Tôi thực sự đã làm được.

Trong những tháng kế tiếp, anh có đến công ty, nhưng lúc nào cũng rất vội vàng. Bàn làm việc của anh, trở thành nơi trống không. Mỗi lần từ các cửa hàng trở về, anh luôn ở trong phòng hội nghị. Phòng hội nghị lớn, phòng hội nghị nhỏ, phòng trưng bày sản phẩm, trở thành những địa điểm dừng chân ngắn hạn của anh. Gặp các cô gái trong văn phòng, anh vẫn chào hỏi nhã nhặn, lối cư xử của anh toát lên vẻ khiêm tốn thường có trong nghi thức của người Nhật Bản. Tiểu Tần đã quên mất những yêu hận tình thù của mình đối với anh, hoặc là đã có chuyện gì đó vừa xuất hiện khiến cuộc sống đơn điệu của cô ấy trở nên phong phú hơn, vì thế cô ấy không còn giả vờ nũng nịu trước mặt anh nữa, cô nàng chỉ dùng giọng điệu bình thường. Vì một đồng nghiệp cùng phòng nghỉ việc, nên lượng công việc của tôi đột ngột tăng lên. Tôi phải cám ơn phần công việc nặng nề này, bởi vì nó đã phân tán nghị lực có hạn của tôi. Nên khi Triển Tường xuất hiện trước mặt tôi, tôi không có thời gian để dùng ánh mắt dõi theo hình bóng của anh.

Công việc và cuộc sống của chúng tôi, cũng không hề trùng lặp với nhau.

Tôi vẫn viết nhật ký mỗi ngày, và đăng nó ở trên blog. Có đôi khi rất dài, có đôi khi rất ngắn. Và đương nhiên là đặt ở chế độ “tuyệt mật”.

Tôi vẫn theo thầy Nhan học đàn tranh. Sẽ vì một tiết tấu nào đó mà bực bội véo ngón tay của chính mình.

Tôi vẫn tiếp tục gọi điện thoại cho bố mẹ hàng tuần, và gọi cho cô hai hàng tháng.

Thỉnh thoảng tôi sẽ nhận những món quà do Tang Thần tặng, tuy rằng tôi đã từ chối tình cảm của anh ta một cách rõ ràng. Có đôi khi là những món ăn được nhà hàng Nồng Nồng đưa đến mỗi khi tôi tăng ca. Cũng có đôi khi là bộ móng gảy(1) làm từ mai con đồi mồi mà các học viện hay xài.

(1) Bộ móng gảy: bộ móng chuyên dùng để đánh đàn.

Những lúc tâm huyết dâng trào tôi sẽ cùng nhóm người của Tiểu Tần ăn vận những bộ váy dài đi công viên. Lưu lại những hình ảnh của bản thân được chụp ở góc độ đẹp nhất. Nhìn vào máy ảnh cười với chính mình.

Thời tiết mùa hè nóng bức, chúng tôi sẽ đến hồ nước Trường Giang bơi lội, sau đó săm soi đánh giá vóc dáng của nhau khi mặc áo tắm.

Quả xoài đã chín.

Quả vải cũng chín.

Cây trúc đào hết nở lại tàn.

Cứ như vậy cho đến tháng chín.

Vào buổi hội nghị sáng sớm hàng tháng, sếp tổng mặt mày hớn hở nói năng hết sức hùng hồn: “Với việc tuyên truyền quảng cáo trên TV và trên các phương tiện truyền thông khác, các cửa hàng ở Tây Đơn, Hồng Kông, khu vực Hoài Hải, quảng trường Trung Hoa, cùng các cửa hàng độc quyền vừa khai trương ở Lưu Hành Tiền Tuyến (đây là tên của khu trung tâm mua sắm nổi tiếng ở Quảng Châu, Trung Quốc, là nơi tập trung của các cửa hàng nổi tiếng trong và ngoài nước), hơn nữa còn có các cửa hàng phân phối ở Dịch Sơ Liên Hoa, Ốc Dĩ Mã, Vạn Ninh, Sa Sa, cờ công ty (cờ công ty là biểu tượng tượng trưng cho toàn thể công ty, dùng để tuyên truyền quảng cáo cho các sản phẩm của công ty) nổi tiếng dưới ba nhãn hiệu, trong phạm vi toàn quốc độ nổi tiếng của công ty đã đạt đến 41%. So với lượng tiêu thụ “Kiện Nhi Mỹ” của Watsons, bốn loại sản phẩm của công ty chúng ta vinh quang nhận được giải vàng. Tính đến cuối tháng tám, lượng tiêu thụ trong nước đạt đến 109%, ngoài nước đạt đến 134%, toàn thể công ty đạt đến 73%, phù hợp với các mục tiêu tiêu dùng, bình thường là 66,6%. Hơn nữa chỉ trong bốn tháng mà chúng ta đã đạt được thành quả như thế, đây quả là một con số khiến người khác phấn chấn. Tất cả đều nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ của mọi người, dĩ nhiên, phải cám ơn đến bộ phận tiêu thụ và các nhân viên trong đơn vị hành chính. Vì vậy, tiền thưởng tháng này được tăng thêm, cám ơn các vị đồng sự đã làm việc vất vả.”

Tiếng vỗ tay vang lên.

Ngày hôm sau, là thứ sáu, tôi đi Quảng Châu để cài đặt hệ thống kiểm tra độ chuyên cần của nhân sự mới cho hơn mười máy tính trong văn phòng. Lần này tôi cũng không gặp anh. Sau khi giải thích tường tận toàn bộ quá trình lắp đặt và vận hành thử cho đồng nghiệp, cũng đã ba giờ chiều. Anh vẫn chưa về. Tôi chuẩn bị rời đi, thì bị trợ lý của anh cản lại: “Cô Hạ, quản lý Triển nói laptop của anh ấy cũng cần cài hệ thống mới, nhưng hiện tại anh ấy đang tiếp nhận một cuộc phỏng vấn ở bên ngoài nên anh ấy mang laptop theo mất rồi. Phiền cô chờ anh ấy trở về.”

Tôi ngồi trong phòng tiếp tân. Chờ anh. Tâm trạng của tôi lúc này cũng không còn giống lúc chờ anh trở về khi mặt trời lặn của lúc trước nữa.

Bốn giờ. Trợ lí nói với tôi: Vì ngày mai sẽ khai trương cửa hàng flagship của khu trung tâm mua sắm, nên toàn bộ nhân viên hiện giờ đã qua bên đó kiểm tra lần cuối. Quản lý Triển cũng sắp trở về rồi, mời cô đợi thêm một lúc nữa.

Người đi, phòng trống. Ở nơi xa lạ này, chỉ có mình tôi.

Năm giờ. Anh vẫn chưa trở về.

Sáu giờ. Tôi rút tờ giấy A3 ra, dùng son Jelly màu hồng, viết chữ:

Sơn mạt vi vân, thiên niêm suy thảo, họa giác thanh đoạn (Dịch thơ: Núi viền mây nhạt, trời gián cỏ vàng, tiếng còi vọng gác tan đi…)

Thanh âm của anh từ phía sau vang lên: “Thơ của Tần học sĩ.”

Tôi không quay đầu lại, nhưng lại sắp viết hai chữ “tiêu môn” thành hai chữ “tà dương”. Tôi tiếp tục viết, mãi cho đến khi viết xong bài [Mãn Đình Phương], trên tờ giấy trắng nhuốm đầy màu sắc hoa đào. Tôi cầm lên, đọc như học sinh tiểu học ngâm nga bài văn:

Trời gián cỏ vàng,

Núi viền mây nhạt,

Tiếng còi vọng gác tan đi.

Chèo xa tạm gác,

Cùng nâng chén biệt ly.

Lầu Bồng Lai bao chuyện cũ,

Ngoảnh nhìn lại,

Mây khói bốn bề.

Chiều bóng xế,

Quạ đen mấy chấm,

Quanh xóm, nước chảy về.

Hồn lìa!

Giữa lúc đó,

Túi hương thầm cởi,

Giải là nhẹ chia,

Luống mang tiếng bạc tình trong đám ca nhi.

Mai sau bao giờ gặp lại?

Trên tay áo, giọt lệ đầm đìa.

Nơi tình hận,

Thành cao khuất mắt,

Hoàng hôn lửa lập loè.

(Bản dịch của Nguyễn Xuân Tảo.)

(Lời BBT: Giản lượt phần này, vì cơ bản thơ hay ca gì đó tớ và em Alice đều mù tịt)

Đọc xong, tôi vo tròn tờ giấy lại rồi vứt đi, giọng nói mang theo chút châm chọc: “Mừng đồng chí trở về, đây không phải là thơ của Tần học sĩ.”

Anh đặt túi xách lên bàn, tay trái tùy ý cởi caravat ra, cởi vài nút áo trên áo sơ mi. Khi ngồi xuống, trên mặt anh hiện lên vẻ mệt mỏi uể oải.

Anh lấy laptop ra rồi đưa cho tôi, tôi ngồi ở phía đối diện anh bắt đầu làm việc.

Trong phòng rất yên tĩnh. Âm thanh từ bàn phím laptop phát ra không quá lớn. Cuối cùng, khi tôi click vào biểu tượng tắt máy, ấy thế mà anh ngồi ngủ ở trên ghế.

Tôi dựa lưng vào ghế dựa, hai tay khoanh trước ngực, nhìn khuôn mặt ngủ say của anh.

Nhưng vài giây sau, lúc âm thanh báo hiệu tắt máy vang lên, anh lim dim mở mắt. Mơ hồ hỏi: “Xong rồi?”

Tôi đóng máy tính lại, đáp: “Xong rồi.”

Anh đứng dậy, lấy máy tính về, nói: “Tôi đưa em về Trung Sơn.”

“Tại sao?”

Đây là câu nói mà tôi thốt lên khi chưa kịp suy nghĩ. Trong đầu chợt lóe lên, hình ảnh trên cầu thang máy ở sân bay Bạch Vân, tay phải của anh đặt trên thắt lưng của người phụ nữ ấy.

Dường như bị tổn thương bởi câu hỏi của tôi, anh kéo mạnh khóa túi xách lại, nhìn chằm chằm vào tôi: “Em nhất định buộc tôi phải đưa ra lí do mới được sao? Bình thường em cũng đâu có cảnh giác đến như vậy.”

Tôi cúi đầu, tự bản thân mình giải thích: “Không phải ngày mai khai trương cửa hàng flagship sao? Chắc là anh rất bận.”

“Không cần quan tâm. Tôi trở về công ty có chút việc, tiện đường đưa em về.”

Anh mở chiếc xe Teana 7320 màu xanh lam ra. Chính vì thế sau này mỗi khi bắt gặp những chiếc xe có cùng kiểu dáng, cùng nhãn hiệu, tôi đều không có cảm tình với chúng.

Vì là cuối tuần hay cũng có thể vì một nguyên nhân nào đó. Đường phố Quảng Châu bị ùn tắc giao thông rất nghiêm trọng. Anh không nói câu nào. Sau khi nói câu “không cần quan tâm”, xuống lầu, đi đến bãi đỗ xe, lên xe, anh đều không nói câu nào. Tôi cũng vậy.

Trầm mặc. Bầu không khí trong xe, có chút gượng gạo, còn có chút, mờ ám nữa.

Gần tám giờ. Chúng tôi vẫn chưa đến đường cao tốc, chiếc xe ngoan ngoãn dừng tại một nơi nào đó, đằng trước và đằng sau đều là những đoàn xe thật dài. Tiếng còi xung quanh không ngừng vang lên.

Anh chống khuỷu tay trái lên cửa sổ xe, tay thì chống trán, khép hờ mi mắt.

Tôi rất muốn mở cửa xe rời đi. Bởi vì trong không gian nhỏ hẹp này, nếu ở cạnh anh, thì cần phải có dũng khí.

Nhưng, tôi vẫn ở trong xe. Tôi lấy một hộp bánh KFC trứng ra rồi đưa cho anh.

Anh hỏi: “Ở đâu em có?”

“Chủ nhiệm của văn phòng đưa cho tôi. Dù sao tôi cũng đến từ tổng công ty, bọn họ sao dám tiếp đãi hời hợt được.”

Cuối cùng anh cũng nở nụ cười, anh mở ra lấy một cái rồi đưa cho tôi. Tôi lắc đầu. Anh liền đưa vào miệng mình. Vừa nhai vừa nói: “Tôi sắp chết đói.” Giọng điệu chứa đầy vẻ đáng thương.

Anh xuống xe. Đứng uống nước dưới mái hiên bên lề đường. Anh cầm chai nước tinh khiết nhãn hiệu Watsons, nắp màu xanh lam, thân chai rất độc đáo.

Anh giống như quỷ chết đói đầu thai. Tôi nói thầm trong lòng.

Cuối cùng tình trạng kẹt xe cũng kết thúc, anh cũng đã có tinh thần hơn. Anh nói với tôi: “Em hát hí khúc cho tôi nghe đi.”

Kéo kính cửa sổ bằng thủy tinh xuống, trong gió đêm, tôi hát: “Giàu có như hầu gia Tử Trướng, phong lưu như Hồng Yên Tạ phủ, khóa xuân buồn không thả đôi chim yến. Lụa hoa bên cạnh cửa sổ, phỉ thúy đậu ở trên, tôn lên cánh cửa được điêu khắc, đến màn thêu còn vương vấn. Tấm màn phấp phới che cây du, cánh hoa dương bay theo mềm mại, buồn vì mưa rơi rả rích trên hành lang, hận vì gió thổi nhẹ trên lan can, yêu vì ánh trăng xinh đẹp nơi ngoài cửa. Trước Lăng Ba cung, ao xanh ẩn hiện bóng rèm cửa. Gặp nhau có thể không chào chứ? Mười dặm Dương Châu đầy cảnh đẹp, thần tiên xinh đẹp…”

Tiếng địa phương, kèm theo thanh nhạc lúc dài lúc ngắn, anh nghe chưa chắc đã hiểu, nhưng vẻ mặt của anh rất nghiêm túc. Còn có, một chút suy tư nữa.

Trên đường đến trạm thu phí, anh vừa nhận tiền thối, vừa khen ngợi nhân viên của trạm thu phí: “Cô chăm chỉ quá!” Mặc kệ là trêu chọc hay muốn xua đi buồn tẻ, anh cứ bộc lộ chân thực khi ở bên cạnh tôi như thế khiến tôi cảm thấy anh rất đáng ghét.

Khi xe tiến vào trạm xăng, tôi còn tưởng anh muốn đổ xăng cho xe. Nhưng anh lại nói với tôi: “Ở đây mới có nhà vệ sinh.”

Sự cẩn thận của anh, hiện ra rõ ràng trước mặt tôi. Trong nhà vệ sinh, tôi dùng hai tay hứng nước lạnh, rồi vùi mặt vào lòng bàn tay. Mãi đến lúc bước đến bên cửa xe, tôi mới nói lời cám ơn, còn anh nói tạm biệt. Bóng xe biến mất. Bánh xe rời đi mang theo bụi cát, nên cát vô tình rơi vào mắt tôi, nếu không, vì sao tôi lại rơi lệ?