Anh Luôn Ở Bên Em

Chương 5: Thời niên thiếu không thể quay trở lại

Trình Bạch tan sở từ bệnh viện, về phòng tắm rửa rồi vừa lau đầu tóc vừa đi ra ngoài ban công gọi điện thoại. Anh liền nhìn thấy một chiếc xe ô tô đang đi xa dần ngoài cổng, còn Trình Viên Viên thì đứng bên cửa không ngừng vẫy tay, vẫy một hồi rồi mới thôi, cô cười vui vẻ đi vào trong nhà.

"Viên Viên về đấy à?" Dì Chu đang mặc tạp dề, thò đầu ra khỏi phòng bếp cười chào cô.

"Vâng ạ, chào dì."

"Thấy có xe đưa cháu về, là bạn trai?" Dì Chu hỏi.

Viên Viên nhớ đến Phó Bắc Thần, cảm giác kính trọng và biết ơn lại xuất hiện, đang định mở miệng thì thấy người đang đi từ trên tầng xuống, cô bèn nuốt hết lời định nói vào trong.

Trình Bạch đi lướt qua cô, cũng không thèm liếc cô một cái mà đi vào phòng khách ngồi trên sô pha, mở ti vi xem.

Viên Viên đang tính lên tầng thì Đới Thục Phân về. Tối nay Trình Thắng Hoa đi ăn cơm khách nên không xuống xe mà quay xe đi luôn. Đới Thục Phân thấy cô và Trình Bạch đều đang ở nhà thì nói một câu "Đói cả rồi đúng không?", sau đó bà đi vào bếp giúp dì Chu. Khoảng thời gian này, hai mẹ con ở lại nhà người ta ăn không nên Đới Thục Phân rất ngại, vì vậy chỉ cần có thời gian bà liền làm giúp mấy việc trong nhà. Tất nhiên Viên Viên cũng sẽ chạy vô bếp giúp một tay:chủ yếu là tránh Trình Bạch.

"Đi công tác có mệt không?" Đới Thục Phân hỏi con gái.

"Không mệt, còn vui nữa cơ."

Lúc này Trình Bạch cũng đi vào bếp, Đới Thục Phân vội vàng hỏi: "Trình Bạch, cháu cần gì thế?"

"Không ạ, cô không cần để ý, cháu làm đĩa hoa quả, ăn trước khi ăn cơm." Trình Bạch đi đến cạnh tủ lạnh.

Đới Thục Phân nghe vậy bèn cười nói: "Nhà cháu mấy đời làm thầy thuốc, chuyện ăn uống cũng được để ý kỹ."

Viên Viên dự định chạy khỏi phòng bếp, không ngờ mẹ cô gọi lại bảo giúp anh ta rửa hoa quả. Cô "vâng" một tiếng, cực kỳ không tình nguyện.

Trước chậu rửa, cô rửa táo thật chậm, thật kỹ, chỉ cần Trình Bạch ở cạnh là cô luôn dè dặt.

Dì Chu cùng Đới Thục Phân nói chuyện về cách nấu món ăn, không lâu thì sau điện thoại của dì vang lên. Do nồi áp suất đang réo không ngừng nên dì đành phải đi ra ngoài phòng khách để nghe điện thoại, còn Đới Thục Phân thì ra góc vườn bên ngoài để hái hành. Trình Bạch bày biện xong quả vải thì cầm một quả táo cô đã rửa xong, rút lấy con dao từ trên giá, bắt đầu cắt gọt: "Em có bạn trai rồi?"

"Dạ? Vâng..." Cô buột miệng nói dối, giống như bảo vệ mình theo phản xạ trước một tình huống nguy hiểm. Nhưng Viên Viên không giỏi nói dối, thế là nói xong thì cô ngượng cả người, tuy nhiên điều làm cô thấy thẹn là vì cảm giác như cô vừa hạ thấp Phó Bắc Thần, chứ đối với Trình Bạch, có nói cô sắp kết hôn thì cô cũng không thấy xấu hổ mảy may.

"Có cần phải hạ giá bán rẻ chính mình như thế không? Em cũng chưa đến nỗi là hàng cũ."

Viên Viên tức giận: "Dù sao vẫn có giá hơn anh!" Nói xong mới nghĩ ra: Vậy khác gì nâng giá anh ta?

Trình Bạch nhếch môi cười nhẹ, nhưng nụ cười không chân thật chút nào.

Viên Viên nhìn quả táo đã bị anh ta cắt nát bét kia, cô run cả người, biết điều im miệng.

***

Ngày hôm sau sau khi về từ trấn Cảnh Đức, Viên Viên liền đi làm, nộp bản thảo cho Trương Việt Nhân. Trương Việt Nhân có mùi thuốc lá nồng nặc bám trên người, có lẽ tối qua ông thức trắng để viết bài. Từ nhỏ mũi cô đã viêm nhẹ, không thể ngửi mùi thuốc vì vậy cô nín thở rồi lùi lại nửa bước.

Trương Việt Nhân cầm bản thảo, đọc lướt một lần. Cô không thể không lo, sợ ông ném về bắt cô viết lại từ đầu. Ai ngờ Trương Việt Nhân không hề bình luận một câu, mà lại nói: "Nghe Cao Linh bảo lần này qua đó cô gặp được Phó Bắc Thần?"

Viên Viên không hiểu ý trong lời ông là khen hay là chê, đành gật đầu, nghĩ nghĩ rồi lại nói thêm một câu: "Phó Bắc... thầy ấy rất tốt, còn giúp cháu sửa bản thảo."

Cô gọi Phó Bắc Thần đến quen cả miệng, suýt nữa thì buột miệng, may mà kịp dừng lại.

Trương Việt Nhân nhìn cô, thờ ơ nói: "Tôi lại không biết cậu ta họ kép đấy."

(Anh họ Phó, nhưng do Viên Viên buột miệng gọi Phó Bắc nên bị nói mỉa)

Họ kép Phó Bắc.

Viên Viên ngẩn người, câu đùa ớn lạnh thế này quả thực cô khó mà tiêu hóa.

Trương Việt Nhân không quan tâm cô có đáp lời không, ông tiếp tục: "Vẫn còn hai kỳ nữa là chuyên mục thưởng thức các tác phẩm tranh chữ của Mẫn giáo sư sẽ hết. Tiếp đó tôi tính làm về đôn hoàng, ông vừa nói vừa cười: "Giáo sư Phó Gia Thanh là chuyên gia về lĩnh vực này. Tôi hy vọng cô có thể mời được ông ấy tham gia."

(Nội dung của Đôn hoàng học bao gồm những kinh sách, các bức tranh vách và nghệ thuật chạm trổ, đắp tượng v.v... được tàng trữ trong hang đá Đôn hoàng, rất nhiều bộ môn và chủng loại.)

"Chủ biên, giáo sư Phó Gia Thanh là?"

"Ba của Phó Bắc Thần, giáo sư viện sách cổ đại học H." Trương Việt Nhân trả lời, "Trước cuối tuần sau tôi cần câu trả lời của đối phương."

"..."

Một nhiệm vụ ngắn gọn dễ hiểu nhưng lại khiến cô nghe mà đau cả đầu. Việc ở Cảnh Đức trấn vẫn chưa xong thì một việc khác lại được giao tới, cùng một thái độ thẳng thừng như hôm trước.

Chuyên mục truyền thống đặc sắc của "Truyền Thừa" cứ quẳng cho cô:một lính mới như thế này sao? Chỉ vì cô quen Phó Bắc Thần? Vậy mà chủ biên cũng yên tâm được.

Lúc về lại chỗ, Viên Viên nhắn tin cho Phó Bắc Thần: "Em nộp bản thảo rồi, cảm ơn anh."

Nhưng đợi cả nửa ngày cũng không thấy người ta trả lời. Cô nghĩ có lẽ anh đang bận.

Buổi trưa, Viên Viên buôn chuyện cùng các đồng nghiệp chịu trách nhiệm về những ấn phẩm khác, làm cùng căn phòng làm việc siêu rộng đó, nói tới sếp của cô là Trương Việt Nhân, cuối cùng cũng giải hết những câu hỏi của cô.

Một, vì sao tạp chí "Truyền Thừa", ngoài nhân viên mỹ thuật và biên tập viên bên ngoài thì chỉ còn hai người là cô và Trương Việt Nhân? Đáp án là, Trương Việt Nhân có yêu cầu rất cao, thậm chí có thể gọi là quá nghiêm khắc, những người mới dưới trướng ông đều chạy mất chưa tới hai tuần.

Hai, vì sao tổng biên tập lại coi trọng Trương Việt Nhân? Đó là vì trước đây số lượng tiêu thụ của "Truyền Thừa" cực ít, suýt thì không ra tiếp được, nhưng sau khi Trương Việt Nhân làm chủ biên thì ông đơn thương độc mã đưa một tạp chí ít người đọc này, trở thành đầu báo phổ biến rộng khắp. Số lượng tiêu thụ tăng vọt, tốc độ phát triển nhanh.

Cô đang nghĩ xem mình có thể sống sót qua hai tuần không thì có điện thoại, là Phó Bắc Thần. Cô chào đồng nghiệp rồi tìm một chỗ yên tĩnh để nghe cuộc gọi đến.

"Xin lỗi nhé, sáng nay tôi họp suốt nên không đọc được tin nhắn."

"Không sao, không sao ạ, chỉ là em đã nộp bản thảo nên muốn cảm ơn anh một câu."

Phó Bắc Thần ngừng trong giây lát rồi nói: "Không cần phải khách sáo, sau này có vấn đề gì mà tôi có thể giúp thì em cứ tìm tôi."

Viên Viên thầm nhủ: bây giờ em đang có chuyện cần tìm anh đây. Nhưng quả là cô không mở miệng nói chuyện về giáo sư Phó, vì vậy chỉ nói: "Vậy anh làm việc đi nhé, em cúp đây."

"Ừ." Phó Bắc Thần nhẹ nhàng đáp.

Sau khi cúp máy, Viên Viên ngẩng đầu lên thở dài một hơi, thôi tự mình tìm giáo sư Phó Gia Thanh vậy.

***

Phó Bắc Thần trầm ngâm cúp máy, chợt có tiếng gõ cửa vang lên.

"Vào đi."

Người bước vào là trợ lý của anh, Lục Hiểu Ninh.

"Biên tập viên Chương của tạp chí "Sưu Tập Gốm Sứ" hỏi anh khi nào có thời gian, cô ấy muốn mời anh uống cà phê, nhân tiện mong anh chỉ bảo một chút về bản thảo lần trước."

"Cô thay tôi cảm ơn biên tập Chương, nói là thôi cà phê tôi không uống, còn bản thảo thì nhờ cô ấy để ý, tôi tin sẽ không có vấn đề gì lớn." Giọng anh không to, nhưng không mang chút cảm xúc và khiến người ta không thể phản bác.

Lục Hiểu Ninh vâng một tiếng, sau đó đi ra ngoài. Lúc đóng cửa lại, cô ngẩng mặt lên nhìn anh, không khỏi tự nhủ: Chuyên gia Phó của chúng ta đúng là không cho người ta lấy một cơ hội.

***

Do "Truyền Thừa" số tháng bảy sắp xuất bản nên Viên Viên khá bận, ngoài ra cô vẫn luôn cố hiểu thêm về giáo sư Phó Gia Thanh.

Phó Gia Thanh, sinh trong những năm bốn mươi, tốt nghiệp khoa lịch sử chính quy, thạc sỹ văn học cổ đại, tiến sỹ văn hiến học (ngành nghiên cứu các ngôn ngữ và văn thư cổ), những đại học ông từng học đều là những trường nức tiếng tại Trung Quốc. Hiện ông là một trong số ít nhà nghiên cứu trong nước về Đôn Hoàng học.

Thể nào mà Phó Bắc Thần còn trẻ mà giỏi như vậy, hóa ra đều do gốc từ gia đình cả. Viên Viên thầm nghĩ, ngày nhỏ mẹ cô kể chuyện cho cô nghe, kể Nữ Oa tạo người, có người được bà nặn nên, có người được sợi dây quất ra.* Xem ra nhà họ Phó là được Nữ Oa tự nặn, thật là ngưỡng mộ không kể sao cho hết.

(Ban đầu Nữ Oa tự nặn người nhưng sau đó, do trời đất quá rộng, bà không thể nặn ra hết mọi người nên bà nghĩ ra một cách nhanh hơn: dùng một dây mây quất xuống bùn rồi quất lên mặt đất. Số bùn bắn ra đều biến thành người.)

Hôm nay xem xong tài liệu về giáo sư Phó Gia Thanh, Viên Viên đi ra khỏi tòa nhà trung tâm tòa soạn thì đã là tám giờ tối. Thành phố Thanh Hải dù sao cũng là một thành phố lớn, mà tòa nhà này lại là tòa nhà lâu năm nằm ở khu vực phồn hoa nội thành, cho nên trời đã tối nhưng đèn điện vẫn sáng ngời, giống như không có sự khác biệt giữa ngày và đêm.

Viên Viên chuẩn bị ra đầu đường bắt taxi vì xe buýt cô cần giờ này đã không chạy nữa, chợt thấy một bóng người quen thuộc đi tới.

Là Trương Việt Nhân cả chiều không gặp. Cô lịch sự gọi một tiếng: "Chủ biên!"

Trương Việt Nhân nhìn thấy cô, khuôn mặt hơi ngạc nhiên: "Sao về muộn thế này?"

"Vâng."

Trương Việt Nhân cũng tự nhận ra ông giao việc cho cấp dưới khá nặng, nhưng giọng nói vẫn không hề mang chút cảm xúc: "Khi về nhớ cẩn thận."

Ông đi vào thang máy, Viên Viên vẫn đứng ở đầu đường, đợi hơn mười phút mà không có lấy một chiếc xe trống. Lúc này, đằng sau lại có tiếng Trương Việt Nhân: "Còn chưa về à?"

Viên Viên quay người lại, bấy giờ cô đã chẳng còn sức mà cười với ông nữa, chỉ gật đầu đầy mệt mỏi.

"Nhà ở đâu?"

"Dạ?"

"..." Dường như Trương Việt Nhân không muốn nhắc lại.

Đầu óc cô ngưng trệ, sự trầm mặc liền bao trùm cho tới khi có một tiếng nói vọng tới: "Em định ngủ ở đây luôn hả?"

Cô quay ngoắt lại!

Áo phông đơn giản cùng quần bò là kiểu Trình Bạch hay mặc. Thấy anh thì cô lại càng ngạc nhiên hơn.

Trình Bạch gật gật đầu với Trương Việt Nhân coi như chào hỏi, sau đó liền kéo Viên Viên đi.

Viên Viên thầm tính trong lòng, giữa việc phải đi với Trương Việt Nhân thì có lẽ đi cùng Trình Bạch vẫn ổn hơn, tuy hai lựa chọn này chẳng khác chọn tiêm hay là chọn truyền nước. Cô quay người lại tạm biệt Trương Việt Nhân: "Chào chủ biên ạ!"

Trương Việt Nhân chẳng có thái độ gì, xoay người lên xe đi mất.

"Sao di động không bật?" Trình Bạch thắt dây an toàn nhưng chưa khởi động xe, anh xoay mặt sang hỏi.

"A..." Cô vội vàng lấy di động ra xem, hóa ra đã hết pin. Cô chép miệng, cúi đầu trả lời: "Hết pin rồi, em không để ý."

Sau khi biết được nguyên nhân thì Trình Bạch cau mày, nhấn chân ga rồi chẳng thèm để ý đến cô nữa.

Có lẽ anh ta cũng chẳng tự nguyện tới đón cô, Viên Viên thầm nghĩ. Chắc lại là chú Thắng Hoa bắt anh ấy tới. Không khí trong xe rất yên tĩnh, cô không biết vì sao anh không bật ít nhạc hay mở radio, thế thì hai người cũng không đến nỗi lúng túng như thế này.

"Công việc nặng lắm à? Vậy nên mới làm xong muộn thế này?"

Anh ta nói gì vậy, Viên Viên lẩm bẩm: "Ai cần anh lo."

Trình Bạch đáp: "Hết cách, gần đây quá rảnh."

Viên Viên không thể không nghĩ tới câu: Nhàn cư vi bất thiện.

"Người vừa rồi là sếp chỗ em?"

"Ừ."

"Không phải bạn trai?"

Viên Viên há hốc mồm: "Sao có thể chứ?"

Trình Bạch không hề thấy ngạc nhiên: "Cũng đúng."

"..." Ý gì đây?

Tiếp đó hai người về nhà mà không nói chuyện thêm.

***

Ngày hôm sau, Viên Viên tranh thủ thời gian về quê một chuyến, đi thăm bà nội mới ra viện hôm kia. Hôm đó, cô đang làm việc, chú Thắng Hoa đưa mẹ và bà cô đi. Mẹ gọi điện bảo cô không phải lo gì cả, để cô tập trung làm việc. Khoảng thời gian bà nội nằm viện cô cũng có qua thăm mấy lần, chỉ cần bà đang tỉnh táo là sẽ chửi mắng cô. Mẹ không muốn thấy vậy nên sau đó không cho cô đến thăm luôn.

Quê Viên Viên ở thị trấn Ngọc Khê:là một thị trấn lâu đời ở rìa đông của thành phố Thanh Hải. Từ trung tâm đi xe qua cũng cần gần một tiếng đồng hồ.

Mấy năm nay, danh tiếng của thị trấn Ngọc Khê càng ngày càng lớn, do bí thư và trưởng thị trấn tiền nhiệm có con mắt nhìn xa, bọn họ nhìn thấy được trào lưu phát triển du lịch nên cố gắng khai thác những địa điểm đặc sắc vốn có trong thị trấn sông nước này, sửa sang lại đường đường phố, cuối cùng xây dựng nên một thị trấn Ngọc Khê mà nhiều nghệ thuật gia đều thích, có "cây cầu, nước chảy, người qua lại".

Thật ra cái tên Ngọc Khê là được đặt sau khi kiến quốc, trước đó rất lâu, nó chỉ là một cái làng, tên là làng Công Chúa. Tên như vậy là do phía nam có một đền thờ, thờ một đôi Công chúa:Phò mã thời kỳ Nam Tống. Tuy nhiên, tất cả cư dân trong thị trấn đều họ Trình, mà phò mã được thờ cúng lại mang họ Phó, nguyên nhân đằng sau chuyện này thì hiện nay chỉ còn một số ít người trong thị trấn mới biết.

Có lẽ là do có dòng máu hoàng tộc che chở nên từ trước đến nay, thị trấn luôn phát triển mạnh về văn hóa giáo dục, có rất nhiều học giả cùng tiến sỹ xuất thân từ đây.

Viên Viên có suy nghĩ như sau về nhưng chuyện kể trên: May mà cô sinh muộn chứ với cái tên "làng Công Chúa" thì đúng là mỗi lần nói địa chỉ nhà với người ta thật là áp lực. Nói vậy nhưng tổ tiên của cô thật biết cách chọn nơi ở, có thể làm hàng xóm của hậu duệ quý tộc.

Nhà cô ở mặt đường một con đường cổ, phần mặt đường được cho thuê cho một giáo viên đã về hưu, con cái đều ở nước ngoài. Cô giáo đó chuyển hết số sách mà mình giữ gìn trong nhà ra ngoài, mở thành quán cà phê sách. Những người khách tới đây, nếu không phải để uống cà phê, đọc sách, thì cũng là muốn tận hưởng một không khí an nhàn, tự tại.

Khi Viên Viên sắp về đến nhà, từ xa đã thấy một cây đậu đỏ* cao lớn, cành lá đan xen, lá cây xanh rì rậm rạp. Cây đậu đỏ này được chứng nhận là đã hơn nghìn năm tuổi, mọc trên đống đổ nát ở mạn bắc thị trấn Ngọc Khê, một nam một bắc với đền thờ của Công chúa:Phò mã. Nghe nói, đống đổ nát mà cây đậu đỏ này mọc trên nó, trước đây, thời nhà Thanh nó từng là một nhà thờ, nhưng đột ngột đổ sụp vào Thái bình thiên quốc. Sau này, đống đỏ nát luôn được đồn đại đủ chuyện ma quái, cũng không có ai dám xây nhà ở đó. Đến bây giờ, nơi đây chỉ còn một cảnh tượng hoang tàn, xưa kia trông thế nào thì nay chẳng ai đoán ra nổi nữa. Khi thị trấn Ngọc Khê được xây dựng lại, chuyện đống đổ nát được sửa sang lại hay giữ nguyên đã thành vấn đề nhiều lần được đưa ra khi họp hành. Tuy vậy, do những ý kiến trái chiều hết lần này tới lần khác nên cuối cùng vấn đề đã gác lại, chỉ có cây đậu ngàn năm tuổi thì được rào hàng rào thép để bảo vệ.

Viên Viên nhớ lại hồi nhỏ cô rất thích ra đây chơi. Lúc đó đa phần bọn trẻ không dám tới, nhưng cô lại cứ chú ý đến chỗ này, nhất là cây đậu đỏ:mỗi lần xuân qua hè tới là cây lại nở những bông hoa trắng đỏ đan xen. Hoa trông như cánh bướm, đậu lại trên cây. Đến giữa thu, những trái đậu chín sẽ rơi xuống đất, vỏ nở bung, để lộ ra từng đôi hạt đậu đỏ bên trong.

Viên Viên đứng trước cửa nhà ngắm cây đậu một hồi lâu rồi mới lấy chiếc chìa khóa từ trong túi. Do mặt trước là quán của cô giáo kia nên Viên Viên về nhà đều hay đi vào theo cửa sau.

Hôm nay về, cô giúp mẹ tắm rửa cho bà, lại làm bà cằn nhằn một hồi... đến cả những lời như cô là một đứa "xui xẻo" bà cũng nói ra.

Rõ ràng là cô trông còn dễ thương hơn cả biểu tượng may mắn của Olympics đấy nhé! Cô tự khen rồi tự cảm thấy run cả người.

Đới Thục Phân không nỡ nhìn con gái chịu uất ức, nhưng bà chỉ giả vờ như không để ý, trong lòng thì buồn bã, vuốt ve khuôn mặt con.

Chiều tối, Viên Viên ăn cơm xong thì liền đi ra đống đổ nát có cây đậu kia. Lúc này, phần đông khách du lịch đã về hết, chỉ còn lác đác mấy người, người ngồi nghỉ, người chụp ảnh. Tia sáng cuối cùng dần biến mất ở chân trời phía tây. Nơi này ngày xưa hoang vắng, huyền bí, không nhiều khách du lịch và không ồn ào như bây giờ.

Cô ngẩng đầu nhìn cây cổ thụ, một màu xanh mênh mông phủ cả bầu trời.

"Không biết ai trồng cây này từ nghì năm trước nhỉ?" Cô nghe có khách du lịch hỏi đằng sau mình.