Ở nhà, cơn khủng hoảng diễn ra lâu hơn, ồn ào hơn và nặng nề hơn thường lệ. Bây giờ đã là cuối tháng Sáu, vẫn chẳng trường nào chịu nhận tôi vào tháng Chín.

Bố mẹ tôi tuyệt vọng, quay ra cãi cọ chì chiết lẫn nhau. Thật là mệt mỏi. Còn tôi, mỗi ngày, tôi lại càng thu mình lại thêm một chút. Tôi tự nhủ, nếu tôi cứ cố gắng thu mình lại thế này, cố gắng để mọi người quên đi sự tồn tại của tôi như thế này, có lẽ một ngày nào đó, tôi sẽ biến mất hoàn toàn và thế là mọi vấn đề của tôi đều được giải quyết.

Tôi bị đuổi học ngày 11 tháng Sáu. Ban đầu, tôi lê lết ở nhà cả ngày. Buổi sáng, tôi xem kênh 5 hay xem chương trình Mua sắm từ xa (họ luôn giới thiệu những thứ đồ hay kinh khủng) còn buổi chiều tôi đọc lại những cuốn truyện tranh cũ hoặc loay hoay với bộ tranh ghép hình gồm 5,000 mảnh tôi được dì Fanny tặng.

Nhưng chẳng bao lâu tôi bắt đầu thấy chán. Phải tìm ra một cái gì đó khác để đôi bàn tay của tôi có việc làm... Thế là tôi đi kiểm tra vòng quanh nhà xem có thứ gì cần sửa không. Tôi vẫn thường nghe mẹ phàn nàn về chuyện ủi đồ, mẹ bảo ước mơ của mẹ là có thể ngồi để ủi. Thế là tôi bắt tay vào giải quyết vấn đề.

Tôi tháo chân của cái giá ủi đồ ra vì nó nằm chắn khiến cho người ta không thể đưa chân vào phía dưới được, tôi tính toán độ cao, rồi tôi gắn cái giá lên trên bốn cái chân bằng gỗ, giống như một cái bàn làm việc bình thường. Sau đó, tôi tận dụng bốn cái bánh xe lấy từ một cái bàn có chân lăn cũ mà tôi nhặt được tuần vừa rồi trên vỉa hè đối diện, gắn chúng vào một cái ghế đã lâu không còn sử dụng. Thậm chí, tôi còn sửa lại cả cái khay đặt bàn ủi, vì mẹ tôi vừa đổi sang dùng một cái bàn ủi loại mới. Mẹ mua một cái bàn ủi hơi nước hiệu Moulines, và với cái bàn ủi mới này, tôi đoán cái khay cũ không còn đủ chắc. Phải mất đúng hai ngày tôi mới làm xong. Sau đó, tôi chuyển sang cái mô-tơ máy cắt cỏ. Tôi tháo rời từng bộ phận ra, lau cho sạch, sau đó mới lắp trở lại, bây giờ thì bật công tắc là nó khởi động ngay. Trước đâu tôi nói bố không tin, nhưng tôi vẫn biết không cần mang ra trả ở cửa hàng Jardiland, nó không chạy chỉ là do máy móc bị bám bẩn thôi.

Tối hôm đó, vào bữa ăn, không khí trở nên nhẹ nhàng hơn. Mẹ làm cho tôi một cái bánh croque-madame 7, món yêu thích nhất của tôi, còn bố thì đã không bật ti-vi lên.

Bố là người nói đầu tiên:

- Con thấy không, điều làm bố mẹ khó nghĩ nhất đối với con, nhóc ạ, đó là thực ra con cũng có khả năng đấy chứ... Nào, thế bố mẹ có thể làm gì cho con đây, làm gì để giúp con đây? Con không thích đến trường, đó là một chuyện. Nhưng tất cả trẻ con đều phải đến trường, đó là điều bắt buộc, cho đến năm 16 tuổi, con biết chứ?

Tôi gật đầu.

- Đó là một cái vòng luẩn quẩn: con càng không chịu học bài, con càng ghét đến trường; con càng ghét đến trường, con càng ít chịu học bài... Con sẽ thoát ra khỏi cái mớ bòng bong đó thế nào đây?

- Con sẽ đợi đến khi đủ 16 tuổi, và con sẽ bắt đầu làm việc.

- Ối trời, con mơ à! Ai sẽ tuyển con đây?

- Không ai cả, con biết, nhưng tự con sẽ phát minh ra nhiều thứ, và con sẽ sản xuất ra nhiều thứ khác nữa. Con không cần nhiều tiền lắm để sống.

- À, cái này thì bố không tin đâu! Tất nhiên rồi, con không cần phải giàu có như chú Picsou 8, nhưng dù sao con cũng sẽ cần nhiều tiền hơn là con tưởng đấy. Con cần tiền để mua dụng cụ này, mua một cái xưởng này, một cái xe tải nhỏ này... và còn gì nữa nhỉ? Thôi cũng không quan trọng, hãy tạm gác chuyện kiếm tiền sang một bên, lúc này đó không phải là điều làm cho bố lo lắng. hãy nói về việc học của con đi... Grégoire, đừng có nhăn mặt như vậy, nhìn bố đây này. Con sẽ chẳng làm được gì nếu không có một vốn kiến thức tối thiểu. Hãy tưởng tượng con phát minh ra một cái máy hay tuyệt vời. Con phải nộp hồ sơ đăng ký bằng sáng chế cho nó đúng không nào? Và thế thì con phải viết bằng tiếng Pháp sao cho đúng chính tả... Và rồi, đâu phải cứ thế mà đã được coi là một phát minh đâu, phải có bản vẽ, tỉ lệ, thông số hẳn hoi, thế thì người ta mới cho là nghiêm túc, nếu không, con sẽ đánh cắp mất ý tưởng chỉ trong...

- Bố nghĩ vậy sao?

- Không chỉ là nghĩ, bố chắc chắn như vậy.

Tất cả những điều đó khiến cho tôi bối rối, một cách mơ hồ, tôi cảm thấy bố nói đúng.

- Bởi vì, bố mẹ biết không, con đang có một phát minh, nó có thể đảm bảo cho sự giàu có của con, của các con con, và thậm chí có thể cả của bố mẹ nữa...

- Phát minh gì thế? - Mẹ tôi vừa mỉm cười vừa hỏi.

- Bố mẹ hứa tuyệt đối giữ bí mật chứ?

- Tất nhiên rồi. - Họ nói cùng một lúc.

- Bố mẹ thề đi.

- Bố xin thề.

- Mẹ cũng vậy.

- Không, mẹ phải nói "Mẹ xin thề" cơ.

- Mẹ xin thề.

- Được rồi, thế này nhé... Thực ra phát minh của con là một đôi giày được thiết kế đặc biệt dành cho những người leo núi... Sẽ có một cái gót giày nhỏ tháo lắp được. Khi leo núi, ta sẽ để nó ở vị trí bình thường, khi đi trên nền đất phẳng, ta tháo nó ra, và đi xuống, ta sẽ lắp nó trở lại, nhưng không phải ở vị trí cũ, mà lắp ở phía trước, ngay dưới các ngón chân , như thế, ta sẽ luôn được cân bằng...

Bố mẹ tôi tán đồng.

- Được đấy, phát minh của nó không ngớ ngẩn chút nào đâu. - Mẹ nói.

- Con cần phải liên kết với một công ty chuyên về đồ thể thao như Décathlon...

Tôi rất vui khi thấy bố mẹ quan tâm đến tôi. Nhưng niềm vui nhanh chóng tắt ngủm khi bố tôi nói thêm:

- Và để kinh doanh được phát minh tuyệt vời của mình, con cần phải giỏi toán, giỏi tin học và giỏi về kinh tế... Con thấy không, ta lại quay trở lại điều bố vừa nói hồi nãy...

Tôi đã tiếp tục loay hoay như vậy cho đến cuối tháng Sáu. Tôi giúp hàng xóm mới của chúng tôi dọn dẹp vườn. Tôi nhỏ cỏ dại nhiều đến nỗi các ngón tay tôi sưng lên và tái đi, chẳng khác gì bàn tay của nhân vật Hulk 9.

Hàng xóm của chúng tôi là ông bà Martineau. Họ có một đứa con trai, Charles, nó lớn tôi đúng một tuổi. Nhưng nó và tôi không hợp nhau. Suốt ngày nó ngồi ôm dính lấy bộ đồ chơi điện tử hoặc dán mắt vào mấy bộ phim truyền hình nhiều tập ngu xuẩn của nó, và mỗi khi mở miệng ra nói chuyện với tôi, nó chỉ hỏi đúng một câu là năm sau tôi sẽ học lớp mấy. Nó hỏi như vậy vài lần, cuối cùng điều đó là tôi phát cáu.

Mẹ tôi tiếp tục gọi điện thoại đi khắp nơi hy vọng tìm được một trường nào đó có được lòng tốt vi đại, vô bờ bến để hạ cố nhận tôi vào học tháng Chín. Mỗi buổi sáng, nhà tôi nhận được hàng tấn tờ quảng cáo nhét trong hộp thư. Những tấm ảnh tuyệt đẹp in trên giấy láng ca ngợi thành tích của mộ trường nào đó.

Những lời lẽ thống thiết và hoàn toàn dối trá. Tôi lật trang, vừa xem vừa lắc đầu, đặc biệt tôi tự hỏi làm cách nào mà họ chụp được ảnh mấy đứa học trò tươi cười như vậy. Hoặc là họ đã trả tiền cho mấy đứa đó, hoặc khi đó họ đang thông báo với chúng rằng giáo viên tiếng Pháp của chúng vừa bị rớt xuống vực. Chỉ có một trường duy nhất khiến tôi có cảm tình, nhưng trường này nằm tận Pétaouchnoque-les-Oies, về hướng Valence. Trên những tấm hình, bọn học trò không ngồi sau bàn học và cười một cách ngớ ngẩn. Chúng đang trồng cây vào chậu trong một nhà kính, hoặc đứng bên bàn mộc và đang cưa những phiến gỗ, và chúng không cười, chúng tập trung làm việc. Nhìn có vẻ không tệ chút nào, nhưng đó là một trường trung học kỹ thuật. Cơn đau trong bụng tôi bất thình lình quay trở lại.

Bác Martuneau có một đề nghị với tôi: giúp bắc ấy thay lớp dán tường đã cũ và đổi lại, bác ấy sẽ trả lương cho tôi. Tôi đã đồng ý. Chúng tôi đến cửa hàng Kiloutou để thuê hai cái máy gỡ giấy dán tường bằng hơi nước. Vợ bác ấy và Charles đã đi nghỉ hè còn bố mẹ tôi đều đi làm. Chúng tôi được thoải mái làm việc.

Chúng tôi hoàn thành rất tốt công việc; nhưng phải nói là mệt vô cùng! Nhất là giữa cái nóng cao điểm của mùa hè. Trong bóng râm nhiệt độ cũng đã đến 30 độ C, ấy vậy mà chúng tôi phải đứng trong hơi nước nóng, khỏi phải nói quý vị cũng biết rồi đấy... Hệt như một cái phòng tắm hơi vậy! Tôi đã uống bia lần đầu tiên trong đời và tôi không thích vị của nó tí nào.

Ông Léon-cao-lớn của tôi tình cờ đi ngang qua đó và đã vào giúp chúng tôi một tay. Bác Martineau vui lắm. Bác ấy nói: "Chúng tôi là dân lao động cơ bắp, còn ông, ông đúng là một con người tài giỏi, ông Dubosc ạ..." Quả thật, ông của tôi đã kiểm tra và chấn chỉnh mọi trục trặc của hệ thống đường ống và mạng điện trong nhà, trong khi chúng tôi mồ hôi nhễ nhại và luôn miệng tuôn ra hàng tấn những lời thô tục.

Bác Martineau rất hay nói: "merdus merda merdum merdorum merdis merdis 10" (đó là tiếng La Tinh).

Cuối cùng, bố mẹ đăng ký cho tôi học ở trường cấp hai Jean-Moulin, ngay gần nhà tôi. Ban đầu, họ không muốn để tôi học ở đó vì tiếng tăm của trường này không được tốt lắm. Nghe nói chất lượng học tập chẳng ra gì, còn học sinh thì trấn lột tiền của nhau, nhưng họ chẳng còn lựa chọn nào khác bởi vì đâu là trường duy nhất nhận tôi vào học. Họ đã nộp hồ sơ của tôi vào trường, còn tôi thì đi chụp hình thẻ ngoài máy chụp hình tự động. Nhìn mặt tôi trên mấy tấm hình bé xíu này thật xấu xí. Tôi tự nhủ chắc trường Jean-Moulin sẽ phải cảm thấy hài lòng vì đứa học sinh họ mới tuyển: một thằng con trai mười ba tuổi học lớp sáu với đôi tay của Hulk và cái đầu của Frankenstein 11... Quả là một chuyện tốt đẹp!

Tháng bảy trôi qua nhanh như chớp. Tôi đã học cách dán giấy dán tường. Tôi học cách trát hồ lên suốt khổ giấy (tôi mới học được từ "khổ"). Tôi học cách gấp nó lại cho đúng, học cách dùng cây lăn để ép sát hai bên mép giấy và học cách bồi cho kỹ để tránh bị rộp. Tôi đã học được cả tá thứ. Bây giờ, tôi có thể nói rằng tôi đã là một chuyên gia về hồ dán Perfax và giấy dán tường có sọc. Tôi đã giúp ông tôi gỡ những sợi dây điện bị rối và kiểm tra xem thiết bị có hoạt động không:

- Được chưa?

- Chưa ạ.

- Thế bây giờ?

- Không ạ.

- Chết tiệt. Còn bây giờ?

- Được rồi ạ.

Tôi đã làm những ổ bánh mì kẹp dài sau mươi centimét, đánh véc-ni cửa, thay cầu chì và nghe chương trình Những Cái Đầu Thông Minh 12 trong vòng một tháng. Một tháng hạnh phúc.

Gái như mọi thứ cứ như thế này mãi, và vào tháng Chín tôi lại bắt đầu một công việc mới với một ông chủ mới... Trong lúc ngồi gặm ổ bánh mì kẹp xúc xích tôi đã nghĩ như thế: còn thêm ba năm nữa, rồi tạm biệt nhà trường.

Ba nắm, sẽ dài lắm.

Còn có một chuyện khác khiến cho tôi lo lắng, đó là sức khỏe của ông Léon-cao-lớn của tôi. Càng ngày ông càng ho nhiều hơn, những đợt ho mỗi lúc một kéo dài và ông phải ngồi xuống bất cứ lúc nào. Bà đã bắt tôi phải hứa sẽ ngắn không để ông hút thuốc nữa nhưng tôi không tài nào làm được điều đó. Ông bảo tôi:

- Hãy để lại cho ông thú vui này, Toto 13. Sau này, ông sẽ chết và chẳng còn làn được gì.

Những câu tả lời kiểu làm cho tôi tức chết đi được.

- Không, Toto, chính tại thú vui này mà ông sẽ chết mất!

Ông cười:

- Từ khi nào cháu tự cho mình gọi ông là Toto vậy, Toto?

Khi ông mỉm cười với tôi như vậy, tôi nhớ ra rằng ông là người tôi yêu quý nhất trên đời và rằng ông không có quyền được chết. Không bao giờ.

Ngày cuối cùng, bác Martieau mời ông và tôi đến ăn tại một nhà hàng rất ngon, và sau khi uống cà phê, họ đã hút hai điếu xì-gà to bự. Tôi không dám nghĩ đến việc Lolotte của ông sẽ đau lòng thế nào nếu bà nhìn thấy cảnh này...

Khi chào ra về, bác hàng xóm chìa cho tôi một phong bì:

- Cháu cầm lấy. Cháu rất xứng đáng với nó...

Tôi không mở phong bì ra ngay. Khi đã về đến nhà, ngồi lên giường, tôi mới mở nó ra. Ở trong có hai trăm euro. Bốn to giấy bạc màu vàng cam... Nó làm tôi choáng váng, cả đời tôi chưa bao giờ có, thậm chí chưa bao giờ nhìn thấy nhiều tiền đến thế. Tôi không muốn nói cho bố mẹ biết bởi thế nào họ cũng lải nhải cả ngày bắt tôi bỏ vào sổ tiết kiệm cá nhân của tôi. Tôi giấu mấy tờ giấy bạc vào một chỗ mà chẳng ai trên đời có thể ngờ đến, và sau đó tôi bắt đầu suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ...

Tôi có thể mua cái gì cho mình với số tiền này nhỉ? Mua mấy cái động cơ cho những mô hình tôi đang thiết kế? (Mấy cái máy đó đắt còn hơn da... ở... da lưng 14). Hay là truyện tranh? Hay là phần mềm "Một trăm ý tưởng thiết kế tuyệt vời"? hay là một cai áo khoác hiệu Timberland? Hay một cái cưa máy hiệu Bosch?

Bốn tờ giấy bạc đó làm cho tôi cảm thấy chóng mặt, và tối ngày 31 tháng Bảy, khi gia đình tôi chuẩn bị khóa cửa rời khỏi nhà đi nghỉ hè, tôi đã loay hoay hơn một tiếng đồng hồ để tìm một chỗ giấu chắc chắn. Tôi chẳng khác gì mẹ tôi, bà cầm trên tay bộ gia cắm nến củ bà cô, đi vòng vòng khắp nhà tìm chỗ giấu. Tôi nghĩ rằng cả mẹ và tôi đều hơi bị tức cười. Tôi biết bọn trộm bao giờ cũng tinh khôn hơn chúng tôi...