1. Đính chính:
_ Cả Đại Việt Sử Ký lẫn Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục đều có chép rõ việc Bùi Nột Ngôn, Hồ Nguyên Trừng và Hồ Nghiện Thần, nhưng Minh Thực Lục không thấy ghi đến. Ở đây, để tránh việc có người bảo tác lập lờ, muốn rửa tội bán nước cho Hồ Nguyên Trừng, thì tác xin được tổng hợp tóm tắt tất cả các trường hợp có thể xảy ra như sau:
+) Bùi Nột Ngôn nói lời gian trá để triệt hạ Nghiện Thần
+) Bùi Nột Ngôn nói thực, Hồ Nguyên Trừng và Hồ Nghiện Thần bán nước.
Ở trường hợp thứ hai, tác giả thấy có hai điểm hơi mâu thuẫn là:
a) Năm 1411 thì sứ đoàn sang Tàu, cứ như chính sử thì từ lúc ấy bố phòng trong nước đã bị quân Minh biết. Đến năm 1413 thì Phan Quý Hựu hàng, cũng nói hết quân cơ bố phòng cho Trương Phụ, chẳng phải thừa hay sao? Đáng nói là, sử cũng chép vì biết những chuyện này nên Phụ mới thôi do dự, quyết ý lấy được Hoá châu. Và chỉ ba tháng sau khi Quý Hựu hàng giặc thì Hậu Trần mất. Cũng tức là: nếu Hồ Nguyên Trừng và Hồ Nghiện Thần cấu kết thật, thì nhà Hậu Trần phải mất nước sớm hơn. Ở đây không ngoại trừ khả năng Hồ Nghiện Thần nói quân cơ giả để cho qua, rồi bị Bùi Nột Ngôn hãm hại. Ta coi là một nhánh nhỏ của 2 trường hợp
b) Điều thứ hai, ấy là nếu Hồ Nguyên Trừng bán nước cầu vinh thật, thì đáng nhẽ sách Nam Ông Mộng Lục của ông ta phải đầy lời lẽ mạt hạng đớn hèn, thậm chí tự coi là người Tàu như tên Lê Tắc khi soạn Đại Nam thực lục mới phải. Hoặc, ngay như cùng thời Hồ mạt thuộc Minh cũng có Mạc Thuý viết tấu trương tự nhận là man di, xin làm quận huyện cho giặc. Nhưng Nam Ông Mộng Lục lại đầy vẻ tự tôn, muốn cho người Tàu biết dân ta cũng có bề dày văn hoá lâu đời, người tài lớp lớp. Nước ta cũng là “văn hiến chi bang” như Nguyễn Trãi chép trong Bình Ngô Đại Cáo. Viết như vậy, mình thấy chẳng thêm được lợi lộc gì với một tên bán nước. Văn học là tiếng lòng, không thể giả dối, càng khó mà giấu được người đời sau. Ấy cũng là nguyên do mình tin Hồ Nguyên Trừng không bán nước…
_ Đương nhiên, cũng có người nói ấy là Hồ Nguyên Trừng cuối đời thấy tủi hổ, muốn chuộc tội với núi sông. Ấy cũng có lẽ là thật. Nhưng thiết tưởng tội “bán nước” là cái tội nặng tày trời, đáng bị đời sau khinh thường. Thành thử, trước khi viện sử học và các giáo sư tiến sĩ trong ngành, hiểu rõ cặn kẽ hơn xa những người ngoài nghề như mình đưa ra kết luận sau cùng về Hồ Nguyên Trừng thì tác không muốn hàm hồ khép cho ông một tội nặng như vậy. Huống chi, Hồ Nguyên Trừng còn được đặt tên đường cho nhiều thành phố từ bắc chí nam. Nếu ai không biết thì quy trình xét duyệt để được đặt tên đường gắt gao lắm các bạn ạ. Đến như ông Nguyễn Cao Luyện, người được mệnh danh là cha đẻ của kiến trúc hiện đại Việt Nam, có công rất lớn với cách mạng mà gần đây mới được vinh danh ở Hà Nội và Đà Nẵng cơ mà. Mình nghĩ viện sử học, Đảng và nhà nước sẽ không tự nhiên vinh danh một con người “bán nước”. Thế nên, mới có tình tiết xuyên suốt thiên thứ hai trong truyện. Mình nghĩ đây là sự tổng hoà trung dung nhất, vừa không kết tội Hồ Nguyên Trừng một cách bất cẩn, vừa tránh gây ra mâu thuẫn nêu ở trên trong sách chép, lại vừa cho Bùi Nột Ngôn lợi ích hoài nghi, cũng giải thích được tại sao từ một Tả Tướng Quốc: “thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi” Hồ Nguyên Trừng lại đầu hàng, làm quan cho nhà Minh.
_ Nhân đây, tác cũng xin nhắc lại quan điểm về lịch sử của bản thân. Sử là một môn khoa học, mà đã là khoa học thì luôn luôn mở rộng, luôn chào đón và có chỗ cho các cải chính, các sửa đổi và các phát hiện mới. Thế nên, tác không đồng tình với ý nghĩ: “chính sử là tuyệt đối” như nhiều tác giả khác viết cùng thể loại, vì với mình thì ý nghĩ ấy phản khoa học. Đối với tác, lật sử là một âm mưu đê hèn nhằm phủ nhận thành quả cách mạng nước ta và cần có sự đấu tranh phản đối của mọi người. Song, nhiều bạn / anh (chị) lại đánh đồng sử cận đại với lịch sử trung đại, lại gán cho bất kì ai hoài nghi tính chân thực của sự kiện Hồ Nguyên Trừng – Hồ Nghiện Thần – Bùi Nột Ngôn là “rửa tội bán nước”, là “lật sử”, là “không hiểu bản chất”, là “sai cơ bản” thì mình thấy thế là không đúng. Sử cận đại mình nghĩ có thể tin cậy hoàn toàn được do các nhân chứng sống của một thời khói lửa đạn bom hãy còn sống, còn thuật lại cho đời sau những điều mắt thấy tai nghe, tự mình trải nghiệm. Nhưng sử trung đại thì không nên tiếp cận như vậy. Lấy ví dụ, nếu như ta coi chính sử mà là tuyệt đối thì đã không có các buổi toạ đàm, nghiên cứu mà giới sử học cãi nhau sứt đầu mẻ trán. Những người như Mạc Thái Tổ, Quang Trung hoàng đế cũng sẽ không được minh oan. Những việc như Mai Thúc Loan khởi nghĩa kéo dài đến vài năm chứ không ngắn ngủi như trong sách, nguyên nhân ông khởi nghĩa không phải do nạn cống vải.v.v… cũng không được cải chính. Thế nên, mỗi giai đoạn lịch sử ta lại cần một cách tiếp cận riêng cho phù hợp. Ngoài ra, đọc sách sử, cũng phải thận trọng, vừa phân tích, vừa sàng lọc xử lí lại thông tin.
_ Về Nguyễn Trãi: lúc đầu đặt bút viết thì mình không nghĩ có ngày phải nói lời này, song do trong quá trình mình gặp vài thành phần khá là ba chấm nên buộc phải lên tiếng luôn để mọi người đỡ thắc mắc. Trước tiên, việc cụ ở cái lúc nửa ông nửa thằng và có nhiệm vụ đi tìm sách Binh Thư Yếu Lược đã được lên kế hoạch từ thiên thứ nhất, cuối hồi mười hai, cụ thể là ở chương thứ chín mươi bảy. Đây cũng là sự giải thích của mình cho việc cụ không có mặt ở hội thề Lũng Nhai mà lưu lạc mười năm ròng không có lấy một ghi chép.
Ngoài ra, ý kiến cho rằng cụ Trãi đứng đầu Lam Sơn cầm tay chỉ việc cho các tướng là sai, nhưng cũng có vài thành phần tìm hiểu nửa vời bảo cụ là “vô dụng” thì lại càng lầm lẫn. Thứ nhất, cụ Nguyễn Trãi một mình kiêm bốn chức dưới thời của Lê thái tổ: là Nhập Nội Hành Khiển, Lại Bộ Thượng Thư, Khu Mật Viện Sử và Tiền Liệt đại phu. Trong đó, Nhập Nội Hành Khiển và Khu Mật Viện Sử là hai chức quan đầu triều, chỉ thua tam công (bạn đọc ai chưa hình dung thì cứ hiểu nôm na tam công là tể tướng, chỉ dưới vua cho dễ). Chỉ cần kể đến hai người từng nắm chức Nhập Nội Hành Khiển trong quá khứ là Lý Thường Kiệt và Trần Quang Khải cũng đủ thấy sức nặng của chức vị này. Ngoài ra, thượng thư đứng đầu một bộ cũng là một chức quan trọng, cỡ tòng nhị phẩm.
Lê Lợi Lê thái tổ giỏi nhất là dùng người, chả nhẽ lại giao đến bốn chức quan trọng cho một người không có tài cán gì hay sao??
Điểm mù của lịch sử mà nhiều người – trong đó có không ít kẻ tiểu nhân – bỏ qua là thảm án Lệ Chi Viên. Dính tội khi quân thì biết bao tác phẩm, biết bao công trình, biết bao công lao bị phủ nhận? Cho dù sau này Nguyễn Trãi có được minh oan thì cũng là chuyện của cả hai đời vua sau đấy, công lao đã hoá tro tàn thì biết đâu nữa mà lần? Chẳng nhẽ chép bịa vào?
Lại có ý kiến khác nói Lam Sơn thực lục không ghi công Nguyễn Trãi, mà do ấy là sách “Lê thái tổ viết” nên không bị sửa đổi. Thế lại càng sai lầm, vì sách ấy do Nguyễn Trãi biên soạn, Lê thái tổ chỉ viết tựa và ký là Lam Sơn động chúa mà thôi. Chớ nói Nguyễn Trãi sẽ không tự soạn sách khen mình, mà cho dù có đi nữa, thì Lam Sơn Thực Lục càng là mục tiêu bị sửa đổi, xoá công mới phải.
Còn như sau khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đi “ cãi nhau với thái giám ” thì mình thấy càng nực cười. Một người nếu lòng dạ nhỏ nhen như thế thì có mấy lần đã về ở ẩn rồi lại được vời ra giúp nước không? Các vua Lê chả nhẽ ấm đầu chăng? Đây có thể là một chi tiết được chép vào nhằm hạ thấp, bôi nhọ cụ.
Phan Huy Chú chép Nguyễn Trãi chỉ có công danh đứng hàng thứ chín trong khởi nghĩa Lam Sơn, ở đây mình không rõ ông tham khảo nguồn nào vì cả ba nguồn chính mình dùng là Đại Việt Sử Ký, Khâm Định Việt Sử và Lam Sơn Thực Lục đều chỉ nêu ba mức khen thưởng, và vài cái tên tiêu biểu được ban quốc tính. Thế nên mình chả rõ ông ta tham khảo nguồn nào, có đáng tin hay không.
Trên đây là các ý kiến hạ thấp Nguyễn Trãi do mình lượm lặt được, đa số đến từ những thành phần mà mình xin phép gọi là thùng rỗng kêu to, bản thân tiếp cận sai lại cho rằng kẻ khác “sai cơ bản”.
Tóm lại là:
=>Mình sẽ không thần thánh hoá cụ Trãi, nhưng cũng sẽ không hạ thấp cụ. Tác nghĩ chúng ta cứ thống nhất trước, không đến lúc viết rồi lại có người lôi họ hàng gia đình mình lên chửi thì không hay.
_ Ngoài ra, tác cũng đã thay đổi vài thứ nho nhỏ, song không có ảnh hưởng gì to tát đến chính sử. Những thay đổi này phần lớn trong phần lời tác giả cuối mỗi hồi đã có chú ý rồi nên thiết nghĩ không cần ghi lại nữa
2. Góc tri ân:
Thiên thứ hai kết thúc đánh dấu hành trình dài của Tạng Cẩu đã đi hết một nửa. Suốt chặng đường này có vui có buồn, có hào khí có chán trường, vô vàn cảm xúc lẫn lộn.
Kết thiên, tác xin được tri ân hai người có ảnh hưởng lớn đến tác.
_ Người đầu tiên, không ai khác, là bà ngoại của tác. Nếu như ông nội là người gieo mầm cho mình thích thú với sử, thì bà ngoại là người cho mình hứng thú với con chữ và chuyện viết lách. Chính bà đã giới thiệu người thứ hai cần tri ân cho tác, góp phần rất lớn trong việc hình thành nhân cách của mình. Ngoài ra, những kiến thức cơ bản về kinh mạch, huyệt đạo, đông y.v.v… mình nhắc tới trong truyện thực ra cũng có một phần da lông học hỏi từ bà, do nhà ngoại mình làm y gia truyền.
Bà mất hồi tháng 2 năm ngoái do ung thư, mà mình thì ở cách mấy ngàn cây số, chẳng thể nào về gặp bà thắp hương lần cuối. Hình ảnh mẹ Lê Lợi – bà Trịnh Thị Ngọc Thương – mình lấy cảm hứng rất nhiều từ bà ngoại, cũng là sự tri ân của mình tới bà trong truyện.
_ Người thứ hai là người vừa giúp tác hình thành phong cách, vừa giúp tác hiểu thêm về chủ nghĩa anh hùng, về chữ “hiệp”. Không ai khác, ông chính là cố tiểu thuyết gia Kim Dung – võ lâm minh chủ của thể loại võ hiệp. Từ hồi chưa biết chữ, bà ngoại đã đọc cho tác mấy đoạn Kim Dung. Truyền hình cũng liên tục chiếu các bản chuyển thể tiểu thuyết của ông, nên có thể nói mình như lớn lên với tiểu thuyết của Kim lão. Cái cách ông biến tiểu thuyết của mình thành một quyển Bách Khoa Toàn Thư về văn hoá Trung Quốc cũng là mục tiêu tác đang hướng tới, dù biết chắc rằng đường phải đi còn rất xa.
Tác chưa bao giờ muốn giấu, mà có thì cũng chẳng giấu được, là truyện của tác nhuốm màu sắc của truyện Kim Dung rất nhiều. Một sự thật mà thiết nghĩ bạn đọc nào cũng có thể nhận ra. Nhất là cái phong cách kể chuyện trái hẳn với truyện mạng bây giờ của cụ: “ văn của Kim Dung như nồi nước đặt lên bếp lửa, ban đầu thì tầm thường, nhưng càng để lâu càng sôi sục, càng cao trào, càng lôi cuốn ”…
Mình thấy ở điểm này, Kim lão có một nét rất tương đồng với cụ Nguyễn Đình Chiểu, xin trích nhận định của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng: “ Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy ”.
Có thể nói, nếu không có Kim Dung, có lẽ mình đã viết thể loại khác, với một cách kể chuyện khác hẳn bây giờ.
Đôi lời tri ân, trước khi chuyện tiến vào một hành trình mới…
Tác cũng xin được dừng truyện một thời gian, độ mươi ngày đổ lại trước khi bắt tay vào thiên thứ ba. Lí do là gần đây mình hơi bức xúc một số việc mà không tiện nêu ra trên trang truyện, nên cần có thời gian điều chỉnh lại cảm xúc rồi mới dám viết truyện tiếp. Tác tin rằng sáng tác là để hướng thiện con người, nếu như chính tác cũng ôm một bụng cảm xúc tiêu cực để mà viết chẳng phải hỏng bét, chẳng phải phản bội lại chính câu chuyện mình kể hay sao? Mong bạn đọc hiểu và lượng thứ
Nguyện sớm gặp lại trên giang hồ…