Âm Vang

Chương 22: Trở về

1.

Buổi sáng trước khi mở cửa, Trình Hi lại đi tuần như thường lệ.

Bắt đầu từ tầng hai cho đến tầng trên cùng. Càng gần phòng VIP thì lòng lại bất an – sáng nay ra ngoài không gặp người ở công ty địa ốc, liệu có chực chờ ở rạp chiếu phim không?

Quả nhiên, vừa đặt chân lên hành lang thì đã thấy cửa mở, trong phòng có ánh sáng.

Trình Hi không nghĩ bọn họ sẽ làm gì ở ngay trong rạp phim, nhưng vẫn không tránh khỏi thấp thỏm, xác nhận bộ đàm đã bật, cô chậm rãi đi vào…

Không có ai?

Cô đứng trước cửa một lúc, do dự rồi mới đi vào, bất thình lình có người đứng dậy từ giữa hàng ghế cuối…

Là chị lao công, trong tay còn xách bịch rác, ôm ngực nhìn cô: “Quản lý Trình?”

“… Tối qua không dọn vệ sinh à?”

“Hôm qua trong nhà có chuyện, tôi xin nghỉ trực tiếp với giám đốc.”

“À…” Cô đi tới, nhìn bịch rác trong tay, hỏi, “Dạo này ban ngày đang cho thuê, ắt cũng không có rác xả.”

“Chưa chắc đâu, trưa hôm trước bọn họ cũng ở đây, gọi đồ ăn bên ngoài rồi còn bảo tôi dọn dẹp.”

Chị lao công bất mãn từ lâu, lần này như tìm được cơ hội trút giận: “Thời gian trước cô không ở đây nên không biết đấy thôi, tôi dọn dẹp rạp phim chưa xong còn phải dọn giúp họ. Có lúc bọn họ tự chiếu phim, uống bia, ăn lạc rồi bày bừa khắp nơi, mà thảm trải ở đây khó dọn chứ dễ gì, tôi quét mãi còn không sạch.”

Trình Hi cũng chỉ mong tìm được lý do để chấm dứt hợp đồng, thế là hùa theo: “Chúng ta chỉ cho bọn họ thuê phòng họp, như thế là làm bậy, hơn nữa còn tự ý chiếu phim, động chạm đến vấn đề bản quyền… Để đấy tôi nói chuyện với bên công ty địa ốc, nếu thuê được thì thuê, không thuê thì hủy hợp đồng.”

Chị lao công liên tục phụ họa, sau đó lại thở dài: “Chúng tôi cũng chẳng biết ký hợp đồng thế nào, không ai dám rớ vào…”

Trình Hi nghe ra ẩn ý đằng sau, chợt cảm nhận được gì đó. Rạp chiếu phim luôn trong trạng thái nửa chết nửa sống, sau đó lại nhận được hạng mục cho thuê dài hạn, lại được tổng công ty phê duyệt cái rẹt, đúng là khiến người khác phải nghĩ nhiều.

“Chỉ là hợp đồng bình thường thôi.”

Cô nói rồi toan đi, nhưng nghĩ thế nào lại dừng bước. Dựa theo cách nói của chị lao công, thời gian trước bọn họ vẫn “đóng cọc” tại phòng VIP, không biết điện thoại đang ở đâu, vừa bị động lại không có phương hướng.

Nhưng chỉ mới hai ngày mà mục tiêu đã nhanh chóng chuyển sang mình, rốt cuộc trong thời gian đó đã xảy ra chuyện gì? Là ai tiết lộ?

Người mà Lý Tư Tề từng nhắc… là chị lao công đây sao? Trình Hi mang theo nghi ngờ, buột miệng hỏi: “Chị này, bình thường bọn họ ở đây làm gì, ngoài xem phim ra?”

“Chẳng thấy làm gì cả. Hình như bị mất gì đó, thường đi loanh quanh tìm kiếm, lần trước còn di chuyển thang. Tôi đã bảo là tôi không nhặt được gì rồi, lúc dọn dẹp cũng không thấy gì đáng giá.”

Chị ta nhấn mạnh, lại nói: “Tôi bảo bọn họ kiểm tra phía sau màn chiếu đi, dễ có khi bất cẩn đá vào đó, không phải lần trước cô tìm được điện thoại ở sau màn chiếu à, người bình thường có ai đoán ra.”

Trình Hi vừa nghe thế, hai mắt lập tức trợn tròn: “Chị nói gì?”

“Thì… thì là chiếc điện thoại lần trước, không phải cuối cùng cô tìm được ở sau màn chiếu hả?”

“Chị nói với họ như vậy? Còn nói gì nữa không?”

Chị lao công không biết mình đã làm gì sai, cau mày nói: “Tôi không nói gì cả, tôi cũng không nhớ.”

Đầu óc Trình Hi kêu ong, túm chặt tóc… Đúng là chị lao công tiết lộ thật rồi, chị ta thường ở phòng lao công, không biết chuyện “điện thoại đã được nhận về”.

Chưa chắc đằng sau mỗi sự kiện đều là một âm mưu kinh thiên động địa, mà đôi khi chỉ là nhầm lẫn chết tiệt.

“Lúc nãy chị nói di chuyển thang là sao?” Đúng là trên tường treo mấy thiết bị âm thanh, chẳng lẽ cho rằng trên đó sẽ xuất hiện điện thoại di động? Hay là … Ngoài điện thoại di động còn có cái gì?

“Tôi cũng bực mình đây, tôi nói bọn họ mất cái gì mà còn phải leo lên đó?”

“Chị kêu người đưa thang đến đây tôi xem thế nào.”

Một lúc sau, Lý Tư Tề đem thang tới, Ngô Du phụ một tay, hai người đi vào phòng chiếu phim.

Trên đường đến đây cậu ta đã nghe chị lao công nói, nên khi nhìn vào mắt Trình Hi thì biết mình đã đoán đúng, quả nhiên là chị lao công.

Mà cũng chẳng phải đoán… Trong lòng Lý Tư Tề biết rất rõ, mà rõ bao nhiêu càng ngạc nhiên bấy nhiêu, bất giác nhìn sang Ngô Du.

Cô nàng vẫn thản nhiên như không, nói: “Sao lại dùng đến cái thang này nữa.”

“Hả?”

“Không phải người bên địa ốc mới dùng à, hôm đó chuyển từ nhà kho ra, không biết làm gì nữa, em cứ tưởng chỉ có bộ phận kỹ thuật tới lắp đặt mới cần sử dụng thang chứ.”

Suy nghĩ của Trình Hi vẫn giới hạn tại “tìm đồ vật” mà không nghĩ đến “lắp đồ vật” – nếu mượn thang là để lắp đặt, vậy muốn lắp gì đây?

Mọi người tìm quanh, cuối cùng phát hiện một chiếc máy quanh được gắn dưới loa.

2.

Trên màn hình Ipad là khuôn mặt dí sát của Lý Tư Tề. Cậu ta há miệng, giọng vọng đến từ phía sau: “Hình như là máy quay.”

Ba người bên dưới ngẩng mặt lên. Trình Hi ngơ ngác, cau mày nói: “Gỡ xuống được không?”

Sau đó hình ảnh bị một bàn tay che lại, đi đôi với tạp âm giọng của Lý Tư Tề: “Không được, phải tìm thợ gỡ.”

“Vậy cậu chặn máy quay lại đi.”

Màn hình bị ngón tay che phủ, nhưng âm thanh vẫn đang truyền tới.

“Tìm băng dính, băng hai mặt cũng được… Băng cá nhân băng cá nhân, cầm lấy.”

Lý Tư Tề đưa tay ra, lại nhanh chóng dán cái gì đó lên, màn hình lập tức tối sầm.

“Mọi người nói xem máy quay này có thu tiếng không?”

Đây là câu cuối cùng từ Ipad.

Một lúc sau, Trình Hi đặt nó xuống, cầm điện thoại di động gọi đến công ty, giải thích trước mọi chuyện.

3.

Trình Hi biết rõ trong phòng VIP không lắp đặt thiết bị theo dõi, có thể do ít suất chiếu, có thể do tính riêng tư, có thể vì vài chuyện mờ ám – nếu không sao lại phát hiện áo ngực dưới ghế.

Cũng vì thế nên cô mới dám yên tâm vào đây ngủ trưa, cũng có thể nhường phòng cho “cuộc họp ban lãnh đạo” thuê.

Chắc chắn máy quay này được ai đó tự lắp riêng.

Máy quay ghi lén không phải chuyện nhỏ ở rạp chiếu phim. Trình Hi nắm sơ hở này báo lên tổng công ty, lại yêu cầu người phụ trách ở công ty địa ốc tới nói chuyện.

Đối phương liên tục phủ nhận, thái độ cực kỳ nghiêm túc. Nhưng trong lúc đàm phán, Trình Hi phát hiện anh ta không hề biết sự thật, không có phản ứng gì trước ám chỉ về điện thoại, càng không biết đã có chuyện gì ở rạp chiếu phim.

Thậm chí từ sau khi ký hợp đồng, anh ta còn chưa từng đến đây lần nào.

Cứ như chỉ là người trung gian trong chuyện thuê rạp chiếu phim.

Hai bên giằng co không đâu vào đâu, pháp vụ ở tổng công ty kịp thời can thiệp, sau này máy quay bị gỡ xuống, xác định chấm dứt hợp đồng.

Trình Hi thở phào, dù vậy vẫn chưa yên tâm. Cô hỏi người phụ trách, người ở lại rạp chiếu phim mỗi ngày có phải là nhân viên của công ty địa ốc không? Ai dè lại nhận được câu trả lời phủ định.

Rốt cuộc người đe dọa mình là ai, người sau lưng anh ta là ai?

Mà cho dù là ai đi nữa, có vẻ đối phương vẫn không hiểu rõ cơ chế sử dụng điện thoại, không có đầy đủ tin tức nên mới liên tục thăm dò…

Buổi tối, Trình Hi và Tưởng Kim Minh lại gọi điện, lược kể chuyện đã xảy ra vào hồi sáng, dặn anh chú ý xem năm đó có còn ai biết tới sự tồn tại của điện thoại không.

Đây là lần thứ hai bọn họ nhắc đến đề tài này.

Tưởng Kim Minh không dám tin Sử Sùng, nhưng cũng không nghĩ ra là ai, anh im lặng.

“Nói chuyện khác đi. Chúng ta cần có phương thức liên lạc dự phòng, ở con hẻm sau số 76 đường Đàn Viên có một quán bar, anh để lại giấy nợ, còn có ảnh chụp chung với Sử Sùng đúng không?”

“… Câu lạc bộ của chị Tường?”

“Vốn dĩ nó không tồn tại, về sau thay đổi mới xuất hiện, các anh đã làm gì à?”

Trong thế giới của Tưởng Kim Minh, câu lạc bộ vẫn mở ở sau hẻm, cũng đã có tuổi đời, nếu 20 năm sau không tồn tại thì có lẽ đã đóng cửa chuyển đi, vô cùng bình thường.

Nhưng vì hành động nào đó của mình nên đã khiến nó vẫn chạy tới năm 2020?

Tưởng Kim Minh cố gắng nhớ lại, bỗng sực nhớ chuyện mình và Sử Sùng uống rượu gần đây: “Cái lần bọn tôi chụp tấm ảnh đó có nhắc tới chuyện mua nhà ở Giang Nam, hình như chị Tường cũng cảm thấy hứng thú, Sử Sùng nói giá nhà sẽ tăng, chị ấy mua rồi có thể sang lại câu lạc bộ…”

Nói đến đây, anh lại cảm thấy không thể có chuyện đó được, bèn nói lảng đi: “Nhưng tôi nghi lắm, làm gì có chuyện nhà cửa tăng nhiều như thế, ai cũng có nơi để ở, rõ ràng chỉ là lời chiêu dụ của mấy nhà phát triển, cậu ta cũng khuyên mẹ tôi như thế…”

“Giá nhà năm 2000 bao nhiêu, anh có biết bây giờ bao nhiêu không Kim Minh!”

Trình Hi không nhịn được ngắt lời.

Nhưng thốt ra câu đó xong lại cảm thấy thân thiết, cô ngạc nhiên, ho một tiếng: “Có lẽ chính là thay đổi như thế, chị ấy không bảo thủ như anh nên mới mua nhà, sang lại câu lạc bộ, khai trương cho tới bây giờ.”

Tưởng Kim Minh sửng sốt, ngắc ngứ nói: “A… là thế à.”

“Anh cũng mua nhà đi, không lỗ đâu.” Trình Hi nghĩ, dù gì về sau hiệu trưởng Quý cũng chuyển nhà thật. Nhưng lúc này cô lại không hề để ý, khi thời gian xoay tròn, chính lời nói ấy của mình đã biến thành nguyên nhân.

Cô lại nhớ đến một chuyện khác, liên quan tới Giang Nam: “Anh nói Sử Sùng phụ trách phát triển bất động sản ở Giang Nam à?”

“Hình như thế… Cậu ta làm quy hoạch.”

“Lúc đó các anh đã nói những gì?”

Tưởng Kim Minh cố gắng nhớ lại. Nếu như nối lại, có thể sẽ có manh mối trong việc thay đổi nhà của Lý Tư Tề…

Xã khu Phục Viên di dời không thành công, đến nay vẫn còn tồn tại, có thể tưởng tượng năm đó Sử Sùng đã khuyến khích di dời nhưng bị gặp trở ngại.

Vài năm sau, có lẽ do ảnh hưởng gián tiếp của Sử Sùng, hoặc chính anh khiến công ty bất động sản chuyển sự chú ý sang tòa nhà cổ gần đó. So với việc trả tiền đền bù thì cho phép xây thêm hợp lý, đổi thành mấy tòa nhà thương mại, để nhiều thế hệ người dân không cần chen chúc sống chung nữa, mọi người chia nhỏ thành những ngôi nhà nhỏ, đây là giải pháp khả thi và hiệu quả hơn về chi phí.

Giống như Tưởng Kim Minh đã nói, “bảo bọn họ tự đi mà xây nhà”.

Ví dụ như nhà biệt lập của Lý Tư Tề.

Trình Hi nghĩ đến điều này, thậm chí còn nghi ngờ rằng khi còn nhỏ, chuyện một viên gạch rơi xuống làm người lái máy xúc bị thương là do xây thêm nhà gây nên.

Sau hai lần thay đổi, con bướm đã vỗ đôi cánh giữa cuộc nói chuyện lần này.

Cô thở dài cái thượt, nói với Tưởng Kim Minh: “Trong tương lai ở quán bar có một bức tường, bà chủ thích sưu tầm những tấm ảnh chụp rồi dán lên tường, có ảnh của anh và Sử Sùng. Nếu không liên lạc được với tôi thì có thể để lại lời nhắn sau tấm ảnh, tôi có thể thấy.”

“Được.” Bây giờ Tưởng Kim Minh vẫn chưa biết tấm ảnh đó đã được rửa ra hay chưa, định mai xuất viện sẽ đi xem.

“À phải rồi, anh kiểm tra thế nào rồi?”

“Tôi không sao hết, có thể xuất viện rồi.”

“Bố anh đã làm kiểm tra chưa?”

“Rồi, khó lắm mới thuyết phục được ông, tối nay sẽ có kết quả.” Tưởng Kim Minh bật cười, “Ông ấy cảm thấy mình rất khỏe, ghét đến bệnh viện, nếu không phải lần này vào chăm tôi thì đúng là khó khuyên lắm.”

Có phải mỗi gia đình đề có một ông bố tự nhận “không gì không thể” không, Trình Hi nhoẻn môi, nói: “Có lẽ mọi ông bố đều như vậy.”

4.

Tối hôm đó, Trình Hi yên tâm đi ngủ.

Phải mất một thời gian dài mà chuyện lần này mới tiến thêm một bước, tuy vẫn còn rất nhiều bí ẩn chưa được giải đáp, nhưng cô tin rồi nó sẽ luôn được tháo gỡ.

Trong lúc thư giãn hiếm hoi, cô có một giấc mơ – về sau Trình Hi phát hiện bất cứ khi nào một thay đổi ảnh hưởng mạnh đến cảm xúc của cô là cô lại nằm mơ.

Đó là con dốc thoai thoải ở lối vào trường mẫu giáo, cô cầm một chiếc Polaroid chầm chậm theo sau hai người già.

Ngày nắng và gió nhẹ, dọc đường đi đâu cũng thấy người chào hỏi đôi vợ chồng già. Hình như Quý Hồng không còn gù lưng nặng nữa, được người bên cạnh dìu bước, vừa đi vừa trò chuyện.

Buổi tối nấu món gì, có đủ ăn không, bao giờ con trai về nhà, hàn huyên những chuyện như thế.

Nhìn theo hai bóng lưng ấy, chợt có ngọn gió thổi qua khiến cô dụi mắt, qua kẽ tay đã thấy họ băng qua đường cái.

Đuổi theo không kịp, hai người già đã đi tới chiếc xe màu đen, một người đàn ông ngồi trên ghế phụ dìu họ lên xe…

Trình Hi tỉnh giấc.

Cô nhớ lại giấc mơ vừa rồi, ý thức được điều gì đó, đứng dậy rời giường xem lại ghi chép của mình.

Chữ viết hôm đó đã thay đổi.

Rõ ràng là đi theo một mình Quý Hồng, nay biến thành đi theo hai vợ chồng Quý Hồng.

Phần sau để trống, Trình Hi nhẹ nhàng miết mặt giấy, tình tiết tới nhà tình cờ gặp hàng xóm cũng đã bị xóa đi.

Những chuyện xoay quanh tầng 5 tòa nhà 3 xã khu Phục Viên đang từ từ được xóa bỏ, trong cuộc sống mới, bố của Tưởng Kim Minh còn sống.

Sáng sớm, Trình Hi ngồi vào bàn, không kìm nén được cảm xúc thăng trầm, cô đã cứu một người, để bố Tưởng vốn đã qua đời vì bệnh nay quay về với vợ, trong hỗn loạn không thời gian và, có lẽ đây chính là chuyện an ủi tốt nhất.

Cô không buồn ngủ nữa, tiếp tục xem các bức ảnh ngày hôm đó, phát hiện bức ảnh chụp bằng Polaroid cũng đã thay đổi.

Người đàn ông ban đầu ngồi ở ghế sau nay chuyển sang ghế phụ, khiến anh ta để lộ góc mặt.

Không phải là Sử Sùng.

***

Giải thích về việc ghi chép nhật ký có thể thay đổi nhưng ghi chép về gấu trúc/búp bê vẫn còn:

– Những ghi chép nhật ký của Trình Hi có thể bị thay đổi bởi vì nhân quả trực tiếp, việc cô viết ra là dựa vào hành động đã trải qua trước khi có sự thay đổi, nên khi sự việc thay đổi thì những nhật ký đó cũng biến mất.

– Ghi chép về gấu trúc/búp bê ngày trước không thay đổi là vì nó không bị ảnh hưởng bởi nhân quả, Trình Hi đã viết câu đó sau khi có sự thay đổi, kịp thời ghi lại trước khi trí nhớ cũ biến mất. (Chẳng hạn nếu lúc này Trình Hi phát hiện ra thay đổi và kịp thời bổ sung: Phải nhớ ban đầu thực chất chỉ có một mình Quý Hồng, thì câu này sẽ không biến mất.) Trừ khi sự thay đổi ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi phát sinh, ví dụ như ngày hôm đó cô không mở vở ra ghi lại ký ức cũ.