Hai ngày sau…
Trương Phụ ngồi trong soái trướng, lẳng lặng đọc binh thư. Lão nhẩm tính ngày thì thêm ba bốn ngày nữa Mộc Thạnh sẽ dẫn quân đến. Lúc ấy hai cánh quân hợp nhất, người đông đến bảy vạn, quân Hậu Trần đang rệu rã chắc chắn không chịu nổi một kích, vụn vỡ trước thế chẻ tre.
Lão lại đứng lên, nói với tham tướng của y là Vương Sài Hồ:
“ Chuyện ta dặn đã làm xong chưa? ”
Tay này sau trận chiến Ngu – Minh năm nào thì cũng được phong quan, nhưng quan lộ gập ghềnh. Lúc Trương Phụ xử lí chuyện ở Nhạn Môn quan về, điểm binh xuống đánh Đại Việt thì có gọi cả y.
Vương Sài Hồ bèn nói:
“ Cẩn tuân mệnh lệnh của hầu gia, thuộc hạ đã đích thân cử sứ giả đến gặp các tù trưởng người Thái. Trước là răn đe, sau lại hối lộ cho nhiều lụa là mắm muối. Họ đã hứa là tuyệt nhiên không phái binh trợ chiến cho quân giặc, cũng không cho kẻ thù nương náu đâu. ”
Trương Phụ vuốt râu, chắp tay sau lưng mà cười gằn.
“ Trần Quý Khoáng, nhà ngươi có chạy đường trời! ”
Lão đã hay tin Mộc Thạnh đánh tan đạo quân của Giản Định, cha con Trần Ngỗi chắc là táng thây ở trấn Thiên Quan rồi.
Trương Phụ chậm rãi nhếch người, ra khỏi soái trướng dạo một vòng quanh doanh trại. Lão không quên dặn quân sĩ hàng ngày khiêu khích, đánh vài trận nhỏ với quân Hậu Trần. Hôm nay đi dạo, binh sĩ cũng bẩm với lão rằng:
“ Quân Hậu Trần nay phản kháng hăng hơn hôm qua, như con chó dại bị đạp phải đuôi vậy. Nhưng đánh chưa được hai canh giờ là chúng đuối lả cả đi, chạy không còn manh giáp. ”
Trương Phụ đã nghe binh sĩ báo lại như thế mấy hôm liền. Lão nghe mà khấp khởi mừng thầm, đoán chừng quân Hậu Trần càng ngày càng đuối sức rồi. Song ngoài mặt thì không biến sắc, cẩn thận dặn ba quân thủ thật vững doanh trại, đề phòng quân Hậu Trần chó cùng dứt dậu.
“ Nhớ! Chúng có thể đánh phủ đầu bất cứ lúc nào! ”
Sĩ tốt quân Minh dạ ran, người nào người nấy trong ánh mắt không có lấy một chút dị nghị, chứng tỏ danh vọng của lão trong quân phải cao lắm.
Mà quả thực, quân Minh tên nào tên nấy đều nghe qua, chuyện Trương Phụ Mộc Thạnh dẫn quân đánh tan quân Hồ, đánh gục Đại Ngu hãy còn đấy. Thành ra địa vị của lão trong quân… không khác gì thần minh.
Nhưng hôm nay, vị chiến thần hào quang chói lọi kia phải bị kéo xuống bùn đen.
Trương Phụ chợt nghe mặt đất dưới chân rung lên ầm ầm. Trong thoáng chốc lều bạt đổ nghiêng ngả, cát bay đá chạy.
Lão vừa về soái trướng, ngồi chưa ấm chỗ đã phải bổ nhào ra ngoài. Lúc này doanh trại quân Minh đã nháo nhác, dòng người lại qua ngang dọc, xuyên giữa đám lều trại như đàn kiến bò trong tổ.
“ Địch đánh vào rồi à? Tốt! Mau phản công! ”
Lão ra lệnh cho tham tướng, để quân Minh giữ vững trận thế, chớ có hỗn loạn, tổ chức phòng ngự chờ quân Hậu Trần lọt vào tầm cung thì phản kích dữ dội.
Lúc lão chạy ra đến tuyến đầu, thì thấy Vương Sài Hồ hớt ha hớt hải chạy đến:
“ Báo… báo… ”
“ Đám Nam Man đánh vào đúng không? Nói mau! Tướng cầm quân là ai? ”
Trương Phụ vội vàng hỏi kỹ quân tình.
Vương Sài Hồ xua tay, nói:
“ Bẩm vương gia… không… không có người nào. ”
“ Vớ vẩn! Thanh thế lớn như thế, sao lại không có người? ”
Trương Phụ nhíu mày, nạt.
Lão chinh chiến sa trường nhiều năm, thứ thanh thế như lũ tràn bờ đê này chỉ có đại quân xung kích vào mới tạo thành được.
Vương Sài Hồ mới nói:
“ Không phải đâu. Có một đàn voi đông hơn trăm con đang kéo tới. ”
“ Tượng binh??? Lấy hoả hổ, bắn vào quản tượng, nhắm vào mắt voi. ”
Trương Phụ lại nhớ trận thành Đa Bang năm xưa. Lúc ấy tướng thủ thành Nguyễn Tông Đỗ đục thành lùa voi ra, cũng bị quân Minh dùng hoả khí đánh cho voi càn ngược lại. Nhưng càng như thế, lão lại càng thấy hồ nghi.
Quân của lão kinh nghiệm phong phú, đã được luyện cho quen với cái loạn của chiến trường, biết phải nhìn ai vào lúc nào mà làm cho đúng.
Tướng của lão cũng toàn là tướng trận mạc, có thể từ cái loạn của chiến trường nhìn được chỉnh thể, từ ấy hiệu lệnh ba quân có đường có lối. Đáng nhẽ không thất thố như bây giờ mới phải.
Vương Sài Hồ bèn nói:
“ Vậy mới lạ thưa hầu gia. Đàn voi này không có tượng giáp, không có bành voi, càng không có quản tượng. ”
“ Lẽ nào là voi hoang? ”
“ Cũng không phải. Lũ voi này tà môn lắm, xông lên như phát điên vậy. Lửa phụt ra chẳng doạ được chúng, bắn mù mắt chúng vẫn phăm phăm lao lên, đồng bọn chết cũng mặc kệ. Cái lũ voi này là voi quỷ, mới không biết đau không biết mệt, khát máu liều mạng đến thế. ”
Vương Sài Hồ nói mà mặt mày càng tái mét lại.
Ngày trước Chế Bồng Nga xưng thần, có cống nạp quản tượng cho nhà Minh. Trương Phụ có tiếp xúc với những người này, nhưng cho dù là người Chiêm cũng không thể có lối quản voi kì quái như thế được.
Lão đang ngẩn người nghĩ thì bỗng nhiên, phía lều trại phía đông truyền đến ánh lửa sáng rực.
“ Dưới bụng lũ voi có hoả dược!!! ”
Té ra phòng tuyến phía đông đã bị đàn voi đánh nát. Lúc này lũ voi điên xông vào trại, càng nổi máu hung tàn. Chân voi đạp tới đâu là giáp trụ xe pháo nát bét tới đó. Vòi voi quật xuống là lều trại dập nát. Ngà voi húc vào là đâm thủng cả ngựa lẫn người.
Quân Minh có người lấy pháo Thần Cơ ra bắn, nhưng tuy chết một, lại đánh bùng thuốc cháy dưới bụng voi. Thoắt cái voi điên đã hoá thành hoả tượng. Lửa thiêu đốt chẳng những không khiến đám voi này sợ, mà còn hung hăng tợn hơn bội phần. Tuy lửa bùng lên thì chúng chẳng chịu được lâu, nhưng một khắc ngắn ngủi ấy cũng tạo nên sức tàn phá khủng khiếp rồi.
Trương Phụ còn chưa hết bàng hoàng, thì lại có một tướng giục ngựa chạy tới, hét:
“ Báo!!!!! Phía tây có đàn hổ điên đang lao tới cắn xé! ”
“ Hổ??? Quân bay làm gì mà để chúng kéo sát doanh trại? ”
Trương Phụ như cáu điên cả người.
Trước là voi điên, sau lại có hổ dữ. Mà voi kéo đàn thì cũng thôi, tại sao đến cả loài vốn sống cô độc như hổ cũng đột nhiên kết bầy lao đến đây kiếm ăn?
Người nọ nhảy xuống ngựa, nói:
“ Hầu gia minh giám, lũ hổ này đến ngay lúc quân ta loạn lên vì đàn voi, thành thử không đủ nhân lực chú ý tới chúng. ”
“ Trương Phụ! Mau ra nhận cái chết! ”
Chưa để Trương Phụ hoàn hồn, thì chính diện đã có tiếng người quát lên ầm ĩ.
Chỉ thấy quân Hậu Trần kéo từ đâu ra năm ngàn quân tinh nhuệ, ai nấy đều khoẻ mạnh nhiệt huyết, tinh khí thần tức tam hoa đều đã ở đỉnh.
Ba người dẫn đầu là Đinh Lễ, Lê Sát, Lê Văn An chia làm ba mũi xông thẳng vào trại quân Minh, tưởng như một mũi tên vừa rời dây cung. Đinh Lễ dẫn đầu xung kích, Lê Sát và Lê Văn An lần lượt lo hai cánh không cho quân Minh đánh úp vào.
Thoắt một cái, tiền quân của quân Minh đã bị xỏ xuyên qua, nhẹ nhàng không khác gì tờ giấy.
Quân Minh không ngờ nổi quân Trần đột nhiên phản công dữ dội đến thế, lại bị đám voi và hổ làm phân tâm, thành ra không kịp phòng hờ… Ba tướng Lam Sơn dùng thế sét đánh giữa trời, nhanh như trảo chớp mà công thẳng vào tận trung quân. Đinh Lễ giục con Đại Thắng, xông vào tận bản doanh, vung côn sắt vù vù. Tướng Minh dũng mãnh đến mấy cũng không đỡ nổi một đòn hai vụt của cậu chàng. Nhoằng một cái mà đã có đến bốn tướng táng mạng dưới côn của Đinh Lễ.
Ở mé tả, Lê Sát cầm thương hai đầu cũng chẳng phải vừa. Thương lướt đến đâu là máu tung toé đến đó. Quân Minh thấy oai thế y khiếp hãi như thế, vỡ mật nát gan, không ai dám tranh phong trực diện.
Phía bên phải, Lê Văn An và kị binh dùng nỏ cứng bắn yểm trợ, đồng thời lại cũng là người giữ lại đường lui.
Lê Sát giục ngựa vào trại, lập tức có một tướng nhảy ra cản. Y phát hiện té ra ấy là người quen, quát:
“ Lương Nhữ Hốt! Mày chạy đi đâu? ”
Kẻ tên Lương Nhữ Hốt kia kêu to:
“ À, sư huynh, lâu ngày không gặp! ”
“ Mày còn dám gọi tao là sư huynh hay sao? ”
Lê Sát quát lạnh, sau đó ghìm cương xông tới, thương hai đầu xỉa thẳng vào yết hầu đối thủ. Lương Nhữ Hốt vội vắt chéo hai ngọn thương ngắn chống đỡ. Chỉ nghe đánh “ tinh ” một cái, song phương tách ra, nhất thời chưa phân thắng bại.
Gã tên Lương Nhữ Hốt cười nhăn nhở, nói:
“ Sư huynh, sư phụ vẫn bảo huynh sát khí quá nặng. Bây giờ huynh thế này người đau lòng lắm đấy. ”
“ Hạng khi sư diệt tổ như mày đừng có nhắc đến sư phụ! ”
Lê Sát rùng mình quát lớn, múa thương tít mù như sấm rung chớp giật. Lương Nhữ Hốt đưa song thương lên vừa đỡ vừa gạt, nhịp nhàng như bèo dạt mây trôi. Hai người đánh hai mươi hiệp chưa phân thắng bại.
Lương Nhữ Hốt giật cương, nói:
“ Thương pháp của sư huynh có lợi hại, cũng không phá được thương pháp của tôi. Chuyện này sư phụ đã dạy mà huynh lại cứ quên. ”
“ Im miệng!! ”
Lê Sát cáu tiết, thương pháp biến ảo càng thêm hung hãn. Chiêu thức sắc bén ác hiểm, hoa thương chợt nở chợt tàn, bóng thương loang loáng rùng rợn. Nếu chỉ luận chiêu số, trên giang hồ tuyệt nhiên không có bộ thương pháp nào ác liệt hơn. Đến cả chiêu tất thắng Máu Nhuộm Bạch Đằng của thương pháp Bạch Đằng giang cũng phải dưới cơ.
Nhưng Lương Nhữ Hốt cứ tà tà đề thương về thủ, thong dong như thuyền con vượt sóng.
Đúng lúc này, Đinh Lễ phi trâu đến.
Lương Nhữ Hốt thấy trước mặt xồ đến một côn, vội vàng dựng đứng hai thanh đoản thương chống đỡ. Nào ngờ thần lực của Đinh Lễ vô song, lại thêm đà lao của Đại Thắng, khiến chiêu này càng có cái thế bổ núi rạch trời. Lương Nhữ Hốt chỉ thấy hai tay tê rần, tuy là về lí y hoá giải được chiêu thức, nhưng về lực bị áp đảo tuyệt đối. Song thương trúng đòn gãy đôi, y cũng bị quật văng khỏi lưng ngựa. Con chiến mã bị Đại Thắng ngứa mắt thúc đầu cho một cú ngay giữa lưng, ngã lăn kềnh ra trào máu mồm chết cứng.
Đinh Lễ nói:
“ Đừng phí thời gian với tôm nhỏ này! Giết thì giết hẳn tên Trương Phụ cho đã tay! ”
Đoạn thúc trâu phi đi chỗ khác, mở đường xung kích cho đại quân.
Lê Sát quay lại định ra chiêu sát thủ thì đã có ai cứu Lương Nhữ Hốt đi mất rồi.
Trương Phụ từ xa thấy cảnh ấy thì nghiến răng nghiến lợi, chửi:
“ Lũ voi rừng hổ núi ở đâu khi không xuống hại ta! ”
Tham tướng nọ nhác thấy bóng trâu trắng thì vội kêu:
“ Hầu gia mau chạy thôi. Tướng An Nam kia chẳng phải kẻ phàm đâu! ”
Đinh Lễ nhác thấy có bóng người, đoán ấy là Trương Phụ, đang định giục con Đại Thắng phóng lên lấy mạng lão thì bên cạnh Lê Văn An đã thúc ngựa chạy đến sát cạnh, nói:
“ Đinh Lễ tướng quân, giặc đã bình tâm tĩnh trí, chẳng mấy sẽ bày binh bố trận lại tử tế! Giờ còn không lui sẽ sa vào phản công bất tận của chúng! ”
Đinh Lễ chặc lưỡi một cái, đoạn vặn chốt mở cái đốt đầu tiên trên đầu gậy ra. Cậu chàng dùng sức, nhè hướng mình vừa nghe tiếng mà quật văng cái đầu gậy đi như người ta chơi đánh khăng.
Trương Phụ được tham tướng kia dẫn đi hai bước thì bỗng phía sau có tiếng rít gió hãi người. Lão chẳng kịp quay đầu thì bên má lẫn cánh tay đã có chất lỏng ấm ấm văng vào dính cả lên da lên tóc. Chẳng cần ngoái đầu cũng biết tay tham tướng nọ xui xẻo trúng phải cái đầu gậy, bây giờ đã hồn một nơi xác một nẻo rồi.
Đinh Lễ, Lê Sát dẫn quân theo con đường máu của Lê Văn An rút về. Quân Hậu Trần túa ra dùng hoả pháo bắn yểm trợ, không cho quân Minh truy kích thêm nữa.
Đặng Dung biết trước mắt quân Minh bàng hoàng không dám truy kích, bèn cho binh sĩ ngày đêm rút về Hoá Châu.
Té ra…
Lương thảo do Hổ Vương tiếp tế đủ cho năm ngàn quân sốc lại tinh thần.
Voi, hổ quấy phá cũng do Hổ Vương dùng thuật ngự thú làm chúng nổi điên, mất đi cảm giác đau đớn, nên mới hoành hành được như thế. Còn nếu thực sự chỉ là thú hoang thì chẳng khác nào đưa lương ăn cho quân Minh.
Đánh thua, khổ sở, bỏ chạy…
Thực ra đều là vở kịch Đặng Dung bảo thuộc hạ diễn cho quân Minh xem mà thôi.
Đồng thời, Hổ Vương cũng đến gặp các tù trưởng người Thái. So với người Minh cách xa ngàn dặm thì những tù trưởng này càng nể ông hơn. Hổ Vương cố tình bảo những tù trưởng này đồng ý với đề nghị của quân Minh, càng không cần đem quân ra trận hay ra tay chứa chấp, giúp đỡ chỉ đường cho quân Trần làm gì. Chỉ cần cho ông mượn đường gửi dăm con voi với chục con hổ là được.
Các tù trưởng người Thái chuyến này được ăn cả hai máng, thực chẳng có lí do gì để mà từ chối cả.
Trương Phụ biết giờ truy kích quân Hậu Trần cũng đã muộn, bèn viết thư cho Mộc Thạnh rồi rút quân về Đông Quan, chuẩn bị đánh lâu dài.
Gió thổi gai người, khiến người ta tưởng như những oan hồn chết trận hãy còn lảng vảng chốn này.
Chiến trường giờ đã lạnh…
Đất lạnh.
Cát lạnh.
Máu nóng đã lạnh. Thi thể cũng lạnh. Kiếm tàn thương gãy lại càng lạnh lẽo thê lương.
Hổ Vương một mình lặng lẽ tản bộ giữa chiến địa, thuận tay rút một thanh kiếm mẻ lên mà ngắm nghía. Chủ nhân của thanh kiếm này lúc sinh thời hẳn cũng từng mộng mơ hoài bão, biết vui biết buồn.
Nhưng giờ thì chỉ còn nắm xương tàn trong đất mà thôi.
Hổ Vương cắm thanh kiếm gãy xuống, lút tận cán vào đất, xem như là bia mộ cho tử sĩ hai bên.
Ông lướt ánh mắt qua chiến trường một lần cuối, rồi nghĩ thầm:
[ Chuyện này là trả nợ thay Chế Bồng Nga. Bây giờ ân đền oán trả, phân tranh Hồ Việt này Hổ Vương ta không nhúng tay vào nữa. ]
Lời tác giả:
_ Ở hồi này, đoạn trong sảnh đường Đường phủ, tác cố ý để Tạng Cẩu, Phiêu Hương xưng hô kiểu kiếm hiệp Tàu. Lí do thực ra rất đơn giản, do tại thời điểm ấy hai người đang nói chuyện bằng tiếng Trung Quốc. Lúc dùng tiếng Việt nói chuyện với nhau, đại từ nhân xưng đã đổi về như cũ.
_ Nhân dịp năm mới, thực ra bản thân cũng có vài điều muốn nói với độc giả về “ anh hùng ”…
Lúc viết đoạn Lê Lợi và bà Thương, thấy trên mạng nhiều thằng bảo “ vì cái chung ”, “ vị tha ” là anh hùng rởm, đạo đức giả mà buồn. Rồi chúng nói rất dõng dạc, rằng “ trên đời chẳng có ai như thế, ai cũng vì bản thân mình cả! Anh hùng thực ra không phải kẻ ngu thì là kẻ điên… ”
Đây gọi là lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử.
Lấy tỉ dụ như mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhứ, chín con ra trận, chín tờ giấy báo tử gửi về. Một người mẹ già chín lần thấy cảnh lá xanh rụng trước lá vàng, thì bà ấy vì bản thân mình ở đâu?? Con trai bà, biết mẹ già côi cút, vẫn dứt áo ra trận là do không biết nghĩ cho mẹ, do bất hiếu ư? Đâu phải.
Hay lấy Bác Hồ làm ví dụ. Nếu Bác “ chỉ vì người thân ”, “ ích kỷ giữ mình ” như chúng vẫn tôn vinh là “ khôn ”, là “ giỏi ”, là “ trưởng thành với thực tế ” thì bác theo tây cho xong. Phục vụ kẻ mạnh và chống lại kẻ mạnh, cái nào khó hơn, thiết nghĩ ai có lương tri lương năng đều hiểu rõ. Người tài như Bác, đi đâu chẳng có người nể trọng? Nhưng Bác chẳng làm vậy… Bác tạo nên nền tảng cho chiến thắng oanh động hoàn cầu, giải phóng dân tộc, đâu phải vì bản thân Bác?
Tân xuân gửi bạn đọc mấy điều để suy ngẫm:
“ Ích kỷ, tự tư tự lợi, chỉ biết bản thân, bo bo giữ mình thì dễ lắm. Ai chả làm được? Nghĩ cho bản thân nó là bản năng rồi.
Chính cái vĩ đại vị tha, lòng dạ độ lượng vì nghĩa lớn mới là cái không phải ai cũng làm nổi. Mà biết rõ bản thân sẽ mất mát ra sao, hi sinh thế nào mà vẫn làm thì lại càng khó! ”
Không phải ai cũng có thể làm anh hùng. Bản thân tác giả cũng tự biết mình không làm anh hùng được. Nhưng cho họ sự kính nể và tôn trọng mà họ xứng đáng được nhận, thì tác làm được. Và tác tin rằng ai cũng có khả năng làm được chuyện ấy.
Bởi nếu không có họ, đã chẳng có nước Việt Nam tự chủ, độc lập của bây giờ.
Chỉ vì bản thân không đủ bản lĩnh để làm mà cho rằng cả thiên hạ không ai làm được hết, thì cái tư duy ấy nó vừa ngu, vừa hèn, vừa thất bại, lại vừa ảo tưởng sức mạnh.
_ Sắp tới tác xin phép dừng đăng chương mới một thời gian. Trước là do hiện tại tác cũng cần thời gian cho bản thân, thứ hai là cũng muốn viết cho xong thiên thứ hai rồi mới đăng để đảm bảo tính liên tục của câu chuyện.
Trân trọng