Đoàn thương binh thấy y quả quyết, tròng mắt ai nấy đều đỏ lên:

“ Nếu tướng quân không chê đám người chúng ta vướng tay cản chân, xin được góp một phần sức lực. Chỉ mong sau khi chúng ta chết rồi, vợ dại con thơ được các vị trên cao đoái hoài đôi chút, để hàng năm bên mồ phảng chút khói hương. ”

Đỗ nói:

“ Đi theo quân ta, là hành quân thần tốc, không được chậm một khắc nào nữa. Ai chịu được, đuổi kịp tốc độ cỉa ba quân thì hẵng theo cùng, nhược bằng không thì nên cút về! ”

Các tàn binh đưa mắt nhìn lẫn nhau, những ai còn khoẻ hay không bị thương ở chân thì gia nhập đoàn quân. Số khác thì đành tiu nghỉu bỏ về.

Càng đi vào sâu trong rừng, cây cỏ càng rậm rạp âm u. Ánh mặt trời tàn lụi gượng thở ra những tia sáng yếu ớt, nhuộm úa tàn lên từng nhành cây phiến kas. Nghe xa xa tiếng thằng vượn nào hú não nề, hệt như có người đang khóc than cho đám tang ai đó. Một vài ả quạ kêu ma đằng xa, thật khiến người ta thấy có sự chẳng lành.

Hồ Đỗ chợt nghe mùi máu trong không trung, bèn cho quân dừng lại quan sát. Chốn họ dừng chân là một gò đất khá cao. Loạt xoạt, bụi rậm vang lên những tiếng khẽ khàng ma mị mà bí ẩn.

Phốc!

Một lão cọp nhảy ra khỏi bụi, đuôi cong lên vì vừa chén được bữa no nê. Miệng hắn hãy còn tha một cánh tay người, máu thấm đỏ cả lớp lông trắng hếu ở bụng. Hổ ta nhác thấy nhóm Hồ Đỗ có đông người, thì đâm ra ngán, bèn “ cà uồm ” một tiếng đe doạ rồi chạy tót vào cánh rừng đằng xa.

Hồ Đỗ nhìn con hổ khuất dần, bất giác nhớ về một truyện ma y nghe hồi nhỏ. Người ta kháo nhau rằng trong rừng sâu có một giống ma trành. Loại này không ám người được, nhưng lại biết dẫn người ta đến những chốn rừng thiêng nước độc cho hùm beo vồ thịt để chết thay chúng nó.

Hồ Đỗ cho quân dừng lại nghỉ ngơi, còn chính mình thì lần theo dấu máu. Y đi được năm chục bước thì gặp ngay một cánh quân Hồ khác, nhưng đã chẳng còn ai thở được nữa. Họ chết không phải bị hổ vồ mà là do trúng tên dính đạn, nên Đỗ đoán những người này xui xẻo gặp phải truy binh của quân Minh mà chết hết chứ không phải bị hổ vồ.

“ Đánh đánh giết giết, cuối cùng bỏ thây nơi rừng hoang gò vắng mà chẳng được gì, chỉ béo loài hổ dữ mà thôi. ”

Hồ Đỗ thở dài, thầm nhủ lát nữa sẽ tìm cách quay lại an táng những người này.

Y đang định lần theo lối cũ mà trở ra, thì bất giác sau lưng vang lên tiếng nói:

“ Vẫn còn một con man hầu An Nam lọt lưới cơ à? Tắc trách… ”

Hồ Đỗ rút việt quay phắt lại, nhìn về hướng phát ra âm thanh. Trên tàng cây cao, một thiếu niên đang ngồi vắt vẻo, ánh mắt gã lạnh và sắc như thanh kiếm đen tuyền hắn nắm trong tay vậy. Hắn đúng là người đã lên tiếng ngăn Mộc Thạnh hạ siêu, cứu Nguyễn Tông Đỗ một mạng. Lưng thanh niên nọ đeo một chiếc loan đái rộng bản, đầu đội mũ không cánh. Bên ngoài bận một bộ giao lĩnh xanh lam, chất vải rất bóng và mượt.

Hai vạt áo thêu một con cá lạ bằng chỉ vàng đang ì oạp lội giữa những vệt nước vẩy ngược. Loài cá này gọi là Phi Ngư, đầu rồng đuôi cá, lại có cả một đôi cánh để bay. Còn các vệt nước kia đại diện cho cảnh lũ cá đang vượt vũ môn, hoàn thành quá trình hoá rồng.

“ Cẩm y vệ? ”

Hồ Đỗ nhận ra phục sức của người thanh niên chính là Phi Ngư phục của Cẩm Y vệ, đôi mắt báo khẽ nheo lại.

Cẩm Y vệ hay xưởng vệ là một lực lượng quân tinh nhuệ của nhà Minh. Lúc đầu Minh Thái Tổ thành lập Cẩm Y vệ với ý định biến đây thành lực lượng cận vệ thân tín của ông đồng thời giúp ông thăm dò, giám sát hoạt động của các quan viên trong triều.

Tới năm 1385 lực lượng Cẩm Y vệ đã lên tới 14.000, họ được mệnh danh là “ Triều đình ưng khuyển ”.

Quyền lực của Cẩm Y vệ rất lớn, có thể toàn quyền tra xét nhà các quan lại, tra tấn tù phạm không cần thông qua thủ tục xét xử thông thường mà chỉ cần nhận lệnh của vua.Việc một Cẩm Y vệ xuất hiện trên chiến trường là chuyện chưa từng xảy ra.

Mặc dù thấy lạ, nhưng Hồ Đỗ có từng biết sợ ai? Hắn phạt mạnh thanh việt, cất cao giọng:

“ Thằng ranh con chưa nứt mắt, chưa học bò đã đòi chạy hả? Có giỏi thì xuống đây đánh với ông mày một trận. ”

“ Hầu tử Nam Man đúng là hầu tử Nam Man, không biết sống chết. Thôi vậy, chứng kiến vẻ mặt tuyệt vọng của các ngươi sau khi kiến thức võ học Hoa Hạ bác đại tinh thâm cũng có cái thú của nó. Lão tử bèn mở lượng hải hà để ngươi sống thêm một lúc vậy.”

Cẩm Y vệ trẻ tuổi cười nhạt, vẻ mặt kiêu căng và tự mãn. Cứ như thể dưới vòm trời này hắn là vô địch vậy.

“ Chưa học đui đã học bói gia sư? Ba hoa chích choè! ”

Hồ Đỗ lầm bầm. Dạo gần đây hắn đặc biệt thích cách mấy bác hàng cá chửi nhau bằng ca dao tục ngữ, vừa giàu sức gợi lại vừa đậm chất thơ.

Đỉnh cao của việc thoá mạ là chửi bậy có văn hoá…

Vì nguyên nhân nghiệp vụ, tay Cẩm Y vệ nọ cũng biết lõm bõm mấy câu tiếng Việt. Y nghe loáng thoáng nội dung, lại dựa vào ngữ khí ngữ cảnh là biết Hồ Đỗ đang miệt thị mình.

“ Nhớ kỹ, người giết ngươi tên là Vương Sài Hồ. ”

“ Thôi xin, chết dưới tay Hồ Đỗ này có bao nhiêu người, ai cũng như nhà mi chắc ta chết mệt. ”

Hồ Đỗ cũng không chịu kém, song việt một che trước ngực một để chếch xuống. Hai đối thủ vờn quanh nhau, bốn con mắt chằm chặp ngó chừng đối phương, tiếng hô hấp của hai người càng ngày càng nhỏ. Ánh nhìn của song phương đều bình thản khác nào mặt gương Tây hồ ngày lặng gió. Nhưng mấy ai biết ẩn dưới làn nước thẳm ấy là sóng trào cuồn cuộn chỉ chờ thời cơ là dâng lên, nhấn chìm tất cả.

Giữa song phương tồn tại một sự tĩnh lặng đến ngộp thở. Ấy là cái im lìm đáng sợ trước khi cơn bão ập tới.

Gió khẽ khàng lay động cành cây, đám lá vàng dưới mặt đất nhẹ nhàng nhảy lên đụng vào nhành cỏ, múa một điệu.

Phụ lục: Đông tà - Hoàng Dược Sư

Phân tích chơi thôi…

Hôm nay, tôi sẽ bàn về chữ " tà " ở trong truyện Kim Dung, cụ thể là nhân vật Đông Tà - Hoàng Dược Sư.

Trước hết, nói một chút về bối cảnh của nhân vật. Dược Sư là một trong thiên hạ ngũ tuyệt, tinh thông đủ mọi sự từ kì môn độn giáp tới cầm kì thư hoạ. Võ công đảo Đào Hoa tự thành một phái, ba môn trấn phái Bích Hải Triều Sinh khúc, Đàn Chỉ thần thông, Đào Hoa Lạc Anh chưởng ( Lạc Anh Thần Kiếm chưởng) trên giang hồ không ai không nể sợ. Có thể nói, là một nhân vật toàn diện về tài năng.

Ông có một người vợ là Phùng Hành, người sau này vì chép cuốn Cửu Âm Chân Kinh cho chồng, khiến lúc sinh hạ Hoàng Dung đã không qua khỏi mà kiệt lực qua đời.

Đông Tà có sáu đệ tử: Phùng Mạc Phong, Khúc Linh Phong, Mai Siêu Phong, Trần Huyền Phong, Lục Thừa Phong, Vũ Thiên Phong. Trong đó, hai người Trần Mai đã trộm quyển hạ Cửu Âm Chân Kinh của sư phụ, trốn khỏi đảo rồi lén tu luyện. Giang hồ gọi là hắc phong song sát.

Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với bộ anh hùng xạ điêu, nhân vật khiến tôi bị cuốn hút nhất là Lão Ngoan Đồng. Đọc nhiều thêm, thì vị trí số một ấy chuyển qua Hoàng Dược Sư. Cuối cùng gần đây mới là Quách Tĩnh. Nhưng xin phép được bàn về anh trong một lần khác.

Giờ, tôi sẽ so sánh một chút cái " tà " của các truyện do các tác giả trẻ măng hơn Kim lão và " tà " của Kim Dung.

Tác giả trẻ có cách hiểu về tà là tà dị, tà ác. Những nhân vật gắn với chữ tà này thường cổ cổ quái quái, thích gì thì làm nấy. Đôi lúc, là cả những hành vi cực kì đáng lên án ( VD như lạm sát, cưỡng hiếp…v.v…).

Còn Kim Dung? Đôi lúc, tôi đoán người ta hiểu sai về Đông Tà là do chỉ xem phim mà không đọc truyện, hoặc chi tiết đắt nhất này lại bị làm qua loa nên ít người chú ý.

Trước vụ biến lớn ở Miếu Thiết Thương ngày 15 tháng tám, Kha Trấn Ác, Quách Tĩnh Hoàng Dung, Toàn Chân Lục Tử, Bắc Cái Đông Tà Tây Độc tụ hội cùng một chỗ. Khi ấy, có ba câu thoại đã làm nên cái thần của Hoàng Dược Sư.

_ Đã là người xấu thì sao lại làm chuyện tốt được? Mọi sự xấu xa trên đời đều do cha ngươi làm đấy. Ta cứ gặp đám người tự nhận là anh hào hiệp nghĩa như bọn lục quái là lại nổi giận. ( nói với Hoàng Dung)

_ Bình sinh Hoàng mỗ bội phục nhất trung thần hiếu tử. ( nói với Âu Dương Phong)

_ Trung, hiếu là khí tiết vốn có, không phải lễ pháp. ( đáp trả Tây Độc, nổi giận)

Ba câu, đã nói rõ cái tà của Đông Tà. Một cái tà vừa hay, vừa đầy đủ, vừa chính nghĩa lại vừa quái lạ.

Câu đầu tiên, ta thấy Hoàng Dược Sư không phải nguỵ quân tử mở mồm là lấy đạo nghĩa ra làm khiên chắn cho mình như Nhạc Bất Quần. Còn hai câu sau, thì Đông Tà khẳng định mình chẳng phải kẻ tiểu nhân chuyện ác nào cũng làm. Ông nổi giận với Tây Độc, từ đó ta nhận ra Đông Tà Tây Độc không đứng chung thuyền như người đọc vẫn tưởng.

Lại nói tiếp về tính cách của Dược Sư để nổi bật cái tà của ông.

_ Hoàng Dược Sư rất kiêu ngạo. Ông có Cửu Âm trong tay, nhưng không thèm luyện thứ đã hại chết vợ mình mà nhốt mình trên đảo, thề phải sáng tạo ra một thứ võ học siêu việt Cửu Âm mới rời Đào Hoa.

_ Đông Tà tàn nhẫn, nhưng cũng rộng tình thương. Trong cơn nóng giận vì bị chính hai đệ tử mình hết lòng giáo dưỡng phản bội, ông đã đánh gãy chân hết các đệ tử khác rồi trục xuất khỏi đảo. Chà… ác nhỉ? Nhưng tại sao không ai lấy làm hận ông, trái lại còn muốn tìm đủ cách chuộc lỗi với thầy để được nhận lại? Chẳng phải do cách đối đãi của Đông Tà với họ trong lúc trên đảo sao? Về sau, Đông Tà đã có phần hối hận. Ông nhận lại các đệ tử và con cháu ở Lục gia trang, cho Mai Siêu Phong tìm tung tích các đệ tử còn lại, thu nhận Khúc Cô. Mai Siêu Phong liều mạng đỡ đòn đánh lén của Tây Độc cho ông, đến cả lúc sắp chết, vẫn mong được ông tha tội kia mà. Con gái bỏ đi, ông chả nhớ đến lời thề nữa, rời đảo bôn ba đi tìm. Chẳng qua lão ta quá ngạo, nên không muốn nhận sai.

_ Tà lại kì quặc. Người ta đổ oan cho ông, ông chẳng thèm nhiều lời mà nhận luôn về mình. Thậm chí còn để Toàn Chân thất tử ( nay còn sáu người) và một đệ tử khác ( hình như là Doãn Chí Bình) liên hợp thành trận Thất Tinh Bắc Đẩu vây đánh. Kha Trấn Ác, Quách Tĩnh sau cũng gia nhập vòng chiến. Song, dù bị người ta tìm giết, ông cũng không động sát thủ. Ấy là bởi hai bên thực chất không có thù sâu oán nặng với nhau. Lại nói, nếu hôm ấy Tà nổi nóng lên giết người, thì mối oán thù này lão phải nhận thay kẻ thủ mưu rồi. Cổ quái đấy, nhưng ai nghĩ Đông Tà ngu ngốc để bị lợi dụng thì thật lầm.

Tà mà không ác, cái tà của Đông Tà nó là cái tà đấy đấy. Tà, nhưng không quên trung hiếu. Tà, nhưng vẫn còn những quan niệm đạo đức cố hữu trong tim. Thứ duy nhất Đông Tà chẳng màng, ấy là lễ giáo rườm rà cổ hủ phong kiến mà thôi.

Ps: hôm nay tác giả mạo muội nói ngoài lề hơi nhiều. Kính mong bạn đọc thông cảm và tiếp tục ủng hộ