Lần đầu tiên đến An Huy, chúng tôi ở lại đó một tháng.

Ý kiến của mẹ và ông bà nội hoàn toàn không thống nhất: Lúc đến đây, bà nội nhất quyết muốn mẹ dẫn cô hai về nhà, nhưng sau khi đến đây, nhìn cuộc sống của cô lúc này, mẹ cảm thấy cô hai ở đây thật sự rất tốt, ông chồng bạo lực của cô ở quê cũng đã tái hôn, huống chi cô hai hài lòng với cuộc sống hiện tại, có chết cũng không chịu trở về, thà rằng sống ở đây. Chú mới nói không sinh con cũng không sao cả, chú có thể xin một đứa trẻ về nuôi.

Mẹ viết thư về nhà, kể tình hình cụ thể cho bà nội và xin ý kiến của bà. Gửi thư, đợi thư, nhận thư, bà nội nhận người thân thích này. (Chỉ là cô hai vẫn không cho về, nói đã một năm không gặp, dù thế nào cũng phải ở thêm vài ngày). Thế là cứ ở lại như vậy, tôi thì chan chứa niềm vui.

Trong kỳ nghỉ hè, Triển Tường là người duy nhất chơi với tôi. Lúc nào anh cũng dẫn tôi theo, cuối cùng tôi cũng ăn thử được củ ấu, vừa ngọt lại mịn như phấn, một củ rồi lại một củ, nó có rất nhiều sừng nhọn, đâm vào tay khiến tôi đau. Cho nên Triển Tường luôn cầm nó, lúc tôi muốn ăn thì cứ nói. Trước tiên anh sẽ dùng răng cắn nhẹ một củ ấu, lại dùng tay tách chúng ra, lấy thịt ấu bên trong cho vào miệng tôi. Thông thường tôi ăn nhanh hơn anh bốc, tôi tha thiết mong chờ nhìn tay anh bị sừng nhọn của củ ấu đâm trúng chảy cả máu, tôi sợ anh sẽ dừng lại. Anh liền cười nói: “Cháu phải tên Củ Ấu mới đúng!”

Anh lên núi cắt cỏ, tôi mặc một bộ váy màu đỏ, lúc mặt trời lặn tôi đứng cạnh đống cỏ khô cao cao chờ anh về, trông ngóng anh mang một món mới lạ từ trên núi về cho tôi. Mấy đứa trẻ đến gảy bím tóc của tôi, lấy chuồn chuồn bắt được trong lưới cột vào dây thun cột tóc của tôi. Cho dù người lớn trong nhà đã liên tiếp dạy bảo bọn chúng phải chăm sóc vị khách nhỏ từ xa đến là tôi đây, nhưng bọn chúng vẫn nghĩ ra rất nhiều cách tiếp tục trêu chọc tôi, hơn nữa càng lúc càng hăng. Bọn chúng gọi một con chó, hướng về chỗ tôi sủa “Wau wau”, thấy tôi nước mắt lưng tròng thét chói tai, bọn chúng cười lớn. Tôi đành đứng lì ra đó, lại nghe được một tiếng huýt, con chó ấy liền chạy đi. Triển Tường vác đầy cỏ trên lưng bước đến, mấy đứa trẻ đó chạy đi hết. Anh ngồi xuống trước mặt tôi, tháo chuồn chuồn trên tóc tôi xuống, cột tóc lại cho tôi một lần nữa rồi kéo tay tôi về nhà.

Hiếm khi thấy anh ngồi, tôi đứng trước mặt anh diễn vai Mộc Quế Anh không phù hợp với tôi chút nào, kéo anh lại gần nhỏ giọng hát khúc ca địa phương: “Ba tiếng pháo ngoài cổng, giống như tiếng sét. Trong Thiên Ba Phủ, ta – Bề tôi bảo vệ đất nước – đi tới đi lui. Đầu đội kim quan, chừa hai làn tóc mai. Áo giáp năm xưa, ta mặc trên người… Con ta gào khóc tại quê nhà, nước mắt rơi, trên võ đài có những trung lương thần tốt và xấu..” Anh nhìn tôi vung tay múa chân, nở nụ cười, rồi cũng nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng.

Tôi xoay người một cái, lại hóa thân thành tiểu thư khuê các hào phú hát: “Châu Phụng Liên ta ngồi trong kiệu, dáng vẻ dịu dàng hớn hở…” Anh nhìn tôi nở nụ cười càng tươi hơn, vẫn không quên trêu chọc tôi: “Tiểu Linh Tử ngồi kiệu hoa rồi!” Sau đó lại đọc [Trường Can Hành] của Lý Bạch:

“Khi tóc vừa buông trán

Hái hoa trước cổng chơi

Chàng cưỡi ngựa tre đến

Quanh giường tung trái mai

Trường Can cùng chung xóm

Cả hai đều thơ ngây”

(Bản dịch của Trần Trọng San.)

Đến vườn tưới rau, tôi luôn muốn ăn đủ thứ, cà tươi, đậu tươi, dưa chuột non luôn làm cho tôi chảy nước bọt, anh thì lúc nào cũng chiều theo ý tôi. Có lúc cảm thán như bà cụ non: “Chỗ của chú vui hơn chỗ cháu nhiều lắm!” Triển Tường liền sẽ ngừng gánh nước, chuyển tầm mắt từ nơi vườn rau xanh mướt về phương xa, anh trầm giọng nói: “Chú cũng sẽ không ở đây mãi. Sau này, chú sẽ đi lên đại học, cháu cũng phải học lên đại học đó.” Tôi không nói gì cả, chỉ ngồi cắn dưa chuột non giòn giã, vị tươi ngọt thấm vào tận tim gan. Anh làm khung cố định cho dây leo bò lên, tôi truyền dây thừng cho anh. Có lúc nhìn thấy trán anh lấm tấm mồ hôi cũng sẽ chạy qua giúp, nhưng tay lại bị cây dưa chuột đâm vào, hoặc là chân bị cây đâm trầy da. Tay anh nâng cổ tay tôi lên, tay còn lại kia múc nước sạch cẩn thận rửa vết thương cho tôi. Có lúc anh sẽ cười nói: “Cháu chỉ biết làm rối hơn thôi, càng giúp càng rối.” Mắt anh phát ra ánh sáng long lanh sáng ngời.

Lúc anh đọc sách, tôi ngồi bên cạnh dựa vào anh giả vờ ngủ. Có lúc chờ, tôi ngủ thiếp đi thật. Anh vẫn ngồi tại chỗ ấy, mãi cho đến khi mẹ ra bế tôi vào ngủ. Ở đây có một ngọn đồi nhỏ như núi. Không lớn cho lắm nhưng đối với đứa sống ở bình nguyên như tôi mà nói thì đó là ngọn núi cao nhất mà tôi từng được gặp. Tôi muốn lên núi, anh nói bây giờ là mùa hè, trên núi có rất nhiều cây cỏ leo, rắn cũng rất nhiều, không lên được. Bất kể tôi nài nỉ như thề nào, anh cũng không nhận lời tôi. Sau đó anh nói, chờ cháu đến đây lần nữa chú sẽ dẫn cháu đi. Tôi nói được.

Tôi thản nhiên thoải mái hưởng thụ vai trò người chú tốt mà Triển Tường đối với tôi, anh nuông chiều tôi. Tôi cảm thấy đây là bổn phận một một người chú phải làm. Thậm chí tôi còn nghĩ, nếu như chú này ở trong nhà của mình thì thật là tốt biết bao, tôi có thể ở bên cạnh anh mãi.

Nhưng cuối cùng cũng có một ngày, mẹ nói với tôi ngày mai phải về nhà. Tôi không biết đây là có ý gì, nhưng lại có cảm giác đau khổ như mất đi thứ mà tôi yêu thích nhất. Ngày hôm đó, sau bữa cơm chiều tôi và Triển Tường ngồi trong sân, tôi vẫn ghé vào tay anh giả vờ ngủ như trước. Rất lâu rất lâu. Những người lớn trong nhà cuối cùng cũng trò chuyện xong, mẹ ra ôm tôi. Anh cũng đứng lên theo, xuyên qua cánh tay mẹ, tôi thấy ánh mắt tối đen như mực của anh.

Ngày hôm sau, trong lúc còn ngủ mơ màng tôi bị mẹ đánh thức, mẹ giục tôi mau rời giường. Sau đó, chúng tôi trở về quê hương không có núi, không có nước, không có củ ấu, cũng không có Triển Tường. Lúc đi ra sân, tôi nhìn bốn phía xung quanh, nhưng không thấy Triển Tường đâu.

Triển Tường, lúc đó, đối với một đứa bé như em anh là kỳ tích lớn lao không thể tưởng tượng nổi! Em không thể kiềm chế bản thân nghĩ đến anh. Em đơn thuần, ngây thơ, trong thế giới không tì vết của một đứa bé, em xem anh như là một anh hùng lúc nào cũng có thể đến cứu em! Toàn bộ lòng ngưỡng mộ của một cô bé bảy tuổi là em đã khắc ghi anh ở trong lòng, vĩnh viễn không quên được!