Trần Thu Nguyệt cũng chẳng thèm để mắt thái độ của vua Trùng Quang. Cô nàng bỏ qua ba tướng, hướng về phía Hoàng Thiên Hóa mà nói:

“ Nhận được nhờ cậy của đảo chủ, ta đã gọi anh em đến cả rồi. ”

“ Kình Nương nể mặt như thế, Hoàng mỗ xin cám ơn trước. ”

Trần Thu Nguyệt gạt tay, nói:

“ Chút chuyện này đã là gì? Sau này còn phải nhờ cậy đảo chủ nhiều. ”

Nguyễn Cảnh Dị và Nguyễn Súy thấy người đàn bà này chẳng thèm để mình vào mắt, ngay cả chút lễ khách sáo cũng chẳng buồn làm, thực là không coi ai ra gì.

Duy chỉ có Đặng Dung là có chút kiến thức giang hồ võ lâm, hiểu được tại sao Trần Thu Nguyệt lại có thái độ như vậy, bèn ra hiệu cho hai tướng còn lại bình tĩnh.

Trần Thu Nguyệt này hiệu xưng là Đông Hải Kình Nương, trong đám cướp biển cực kì có tiếng nói.

Trong võ lâm Đại Việt bây giờ, ba thế lực Quần Hào, Lục Lâm, Ẩn Thế được chia theo ba tấm thánh lệnh của thiền sư Tuệ Tĩnh tuyệt nhiên không phải phe phái duy nhất. Hổ Vương có thể tính là một thế lực trung lập…

Hải tặc cũng thế.

Những kẻ cướp biển lấy biển khơi làm lãnh địa, thuyền chiến làm bản doanh, quanh năm suốt tháng rong ruổi trên đầu sóng chẳng có chỗ nào cố định. Lại nói, đám đầu lĩnh hải tặc lại càng chẳng phải thiện nam tín nữ gì, trên cái đầu treo lủng lẳng một cái án chém đầu thị chúng, chỉ cần đặt một ngón chân lên quê cũ là đầu một nơi thân một nẻo tức thì. Những người như vậy, có quê mà không thể về, thì còn nói gì tới quốc tịch nữa? Thành thử, đã làm hải tặc, là không còn thuộc vào một quốc gia nào cả, có muốn xếp họ vào một thế lực trong võ lâm thì cũng là chuyện không tưởng.

Nhưng tiền cướp được, cũng phải có chỗ để tiêu xài, ăn chơi hưởng lạc. Bằng không thì còn đi cướp làm cái gì nữa, ở nhà cày ruộng cho rồi. Thành ra đám hải tặc trong vùng lấy đảo Bạch Long Vĩ làm chốn thế ngoại đào nguyên, cho người lên khai khẩn đất hoang, dựng nhà lập trại, chăn dê thả bò, trồng lúa ủ rượu. Của phi nghĩa trong thiên hạ thì có bao giờ là ít, thành thử bẵng đi một thời gian, quả thực đã biến đảo Bạch Long Vĩ thành một chốn xa hoa đô hội.

Mà nguyên do Hoàng Thiên Hóa trở thành đảo chủ đảo Bạch Long Vĩ cũng thật là li kì…

Trước lại kể sau khi bị trục xuất, Hoàng Thiên Hóa chán nản uống say bí tỉ, trời xui đất khiến thế nào lại ngủ đứ đừ trong khoang thuyền của một bọn hải tặc đang vào bờ mua vật tư chở ra Bạch Long Vĩ. Thế là vừa tỉnh dậy, y đã thấy mình ở trên đảo. Đám hải tặc thấy có người “ đi lậu ” thì tri hô inh ỏi cả lên. Hoàng Thiên Hóa tuy có chân truyền của Hỏa Công, nhưng lúc này ngạo khí nổi lên, thế là tự phế sạch võ công, đám hải tặc lúc này cần người bèn cho y làm lao dịch trên đảo.

Y chăn dê nửa năm, thì được truyền nhân phái Dược Tiên bí ẩn truyền cho y kinh.

Hoàng Thiên Hóa nghe ngóng được chuyện sư phụ mất tích, chỉ một lòng muốn phục thù, nhưng ai dè lại được quyển y kinh dùng để tế thế cứu người. Y bèn nảy ra cách làm thầy thuốc chữa thương cho bọn hải tặc, vừa nghiên cứu y kinh, vừa lấy tiền tài của chúng mua giống thuốc về trồng trọt nghiên cứu. Đám cướp đánh giết ngày đêm, trên biển lại lắm rủi ro, chuyện bị thương thật khó tránh, thấy y biết chữa bệnh thì mừng rơn. Chỉ cần là chuyện liên quan đến chữa thương, thì đều đáp ứng cả.

Từ ấy Hoàng Thiên Hóa một ngày chữa cho cả trăm tên cướp, lại vừa nghiên cứu y kinh và các giống cây thuốc. Y kinh quả nhiên là quyển sách thần hiếm có trên đời, chẳng những có cách trị trăm bệnh nghìn độc, lại lí giải rất sâu về kinh lạc huyệt đạo. Hoàng Thiên Hóa thiên tư hơn người, qua nửa năm đã dung hội quán thông được y kinh, lại dựa vào việc quan sát các loài sinh vật biển mà bọn cướp biển chỉ cho tự luyện lại võ công như trước. Đến ngày y nắm được y kinh, hiểu được y độc đồng nguyên – dùng thuốc hạ độc, cũng là cái ngày toàn bộ đảo Bạch Long Vĩ chao đảo.

Đám hải tặc dựa vào phương thuốc của y, tự bốc thuốc bổ sắc lên uống hòng nâng cao công lực, nào ngờ lăn ra trúng độc cả đám. Hoàng Thiên Hóa lúc này tuy võ công đã đủ để thanh trừ môn hộ, nhưng muốn tìm được tung tích ân sư thì cần có thế lực, nên bắt cả bọn phải thần phục mới chịu đưa thuốc giải.

Đám cướp biển lúc đầu cũng chỉ gật đầu lấy được, độc vừa được giải là nhảy vào quyết ăn thua đủ với Hoàng Thiên Hóa. Nào ngờ võ công của y bây giờ đã vượt xa ngày trước, dễ dàng đánh lui cả bọn, lại lựa lời nói mát, mới được tôn làm đảo chủ đảo Bạch Long Vĩ.

Mà Đông Hải Kình Nương cũng là một trong những kẻ bị đánh bại hồi ấy.

Hoàng Thiên Hóa bèn tiếp:

“ Chuyện đang cấp bách, Kình Nương chịu khó phối hợp với người này. Nếu quân ta thắng trận, ắt không quên công của các vị. ”

Nói đoạn ra dấu cho một kẻ đi ra từ mé tả điện rồng.

Kẻ nọ là một tên đầu trọc lốc, mặt mày nanh ác, sau lưng xăm hình ác long, eo đeo một cái búa và một cái dùi đen thui, ngoại trừ Hồng Giang Giao Long Phạm Hách thì còn ai vào đây nữa?

Té ra thuở trước chuyện y bị thằng nhóc con đánh bại truyền ra ngoài. Tuy vẫn biết ấy là đệ tử của Quận Gió, nhưng lúc ấy Tạng Cẩu mới tám tuổi đầu, thành thử oai danh cũng như địa vị của Phạm Hách cơ hồ mất sạch, y lại càng cố mà bám vào sơn trang Bách Điểu. Đồng thời, cũng không ngừng luyện võ, hòng rửa cái nhục ngày trước.

Đến gần đây chuyện Phan Chiến Thắng là Chế Bồng Nga giả dạng bị Hổ Vương lật tẩy, sơn trang Bách Điểu cáo lỗi với võ lâm, tự chặt đứt hết vây cánh mà Chế Bồng Nga tạo nên trong từng ấy năm, Phạm Hách mới thảm càng thêm thảm.

Cơ hồ chỉ trong một tháng, Thập Bát Liên Trại từng nức tiếng sông Hồng một thời tan rã…

Phạm Hách giữ được mấy thuộc hạ thân tín, lâm vào cảnh cùng quẫn phải đi làm cướp vặt trên núi. Độ vài ngày trước không ngờ có người đánh tiếng là đảo chủ đảo Bạch Long cần tìm, y mới dẫn thuộc hạ lặn lội ngày đêm đến quân doanh Hậu Trần mong kiếm được chốn dung thân.

Đặng Dung hơi cựa mình trên ghế, đoạn nói:

“ Chuyện sắp tới thành bại ra sao phải trông chờ vào hai vị rồi. ”

Nói chuyện năm ngoái, hữu quân đô đốc đồng trị là Hàn Quan được lệnh Chu Đệ đem một vạn hộc lương thảo từ Quảng Đông sang tiếp tế cho quân Minh, đoạn ở lại đấy trấn giữ luôn.

Cuối năm gần Tết, y đang ở Đông Quan thì nhận được thư của Trương Phụ, đại ý rằng: “ Quân Hậu Trần trước là mấy lần đánh ra Bắc không thành, sau lại có thánh chỉ của Vĩnh Lạc cấm dân từ Diễn châu trở vào nam trồng trọt, nay đã bị dồn vào ngõ cụt, chẳng mấy mà cạn lương thảo. Không đánh đường bộ ra bắc được, thể nào bọn chúng cũng dùng đường biển từ Hóa châu đánh dọc theo bờ biển để cướp lương thảo nuôi quân. Nay nhờ tướng quân lên trấn thủ Vân Đồn, không cho chúng có cơ hội trở mình. ”

Lão Hàn Quan đọc lại thư một lần nữa xong, bèn cười:

“ Trương hầu gia tâm tư cẩn mật, hèn chi lại được bệ hạ trọng dụng như thế. ”

Nói đoạn, lão lại trầm ngâm:

“ Nhưng không biết lần này hầu gia có cẩn thận thái quá hay không. Một đám giang hồ thảo mãng mà thôi, có thể gây ra được bao nhiêu sóng gió cơ chứ? ”

Từ trước đến nay, đơn đả độc đấu thì quân đội không bằng nhân sĩ võ lâm, nhưng đánh trận thì hào khách giang hồ tuyệt đối thua xa binh lính triều đình. Ấy vốn là thường thức, người làm tướng nào cũng biết. Thế nên triều đình mới để mặc nhân sĩ giang hồ kéo bè kéo phái, ít khi quản đến.

Nay Trương Phụ khi không lại bảo lão cẩn thận với võ lâm nước Nam, Hàn Quan tuy là nể Trương Phụ, nhưng cũng chưa tin lắm.

Nguyên văn trong thư Trương Phụ nói rằng:

“ Đám thảo mãng An Nam ngày trước giúp ta đánh Đại Ngu, mục đích muốn khôi phục lại triều Trần. Thế nhưng con vịt đã lên đến đĩa há có thể để cho bay mất? Bọn chúng đối với việc này vẫn lấy làm căm tức, nhưng châu phủ phía bắc đều dưới quyền của thiên tử, kỷ luật nghiêm minh, tuần hành gay gắt, bọn chúng có lòng mà không có chỗ phát tác. Khó mà tránh được chuyện bọn Đặng Dung Quý Khoáng không ngấm ngầm liên lạc với chúng, Hàn tướng quân phải hết sức cẩn thận. ”

Hàn Quan bấy giờ nhìn ra cửa bể Vân Đồn, thấp thoáng ngoài khơi là tàu lớn tàu nhỏ neo đầy ở các cầu cảng, buồm lên lớp lớp như rừng, quả thực không hổ là thương cảng lâu đời nhất Đại Việt.

Tương truyền cái tên Vân Đồn bắt nguồn từ núi Vân, tức núi có mây phủ. Vốn là nơi trọng yếu, nên từ thời tiền Lê đã cho quân đội trấn giữ ở chốn này, để là đồn Vân. Đến thời vua Lí Anh Tông thì chính thức lập trang Vân Đồn, cũng biến chốn này thành thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt.

Bấy giờ phương bắc có Nông Văn Lịch, Nguyễn Liễu, thổ hào nổi lên cướp phá khắp nơi, hay có chuyện cướp bóc lương thảo quân nhu. Thành thử Chu Đệ thường phái người dùng đường biển tải lương thực khí giới quân nhu từ Quảng Đông sang, qua Vân Đồn vào nước Nam. Thế nên thương cảng này là nơi trọng địa của quân Minh, thường xuyên có trọng binh đồn trú bảo vệ.

Trong tay Hàn Quan nắm cả vạn quân, mấy trăm tàu chiến lớn nhỏ, thử hỏi đám giang hồ thảo mãng kia làm gì được?

“ Dù các ngươi có ba đầu sáu tay đi chăng nữa cũng chẳng là cái gì. ”

Lão tự tin vào trọng binh, lại càng tự tin vào tài cầm binh của bản thân.

Không phải lão chưa đọc chiến báo của Trương – Mộc từ thời đánh Đại Ngu, cũng không phải lão không biết khả năng thế lực võ lâm liên hợp với quân triều đình tồn tại. Thế nhưng, ngay cả khi thêm một đám người giang hồ, thì lão cũng chẳng thèm để đội quân thiếu lương của Trùng Quang đế vào mắt. Hàn Quan chưa từng đặt hai bên lên bàn cân, bởi lão tin song phương căn bản không cùng một tầng thứ. Song, để cho chắc ăn thì lão thỉnh thoảng vẫn cử sĩ tốt chèo thuyền nhẹ ra tuần tra.