Thuật Yêu Đương

Chương 7: Những “nết xấu” của người đàn bà

Phác họa một vài “nết xấu” thường xuyên của người đàn bà để cho những người chồng của họ sau này khỏi phải có những “thất vọng” bất ngờ, tưởng không phải là vô ích.

a. Hay hờn dỗi

Người đàn bà rất nhạy cảm không bao giờ có thể tha thứ được một lời nói chạm đến lòng tự ái của họ… Hơn nữa, họ lại là người nhớ dai nhất. Với tính khí thường kín đáo, họ thường phản ứng lại bằng những cách “trả thù” rất là tinh tế và ác độc. Bằng cách “làm nũng”, “lạnh lùng”, “hờn dỗi”… họ có đủ mánh khóe để trả thù rất khéo léo. Họ hay hờn mát… nhưng họ mau quên và tha thứ khi nào người đàn ông tỏ vẻ hối hận và xin lỗi. Trái lại, nếu người đàn ông vụng về, không biết nhận xét để tìm ngay nguyên nhân của sự bất bình thì phải “biết tay” họ… Có điều là không bao giờ họ nói ra, và khi mà họ không bằng lòng, người đàn ông phải biết tự mình tìm lấy. Thật là một “nết xấu” đáng trách, nhưng không làm sao sửa đổi được. Vì đó là một trạng thái của “mặc cảm” tự ti gây ra. Vậy, phải làm sao để tránh cái “nạn” ấy thường làm cho không khí gia đình khó thở. Ở trường hợp này “phòng loạn hay hơn là trị loạn”, người đàn ông nào muốn ít gặp những cơn “sóng gió” nho nhỏ này trong gia đình, cần phải biết giữ gìn lời ăn tiếng nói cùng cách cư xử cho hết sức dịu dàng nhã nhặn, như mình đang yêu họ lúc ban đầu… Cũng là cơ hội để người đàn ông tập luyện tính điềm đạm và dè dặt.

b. Tính khí bất thường

Người đàn bà lại có tính khí bất thường “thoạt vui thoạt buồn”, không biết sao phòng trước được. Cũng một lời mình nói mà hôm nay họ tiếp đón một nụ cười duyên, mà ngày mai giận hờn bực dọc… Hôm nay thì đối với cuộc đời, họ thấy toàn là hoa mộng, mà ngày mai họ lại xem nó tăm tối thê lương… Bữa nay họ tính một công việc đầy hăng hái mà ngày mai họ lại bỏ đi một cách lạnh lùng… Tất cả những cái bất thường ấy làm cho họ có vẻ một “đứa trẻ” quá được nuông chiều và mất dạy… Sự quá bất thường ấy gây cho cảnh gia đình nhiều phút nặng nề khó thở. Đối với người đàn bà mà tính khí bất thường, người đàn ông phải nhiều nhẫn nại và điềm tĩnh lắm mới được, và nên biết rằng, đó chẳng qua là kết quả của máu huyết gây ra mà thôi, không ngạc nhiên gì cả.

c. Hay ganh

Người đàn bà nào cũng có tính xấu này, không nhiều cũng ít, mà ai cũng công nhận là khó chịu nhất. Đối với chồng thì hay ghen, đối với bạn bè thì hay ganh.

Người đàn ông cũng vậy, nhưng không quá thường xuyên như ở người đàn bà. Đàn ông mà ghen thì có tang tóc… nhưng may là họ ít ghen vặt.

Người đàn bà nào cũng có tính ganh. Tình thương của họ là tình thương duy nhất: họ không thể nhận cho một ai có thể chia sẻ tình yêu của họ được cả, bất cứ là tình yêu nào. Không có gì đau đớn cho người đàn bà con gái là cảm thấy mình thấp kém đối với những kẻ chung quanh bất cứ về phương diện nào. Họ không thể nhận rằng trong đời lại có thể có người đẹp hơn họ, thông minh hơn họ. Họ rất hãnh diện được là đứa con mà cha mẹ yêu nhất, là người chị mà các em thương nhất, là người học trò mà thầy mình cưng nhất… Chẳng những họ muốn như thế, mà thực sự họ cũng tin như thế. Và cái lòng ham muốn được người ta ai cũng để ý tới mình, khiến họ trở nên “ganh ghét” hơn người đàn ông nhiều lắm. Người đàn bà, phần đông không thể chịu được khi người ta trầm trồ khen ngợi một người đàn bà khác, dù người đàn bà ấy ở một địa vị, một nghề nghiệp cách xa mình mà không tìm được một cái “dở” nào của họ để “châm biếm”, chặn bớt lại những lời khen quá nồng hậu kia. Luôn luôn họ cũng có ít nhiều mánh khóe để “nâng cao” giá trị mình bằng cách “hạ” kẻ khác một cách khôn khéo và kín đáo.

- Ừ! Đẹp thật, nhưng cô ta không mấy đứng đắn… Uổng!

- Ừ! Thông minh thật, nhưng cặp mắt hơi “lộ” một chút… Tiếc quá!

- Ừ! Giàu thật, nhưng coi bộ “hà tiện” lắm…

Nghĩa là bao giờ cũng chưa thật hoàn toàn.

Người đàn ông không tránh khỏi tật xấu này, nhưng không quá lắm như nơi phần đông người đàn bà. Ganh tị là tội ác đầu tiên của loài người mà trong thánh kinh đã khéo ngụ ý trong câu chuyện Cain và Abel, con của thủy tổ loài người là Adam và Eve. Abel được Chúa Trời “cưng” thương đặc biệt, vì vậy Cain sinh lòng ganh tị, nên giết Abel đi. Có thể nói “ganh tị” là một tội ác đầu tiên của loài người.

Người đàn ông ganh và nói xấu những ai mà họ thèm thuồng địa vị, những người tình địch của họ hay muốn chạm đến quyền sở hữu của họ. Trái lại, nếu người khác “hơn họ”, nhưng không phải là địch thủ thì họ vẫn biết nhìn nhận tài hoa của người kia một cách công bình. Người đàn bà không thể nhận rằng trên đời này lại có thể có được người xứng đáng hơn họ để được hưởng những danh dự, những lời khen tặng quá đáng được. Chẳng những đối với người họ biết, mà ngay đối với những người đàn bà mà họ không biết, những người không thể gọi là địch thủ của họ bất cứ về phương diện nào, họ cũng tỏ ý không bằng lòng. Thậm chí cũng có nhiều người đàn bà lớn rồi, trước khi đi coi vợ cho con trai, đã rào đón trước và bảo con mình phải coi chừng con dâu với em chồng, hay mẹ chồng với nàng dâu đã nói trên, thì sự ganh tị xoi bói nhau đã thành một vấn đề nan giải.

Đàn bà con gái mà gặp nhau, cũng không sao tránh khỏi những câu chuyện phê bình chỉ trích các người đàn bà khác. Nhưng trước mặt người đàn ông thì sự ganh tị của người đàn bà sẽ gia tăng thêm, nhất là đối với những người đàn bà khác mà người đàn ông ấy đã quen biết và để ý trầm trồ…

Đó là một tật xấu rất tai hại, nó đã làm cho người đàn bà đau khổ không biết chừng nào! Cho đến nỗi có kẻ đã bảo rằng: Đối với con người, bất cứ là đàn ông hay đàn bà: “yêu” có nghĩa là “ghen”. Hai trạng thái ấy không bao giờ rời nhau: hễ “yêu tất có ghen” và bắt đầu “ghen” là bắt đầu “yêu” rồi vậy. Nhất là người đàn bà, họ luôn luôn muốn được là người mà chung quanh để ý nhất, quý trọng nhất. Nó là bề trái của tính thích được người ta yêu thương mình và chỉ yêu thương một mình mình mà thôi. Nó là kết quả của tình yêu duy nhất của người đàn bà.

Bởi vậy, không gì làm phật lòng người đàn bà bằng khen ngợi không tiếc lời một người đàn bà nào khác trước mặt họ. Nhất là trước mặt vợ mình mà lại khen tặng người đàn bà khác giỏi hơn, thông minh hơn hay đẹp đẽ hơn… thì thật là một điều vụng dại ngu dốt không thể tưởng tượng và nếu không phải là vì thiếu lòng nhân, thì cũng là một điều vô cùng vô lễ.

B. NHỮNG KHÁT VỌNG THẦM KÍN CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG VÀ NGƯỜI ĐÀN BÀ

“Sự khó khăn nhất trong tình vợ chồng là mỗi bên mỗi đòi hỏi công khai những điều mà trong thâm tâm mình không muốn; nhưng trong thâm tâm mình lại muốn những điều mà mình không dám đòi hỏi công khai”.

Sự không hiểu nhau là đầu mối của mọi sự bất hòa – nguyên nhân của không biết bao nhiêu cuộc tình duyên vỡ lở. Cái tình trạng không hiểu nhau ấy, lẽ ra, càng sống chung với nhau lâu chừng nào sẽ càng thấy bớt sự hiểu lầm nhau, nhưng kinh nghiệm cho ta thấy trái lại; càng sống chung đụng nhau, càng thấy sự không hiểu nhau ngày càng thêm trầm trọng.

Những quan niệm khác nhau về lẽ phải điều quấy, những đức hay nết xấu v.v… là những bước vấp nặng nề trong nếp sống hàng ngày của đôi vợ chồng trẻ. Nhất là họ không thể yêu nhau bền bỉ vì họ thường mong muốn những điều trái ngược nhau luôn: họ đòi hỏi một cách vô tâm những điều họ không muốn, và lại muốn những điều mà họ không dám đòi hỏi công khai. Hay nói một cách khác: người đàn ông cũng như người đàn bà, trong thâm tâm đều có khát vọng âm thầm mà ngoài mặt không bao giờ dám đòi hỏi nơi người mình yêu. Không phải vì người ta giả dối, nhưng thật sự, vì người ta không ai hiểu rõ lòng mình.

Thực vậy biết được mình đâu phải là điều dễ. Thanh niên nam nữ hay có thói khinh thường việc tìm hiểu lòng mình. Họ cho đó là việc dễ dàng nhất đời. Mình mà không hiểu mình thì còn ai mới hiểu được lòng mình? Nhưng họ đâu có dè, trong đáy lòng con người có một “nguồn sống” tuy “âm u” nhưng mãnh liệt và thiết thực. Mỗi người chúng ta đều có “tâm hồn hai mặt” cả. Một mặt thì “bộc lộ” ra ngoài, nhưng là một “bộ mặt giả” để chiều chuộng, chạy theo dư luận của chung quanh, bộ mặt giả dối của đạo đức, luân lý phong tục, tập quán và lễ giáo. Một mặt thì u ẩn, tiềm tàng trong đáy lòng nhưng là “bộ mặt thật” của con người mình. Đối với đời, mình không bao giờ dám nói lên hay cho kẻ khác thấy cái tâm hồn thầm kín ấy vì sợ búa rìu dư luận.

Người ta chỉ hoàn toàn sung sướng khi thỏa mãn được những đòi hỏi thầm kín của cõi lòng mình mà không phải trắng trợn cầu xin. Thật yêu nhau, phải tự mình tìm cách thỏa mãn những khát vọng thầm kín ấy của người mình yêu mà đừng để họ âm thầm ôm ấp và đau khổ hay bắt họ phải thổ lộ tâm tình.

Thường những cái mà mình theo đuổi bên ngoài, lắm khi chỉ là những đòi hỏi giả tạo mà trong thâm tâm ta không thiết tha gì mấy. Người ta thường vô tâm đến nỗi không nhận thấy được rõ mình mong muốn những gì, có khi lại còn cho cái muốn của người là cái muốn của mình, chạy theo sở thích của đời lại tưởng là chạy theo sở thích của mình. Thí dụ như trong vấn đề ăn mặc vậy.

Cái tấn thảm kịch của đời người là không nhận thấy rõ được cái bản tính mâu thuẫn ấy của lòng mình. Vì tự phụ, tự ái hoặc vì theo tục lệ hay thành kiến chung của con người, mình thường đi đòi hỏi những điều mà trong thâm tâm mình không mấy gì quan thiết đến. Đó là những việc thường xảy ra trong vấn đề hôn nhân, gây ra không biết bao nhiêu thảm kịch nặng nề.

Trong một bức thư tâm sự của một người đàn bà trẻ tuổi mà cũng là một bà mẹ gương mẫu gửi cho bà Gina Lombroso có đoạn: “Thưa bà, bà đã ca ngợi đức hạnh và lòng hy sinh của người đàn bà trong hôn nhân. Nhưng, thưa bà, đấy là những điều không cần thiết gì cả cho người đàn bà để được hạnh phúc trong gia đình. Bà sẽ thấy rõ: đã có bao nhiêu người đàn bà đức hạnh được chồng yêu thương với tỷ số hạng người đàn bà vụng về đã được người chồng quý chuộng?”

Thực là chua chát mỉa mai làm sao! Nhưng bức thư này chứa đựng một phần nào sự thật trắng trợn lạnh lùng! Thật vậy, ta không thể chối cãi rằng không có những sự “bất công” như thế xảy ra. Chính mắt tôi cũng đã từng thấy, trong khi có những người đàn ông sáng suốt, biết đánh giá cao những người vợ hiền, vừa biết lo xa, vừa đẹp đẽ. Thì cũng có không biết bao nhiêu người đàn ông không xem đức hạnh và lòng hy sinh của người đàn bà vào đâu cả, lại còn “yêu quý” những con người chẳng những ngu si, đần độn độc ác và xấu xí đến “ma chê quỷ hờn” nữa. Có những ông chồng lại “đưa tận mây xanh” những “mụ” đàn bà khờ dại vụng về, không biết nấu chín một nồi cơm mà việc tề gia nội trợ trong nhà hoàn toàn là “bạch tuộc”. Thế mà những hạng đàn bà ấy lại được “đức ông chồng” nâng niu như ngà ngọc! Nhưng, nói thế không phải là tôi muốn kết luận rằng những đức hay nết tốt của người đàn bà là những điều không đáng kể. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng những điều kiện ấy mà tự người đàn bà cho là quý báu, mà xã hội chung quanh đều nhìn nhận là đứng đắn, cũng chưa đủ để cho người đàn bà được yên chí, vì nó chưa trả lời được đầy đủ những khát vọng thầm kín của người đàn ông.

Thật ra, cũng đâu phải ta không thấy có những người đàn bà hết sức “thờ kính” một ông chồng ích kỷ độc tài, thường chỉ biết hắt hủi người đàn bà hơn là biết chiều chuộng, yêu thương. Lắm khi lại còn bắt buộc người đàn bà của mình phải hy sinh trăm ngàn việc khác để cho mình “nằm không” mà thụ hưởng. Trái lại, cũng không biết bao nhiêu người đàn ông hết sức đau khổ vì tình thương rẻ rúng của người vợ bạc tình mất dạy, nhưng vẫn một lòng thủy chung yêu thương tha thiết.

Là tại sao?

Là vì trong việc hôn nhân, người ta bắt buộc dung hòa những điều khó thể dung hòa, ít khi thấy thực hiện đầy đủ được nơi một người đàn bà.

Đối với người đàn ông, người vợ hoàn toàn phải là một người đàn bà “muôn mặt”, nghĩa là một người đàn bà có thể trả lời đầy đủ những câu hỏi mâu thuẫn của họ, phải vừa là một người nội trợ đảm đang, nghiêm trang chín chắn, vừa là một người đàn bà có nghệ thuật gợi tình và biết làm cho họ như một gái giang hồ, nghĩa là vừa là người biết làm “lợi” cho chồng, mà cũng vừa biết làm “vui lòng” chồng.

Tâm hồn người đàn bà, khi chưa kết hôn, thì lo làm “vui lòng” người mình yêu, mà sau khi kết hôn thì chỉ vụ “lợi” cho người mình yêu. Bởi vậy “người vợ” đã quên vai tuồng người “tình nhân”, vì đã quá bận đến phận sự làm “vợ” và làm “mẹ”. Vì thế mà bao giờ cũng chỉ gây hạnh phúc thực sự cho chồng con mà thôi. Trái lại tâm hồn của một cô gái giang hồ thì chỉ có một nguyện vọng duy nhất là chiếm đoạt tình yêu của người đàn ông… bất cứ bằng phương pháp nào. Họ muốn họ là trung tâm điểm của tất cả, mọi người chung quanh phải chiều chuộng nâng niu họ, dù phải đau khổ cho họ đến bậc nào: tâm hồn ấy là một tâm hồn ích kỷ và độc ác. Giữa hai bản tính ấy là cả một cái hố sâu không làm sao lấp bằng được. Gái giang hồ thường đóng vai những tình nhân và được người đàn ông yêu thương nhất, nhưng rất có thể bị ruồng bỏ ngang trong khi người đàn ông bắt đầu chê chán, không chút gì tiếc rẻ.

Không lợi gì cho người đàn bà đứng đắn đi dùng thủ đoạn giả dối của gái giang hồ, vì nó chỉ cần thiết cho những cuộc tình duyên tạm bợ thôi.

Tuy nhiên, đã đành rằng người vợ không thể, mà cũng không nên bắt chước những thủ đoạn của bọn gái này, nhưng thực lòng nếu muốn giữ gìn chồng mình đừng lạnh nhạt trong tình yêu, cũng nên cố gắng dung hòa những khát vọng thầm kín của mình với những khát vọng thầm kín của chồng mình.

Và muốn đạt được kết quả ấy thì phải có đủ can đảm thành thật giãi bày cho nhau những khát vọng của lòng mình để có thể hiểu nhau, chịu đựng nhau, tha thứ cho nhau và yêu nhau mãi mãi. Nhưng đâu phải đó là việc dễ dàng như ý muốn: những khát vọng thầm kín của lòng ta đâu có hiện rõ ràng như trên tờ giấy trắng. Nó thường lưu động ngấm ngầm trong đáy lòng nên phần đông không dè mà để ý. Nhưng nếu có kẻ nào sáng suốt nhận thấy được thì lại vì lòng tự phụ, tự ái… không chịu nói ra: họ muốn người yêu của họ phải tìm mà hiểu lấy…

1. Khát vọng thầm kín của người đàn bà

Người đàn bà ngày nay đòi hỏi nhiều quá… nào là độc lập, tự do, nam nữ bình quyền… đủ mọi phương diện. Thật ra họ đòi hỏi như thế là vì người đàn ông quá ích kỷ, đã biến họ thành những kẻ nô tỳ không hơn không kém. Tựu trung những đòi hỏi ấy thuần về lý thuyết. Trong thực tế, người đàn bà chỉ khao khát có một điều đơn giản này thôi: được yêu thương; hơn nữa, được thông cảm, được hiểu biết… Cái đau khổ nhất của người đàn bà là không có ai hiểu được lòng mình. Không gì làm cho người đàn bà hạnh phúc bằng có một người chồng “tri kỷ”, nghĩa là hiểu biết lòng mình mà không cần phải bày tỏ. Người chồng lý tưởng phải là người biết tìm hiểu, để mà hiểu họ, chứ không đợi họ phải nói ra. Được vậy, họ dù có chết cũng vui lòng. Họ muốn chính người yêu của họ an ủi khi họ cần được an ủi, khuyên lơn khích lệ, khi họ do dự phân vân, tỏ ra biết ơn họ đối với những hy sinh đau khổ của họ… Một tiếng khen ngợi, một lời cám ơn lịch sự… bất cứ là một cử động nào tỏ ra là người đàn ông hiểu biết, sẽ là một nguồn vui sướng vô cùng đối với họ. Trái lại, cũng một lời khen tặng, cũng một tiếng cảm ơn, cũng một sự an ủi khích lệ, cũng một món quà tặng… nhưng không phải tự ý mình làm mà là do sự đòi hỏi van lơn… thì đối với người đàn bà, những hành động ấy không còn giá trị gì nữa cả. Tóm lại, cái nguyện vọng thầm kín của người đàn bà là được mình yêu, thương mình và hiểu mình, đoán trước ý muốn của mình và tìm cách làm thỏa mãn mà tự mình không cần phải nói ra. Người đàn bà lương thiện nào cũng có lòng tự cao, tình cảm của họ bao giờ cũng kín đáo. Bởi vậy, không gì làm cho họ sung sướng hạnh phúc bằng được người khác biết làm vui lòng mình vì đã biết đoán trước ý muốn thầm kín của mình.

Nhưng mà than ôi, có gì ảo vọng bằng! Người đàn bà có linh cảm và trực giác hơn người đàn ông xa, thế mà không biết nổi người đàn ông thường có một tâm hồn đơn giản thay, huống chi người đàn ông, phần đông tâm hồn kém tế nhị, làm sao hiểu nổi tâm hồn sâu kín, tinh tế của người đàn bà? Nếu người đàn bà không chịu nói ra, người đàn ông không làm sao hiểu biết được. Ta nên biết: người đàn bà mà tình yêu chân thật và sâu sắc lại là những người có một tâm hồn hết sức kín đáo trong cách tỏ tình. Những kẻ hay bộc lộ tình tứ của mình cho người đàn ông, thường là những người mà tình yêu nông nổi không thành thực. Có những người đàn bà chín chắn, khi chưa yêu, thì đối đãi với người đàn ông rất tự nhiên và thân mật, mà đến khi họ cảm thấy tình yêu nổi lên, là họ thay đổi liền thái độ và tỏ vẻ lạnh nhạt thờ ơ. Tình yêu sâu đậm thường làm người đàn bà trở nên e lệ và chính đây là khía cạnh đặc biệt nhất của tâm hồn người đàn bà Đông phương. Có một đôi bạn trai gái học chung nhau một trường, thường vui vẻ thân mật lúc họ còn là bạn với nhau. Khi lớn lên, lúc bắt đầu yêu nhau, họ cảm thấy ngại ngùng e lệ và người con gái luôn luôn tránh mặt người bạn trai mà nàng đã bắt đầu yêu. Sự lạnh nhạt bất thường ấy của người con gái, nếu ai tinh ý mới nhận thấy rõ, đó là tình yêu chân thật chớm nở. Không phải họ dối trá, nhưng vì bản tính của người đàn bà phần đông là như thế. Phải có mắt tinh vi mới nhận thấy tấm lòng u uẩn của họ.

Sự ngu dốt của đàn ông đối với những khát vọng thầm kín của người đàn bà là một việc rất hiển nhiên và đau đớn cho người đàn bà không biết chừng nào! Đây là một tấm thảm kịch bi đát nhất của đời người đàn bà. Nhưng người đàn ông họ như vậy là vì họ như vậy. Họ không bao giờ hiểu nổi người đàn bà là vì họ không bao giờ hiểu nổi, chỉ có thế thôi. Họ không bao giờ hiểu nổi cái tiếng cười, tiếng khóc cũng như những sự lặng lẽ cùng những cử chỉ lạnh lùng! Ngoài ra, họ thực không cố tâm hắt hủi phũ phàng gì…

2. Khát vọng thầm kín của người đàn ông

Sự đòi hỏi được “thông cảm” mà không cần phải thổ lộ tâm tình của người đàn bà, thường gây ra sự hiểu lầm và đau khổ cho người đàn bà và gây nhiều thảm kịch gia đình. Lắm khi, người đàn ông, vì dốt nát về tâm lý phụ nữ, cho rằng những cử chỉ lạnh nhạt của người đàn bà là chứng tỏ lòng yêu của họ đã vơi đi. Bởi vậy, họ đem tình yêu mà giao phó cho người đàn bà biết “gãi chỗ ngứa” của họ, những người đàn bà tình tứ bộc lộ sỗ sàng, nhí nhảnh đỏng đảnh mà họ cho là âu yếm thật thà.

Nhưng bấy nhiêu đó, đâu phải đủ để gây “sóng gió” trong gia đình… Người đàn bà dù trực giác và linh cảm hơn người đàn ông bậc nào cũng không sao hiểu nổi những khát vọng thầm kín của người đàn ông.

Sự “không hiểu nhau” giữa người đàn ông và người đàn bà thường ngày sống cạnh bên nhau là một tấn thảm kịch thiên thu. Cả hai bên khi cảm thấy mình không ai hiểu ai nên thường cảm thấy cô đơn lạnh lẽo làm sao!

Nhưng nếu người đàn ông cảm thấy “cô đơn”, tình trạng thường bi thảm hơn cảnh người đàn bà tự thấy “lẻ loi” vì thiếu người tri kỷ. Người đàn bà khi cảm thấy lẻ loi, thiếu sự hiểu biết của chồng… đâm ra thối chí, tuyệt vọng, khóc than, hờn dỗi… nhưng rồi “an phận”. Trái lại, người đàn ông mà cảm thấy cô đơn sẽ nhẫn nại không nói ra, nhưng rồi sẽ bỏ bê gia đình và đi tìm an ủi một nơi khác… Như thế nguy hiểm vô cùng. Bởi vậy, người đàn bà nào muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình, nắm giữ người đàn ông phải quan sát kỹ và tìm hiểu đâu là những khát vọng thầm kín của người đàn ông.

a. Thích ăn ngon

Bất cứ một người nào, nếu chịu để ý quan sát, sẽ nhận thấy rất dễ dàng: người đàn ông nào cũng thích ăn ngon.

Đâu phải là một sự ngẫu nhiên mà hầu hết các cuộc ký kết hợp ước hay bàn bạc việc làm ăn gì thường hay đem giải quyết trên một bàn tiệc, bên một chén trà hay ly rượu. Gặp bạn bè mà vui mừng cũng kéo nhau vào quán rượu. Bạn “chè chén” là bạn tâm tình khắng khít nhất. Đâu phải sự ngẫu nhiên mà những cuộc cãi vã trong gia đình lại thường xảy ra sau những buổi cơm không ngon! Dù người đàn ông có cho sự ăn uống là điều nhỏ mọn tầm thường, không đáng kể cho mấy đi nữa, người đàn bà khôn ngoan cũng nên tin rằng “được ăn ngon” là sở thích nhất của họ, nhưng họ không dám nói ra đó thôi. Như thế, ta thấy người đàn bà càng có thêm một yếu tố để ràng buộc tình yêu của chồng.

b. Ham thích sự thanh lịch

Lại nữa, ngoài các thị dục “tham ăn”, họ còn thích sự “thanh lịch” trong cách trang sức của người đàn bà của họ, dù họ cho đó là một vấn đề tốn kém và giả tạo. Đừng thấy họ khích bác phụ nữ ăn mặc se sua chưng diện mà tin bằng lời: trong thâm tâm họ muốn người vợ của họ ăn mặc mỹ miều thanh nhã. Sự mong ước ấy rất liên hệ đến khiếu thẩm mỹ của họ. Nguyện vọng thầm kín ấy lại còn dính dấp ít nhiều với lòng tự đắc và tính khoe khoang của họ. Có được một người đàn bà ăn mặc đẹp đẽ mỹ miều bên cạnh, họ thích lắm và rất hãnh diện, dù họ lắm khi tỏ ý tiếc tiền than thở. Người đàn bà nào không hiểu lẽ ấy, có khi vô tình làm cho chồng bớt thương vì không biết cách ràng buộc tình yêu. Tuy nhiên, sự trang sức cũng phải biết thể theo ý thích riêng của người chồng, cốt đơn giản và kín đáo, vì sự cầu kỳ sẽ làm bực lòng họ lắm.

c. Thích được tán thành… và khích lệ…

Người đàn ông nào cũng thích được người đàn bà tán thành, phụ họa, tin tưởng và luôn luôn vui vẻ khuyến khích họ làm việc.

Ta nên biết rằng phần đông người đàn bà rất thích những người đàn ông trang nghiêm, có những dáng điệu trầm ngâm buồn buồn hơn những kẻ bô lô ba la, hay hí hởn đùa cợt. Người đàn ông, trái lại, thích những người đàn bà vui vẻ; luôn luôn có nụ cười duyên. Họ không thích những người đàn bà lặng lẽ, quá nghiêm nghị, luôn luôn mặt ủ mày châu. Biết mỉm cười là cả một nghệ thuật để ràng buộc tình yêu của người đàn ông.

Người đàn ông, trong cuộc vật lộn hàng ngày, ê chề vất vả với xã hội bên ngoài… khi bước về nhà, họ khao khát được nhìn thấy nét mặt hân hoan tươi cười đầy âu yếm đón chào họ. Không gì bực dọc đối với người đàn ông bằng thấy người đàn bà mặt mày rũ rượi lạnh lùng. Họ muốn được thấy người đàn bà luôn luôn vui vẻ, dù là “vui gượng”. Sự vui vẻ của người đàn bà là một khuyến khích mà người đàn ông rất cần để được hăng hái trong công việc tranh đấu vì “chén cơm manh áo” cho gia đình.

Lại còn một điểm đặc biệt này: bất cứ người đàn ông nào cũng đều thích hoạt động. Những kẻ làm biếng nhu nhược không phải là người đàn ông. Nhưng lắm khi họ không tự tìm được hứng thú để tự thúc đẩy, khuyến khích mình hoạt động, nên họ rất hài lòng khi thấy một người đàn bà đóng một vai tuồng là nguyên động lực để thúc giục họ hoạt động. Lắm khi ngoài mặt, họ lao tâm khổ trí, nhưng trong thâm tâm họ rất yêu thương những người đàn bà nào đã biết thúc đẩy họ ham hoạt động. Những người đàn bà thích ăn mặc, chưng diện lại dường như hiểu được điều bí ẩn ấy, bởi vậy họ đòi hỏi ông chồng nai lưng làm việc không ngừng để dưỡng nuôi và cung cấp cho họ. Vô tình hay hữu ý, họ đã thực hiện được các thuật làm cho người đàn ông yêu họ thêm mãi. Họ biết rằng những hy sinh của người đàn ông đối với người đàn bà càng nhiều và càng nặng bao nhiêu thì tình yêu họ càng thêm nồng cháy và thắm thiết bấy nhiêu, chứ không bao giờ làm cho lạnh nhạt như có nhiều người lầm tưởng. Có gì lạ: người đòi hỏi mình phải hy sinh nhiều là người sống cần đến mình nhiều. Người ta, dù đàn ông hay đàn bà cũng vậy, hay thương những ai mà mình hy sinh tận tụy, che chở, bao bọc và nâng niu[9]. Cho nên muốn được yêu thương, người đàn bà phải tỏ ra cần sự che chở đùm bọc. Cha mẹ thường yêu thương những đứa con nào yếu đuối, bạc phúc và cần đến sự che chở bênh vực. Đứa nào “đày đọa” mẹ cha nhiều chừng nào, lại được cha mẹ yêu cưng đặc biệt chừng nấy.

Những người đàn bà khôn lanh, giỏi giang, làm nên sự nghiệp cho chồng… thường khi lại không được người đàn ông yêu thương âu yếm. Trái lại, những bà vợ thường “ăn hại” vụng về, luôn luôn cần đến ông chồng lo lắng, chạy xuôi chạy ngược để bao bọc chu toàn, lại được sự yêu thương chiều chuộng tưng tiu, tưởng cũng không có gì khó hiểu. Thật là mâu thuẫn, thật là phiền phức hết sức, tâm lý của con người! Nhưng sự thật là thế. Muốn được người đàn ông yêu thương cần phải “đày” họ nhiều chừng nào hay chừng nấy[10]. Một cách khéo léo và kín đáo; dĩ nhiên, nghĩa là tỏ ra rằng “muốn việc gì cũng như vào một tay bao bọc tế độ” của họ cả. Đó cũng là cơ hội để bắt họ luôn luôn “để ý” đến mình và yêu thương mình hơn ai tất cả. “Mải lo” cho mình, tức là bắt họ “mải nhớ” đến mình, đó là cách chiếm đoạt cả tâm hồn, trí não của họ mà không dè. Họ sẽ có một mình mình thôi.

Đây là một thảm kịch mà xưa nay đã làm đau khổ không biết bao nhiêu người đàn bà lương thiện, vì quá thật là tin tưởng rằng sự hy sinh lo liệu và chu toàn cả mọi phương diện để cho ông chồng khỏi bận rộn gia đình, lẽ ra phải được biết ơn và được đền bù bằng một tình yêu thắm thiết mới phải. Nhưng sự thật thì trái ngược lại. Người đàn ông họ “bạc” lắm! Nhưng thực ra, không phải họ muốn “bạc”. Hãy nên tha thứ cho họ vì họ không hiểu được cái hành vi “bội bạc” của họ. Những bà vợ đảm đương, cầm tất cả quyền hành trong nhà như một bà chúa, chắc chắn sẽ không được ông chồng “yêu cưng”, vì bà đã chạm đến cái “mặc cảm tự tôn” của người đàn ông rồi. Người đàn ông họ “phách” lắm, nên họ “bạc” lắm! Sự đời có những éo le như thế.

Phần quan trọng Thuật Yêu Đương cũng căn cứ vào yếu tố sau đây: Muốn được người đàn ông yêu mình, đừng bao giờ tỏ ra là mình không cần đến họ, và nếu có cơ hội thuận tiện, hãy chứng tỏ rằng mình luôn luôn là người “thọ ân”, là người yếu đuối, vụng về, cần đến sự che chở chỉ dạy của họ. Người đàn ông thích “thi ân”, người đàn bà thích “thọ ân”, là đôi vợ chồng yêu nhau tha thiết nhất, vì đó là bản tính của họ đã được thỏa mãn đầy đủ. Cái thuyết “chồng chúa vợ tôi” của người xưa thật ra cũng có một phần nào lý do chính đáng của nó.

Thường trong những lớp học mà nam nữ thanh niên học chung, những cô gái xuất chúng được các bạn trai khâm phục nhưng không được họ yêu thương. Trái lại, những chị học dở mà chạy theo cậy nhờ các bạn trai chỉ dạy thêm cho, hoặc làm bài hộ cho, sẽ được các bạn trai “chú ý” và “cảm” nhiều hơn, có khi lại đi đến sự “yêu thương” là khác nữa. Là vì người đàn ông con trai nào cũng thích làm người chỉ dẫn và thi ân và rất hãnh diện có người nhờ cậy đến mình.

Tuy nhiên nói như trên đây, là tôi muốn ám chỉ vào hạng đàn ông hoàn toàn là đàn ông, có khí phách hiên ngang của người nam tử, luôn luôn muốn đóng vai một người ân nhân hiệp sĩ, một người thích hoạt động, thích che chở bao bọc những kẻ yếu đuối và gánh vác những nỗi bất bình trong thiên hạ… chứ thực ra cũng không thiếu gì những hạng đàn ông hèn kém, không biết tự trọng, suốt đời chỉ thích “ăn không ngồi rồi” và chuyên môn “đào mỏ”, núp theo vạt áo người đàn bà mà ăn, không biết liêm sỉ là gì nữa cả. Hạng này, ngày nay đâu có ít. Nhưng dù sao, trong tâm tư họ, họ cũng vẫn biết “sỉ nhục” vì phải “ăn bám” nơi người đàn bà. Ngoài mặt họ “dạ dạ, vâng vâng” nhưng không bao giờ họ “yêu” người đàn bà mà họ đang lợi dụng làm tiền, vì trong thâm tâm, họ giống những kẻ “nịnh trên” để mà “nạt dưới”. Họ sở dĩ “cúi mắt” với bên này là có cơ hội mà “lên mặt” với bên kia, đối với người đàn bà nào khác cần “ăn bám” lại nơi họ. Hạng đàn ông này khó mà sống khỏi “ngoại tình”, vì “ngoại tình” đối với họ là một cơ hội để “trả thù” người đàn bà mà họ phải bắt buộc “úp mặt vào vạt áo” để ăn nhờ.

Có được một người vợ luôn luôn dịu dàng và vui vẻ, biết khuyến khích và thúc đẩy họ ham hoạt động, chưa đủ. Họ lại còn muốn cho người đàn bà luôn luôn “tin tưởng” và “tán thành” họ một cách “mù quáng, hoàn toàn” bất cứ là trong tư tưởng hay hành vi nào của họ. Trong thâm tâm người đàn ông nào cũng muốn có một người vợ xem họ như thần như thánh.

Nên nhắc lại rằng người đàn bà nào trong thâm tâm cũng muốn có một người chồng chỉ huy tất cả hành động của họ; một người chồng có tính quả quyết để điều khiển vì họ không thích tự mình lãnh lấy trách nhiệm gì nặng nề cả. Họ muốn có một người chồng có óc phê bình để khuyên lơn dạy dỗ họ. Trái lại, người đàn ông thì khác; họ muốn có một người vợ “phụ họa” theo họ, giúp họ để thực hiện chương trình hành động của họ, dù là những chương trình vô lý. Hay nói một cách khác: người đàn ông thì tìm vợ để làm một người bạn tâm phúc, còn người đàn bà thì tìm nơi người chồng một người bạn cố vấn để dìu dắt chỉ bảo họ. Người cố vấn mà có tài, tức là người có óc phê bình chỉ trích hay; còn người tâm phúc đáng tin cậy chỉ là người biết giữ vai trò “thụ động”, luôn luôn tán thành và khuyến khích họ. Người vợ lý tưởng là người bạn luôn luôn là “tiếng vọng” của họ, luôn luôn “tin tưởng” nơi họ, tán thành cùng khích lệ họ. Bởi vậy, ngay ở ghế nhà trường, hoặc sống giữa cảnh gia đình với cha mẹ, họ rất thích chơi khắng khít với những kẻ nào luôn luôn giúp họ thực hiện ý muốn một cách trung thành, bất cứ là một ý kiến nào. Và chính vì thế, lúc còn nhỏ, họ thích chị em gái hơn anh em trai. Khi ra đời, họ thích cộng sự với những “bề tôi” chỉ biết thừa hành ý định của họ hơn là với những người thông minh dám phê bình hay chống đối lại họ. Vậy thì khi họ lập gia đình, tại sao họ lại có thể khác hơn được mà không mong mỏi có được một người vợ “phu xướng phụ tùy”?

Nhưng, khốn nạn thay, người đàn bà ngày nay lại thường có khuynh hướng tai hại này là ưa khích bác. Vì ở trong tình thế bị “mặc cảm tự ti” sự ưa khích bác phê bình là một khí giới đặc biệt để lập lại quân bình. Phần đông phụ nữ thích phê bình hơn chỉ trích, chẳng phải riêng gì những người họ biết, ngay những người họ không biết họ cũng phê bình không tha thứ. Những câu chuyện tâm tình giữa bạn bè gái của họ phần nhiều chỉ toàn là những chỉ trích phê bình khen chê bất tận hết người này đến người kia. Cái tính ấy mà các bà còn cứ mang theo mãi trong khi tiếp xúc với các ông chồng hàng ngày thì thật là nguy hiểm tai hại không biết chừng nào! Chính nó là nguyên nhân làm cho tình vợ chồng ngày càng gay go trầm trọng. Người đàn bà nào mà ưa chỉ trích chồng mình chắc chắn sẽ không được người chồng “yêu thương” như ý muốn.

Nếu muốn được người ta yêu thương mình, người đàn bà cần phải chặn bớt lại cái khuynh hướng tai hại này, nhất là đối với người bạn trăm năm của mình.

Tuy nhiên, “chặn bớt lại” không có nghĩa là “tuyệt bỏ”… Dù sao trong hôn nhân, người đàn bà không chỉ muốn được chồng yêu thương mà cũng phải biết lo nghĩ đến quyền lợi của gia đình trên hết. Trong những trường hợp quan hệ đến vận mạng của chồng con mình, của gia đình mình thì người đàn bà phải dám cương quyết nói sự thật. Thà chịu hy sinh mất chồng một lúc, nhưng về sau khi sự thật đến, bấy giờ đàn ông tỉnh ngộ sẽ yêu thương lại như xưa, có khi lại còn yêu hơn trước nữa. Nhưng cần phải thận trọng, đừng nhắc đi nhắc lại cái khôn ngoan của mình, nhờ đó mà chồng mình đã tránh khỏi tai họa. Không gì vụng về bằng nhắc nhở lại cái “ân” của mình, vì như thế là nhắc lại cái ngu dại lầm lạc của ông chồng đáng thương hại của mình.

- Ừ, nếu không có tôi mà cản ông lại thì giờ này ông không còn cái áo mà mặc!

- Nhờ ai mà ông mở mày mở mặt được với người ta ngày nay v.v…

Cũng chớ nên quá tin tưởng nơi lòng hối hận và sự biết ân của người đàn ông. Không một ai trên đời này, ngay cả người đàn bà, mà chịu cho người ta chỉ trích mình. Cũng không ai chịu những kẻ chống báng hoặc không tán thành ý muốn của mình.

Ngày xưa, không phải là không có những cuộc hôn nhân đau khổ, nhưng đâu có nhiều như ngày nay. Là bởi ngày xưa giáo dục đã hun đúc người đàn bà thành những người vợ lý tưởng, biết chiều chuộng, theo nguyên tắc “phu xướng phụ tùy”. Họ thành thật tin tưởng nơi người chồng và luôn luôn vui vẻ xem “chồng là chúa, vợ là tôi”, không bao giờ dám chê bai chỉ trích… Có người sẽ bĩu môi cười nhạt cho đó là lối sống tôi đòi, nô lệ, nhưng biết đâu đó là những lề lối khôn ngoan, căn cứ nơi những nhận xét tâm lý cực kỳ thâm thúy về bản tính loài người.

Sau trận đại chiến thứ hai, lúc quân đội Mỹ chiếm đóng ở Phù Tang, đã xảy ra một phong trào người Mỹ cưới vợ Nhật. Có cả trăm ngàn người Mỹ từ chối không chịu kết hôn với người đồng hương của mình có tiếng là kiều diễm, để đi cưới những cô gái Nhật thường không mấy đẹp bằng. Nòi giống, lịch sử, tôn giáo, ngôn ngữ… thảy đều là những yếu tố khó làm sao sống chung được. Tác giả “Ponts de Tokori” là James Michener, tức là tuồng Sayonara, lúc ban đầu tỏ ra ngạc nhiên kinh khủng: tại sao đồng bào ông có thể mù quáng say mê được những con người không mấy duyên dáng kiều diễm ấy, thế mà sau cùng chính ông ta cũng lại cưới cô vợ Nhật.

Sự chọn lựa của các quân nhân Mỹ có gì là khó hiểu. Một cái sắc đẹp lộng lẫy mà kiêu ngạo, thiếu dịu dàng… dễ trở nên chán phèo. Người đàn bà Nhật không phải thiếu lòng tự cao, nhưng vì đã quen giáo dục theo một lề lối truyền thống là hy sinh, luôn luôn dịu dàng, nhường nhịn, vui vẻ, kính trọng người chồng như một “vị thần”. Với người đàn bà Nhật, người đàn ông cảm thấy mình trở nên quan trọng vì được kính trọng như một vị chúa. Người đàn ông Nhật thì xấu xí, nhưng trước con mắt của người vợ, họ là một vị tiên thánh. Nhờ vậy, họ cảm thấy tăng thêm lòng tự tin và dễ trở nên dũng cảm, anh hùng. Người đàn bà Nhật đã khéo léo thực hành câu nói của Lão Tử: “hậu kỳ thân, nhi thân tiên”, tức là biết để mình ra sau mà thân mình lại đứng ra trước. Tâm lý thông thường của con người là kẻ nào muốn hạ mình xuống thấp, thì mình lại muốn chà họ dưới chân. Người đàn bà Mỹ, tuy đẹp thật nhưng quá tự cao, lại còn có thói tranh khôn với người đàn ông, bắt người đàn ông phải kính trọng… Họ được người đàn ông tán tỉnh, xu nịnh để cầu xin tình yêu, nhưng trái lại, họ đã mất lòng yêu thương tha thiết và vĩnh viễn của người đàn ông. Cho nên nước Mỹ là nước mà người đàn bà được đề cao nhất, nhưng lại là nước mà người đàn bà vô phúc nhất sau cuộc hôn nhân, xứ mà sự ly dị thường xảy ra như cơm bữa. Người đàn bà Mỹ đã trả một giá rất đắt cái quan niệm tự tôn tự đại của họ: họ thiếu tình yêu chân thành và thắm thiết của người đàn ông. Có một câu ngạn ngữ được lưu hành trong thế giới: “Không có gì sung sướng đối với người đàn ông bằng được ở khách sạn Pháp, ăn đồ Tàu và cưới vợ Nhật”. Đó là người ta nói lên được những khát vọng thầm kín của người đàn ông, bất cứ ở gầm trời nào.

Ngày nay, phong trào nam nữ bình quyền của Tây phương lan tràn khắp chốn đã “thổi phồng” người đàn bà Đông phương, xui họ cũng đèo bòng và đòi hỏi quá nhiều quyền hành để mà tranh khôn và lấn áp người đàn ông đủ mọi phương diện. Họ tưởng đó là đặc sắc để mà hãnh diện, nhưng họ đâu có dè, họ đã tự mình phá hủy nền tảng hạnh phúc của mình mà bất cứ một người đàn bà nào cũng mong ước: được sự yêu thương và che chở bao bọc của người đàn ông. Như trên đã nói: họ đòi hỏi quá nhiều điều mà thực trong thâm tâm, họ muốn được có người lo lắng cho họ tất cả, nghĩa là được dìu dắt và chỉ huy, họ đòi hỏi được tự do xông pha tranh đấu ngoài xã hội như người đàn ông, mà trong thâm tâm họ mong ước có một tổ ấm gia đình để họ sống êm đềm không gió bụi.

Người đàn bà ngày nay, cần phải nhận chân cái nguyện vọng thầm kín của lòng mình, của cõi lòng người bạn trai và đừng vì phong trào lôi cuốn, vì thời thượng, vì lòng tự đắc không phải chỗ mà tự mua lấy sự thất bại nặng nề là tiêu ma hạnh phúc của đời người.

d. Thích yên lặng và cô tịch

Mặc dù người đàn ông là một tâm hồn ưa hoạt động – vì hoạt động là lẽ sống của đời họ, sau những giờ làm việc mệt nhọc, họ rất thích tìm nơi “cô tịch” để yên nghỉ, nhất là hạng đàn ông trí thức, họ ưa sống một mình… Những phút họ trầm ngâm hay đọc sách, người đàn bà khôn ngoan phải biết kính nể những giờ phút thiêng liêng ấy… Phải biết để cho họ yên với tờ báo hay quyển sách trên tay, đừng có phá rối họ bằng những câu hỏi ngớ ngẩn, điều mà họ “ghét” nhất. Đừng tưởng lầm rằng sự “lạnh lùng” trong những giờ phút yên lặng ấy của họ là biểu hiện của tình yêu lợt lạt… xa vắng…

Thường những người đàn ông thích hoạt động sau những giờ tranh đấu và lăn lóc vất vả ngoài đời, không gì tai hại cho họ bằng khi về đến nhà mong mỏi tìm một nơi trú ẩn sau những cơn sóng gió ngoài khơi, lại gặp “người đàn bà của họ” gác thêm vào đầu họ nhiều nỗi bực mình và bận rộn khác, hoặc về vấn đề con cái quấy rầy, hoặc về vấn đề tiền bạc thiếu hụt… Có nhiều “bà vợ” không hiểu lẽ ấy, bao nhiêu việc bực mình nho nhỏ không vào đâu cả, mà tự mình cũng có thể giải quyết, cũng vẫn đợi chồng về để mang ra mà “bố”! Đó là cách “đuổi” người đàn ông ra ngoài đường một cách chắc chắn vậy.

e. Thích tự do

Người đàn ông rất thích tự do. Có nhiều người đàn bà vì quá yêu chồng, yêu một cách rất ích kỷ, cố gìn giữ mãi người đàn ông bên cạnh bằng cách kiểm soát từng hành động của chồng, như kiểm tra giờ làm của họ, bắt phải đi đi về về đúng hẹn. Hoặc kiểm soát thư từ, tiền bạc dành cho việc ăn xài riêng mà ta thường gọi là tiền túi. Tình yêu họ quá ích kỷ, chuyên chế đến đỗi biến người yêu của họ thành một tên “tù giam lỏng”. Như thế, không gì làm bực lòng người đàn ông bằng, nếu họ không đi tìm hạnh phúc nơi những người đàn bà khác, biết trọng tự do của họ và biết cho đó là tất cả lẽ sống của đời họ. Dù không công khai phản đối, và vì chiều chuộng ép mình sống theo quy củ của người vợ “độc tài”, họ vẫn sẽ âm thầm tìm đủ mọi phương diện để giải thoát.

Sự bực dọc không thể nói ra được của người đàn ông sẽ làm họ đau khổ vô cùng và khiến họ có nhiều tính khí bất thường, quạu quọ, nóng nảy không duyên cớ.

Người đàn bà nào, vì quá yêu chồng, đến nô lệ hóa người yêu, sẽ không bao giờ được người chồng yêu thương như ý muốn, và lắm khi còn phải trả một giá rất đắt về sự chà đạp lên bản năng ham muốn tự do của người đàn ông.

Gìn giữ người yêu, không phải sống như lối gìn giữ một tên tù.

Tôi còn nhớ gia đình nọ mà người vợ cứ than phiền với tôi mãi, về tính khí cau có và hay gây chuyện của ông chồng trong trăm ngàn công việc không đâu hằng ngày. Bà là người đàn bà có một thứ tình yêu độc chiếm: bà muốn biến chồng thành cái lẽ sống duy nhất của đời bà. Bởi vậy, bà không cho phép chồng làm bất cứ một điều gì mà không được bà ưng thuận trước. Chồng bà đau khổ ngấm ngầm quá nên có thái độ chống báng bà luôn. Ông vẫn rất trung thành với bà nhưng cứ cau có mãi và làm khổ bà luôn. Có người “mở mắt” cho thấy, bà liền đổi cách cư xử với chồng, để cho ông chồng tự do thù tạc cùng bạn bè, tự do đi chơi một mình mà không cần phải xin phép hay dẫn bà theo nữa… Bà trả tự do lại cho ông chồng… Được trả tự do một cách quá đột ngột, ông chồng cảm thấy bỡ ngỡ, khó chịu như con chim bị nhốt trong lồng lâu ngày… khi được mở lồng lại không dám bay xa… vì đã mất thói quen. Nhưng lần lần ông quen lại với nếp sống cũ khi chưa lập gia đình, ông mất hẳn tính cau có, trở nên vui vẻ và ham sống.

Người đàn ông quý tự do lắm. Người đàn bà khôn ngoan phải biết gây cho chồng mình cái không khí tự do để họ có thể thỏa mãn được khát vọng thầm kín của họ là ham làm việc, ham hoạt động. Muốn gìn giữ tình yêu của người đàn ông không nên buộc trói họ bằng những sợi “xích sắt”, mà phải biết trói buộc tình yêu của họ bằng những sợi dây tơ của một tình yêu cởi mở. Dù cho các bà không “ban” cho họ một sự tự do thực sự, ít ra cũng nên làm cho họ có cái ảo tưởng là họ đã được sống tự do. Một người tù mà bị cầm cố chừng nào thì cái lòng khao khát tự do của họ càng thêm mãnh liệt và đó là một cách giết chết tình cảm của người đàn ông. Nhà chính khách Aristide Briand có nói: “Kẻ nào muốn đem thân mình ra mà phụng sự một lý tưởng, không nên cưới vợ. Cưới vợ, tức là ngày cáo chung của khí phách anh hùng…”. Ông cũng có lý một phần nào. Và có lẽ vì thế mà các tôn giáo bắt buộc nhà tu đi tìm đạo đức cao siêu phải nhất định từ chối con đường tình ái và hôn nhân, vì “yêu là nô lệ”.

Nhưng may thay, người đàn ông thật là đàn ông, không có ai lại cho ái tình là cứu cánh, mà trái lại, đó chỉ là “biến cố” tạm thời của một đoạn đường đời của họ mà thôi. Cuộc tranh đấu bất tận bên ngoài sẽ lôi kéo họ vào những cuộc phiêu lưu khác nữa, đầy hứng thú hơn là bị ràng buộc mất tự do trong cảnh ao tù nước đọng. Người đàn bà khôn ngoan muốn gìn giữ tình yêu lâu dài, không nên quá khắt khe làm cho sớm mất hứng thú của gia đình.