Võ Lâm Ngũ Bá

Chương 61: Công Đường Trị Tham Quan

Chợt đến lúc nàng tĩnh dậy lần nữa thì thấy mình nằm trong tay của thầy trò Hoàng Dược Sư.

Hoàng Dược Sư nghe xong không khỏi "hừ!" giọng mũi một tiếng lạnh lùng và nói:

- Tham quan hại dân, cẩu tặc vô đạo, ác thú ăn người, thật là loài đáng ghét cả.

Võ Hồng Quang thấy Hoàng Dược Sư ánh mắt loé lãnh quang, cậu khẽ rùng mình khiếp sợ và hỏi:

- Thưa sư phụ, sư phụ tính thế nào về số phận của Phùng cô nương đây?

Hoàng Dược Sư nghiêm giọng đáp:

- Việc của sư phụ, con không cần lo tới!

Võ Hồng Quang như đạp phải gai nhọn, im thin thít không dám hó hé thêm nửa lời.

Hoàng Dược Sư cười nhạt luôn miệng, chắp tay sau đít đi quanh nhà khắp mấy lượt mới ngẫng đầu bảo đám người trong làng:

- Các người nên săn sóc đàng hoàng cô nương này, tôi đến thăm Phủ Thiệu Hưng một chuyến!

Nói đoạn, móc trong túi ra một đĩnh bạc để lên mặt bàn đánh "cạch" một tiếng rồi gằn giọng:

- Các ngươi phải chăm sóc chu đáo, ta đi lần nầy độ ba hôm sẽ về, nếu các ngươi hầu hạ sơ xuất điều gì đừng mong mạng nào sống sót.

Nói xong bước ra cửa đi thẳng, chẳng hề quay đầu lại.

Đám nông dân trong Thanh Vân thôn, người người nhìn nhau ngơ ngác, chẳng hiểu vị nho sinh áo xanh kia tánh tình cổ quái như thế, có phải ông ta khật khùng chăng?

Hoàng Dược Sư mang một bầu tức khí trong lòng, lướt vun vút trực chỉ đến Thiệu Hưng.

Từ thôn Thanh Vân đến phủ Thiệu Hưng lộ trình có trên một trăm hai mươi dặm, nhưng Hoàng Dược Sư dùng thuật khinh công trác tuyệt, nên không tới một ngày là đã vào thành Thiệu Hưng rồi.

Chàng vừa đến cửa thành, liền hỏi thăm nơi gia cư của họ Phùng, liên tiếp hỏi năm sáu người, ai nấy cũng lắc đầu quầy quậy không đáp, rồi rảo bước đi nhanh qua nơi khác như sợ hãi điều gì.

Hoàng Dược Sư bàng hoàng tĩnh ngộ, biết là nơi giữa đường cái hỏi thăm thì không một ai dám dừng lại trả lời vì sợ tai bay họa gởi vào thân!

Hoàng Dược Sư tinh ý bước vào một ngõ hẻm thấy phía trước mặt đi lại một người bán bánh dạo.

Chàng bèn tiến ra trước đón lại, vòng tay thi lễ và nói:

- Phiền tiên sinh cho tôi hỏi thăm nhà của Phùng Tiến sĩ ở về phía nào?

Gã bán bánh dạo liếc nhìn sơ qua hình dáng của Hoàng Dược Sư, thấy chàng ăn mặc theo lối thư sinh, nghi biểu văn vẻ liền đáp:

- Ồ! Tôn giá tìm họ Phùng có chuyện gì cần? Tôn giá ở đâu?

Hoàng Dược Sư tươi cười nói:

- Tôi là bạn cũ của người, từ Hàn Châu đến đây, không gặp mặt nhau đã lâu, đến thăm viếng vậy thôi!

Gã bán dạo lắc đầu khuyên ngăn:

- Tướng công đừng nên tìm là hay hơn! Nhà ông ta vừa gặp phải họa tày trời, cả nhà chẳng hiểu trốn đi nơi nào biệt tích.

Hoàng Dược Sư vờ kinh hãi hỏi dồn:

- Ủa! Nhà ông ấy gặp họa gì thế, hỏa tai chăng? Hay bị cướp đánh phá!

Gã bán dạo thở dài, đáp:

- Còn ác độc hơn là bị cướp đánh phá nữa, tôi không nói được, nhà của y nơi hẻm Song Liễu phía hữu, căn thứ nhất, trước ngõ có trồng hai cây liễu to tướng, công tử cứ đến đó mà tìm.

Nói xong, đầu chẳng quay, vội vã cất gánh lên vai đi một nước.

Hoàng Dược Sư theo lời chỉ dẫn, tìm ngay được nhà họ Phùng, thấy cửa cái dùng hai thanh gỗ đóng lại, bên trên còn dán thêm dấu niêm phong của phủ quan.

Hoàng Dược Sư đã biết rõ lời Hương Điệp không phải là dối, chàng quyết dò la sự thật của Tri Phủ ra sao, nên trở ra phía chợ, tìm một trà quán nơi thị tứ ngồi nghỉ chân, cũng để thăm hỏi dân tình cho biết mọi sự.

Vừa kêu chế bình trà xong, thình lình thấy một thực khách có vẻ phú thương, uống xong chén trà liền đứng dậy đưa một vị ăn mặc theo lối vệ môn ra cửa và cười nói:

- Diêm Giáp Ty đại nhân, mong tái ngộ, thì Hoàng Dược Sư sực nhớ lại Phùng Hương Điệp có nhắc qua Ngõa Tri Phủ có một tên thủ hạ tâm phúc là Giáp Ty họ Diêm tên Văn Đạo, chuyên việc bày mưu lập kế, đưa đường dắt ngõ, đút nhét cửa sau cho Ngõa Tri Phủ, hãm hại chẳng biết bao nhiêu người. Nếu quả đúng là tên này chàng đâu dễ bỏ qua.

Đào Hoa đảo chủ hối hả gọi hầu bàn đến, chỉ về phía Diêm Giáp Ty và nói:

- Một quan tiền này trả bình trà kia, còn dư bao nhiêu thưởng cả cho mi, có phải người ấy là Diêm Giáp Ty, tên thật là Văn Đạo đấy chăng? Ta có câu chuyện muốn nói với ông ấy!

Tên hầu bàn mừng rỡ cám ơn rối rít và nói:

- Vâng, Diêm Giáp Ty đại nhân đấy, ông là tay chân đắc lực nhất của Ngõa Tri Phủ, ai cũng đều biết và rất nể nang ổng!

Hoàng Dược Sư lập tức phóng ra khỏi cửa, không đầy hai mươi bước đã bắt kịp Diêm Giáp Ty.

Chàng liền gọi lớn:

- Giáp Ty! Giáp Ty!

Diêm Giáp Ty nghe có người gọi mình, liền quay đầu lại nhìn, chợt thấy kim quang lấp loé, tiếp theo đấy mấy mũi kim vàng nhanh như làn chớp, bay vút vào yết hầu, y "ôi cha!" một tiếng yếu ớt, rồi ngã nhào trên đất chết tốt.

Đám bộ hành đi trên đường thấy Diêm Giáp Ty bỗng dưng ngã lăn trên mặt đất, tay chân co rút mấy cái rồi tắt hơi liền, ai nấy đều hoảng hốt la lên:

- Không xong l Diêm Giáp Ty bị trúng gió rồi, mau đến cứu ông ta.

Ngoài miệng vờ kêu la như thế, nhưng trong lòng ai cũng sắn dạ thù hằn, nên chẳng ai chịu thật lòng ra tay giúp.

Hoàng Dược Sư giết xong một tên gian đồ, trong bụng thống khoái vô cùng đi thẳng về phía phủ đường.

Thời Tống trào có lệ, nơi trước vệ môn mỗi phủ đường, đều treo một chiếc trống lớn gọi là "oan cổ" trống, bá tánh ai có gặp phải điều gì oan khúc, có quyền giống trống lên.

Tri Phủ hay Huyện quan nghe có người đánh trống, phải lập tức thăng đường để thẩm án.

Nên trước vệ môn của Ngõa Tri Phủ cũng thiết lập một mặt trống oan, song vì Ngõa Tế Dân vốn là một tham quan vọng pháp.

Bá tánh gặp phải oan khiên cũng không nơi mà đầu cáo, nếu lỡ chạm đến mặt trống, minh oan đâu chưa thấy, trái lại kẻ kích trống kêu oan đã bị một trận đòn thừa chết thiếu

sống, nên dù có oan ức tày trời, cũng ôm bụng mà chịu chứ không dám đầu cáo kêu van bao giờ.

Hoàng Dược Sư xăm xuôi đi đến trước mặt trống, rút dùi nện lên mặt trống liên hồi.

Một tên sai dịch liền chạy ra quát lớn:

- Tên học trò khùng kia từ đâu đến vậy? Bộ chiếc trống kia để cho mi đánh loạn lên như thế sao? Muốn ốm đòn không?

Hoàng Dược Sư trừng mắt đáp:

- Mặt trống nầy dùng để khiếu nại, có chuyện oan ức không minh, được quyền đánh trống kêu oan. Tôi bị người ta mưu cướp của hại mạng, giết chết ba người, chẳng lẽ không được đánh trống minh oan hay sao?

Tên sai dịch nghe có án mạng, không dám diên trì vội vàng báo cáo Ngõa Tri Phủ.

Quan phủ họ Ngõa lập tức thăng đường.

Tên sai dịch liền đưa Hoàng Dược Sư vào.

Đào Hoa đảo chủ đứng sựng chẳng chịu quỳ.

Ngõa Tri Phủ cả giận, vỗ thanh "kinh đường mộc" đánh rầm một tiếng và quát:

- Mi là ai? Có oan tình gì mau khai ra. Tại sao thấy bổn quan chẳng chịu quỳ?

Hoàng Dược Sư ngang nhiên đáp:

- Tôi có một người bạn, toàn thể gia đình chồng vợ con gái ba người đều bị hại mạng, xin đại nhân tra xét công minh dùm!

Ngõa Tri Phủ lại quát:

- Bạn mi tên gì họ gì? Gia đình ba mạng người tại sao bị người sát hại, mau khai ngay, nếu nói dối nửa lời bổn quan sẽ đập gảy đôi chân chó của mi lập tức, biết chưa?

Hoàng Dược Sư đáp:

- Bẩm đại nhân, bạn của tôi người ta hãm hại đến chết, nguyên nhân chỉ vì dưới gối có một ái nữ rất xinh, khiến một gã vô loại hư hỏng nhễu nước miếng thèm khát, gã vô lại ấy cậy ở chút ít thế lực của bổn địa, mới đem một số gian vật, quăng vào nhà

của bạn tôi, rồi vu oan giá họa cho bạn tôi là tư thông với hải tặc, bức bách gia đình của bạn tôi phải chết một cách oan ức.

Ngõa Tri Phủ càng nghe càng nhột lổ tai, vỗ án quát to:

- Đừng nói hồ đồ! Bạn của mi tên gì? Gã vô lại ấy là ai?

Hoàng Dược Sư gằn mạnh từng tiếng đáp:

- Bạn của tôi họ Phùng tên Lai gã vô lại hại người là Ngõa Tế Dân hiện đương kim làm Tri Phủ Thiệu Hưng!

Lời chàng vừa thốt ra, tất cả sai dịch trên dưới phủ đường đều xôn xao dậy lên.

Ngõa Tri Phủ giận cực điểm, hét vang:

- Quân hỗn láo! Tên này chắc điên rồi! Bây đâu...

Tiếng nói chưa kịp dứt, chợt thấy bóng xanh thấp thoáng, hơi gió gần mặt.

Đào Hoa đảo chủ đã lướt sát bàn công án.

Ngõa Tri Phủ bỗng cảm thấy mình nhẹ phễu như trái khí cầu, chân bị nhấc cao khỏi mặt đất, lơ lửng ở nửa lưng trời, chân tay quều quào giữa không khí.

Thì ra Hoàng Dược Sư dùng thuật khinh công xảo diệu của mình, tung người nhãy bổ đến bên Ngõa Tri Phủ giương năm ngón tay ra như cái móc sắt xâu lấy cổ áo của Ngõa Tri Phủ, giở hỏng lên cao tựa hình chim ưng xớt gà, đoạn gót chân nhẹ điểm trên mặt án, nhãy thót lên cây xà ngang ở giữa công đường.

Cây xà ấy lớn độ một vòng tay, Hoàng Dược Sư phi thân vút mình một cái ngồi chễm chệ trên trần nhà, ấy mặt vẫn chộp cứng bâu áo, thòng Ngõa Tri Phủ tòn ten dưới cây xà ngang.

Ngõa Tri Phủ bị lơ lửng giữa khoảng không trời không đất, đong đưa như một chiếc đu.

Nóc của phủ đường rất cao! Từ chỗ Ngõa Tri Phủ bị treo đung đưa còn cách mặt đất trên hai trượng, nếu Hoàng Dược Sư lỡ sút tay một cái thì Ngõa Tri Phủ sẽ từ trên rớt xuống, dù gan óc chẳng tan tành, xương cốt cũng phải gãy lìa từng khúc!

Ngõa Tri Phủ sợ điếng cả hồn, tru tréo kêu lên:

- Cứu mạng! Mau cứu mạng!

Bọn sai dịch vệ binh nghe tiếng la thét của Ngõa Tri Phủ, ùn ùn xông vào, thấy Ngõa Tri Phủ bị xách tòn ten trên nóc trần cao, ai nấy trố mắt nhìn nhau lỡ khóc lỡ cười.

Cây xà ngang ấy cách mặt đất hai trượng cao, bất luận là người có bản lĩnh thế nào cũng không sao phi thân lên được. Nếu dùng cung tên bắn lên, sơ suất một chút bắn phải phủ quan lại càng hại hơn nữa, vì "ném chuột vỡ đồ".

Đám sai dịch vệ binh chỉ còn cách la dọa dẩm:

- Ê thằng kia! Mi còn chưa thả Tri Phủ đại nhân xuống hay sao? Mi muốn chết không đất chôn thây phải không?

Hoàng Dược Sư ngồi vắt vẻo trên xà ngang, buông tiếng cười lạnh lùng không ngớt. Chàng đối với đám quan binh sai dịch kia đâu có kể vào đâu, mặc cho bọn chúng la hét đến mòn hơi khan cổ.

Hoàng Dược Sư mới lạnh lùng bảo:

- Ta chỉ cần buông tay là phủ quan của bọn mi sẽ từ trên cao rớt xuống như trái mít, chất đậu hủ trong óc y cũng phọt ra ngay, chúng bay từ nãy giờ "đánh rắm" đã chưa?

Có mấy tên vệ binh làm tài khôn, từ trong phòng lấy ra một chiếc mền gấm, bốn đứa cầm bốn góc giăng ra thành một chiếc võng khổng lồ hứng phía dưới người của Ngõa Tri Phủ, đề phòng Hoàng Dược Sư rủi sút tay thì có chiếc mền hứng lấy, như vây tính mạng của ngõa Tri Phủ sẽ chẳng đến nỗi.

Hoàng Dược Sư cười khẩy một tiếng tay trái nắm chặt Ngõa Tri Phủ, tay phải phát ra Phách Không Chưởng, một phạt một cuốn, tức thì "bùng!" một tiếng, chiếc mền lẫn trên mười tên sai dịch đều bị ngã lổng chổng xuống đất, tên nào cũng u đầu sứt

trán, chúng hoảng hốt la lên một tiếng thất thanh rồi dạt lui ra sau, chẳng còn tên nào dám cầm mền hứng như trước nữa!

Hoàng Dược Sư hiển lộng thần công ấy xong, lại có tên làm tài khôn, ngỡ Hoàng Dược Sư không phải là người mà là Hồ Ly Tiên hóa thân.

(Bên Trung Hoa có câu tục ngữ là Bắc phương nhìn Hồ Ly, miền Nam lắm "quỉ quái". Nên người phương Bắc có một truyền thuyết rằng: nếu một con hồ ly nào sống được năm trăm năm, có thể tu luyện thành tiên biến thành hình người du hành trong nhân gian nên thỉnh thoảng có những chuyện cổ tích kỳ bí về Hồ Ly thành thành tiên chép ghi trong sách vở lưu truyền. Truyện Liêu Trai Chí Dị của tác giả Bô Lưu Niên cũng vịn vào những cổ tích trên mà viết ra vậy).

Bọn sai dịch cùng vệ binh ngỡ Hoàng Dược Sư là Hồ Ly Tiên giáng phàm bèn vội khiêng bàn hương án ra lên đèn đốt nhang, cùng hoa tươi bánh trái, thi nhau sì sụp lễ bái vái rang:

- Hồ Tiên gia gia, xin ngài đừng quở giận, chúng tôi từ bao lâu nay chẳng lập bài vị của ngài để thờ phượng, cúi lạy đại tiên xá tội, chúng tôi nguyện lễ thường mỗi đêm để tưởng niệm ân đức ngài. Nam mô Hồ tiên gia gia đại từ đại bi!

Hoàng Dược Sư thấy cử chỉ ngu dốt của bọn chúng giận không xong mà cười cũng chẳng được!

Chàng chợt hồi tâm nghĩ lại, người xưa mượn thần thánh để thuyết giáo, giờ đây bọn chúng lại lầm tưởng mình là Hồ tiên, tại sao mình chẳng lộng chân ra giả, đội lốt thần tiên để trêu phá chúng một trận cho bõ ghét.

Hoàng Dược Sư nghĩ xong liền cau mày quát lớn:

- Ngõa Tế Dân tham ác lộng quyền, hãm hại dân lành, tội đáng báo ứng phạt răn, chúng bây tên nào chưởng quản văn thư, mau đem văn phòng tứ bửu ra đây!

Mọi người thấy Hồ Tiên chịu khai khẩu, không dám cãi lời, vội kêu tên Thông phán chưởng quản ấn tín văn phòng đến nơi.

Tên Thông phán này tánh Văn tên Tứ Viễn là người kế nhậm Phi Thông phán nửa tháng trước đã chết do tay Phùng Lai đầu độc.

Gã Văn Thông phán ấy run rẩy đem bút mực giấy má tới phía dưới chân Ngõa Tri Phủ ngóng đầu hỏi:

- Bẩm đại tiên gia gia, chẳng hay ngài có điều chi dạy bảo?

Hoàng Dược Sư nạt to:

- Ta muốn mi sao một tờ thú trạng! Mi hãy ngồi chỗ công án, bên kia!

Văn Thông phán riu ríu đi đến bên công án ngồi ke ne ở một bàn chờ lịnh.

Hoàng Dược Sư cúi mặt xuống bảo Ngõa Tri Phủ:

- Họ Ngõa kia, mi phải đem chuyện hãm hại văn sĩ Phùng Lai ra sao, thuật rõ từ đầu chí đuôi cho tất cả công chúng nơi đây nghe. Cấm mi chẳng được dấu diếm nửa lời!

Còn tên Thông phán phải chép hết từng câu không được sơ sót nghe rõ chưa!

Ngõa Tri Phủ bị Hoàng Dược Sư treo tòn ten trên xà nhà, từ nãy giờ quá lâu đã choáng váng đầu óc tim nhãy ngực lòi, hơi thở ồ ề, lão vốn đã lớn tuổi, lại bị tửu sắc gậm mòn thân thể, nên đối với khổ hình ấy thử hỏi làm sao chịu cho kham?

Lão tham quan hết lòng năn nỉ xin tha mạng, nhưng Hoàng Dược Sư tảng lờ như chẳng hề nghe thấy.

Lão lại nghe Hoàng Dược Sư nói như thế không khỏi trù trừ suy nghĩ.

Trước mặt giữa số đông công chúng bắt lão phải khẩu chiêu những hành vi tham tàn vong pháp tàn hại vô lương của lão ra, thật đã khó lòng lắm rồi! Huống hồ còn bảo Văn Thông phán ghi chép thú trạng trên giấy trắng mực đen để thành bản án.

Vạn nhất đối phương đem thủ trạng ấy đến Lâm An đầu cáo với thượng ty hay triều đình thì chỉ còn nước làm quỉ không đầu.

Hoàng Dược Sư thấy Ngõa Tri Phủ dần dừ mãi chẳng chịu theo lời, chàng bèn ngầm vận cương khí công, Ngõa Tri Phủ liền cảm thấy năm ngón tay của đối phương tựa như năm đũa sắt nung đỏ lùi sâu vào da thịt nơi chiếc cổ ú nụ bụ thịt của mình.

Ngõa Tri Phủ đau đớn như bị lửa đốt kêu oái lên như gà mắc đẻ:

- Ối trời ơi! Đau quá! Tôi nói, tôi nói!

Hoàng Dược Sư mới chịu lơi tay buông lão ra, nhưng lại nắm chặt hai chân lão, khiến người lão thòng ngược thân hình trở xuống và đồng thời quát lớn:

- Nói mau?

Ngõa Tri Phủ bất đắc dĩ đem sự việc con trai mình Ngõa Hy Thuấn thấy gái đẹp động lòng dâm, rồi việc lão phái Diêm Giáp Ty tới cầu thân bị từ khước, cùng việc bày mưu lập kế vu oan giá họa để bức bách Phùng Lai nhận hôn ra sao, mỗi mỗi khai rõ không sót một chi tiết.

Trên xà nhà Ngõa Tri Phủ nói câu nào bên dưới Văn Thông phán cứ y theo lời khai sao chép chẳng sót một câu, đến lúc Ngõa Tri Phủ dứt thì bản thú trạng đã chi chít trên ngàn chữ.

Hoàng Dược Sư lạnh lùng và lớn tiếng ra lịnh:

- Hay lắm! Tờ trạng từ đã xong, đóng ấn phủ quan lên cho ta!

Ngõa Tri Phủ kêu khổ liên miên không ngớt miệng. Nhưng

Hoàng Dược Sư chẳng kể số đến, chậm rải chờ Văn Thông phán đóng ấn đề ngày tháng xong xuôi, liền quát to:

- Mi viết xong thú trạng rồi, lập tức xéo ra mau!

Gã Văn Thông phán như trút được gánh nặng ngàn cân vội lui ra khỏi công đường.

Hoàng Dược Sư bèn giơ tay vẫy một cái, tờ cáo trạng như bị sức hút kỳ lạ, cuộn bay lên cao rớt vào bàn tay của chàng.

Tuy vừa rồi Hoàng Dược Sư đã dùng tiên công Phiến Điệp Phi Thiên (chiếc lá bay trên trời) một tuyệt chiêu trong Lạc Anh Chưởng Pháp hoàn toàn vận khí công trong cơ thể để hút lấy tờ giấy bay trở lên.

Nhưng trong đôi mắt không hiểu về võ thuật của đám phàm phu kia, cứ ngỡ là pháp thuật tiên gia, chúng thêm kinh hồn táng đởm, càng tưởng Hoàng Dược Sư là Hồ tiên hóa thân.

Hoàng Dược Sư xếp gọn tờ thú trạng bỏ vào túi xong, liền ra lịnh bọn người đứng phía dưới:

- Mau gọi Ngõa Hy Thuấn và Diêm Giáp Ty ra đây ta bảo!

Mọi người không khỏi thất sắc cả kinh.

Hoàng Dược Sư bèn đong đưa thân hình của Ngõa Tri Phủ xích tới xích lui như chiếc đu và quát tiếp:

- Nếu bọn bây chẳng đi gọi. Ta ném Tri Phủ của bọn bây xuống đất dập nát óc ngay.

Bọn sai dịch sợ hãi suýt tiêu tiểu xón trong quần đồng thanh la lên:

- Diêm Giáp Ty lúc nãy trúng phong chết ở dọc đường, chỉ có tiểu gia gia ở nhà thôi.

Hoàng Dược Sư "hừm" một tiếng, lại nói:

- Mau gọi thằng khốn ấy đến đây, bằng không ta hiển lộ thần thông cho bọn ngươi chết hết chẳng còn một mống nghe rõ chưa!

Bọn sai dịch đành phải ba chân bốn cẳng đi tìm Ngõa Hy Thuấn, nhưng lúc ấy Ngõa Hy Thuấn đang bận đi rong bên ngoài để tìm hoa bẽ nhuỵ.

Mọi người đổ xô đi tìm kiếm khắp nơi. Gần nửa giờ đồng hồ sau, mới bắt gặp Hy Thuấn đang vùi đầu trong một gian nhà "Oa Xá Tử" (một loại thanh lâu kỷ viện dành riêng cho quan trường sĩ binh thời Tống trào) bèn gọi y về.

Hy Thuấn bị đám người xô vào trước công đường và bắt quỳ xuống nơi phía dưới chỗ xà nhà Hoàng Dược Sư đang ngồi.

Hoàng Dược Sư thấy đủ mặt hai cha con họ Ngõa liền hét lớn như sấm:

- Họ Ngõa kia, muốn chết hay là sống?

Ngõa Tế Dân thở ồ ồ đáp:

- Bẩm đại tiên, tiểu quan đã biết lỗi mình, xin đại tiên mở lượng hiếu sinh tha cho cha con chúng tôi được toàn mạng.

Hoàng Dược Sư cười nhạt nói:

- Tội chết tha được, tội sống khó dung, bọn bây đâu!

Lúc này chàng trái lại là Tri Phủ của sở tại, sai hét bọn sai dịch vệ binh trong phủ chạy cong đuôi cả lên, vài tên sai dịch liền tiến ra trước vòng tay cung kính chờ đợi.

Hoàng Dược Sư lại nói:

- Bọn bây gom tất cả những thùng phân trong phủ đường, bất kỳ của bé lớn già trẻ gái trai, cho đến nước tiểu cũng đem tất đến đây cho mau, thiếu một thùng cũng chẳng được, nếu trái lời thì mạng chó chúng bây khó vẹn toàn.

Đám sai dịch đều ngạc nhiên ngơ ngác đưa mắt thầm hỏi lấy nhau, chẳng hiểu vị đại tiên gia này, cần gom những thùng phân kia để làm gì? Một tòa công đường trang nghiêm tráng lệ như thế này, lại bày đầy nhưng thùng phân thúi thì còn ra trò trống gì?

Đào Hoa đảo chủ thấy bọn chúng trù trừ chưa chịu đi, giận dữ quát:

- Lũ chết bầm kia! Muốn sống hay chết?

Tiếng quát chưa dứt, thoắt một cái, thân hình Hoàng Dược Sư nhẹ rơi trở xuống như một làn gió, giơ tay núm tóc nơi óc o của Ngõa Hy Thuấn, nhún chân bay vút trở lên chỗ cũ.

Hoàng Dược Sư là tông sư của một phái, võ công của chàng trác tuyệt khó lường. Lúc chàng phi thân hạ xuống đất, bàn tay vẫn nắm chặt Ngõa Tri Phủ chẳng buông, nói một cách dễ hiểu là thân hình lão Tri Phủ vẫn cùng một lượt bay theo nhất cử động của Hoàng Dược Sư.

Khi chộp đầu Ngõa Hy Thuấn xong, Hoàng Dược Sư nhún chân cắp cả hai cha con tên cẩu quan trở lên xà nhà, vì hai tay đều bận nắm lấy hai người, nên không thể dùng tay bíu vào xà nhà như lúc trước.

Mọi người đứng bên dưới thấy đỉnh đầu Hoàng Dược Sư sắp tông phải nóc nhà, thì đột nhiên chàng hả họng ra, dùng răng cắn lấy cây ruôi trên nóc nhà, mượn sức cắn của đôi hàm răng, treo giữ lấy trọng lượng của thân hình mình và hai cha con họ Ngõa.

Mọi người chưa hết sự kinh khiếp thán phục thì Hoàng Dược Sư đã nhanh như chớp vung ngược đôi chân móc vào tường nhà, buông ngược đầu trở xuống, chân trên đầu dưới hai tay vẫn y như cũ nắm chặt cha con họ Ngõa hai bên tả hữu rồi cao giọng quát lớn:

- Cha con họ Ngõa đã lọt vào tay ta! Bọn ngươi muốn chết hay sống! Nói mau!

Bọn sai dịch thấy Hoàng Dược Sư bay lên đáp xuống bắt người lẹ trong nháy mắt, đã run lên phát rét còn dám đâu diên trì?

Cả bọn nhôn nháo chạy nhào vào trong phủ vệ, chỉ khoảng khắc sau hì hục khuân vát tất cả các thùng phân trong ngoài phủ vệ, để chật ních sân công đường, hơi thúi xông lên rất là khó chịu. Mọi người đều phải bưng mũi nín hơi.

Hoàng Dược Sư cười lên khanh khách, kê đầu hai cha con Tri Phủ cụng vào nhau đánh "bốp!" một tiếng!

Hai cha con Ngõa Tri Phủ cảm thấy trước mắt bắn hoa sao, rồi ngất xỉu như chết.

Mọi người chưa hết kinh hãi thì Hoàng Dược Sư đã nhãy vèo xuống mang theo cả hai cha con Ngõa Tri Phủ đứng uy nghi trên mặt công án.