Lại phải nói vùng Vân Đồn này có sáu trăm đảo đá lớn nhỏ, mà số đảo có người ở lại chỉ vỏn vẹn có hai mươi. Thành ra chốn này chẳng những đường nước lắt léo như trận đồ, cực kì dễ lạc phương hướng, lại đất rộng người thưa, muốn dọ thám được hết cũng không phải chuyện một sớm một chiều.
Hàn Quan không phải kẻ ngốc, lão biết quân Trần ra bắc lần này là để cướp lương, nên nếu có tấn công thì cũng đánh vào những đảo lớn. Lượng lương thực bọn họ tải được theo thuyền lại có hạn, thế nên có muốn lởn vởn trong các quần đảo đá chờ thời cơ đánh lén cũng chẳng được.
Thế nên lão có thể đủng đỉnh thư thả. Người cần gấp là vua tôi Trần Quý Khoáng.
Lại qua một hai ngày, rốt cục cũng có một đoàn dọ thám trở lại.
Theo quân tình những người này nghe ngóng được, thì ngoài khơi đảo Cát Bà, Long Châu có bóng cờ quân Trần.
Hàn Quan hay tin, vuốt râu cười nhạt. Lão không lãng phí thời gian, mặc khôi giáp, đeo ấn kiếm, dẫn quân tinh nhuệ lên thuyền, tổng cộng lên hơn năm mươi chiếc kéo về phía Nam chuẩn bị tùy thời chặn đánh quân Trần.
Từ cửa Vân Đồn, xuôi Nam vào vịnh Bái Tử Long, chèo thuyền dọc theo bờ biển độ mấy ngày thì sẽ đến đảo Cát Bà. Từ đó về hướng đông là đảo Long Châu.
Nói về đảo Cát Bà, tương truyền rằng cái tên này đã có từ thời xa xưa, từ thời Hùng Vương. Vốn đảo tên là Các Bà, nhằm vinh danh Các Bà là hậu phương của Các Ông theo Thánh Gióng ra trận phá giặc Ân, lâu dần bị đọc trệch thành Cát Bà. Đến nay trên đảo vẫn còn đền thờ Các Bà, tuy đang buổi chiến hỏa liên miên, nhưng khói nhang không dứt.
Muốn đến Cát Bà, phải qua vịnh Bái Tử Long cũng nhiều đảo đá lớn nhỏ, tương truyền là châu ngọc năm xưa đàn rồng phun ra đánh đuổi ngoại xâm. Nơi rồng mẹ hạ xuống là Hạ Long, còn nơi các con rồng con hạ xuống là Bái Tử Long này vậy.
Đội thuyền chiến của Hàn Quan lướt biển mà đi, khí thế hùng hổ thật là dọa người. Tuy là các đảo đá san sát, ngang dọc như trận đồ, nhưng đã có mấy tên chài lưới địa phương vốn thông thạo đường đi lối lại chèo thuyền nhẹ đi trước dẫn đường, nên đại binh của lão cứ băng băng rẽ sóng. Đội thuyền của Hàn Quan cứ thế đi qua hai vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, một đường bằng phẳng chẳng gặp chút khó dễ nào. Điều này không khỏi làm lão sinh nghi.
Hai vùng vịnh này nổi tiếng là địa thế hung hiểm, dòng nước biển biến hóa khôn lường, lại nhiều đảo đá, động đá, đá ngầm…v.v… Nếu nói đâu là nơi thích hợp nhất để đặt quân mai phục, thì chỗ này có thể nói là hạng nhất.
Hàn Quan sẽ không khinh địch tới mức cho rằng Đặng Dung không hiểu đạo cầm quân đánh trận.
Thế nên lão mới lấy làm bứt rứt trong lòng, cứ cảm thấy chuyện này có gì quái quái mà không sao cắt nghĩa được.
Nhưng ngờ vực hay không thì đoàn thuyền chiến của lão cũng đã cập bến đảo Ngọc, hay đảo Cát Bà.
Lúc này tổng binh trấn giữ trên đảo Cát Bà vội vàng đến tận cảng biển, gióng trống mở cờ đón hữu quân đô đốc. Hàn Quan thấy cờ xí rợp trời toàn là cờ phe mình, lại càng thấy khó hiểu.
[ Lẽ nào quân Trần lại yếu đến thế, không thể đánh nổi hơn ngàn quân đóng trên đảo hay sao? ]
Thuyền cập bến…
Lúc này Hàn Quan mới để ý là có mấy chiếc thuyền là đang neo buộc ở cảng phía đông, bèn hỏi tổng binh trên đảo:
“ Tàu này là của ai? Quân giặc đánh dữ dội không, bị thương bao nhiêu người? ”
Bấy giờ tay tổng binh mới nói:
“ Đúng là tì chức đã báo với thám quân là có cờ của giặc, nhưng hôm sau thì mới biết là hiểu nhầm. Tì chức cũng đã cho người chèo thuyền nhẹ cố gắng đuổi theo thám quân, tiếc là không kịp, khiến cho đô đốc tới đây không công thế này thật là đáng tội chết. ”
“ Ý ngươi là sao??? Lẽ nào ngươi không biết báo sai quân tình là tội chết? ”
Hàn Quan quắc mắt, râu cằm trợn ngược cả lên.
Tay tổng binh giữ đảo Ngọc toát cả mồ hôi hột, nuốt nước bọt đánh ực một cái mới có đủ can đảm để nói tiếp:
“ Bẩm báo đô đốc, xin hạ cố đến tệ xá, sẽ có người giải thích tường tận ạ. ”
Hàn Quan hừ một tiếng, nhưng cũng đi theo tay tổng binh này về phủ đệ.
Dọc đường, lão đảo mắt quan sát tứ phía theo thói quen của một người làm tướng đánh trận. Chỉ thấy đường ngang ngõ dọc vẫn có lính Minh tuần tiễu đều đều, hàng quán vẫn buôn bán bình thường. Lề xá sạch sẽ, chẳng có dấu vết gì là vừa trải qua một trận chiến cả.
Đi độ uống hết chung trà thì về đến phủ của tay tổng binh, Hàn Quan được y dẫn vào một gian thư phòng trang nhã. Bấy giờ ở ghế khác mé tay phải đã có một người đàn bà ngồi sẵn, hai thanh loan đao đặt trên bàn.
Hàn Quan tự nhiên nhận ra thân phận người này, không khỏi kinh ngạc:
“ Là Đông Hải Kình Nương? Khi không cô đến đây làm gì? ”
Lão làm tướng, lại phụ trách chuyện tải lương thảo quân lương từ Lưỡng Quảng sang đất nam, dọc đường tự nhiên không thể tránh khỏi chuyện giao thiệp với hải tặc.
Hải tặc là thế lực chẳng thuộc riêng một nước nào, tự thành một phe, thành thử đối với nhiều tên chẳng còn kể gì đến dân tộc với yêu nước. Hàn Quan bỏ món tiền lớn ra nhờ, trước là để Đông Hải Kình Nương cho thuyền lương đi qua, sau là cũng theo đó thuê mấy tay thông thạo đường nước từ chỗ ả đến làm hoa tiêu cho lão.
Kì thực Hàn Quan nắm trọng binh, Đông Hải Kình Nương có gọi thêm mấy băng hải tặc khét tiếng nữa cũng chưa chắc đã dám đến vuốt râu hùm. Thế nhưng lão tướng này biết nhiều lúc lui một bước trời yên biển lặng, tuy là chẳng sợ đánh, nhưng bỏ tiền ra mua đường cũng coi như bán cho đối phương một cái ân tình, nể mặt người ta. Về sau nếu có làm ăn nhờ vả gì thì cũng dễ. Chứ nếu như ngang tàng chẳng để ai vào mắt, thì muốn nắm được địa thế các đảo đá, hải cảng, đảo nọ đảo kia ở chốn Vân Đồn này cũng không dễ gì.
Lão biết người phụ nữ này hoành hành một vùng biển lớn, trước đây hay làm ăn với quân Minh đóng trú ở các tỉnh phía Nam Đại Minh, sau quân Minh chiếm đóng Đại Việt thì ả cũng thuận tiện mở rộng địa bàn luôn, có thể nói là quan hệ hai bên cùng có lợi.
“ Còn không phải đến thỉnh tội với đại nhân hay sao? ”
Trần Thu Nguyệt đáp, đoạn đứng lên xá lão một cái.
“ Tiểu nữ hôm trước do nể mặt người ta, có thu nhận mấy người vào băng. Những tên này đều là cựu binh của giặc Trần, vì không chịu nổi cảnh ăn đói mặc rách nên đào ngũ. Thương tình bọn chúng không chốn dung thân, tiểu nữ mới sắp xếp cho làm bảo tiêu đám “ hoa thuyền ”. Ai dè mấy tên này cả gan treo cờ giặc Trần trên thuyền, khiến tổng binh đây hiểu lầm, mới báo sai quân tình cho ngài. Lúc tiểu nữ hay tin tức tưởng điên cả tiết, vội vàng đi thuyền nhẹ đến đây, chém chết mấy tên kia, rồi ở lại thỉnh tội với ngài. Cứ tưởng ngài từ Vân Đồn xuống đây phải nhanh hơn tiểu nữ một bước, may sao trời phật phù hộ lại để tiểu nữ đến trước đô đốc, bằng không thì thật là khó ăn nói. ”
Hàn Quan nghe hai chữ “ hoa thuyền ”, không hiểu chuyện gì, bèn hỏi lại:
“ Kình Nương chẳng những làm nghề buôn không vốn, còn làm bà mối kết duyên nữa hay sao? ”
Đông Hải Kình Nương nghe lão nói, ngẩn ra một chốc, đoạn bụm miệng nén cười:
“ Hàn đô đốc thực là người quân tử. Nhưng tiểu nữ là người làm ăn, cái chuyện làm mai này kiếm bao lâu cho phát tài? Thực ra… ”
Té ra “ hoa thuyền ” trong lời ả là thuyền chuyên chở gái bán hoa từ Đại Minh sang phục vụ cho quân Minh.
Đại Việt là nơi văn hóa xóm làng phát triển, gái bán hoa có muốn hành nghề cũng khó, thế nên nhìn khắp cõi trời Nam cũng chẳng có lấy một chốn kỹ viện lầu xanh nào cả. Có chăng cũng chỉ có cách giả làm phường con hát, ả đào, lang bạc tứ xứ mà thôi.
Binh lính đều đương tuổi tráng niên, tự nhiên có nhu cầu chuyện ấy. Nạn dân thường là hay bị nhũng nhiễu, nhưng thường là không tình nguyện, nếu không phải kháng dữ dội thì cũng là phó mặc cho qua. Tuy thỏa mãn được thú tính bệnh hoạn của một số tên, song nhìn chung cũng không thể bằng gái bán hoa ỏn ẻn lãng mạn, biết chiều chuộng vỗ về. Lại nói con gái nhà lành, sao có thể rành chuyện gối chăn hầu hạ như phường danh kỹ cho được?
Thế nên Đông Hải Kình Nương mới lập một đội thuyền chuyên chở các cô này sang nước Nam, phục vụ nhu cầu của lính tráng. Nhưng lấy tên là “ thanh thuyền ” thì quá là khó nghe, bởi thế mới gọi là “ hoa thuyền ” cho êm tai, chứ không phải loại thuyền khuê tú của các tiểu thư đài các.
Hàn Quan nghe xong, không khỏi ho khan mấy tiếng.
“ Nếu như Kình Nương đã nói thì lão phu cũng tin theo. Song quân kỷ phải giữ nghiêm, không thể có ngoại lệ. Binh bất yếm trá, chuyện này đã có liên can tới giặc Trần thì không thể coi nhẹ. Thế nên xin Kình Nương hợp tác để thuộc hạ của lão phu xét thuyền một chuyến. ”
“ Mọi chuyện xin nghe theo đô đốc. ”
Đông Hải Kình Nương nhoẻn cười, đoạn cắp hai thanh loan đao, nhẹ nhàng đi ra cửa.
Bấy giờ Hàn Quan mới trách tên tổng binh:
“ Nhà ngươi đúng ra phải khám thuyền của ả luôn, sao lại để đến bây giờ? ”
“ Dạ dạ, là lỗi của hạ quan. ”
Tay tổng binh giữ đảo dạ rối rít, lão tướng Hàn Quan cũng bỏ qua, nào biết trong lòng y đang nghĩ:
[ Hừ, ả là khách hàng lớn, làm phật lòng ả thì bản quan chẳng phải mất một món lời lớn hay sao? Những chuyện thế này cứ đẩy lên trên để thượng cấp như Hàn đại nhân ngài định đoạt là được. ]
Té ra tên này thường hay ăn chặn, ngấm ngầm bán đao kiếm cho băng cướp của Đông Hải Kình Nương. Thậm chí Thần Cơ sang pháo sau mấy lần trung gian cũng đã được tuồn sang cho ả hơn chục khẩu. Tay tổng binh bán quân nhu kiếm một vố cả vạn lượng bạc, không bỏ ra lấy một đồng vốn, so với Đông Hải Kình Nương thì càng giống phường đầu trộm đuôi cướp hơn.