Đương nhiên vết thương nào

rồi cũng sẽ khép lại,

đồng hồ nào rồi cũng phải lên dây

(sau khi đã chán dừng mãi một chỗ)

Nơi chững cái chi cụt,

cơn đau ma trỗi dậy

Ngày hôm nay đã diễn ra một việc không ngờ. Trời thu trong vắt và mát lành, nên vào giấc trưa tôi đáo qua nghĩa trang. Chàng Chủ Rừng đã an tọa trên băng ghế. Anh ta liếc nhìn tôi một cách chán chường, làm như tôi bắt anh ta phải chịu một trận bạo hành gia đình trong cái nghĩa trang của anh ta vậy. Anh ta đã làm xong nghi thức chăm sóc cây cỏ, vì tay anh ta dính đầy đất. Tôi tự hỏi sao anh ta lại chỉ có ba ngón tay trái.

Tôi ngồi xuống băng ghế và bắt đầu nghĩ tới những đứa con mà đáng lẽ chúng tôi đã có, Ӧrjan và tôi. Ӧrjan đáng lẽ đã được hưởng một nửa thời gian nghỉ chăm con, anh ấy lại cực rành rẽ về khoản tã nót ít dị ứng và khăn địu con tiện dụng. Đáng lẽ Ӧrjan đã đưa đứa bé đi bơi được mấy bận.

Chúng tôi cưới nhau được năm năm, trong thời gian đó, gần như chúng tôi không bao giờ cãi nhau. Thỉnh thoảng cũng mặt nặng mày nhẹ, bĩu môi dè bỉu hoặc chiến tranh lạnh tí chút, chủ yếu là từ phía tôi, nhưng không bao giờ đi quá giới hạn.

Ồ, mà chẳng phải nhờ tôi đâu. Ӧrjan không cãi ai bao giờ. Anh ấy chỉ giải thích quan điểm của mình một cách dễ thương và bền bỉ cho đến khi tự đối phương mệt mỏi đầu hàng.

Cũng có một hay hai lần gì đó, sự dịu dàng của Ӧrjan làm tôi mất kiểm soát và hành động như một đứa bé – đá thúng đụng nia, lao ra khỏi nhà, xô cửa cái rầm. Ӧrjan luôn tỏ ra không để tâm chuyện đó, mà tôi thì không bao giờ làm tới. Chẳng lẽ tự làm mất mặt mình và để cho anh ta ghi điểm à?

Một hôm, tôi đã xé từng trang báo của Ӧrjan, vo viên lại rồi ném như mưa vào anh ta. Chúng tôi đã dành cả nửa ngày thứ Bảy cho tờ báo đó – những chuyên mục cần tranh luận, các sự kiện văn hóa cần lưu tâm ngay cả khi nó xảy ra cách nhà tôi ba trăm cây số, cười với trang truyện tranh và dự trù một bữa ăn tối thứ Bảy lạ miệng với món cà chua hong nắng. Tôi có cảm giác là cuộc sống thật sự trôi qua dưới mũi mình, nó ào đến trước cửa sổ trong khi chúng tôi đọc báo, và tôi đã xử đẹp tờ báo đó để phản kháng. Thế nhưng đôi mắt nâu của Ӧrjan chỉ tỏ ra buồn bã đến mức tôi chẳng còn gì khác ngoài hai sự lựa chọn: đánh anh ta một cái, hoặc khóc nức lên.

Dĩ nhiên tôi đã khóc như điên như dại. Bởi vì thứ làm tôi tức nhất là, Ӧrjan luôn xỏ đôi ủng cao su màu xanh, cầm ống nhòm bước ra ngoài thế giới thực trước cả khi tôi kịp đọc nửa tờ báo. “Anh lúc nào cũng nhìn đời qua mấy mảnh ve chai thôi”, tôi đã thút thít khóc, trong lòng cảm thấy không thể hiểu được mọi người, kể cả chính tôi.

Mấy ngày sau, tự dưng Ӧrjan đưa cho tôi một bài báo về tình trạng căng thẳng đầu óc mỗi khi đến tháng, tay lại còn gõ nhẹ vào đó cho tôi thấy nữa chứ. Phản ứng đầu tiên của tôi là vo tròn nó ném thẳng vào mặt anh ta, nhưng khi tôi chưa kịp hành động thì anh ta đã cưỡi chiếc xe đạp địa hình để trong sân nhà, vọt mất.

Hồi đầu yêu anh ta, tôi đã viết những bài thơ tình lục ngôn làm anh bật cười. Tôi trèo lên cây, leo ra những chiếc càng non nớt để chụp ảnh các tổ chim cho Ӧrjan, và bước xuống những dòng suối lạnh giá cho lũ đỉa bám vào chân khi anh ta cần chúng cho các nghiên cứu.

Chắc cũng tại vì anh đẹp trai quá đi. Làn da rám nắng ấm áp, thân hình to lớn và cân đối, đôi bàn tay cơ bắp luôn bận rộn làm một việc gì đó. Tôi như mở cờ trong bụng khi đám đàn bà con gái ngắm nhìn anh để rồi nghẹn ngào khi trông thấy con mụ nhạt nhòa là tôi đi bên cạnh. (Phải! Tôi tự câu được anh chàng này đấy, mở mắt ra mà học tập nhé cô em!).

Tôi lòe đấy thôi. Tôi cũng chẳng biết mình đã làm gì để “câu được” anh. Nói chung là, các anh chàng đẹp trai cũng không khiến tôi bận tâm hơn mẫu giấy dán tường được đưa ra bởi hội đồng quản lý nhà đất.

Nhưng một khi Ӧrjan đã đưa tôi vào tầm ngắm, - tôi làm việc ở quầy thông tin của thư viện, và tôi giúp anh tra cứu các tạp trí động vật tiếng Anh – có vẻ như anh tự động cho tôi là người phụ nữ của mình, người duy nhất mà anh muốn ưu ái kể từ đấy. Gần giống như chuyện anh luôn ưu ái các trang bị dã ngoại của Fjӓllrӓven.

Lúc đầu, tôi có cảm giác Ӧrjan thử mình, kiểu như thăm dò bạn đọc ấy. Trong rừng. Trên giường. Trong rạp chiếu phim và chầu cà phê sau đó. Không hề lấn cấn nhé. Quan điểm của chúng tôi hòa hợp như hai cây kim cùng đan một chiếc áo và cùng chiêm ngưỡng họa tiết xuất hiện.

Sau đó, chúng tôi làm đám cưới và tôi có thể thở phào nhẹ nhõm một chút. Kỳ thi làm người lớn đã vượt qua, bây giờ chuyển sang bước kế tiếp.

Chúng tôi mới đến giai đoạn mỉm cười với nhau trước cửa tiệm bán xe đẩy trẻ con thì anh tự giết mình. Một buổi sớm, anh để cho một chiếc xe tải cán qua người trong lúc đạp xe đi xem bọn gà gô đen phủ nhau. Anh mải chú ý tiếng chim hót trong tai nghe – hoặc anh không nghe thấy chiếc xe tải và bị đụng, hoặc là lão tài xế ngủ gật trên tay lái.

Tấm đá giản dị con con nơi nghĩa trang là tất cả những gì còn lại. Và tôi căm tức anh vì đã bỏ tôi lại mà không buồn nói năng gì với tôi trước đó… Bây giờ thì tôi sẽ chẳng bao giờ tìm hiểu về anh được nữa.

Tôi lấy quyển sổ ra. Đó là một quyển sổ nhỏ màu xanh, bìa cứng, có hình một chiếc thuyền buồm giữa biển khơi. Tôi viết:

Đương nhiên vết thương nào rồi cũng sẽ khép lại, đồng hồ nào rồi cũng phải lên dây.

Tôi thừa biết thứ mình viết ra không phải là thơ. Tôi chỉ đơn giản nắm bắt cuộc sống bằng hình ảnh. Tôi làm điều đó gần như mỗi ngày, tựa như những người khác lên danh sách những việc cần làm để thu xếp cuộc sống hàng ngày của họ. Sẽ chẳng có ai đọc những câu tôi viết – tôi cũng sẽ chẳng bao giờ kể những giấc mơ của mình cho người khác. Mỗi người đều có cách cảm thụ cuốc sống riêng.

Anh chàng Chủ Rừng len lén nhìn trộm tôi. Cứ việc nhìn, tôi nghĩ bụng, thể nào anh cũng nghĩ tôi là một con mụ nội trợ cần mẫn lên lịch chi tiêu cho cả tuần chứ gì.

Đúng lúc tôi đóng nắp chiếc bút máy (tôi đã tìm được một chiếc – đã làm thơ thì phải có bút máy chứ), một bà mẹ và cô con gái ba hay bốn tuổi, bình tưới trong tay, dừng chân trước phần mộ bên cạnh anh Chủ Rừng. Chiếc bình tưới có màu hồng cực chói và bóng bẩy, nom như mới tinh, con bé cầm nó như thể nâng niu một chiếc vương miện quý giá. Mẹ con bé bắt đầu lúi húi với chỗ hoa và lọ cắm, trong khi nó nhảy lưng tưng giữa các ngôi mộ cùng chiếc bình tưới. Bỗng nhiên nó đưa tay bụm miệng, vẻ mặt hốt hoảng, đôi mắt tròn xoe như hai hòn bi:

- Mẹ ơi, con tưới nhầm lên bia mộ rồi. Thể nào ông ngoại cũng bực mình cho mà xem.

Tôi cảm thấy khóe miệng của mình nhếch lên và liếc sang anh chàng Chủ Rừng. Đúng giây phút ấy, anh ta nhìn tôi.

Anh ta cũng mỉm cười. Và…

Không thể nào mô tả được nụ cười đó mà không đắm mình vào thế giới tuyệt diệu của những điệu luân vũ cổ điển.

Trong nụ cười đó, có một vầng mặt trời, những quả dâu rừng, tiếng véo von của lũ chim và ánh phản chiếu lấp lánh của mặt hồ trên núi. Anh chàng Chủ Rừng dành nó cho tôi, tự tin và hãnh diện, tựa như một chú bé giơ ra món quà sinh nhật được gói xộc xệch. Miệng tôi vẫn ngoác ra đến tận mang tai. Và một hồ quang ánh sáng hiện ra giữa hai chúng tôi, đến giờ tôi vẫn còn dám lấy đầu mình ra mà thề đấy – một hồ quang xanh giống như cái mà thầy giáo vật lý của tôi đã tạo ra bằng thiết bị gì đó. Nó tồn tại trong suốt ba tiếng đồng hồ, hay ba giây gì đó.

Sau đó mỗi chúng tôi lập tức quay mặt nhìn thẳng phía trước, một lượt cùng nhau, tựa như bị giật bởi cùng một sợi dây. Đám mây kéo đến che khuất mặt trời, và phía sau đôi mi khép chặt, tôi tua lại thước phim chiếu chậm quay nụ cười của anh ta.

Nếu như cô bạn thân nhất và cũng là duy nhất của tôi, Mӓrta, kể cho tôi về nụ cười giống như thứ chúng tôi vừa trao nhau, anh chàng Chủ Rừng và tôi ấy, thì tôi đã tự bảo mình đó lại một lần nữa là minh chứng cho khả năng tô hồng sự thật của cô ấy.

Tôi ước gì mình có được khả năng đó. Đối với tôi, khi một đứa bé mỉm cười, tôi có khuynh hướng tự nhủ rằng đó là một phản xạ. Một ngôi sao băng chắc chắn chỉ là một vệ tinh truyền hình bị rơi, tiếng hót của lũ chim ẩn chứa đầy sự đe dọa dành cho kẻ xâm nhập, và Chúa trời chưa bao giờ tồn tại, ít nhất là không ở đây và vào thời điển này.

“Tình yêu” là nhu cầu đa dạng hóa mớ gen di truyền của giống loài chúng ta, chứ nếu không thì chỉ cần các cá thể giống cái tự nhân lên theo kiểu trinh sản.

Lẽ dĩ nhiên tôi biết những lực hút đáng kinh ngạc tồn tại giữa nam và nữ. Nàng trứng nằm chờ sẵn bên trong chúng tôi, và tất cả những gì nàng muốn là được thụ tinh với một chú t*ng trùng thích hợp. Ngay khi có một chú đến gần, cỗ máy hộc lên và bắt đầu rung.

Nhưng tôi đâu có ngờ vỏ bọc của chú tinh tùng kia lại có một nụ cười như thế! Nàng trứng bắt đầu ngọ nguậy trong tôi, cô nàng nhấp nhổm, bệp bềnh, nhào lộn và phát tín hiệu: “Ở đây! Ở đây này!”.

Tôi những muốn quát cô nàng: “Ngồi yên. Đừng có manh động!”.

Tôi quay mặt đi và kín đáo liếc bàn tay của anh chàng Chủ Rừng đặt trên băng ghế. Anh ta không ngừng mân mê một cái móc khóa Volvo bằng ba ngón tay của mình.

Ở vị trí của ngón đeo nhẫn và ngón út chỉ còn lại đầu nối khớp xương. Bàn tay anh lấm đất, có thể cả xăng dầu nữa, mu bàn tay thì nổi đầy gân xanh. Tự dưng tôi muốn hít thử đôi tay anh ta và chạm môi nên những cái khớp cụt ấy.

Thôi nào, cần phải tự chấn chỉnh ngay! Đây là chuyện xảy ra sau một thời gian sống thiếu đàn ông chăng?

Đứng phắt dậy, tôi chộp lấy chiếc túi và co chân chạy thẳng ra cổng nghĩa trang, nhảy qua những tảng đá lát mộ và hàng giậu thấp.