Tôi không điên. Gần đây tôi có đi gặp chuyên gia trị liệu, một bác sĩ tâm thần, và một pháp sư trừ tà, cả ba người bọn họ đều xác nhận tôi không điên. Pháp sư là gợi ý từ cô bạn Zoe của tôi. Cô nàng nói với tôi rằng người phụ nữ này có thể tẩy uế hào quang của tôi và cắt đứt sợi dây tưởng tượng gắn kết tôi với những điều tiêu cực. Tôi ước gì mình có thể trả cho bà ta bằng tiền tưởng tượng.

Thỉnh thoảng tôi đến phòng khám tâm lý. Thực ra, là những lúc tôi nghĩ mình có thể phát điên. Nhưng mỗi lần tôi đến đó, họ lại nói là tôi không điên. Vấn đề là… tôi có quyển sách tên DSM-III-R. Đó là quyển cẩm nang tham khảo ngắn gọn về môn Chuẩn đoán từ Hiệp hội Tâm thần học Mỹ. Tôi mua được ở chợ trời, từ một anh chàng trông như thể vừa trực tiếp bước ra từ quyển sách. Tôi nghĩ giờ người ta đã ra tới quyển DSM-IV rồi. Thế nên quyển của tôi đã lỗi thời, dù có khi nội dung chẳng thay đổi mấy.

Trong sách có mọi chuẩn đoán cho tất cả các loại bệnh tâm thần trên đời. Vấn đề là, đôi khi nó miêu tả mơ hồ tới mức khiến bạn tự thuyết phục bản thân rằng mình có mọi triệu chứng điên loạn của nhân loại.

Ví dụ: 307.52 Bệnh Pica[1]

[1] Chứng rối loạn ăn uống nguy hiểm, thường thèm ăn và ăn những thứ không phải thức ăn. Bệnh có thể gây hại cho cơ thể và gây ngộ độc, chứng thiếu sắt, thiếu máu.

A. Ăn mãi một loại chất không có dinh dưỡng trong ít nhất một tháng.

B. Không bị các triệu chứng rối loạn tự kỷ, tâm thần phân liệt, hoặc Kleine-Levy[2].

[2] Hiện tượng rối loạn thần kinh về giấc ngủ và ăn uống. Mắc chứng bệnh này, bệnh nhân thường ngủ li bì cả ngày lẫn đêm. Khi thức dậy, thái độ người bệnh thay đổi, thường thì tính cách giống như một đứa trẻ.

Khi đọc cái này, tôi choáng váng. Tôi chắc chắn từng ăn các chất thiếu dinh dưỡng. Tôi vẫn thế mà. Tôi thích gì là ăn nấy thôi. Nhiều nữa ấy. Cả một giai đoạn. Có khi, tôi bị nghiện bánh quy cây. Rồi lại là bánh nướng xốp. Rồi thì sữa chua bơ-đậu phộng đông lạnh. Rồi có thời gian toàn ăn dưa chua và salad trộn.

Không, tôi không có thai, nhưng phải là loại salad có hạt cây carum[3] cơ. Tôi lùng sục món đó khắp nơi. Chỉ những chỗ xịn nhất mới có, nhưng rất ngon… rất là ngon. Ngay lúc này thì tôi đang nghiện cháo yến mạch. Thật kỳ lạ, nếu xét tới việc tôi là người ăn uống rất chú ý tới carbonhydrate. Nhưng mỗi sáng tôi đều ăn cháo yến mạch, không sót ngày nào.

[3] Loại gia vị cùng họ với mùi tây, hạt thường dùng để nấu ăn.

Cơn nghiện của tôi thường kéo dài một tháng. Đôi khi sáu tháng, thậm chí một năm. Nhưng một khi ngưng, thì ngưng hẳn. Và tôi hiếm khi nào quay lại với thứ đã từng nghiện. Thế nên bạn có thể hình dung nỗi sợ hãi của tôi khi đọc tiêu chí chẩn đoán bệnh Pica.

Vào lúc đọc chẩn đoán bệnh, tôi lên cuộc hẹn với một chuyên gia trị liệu. Sau một giờ nói chuyện vơí cô ấy về nỗi sợ căn bệnh này và các thứ còn tệ hơn, thì cô ấy bảo rằng tuy bánh quy cây và salad trộn không phải những thức ăn giàu dinh dưỡng nhất, nhưng người bị bệnh Pica thì ăn cả những thứ không phải thức ăn. Chất không dinh dưỡng ở đây nghĩa là:

Phấn viết bảng

Giấy Kleenex

Giấy in Xerox

Vân vân…

Dù sao thì bạn vẫn có thể hiểu được cảm giác nhẹ nhõm của tôi. Nhưng khi cô ấy đưa cho tôi tờ hóa đơn một trăm năm mươi đô, tôi suýt bảo cô ta nhai nó luôn rồi. Nhưng nhỡ cô ta làm thật, thì chính cô ta là người mắc bệnh Pica, và chẩn đoán của cô ta về sự minh mẫn của tôi sẽ vô giá trị.

Những lần khác, tôi vô tình lại có biểu hiện khớp với miêu tả về bệnh tâm lý, song các bác sĩ cũng bảo đảm với tôi rằng tôi rất tỉnh táo. Rõ ràng là quyển cẩm nang rút gọn tiện lợi về bệnh tâm lý của tôi thiếu những chi tiết chứng minh. Thế nên tôi không hề điên. Và vấn đề chung duy nhất mà bọn họ tìm ra là tôi chẳng việc gì phải đọc một quyển sách chẩn đoán về tâm lý cả.

Tuy nhiên, có những việc nhất định thực sự khiến tôi nổi điên:

1. Những người thô lỗ với thú vật.

2. Những người ích kỷ, chỉ biết bản thân mình.

3. Những người lạm dụng còi xe hơi, gây nên vấn đề lớn tại thành phố New York.

Những thứ này được phép khiến tôi nổi điên. Chúng là nguyên do hợp pháp.

Đây là một ví dụ về điều có thể khiến bạn nổi điên, nhưng không hợp pháp: Bạn đang trong thang máy và sắp lên đến tầng mình muốn, thì nó đột nhiên dừng lại, rồi có người bước vào. Và họ bước ra ở tẩng khác. Chen giữa chuyến đi của bạn, bạn đã lên trước mà. Một số người có thể nổi giận vì việc này. Như thể cái thang máy thuộc về riêng họ bị người khác liều lĩnh xâm nhập, vì dám có nhu cầu dùng đến thang máy để đi đâu đó. Đúng ra, việc này cũng làm tôi bực bội vài lần, nhưng tôi biết như vậy là sai, và điều đó mới quan trọng.