*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Nhà bếp Lâm phủ rơi vào mối khủng hoảng nghề nghiệp, càng lúc càng thấy bất an, không thể làm được gì khác hay hơn đành phải đi hỏi người theo hầu bên cạnh a lang.

Lưu Thường nhận một cái khay to đựng đủ kiểu bánh ngọt của nhà bếp, cười trấn an bọn họ: “Thực sự không sao cả, a lang chỉ là… mùa hè hơi chán ăn thôi.”

“Nhưng bọn ta thực sự rất sợ, không biết làm gì cho a lang mới ổn.”

Lưu Thường nhớ đến cảnh đã thấy khi tới quán rượu Thẩm Ký đón a lang, chợt buột miệng: “Làm chút gì đó cho hợp với mùa đi, ví dụ như làm lãnh đào lá hòe chẳng hạn, dùng tương thịt làm đồ ăn kèm, thêm chút rau xanh như dưa chuột cắt sợi, mầm đậu, đậu đũa hay măng tây gì đó.”

Nhà bếp gật đầu nói tạ ơn, nhưng trong lòng vẫn lo lắng, mấy năm rồi cũng đâu có thấy a lang thích lãnh đào lắm đâu, nhưng mà cháo trắng với rau thì lại ăn khá nhiều, nhưng nếu người bên cạnh a lang đã nói như vậy thì cũng chỉ có thể thử xem sao.

Vì vậy bữa chiều ở Lâm gia thường xuyên xuất hiện bóng dáng lãnh đào.

Giang thái phu nhân rất thích điều này: “Thêm mấy món rau này vào rất ngon, trước kia ăn lãnh đào không có nhiều đồ ăn kèm thế này. Món cá thái lát ăn kèm này có nét giống với Hội Tiên Lâu ở Biện Châu, dạo này người làm dưới bếp nhà chúng ta càng ngày càng có lòng.”

Mặc dù Lâm gia chỉ có hai chủ nhân nhưng đồ ăn kèm lại làm tới năm sáu loại, có tương thịt lợn, tương thịt dê, nấm rừng, thịt cá lư thái lát, ức gà với măng non, tương thịt vịt với dưa chuột, rau ăn kèm cũng nhiều, từng đĩa từng đĩa, một bàn chứa không hết.

Lâm Yến lại gắp cho bà nội thêm một bát lãnh đào, đổi sang món ăn kèm khác, thêm rau xanh, thêm một chút dầu vừng trộn tỏi giã, tự mình trộn lên rồi cười đưa cho Giang thái phu nhân: “A bà thích ăn thì cứ bảo bọn họ thường xuyên làm là được.”

Thái phu nhân lại hồi tưởng lại chuyện năm đó cho cháu trai nghe: “Cá của Hội Tiên Lâu thực sự rất ngon, bởi vì nó nằm ngay cạnh một cái hồ, hồ này nối liền với kênh đào, mặc dù là hồ nhưng nước lại lưu thông. Hội Tiên Lâu đặt sọt cá trong hồ, bao giờ muốn ăn thì đi ra vớt lên, làm thịt rồi nấu luôn ngay lúc đó, vì vậy cho nên mới tươi.”

Lâm Yến gật đầu, đột nhiên nghĩ tới Thẩm cô nương cũng mở miệng ra là bao nhiêu điển cố về cái ăn, nếu như nàng ở đây thì chắc hẳn là sẽ nói chuyện với bà nội rất hợp ý nhỉ? Trong đầu hiện lên cuộc nói chuyện giữa nàng với bà nội hôm mang chè óc chó tới, nấu chút chè mà cũng có thể nấu ra luận điệu quân tử bất đồng… Lâm Yến cong môi cười.

Ăn cơm xong, rời khỏi viện của bà nội, Lâm Yến nhìn Lưu Thường đi theo phía sau.

Lưu Thường tự biết chuyện đã xảy ra, cười gượng một tiếng, chắp tay nhận lỗi: “Nô không dám nói khác, chỉ bảo nhà bếp thử làm lãnh đào xem… Nô, nô nguyện chịu phạt.”

Lâm Yến lại liếc hắn một cái, chậm rãi nói: “Nhớ lấy đó, sau này lại tái phạm thì tự đi lãnh phạt.”

Lưu Thường thở phào một hơi, vội vàng chắp tay xưng vâng.

“Có chuyện giao cho ngươi làm…” Lâm Yến khẽ ho một tiếng, ra lệnh.

Mấy ngày sau, Thẩm Thiều Quang nhận được một cái rương to đựng hoa hồng do Lưu Thường đưa tới.

Thẩm Thiều Quang: “…”

“Mật hoa cô nương làm rất ngon, nhà bếp nhà ta không làm ra được mùi vị như vậy, cho nên số hoa này nhờ cô nương ngâm giúp.”

Thẩm Thiều Quang thấy nhẹ nhõm hẳn, còn tưởng là Lâm thiếu doãn bị sét đánh muốn theo đuổi ta chứ, ha ha ha…

Nhưng mà ngẫm lại lại thấy, ở thời này theo đuổi cô nương thì người ta tặng mẫu đơn tặng thược dược, “duy sĩ dữ nữ, y kỳ tướng hước, tặng chi dĩ thược dược*” là truyền thống từ trong “Kinh Thi” mà. Ở thời này hoa hồng còn chưa mang ý nghĩ lãng mạn.

* Trích “Kinh Thi”, giải nghĩa là: Ở đây (bên bờ sông Vị) trai gái đùa cợt ngả ngớn, họ thường đem hoa thược dược tặng nhau.

“Nhiều thế này đều mang ngâm làm mật cả sao?” Thẩm Thiều Quang hỏi, vậy thì phải ăn tới khi nào?

Cái rương gỗ dài ba thước, rộng hai thước, cao hai thước đầy ắp hoa hồng, cành đều đã bị cắt hết, chỉ còn lại đóa hoa, nhìn qua đã thấy chấn động.

Thẩm Thiều Quang nghi ngờ, đây là cắt sạch cả vườn hoa hồng nhà ai – chỉ để ăn!

Thật là quá mức phá hoại phong cảnh! Người đọc sách thánh hiền, con cháu nhà danh gia vọng tộc như Lâm thiếu doãn mà lại đi làm cái loại chuyện quân phiệt đầu trọc thời dân quốc này sao?

Nhưng mà nhiều thế này mình có chiếm đoạt một phần cũng tiện…

“Cô nương cứ xem rồi làm là được.” Lưu Thường cười đáp.

“Vậy thì… chưng chút hoa lộ vậy.”

Lưu Thường cười hành lễ: “Cô nương cứ tự quyết định.”

Thẩm Thiều Quang gật đầu, nhận cái việc dở hơi này.

Người từng đọc “Hồng lâu mộng” thì chắc hẳn đều sẽ không xa lạ gì món mật hoa hồng và thanh lộ hoa hồng, mật hoa hồng thì chính là hoa hồng ngâm với đường hoặc ngâm với mật, còn thanh lộ hoa hồng thì lại là được chưng thành.

Chưng hoa lộ đã từng rất lưu hành trong giới quý tộc thời này, cũng coi như một biểu hiện của “xuống được phòng bếp”*.

* Có nhiều ý kiến về kỹ thuật chưng cất thời cổ đại. Có người nói trong bảo tàng có trưng bày dụng cụ chưng cất thời nhà Hán, nhưng tài liệu lịch sử rất hiếm ghi chép về kỹ thuật chưng cất từ trước thời Đường Tống. Có chuyên gia cho rằng, ở thời Đường người Hồ du nhập vào mang theo rất nhiều loại hương liệu và kỹ thuật chưng cất hoa, phát triển thêm món hoa lộ ở Trung Nguyên. Ở đây chúng ta áp dụng cách nói này. [tác giả]

Ngự thiện phòng trong cung thì có bộ đồ chưng hoa lộ chuyên nghiệp, các loại đồ từ chõ đến vỉ đều được làm riêng, có cái bằng đồng, có cái từ gốm sứ, cứ tới độ xuân hè hoa tươi nở rộ rực rỡ thì ắt sẽ phải chưng một ít cho phi tần các cung dùng hoặc ăn.

Thẩm Thiều Quang từng nhìn thấy nồi chưng bằng gốm sứ kiểu Hồ ở Tây Thị, mấy trăm văn tiền, cũng không coi là đắt, nhưng bởi vì không cần dùng tới nên không mua, nhưng nếu bây giờ đã nhận việc gia công hoa tươi thay Lâm phủ thì phải tìm chút thời gian rảnh đi mua rồi.

Từ ngâm mật, ngâm đường tới chưng hoa lộ, Thẩm Thiều Quang đều rất am hiểu, nhưng mấy người Vu Tam, A Viên lại rất xa lạ về cái trò chưng hoa lộ này.

Vu Tam đi một vòng quanh cái nồi chưng: “Thì ra hoa lộ là chưng mà thành…”

Thẩm Thiều Quang cười hỏi: “Phu nhân và các cô nương nhà chủ cũ của ngươi không chưng cái này sao?”

Vu Tam sững ra một lúc: “Không chưng.”

Chẳng lẽ là hai miền nam bắc khác biệt? Chưng hoa lộ chỉ lưu hành chủ yếu ở kinh thành và vùng phụ cận? Cũng có thể lắm.

Thẩm Thiều Quang dùng nước giếng rửa sạch cánh hoa, một phần ba ngâm đường, một phần ba ngâm mật, một phần ba cho vào nồi chưng.

Nguyên lý của phương pháp chưng cất cổ đại này rất đơn giản, để hơi nước mang theo tinh túy trong hoa lộ bốc lên, đến vung thì bị ngưng kết thành giọt, chảy vào trong chỗ chứa bên trong nồi chưng, chỉ cần có bộ đồ chưng thì ngay cả người lần đầu tiên làm cũng có thể làm được.

Nhưng người làm quen tay thì nó khác, bí quyết làm cái này nằm ở độ lửa: lửa quá mạnh thì nước bốc hơi mau, còn chưa kịp ngấm hết cái tinh túy bên trong hoa; lửa quá nhỏ thì hơi nước ít, tinh túy trong hoa đều bị đọng lại trong cặn ở đáy nồi, hoa lộ được tạo thành ít mà lại nhạt, thậm chí còn bị cháy ở đáy nồi, hoa lộ dính vị khét, thế thì xong đời.

Vu Tam nhìn qua, hiểu được nguyên lý trong đó thì thôi; A Xương thì không quan tâm tới cái này; chỉ có A Viên cứ ngóng trông, thỉnh thoảng lại tới nhìn, bởi vì Thẩm Thiều Quang đã hứa với nàng ta là “Chờ chưng xong rồi ta sẽ cho ngươi một bát uống trước”.

Thẩm Thiều Quang không nuốt lời, chưng xong hoa lộ thì thật sự dùng nước trong giếng ướp lạnh một hồi rồi cho A Viên một bát, Vu Tam và A Xương cũng có phần.

“Ừm, thơm quá!” A Viên gật mạnh đầu.

“Nếu muốn ăn ngọt thì có thể thêm chút đường, nhưng không được thêm mật, nếu không thì vị sẽ chua.”

A Viên nói: “Thế này đã ngon rồi.”

Thẩm Thiều Quang cười, chẳng qua là uống chút đồ mới mẻ thôi, thứ này đúng là tao nhã thanh lịch thật, nhưng nếu bàn về mùi vị thì còn kém xa nước ô mai của ta!

Để xứng với thứ hoa lộ tao nhã thanh lịch này, Thẩm Thiều Quang còn đặc biệt mua mấy bình sứ trắng dài bốn, năm tấc, miệng nhỏ cổ dài bụng tròn, có nét giống bình ngọc tịnh trong phim tiên hiệp. Bỏ hoa lộ vào rồi đậy chặt lại bằng nút gỗ, đặt cùng với mấy bình đựng hoa ngâm đường, hoa ngâm mật, chỉ chờ Lâm thiếu doãn tới thì bảo hắn phái người mang về.

Còn chưa chờ được Lâm thiếu doãn tới thì đã đón tiếp vị theo hầu họ Lưu kia. Hắn tới là để thanh toán tiền cơm hằng tháng cho thiếu doãn nhà hắn.

Thẩm Thiều Quang bảo hắn mang số chai chai lọ lọ này về, chẳng bao lâu sau thì hắn lại quay lại, cũng mang quà đáp lễ tới – một bức bình phong.

“Thái phu nhân nhà ta đa tạ cô nương đã làm giúp mật hoa hồng và hoa lộ.”

Thẩm Thiều Quang nhìn bức bình phong kia, giá bằng gỗ đàn hương, trong tranh là một hồ sen, những bông hoa sen màu hồng nhạt nở rộ rực rỡ, một con chim bói cá đang vỗ cánh bay, một con khác thì đang rỉa lông, bầu không khí nhàn tản yên bình, thích hợp để bày giữa mùa hè.

Nếu là một bức bình phong nhũ kim quý giá hay là bình phong gối giường quá mức riêng tư thì Thẩm Thiều Quang không cần nghĩ cũng sẽ từ chối ngay, nhưng bức bình phong này lại như bóng sát biên, nửa bình thường nửa lại không bình thường, nhưng mà cứ nhận mấy thứ thế này không hợp cho lắm, dù sao cũng không phải những nhà thân thiết tặng lễ cho nhau. Mà cũng phải nói, đây thật sự là do thái phu nhân tặng sao? Vị Lâm thiếu doãn này…

Nhìn ra Thẩm Thiều Quang có ý khước từ, Lưu Thường cười nài nỉ: “Sau này khó tránh khỏi phải nhờ cô nương giúp đỡ, mong cô nương chớ khước từ, nếu không làm sao bọn ta dám nhờ tới?”

Thẩm Thiều Quang nghĩ ngợi một chút, nghiêm túc nói: “Cũng xin về bẩm với thái phu nhân, sau này chớ có khách khí như vậy, bọn ta thật sự thấy xấu hổ khi nhận thứ này.”

Lưu Thường chắp tay hành lễ rồi cáo từ.

Trở về Lâm trạch, Lưu Thường vào thư phòng bẩm báo: “Đã đưa tới cho Thẩm cô nương rồi.”

“Ừ.” Lâm Yến đang phê văn thư, nghe rồi gật đầu.

“Cô nương nói… sau này chớ khách khí như vậy.” Lưu Thường liếc mắt nhìn Lâm Yến, dè dặt nói.

Bút trong tay Lâm Yến khựng lại: “Ta biết rồi.”

Lưu Thường liếc mắt nhìn sáu bức bình phong lớn viết bài ca hành theo lối chữ thảo gần cạnh, sau đó lui xuống.

Phía sau dãy bình phong chính là phòng ngủ của a lang, mà trong phòng ngủ thì có một bức bình phong nhỏ, giá bằng gỗ đàn hương, phía trên là hồ sen, mấy bông sen he hé sắp nở, bên cạnh hồ sen là hai con cò trắng đang nhàn nhã rong chơi. Không cần nhìn kĩ cũng biết là vẽ cùng một hồ sen với bức bình phong mang tặng.

Lưu Thường thật muốn biết bình phong gối đầu giường a lang có hình thù thế nào…