu hồn phách của rất nhiều rất nhiều người vào cùng một chỗ?”

Tim Đinh Ngọc Điệp đập thình thình: Ý của Đinh Hải Kim là bài vị ông tổ là một loại vật chất có thể bảo tồn hồn phách à? Không đúng, đó là cách nói mê tín, hiện giờ có không ít người giải thích hồn phách là sóng điện não, vậy bài vị là…vật chất có thể bảo tồn sóng điện não, hơn nữa còn có thể bảo tồn sóng điện não của rất nhiều người?

Đinh Hải Kim nói rất chậm rãi: “Ông sinh ra và lớn lên ở phương Bắc, khi còn bé từng nghe rất nhiều chuyện liên quan đến thái tuế, dường như ở đâu cũng từng đào ra được vài cái, nhưng ông cứ cảm thấy, những cái đào ra bây giờ không giống như trong truyền thuyết và dã sử.”

“Khương Thái Nguyệt có đề cập với ông về thái tuế trong hầm đất trôi nổi, ông cảm thấy cục thái tuế khổng lồ ấy phù hợp với cách nói tiên đan thần dược trong truyền thuyết hơn – cháu nói xem, cách nói nó có thể biến người ta thành thần tiên, trường sinh bất lão này có thể không đúng sự thật, chỉ có điều bị mọi người hiểu lầm hay không.”

Đinh Ngọc Điệp đã hoàn toàn bị Đinh Hải Kim dẫn dắt: “Hiểu lầm thế nào ạ?”

“Cho tới nay, mọi người cho rằng trở thành thần tiên, trường sinh bất lão đều là thân thể nhẹ nhõm bay lên trời được, trên trời còn có tòa Linh Tiêu Bảo Điện (*), mọi người ăn đào tiên, uống rượu tiên trong đó, hẳn là hưởng thụ không ít những cái hạng nhất, là nơi cao sang hơn hết thảy phú quý nhân gian, nhưng lại không biết rằng, sự trường sinh mà thái tuế cho thật ra lại là…”

Ông giơ tay lên, gõ gõ vào đầu: “Thật ra lại là vĩnh viễn bảo tồn, vĩnh viễn lưu trữ chỗ này của mình.”

(*) Linh Tiêu Bảo Điện là tên cung điện của Ngọc Hoàng đại đế trong truyền thuyết.

Đinh Ngọc Điệp nghe mà chân tay rét run, trợn mắt há hốc.

Hình như đúng là không sai, thế nào là trường sinh? Có thể lưu giữ cơ thể dài lâu tất nhiên được coi là trường sinh, nhưng nếu bỏ qua cơ thể, một mực bảo tồn ý thức thì sao, hình như cũng phải.

Vậy thì cái mà chú Đinh Bàn Lĩnh liều mình đối kháng và khống chế khi trước không chỉ là bài vị đơn thuần nữa mà còn là từng người được bảo tồn bên trong bài vị.

Đinh Ngọc Điệp nhỏ giọng lẩm bẩm: “Sau đó Táp Táp nói với cháu là, bài vị và thái tuế là hai loài sinh vật khác nhau…”

E rằng đúng là hai loài khác nhau thật, nhưng giữa chúng không hoàn toàn tách biệt mà tồn tại một mối quan hệ vi diệu nào đó.

Những người vì cầu được trường sinh mà trăm phương nghìn kế tìm thái tuế để ăn này rốt cuộc là ăn thái tuế hay là bị thái tuế “lấy mẫu” đây? Sau khi thân xác chết đi, có khi nào ý thức sẽ được dẫn dắt, bảo tồn, thường trú bên trong bài vị?

Trường sinh ở hầm đất trôi nổi thì có khác nào ngồi tù đâu? Có khác nào cùng đi tới tuyệt lộ, hơn nữa còn là một tuyệt lộ không bao giờ kết thúc đâu?

Thứ được gọi là trường sinh này còn chẳng bằng có thân xác, có thể hưởng lạc ở thế gian trước đây, đó chính là lý do mà chúng nó trăm phương nghìn kế thu thập và bảo tồn những thi thể mới mẻ, mưu đồ ‘xác chết độ vong’ sao?

Ánh mắt hắn rơi lên câu nói tiếp theo của Dịch Bảo Toàn.

Chúng nó đi tới tuyệt lộ, trước mặt không còn đường nữa, muốn quay đầu.

Chúng nó muốn quay đầu, muốn đầu thai làm người, muốn thoát khỏi gông cùm xiềng xích của bài vị ông tổ, nương theo sự sinh sôi nảy nở của thái tuế mà nối tiếp luân hồi cho chính mình.

Đinh Ngọc Điệp ngơ ngác nhìn Đinh Hải Kim: “Ông lớn, ông đã nghĩ ra mấu chốt này rồi, tại sao lại không nói cho chúng cháu biết?”

Đinh Hải Kim bật cười ha hả.

“Nghĩ ra có ích lợi gì đâu? Cũng chỉ là suy đoán, không có một chứng cứ nào thì không dám nói là đúng. Hơn nữa, còn chưa có tin tức gì của hầm đất trôi nổi, cũng không có tung tích của Đinh Bàn Lĩnh, bài vị ông tổ của ba họ cũng tê liệt, mất đứt liên lạc với đầu kia, cho dù chúng ta có nghĩ ra được hết tất cả các mấu chốt thì cũng sẽ không biết chuyện tiếp theo sẽ phát triển theo hướng nào.”

Chúng nó có thành công không?

Không biết, câu chuyện chưa kết thúc.