Yến tiệc phủ đại soái mãi tận đêm khuya mới kết thúc, Hiển Sướng đón xe quay về phủ, thấy phòng Minh Nguyệt ở hậu viện còn chưa tắt đèn. Chàng đi qua gõ cửa phòng nàng, là a hoàn ra mở cửa, nàng nghe thấy tiếng cũng ra đón, đi theo phía sau, tóc ướt nhẹp, chải hết ra sau lưng, nhìn tựa một cậu bé khôi ngô sáng láng. Trên người nàng khoác một tấm áo bào gấm dày rộng nền xanh thêu mẫu đơn hồng phấn.

Đám tôi tớ chuẩn bị nước cho chàng tắm rửa, Minh Nguyệt cẩn thận hầu hạ, tay áo xắn lên khuỷu tay, lộ ra cánh tay mảnh dẻ, tròn trịa mịn màng, thưa thớt chút lông măng nhạt màu. Chàng đưa tay tới, mu bàn tay cọ cọ lên làn da trơn láng của nàng: “Minh Nguyệt.”

“Vương gia.”

“Em học có tốt không?”

“Trên trung bình ạ.”

“Ở Nhật có thể tìm được việc làm không?”

“Cũng có thể ạ.”

“Bạn học có thân thiện với em không?”

“Đều tốt ạ, thỉnh thoảng tụ họp một bữa, có người còn đưa em tới nhà cô ấy chơi.”

“Ta có tới chỗ em ở, chỗ đó không tệ, sạch sẽ ngăn nắp. Bên cạnh có một cái hồ đúng không?”

“Vâng. Cây mọc ở trong nước, mùa hè còn có rất nhiều uyên ương.”

Chàng nhẹ nhàng nắm lấy cổ tay nàng: “… Ta cứ nghĩ em sẽ không về nữa… Em tự do như chim sẻ, sao lại quay về nơi này?”

Hơi nóng trong bồn tắm chậm rãi bốc lên, đọng lại thành những giọt nước lấm tấm trên mặt chàng, theo khuôn mặt trượt xuống cái cằm nhọn. Nàng nhìn gương mặt chàng, nhìn đôi mắt và rèm mi chàng đen nhánh, chậm rãi nói: “Cánh một con chim sẻ thì có bao lớn chứ? Vương gia nói xem em đến cùng có thể bay đi đâu… Lúc mới tới Nhật Bản, đi đường trông thấy củ cải, em cảm thấy rất kỳ quặc, củ cải không phải trông nhỏ nhỏ vuông vuông à, làm sao lại có thể trở nên tròn tròn dài dài như vậy?”

Chàng nghe mà cười “xì” một tiếng: “Đồ ngốc! Nhỏ nhỏ vuông vuông là đầu bếp cắt ra để nấu với thịt bò, củ cải trông như thế mới được gọi là củ chứ?”

Minh Nguyệt nói: “Vương gia xem, em đến cả củ cải trông ra sao còn chẳng biết, ngài bảo em đi đâu cho được?”

Chàng quay đầu nhìn nàng, cau mày cười: “Cô nương, em đùa ta phải không?”

“Ngài cười là được.” Nàng cầm ngón tay chàng lên, khẽ cắn một cái, tựa như một con cáo nhỏ vừa nhát gan vừa tinh nghịch.

Chàng cầm lòng không đậu, một tay nâng mặt nàng, hôn lên môi nàng, đầu lưỡi trườn qua cùng nàng quấn quít, hương vị và cảm giác lâu lắm rồi mới lại được gặp, càng lúc càng mạnh mẽ hơn, tiêu hao một lượng không khí và tâm huyết lớn. Chàng từ trong nước bước ra, bế ngang nàng lên, đi vào phòng ngủ. Tấm áo lụa Minh Nguyệt mặc trên người dính nước, lạnh lẽo co lại, nhưng cả hai cơ thể thì đều nóng rẫy. Chàng khát khao quá đỗi, không có kiên nhẫn đối phó với từng cặp từng cặp nút cài thắt hoa của nàng, “roẹt” một tiếng xé tan chúng, hai tay đẩy áo bào và nội y ra, lần tìm da thịt nàng, xương cốt nàng, giống như nôn nóng khai quật một bình hoa bạch ngọc vùi trong sa mạc.

Nhưng khoảng cách quá dài kể từ lần hai người họ làm tình trước đó đã nảy sinh trong họ chút lạ lẫm đối với thân thể nhau, lạ lẫm đến mức đến chàng cũng cảm thấy đau đớn. Minh Nguyệt sợ hãi rụt người vào trong giường, chàng áp sát lại, vây khốn chiếm giữ nàng, một tay vòng ra sau giữ lấy gáy nàng. Chàng cảm thấy vật tròn tròn dài dài trong tay mình mới là củ cải trắng mơn mởn chín mọng, chàng lại cười, hôn nàng, hít hà mùi hương thuộc về nàng, nhẹ nhàng mà cắn, mà giày vò, mà thương yêu, trút hết tâm trí như muốn tìm lại thứ gì…

Xong xuôi, chàng quay mặt vào trong, nằm nghiêng, khép mắt lim dim ngủ, nàng nghiêng mình nằm một bên giường, tay từ phía sau thò tới cầm lấy tay chàng: “… Ngài không giận em nữa?”

Phải một lát sau mới nghe thấy tiếng chàng trả lời, giọng khàn khàn trầm thấp: “Ta không giận nữa? Ta không giận ai nữa kia?”

Gánh xiếc bị người ta đập phá, cha được người khác giới thiệu đến số hai tám phố Vũ Lộ xin vào làm gác cổng. Cổng có sư tử đá thủ giữ, nhưng không có lấy một tấm biển nào, họ đến được ba, bốn tháng rồi mới biết qua lời bọn kẻ ở rằng đây là phủ của vị vương gia kỳ chủ trấn thủ bồi đô.

Viện phủ quá lớn, mỗi lớp sân viện là một đám tôi tớ khác nhau, người viện trong có thể đi ra, người viện ngoài lại không thể vào, lão vương gia khi thì cưỡi ngựa khi thì ngồi kiệu, đi qua sân viện lớp thứ nhất, Minh Nguyệt chưa lần nào được thấy mặt ông. Mãi cho đến một ngày, bốn tên thích khách lão luyện vượt viện vào cửa, vung đao chém thẳng về phía lão vương gia, cha Minh Nguyệt dẫn theo đám gia đinh đấu với thích khách một trận quyết tử, cuối cùng trốn mất một tên, bắt được ba tên. Cha Minh Nguyệt bị thương, người trị thương kê thuốc cho ông là thầy thuốc riêng của vương gia. Vết thương lành hẳn, Minh Nguyệt theo cha vào viện trong, từ đó về sau cha nàng theo hầu bảo vệ bên cạnh vương gia, Minh Nguyệt có thể đá cầu trong góc vườn hoa.

Hiển Sướng khi ấy còn là tiểu bối lặc (*), lớn hơn nàng vài tuổi, đã là một thiếu niên như ngọc, thông minh tinh quái, chọc trời phá đất. Nàng đứng ngoài cửa sổ trông thấy người này cầm bút lông, đứng trước tờ giấy trắng, thận trọng lại nghiêm trang, nàng còn tưởng rằng chàng đang tập viết theo mẫu chữ hay chép lại sách sử chi đó, được chàng gọi vào xem, trên giấy vẽ một cái mai rùa tròn trặn.

(*) Một tước vị hoàng tộc triều Thanh. Bốn tước vị đầu của hoàng tộc chỉ được ban cho tông thất (tức dòng dõi trực hệ của Hoàng đế), xếp hạng như sau: Thân vương – Quận vương – Bối lặc – Bối tử.

Hiển Sướng hỏi: “Em biết đây là cái gì không?”

Minh Nguyệt đáp: “Con rùa.”

“Cái này gọi là bùa ba ba. Dán lên ai người đó là đồ ba ba. (*)”

(*) Ba ba (王八) tiếng Trung là từ lóng để chửi mắng người khác.

“Nhưng anh muốn dán lên ai?”

“Lên Thạch tiên sinh dạy học cho anh.”

“Tại sao?”

“Ghét ông ta. Anh dán sau lưng ông ta, niệm thêm một câu nguyền rủa, Thạch tiên sinh sẽ biến thành ba ba ngay tức khắc. Em tin không? Sau đó anh sẽ tóm cổ ông ấy, cắt tiết ra uống, bồi bổ thân thể.”

Chàng miêu tả ra một cảnh tượng khủng khiếp quá đỗi, nàng sợ hết hồn, giơ tay bịt kín mắt, chàng phá ra cười ha ha.

Người này vậy mà lại nói được làm được, thật sự bất tri bất giác dán cái bùa ba ba lên lưng Thạch tiên sinh. Ông già vào vương phủ dạy học, chào hỏi rồi cùng đám tôi tớ nói chuyện phiếm, loanh quanh cả một ngày, sau lưng cứ trơ trơ cái bùa ba ba Hiển Sướng vẽ. Nhưng ông già người ta không có biến thành ba ba mà chính Hiển Sướng thì lại bị lão vương gia tức nổ phổi phạt quỳ trọn một ngày một đêm. Chàng không ăn không uống, cuối cùng khóe miệng bị khô nứt hết cả ra, vẫn còn nhướng mày cười với Minh Nguyệt được, môi nẻ đến chảy cả máu, nhìn khó coi chết thôi.

Người này không biết hối cải, rốt cuộc chọc Thạch tiên sinh tức đến đổ bệnh cáo ốm, đổi sang thầy khác. Ngày đổi thầy, để ăn mừng, chàng dùng bút lông vẽ lên khuôn mặt nhỏ nhắn trắng trẻo của Minh Nguyệt một cặp mắt kính. Lúc chàng vẽ, Minh Nguyệt không nói gì, sau đó soi gương mới phát hiện ra xấu kinh khủng, căn bản là chẳng hề xinh đẹp nhã nhặn như chàng nói, lập tức rất chi là bình tĩnh cầm cái chày mài mực trong nghiên, chấm đầy mực, sau đó đóng một cái lên má phải Hiển Sướng.

Chuyện này cũng coi như có hồi có báo.

Người thầy mới là một thanh niên từng đi học ở Anh, tên là Lý Bá Phương, khi vào phủ mới chừng hăm hai, hăm ba tuổi, nói ra câu nào là Hiển Sướng thiếu niên không biết câu đấy, giờ thì biết rồi. Minh Nguyệt tận mắt nhìn chàng dần trở nên chuyên tâm, tính tình cũng nghiêm túc hơn. Một ngày nọ, thế mà lại thấy chàng làm bài tập với chữ số và hình vẽ, mày rậm nhíu chặt, dáng vẻ vắt óc. Nàng ghé đầu lên song cửa, che miệng cười khúc khích: Chàng cũng có lúc phải chịu khổ cơ à?

Chàng ngẩng đầu lên nhìn con ranh con, ném bút sang một bên nói: “Cười trên nỗi đau khổ của người khác là không tốt.”

“Anh làm chi vậy?”

“Bài tập đại số.”

“Đại số” là loại chuột gì mà có thể làm khó được chàng thế? Nàng thích chí cười ha ha. (*)

(*) Số () và chuột () trong tiếng Trung đều đọc là [shǔ].

Chàng bảo: “Em vào đây, anh có anh đào đen từ Sơn Đông mang đến cho em ăn này.”

Nàng há miệng, chẳng có gì lạ cả.

Chàng đem cái bát ngọc lưu ly đựng anh đào đặt lên bệ cửa sổ, nhón một quả, cách một khoảng nửa thước ném vào miệng nàng. Minh Nguyệt ngậm miệng, cắn một cái, nước quả ngọt ngào thơm ngát như chảy vào trái tim bé thơ của nàng.

Hiển Sướng nói: “Nhóc con, biết viết tên mình không?”

Nàng lắc đầu, không biết viết cũng có ảnh hưởng gì đến chuyện ăn chơi ngủ nghỉ của nàng đâu.

Hiển Sướng bèn lấy một tờ giấy, vạch lên bốn nét bút, Minh Nguyệt nhìn trái nhìn phải, xem rõ rồi liền tức giận, ngẩng đầu, rầu rĩ hỏi chàng: “Sao anh lại viết hai chữ ‘nhị (二)’, anh mới ‘nhị’ ấy. (*)”

Chàng cũng ăn một quả anh đào: “Đây không phải tên em sao?”

“Tên anh thì có.”

“Em đó, sau này cũng học nhận biết vài chữ đi, ít nhất cũng phải viết được tên mình ra.”

Sau đó nàng cũng bắt đầu theo Bá Phương tiên sinh học chữ, cầm bút lông viết chữ to như cái sọt, về sau càng ngày càng nhỏ đi, càng ngày càng đẹp lên, bỏ thêm vài nét bút vào hai chữ “nhị” chàng viết, dần dần thành tên mình “Minh Nguyệt (明月)”. Năm lên chín, chàng tặng cho nàng một cây bút máy, cây bút màu vàng đặt trong hộp nhỏ lót nhung đen, xa xỉ đẹp đẽ biết mấy, nàng nâng niu ngắm nghía mãi đến tận đêm khuya mới chịu rời tay.

(*) “Nhị (hai)” là viết tắt của “Nhị Bách Ngũ (hai trăm rưỡi)” tức là “đồ ngốc”. Lai lịch vì sao “hai trăm rưỡi” lại là “đồ ngốc”, xem giải nghĩa ở cuối chương.

Sắc trời từng chút từng chút thay đổi.

Nàng thấy lão vương gia cầm bức thư gửi từ kinh thành tới mà ưu sầu. Nàng cũng thấy đám học trò trẻ tuổi kết đội diễu hành trên đường thỉnh lệnh. Cuộc sống trong vương phủ kín cổng cao tường tĩnh mịch như nước trong giếng, nhưng ngoài giếng lại là lửa cháy bừng bừng.

Mùa hè năm ấy, lão vương gia vào kinh, cha Minh Nguyệt phải hộ tống theo cùng. Mọi thứ cứ như thể có sẵn điềm báo, trước khi đi, cha nói với nàng quần áo giày dép để nơi nào, tiền bạc tích góp giấu ở đâu, dặn nàng phải biết chăm sóc bản thân mình thật tốt, cha có lẽ trong vòng một tháng tới không thể trở về, một tháng sau là Trung thu rồi, trời lạnh, con phải tự mặc thêm áo vào giữ ấm.

Nhưng cha đã không thể trở về, ông đỡ thay vương gia một phát đạn của thích khách, đạn bắn trúng phổi, đến cả một câu trăng trối cuối cùng còn chưa nói ra được đã tắt thở. Lão vương gia đưa thi thể cha Minh Nguyệt về an táng long trọng, lại hạ lệnh cho toàn phủ trên dưới từ nay phải đối xử tử tế với Minh Nguyệt cô nương. Nàng không còn là đầy tớ nữa, có một căn lầu cho riêng mình, phòng ốc hoa lệ, có người hầu hạ, cuối mỗi quý đều được may cho áo mới.

Người ngoài thấy nàng là một đứa trẻ ngoan ngoãn, hơi đần độn, là một đứa trẻ đột nhiên được mất mà sợ ngây người, không tỏ vẻ gì, không có phản ứng, không biết buồn thương, cũng không biết cảm ơn.

Không ai nhìn thấy nàng khóc trong đêm tối.

Ngoài Hiển Sướng.

Chàng ở bên nàng, đưa tay lau nước mắt lã chã không ngớt cho nàng, nhẫn nại nghe nàng nói, trả lời câu hỏi của nàng.

“Vì sao họ lại chôn cất cha em ở đây?”

“Người đi rồi, phải về quê cũ.”

“Cha em, hình như ông ấy không phải người ở đây.”

“Ông ấy là người nơi nào?”

“Có từng nói với em, em quên mất rồi… Anh xem em có ngốc không, sao em có thể quên tiệt chuyện này đi vậy nhỉ?” Giọng nàng nói rất ổn định, rất bình tĩnh, nếu không nhìn thấy nàng, hẳn là sẽ cho rằng nàng hoàn toàn chẳng khóc chút nào, nhưng nước mắt nàng lại cứ tuôn ra ồ ạt, tuôn tràn đến mức chàng cũng không kịp lau. Rất lâu sau đó, có một ngày, chẳng biết chàng tức giận với ai, giật mạnh tấm rèm che trong phòng ngủ của mình xuống, những hạt pha lê rơi lách tách đầy đất, chàng ngồi trên sàn ngẩn người, thứ hiện lên trong đầu chính là dáng vẻ của nàng lúc này.

Trời từ từ đổi sắc, tiểu hoàng thượng dẫn các lão vương phi nhường lại cả Tử Cấm thành rộng lớn, chỉ chiếm giữ cho mình một góc nhỏ. Đủ loại người quyền cao chức trọng đang thèm nhỏ dãi muốn rục rịch lại bị lôi xuống ngựa.

Lão vương gia bệnh nặng, Hiển Sướng cưới con gái lớn của vương gia Mông Cổ về xung hỉ (*). Nàng nhìn chàng cưỡi con ngựa cao lớn, nàng nhìn cô dâu mới được người ta đỡ giẫm qua chậu than, nàng nhìn lụa là đỏ thắm mặc trên người họ, nàng nghe tiếng chiêng trống vang trời, tiếng pháo nổ đì đùng. Cuối cùng, nàng quỳ xuống theo mọi người, chúc họ phúc thọ an khang, sớm sinh quý tử. Chỉ có điều sau này mới biết, mọi thứ đều đi ngược lại với nguyện cầu.

(*) Một tập tục của người Trung Quốc, cưới cô dâu mới về để xua đuổi tà khí, giải trừ vận xui.