Nhuế Vĩ làm gì tưởng nổi người của hắn hằng hoài niệm, mang cái danh Thuần Sư Nữ bất đắc dĩ đó, lại là Lưu Dục Chi, vị hôn thê của Giản Thiệu Vũ! Kinh ngạc tột độ, bật kêu ra tiếng, Nhuế Vĩ sững người, đứng đờ ra đó.

Qua mấy hôm sau này, Lưu Dục Chi quả thật có ốm hơn trước một chút, nhưng cái ốm đó lại làm cho vẻ đẹp của nàng tăng lên, đẹp trang nhã, thùy mị! Nàng bình tĩnh thốt :

- Công tử vẫn mạnh chứ!

Nghe nàng xưng hô như thế, Nhuế Vĩ càng bối rối, bởi lần thứ nhất gặp nhau, nàng đã khám phá ra sự giả mạo rồi, có lẽ lúc đó muốn tránh cho hắn phải bẽ mặt, nàng lờ đi. Hắn cảm kích nàng về điểm đó. Rồi bây giờ, gặp lại nhau đây, nàng cũng giấu luôn chân tướng của hắn! Niềm cảm kích càng gia tăng, hắn ấp úng mấy tiếng :

- Đa tạ... tiểu thơ!

Lưu Dục Chi hiểu rõ cái ý ngụ trong lời cảm tạ, điểm một nụ cười, đáp :

- Không cần!

Nhuế Vĩ áy náy không yên, tiếp :

- Cái việc này, Nhuế tôi đáng ra không nên làm...

Hắn muốn nói, đáng lẽ ra hắn không nên giả mạo Giản Thiệu Vũ mà đến đây. Nhưng, Lưu Dục Chi thở dài u oán, chận lời :

- Mấy lúc sau này, Giản công tử được mạnh chứ?

Nhuế Vĩ đáp :

- Ân công vẫn được an khương.

Lưu Dục Chi nhìn hắn :

- Y từng thi ân với các hạ?

- Ân công từng cứu mạng Nhuế Vĩ này!

Lưu Dục Chi hỏi :

- Cho nên y yêu cầu các hạ đến đây?

Nhuế Vĩ đáp :

- Ân công chỉ muốn tại hạ làm một điều, là giả mạo người đến tại đây, do đó tại hạ phải có mặt trong phủ. Bằng không vậy, tại hạ gan nào mà dám tới!

Lưu Dục Chi lộ vẻ u oán, hỏi :

- Các hạ có biết tại sao y muốn các hạ hóa trang thành y chăng?

Nhuế Vĩ lắc đầu :

- Tại hạ không biết dụng ý của ân công như thế nào?

Lưu Dục Chi lại thở dài :

- Dụng ý của ân công như thế nào?

Hỏi rồi, hắn biết lỡ lời, thành ra áy náy. Hắn đâu thể thám dò ý đồ của ân công? Hỏi như vậy là tỏ ra mình kém tế nhị, kém lịch sự! Hỏi như vậy là tỏ ra tư cách của mình rất thấp.

Tuy nhiên, hằng mang niềm thắc mắc canh cánh trong lòng, nếu hỏi rõ điều đó, thì tâm tư nhẹ biết bao! Cho nên, trong cái dở, có cái hay, trong cái hại, có cái lợi.

Lưu Dục Chi hỏi lại :

- Y không tỏ bày cho các hạ biết?

Nhuế Vĩ lắc đầu. Lưu Dục Chi tiếp :

- Y không nên giấu các hạ mới phải!

Nhuế Vĩ thốt :

- Thực ra, cũng không nên trách ân công! Tại hạ không hỏi kia mà! Dù có hỏi, ân công nói cũng thế, không nói cũng thế thôi, tại hạ chẳng lưu ý làm gì.

Lưu Dục Chi nhẹ tặc lưỡi :

- Nếu việc ủy thác này, mang lại bất lợi cho các hạ?

Nhuế Vĩ khẳng khái đáp :

- Mạng sống này, còn sót lại đây, là do ân công ban cho, tại hạ tiếc gì nữa?

Lưu Dục Chi gật đầu :

- Hảo tâm của các hạ, tôi xin thay mặt y, cảm tạ!

Là vị hôn thê của Giản Thiệu Vũ, nàng thay mặt vị hôn phu, tỏ lời cảm tạ, cái đó rất hợp lý. Nhưng, hắn là kẻ linh đinh, cơ khổ, có đáng cho họ cảm tạ chăng? Hắn chua xót trong tâm khôn cùng.

Rồi cảm thấy mình quá thừa trong khung cảnh này, hắn vòng tay thốt :

- Tại hạ cáo từ!

Lưu Dục Chi dặn dò :

- Các hạ dè dặt nhé!

Nhuế Vĩ cười khổ :

- Tại hạ chẳng hiểu phải dè dặt như thế nào?

Lưu Dục Chi thốt :

- Xem ra tôi phải cho các hạ biết.

Nhuế Vĩ thầm cảm kích. Lưu Dục Chi tiếp :

- Đại khái, các hạ không hiểu Giản lão phu nhân chẳng phải là thân sanh mẫu thân của Giản Thiệu Vũ. Giản bá phụ có một đời vợ trước, bà ấy mới là mẫu thân của Giản Thiệu Vũ. Lúc sanh Thiệu Vũ thì bà chết đi. Giản bá phụ tục huyền, và người kế thất đó chính là Giản lão phu nhân ngày nay. Bà này sanh họ Giản Thiệu Kê và Giản Hoài Quyên hai anh em. Từ lúc nhỏ, Thiệu Vũ đã bất hòa với bà kế mẫu. Tánh tình của Thiệu Vũ rất lạnh lùng, Giản lão phu nhân không ưa thích lắm...

Nhuế Vĩ cũng nhận thấy ân công rất lạnh lùng tịch mịch.

Lưu Dục Chi tiếp :

- Giản bá phụ mất đi rồi, hai mẹ ghẻ con chồng bề ngoài thì xem như vô sự, song bên trong họ ngấm ngầm tranh chấp với nhau. Giản lão phu nhân căm hận không giết được Thiệu Vũ ngay...

Nhuế Vĩ kêu lên :

- Trong thiên hạ đâu có vị kế mẫu tàn độc đến mức độ đó?

Lưu Dục Chi thở dài :

- Có thể là các hạ không tin. Nhưng sự thực thì Thiệu Vũ sợ kế mẫu mưu hại nên lưu lãng bên ngoài, nửa năm qua rồi không trở về nhà. Rồi lại còn tìm người giả mạo, thay thế...

Nhuế Vĩ trố mắt :

- Chẳng lẽ ân công muốn cho tại hạ thay thế người, tiếp nhận cái chết?

Lưu Dục Chi thấp giọng :

- Theo tôi đoán thì cái ý của y hẳn như vậy, chứ nếu không thì dù y vắng mặt, mà Giản lão phu nhân biết là y chưa chết, tất phải cho người theo dõi, chú ý đến mọi hành động của y, mãi cho đến khi nào y tắt thở mới chịu thôi cho.

Nhuế Vĩ thở dài :

- Như vậy thì, tại hạ chỉ còn có cách là chết đi, để báo đáp ơn trọng của ân công?

Trong ánh mắt của Lưu Dục Chi ẩn có sự đồng tình.

Nhuế Vĩ vốn tánh quật cường, bộc trực, không thích thứ ánh mắt đó, nên cao giọng tiếp :

- Tại hạ không tin Giản lão phu nhân có lòng hãm hại ân công. Mà dù bà có lòng dạ như vậy đi nữa, với cái tài lệch đất nghiêng trời, ân công sợ gì một lão phụ âm mưu trừ diệt?

Lưu Dục Chi thở dài :

- Tôi có lợi gì nói dối với các hạ? Giản lão phu nhân muốn hại chết Thiệu Vũ, bên trong sự tình có lắm nỗi phức tạp, không đơn thuần theo ý tưởng của thường nhân. Còn như về tài năng thì trong thiên hạ ngày nay, ai có công phu cao tuyệt, thắng nổi bà ta chứ!

Nhuế Vĩ kinh hãi :

- Ân công không là đối thủ của bà?

Lưu Dục Chi lắc đầu :

- Kém xa! Rất xa!

Nhuế Vĩ hỏi :

- Còn tiểu thơ? Sánh với bà ta?

Lưu Dục Chi lắc đầu, không đáp.

Nhuế Vĩ đinh ninh là nàng có võ công trên bậc Giản Thiếu Vũ nhưng nàng lại cho rằng không là đối thủ của Giản lão phu nhân. Thì lấy hắn mà luận, hắn có ra cái quái gì? Hắn tự thương cảm cho mình, tự thán cho mình.

Rồi hắn tiếp :

- Nhuế tôi chỉ biết nhận mạng mà thôi! Nếu chết được để đánh đổi sự an toàn sau này cho ân công, tại hạ có lời dư thừa tiếc hận!

Rồi hắn quay mình, bước đi.

Lưu Dục Chi thấp giọng :

- Từ nay, nếu cần điều chi, các hạ cứ đến đây tìm tôi, chứ đừng ra phía hậu sơn kêu réo nữa!

Nhuế Vĩ tỉnh ngộ. Thảo nào hắn ra đó mỗi ngày, gọi vang lên, mà chẳng thấy đàn sư tử xuất hiện. Thì ra, nàng biết hắn ra đó tìm nàng, nên nàng ngăn chặn đàn sư tử, sợ chúng hại hắn.

Ân tình như vậy, kể cũng thâm hậu chứ! Và chỉ có những kẻ ôn nhu mới làm như nàng. Mà trên đời, đâu phải bất cứ thiếu nữ nào cũng ôn nhu?

Hắn quay mình lại, cảm tạ lượt nữa :

- Nhuế tôi còn sống ngày nào, là ngày đó không quên được cô nương...

Nhưng hắn thấy Lưu Dục Chi cúi đầu, chừng như có ý thẹn. Nàng hẳn nhớ đến việc mỗi ngày, Nhuế Vĩ đều ra chốn cũ gọi nàng, bây giờ, đối diện với nhau, làm sao nàng không kích động tâm tình?

Nhuế Vĩ không biết nên nói gì thêm cho hợp cảnh, bỏ dở câu nói, lâu lắm, chưa tiếp nối.

Lưu Dục Chi cất tiếng :

- Nghe nói trong mấy hôm nữa, có khách giang hồ đến xâm phạm khu vực này. Các hạ hãy liệu đối phó.

Nhuế Vĩ giật mình nghĩ thầm :

- "Còn nói chi cái ý cảm kích đến suốt đời? Còn vài hôm nữa thôi, người của Hắc bảo sẽ đến đây, mình chết đi thân phận bị bại lộ, tính mạng không bảo toàn, thì nói gì cho lắm cũng vô dụng".

Đau lòng hết sức, hắn lặng thinh, quay mình bước đi ngay.

Lưu Dục Chi lấy mắt tiễn đưa hắn đến khi hắn khuất dạng, cõi lòng tràn ngập thê lương. Nàng không rõ, mình có đồng tình với đối tượng chăng, hay nàng thương hại con người tịch mịch? Người ta tịch mịch, hay chính nàng tịch mịch? Ít nhất cũng có ba người tịch mịch. Giản Thiếu Vũ, ở tận phương trời lạ, gã công tử thay thế, hiện diện bên cạnh, và nàng! Mỗi người tịch mịch một cách!

Nhuế Vĩ về đến phòng, trầm tư một lúc lâu. Sau cùng hắn lấy quyết định, mang theo bức địa đồ vùng cấm địa, bất chấp ban ngày, đến đó ngay.

Bởi hắn nghĩ nếu phải chết, thì nên chết sao cho đáng giá. Nếu mấy hôm nữa, người trong Hắc bảo đến đây, thân phận hắn bị bại lộ, hắn mất mạng là cái chắc rồi, chết như vậy thì đối với ân công, ân chưa tròn, nghĩa chưa vẹn, bất lợi cho người, chết mà không mang ích lợi cho ân công, thì chết làm chi? Chung quy, tính mạng ân công vẫn bị hăm dọa như thường! Thì tại sao không mạo hiểm, may ra tìm được tuyệt nghệ, nhờ tuyệt nghệ đó hắn cứu vãn bao nhiêu đổ vỡ! Thắng Hắc bảo, là bảo toàn bí mật, là tạo an ninh cho ân công, mà chính hắn cũng được vô sự, trong thời gian ước định.

Muốn thắng Hắc bảo, thì phải có nhiệm màu. Nhiệm màu sẵn có ở phía hậu khu rừng nhân tạo đó, tại sao không đến lấy? Mạo hiểm? Có một đại thành công nào không mua bằng cái giá mạo hiểm!

Trước khi vào tận chốn nguy, hắn còn phải tránh những cái nguy dọc đường, tránh tai mắt của người trong Thiên Trì phủ. Hắn đến Vạn Thọ Cư, không gặp trở ngại nào, rồi hắn vào rừng, chiếu theo sự chỉ dẫn trên địa đồ đi tới, không lâu lắm, đến chỗ ngộ nạn lần trước.

Bây giờ thì hắn bình tĩnh lắm rồi, không còn khẩn trương như trước, phần lớn nhờ ánh thái dương chiếu sáng, khỏi phải dò dẫm khó khăn từng bước. Hắn phát giác ra, lần trước sở dĩ ngộ nạn là vì một bước chân hớ hênh. Nếu hắn cẩn thận một chút, thì đâu đến nỗi bị Phan Trung Hư nghi ngờ?

Một cơ quan thứ nhất bị hắn phá thủng rồi, cho đến nay, người trong phủ chưa tu chỉnh lại, thế là còn đúng mười bảy chỗ mai phục nữa. Hắn hết sức dè dặt, đi qua khỏi từng cơ quan một, đi suốt con đường rừng vừa hiểm nguy vừa dài.

Trước mắt, hiện ra năm lối rẽ, con đường rẽ thứ tư là an toàn, đó là con đường chánh dẫn đến vùng cấm địa. Hắn đi hết con đường đó, đến một ngôi mộ cực kỳ hùng vĩ, mộ hình tròn, cao độ bốn vóc người, rộng trên hai mươi trượng, dài độ năm mươi trượng. Bốn phía mộ là rừng, do người trồng lên.

Muốn vào ngôi mộ, hắn phải biết bay, bằng không thì phải sa vào mê trận của vòng đai rừng nhân tạo đó.

Nhuế Vĩ luôn luôn đề cao cảnh giác, bước từng bước một đến gần ngôi mộ.

Bức địa đồ không ghi chi tiết về địa thế của khu này, hắn sợ đạp nhằm cơ quan mai phục.

Ngờ đâu rừng cây nhân tạo này, trái với khu rừng thứ nhất, được trồng lên để làm cảnh chứ không có một trận thế nào được bố trí trong đó, hay một cơ quan giết người được mai phục chờ kẻ manh tâm.

Nhuế Vĩ đến trước phần mộ an toàn vô sự.

Ngôi mộ được kiến trúc bằng thứ đá bạch ngọc đẽo gọt bằng phẳng, chồng vào nhau, xếp hàng lối trông như một khối duy nhất. Dù tinh mắt đến đâu cũng khó nhận ra những mối ráp.

Nơi giữa mộ có một tấm bia, cao ba vóc người, rộng bằng bốn người đứng gộp lại, bằng đá hắc ngọc, một mặt có khắc mấy chữ: "Giản Thị Nhất Mạch Gia Tộc chi mộ".

Nhuế Vĩ thầm nghĩ :

- "Hai tiếng "Nhất Mạch" này, phải giải thích như thế nào? Chẳng lẽ họ Giản chỉ có một dòng từ trên truyền xuống mỗi đời chỉ có một con trai sao? Nếu có từ hai con trai trở lên, thì sao? Giả như có nhiều con trai, thì chẳng lẽ chỉ có một người có đủ tư cách được mai táng tại đây?"

Hai bên mộ có ba tấm bia khác, cũng lớn, tả hai, hữu một, bia thứ nhất có hàng chữ lớn: "Đệ nhất đại Giản Công Lạc Quan", bên cạnh có hàng chữ nhỏ :

"Thê Lưu Bí Hoa hiệp táng".

Bia thứ hai có hàng chữ: "Đệ tam đại Giản Công Xuân Kỳ", kèm theo thêm hàng chữ nhỏ: "Thê Lưu Hạnh Thủy hiệp táng".

Bia thứ ba có hàng chữ: "Đệ nhị đại Giản Công Yến Chân", bên cạnh có hàng chữ nhỏ: "Thê Lưu Phi Ngọc hiệp táng".

Hiển nhiên, đời thứ ba là phụ mẫu thân sinh của Giản Thiệu Vũ, còn đời thứ hai và thứ nhất là tổ phụ và tằng tổ phụ của y.

Nhuế Vĩ hết sức lấy làm lạ, tại sao cả ba đời đều lấy vợ trong họ Lưu. Rồi đến Giản Thiệu Vũ, vị hôn thê của y cũng là họ Lưu nốt!

Lưu Hạnh Thủy, vợ của Giản Xuân Kỳ, đại khái hắn là thân sinh, mẫu thân của Giản Thiệu Vũ. Còn Giản lão phu nhân hiện tại họ gì đó? Nếu bà ta cũng họ Lưu nữa, thì đúng là một sự cổ quái.

Nhuế Vĩ nhìn ra bốn phía quanh phần mộ. Trong khu rừng này, ngoài ngôi mộ ra, chẳng có cái gì khác. Thế thì tuyệt học đó, được chôn giấu ở đâu?

Hắn không thấy cái chi có vẻ quái dị cả, cho rằng mình mạo hiểm vô ích, đến đây rồi chỉ là đến nhìn ngôi mộ tổ tiên của ân công, chứ có phát hiện ra cái quái gì đâu?

Đang lúc hắn thất vọng, bỗng có người cất tiếng hỏi :

- Ngươi đến đây làm gì?

Nhuế Vĩ kinh hãi, quay mình lại.

Không rõ xuất hiện từ lúc nào, một lão nhân đang đứng trước phần mộ. Mặt lão đầy vết nhăn, tuy tuổi rất cao, lão không có một sợi râu nào, làn da của lão trắng như tuyết. Hắn hấp tấp hỏi lại :

- Ông là ai?

Lão nhân cười, tiếp :

- Ngươi không biết ta, chứ ta thì biết ngươi!

Nhuế Vĩ trố mắt :

- Ông nhận ra tôi?

Lão nhân gật đầu :

- Ba năm trước ngươi lén lút đến đây, nếu không nhờ ta âm thầm chỉ điểm, thì làm gì lấy được bổn bí kíp đó!

Nhuế Vĩ hiểu. Lão nhân lầm hắn là ân công. Ba năm trước ân công đã đến đây rồi, bị lão phát hiện. Nhưng lão là thù hay bạn? Tại sao lão ở vùng cổ quái này? Hắn thốt :

- Vãn bối...

Lão nhấn nhận :

- Bí kíp, ngươi đã lấy rồi, còn trở lại làm chi?

Nhuế Vĩ đáp :

- Vãn bối trở lại đây, mong cầu tìm được một tuyệt học.

Lão nhân bảo :

- Trong ngôi mộ, có bổn bí lục môn công tuyệt học, tại sao không tìm, còn tìm chỗ nào nữa?

Nhuế Vĩ mừng lớn. Bí lục tuyệt học ở trong ngôi mộ! Nhưng mộ kiên cố thế kia thì làm cách nào vào được mà lấy? Thật sự nó được chôn giấu ở chỗ nào?

Chẳng lẽ phá hủy toàn diện ngôi mộ, tìm tòi? Sức đâu cho hắn làm việc đó?

Hắn lắc đầu thốt :

- Đâu có thể được! Bổn bí lục, là vật hồi táng của nhà họ Giản, chẳng lẽ phải quật mộ mà lấy?

Lão nhân nghi hoặc :

- Ngươi không là họ Giản?

Nhuế Vĩ không giấu :

- Vãn bối là Nhuế Vĩ!

Lão nhân nổi giận :

- Không phải người trong họ Giản, sao ngươi bén mảng đến đây? Hãy ra gấp gấp!

Nhuế Vĩ cũng hiểu là mình không nên đột nhập vào nơi này, huống chi vào mà chẳng tìm được gì, thì còn lưu lại làm chi? Hắn quay mình, toan bước đi.

Lão nhân chợt thốt :

- Ngươi không cho là người trong họ Giản, thì để quyển bí kíp trước đó lại cho ta!

Nhuế Vĩ quay mình lại :

- Vãn bối không hề lấy bí kíp của họ Giản.

Lão nhân giận dữ, nhanh như chớp lách mình tới gần Nhuế Vĩ rồi hai tiếng "bốp, bốp" vang lên, Nhuế Vĩ lãnh hai cái tát tay như trời giáng.

Hắn sờ má, sờ miệng, máu răng rỉ ra, ướt tay.

Lão nhân còn giận, quát :

- Oắt con dám man trá với lão phu nữa à? Rõ ràng là lần trước, ngươi lấy quyển bí kíp, lại còn giả vờ trung hậu, định chối phăng phải không? Ngươi không lấy, thì ba năm trước đây, ai lấy? Đã nói là không lấy vật bồi táng, thì vật ba năm trước là vật gì?

Nhuế Vĩ có thể nói chính là ân công lấy, song vốn tính quật cường, sanh ương ngạnh, đáp gọn :

- Vãn bối không hề lấy quyển bí kíp đó!

Lão nhân trố mắt :

- Chẳng lẽ ngươi không phải là kẻ đến đây ba năm trước?

Nhưng lão nhìn kỹ, thì người hôm nay và kẻ ba năm trước vẫn là một, nhất định là một không thể nhầm lẫn được. Lão cho rằng Nhuế Vĩ khinh lão đã già, mờ mắt không trông rõ ràng.

Buồn cười thật! Có những trường hợp, người giả mạo muốn cho kẻ khác nhận lầm, lầm kẻ mình giả mạo! Rồi có những trường hợp, lại muốn người ta phát hiện ra sự giả tạo! Một thứ mâu thuẫn do quyền lợi tạo nên.

Nhuế Vĩ đáp rồi, cho là minh bạch lắm, nên quay mình đi.

Lão nhân nổi giận hét :

- Không được đi!

Lão phi thân, tung một ngọn cước vào mình Nhuế Vĩ.

Võ công của Nhuế Vĩ không cao, lão nhân lại nhanh, lại phóng cước bất ngờ, gia dĩ động tác trong cơn giận, nên khí thế rất hùng mạnh, thì tài gì hắn né khỏi, chịu đựng nổi? Hắn ngã ngửa người ra, y phục vấy bụi cát dơ dáy hết sức.

Oai phong một đại công tử thế gia mất hẳn!

Nhuế Vĩ phát cáu lên.

Lão nhân lấy làm kỳ, hỏi :

- Lấy quyển bí kíp đó, ngươi không tập luyện à?

Nhuế Vĩ cao giọng :

- Tại hạ nói không có lấy là không lấy! Đã không lấy thì làm sao tập luyện?

Tiền bối đánh chết tại hạ, cứ đánh! Đã không lấy mà thừa nhận, vãn bối thừa nhận thế nào được!

Lão nhân bắt đầu tin, mỉm cười, thốt :

- Đứng lên đi, xem ra lão phu trách lầm người rồi đó!

Nhuế Vĩ đứng lên. Dù sao thì cáu kỉnh với một bậc trưởng thượng, kể cũng vô lễ.

Lão nhân biết hối, cười rồi tiếp :

- Lão phu nóng nảy quá, đối xử không đẹp với ngươi!

Nhuế Vĩ khoát tay :

- Nói chi cái đó! Việc đã rồi, kể như qua!

Rồi hắn lại bước đi.

Lão nhân quát :

- Trở lại!

Nhuế Vĩ quay mình, hằn học :

- Còn gì nữa đó?

Lão nhân gằn giọng :

- Làm sao ngươi vào đây được?

Nhuế Vĩ cười mỉa :

- Còn lão tiên sanh? Lão tiên sanh làm sao vào đây được?

Lão nhân đáp :

- Khu vực này, ta quen thuộc từ mấy mươi năm trước, tự nhiên ta vô ra thong thả.

Nhuế Vĩ tiếp :

- Còn tại hạ, dù gần đây thôi, tại hạ cũng quen thuộc rồi, nên vô ra thong thả.

Hắn lại theo khẩu khí của lão nhân, thành lão muốn giận, song không giận nổi! Lão thốt :

- Tuy ngươi vào được, song đây là bí mật của nhà họ Giản, ngươi không có quyền tự chuyên đi lại.

Nhuế Vĩ không hiểu nổi tâm tính lão nhân, thoạt phẫn nộ, thoạt vui vẻ vô cớ mà sanh sự, rồi hối lỗi, bất nhất. Bây giờ lại sanh chuyện trở lại! Hắn nhận ra, lão ta cũng chẳng phải là người trong gia đình họ Giản như hắn, nên hỏi :

- Lão tiên sanh không phải là họ Giản?

Tuy có tật cổ quái, bất thường song lại bộc trực, đáp ngay :

- Lão phu họ Du!

Nhuế Vĩ tiếp :

- Thì ra Du lão tiên sanh! Không là họ Giản, sao lão tiên sanh tự chuyên vào chốn này?

Lão nhân sững sờ, cho rằng hắn bắt bẻ như thế là hợp lý. Lão không là họ Giản, mà vẫn vào được, thì người khác cũng vào được chứ! Nhưng, nhớ lại một điều chi đó, lão hỏi :

- Lão phu là bằng hữu chí thân của Giản Lạc Quan, tự nhiên vào được. Còn ngươi! Ngươi là gì trong họ Giản?

Nhuế Vĩ thầm kinh hãi, không tưởng lão nhân là bằng hữu của tổ phụ Giản Thiệu Vũ. Lão có ngôi thứ quá cao, xem ra địa vị của Thiên Trì phủ trên giang hồ không phải là nhỏ! Lòng tôn kính phát sanh, hắn từ từ bước trở lại, cất giọng cung kính, đáp :

- Tại hạ là bằng hữu của Giản đại công tử đời thứ tư!

Lão nhân ạ một tiếng :

- Giản Thiệu Vũ là con độc nhất của Ngọc Chưởng Kim Điệp Lưu Hạnh Thủy?

Nhuế Vĩ đáp :

- Ân công của tại hạ chính là con của vợ Giản Công Xuân Kỳ. Tại hạ nói, người vợ trước!

Lão nhân thở dài, đáp :

- Năm xưa, tin từ trong Thiên Trì phủ đưa ra, họ Giản sinh con, khắp giang hồ sắm lễ vật mừng. Lão phu đến nơi, tưởng là giúp vui, không ngờ lại chia buồn!

Trong hàng hậu sanh, Ngọc Chưởng Kim Điệp Lưu Hạnh Thủy cô nương là nhân vật tuyệt đỉnh, không ngờ vừa sanh con lại vĩnh viễn ra đi, giữa lúc xuân niên đầy phúc hạnh! Đáng tiếc vô cùng!

Nhuế Vĩ nghĩ, lão ta bồi hồi thuật lại sự tình hai mươi năm trước!

Lão lẩm nhẩm tự thốt :

- Lão phu là bằng hữu của họ Giản, ngươi cũng là bằng hữu của họ Giản, lão phu vào được, tự nhiên ngươi cũng vào được! Bằng không thì, đừng nói chi ngươi, chính lão phu cũng không vào được!

Nói được cái đạo lý đó rồi, lão cao giọng tiếp luôn :

- Phải! Phải lắm! Lão phu không thể trách ngươi! Ngươi có quyền vào đây!

Nhuế Vĩ nhận ra, lão nhân rất thành phác, nên quên đi cái nhục vừa rồi.

Hắn cười, hỏi :

- Bây giờ, tại hạ trở ra được chưa?

Lão nhân đáp nhanh :

- Được! Được!

Nhưng, Nhuế Vĩ vừa quay mình, lão lại gọi :

- Khoan!

Nhuế Vĩ thầm than khổ, nghĩ hôm nay gặp lắm việc phiền, mọi phiền phức đều do một lão tiền bối tạo cho hắn. Rồi bây giờ, lão còn muốn làm gì nữa?

Lão nhân chỉnh sắc hỏi :

- Ngươi nói, ân công của ngươi giống ngươi?

Nhuế Vĩ đáp :

- Mười phần giống cả mười!

Lão nhân lại hỏi :

- Bây giờ, ngươi định đi đâu? Tại sao ngươi dám phạm vào sự cấm kỵ xâm nhập Thiên Trì phủ? Ngươi phải chết, người trên giang hồ đều rõ sự kỵ đó chứ!

Đã vậy, ngươi lại còn bén mảng đến vùng cấm địa này nữa?

Nhuế Vĩ không dám giấu. Hắn đem mọi tao ngộ gần đây, thuật lại tường tận cho lão nhân nghe. Nghe xong, lão nhân gật gù, thốt :

- Thì ra, có những khúc chiết như vậy! Lão phu không hề tưởng đến!

Trầm tư một lúc, lão tiếp :

- Lưu tiểu cô nương đã nói rõ dụng ý của Giản Thiệu Vũ muốn ngươi giả mạo hắn, song nàng không nói tại sao kế mẫu của hắn muốn sát hại hắn. Dụng tâm của bà, nếu quả thật như vậy, thì thật là độc ác!

Lão nhân gọi mẹ của Giản Thiệu Vũ là Lưu cô nương, lại gọi vị hôn the của y là Lưu tiểu cô nương. Thực sự là Lưu Dục Chi đã lớn rồi, năm nay nàng được mười tám tuổi, hơn Nhuế Vĩ một tuổi. Như thế, nàng đâu còn là tiểu cô nương nữa!

Nhuế Vĩ hỏi :

- Lão tiên sanh thấy cái dụng tâm đó như thế nào?

Lão nhân thở dài :

- Hai mươi năm qua, lão phu không hề chánh thức viếng thăm Thiên Trì phủ. Bất quá, lão phu chỉ biết Giản Xuân Kỳ tục huyền với em gái của người vợ trước.

Nhuế Vĩ kêu lên :

- Giản lão phu nhân cũng là họ Lưu?

Lão nhân gật đầu :

- Không phải là một sự lạ, mà ngươi kêu lên như vậy. Phàm là người trong họ Giản nhất mạch, đều lấy vợ họ Lưu.

Nhuế Vĩ hỏi :

- Phải có một nguyên nhân chứ?

Lão nhân đưa tay sờ cằm, định vuốt râu, gợi ý, song cằm nhẵn bóng, râu đâu có sợi nào mà rờ. Lão buông tay xuống, đoạn thở dài, tiếp :

- Sự tình, nói ra dài dòng lắm. Muốn nói phải bắt đầu từ thời Lạc Quan lão huynh của lão phu. Thuở trước, trước khi làm Tể tướng tại triều đình, Lạc Quan huynh từng âm thầm bôn tẩu khắp đó đây sống cái kiếp giang hồ, tung hoành một lúc dưới một danh hiệu tạm mượn. Lão phu xin bỏ qua cái danh hiệu đó.

Trong khi lưu lãng, Lạc Quan huynh có kết giao với hai người, lão đại là Lưu Trung Trụ, với lão phu là người thứ ba. Lão phu tên là Du Bách Long.

Dừng một chút, lão nhân tiếp :

- Cảm tình giữa lão phu và Lạc Quan huynh thì ở mức độ thường, nhưng Lạc Quan huynh và Trung Trụ huynh thì rất đậm đà thắm thiết với nhau. Lúc kết bái với nhau, Lạc Quan huynh cưới em gái của lão đại làm vợ, thành ra thân tình lại thêm thân. Lão đại rồi cũng lấy vợ, chỉ còn lại mỗi lão phu...

Nhắc đến hôn nhân, Du Bách Long lộ vẻ mơ buồn.

Nhuế Vĩ muốn hỏi :

- Tại sao lão tiên sinh không lấy vợ?

Nhưng, nhìn vẻ buồn của lão, hắn không tiện mở miệng.

Rồi lão nhân thuật tiếp :

- Tẩu xảo làm sao, vợ lão đại và vợ Lạc Quan huynh, đồng thọ thai, họ chỉ bụng vợ mà đính hôn, nếu một sanh trai, một sanh gái. Giả như cả hai cùng sanh trai, hoặc cùng sanh gái thì dĩ nhiên cái việc "chỉ phúc vi hôn" cầm như hủy bỏ.

Ngờ đâu khi hai vị tẩu tẩu sanh con thì nhị tẩu sanh trai, đại tẩu sanh gái, bất hạnh thay, đại tẩu sanh rồi, cả mẹ lẫn con đều chết...

Lão ngây người ra một lúc, đưa ký ức trở lại thời gian xa xưa, lâu lắm lão mới tiếp tục thuật :

- Vợ chết, con chết, lão đại đau khổ vô cùng, không thiết sống nữa, Lạc Quan huynh hết lời khuyên giải, lại hứa từ nay con trai trong nhà họ Giản, nhất mạch phải lấy vợ họ Lưu, để ghi kỷ niệm cái thuở ban đầu. Con trai duy nhất của Lạc Quan huynh, là Giản Yến Châu, tuân theo ý cha, lấy con gái của em trai lão đại, là Lưu Phi Ngọc làm vợ.

Lão nhân đằng hắng mấy tiếng, mới tiếp nói :

- Việc đó thành một quy củ trong gia đình họ Giản, phàm là nhất mạch thì nhất định lấy vợ họ Lưu. Con cháu sau này, tuân theo rất kỹ.

Nhuế Vĩ hỏi :

- Tại sao chỉ là nhất mạch mà thôi?

Lão nhân thở dài :

- Cũng vì hai tiếng nhất mạch đó, mà Giản lão phu nhân ngày nay có ý muốn sát hại Giản Thiệu Vũ, con trai duy nhất của người chị ruột!

Nhuế Vĩ không tin hỏi :

- Chẳng lẽ thực sự Giản lão phu nhân quyết hạ sát ân công của tại hạ?

Lão nhân lại thở dài :

- Vì đứa con thân sinh của bà ta, làm gì bà lại chẳng thể làm việc đó? Phải biết, về võ công, Lạc Quan huynh có một quy điều cực kỳ nghiêm khắc, là: nghệ truyền nhất nhân, bất khả dị nhĩ! Nhĩ là lỗ tai, không cho người khác nghe, đừng nói là truyền dạy cho người khác! Lạc Quan huynh truyền cho Giản Yến Châu, Giản Yến Châu truyền cho Giản Xuân Kỳ. Tuy Yến Châu có ba con trai, song Xuân Kỳ là trưởng tử. Vô luận là võ công hay sản nghiệp trong Thiên Trì phủ, đều do con trưởng thừa hưởng. Năm xưa thì tình trạng đó không thành vấn đề, nhưng ngày nay thì khác, Giản Thiệu Vũ có bà kế mẫu, Thiên Trì có hai dòng con. Thiệu Vũ dù nhỏ tuổi, song có cao kiến, thấy xa, trông rộng...

Nhuế Vĩ hiểu. Bất giác, hắn lẩm nhẩm :

- Thì ra, vì gia tài, sự sản! Giản lão phu nhân muốn lấy cái nhất mạch đó, chuyển sang cho con trai bà! Cho nên bà nuôi dưỡng cái tâm sài lang, toan hãm hại ân công!

Lão nhân tiếp :

- Cậu bé Xuân Kỳ đại khái không nhận thấy dã tâm của người vợ kế, hắn đinh ninh bà ấy là em ruột của vợ, thì đâu có cái lý tranh giành, do đó mà không đề phòng. Gia tài sự sản của họ Giản quá lớn, tự nhiên bà ấy phải sanh lòng tham. Rồi từ tham thành độc ác.

Nhuế Vĩ trách :

- Lão tiền bối đã là bằng hữu của tằng tổ phụ ân công, từng tới lui Thiên Trì phủ, cái lý là nên đến đó, chiếu quản gia vụ của vị nghĩa huynh kết bái phần nào, ngăn chặn âm mưu của lão phu nhân!

Lão nhân đáp :

- Hai mươi năm rồi, lão phu không hề đặt chân đến Thiên Trì phủ, làm sao biết được tại đó có xảy ra sự tình gì! Làm cho chánh chủ nhân không dám trở về nhà! Năm trước, lúc chuyển linh cửu Xuân Kỳ đến đây, lão phu có tham gia công cuộc dựng bia, đặt viên đá đầu tiên cho ngôi mộ, lão phu muốn hỏi tình hướng trong Thiên Trì phủ, song nghĩ lại, có hỏi cũng chẳng ích gì. Con người dù sao cũng có một ngày chết đi! Mà lão phu thì sắp về lòng đất lạnh! Nên thôi!

Nhuế Vĩ hỏi :

- Lão tiền bối hiện tại ở tại Thiên Trì phủ, sao lại nói là không đến Thiên Trì phủ?

Lão nhân cười khổ :

- Lão phu ở tại đây bảy năm rồi, không hề đến phủ một lần suốt trong thời gian đó. Lão phu sợ vào đó! Nên quyết định không vào!

Nhuế Vĩ lấy làm kỳ. Tại sao lão ở chốn cô tịch này, mà lại không vào phủ một lần nào hết? Chẳng lẽ lão có tâm sự gì khổ sở lắm?

Lão nhân mỉm cười, xóa tan bầu không khí bi thảm đang bao bọc cả hai. Rồi lão tiếp :

- Thực ra, có những lúc như thế này, Giản Thiệu Vũ có dịp rèn luyện tâm linh. Hắn dấn thân trên giang hồ, hắn sẽ thu thập nhiều kinh nghiệm, đó là điều tốt cho hắn! Sau này, hắn sẽ có kiến thức rộng để nối chí cha!

Nhuế Vĩ không nói gì chỉ gật đầu.

Lão nhân chợt cau mày, thốt :

- Có điều hắn không nên nhờ ngươi mạo hiểm thay hắn mà đến đây, bởi ngươi đến là phải chết, chết thay cho hắn! Hắn làm thế là mất cái khí khái của bậc trượng phu! Sau này, nếu có dịp gặp hắn, lão phu sẽ giáo huấn hắn mới được!

Nhuế Vĩ biện hộ cho ân công :

- Vãn bối thọ ơn cứu mạng, thì phải hiệu lực cho ân công, chẳng có gì đáng trách cho ân công cả!

Lão nhân cười lớn :

- Ngu! Ngu! Hiệu lực như vậy là tự tìm cái chết! Trong thiên hạ đâu có thứ người tùy tiện mà bỏ sanh mạng nhu vậy? Muốn chết, cũng phải chết sao cho oanh liệt, cho đáng giá chứ! Ai lại vì một ân oán mà xem thường sanh mạng!

Nhuế Vĩ cung kính thốt :

- Xin tiền bối chỉ giáo.

Lão nhân cao giọng :

- Một người muốn phấn đấu, trừ trường hợp bất đắc dĩ, mới nói đến cái chết.

Chứ cứ mỗi việc mỗi đòi chết, khinh thường mạng sống thì còn làm gì được, cho nên bậc anh hùng chẳng bao giờ đòi chết, song sẵn sàng chết, nếu đúng việc đúng lúc cần thiết. Người không sợ chết, không phải khinh thường sinh mạng.

Trời sanh con người, tất có chỗ dùng lớn.

Nhuế Vĩ lộ vẻ ưu tư :

- Quan mấy hôm nữa, là Hắc bảo sẽ đến xâm phạm Thiên Trì phủ. Giản lão phu nhân giao toàn quyền cho tại hạ ứng phó. Với tài nghệ quá non kém, tại hạ làm sao đảm đương trọng trách? Cho nên, tại hạ còn cách nào hơn là nghĩ đến cái chết!

Lão nhân mỉm cười :

- Sở dĩ thế, ngươi mới đến đây, định tìm tuyệt nghệ để ứng phó với tình thế phải không?

Nhuế Vĩ thấp giọng :

- Vâng!

Lão nhân lắc đầu :

- Ngươi nghĩ sai rồi! Ở đây, chỉ tàng trữ những bí lục võ công Lạc Quan huynh dày công nghiên cứu, đừng nói là mấy hôm, dù ngươi tập luyện mấy năm, cũng vị tất thành tựu!

Nhuế Vĩ thốt :

- Thế thì tại hạ đành tuyệt vọng!

Lão nhân buông giọng từ hòa :

- Có phải ngươi nhìn phần mộ này, lòng không nỡ khai quật mà lấy bí kíp võ công giấu trong đó?

Nhuế Vĩ lặng thinh.

Lão nhân thở dài :

- Ngươi kể ra cũng là một tiểu tử tốt đó! Lão phu mong rằng con của Lạc Quan huynh có lòng nhân hậu được như ngươi!

Nhuế Vĩ cất tiếng :

- Tại hạ xin cáo từ!

Lão nhân khoát tay :

- Đừng vội! Vừa rồi, ta vô duyên vô cớ, đánh ngươi hai tát tay, đá luôn một đá, thực là không nên làm như vậy! Ta đâu có thể để cho ngươi ra đi cách oan uổng!

Nhuế Vĩ đáp :

- Tại hạ thuộc hàng hậu sanh, dù tiền bối đánh đập chút ít, cũng chẳng sao.

Lão nhân lắc đầu :

- Không được! Đâu có thể như vậy được!

Nhuế Vĩ ngạc nhiên, tự hỏi lão muốn gì! Chẳng lẽ lão bảo hắn đánh trả lại hai tát một đá? Nếu thế, làm sao hắn vâng lời?

Lão nhân vụt tiếp :

- Như thế này! Ta truyền cho ngươi ba chiêu, trừ hai cái tát và một cái đá.

Nhuế Vĩ bối rối không biết nên nhận hay chăng. Với ba chiêu, chắc gì hắn đối đương nổi với bọn Hắc bảo? Nếu không đối đương nổi thì học mà làm gì để rồi qua mấy hôm nữa, cũng phải chết? Vả lại tâm tư đang bấn loạn, thà không học là hơn!

Chừng như biết rõ ý tứ của hắn, lão nhân cao giọng thốt :

- Ngươi đừng xem thường ba chiêu của ta! Chỉ cần ngươi luyện thuần phục, là Hắc bảo phải bại nơi tay ngươi!

Rồi lão hẹn Nhuế Vĩ, đầu canh một, trở lại đó.