Lục Tiệm thở dài, đến ngồi bên mé giường, đưa tay nắm vào tay nàng, nhìn khuôn mặt Diêu Tình, vừa mới chỉ có ba ngày thôi, nàng thếu nữ trước mắt đã gầy tọp đi quá nhiều! Trong lòng chua xót, Lục Tiệm tự nhủ: "Nàng bị bệnh đến thành hình dạng như thế, bất kể nàng cau có, bẳn gắt, bất kể nàng mắng mỏ ra sao, đánh đập ta thế nào đi nữa, ta cứ cố nhẫn nhịn là được..."

Gã cố nặn một nụ cười, nói:

- A Tình, cô trách móc tôi đúng lắm! Toàn là tôi đã không tốt, tôi sẽ không xa rời cô nữa đâu, chỉ là...

Diêu Tình hỏi:

- Chỉ là cái gì?

Lục Tiệm đáp:

- Chỉ vì tôi là một tên thô hào, trong số mấy tâm sự của bọn con gái các cô, tôi cuối cùng cũng phải né tránh một vài chỗ!

Diêu Tình nghe được cái lý lẽ bí ẩn đó, hai má nàng rộ lên một chút huyết sắc, nàng lườm gã một phát, bảo:

- Cái đó lại là chuyện khác nữa, ngoài mấy điều đó ra, nếu không được ta bằng lòng, ngươi một bước cũng không được phép rời xa ta!

Lục Tiệm đáp:

- Được!

Diêu Tình ánh mắt vẫn rọi thẳng vào gã, nàng hỏi:

- Coi bộ ngươi nhăn nhăn nhó nhó như vậy, chuyện làm bạn cạnh ta là một cái gì ép buộc ngươi lắm, phải không?

Lục Tiệm gượng cười, đáp:

- Được ở cạnh cô, tôi vui mừng còn chưa thấy thoả...

Diêu Tình nhoẻn miệng cười,

- Cái đó thì không sai lắm! - Nàng ngừng một lúc, rồi hỏi - Có tin tức gì về Vạn Quy Tàng chưa?

Lục Tiệm đem lời Cốc Chẩn thuật lại, rồi thêm:

- Thật lạ! Sao lại có đến ba nguồn tin khác nhau về lão tặc!

Diêu Tình thoáng trầm ngâm một chút, nàng kêu lên:

- Hỏng to!

Lục Tiệm hỏi:

- Gì mà hỏng to?

Diêu Tình bảo:

- Nếu có ba nguồn tin, tức là đã có xuất hiện tới ba lão Vạn Quy Tàng...

Lục Tiệm kì lạ:

- Ở đâu ra tới ba Vạn Quy Tàng lận?

Diêu Tình vừa định trả lời, nhưng khí huyết nàng hư nhược, nàng vừa rồi cố gắng dùng sức một chút, đã thấy váng vất, nàng lập tức xua tay, mặt không huyết sắc, miệng không nói ra lời!

Thanh Nga nhìn thấy, vội vàng bưng sâm thang tới.

Diêu Tình uống xong, nàng nhắm mắt dưỡng thần một lúc, rồi nói:

- Cốc Chẩn cho triệu tập bàn luận, ngươi hãy đem ta theo đi cùng, cái trò gây rối loạn này, ta đến xem qua một chặp chắc sẽ rõ!

Lục Tiệm lẳng lặng gật đầu. Trong khi chờ Diêu Tình thay đổi trang phục, gã ra đứng ngoài bao lơn, đưa mẳt trông vào muôn hoa đang tàn tạ trong vườn, rơi rụng đầy đất, mỗi lần có cơn gió nhẹ thoảng qua, nghe tiếng rì rào, tựa hồ có một mũi dao cùn nhụt nào đấy đang xoay xoáy trong tim gã. Đứng ngẩn ngơ hồi lâu, nước mắt gã bỗng ứa ra, theo gò má chảy xuống, thâm thấm ướt, tựa vô tình làm héo uá một cánh hoa tàn! Bỗng từ trong phòng vọng ra tiếng gọi, gã đành thu vén tâm tình, gắng tạo nét vui tươi trên mặt, gượng một nụ cười, đi vào phòng.

Đưa Diêu Tình đến hậu đường, đã thấy mọi người tụ tập, đang chuyền tay nhau đọc tờ thư báo tin tức. Mọi người đều thần sắc ngưng trọng,

Tiên Bích nhìn vào mảnh giấy thư từ trong tay, rồi nàng ngẩng đầu, nói:

- Cái này nghĩa là sao? Ba hướng tây, bắc và nam đều thông báo đã thấy tung tích Vạn Quy Tàng, rõ ràng lão đang lập nghi trận.

Cốc Chẩn đáp:

- Xem tình hình, Vạn Quy Tàng cũng đã biết mình cử người theo dõi, lão bèn bầy trò đốt một lá bùa thỉnh ra ba ông tổ Tam Thanh, rồi chợt làm biến mất tức thì, người ta thấy mà không biết hành tung lão ra sao! Thấy rõ, trước mắt, người của ta rối tay rối chân, không thể cùng lúc thẩm tra cả ba phương hướng khác nhau.

Ôn Đại lắc đầu,

- Vạn Quy Tàng dĩ nhên cũng hiểu, mình không có cách bám sát theo lão được, ngoài ra chỉ còn bỏ theo dõi, lão tất sẽ quật ngược lại mà đoạt mệnh.

Cốc Chẩn nhướng mày, đáp:

- Cái đòn phép này của Vạn Quy Tàng thật là độc, buộc mình phải lựa một trong ba hướng, nếu lựa sai, sẽ kéo dài thì giờ ra...

Gã nói đến đấy, quay nhìn sang Diêu Tình, ánh mắt lo âu. Vừa chạm vào ánh mắt đó, mặt Lục Tiệm bỗng tái nhợt, gã ngoảnh trông lên rui kèo trên trần nhà, ngẩn ngơ, xuất thần.

Sau một hồi lặng yên, Tả Phi Khanh bỗng nói:

- Vạn tặc giảo hoạt khôn cùng, nói không chừng lão chẳng đi về hướng tây, cũng không về hướng nam, vậy là đi về hướng đông rồi!

- Không đúng - Cốc Chẩn bẻ lại - Vạn Quy dẫu giảo hoạt, nhưng Tư Cầm tiên sinh cũng chẳng phải người không ý tứ, đã giấu đầu mối thứ nhất ở hướng đông rồi, nếu lại để cái thứ nhì cũng tại phương đông nữa, chẳng là vô vị lắm sao?

Nối đến đấy, gã đan mười ngón hai bàn tay vào nhau, chìm đắm vào suy tư.

Mọi người ai nấy đều suy nghĩ, chẳng ra manh mối. Qua một lúc lâu, bỗng Cốc Chẩn chậm rãi nói:

- Hành sự của những người thông tuệ, trong bốn giai đoạn, từ nhập đề, khai triển, chuyển tiếp và kết luận, thể nào cũng có mối liên lạc ràng buộc, chẳng phải để nó phát triển lung tung bất định. Ta đoán là Tư cầm tiên sinh lưu lại năm đầu mối, thể nào trong năm mối đó cũng có tương quan, tìm ra được cái tương quan đó, tất là sẽ tìm ra được phương hướng hiện tại của Vạn Quy Tàng. Câc vị, nếu ta là Tư Cầm tiên sinh, tại sao đã đem giấu cái mối thứ nhất trên đảo Linh Ngao vậy?

Chúng nhân nghe nói đều ngơ ngấc, Tiên Bích nói:

- Chẩng phải đệ đã có nói là tiên sinh muốn đặt nó ra ngoài ý liệu của người thường sao!

Cốc Chẩn vịn vào mặt bàn, đứng thẳng lên, đi qua đi lại vài bước, lắc đầu, nói:

- Lúc đầu, ta cũng cho là thế, nhưng bây giờ, nghĩ lại, cái khuynh hướng đó chỉ quy vào lần thứ nhất thôi, không dùng vào lần thứ hai. Đảo Linh Miết có bao nhiêu là văn bia bằng đá, cớ sao Tư Cầm tiên sinh lại đi chọn cái bia đá vuông vức đó của tổ sư Hoa Kính Viên mà ghi dấu vào? Tại sao không khắc thẳng hai chữ "Phong Huyệt", mà lại đặt thêm câu đố, dẫn đến "Chúng Phong chi Môn"? Giữa những sự kiện ấy, có cái gì mập mờ bên trong?

Tiên Thái Nô bàn:

- Kính Viên tổ sư cũng vậy, mà Công Dương tổ sư cũng thế, cả hai đều quan hệ cực sâu đậm với Tư Cầm tổ sư. Theo ý ta, có khi cái mối thứ hai này cũng có cùng thứ quan hệ máu huyết như vậy chăng?

Cốc Chẩn nói:

- Chưa hẳn đã là quan hệ máu huyết, nhưng có quan hệ mật thiết với Tư Cầm tiên sinh. "Mã Ảnh"? "Mã Ảnh"!.. Liệu có chỗ nào vừa thấy tuấn mã, vừa dính dáng sâu sắc tới Tư Cầm tiên sinh không?

Gã chưa dứt lời, mắt Ôn Đại loé sáng lên, đáp:

- Cần dính dáng như vậy, ta thấy có chút manh mối. Theo chỗ ta biết, đích thực có một nơi vừa liên quan tới Tư Cầm tiên sinh, vừa liên hệ tới ngựa nữa!

Mọi người đều không khỏi hết sức ngạc nhiên. Tiên Bích mừng rỡ, hỏi:

- Chỗ nào vậy?

Ôn Đại thong thả đáp:

- Miếu Oanh Oanh!

Tiên Bích nín thở, hỏi lại:

- Miếu đó chẳng phải ở Tây Thành sao?

Ôn Đại nhẹ gật đầu:

- Chỗ ây có di tượng của Oanh Oanh tổ sư, bên cạnh bức tượng để bộ yên cương hồi xưa dùng thắng vào ngựa quý của người.

- Miếu Oanh Oanh? - Cốc Chẩn thoáng cau mày, đưa mắt nhìn mông lung ra ngoài xa, gã thở ra, rồi chìm đắm trong suy tư.

Đằng đông chớm ửng hồng, mặt trời còn chưa mọc, trên đường đã nghe đặc biết nổi rất rõ tiếng vó ngựa bước chầm chậm,.

Một cơn gió rét thổi qua, Lục Tiệm toàn thân ớn lạnh, gã buột miệng hỏi:

- A Tình, cô có bị lạnh không?

Diêu Tình đang tựa đầu vào vai gã, nàng ngẩng mặt, hơi thở nhè nhạ phả vào gò má gã, nàng vui vẻ nói:

- Ở kế bên một cái lò lửa bự là ngươi, chẳng thấy lạnh một chút nào hết!

Nàng còn chưa dứt lời, con anh vũ đậu trên vai trái của Lục Tiệm đã kêu lên:

- Lò lửa bự, lò lửa bự! Lục Tiệm là lò lửa bự!

Lục Tiệm mặt mày đỏ au, Diêu Tình thấy con chim kêu nhắc loạn những câu lẩm cẩm hai người từng trao đổi chốn phòng the, nàng phát bực mình, đưa tay đập nó một cái, thét mắng:

- Câm mồm!

Con Bạch Trân Châu vụt bay tránh ra, đến đậu cạnh con cự hạc, nó nghiêng nghiêng cái đầu bé nhỏ, dòm dòm Diêu Tình, ra dáng đã bị trách mắng hết sức oan ức.

Diêu Tình hỏi:

- Mày còn không chịu à?

Nàng đang muốn vươn mình đánh tiếp, bỗng cảm giác toàn thân kiệt quệ, đành phủ phục trên lưng Lục Tiệm, hơi thở phì phò.

A Tình! - Ôn Đại tiến lại gần, bảo:

- Bịnh hoạn của con đó, con phải hết sức giữ cho tâm tình bình ổn mới được!

Diêu Tình mắt ửng đỏ, nhìn bà, hỏi:

- Sư phụ, lão nhân gia không cùng đi à? Người nỡ bỏ con sao?

Ôn Đại gượng cười, đáp:

- Ta cũng đâu muốn bỏ mặc con, nhưng từ khi hai mắt bị mù, sức khoẻ Thái Nô ngày một xuống. Ta phải ở lại đây, thứ nhất để chăm sóc Thái Nô, kế đó là lo toan cho cả nhà Thương muội tử, để cho hai đứa Lục, Cốc chúng nó yên tâm đi lo công chuyện.

Lục Tiệm thưa:

- Ân đức của tiền bối, Lục Tiệm không biết làm sao đền đáp!

Ôn Đại bảo:

- Đệ đừng quá khách khí, chuyến đi miền tây này, xa xôi vạn dặm, núi non hiểm trở, gió khi lạnh như cắt da, khi nóng như thiêu đốt, cơ thể Tình Nhi sẽ chịu muôn vàn khổ cực. Mấy bữa rày, kinh mạch toàn thân của nó thấy có triệu chứng co rút, thật đáng ngại. Bắt đầu từ hôm nay, đệ mỗi ngày sáng, trưa, chiều, nhớ vận nội lực lên đưa vào giúp kích thích trăm kinh mạch trong người nó. Mỗi lúc, đều mỗi không được lơ là, Đại Kim Cương thần lực của đệ chí đại chí cương, hàm chứa cái lực từ bi của nhà Phật, rất tốt để dùng vào trị liệu cho thương thế của Tình Nhi, ngoài ra, những chuyện khác, may là có Tiên Bích cùng đi, có nó trông nom cho Tình Nhi, ta cũng thấy yên tâm được một chút.

Diêu Tình dẩu mỏ, nói:

- Con không thèm tỉ ấy trông nom cho!

Ôn Đại cười cười, bà đang dịnh khuyên răn nàng vài câu, nhưng khi thấy ánh mắt quật cường của Diêu Tình, bà không biết phải bắt đầu như thế nào! Bà dõi mắt nhìn một vòng, thấy Tả Phi Khanh, Tiên Bích, Ngu Chiếu, Cốc Chẩn, Ninh Ngưng, năm kiếp nô, Lan U, Thanh Nga, cả đoàn đều đã chuẩn bị ngựa, hành trang, áo quần tề chỉnh, tóc tai gọn ghẽ. Trong lòng thoáng bồi hồi, mắt Ôn Đại bỗng dưng nhoà đi.

Tiên Bích trông thấy, nàng cười bảo:

- Mẹ... Sao thế? Đường đường một bậc Địa mẫu, mẹ không khóc được đâu?

Ôn Đại nén thương tâm, rầu rầu nói:

- Mẹ già rồi! Ruột gan cũng yếu mềm đi nhiều, làm sao vô ưu, vô tâm được như con!

Bà còn đang định nhắn nhe đôi câu, bỗng ở bên cạnh, ông Tiên Thái Nô cất tiếng gọi:

- Cốc Đảo vương, xin mời tôn giá ghé lại đây một chút!

Cốc Chẩn bước lại gần, vui vẻ hỏi:

- Tiền bối có điều muốn chỉ giáo?

Tiên Thái Nô nói:

- Đôi mắt ta trước khi bị huỷ, tuy chẳng có được cái võ công xuất quỷ nhập thần của Cốc Thần Thông, nhưng so nhãn lực, ta tự phụ không kém ông ấy nhiều lắm.

Cốc Chẩn thưa:

- Tiên phụ cũng đã có dịp nói đến đại danh "Thái Hư nhãn", ngữ khí người cực kỳ bội phục.

Nói ra thì ngượng, - Tiên Thái Nô thở dài, - với nhãn lực hư danh đó, cuối cùng ta cũng không thoát khỏi độc thủ của Vạn Quy Tàng. Nhưng trong khi giao chiến, ta cũng có nhìn ra được đôi chút manh mối, nhược điểm của lão. Mấy hổm rày, ta nghĩ ngợi nhiều, thấy thần thông của lão vẫn chưa đạt đến mức độ "Không tịch huyền diệu, bất tử bất sinh", dù lão đã luyện hư, vì chưa hiệp đạo, thể nào cũng có chỗ nhược, tiếc thay, ta chưa ra thấy được chỗ nhược đó!

Nói ngang đấy, ông lấy từ trong ống tay áo ra một tập sách còn mới, đặt vào tận tay Cốc Chẩn, bảo:

- Đây là một ít tâm pháp mà ta đã lĩnh ngộ trong lúc tu luyện "Thái Hư nhãn", cậu dù không có kiếp lực, nhưng lại có ngộ tính, hoặc giả từ trong tâm pháp này, cậu có thể ngộ được thuật "Thiên Tử Vọng khí", tái lập thần uy của lệnh tôn.

Cốc Chẩn nhận tập sách, quá khích động, gã bất giác sững sờ.

Tiên Bích nửa cười đùa, nửa trách móc:

- Bố! Bố đúng là "bụt chùa nhà không thiêng", đem tâm pháp truyền cho người ngoài, không nhìn nhõi gì đến đứa con gái này của bố!

Tiên Thái Nô cười bảo:

- Bích Nhi, mỗi người đều có cơ duyên riêng, muốn miễn cưỡng cũng không xong! Theo ta thấy, trên đời này, duy nhất Cốc Đảo vương có khả năng ngộ thấu...

Tiên Bích cười, ngắt ngang ông:

- Được rồi... Được rồi... Nếu bố đưa cho con, chỉ tổ làm con nhức đầu! Con bình sinh ghét nhất động não, cái vụ phải lao tâm lao lực này, đưa cho tiểu tử họ Cốc gánh, thấy hay hơn!

Cốc Chẩn vui vẻ bảo:

- Tỉ chỉ giỏi đưa đẩy!

Rồi gã chắp tay, cất cao giọng thưa:

- Tiên tiền bối, Địa Mẫu nương nương, xin hai vị bảo trọng, hẹn sẽ có ngày gặp lại!

Gã nói ngang đấy, ánh mắt nhìn xéo, không hiểu vô tình hay hữu ý, đảo một vòng ngang rặng liễu, thoáng lộ thần sắc phức tạp, rồi tung mình ngồi lên yên, gã quất roi một cái, giục ngựa phóng đi.

Mọi người lần lượt chia tay, rồi cũng theo sau gã, những thớt ngựa đó được tuyển chọn trong ngàn con lấy một, phóng nhanh như gió. Thoáng một chớp mắt, bóng người và ngựa mờ khuất, chỉ còn thấy xa xa một vầng cát bụi bay mù.

Nhìn theo đoàn người đến lúc họ đi khuất, Ôn Đại quay mình về phía rặng liễu, buồn bã gọi:

- Thương muội tử ơi, ra đây đi thôi!

Bóng người lay động, Thương Thanh Ảnh vén cành liễu rủ chầm chậm bước ra, trên hai gò má trắng như hoa bách hợp rân rấn nước mắt, ánh mắt bà dõi trông về phía cuối đường hướng tây, châu lệ cứ lặng lẽ tuôn rtơi.

Ôn Đại than thầm trong lòng, đưa tay nắm lấy tay bà, chỉ thấy nó lạnh như băng giá, không một chút ấm áp hơi người, chẳng dằn được, Ôn Đại khuyên:

- Muội tử, đừng việc gì mà khổ não quá thế!

Thương Thanh Ảnh gượng một nụ cười buồn, bà chậm rãi rụt tay về, khoanh ra sau lưng, rồi từng bước một, bà đi vào trang.

Đoàn người kiêm trình ngày đêm, vượt ranh giới Hoài Hà tại Dự Hoàn, men theo bờ nam Hoàng Hà đi về hướng tây, trên đường chỉ toàn thấy dòng sông cuồn cuộn chảy, những chỗ xoáy, tiếng nước róc rách như hò như hát.

Trong thời Gia Tĩnh, nạn lũ lụt sông Hoàng Hà rất to tát, con sông đổi dòng chảy nhiều lần, cắt mảnh vùng đất rộng lớn của Trung nguyên rời rạc thành hình mai rùa, giống những vết sẻ da cắt thịt, rải rác những mảng cỏ cây xanh lục trên màu hoàng thổ, dưới làn gió tây thoáng thổi qua, ngọn cỏ lay động hiu hắt nom hoang lương khôn tả.

Hành trình gian nan, lữ khách không tránh khỏi khó nhọc, nhờ có năm kiếp nô theo đi, được Tần Tri Vị trổ tài bếp núc, thường xuyên đổi món, giúp tất cả tận hưởng ngon miệng. Các thức hương liệu Tô Văn Hương đem theo, được hắn pha chế giúp cho trong giấc nghỉ ngơi, tâm thần được thanh sảng, kỳ diệu khôn tả. Rồi lại còn Tiết Nhĩ, Thanh Nga góp tiếng tơ tiếng trúc giải trí, tiễu trừ nhọc mệt, cũng không phải không thiếu phần vui chơi phong phú.

Duy mình Cốc Chẩn không sa đà vào thú ăn uống, thưởng thức hương thơm, những lúc nhàn hạ, gã tập trung nghiên cứu sách "Thái hư ngọc điển" của ông Tiên Thái Nô,

Trừ khi được truyền theo huyết thống bố mẹ sang con cái, kiếp thuật không thể tự chế tạo, do đó sách không bàn đến pháp môn tu luyện nhãn lực, mà chỉ nói về lý thuyết, sách không dạy bí quyết thần thông, sách này kiểu như loại sách viết về binh pháp, chiến lược.

Pho sách bao gồm bốn đề mục: Nhận định thực hư, biện luận về âm dương, về công và thủ, về cách thức tiến thoái, rất nhiều ý nghĩa, có phần giông giống thương đạo. Cốc Chẩn chuyên trì suy ngẫm, có thể lĩnh hội, môn "Thái Hư nhãn" này cùng nguồn gốc với thuật "Thiên Tử Vọng khí", khi gã kết hợp tâm pháp nhập môn của "Thiên Tử Vọng khí" vào, đem đối chiếu qua lại, Cốc Chẩn thu luợm được khá nhiều ích lợi.

Tuy ích lợi làm vậy, pho sách "Thái Hư ngọc điển" chuyên giảng dạy đạo lý, đến khi vào trận đối địch, sự vận dụng chưa chắc đã là thích hợp, lúc ấy chỉ còn trông vào tuỳ cơ ứng biến.

Bát kình Chu Lưu đã luyện xong, công phu luyện khí của Cốc Chẩn coi như đạt đến đỉnh cao, nhưng vẫn còn cách xa cảnh giới "luyện thần" một cấp, rốt cục chưa so được với đẳng cấp của Cốc Thần Thông, Tiên Thái Nô.

Dự liệu nhiều gian khó trước mặt, Cốc Chẩn thẳng thắn đem diễn giảng những bí ảo của "Chu Lưu Lục Hư công" cho ba người Tả, Ngu và Tiên. Cả ba vốn biết phép hành công đó cực khó, nay được gã chỉ điểm bí quyết, họ hết sức mừng rỡ, nhưng lại có phần lưỡng lự đem tu luyện.

Trong ba người, có Ngu Chiếu lắm gan góc, gã lại rất tin tưởng Cốc Chẩn, đắn đo hồi lâu, gã liền đem áp dụng, đâu dè vừa hành công một chút, tám kình đã toán loạn, đưa gã gần đến mức độ tẩu hỏa nhập ma, may có được Cốc Chẩn hộ pháp, đã giúp kịp thời thu hồi được bát kình, đường đường một tay chủ bộ Lôi bộ, thiếu chút nữa là gã đã lãnh trọng thương.

Tả Phi Khanh thấy Ngu Chiếu thất bại, cũng nổi máu cạnh tranh, thử qua một chút, tính gã nhiều kiên nhẫn, đã đi xa hơn Ngu Chiếu, đâu dè càng nhẫn nại lâu, thụ thương càng nặng, gã bị nạn bát kình nổi loạn, gần bỏ mạng.

Tiên Bích so với hai người đó, nàng bẩm sinh thiên phú trội hơn, nhưng vốn chẳng mấy ham chuộng vũ lực, lại không thiết tha gì lắm với võ công, một khi thấy không xong, nàng lập tức buông bỏ, thành thử trong cả ba, nàng là bị nhẹ nhất.

Thấy tình hình làm vậy, Cốc Chẩn rất đỗi nghi hoặc, gã hồi tưởng đến tình cảnh ngày gã ngộ đạo, cảm giác cách vận kình trước sau không khác là bao, nhưng tại sao khi đem áp dụng cho ba người thì lại gây hoạ quá mức.

Nghĩ tới nghĩ lui, Cốc Chẩn màng màng tự nhủ: "Bữa đó, tự mình sở dĩ luyện thành Chu Lưu bát kính; về mặt nhân hòa, đang lúc chính mình bị nguy cấp sinh tử quan đầu, rồi đã đột ngột bị bạn bè phản phúc tập kích, vào lúc kề cận cái chết, mò mẫm sao đó, khéo sao lại làm tiêu trừ được cái nhuệ khí của Chu Lưu bát kình".

Hơn nữa, cái lý "Tổn cường bổ nhược" cuả Chu Lưu Lục Hư công nhìn thấy đơn giản, nhưng vào áp dụng lại cực kỳ khó khăn. Cốc Chẩn đã có thể chế ngự bát kính, tìm được tân pháp, đều nhờ ở căn bản thương đạo. Đạo kinh doanh, cái quan trọng tối hậu là phải nắm bắt đúng thời cơ, nhưng làm sao nắm bắt, ngoài kinh nghiệm tích luỹ lúc lăn lộn thương trường, còn cần cái nhạy bén thiên phú nhiều hơn, nhạy bén đó chỉ tự cảm nhận được chứ không sao truyền dạy cho đươc. Nếu chẳng vậy, ai nấy đều vừa học qua đã hiểu, trên cái trần thế này, ai ai cũng thành phú thương cả, lấy đâu ra người nghèo khổ nữa?

"Đào Chu Công - Phạm Lãi" ba lần đổi đời, đều vinh danh cả ba, Lã Bất Vi đệ nhất phú thương quyền khuynh thiên hạ, thế nhưng xưa nay, hỏi đã có bao nhiêu người làm nên như Phạm, Lã?

Thiên tư Cốc Chẩn vốn đã đặc biệt, gã lại được Vạn Quy Tàng đích thân giảng dạy phép buôn bán, phần lớn những nguyên lý mà gã ngộ là chuyện tất nhiên. Tuy cũng cao thủ nhất lưu, ba người Tả, Ngu, Tiên chẳng có chất liệu kinh doanh, những chỗ mà Cốc Chẩn dễ dàng nắm bắt, khi đem giảng cho ba người, gã thật khó diễn đạt cho suông sẻ!

Được cái ba người đều hiểu Cốc Chẩn thực tâm giúp họ, và họn cũng biết món "Chu Lưu Lục Hư công" này ẩn chứa nhiều huyền cơ, luyện được thành công thật cả một chuyện lạ, nếu thất bại, thì cũng không có gì phải xấu hổ, nên dẫu bị nội thương. họ tịnh chẳng hề oán trách Cốc Chẩn một câu, nhưng xem ra như vậy lại càng làm gã thấy áy náy hơn.

Cả đoàn vượt Hoàng Hà tại vùng Ninh Hạ, nhắm hướng bắc đi về phía Hà, Sóc, nghỉ ngơi nửa đêm ở Nghi Lâm, rồi chuyển hướng về phía tây, hôm sau đã ra khỏi Sa Châu Vệ, ra khỏi cưong thổ Đại Minh, cảnh vật phía trước thấy cũng thay đổi hẳn.

Vùng cát trắng, nước đậm màu, mênh mông trời đất, thảo nguyên ngút ngàn, ngựa chạy mỏi vó không hết, dưới mắt Lục Tiệm, đường đi như vô tận, dễ làm buồn nản lòng người.

Lúc đi đường, Cốc Chẩn tựa hồ đã tận dụng sở năng, dựa vào những móc nối hồi gã còn làm kinh doanh, khiến mọi người phần ăn mặc đều được chu toàn tốt đẹp, đi hay dừng đều tuỳ ý, ngựa mỗi ngày mỗi đổi, rặt giống ngựa hay.

Nhưng đi liên tục như vậy, chỉ khổ cho Diêu Tình, từ khi vượt sông, do cưỡi ngựa bị dằn xóc nhiều, nàng không ngừng nôn mửa, thuốc thang khó dùng cho cạn, nếu chẳng nhờ tài năng cao siêu của Tần Tri Vị, nấu nướng canh, thang vô cùng ngon ngọt, Diêu Tình chưa chết vì bệnh, e rằng đã chết vì đã không ăn uống được!

Chẳng dè, khổ này chưa qua, nạn khác đà tới, càng đi về tây, phong cảnh hoang lương không nói làm chi, thời tiết mỗi lúc thêm khắc nghiệt, ngày nóng như thiêu đốt, đêm lạnh giá như băng hàn.

Lớn lên ở miền nam, Lục Tiệm có nằm mộng cũng không sao tưởng tượng nổi trên đời lại có thứ thời tiết tệ hại đến thế. Thân thể yếu ớt vì bệnh của Diêu Tình càng phải cố chịu đựng, nóng thì mồ hôi dầm dề, lạnh thì khắp mình như nước đá, nàng hầu như ngủ mê man suốt ngày, giờ còn sống sót được, toàn trông vào nhân sâm cực phẩm do Cốc Chẩn kiếm được, cùng phép Đại Kim Cương thần lực của Lục Tiệm.

Nhìn thân hình nữ tử trong lòng mỗi ngày mỗi gày còm đi, gương mặt kiều diễm ngày xưa giờ đâu còn nữa, lòng Lục Tiệm đau đớn xót xa vô ngần. Gã chỉ sợ nàng ngủ luôn rồi không tỉnh trở lại,rồi lại sợ lúc nàng tỉnh giấc, tự nàng thấy được dung nhan cuả mình, sẽ đau lòng, gã đã khẩn cầu các cô gái đồng hành giấu hết gương, kính đi. Nếu Diêu Tình có đòi soi gương trang điểm. thì cũng nói dối là đã để thất lạc cả rồi.

Một chiều nọ, đoàn người dừng chân nghỉ ngơi bên một giếng nước. đang lúc Lục Tiệm uống nước, thấy Lan U khóc lóc, chạy tới bảo:

- Lục đại hiệp, cái người đau ốm này, thiệt không còn cách nào chịu đựng được nữa!

Vì cách ly nam nữ, những lúc làm vệ sinh, thay đổi quần áo trên đường cho Diêu Tình, Lục Tiệm đều nhờ cậy Lan U và Thanh Nga lo liệu, khi thấy dáng vẻ Lan U như thế, Lục Tiệm biết thể nào cũng vì Diêu Tình bực bội mà nảy sinh, gã vội hỏi:

- Sao lại không chịu nổi nữa? Cô ấy cơ thể bệnh hoạn, khó tránh tức bực, xin cô hãy nể mặt tôi mà khoan thứ hộ cho!

Lan U tức tửi nói:

- Cô ấy đánh tôi, mắng tôi thì cũng cho qua... Nhưng cô ấy nhất định không chịu ăn uống, thì tôi phải làm sao đây?

Lục Tiệm thất kinh, hỏi:

- Ngay cả các thức ngon của Tần tiên sinh cũng không chịu ăn à?

Lan U đáp:

- Thức ăn của Tần tiên sinh cũng không ăn!

Lục Tiệm hoảng hốt chạy đến, năn nỉ đủ điều, mà Diêu Tình chỉ toàn nhắm mắt, ngậm miệng, nhất định không ăn uống, vẻ như muốn tuyệt thực mà chết.

Lục Tiệm đang bó tay, vô phương, kinh hoàng tột độ, Cốc Chẩn hay tin đến xem, hỏi Lan U:

- Chuyện này tất có nguyên do, chắc cô đã nói năng gì đó, làm cho nàng ấy bực tức!

Lan U bị oan ức, nói:

- Tôi lúc nào cũng cẩn thận giữ ý, đâu có làm chuyện gì thất thố đâu?

Cốc Chẩn bảo:

- Cô hãy cố gắng nhớ lại xem!

Lan U ngẫm nghĩ một hồi, rồi nói:

- Vưà qua, lúc đang thay áo, cô ấy đòi uống nước, tôi đã đem đến cho cô một chén nước đầy, kỳ dư, không có gì khác lạ!

Cốc Chẩn bảo:

- Đưa cho ta xem cái chén đi!

Lan U đưa cho Cốc Chẩn.

Nhìn thoáng qua, Cốc Chẩn thấy đó là loại chén sứ trắng sáng, phản chiếu long lanh.

Cốc Chẩn bất giác thở ra một hơi, rót vào đấy một ít nước, rồi đưa ra trước mặt Lan U. Mặt nước bình lặng, phản chiếu một khuôn mặt kiều diễm má lúm, đồng tiền.

Lan U vôn thông minh lanh lợi, cô sững người đi, hiểu rõ mọi chuyện, cô la lên:

- Ui chao... Không xong rồi, cô ấy đã nhìn thấy dung mạo cuả cô ấy rồi!

Cốc Chẩn gật đầu:

- Đúng thế!

Lục Tiệm bỗng hiểu ra, gã tuy đã lo cất giấu thật kỹ các kính, gương, nhưng đã quên đi chuyện đưa chén nước, Diêu Tình yêu quý dung mạo của mình, qua phản chiếu của mặt nước trong chén, thấy vẻ tiều tuỵ khuôn mặt, nàng hết muốn sống, đã nhịn ăn để tìm cái chết.

Trong một lúc, Lục Tiệm vừa lo âu vưà hối hận, gã đứng thừ người ra đấy, đôi bàn tay siết chặt.

Cốc Chẩn cũng trầm ngâm một chút, bỗng gã cười, bảo:

- Lục Tiệm, huynh đứng tránh xa ra!

Lục Tiệm không hiểu ý gã, toan hỏi lại, nhưng đã được Cốc Chẩn đánh mắt làm hiệu, gã bèn lập tức lùi lại mươi bước, chỉ thấy Cốc Chẩn cúi sát vào bên tai Diêu Tình, miệng mấp máy, nói nhỏ gì đấy!

Diêu Tình vụt mở bừng mắt, lườm Cốc Chẩn một lúc, rồi quay sang Lan U, nàng khe khẽ gật đầu.

Lan U sắc mặt vui mừng, đem chén sâm thang lại, chăm chút cho nàng uống.

Lục Tiệm vừa mừng rỡ, vừa kinh ngạc, thấy chuyện lạ lùng, và thấy Cốc Chẩn dợm bước đi, gã vội cất tiếng hỏi:

- Vừa rồi, ngươi đã nói gì thế?

Cốc Chẩn vui vẻ đáp:

- Câu đó không thể nói cho huynh nghe được! Nếu nói ra, thể nào Diêu đại mỹ nhân cũng sẽ nạt nộ ta!

Lục Tiệm thấy gã kiểu cách quỷ quái, càng thêm hiếu kì, nhưng mặc gã tra vấn thế nào đi nữa, Cốc Chẩn nhất định không nói!

Đang lúc đó, Tiên Bích tìm đến, bảo:

- Cốc Chẩn, theo ta tính, núi Côn Lôn chỉ còn nửa ngày đường, nhưng càng đến gần Đế Hạ chi Đô, càng làm lòng người thấy run sợ!

Cốc Chẩn cười, hỏi:

- Tại về đến gần quê hương, nên lòng thấy thắc thỏm chứ gì?

Tiên Bích lắc đầu, đáp:

- Không có chuyện thắc thỏm về gần quê hương đâu, bộ đệ không để ý là quãng đường đi vừa rồi quá sức bình yên sao?

Cốc Chẩn đáp:

- Ừ... Quá bình an thật!

Tiên Bích một thoáng suy tư, rồi bảo:

- Cốc Chẩn, đệ có nghĩ thử, nếu Vạn Quy Tàng đã không trở về Tây Thành, thì sự việc sẽ ra sao?

Cốc Chẩn cười cười mà rằng:

- Nếu sự tình là thế, vụ "Luận đạo diệt thần", thắng bại đã rõ!

Lục Tiệm rúng động trong lòng, Tiên Bích cũng kinh hoàng, hỏi:

- Thế chẳng còn phải là chuyện cá cược nữa hay sao?

Cốc Chẩn cất nét cười, nghiêm giọng, bảo:

- Đây đúng là chuyện cá cược, hễ thua thì chịu, đệ đã cá "Mã Ảnh" phải ở Tây thành!

Tiên Bích ngơ ngác, nàng chuyển ánh mắt về phương tây xa xăm, chỉ thấy mặt trời đang lặn, bóng một quả núi to đang trải dài ra, lấn dần lên trên vùng đất hoang vu mênh mông.