Võ Lâm Ngũ Bá

Chương 62: Dùng Dơ Trị Ác

Cha con Ngõa Tri Phủ được chàng để nằm quay lơ trên mặt án tựa như hai con heo tế thần.

Hoàng Dược Sư lại dùng tay điểm vào "nhuyễn ma huyệt" của hai người đoạn trở tay một cái tức thì "bốp! chát" hai tiếng vang lên, cha con họ Ngõa mỗi người mỗi nện cho một bạt tai, hàm hạ trếu qua một bên, miệng há ra tàng hoạc như hai chiếc càng cua.

Hoàng Dược Sư chẳng gớm mùi hôi thúi đang xông lên lợm giọng kia, xách lên một bình đầy phân đổ ừng ực vào hai lỗ miệng hai cha con của lão tham quan.

Đám công sai phủ vệ đứng xớ rớ bên ngoài, thấy Hoàng Dược Sư đổ nước phẫn dơ, tiểu thúi, cho chủ quan mình uống, không khỏi la lối rùm lên nhưng vừa rồi mục kích được pháp thuật thần thông của Hoàng Dược Sư, nên chẳng tên nào có gan để cứu chủ cả.

Ngõa tri phủ bị hớp phải mấy ngụm chất thúi liền tỉnh hẳn dậy, nhưng khổ nỗi huyệt đạo bị điểm, thân hình không sao động đậy, quai hàm bị trẹo, miệng ngậm lại cũng chẳng xong, nín hơi nhịn thở, mặc cho đối phương đổ vào mồm.

Lúc ấy cha con Ngõa Tri Phủ thật khổ sở trăm chiều, vừa tức vừa giận, dở sống dở chết, uất khí chận ngăn cơ hồ ngất đi thêm lần thứ hai nữa.

Hoàng Dược Sư thẳng tay chẳng chút nễ nang, cứ hết bình này lại xách thêm bình khác, những bình đựng phẩn ấy đủ cả chất phẩm của thê thiếp tì nô, sang hèn dù bất đồng nhưng mùi thủm chẳng kém nhau, hai cha con họ Ngõa nuốt xong một bình lại uống thêm một bình, thật là một món ăn bất hủ nhớ mãi chẳng quên, gồm đủ cả mùi vị từ cao lương mỹ tửu đến cá hẩm cá thiu, đều qui tụ trong chất nước vàng sền sệt nặng mùi ấy, khiến cha con gớm nhờm đến muốn mửa cả ruột gan tim phổi ra ngoài.

Song le ác hại thay, thân hình nằm ngửa chân tay tê cứng như xác chết, miệng lại bị hả lớn ra, muốn mửa cũng chẳng mửa được, nói tóm là cái lối hình phạt mở miệng lớn cho người đổ phân vào bụng, thật còn độc địa hơn là những độc hình kềm kẹp, lóc da, bẻ răng mà Ngõa Tri Phủ đã thường áp dụng khảo tra đám dân lành.

Đám bổ khoái sai dịch thấy Ngõa Tri Phủ đại nhân của mình cùng cậu công tử hách dịch kia bị Hoàng Dược Sư cho uống chất thúi như thế, trừ vài tên tâm phúc của họ Ngõa ra, kỳ dư tuy lặng im chẳng nói, chứ trong bụng hả hê vô cùng.

Sáu chục bình phẩn cũng chẳng ít gì, Hoàng Dược Sư đổ gần trọn giờ đồng hồ mới hết, hai cha con họ Ngõa bị sơi một bửa tiệc canh vàng no đến phát ách, bụng phình to lên như hai cái trống chầu.

Đổ xong bình phẩn cuối cùng, Hoàng Dược Sư ném phăng bình không xuống đất, rồi chùi một tay lên đầu gã Tri Phủ, mới cười nhạt bảo:

- Cha con ngươi hại bá tánh đã nhiều, gìa thì hút đầy bụng máu mủ của dân đen, nhỏ thì phè phỡn một bụng rượu thịt điếm đàng, nên cần phải uống chút phân tiểu để rửa ruột tốt lắm đấy!

Tờ cáo trạng này ta đem đến Lâm An, hôm nay gọi là một sự trừng phạt để răn dạy cha con mi, ta đi đây!

Hoàng Dược Sư quay lại nhìn khắp đám công sai một lượt rồi cười lớn lên và nói tiếp:

- Thống khoái, thống khoái! Tất cả xê ra cho ta đi!

Lời chàng tuy không lớn, nhưng âm ba sang sảng oai nghi khiếp người, trên trăm công sai đều khiếp hãi, chen lấn nhau xô vẹt hai bên nhường đường cho chàng.

Hoàng Dược Sư cười lên ha hả, bước ra khỏi công đường nhìn thấy cổ trống minh oan treo ngoài cửa phủ, bèn hừm một tiếng và chua chát nói:

- Sài lang đang lúc thịnh hành, khắp trong triều ngoài nội còn treo cổ trống này làm gì? Hủy nó đi cho rồi!

Loading...

Nó đoạn nhấc tay một chưởng vào mặt trống một cái tức thì "tùng! bung!" một tiếng lớn, cổ trống nát biến thành từng cây da rớt lả tả đầy đất.

Hoàng Dược Sư đầu không ngoảnh lại, đi luôn một hơi khỏi thành Thiệu Hưng, trong vòng một ngày đã về tới thôn Thanh Vân.

Kể ra lượt đi, lượt về trên hai trăm bốn chục dặm đường, Hoàng Dược Sư chỉ phí có hai ngày trời.

Về đến thôn Thanh Vân điều trước tiên là Hoàng Dược Sư vào thăm ngay Phùng Hương Điệp, thấy vết thương của nàng đã lành hẳn, tinh thần hoàn toàn khôi phục đủ đầy, chỉ tức một điều là vết thương nơi cổ để lại một vết sẹo đỏ hỏn trên chiếc cổ mịn như ngọc kia, khiến Hoàng Dược Sư thầm tiếc rẻ trong bụng, nhưng chẳng còn cách nào cứu vãn được vết sẹo nhăn mỹ thuật ấy được.

Chàng liền đem đầu đuôi chuyện đến huyện Thiệu Hưng thuật lại tất cả.

Võ Hồng Quang ôm bụng cười bò lăn tròn mặt đất.

Phùng Hương Điệp cũng mất đi vẻ buồn ủ rũ, môi hồng điểm lên nụ cười rạng rỡ như hoa xuân.

Hoàng Dược Sư thấy mỗi khi Hương Điệp mở miệng cười, nét đẹp của nàng còn lôi cuốn hơn tất cả những bức họa truyền thần tuyệt mỹ nhất trần đời, bao nhiêu minh họa trong vũ trụ như bị thu hút vào đôi bờ môi mọng đỏ gắn bó giữa đôi hàm răng đều đặn như ngọc trau.

Hoàng Dược Sư cảm thấy đê mê như vừa nhấp phải ngụm rượu đào, thầm nghĩ:

- Ngõa Tri Phủ tuy đáng ghét, nhưng chưa hề hại mạng cha mẹ nàng, đám giặc ở Hắc Phong Đảo trên Đông Hải mới là thủ phạm sát hại song thân của nàng. Nếu ta giúp nàng báo thù, nàng chắc còn vui lòng nữa?

Chủ đã định, bèn quay lại bảo Võ Hồng Quang:

- Con ra ngoài hỏi thăm người làng, xem gần đây có ngư thuyền ai cho mướn không! Nếu có, mướn cho thầy một chiếc để thầy đến Hắc Phong đảo báo thù giúp cô nương này.

Võ Hồng Quang tỏ vẻ kinh hãi đáp:

- Sư phụ đơn thân lướt biển đến sào huyệt hải tặc để trừng diệt chúng sao? Theo đệ tử thấy thì nguy hiểm quá, hay là sư phụ...

Hoàng Dược Sư nổi giận quát:

- Ai bảo con đa quản đến sự việc của sư phụ, mau đi không.

Hồng Quang không dám cãi lời, đành riu ríu đi một nước.

Phùng Hương Điệp không ngờ Hoàng Dược Sư sốt sắng giúp mình báo thù cho cha mẹ, đôi mắt rưng rưng nhìn Hoàng Dược Sư hết sức cảm kích và nói:

- Tướng công, ngài định đem một thân mình để chống với bọn cường đạo ấy sao? Theo tiện nữ nghĩ thì đừng nên mạo hiểm thái quá như thế, vạn nhất quả bất địch chúng, sa cơ trong tay chúng, có phải là làm cho lòng tiện nữ ân hận suốt đời chăng!

Nói xong trên khuôn mặt thơ ngây trinh bạch của nàng lộ vẻ rầu rỉ vạn phần.

Hương Điệp vốn gái sanh trưởng miền Giang Nam, từ xưa đến nay nam nữ đất ấy có tiếng là đẹp nhất trong nước, nên mới có tục ngữ là "Ngô Oa, Việt Nữ cùng Tô Hàn giai lệ". Thêm vào giọng nói dịu dàng, lời nói hàm ý tình tứ dễ thương nghe như mật rót vào tai.

Hoàng Dược Sư tuy tánh khí cao ngạo sắt đá nhưng dù sao cũng vẫn là thể chất của da thịt không khỏi rúng động cả tâm thân, nhẹ nắm lấy bàn tay mềm mại của người đẹp và nói:

- Cô nương xin đừng nói chi lời khách sáo, trừ gian diệt ác là bổn phận con nhà võ chúng tôi. Tại hạ không chỉ ở sự báo thù giúp cô nương, mà trừ được cho bá tánh khắp miền Đông Hải một mối hại lớn nữa kìa!

Hương Điệp bị Hoàng Dược Sư nắm chặt lấy bàn tay, ngây ngất ửng hồng đôi má, thẹn thùa nói chẳng nên câu, nhưng bàn tay vẫn để im trong lòng tay của chàng chớ không rút về.

Hoàng Dược vừa định mở lời, thì ngoài ngõ bỗng có tiếng lao xao.

Võ Hồng Quang cùng gã chủ nhà, cùng vài vị phụ lão đất Thanh Vân, xồng xộc kéo vào.

Hoàng Dược Sư vội buông tay cô ả ra, mặt phừng phừng như lửa đốt.

Song le mấy vị bô lão chẳng hề để ý đến mà đồng rập nói:

- Tướng công! Ông định đơn thân một thuyền đến Hắc Phong Đảo chăng! Chuyện ấy không nên đâu! Bọn cường đạo lợi hại lắm, cho đến quan binh, tướng Triều cũng không dám phạm đến họ, nếu rủi ro có gì thật thân xác chẳng còn.

Hoàng Dược Sư lấy tay gạt ngang như chẳng muốn nghe thêm, đoạn nói:

- Thôi xin quí vị! Chuyện ấy khỏi đề cập đến, tôi chỉ hỏi quí vị có thuyền bè gì chăng? Dù quí vị có hay không tôi cũng nhất định đi đến Hắc Phong Đảo mà thôi!

Mọi người thấy Hoàng Dược Sư đã quả quyết như thế, đều ngẩn ngơ nhìn nhau, giây phút sau mới đáp:

- Quan nhân thật quyết đi, chúng tôi chẳng dám cản ngăn làm gì, thuyền thì có sẵn, nhưng ngặt nỗi...

Hoàng Dược Sư cười to ngắt lời:

- Ngặt nỗi gì? Có phải muốn tôi đừng khai là mượn thuyền của thôn Thanh Vân, sợ e tôi chết trên Hắc Phong Đảo, bọn cướp sẽ giận lây đến quí vị, kéo đến đây làm cỏ ngũ thôn này phải không?

Đám bô lão không thể ngờ là Hoàng Dược Sư thông minh như vậy, lời của mình chưa thoát ra khỏi miệng mà chàng đã hiểu rồi, không khỏi thán phục thầm.

Hoàng Dược Sư lại cười lớn và nói:

- Quí vị an tâm, Hoàng Dược Sư tôi nếu đến đảo Hắc Phong tổn thất một sợi lông chân trên người, thề không còn là anh hùng nữa. Tôi sẽ trừ tuyệt bọn cường nhân vạn ác ấy, để quí vị được lạc nghiệp an cư.

Lời nói của tôi không phải là lớn lối hợm mình đâu. Hồng Quang! Thuyền ở nơi nào?

Hồng Quang vội đáp:

- Thưa sư phụ, thuyền đã chuẩn bị xong đang đậu ở bến! Sư phụ có cần con đi theo hay chăng?

Hoàng Dược Sư lắc đầu bảo:

- Bản lĩnh con chưa luyện qua, đi theo đặng ăn cơm hay làm gì? Ở nhà săn sóc Phùng cô nương cho ta!

Hồng Quang mỗi mỗi dạ vâng, Vu Nhậm và mấy vị bô lão thấy Hoàng Dược Sư khăng khăng quyết một, chẳng dám nói ra bàn vào lời nào. Vả lại lúc nãy họ vừa nghe người trên phủ về thuật lại, có một vị văn sinh họ Hoàng, đại náo phủ đường Thiệu Hưng, ép hai cha con Tri Phủ uống phân đầy bụng, mà mấy tên sai dịch chẳng dám làm gì hung phạm, nếu Hoàng Dược Sư chẳng có võ công hơn người thì làm sao ra vào phủ đường một cách thong dong như thế được?

Nên họ chỉ đành theo chân đưa Hoàng Dược Sư đến bờ biển, nơi đây đã đậu sẵn ba chiếc thuyền cỡ trung, mỗi thuyền dài độ bốn thước có thể chở được ba người.

Hoàng Dược Sư chẳng chút đắn đo nhãy vút lên chiếc thuyền đậu chính giữa và nói:

- Xin cho tôi tạm mượn thuyền này, quí vị hãy về nghỉ ngơi, tạm đợi tin lành.

Hoàng Dược Sư một mình một chiếc thuyền nan, vượt sóng ra biển. Chàng cư ngụ trên Đào Hoa Đảo đã bao năm, đối với sóng gió thủy triều phương hướng hải lưu, thời tiết thay đổi cùng hình thế đảo vực trên Đông Hải, đều thuộc nằm lòng.

Chàng biết Hắc Phong là một đảo lớn trong dãy Tượng Sơn. Quần đảo cách đảo Đào Hoa của chàng độ bảy, tám dặm đường bể, bèn cho thuyền thuận theo ngọn gió Đông, nương theo giòng hải lưu ra sức chống chèo, một ngày một đêm sau, là thuyền đã đến một miền bể đầy dẩy đá ngầm.

Nơi đây rất nguy hiểm cho tàu bè đi bể, gành đá hiểm lổm chổm nhấp nhô như hàm răng sói giao nhau.

Hoàng Dược Sư dư hiểu đây là bãi Tượng Sơn Hoàng Tiểu một miền tử địa của vực tỉnh Triết Giang.

Nhưng chàng là tài cao gan lớn, kềm chặt lái lèo vượt băng qua hiểm địa, định đi tắt cho mau tới.

Thình lình lúc ấy trên đường chân trời trước mặt, bỗng hiện ra ba chiếc cột buồm của loại thuyền có mui lầu.

Hoàng Dược Sư nói thầm:

- Hay lắm! Ta định tìm đến Hắc Phong đảo, thì bọn giặc đã đến nạp mình rồi!

Chàng ra sức chèo mạnh thêm mười mấy dậm, chiếc thuyền nan băng băng rẽ sóng lướt tới.

Một thời gian sau, hai thuyền đã xáp gần nhau, tên cướp dường như đã nhìn thấy chiếc thuyền của Hoàng Dược Sư, liền trên lầu canh phất cờ ra hiệu.

Đào Hoa đảo chủ dư hiểu đấy là tín hiệu của bọn cướp hỏi mình, chàng không ngớt cười thầm trong bụng, đối phương định đến đánh cướp thuyền chàng, không khác nào dẫn xác đem nạp miệng cọp, tự mình tìm lấy họa tử thần!

Hoàng Dược Sư lập tức buông chèo nhún chân một cái "ùm!" một tiếng nhãy xuống biển nhưng chẳng phải chàng lặn xuống mà thân hình chàng lại nửa chìm nửa nỗi, lờ đờ trên mặt biển.

Thì ra Hoàng Dược Sư sống lâu trên miền bể tập luyện lối đi lại trên nước, đã quen kỹ thuật lặn lội cực kỳ tinh vi, có thể lặn sâu đi dưới đáy nước

luôn cả mấy dặm đường xem nước xanh tường sóng như một đại lộ khang trang trên đất liền.

Chàng khi nãy vừa nhãy xuống nước, liền vận thuật khinh công cho nửa thân hình phía trên nổi phều trên mặt nước, phần chân thì ngập sâu dưới đáy biển rồi mượn khí kình của khinh công vận lên nửa phần thân trên, lại nhờ sức nổi của nước biển, lắc lư lều bều trên mặt nước tựa như chiếc bồn đang trôi vậy, định dọa cho bọn hải tặc trên thuyền phải khiếp vía một phen.

Chiếc thuyền ấy quả nhiên đúng là chiếc thuyền tuần la của bọn hải tặc Hắc Phong, bọn họ thấy trên mặt bể có một chiếc thuyền nhỏ đều xôn xao cả lên.

Nơi đây là miền thủy vực của Hắc Phong đảo, cách bờ đảo chỉ độ mười dặm, tất cả những thương thuyền vận tải hay ngư thuyền chài lưới, không hề dám xâm phạm đến đây, có thể nói mọi miền duyên hải phụ cận, nơi đây là khu cấm hải, nếu không phải thuyền bọn cướp tuyệt không ai dám léo hánh tới, bỗng nhiên lại xuất hiện một chiếc thuyền nan lạ, thử hỏi làm sao chúng chẳng lạ lùng ngạc nhiên được.

Đang lúc còn thắc mắc chưa định thì chuyện lạ tự nhiên xảy ra, người trên chiếc thuyền nhỏ bỗng nhãy ùm xuống biển, hai chân đạp trên mặt nước, lờ đờ cỡi sóng lướt tới, mường tượng như một sơn dân xăn quần lội ngang qua khe nước mà đi vậy, bảo họ làm gì mà không hãi khiếp kinh dị?

Đầu mục của chiếc thuyền tuần nầy là Cẩm Mao Hổ Trịnh Nghĩa, cháu của Đại Trại Chủ Thốn Hải Trường Kình Trịnh thiên Vân, có chút ít bản lĩnh và sức lực, ngoài ra trên thuyền trên sáu mươi tên tặc đảng do y chỉ huy nữa.

Trịnh Nghĩa đang ngồi nhâm nhi trong khoang thuyền nghe bộ hạ thông báo có một quái nhân đi trên mặt nước tiến tới thuyền tuần, thì giật nẩy mình vội chạy ra đầu thuyền quan sát.