Thức dậy trong khách sạn lúc nào cũng bất tiện. Đầu tiên, đôi khi ta không nhớ nổi mình đang ở chỗ quái quỷ nào. Và ngay cả khi đã nhớ, vẫn không tài nào thoải mái nổi khi xung quanh chẳng có gì quen thuộc. Dẫu thế, tôi vẫn thích khách sạn. Tôi yêu chúng. Không phải yêu việc tấm lót chẳng bao giờ vừa vặn, hay việc người ta trùm tấm chăn dơ bẩn ở giữa các lớp trải thay vì mang đi giặt, mà yêu việc họ chẳng hề xin lỗi vì những điều đó.

Một số người bực bội vì mọi thứ, từ quầy bar mini tới điện thoại tổng đài, đều bị tính tiền, nhưng bạn phải – ít nhất – tôn trọng sự nghiêm túc và không hề giả tạo của việc tất cả mọi thứ bạn thấy đều phụ thuộc vào “độ dày” của chiếc ví.

Tôi thức dậy trong căn phòng tại Ramada. Brady đang ngồi ở bàn, cúi xuống một cái bát cùng chiếc muỗng – giống một gã phù thủy đang ve vẩy đũa thần. Cậu ta đang bày bừa thứ gì đó. Tôi bước lại, nhìn qua vai cậu ta. Dưới đáy bát là một ít chất lỏng dạng sữa có màu lạ.

“Cậu dậy rồi à?”, tôi hỏi.

“Tôi không chỉ dậy thôi đâu. Tôi đã đến cửa hàng, mua các nguyên liệu cần thiết, chế ra một mẻ Sữa quế, đóng chai lại.”

Tôi nhìn qua bàn. “Trong chai cho trẻ con à?”

“Thứ duy nhất có niêm phong tôi tìm được”, cậu ta nói.

“Ai lại không thích trẻ con nhỉ?”

“Đây”, cậu ta đưa tôi cái tô. “Nếm đi.”

Tôi cầm lấy. Cảm thấy như thể mình trở lại tuổi lên bảy, và vừa được nhận một tô Lucky Charm to khủng bố, tôi nghiêng cái tô về phía mặt mình, uống chỗ sữa còn lại. Brady nhìn tôi với ánh mắt trông đợi. Khi tôi ló mặt ra khỏi chiếc tô, Sữa quế dính trên hai má, tôi không nói lời nào. Nghĩa là, tôi biết, nhưng tôi chỉ muốn thấy cậu ta sợ hãi ấy mà, chưa kể, đây là bài luyện tập tốt cho cậu ra khi ở trong phòng cùng Schultz.

“Thế nào?”, cậu ta hét lên. “Thôi nào… cô nghĩ sao?”

Tôi không thể kiềm chế nữa. Tôi nở nụ cười thật to, và nói, “Tuyệt vời. Thật đấy. Tôi không thể tin nổi là nó vẫn chưa sánh vai cùng các thứ sữa thuộc tốp hai phần trăm, một phần trăm hay không phần trăm gì đấy trên toàn thế giới. Những kẻ có khả năng bán thứ này họa có ngu mới không trả tiền cho cậu ngay tức thì.”

“Thật chứ?” Cậu ta có vẻ dễ tổn thương hơn bao giờ hết. “Cô không phải đang cố gắng khiến tôi cảm thấy vui đấy chứ? Trước giờ cô có bao giờ cố tình làm thế đâu.”

“Không. Hoàn toàn thật. Rất đỉnh”, tôi nói. Brady lập tức nhấc tôi lên ôm chầm lấy. Tôi cũng ôm cậu ta, thế là cậu ta nhanh chóng đặt tôi xuống, ngại ngùng bước lùi lại.

“Thôi, hôm nay là ngày quan trọng”, cậu ta nói. “Đây là lý do chúng ta tới đây.”

“Vậy… kế hoạch là gì?”

“Tìm Howard Schultz… khiến ông ta thấy sức quyến rũ của Sữa quế.”

“Tuyệt”, tôi nói. “Nhưng chúng ta sẽ tìm ông ấy thế nào đây.”

“Chúng ta à?”

“Ừ, chúng ta. Tôi sẽ giúp.”

“Tôi không biết…”, cậu ta nói.

“Chà, tôi thì biết. Tôi sẽ đi cùng cậu”, tôi nói trong lúc bước vào nhà tắm. “Sao cậu không dắt Strummer đi dạo một vòng trong lúc tôi tắm nhỉ? Khi cậu quay lại, tôi sẽ sẵn sàng.”

Tôi mở vòi nước, nhanh chóng bước vào để cậu ta không có thời gian cãi lại.

Cửa hàng Starbucks đầu tiên chúng tôi đến nằm trên đại lộ số 5. Brady gọi một ly latte trong lúc tôi nấn ná tại quầy. Tôi thấy một người pha chế thiếu cảnh giác đang rót sữa vào bình, bèn lỉnh tới gần, bắt đầu giở mỹ nhân kế.

“Chào”, tôi nói cùng nụ cười thật tươi thường chỉ được dùng khi gặp cảnh sát giao thông.

“Chào buổi sáng”, cậu ta nói.

“Mỗi ngày cậu phải rót đầy mấy thứ này bao nhiêu lần?”

“Ồ… thì cô biết đấy. Lúc hết thì phải rót đầy lại.”

“Chà”, tôi nói. Tôi nghĩ nên nói gì tiếp, vì chính xác thì tôi chưa lên kế hoạch cho việc này. “Vậy chẳng phải văn phòng tổng công ty ở gần đây sao?”

“Ừm… đúng. Đại khái vậy”, cậu ta nói. Và chỉ có thế.

“Ừ, tôi nghĩ vậy. Ở đâu nhỉ, cách đây năm dãy nhà?”

“Không. Nó… chà, ừm, cách đây vài dãy, nhưng chỉ cách một con đường thôi.”

“Đúng rồi. Vậy nó nằm trên đại số số… 4? Không… 6”

“Không, cô đoán trúng cái đầu. Đại lộ số 4”, cậu ta nói, rồi quay trở về sau quầy. Tôi tìm đến chỗ Brady, cậu ta đưa tôi một ly latte.

“Cảm ơn.”

“Thám thính được gì không?”

“Có. Nó nằm trên đại lộ số 4. Cách đây một con đường.”

“Được đấy.” Chúng tôi cụng hai chiếc cốc giấy, rồi bước ra khỏi cửa. Chúng tôi lái xe tới đại lộ số 4, khi tới đó, chúng tôi thấy một tiệm Starbucks khác. Sao lại không thể có một quán Starbucks nữa ở đây chứ nhỉ? Nếu góc phố nào tại mọi thành phố đều có quán thì tôi hình dung thành phố quê hương của nó hẳn phải là một quán Starbucks khổng lồ. Thực sự, tôi ngạc nhiên là người ta không cho chúng tôi một ly Frappuccino khi chúng tôi rời khỏi máy bay.

Brady bước vào, tôi đi theo. Cậu ta gọi một ly latte nữa. Tôi bắt đầu tự hỏi liệu cậu ta có định uống cà phê tại mọi quán Starbucks chúng tôi gặp trên đường tìm kiếm ngài Schultz không. Đây chắc chắn không phải ý tưởng hay ho cho lắm.

Cậu ta nói chuyện với người pha chế tại quầy, rồi quay lại, không nhìn thẳng vào tôi.

“Gì đấy?”, tôi hỏi, cảm thấy phải tự vệ.

“Gã đó mới nói với tôi là văn phòng tổng công ty nằm ở đại lộ số 1, không phải số 4.”

“Chà, gã mà tôi nói chuyện dường như rất ý thức mình đang nói gì mà.”

“Rõ ràng là không rồi”, Brady nói. Cậu ta bước ra, ném ly latte của mình lên vỉa hè.

“Chúng tôi lái xe từ đại lộ số 4 về đại lộ số 1, rồi rẽ phải.

“Anh chàng kia có nói với cậu nó ở ngã tư nào không?”, tôi hỏi.

“Có… Lander.”

“Cậu có biết Lander ở hướng nào không?”

“Hướng này”, cậu ta nói. Tôi có thể thấy cậu ta đang bồn chồn, vì cậu ta đáp chuyện với tôi hơi cộc lốc. Thường thì cậu ta không như vậy. Ý tôi là, thường thì cậu ta bực bội, khó chịu hoặc vò đầu bứt tai. Nhưng cậu ta chẳng bao giờ nói cộc lốc mà không có lý do. Và tôi hiểu được. Cậu ta sắp có cuộc gặp quan trọng. Đấy là nếu cậu ta được gặp người đàn ông nọ - đó lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Tôi ngồi im lặng bên cạnh trong lúc cậu ta lái nốt qua những dãy nhà cuối cùng, vì không muốn gây thêm căng thẳng cho cậu ta nữa.

Khi tới giao lộ của Lander và đại lộ số 1, chúng tôi chẳng thấy dấu hiệu gì của văn phòng tổng công ty. Tôi đoán là chúng tôi trông ngơ ngác dữ lắm, vì một phụ nữ gầy guộc với mái tóc có màu rất nhân tạo ra dấu hỏi chúng tôi cần giúp không. Brady hạ cửa kính. Bà ấy bước đến.

“Cô cậu cần giúp gì?”, bà hỏi. “Có cần tôi mách địa chỉ cho không?”

“Vâng”, Brady nói. “Chúng tôi được chỉ là văn phòng tổng công ty Starbucks ở đây, nhưng tôi không tìm thấy.”

“À, có một quán Starbucks cách đây vài dãy phố…”, bà nói. “Nhưng tôi không chắc về trụ sở tổng công ty.”

“Vâng. Cảm ơn bà”, Brady nói, tiếp tục lái xe về hướng bà ta chỉ.

“Chúng ta đến cửa hàng Starbucks tiếp theo à?”, tôi hỏi.

“Bao nhiêu cũng đến”, cậu ta nói. Chúng tôi lái thêm vài dãy nhà tới khi thấy một quán nữa, bèn tấp vào.

Brady bước về phía quầy, mỉm cười với cô gái đội mũ Starbucks. “Chào cô. Tôi có hẹn tại văn phòng công ty, nhưng tôi bị lạc đường. Tôi nghĩ nó nằm ở giao lộ của đại lộ số 1 và Lander…”

“Không”, cô gái nói, “Nó nằm ở giao lộ của đại lộ số 4 và Lander”. Ngay khi nghe cô gái nói số 4, tôi muốn ném cho Brady câu tôi đã nói mà, nhưng tôi không làm vậy. Tôi kiềm chế. Brady cảm ơn cô gái, bước về phía tôi.

“Nói đi”, cậu ta nói.

“Gì cơ?”

“Cô biết mà! Cô đúng rồi. Cô muốn hả hê mà.”

“Không có”, tôi tự vệ. “Tôi chỉ vui là hiện giờ chúng ta đã biết nó nằm ở đâu.”

“Ừ ừ…”, cậu ta đáp lại, vẻ tôi–không–tin–đâu. Nhưng tôi vẫn ngậm miệng. Chúng tôi vào xe, lái trở lại đại lộ số 4. Trước khi tới đó, chúng tôi đi ngang một tiệm Starbucks nữa. Một cậu nhân viên đang đứng bên ngoài hút thuốc, nghỉ ngơi. Brady dừng xe lại đó. “Chào anh”, cậu ta nói với anh chàng nọ. “Văn phòng công ty đi hướng này nhỉ?”

“Đúng rồi”, anh chàng đáp. “Trên đường Utah.”

“Utah?”, Brady hỏi, tỏ ra bực tức.

“Ừ”, anh chàng đáp, rít một hơi xì gà thật dài, “số 2401 đường Utah. Tòa nhà Sears cũ ấy”.

“Tôi tưởng nó nằm ở giao lộ của đại lộ số 4 và Lander?” Brady ném cho tôi ánh mắt tôi–biết–cô–sai–mà, dù tôi chẳng nói gì về vụ đại lộ số 1.

“Đúng, đúng là nó nằm ở giao lộ của đường số 4 và Lander”, anh chàng nói. Tôi ném trả Brady một cái nhìn thỏa mãn. “Giao lộ đó nằm giữa đường số 4 và Lander, nhưng tòa nhà thì thuộc đường Utah. Theo hướng đó, số 2401. Đến là thấy liền. Tòa nhà lớn ốp gạch, có logo Starbucks trên đỉnh ấy.”

“Cảm ơn, anh bạn”, Brady nói. Chúng tôi lái xe tới khi trông thấy nó: Tòa nhà to lớn ốp gạch, có logo Starbucks nổi bật như quả cherry đặt trên chiếc bánh.

Chúng tôi dừng lại trước tòa nhà, cùng ra khỏi xe.

“Đây rồi”, tôi nói, rồi ôm chặt cậu ta. “Tiến lên đi.”

Cậu ta bắt đầu bước đi, rồi lại chạy về xe.

“Khoan! Tôi không làm được!”, cậu ta hét lên. Tôi thực sự đồng cảm với kiểu chần chừ, thiếu quyết đoán này. Cậu ta sợ điều mình không biết. cậu ta đi cả một chặng đường chỉ để bị nỗi nghi ngờ về chính bản thân mình ngăn cản. “Cậu có thể mà!”, tôi hét lên. Cảm thấy cần có thêm sự khích lệ, Strummer cũng nhảy lên, cụng đầu vào khung cửa sổ đang đóng của xe hơi.

Brady nhìn tôi ái ngại, rồi vươn tay qua người tôi, với về phía sau xe. “Tôi không thể vào đó mà thiếu thứ này”, cậu ta tóm lấy xấp kế hoạch kinh doanh cùng một bình Sữa quế nhỏ.

Tôi dịch qua chỗ ngồi lái xe, vẫy tay khích lệ cậu ta, rồi lùi về sau. Strummer tót vào ghế ngồi cạnh tài xế. Chúng tôi bật radio. Tôi nói Brady rằng sẽ chờ tới khi cậu ta xong việc để cùng nhau về. Cậu ta nói sẽ gọi điện cho tôi khi xong việc, nhưng tôi không biết cậu ta sẽ mất bao lâu, nên đành lái xe loanh quanh xem phong cảnh trong vùng.

Tôi lái ngang qua chợ Pike’s, nơi có những người ném cá và những quầy bán trái cây. Tôi ra khỏi xe mua một túi cherry. Tôi định mua loại cherry đỏ thông thường, nhưng anh chàng đứng quầy thuyết phục tôi mua loại Rainier – trái hơi ngả sang màu trắng, và rất ngon. Thôi thì màu gì cũng được, thú vui đích thực khi ăn cherry là được nhổ hạt qua cửa sổ mà. Đó là một nghệ thuật chẳng mấy người nhận ra, một nghệ thuật mà tôi làm rất giỏi. Để ý thấy Strummer đang nhìn trừng trừng, tôi tiếc vì không thể cho nó ăn cùng. Vì món này có hạt, tôi không muốn nó nuốt phải. Tôi không muốn chịu trách nhiệm nếu bao tử của nó mọc lên một cây cherry.

Tôi tìm được một cửa hàng tiện lợi cách đấy một dãy nhà, bèn đến đó mua thức ăn chiêu đãi Strummer.

Trên đường đi, tôi lái xe ngang qua ba đứa trẻ da trắng, dân ngoại ô, đang thực hiện phong trào tuyệt thực Free Tibet[1]. Bây giờ đã là ngày thứ mười lăm của chiến dịch, chúng trông rất khổ sở. Chúng ở ngoài trời, trên chiếc giường tạm bợ, mệt mỏi, yếu ớt, và đói khát. Dám cá chúng sẽ thích cherry.

[1] Chiến dịch đòi tự do cho người Tibet – Tây Tạng.

Tôi bước vào cửa hàng tiện lợi. Người ta đang mở kênh nhạc rock cổ điển Seattle, bài Fly Like an Eagle. Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu một số bài hát bị cấm mở và cấm phát vĩnh viễn. Dường như rock cổ điển đích thực chỉ có năm bài, cứ quanh quẩn thế thôi.

More Than a Feeling của Boston, Hotel California và Life in the Fast Lane của Eagles – hai bài này ngang ngửa nhau, Feel Like Makin’ Love của Bad Company, Stairway to Heaven của Led Zeppelin, cùng tất cả mọi bài hát của Steve Miller Band. Tôi dành riêng một vị trí cho tất cả những bài của Steve Miller Band. Nếu bỗng nhiên ra đời đạo luật cấm các bài hát này, tôi đoán là tất cả các kênh nhạc rock cổ điển sẽ tiêu tùng hết.

Tôi xem lướt qua dãy thức ăn cho chó. Bài Fly Like an Eagle lắng dần, chuyển sang The Joker, chứng minh cho luận điểm của tôi. Người ta chỉ bán những thứ thức ăn cho chó rất vớ vẩn làm từ phế phẩm rác rưởi, đồ bỏ đi. Tôi không muốn Strummer ăn những thứ đó, nên đành mua cho nó một cái sandwich thịt nguội và pho mát. Cửa hàng cũng có máy bán Slurpee, vấn đề là không làm ra Slurpee đích thực. Có vị cherry và đá lạnh. Tôi trộn lẫn hai vị. Cũng không quá tệ hại, nhưng tôi thích vị Cola hơn.

Tôi cũng tìm thấy Pringles, nhận ra đã rất lâu mình không ăn món này, và hiện tại thì rất muốn. Lúc còn nhỏ, tôi cũng ăn Pringles, thường ăn thành từng vốc, bốn năm vị cùng lúc. Tôi tự hỏi Brady có thể ăn nhiều cỡ nào. Tôi xúc một lọ, bắt đầu thầm chia thành vốc, tính thử xem bao nhiêu vốc sẽ hết một lọ. Trong lúc tôi đếm, một anh chàng đẹp trai cao ráo đội chiếc mũ bóng chày đứng tần ngần ở chỗ quầy tạp chí, quan sát tôi. Thế là tôi cố gắng giải thích.

“Tôi đang nghĩ xem bao nhiêu vốc tay thì ăn hết một lọ này.”

“Vậy cô ra kết quả là gì?” Anh chàng nói trong lúc nhìn ra cửa sổ. Trông anh chàng hơi lo lắng.

“Tôi nghĩ là bảy”, tôi đáp. “Hoặc sáu.”

“Tham vọng đấy”, anh chàng nói, rồi lại nhìn ra ngoài cửa sổ. “Cô có biết nước đái mèo phát sáng trong bóng tối không?”

“Ơ… không. Tôi không biết.”

“Chà, sự thật đấy”, anh ta đặt quyển tạp chí xuống, cầm quyển khác lên. Có thể anh ta muốn chơi trò giương Đông kích Tây, tôi không chắc. Dù sao đi nữa, bỗng dưng tôi thấy mừng là mình có một con chó. “Tôi dùng bóng đèn màu đen và thay tất cả đèn ở mọi phòng trong căn hộ, vì thế tôi thấy nó khắp nơi! Nước đái mèo chết tiệt!”

“Được rồi…”, tôi nói. Tôi chẳng thể, cũng chẳng muốn nói thêm gì vào cuộc nói chuyện dông dài này. Thế là tôi lấy bảy lọ Pringles vì quyết định sẽ cùng Brady thi xem ai ăn hết một lọ nhanh hơn.

Cuối cùng, tôi mua một bình nước mười một lít, bảy lọ Pringles, sandwich thịt nguội và pho mát cho Strummer, Slurpee cho tôi, cùng một chiếc kính râm ngộ nghĩnh theo phong cách Foster Grant. Thanh toán xong, tôi nhận ra mình thất nghiệp, nhưng lại đang mua sắm như thể có công việc thu nhập rất tốt.

Tôi lê hai chiếc túi một lượt ra xe, mở cốp. Trong lúc tôi chất chỗ túi vào cốp xe, cậu Nước đái mèo bước lại.

“Để tôi giúp cô chất mấy thứ đó”, anh ta nói.

“Cảm ơn”, tôi đáp. “Chỗ nước uống này thực sự sẽ giết tôi mất.” Tôi ném chỗ hàng hóa còn lại vào phía trước xe.

“Xong rồi đấy”, anh ta nói. Anh ta cho chỗ nước uống vào cốp xe rồi tiến đến trước tôi, mỉm cười. “Chỉ có thế thôi nhỉ?”

“Đúng rồi”, tôi nói.

“Vậy cô đi đi”, anh ta đóng cốp xe lại. Thấy không? Đấy, anh chàng này là người tốt. Thật ngọt ngào. Tốt bụng. Mấy gã ở New York đâu có được như thế.

“Cảm ơn nhiều”, tôi nói. Tôi gắng sức nói với ra từ chỗ ngồi đằng trước, nhưng chẳng biết anh ta có nghe thấy không, vì anh ta đang trên đường đi về phía cuối phố rồi. Thôi vậy!

Tôi đưa Strummer chiếc sandwich. Khi nó ăn xong, chúng tôi đi bộ một chút dọc dãy nhà. Chúng tôi đi ngang một cửa hàng Rite Aid, một quán cà phê tên Tully’s, rồi đến phố Union, sau đó rẽ phải. Chúng tôi dừng chân, lắng nghe một nghệ sĩ đường phố chơi guitar, hát liên khúc những bài của Nirvana để kỷ niệm ngày mất của Kurt. Strummer và tôi lắng nghe ông hát, “I feel stupid… and contagiou. Here we are now… entertain us”.

Strummer kéo tôi, thế nên chúng tôi bắt đầu đi ngược về. Trên đường có rất nhiều xe cảnh sát phóng qua. Khi về đến chỗ xe hơi, Strummer hít ngửi xem còn sandwich không, còn tôi mở một lọ Pringles. Hai lọ dùng để thi thố. Hai lọ khác phòng khi Brady thua và muốn đấu lại. Hai lọ nữa phòng khi cậu ta thắng trận đấu lại, và tôi muốn chơi trận quyết định cuối cùng. Lọ thứ bảy là để tôi thực hành. Tôi tóm một nắm đầy, lùi xe khỏi chỗ đỗ.

Trong lúc lái về giao lộ của đường số 4 và Lander, một nhóm xe cảnh sát nữa – đang bật đèn nhấp nháy – chạy nhanh qua tôi theo hướng ngược lại. Tôi rất muốn quay ngược đầu xem có vụ việc gì, nhưng ráng kiềm chế, tiếp tục lộ trình đang đi, trở lại đón Brady.