A Kế Mỹ tung chăn ngồi dậy. Phòng
trọ vắng vẻ, ánh chiều nhạt dần. Bóng một cành thông thấp thoáng lay
động in lên khugn giấy vàng úa trên song cửa, và con chim gáy sau nhà
cũng thôi không còn buông những tiếng kêu cúc cu đều đều buồn bã.
Một mình trong phòng, A Kế Mỹ cảm thấy cô đơn tràn ngập. Vết thương Sĩ
Khánh để lại trong lòng nàng thật sâu đậm, A Kế Mỹ càng nghĩ càng tủi
thân, khóc rấm rứt.
Thôi thế là hết. Tấm thân giữ gìn bấy lâu nay, giờ đây hoen ố, nàng biết làm sao giải thích cho người yêu trong mộng.
Vừa thoát chết, A Kế Mỹ mất hết can đảm, không dám nghĩ đến chuyện ra
bãi biển lần nữa. Với tay lấy cái lược chải sơ mái tóc, thắt lại chiếc
“obi” rồi bò ra khỏi chiếu nằm, nàng kéo cửa lùa rón rén bước khỏi phòng trọ.
Gió lạnh bên ngoài làm A Kế Mỹ dễ chịu. Cơn nóng trong người đột nhiên
giảm bớt, nàng có cảm tưởng như vừa được uống một chén nước lạnh.
Như con chim mới sổ lồng còn e sợ không dám vỗ cánh bay cao, A Kế Mỹ dựa lưng vào hàng hiên, ngồi suy nghĩ. Đi đâu ? Về đâu ? Mẹ nàng đã bỏ đi
theo Hồ Định, nàng chẳng tìm làm gì, mà ví dù có tìm được, nàng cũng
quyết không để cho mẹ bán mình lần nữa. Tứ cố vô thân, cánh bướm mong
manh lạc giữa mùa đông, biết nơi nào an toàn mà nương tựa. A Kế Mỹ kéo
vạt áo lau nước mắt, đứng dậy:
Thôi thì cũng liều ! Và men theo hàng giậu thấp, lẻn ra cửa sau trốn.
Ở bến đò, người đi lại tấp nập, gồng gánh chen đẩy. A Kế Mỹ nhìn đám
đông, trông ai cũng thẹn, tưởng như họ đều đã biết rõ cảnh ngộ mình.
Giống như chim bị tên sợ cây cong, nàng né tránh hết mọi người và ngồi
ẩn trong một bụi rậm chờ trời tối.
Những ngày cuối năm, tại bến đò chỗ nào cũng đông nghẹt khách vãng lai thuộc đủ mọi giai tầng xã hội:
tăng lữ, kiếm sĩ, thương nhân, kẻ chợ người quê, chen nhau mua sắm hoặc đáp thuyền về quê quán.
A Kế Mỹ chẳng biết đi đâu. Bầu trời xám nặng như chì, nước sông cuồn cuộn chảy.
Lòng nàng còn nặng gấp mấy bầu trời, mà khối nước của dòng sông kia giá
đem rửa những vết nhơ trên thân thể nàng thì cũng khó mà sạch. Mối tình u uẩn của nàng, tuy Thạch Đạt Lang không hay biết, nhưng đã ăn sâu vào
tâm khảm người thiếu nữ. Nó là bông hoa dại, khi ở đồi Ibuki mới còn là
nụ, theo năm tháng nay đã đến độ mãn khai, được chăm bón bằng thương
yêu, mong nhớ và cảm phục. Thân nàng dù bị dày xéo, bông hoa yêu đương
vẫn nguyên vẹn. Nàng chỉ tiếc nó chẳng được hoàn toàn như lòng mong ước.
Nghĩ đến Thạch Đạt Lang, A Kế Mỹ sực nhớ đến lời chàng nhắn Mãn Hà Chí qua miệng tên tiểu đồ:
chân đại kiều đường Gojo, ngày nguyên đán. Một tia hy vọng lóe lên, A Kế Mỹ lau vội nước mắt. Tay run run, nàng lấy trong bọc ra cái túi đựng số bạc vụn dành dụm bấy lâu nay, lẩm nhẩm tính, rồi cả quyết theo chân bọn khách thương bước xuống thuyền đi Kyoto.
Đối với A Kế Mỹ, Kyoto chẳng xa lạ gì. Ở bến tàu bước lên, trời đã chạng vạng tối.
Nàng không muốn về xóm cũ, nơi có quán Vân Nghê của mẹ nàng khi trước,
sợ gặp người quen, nên theo đường nhỏ vòng ra phía cổ thành đến khu
Teramachi. Ở đó nhiều đền miếu, A Kế Mỹ hy vọng tìm được ngôi chùa nào
có vị trụ trì nhân từ cho nàng tá túc qua đêm, rồi sáng hôm sau hãy
tính.
Giữa hàng liễu úa, cành rủ lưa thưa, A Kế Mỹ lủi thủi đi. Gió sông thổi lạnh căm, nàng xuýt xoa run rẩy kéo vạt áo giữ hơi ấm.
- Cô em ! Này cô em, đi đâu vội thế ?
A Kế Mỹ giật mình quay lại. Một người vừa gầy vừa cao, không đoán được
tuổi, quần áo rách rưới bẩn thỉu, theo chân nàng từ bao giờ. Râu tóc gã
lởm chởm gớm ghiếc, bên hông đeo song kiếm, dáng điệu nửa hành khất, nửa giang hồ lãng tử. A Kế Mỹ hơi sợ, cắm cúi đi, chân bước nhanh hơn.
- Cô em ! Giải “obi” của cô tuột rồi đó, có muốn thắt lại, ta giúp !
Nàng không nói gì, chỉ rảo bước. Qua mấy năm sống ở Cổ thành, nàng nghe
đồn có nhiều tên du đãng nghèo đói thường hay la cà ở các quán rượu,
hoặc núp tại các khu đường vắng chờ khách cô thế đi qua xông ra ăn cướp. A Kế Mỹ đoán tên này chắc cũng thuộc vào loại ấy.
- Xinh đẹp như vậy sao không bới tóc cho cao, đến những nơi thanh lịch
chứ ở chỗ hoang vắng này làm gì ? Hay chán cảnh gia đình rồi bỏ nhà đi
hoang đấy ? Để ta đưa về...
- ...
- Em nên cẩn thận, đêm khuya thân gái, thiếu gì đứa vô lại rình mò, nó
bắt đem bán cho lái buôn, gái Kyoto có giá lắm ! Ở Edo bây giờ nhiều
thanh lâu, hay em về ở với ta, mình tính kế làm ăn ...
Gã cười hô hố, lúc đe dọa lúc dụ dỗ. A Kế Mỹ bực mình vì những lời lải nhải, gắt:
- Ngươi là ai ? Đi đi, ta không dễ gì dụ dỗ.
- Á à ! Nói thật đó. Ta thương cô em, thật tình muốn giúp ...
- Cút đi !
Bị mắng, gã chỉ cười, hàm răng khấp khểnh cáu bẩn trông gớm chết.
- Cút đi ! Không ta ném hòn đá này thì bỏ mạng.
Tuy bên ngoài nói cứng nhưng trong lòng A Kế Mỹ sợ lắm. Ven đường cây cỏ um tùm. Thấy lẩn trong những bụi cây cỏ ấy, vài gốc tùng trắc mọc
hoang, lùn tè, trong bóng tối, mới dâng, có thể tạm làm chỗ ẩn thân
được, A Kế Mỹ cúi xuống vờ nhặt hòn đá, vung tay ném, gã kia né tránh.
Thừa dịp tốt, A Kế Mỹ lẩn ngay vào bụi rậm. Trên cao, nền trời sẫm xuống dần. Vài ngôi sao mới mọc lấp lánh. Tiếng ễnh ương lẻ loi kêu trong đám cỏ. Con đường mòn ven sông vắng vẻ mờ mờ sau màn sương mỏng xanh lam,
nhẹ như khói.
A Kế Mỹ cúi rạp người, như một con chồn, lủi giữa các bụi cây thấp. Chỗ
này chắc xưa kia cũng là vườn tược của đền chùa chi đây, bây giờ hoang
phế, nhưng thỉnh thoảng vẫn còn di tích những lối đi lát gạch. Nàng thở
thật khẽ, cố di chuyển nhẹ nhàng như bơi giữa biển lau sậy.
Đột nhiên, một bóng người từ trong bụi cây vụt nhảy ra đẩy nàng ngã sấp. A Kế Mỹ chỉ kịp kêu một tiếng ngắn, bóng đen đã đè lên người nàng, ôm
chặt, một tay bịt miệng, một tay giật dải thắt lưng. A Kế Mỹ vùng vẫy,
chân đạp tay tát.
Thì ra gã du đãng lúc nãy. Nó thông thuộc đường lối khu này nên nấp sắn một chỗ đón đầu, chờ đợi.
Gã thở hổn hển. Mùi rượu và mùi hôi thối từ miệng gã xông ra nồng nặc
làm A Kế Mỹ muốn ngất xỉu. Những sợi râu ngắn cứng đâm vào má, vào cổ
nàng như những cái gai nhọn sắc. A Kế Mỹ đau muốn kêu cứu nhưng những
tiếng kêu chỉ là những tiếng ú ớ trong cổ họng.
Tên này gầy mà sao khỏe quá, nàng dùng tay cố đẩy mặt gã ra khỏi mặt
mình nhưng không nổi. Trong lúc bối rối, bất ngờ một ngón tay nàng thò
vào lỗ mũi nó. Nàng chọc mạnh một cái.
- Á !
Tiếng kêu ngạc nhiên đau đớn của tên du đãng làm A Kế Mỹ giật mình. Gã lăn người sang bên, hai tay ôm mặt.
- Đồ chó đẻ ! Ông giết mày !
A Kế Mỹ ngồi dậy, chống hai tay giật lùi về phía sau. Thấy chỗ rắn, nàng đoán chừng là một hòn đá, dựa lưng vào đó thở hổn hển. A Kế Mỹ kinh hãi tột độ. Vạt áo nàng rách toạc một miếng, để lộ lần áo lót bên trong và
phần ngực trần, trắng nõn dưới ánh sao đêm. A Kế Mỹ chỉ kịp làm một phản ứng tự nhiên:
kéo vạt áo kia che lại rồi hai tay giữ chặt lấy ngực, tự vệ. Nàng lắp bắp:
- Ngươi ...ngươi muốn gì ?
Gã kia đã đứng lên, cười gằn độc ác. Nhìn người thiếu nữ yếu đuối trước
mặt, không cách gì thoát khỏi nanh vuốt của gã, gã khoái trá, đi đi lại
lại, tựa như con mèo vờn con chuột trước khi ăn thịt.
- Muốn gì ? Hề hề ...Muốn gì thì nàng biết đấy !
Và chồm tới định đè sấn nàng xuống.
A Kế Mỹ nhanh mắt, lăn một vòng tránh được. Gã vồ hụt, ngã sóng soài.
Cái ngã này làm gã đau điếng, vì sau tiếng “hự” va vào đá, không thấy gã trở dậy nữa.
A Kế Mỹ lóp ngóp đứng lên, hai tay giữ áo, chạy thục mạng. Trong đêm
tối, như một bóng ma, tà áo trắng bay phần phật giữa những bụi đỗ quyên
và tử dương hoa đã tàn và lá xơ xác.
A Kế Mỹ vừa chạy vừa kêu:
- Trời ơi ! Cứu tôi ! Cứu tôi với !
Tiếng kêu đứt quãng của nàng lạc trong hơi gió. Trong cái hoang tịch của cánh đồng Teramachi đêm đó, mảnh trăng hạ tuần cũng chưa mọc. Một tiếng cú rúc xa xa nhại lời kêu cứu của nàng và càng làm tăng thêm vẻ hoang
vu, vắng lặng.
Tên côn đồ tỉnh dậy, giận uất người. Nghe tiếng kêu của A Kế Mỹ, gã
loạng choạng đuổi theo, miệng lầm bầm chửi rủa. Gã đuổi theo mỗi lúc một nhanh, những tiếng chửi tục tằn càng ngày càng gần lại và tiếng chân
chạy nặng nề của gã làm A Kế Mỹ rối ruột. Bước chân A Kế Mỹ không còn
vững, nàng thở hồng hộc, đến bên một vũng lầy thì kiệt sức quỵ xuống. Lá lau khô cứa vào mặt vào môi, nàng thấy xót và ở miệng có vị mằn mặn.
A Kế Mỹ thở dốc tuyệt vọng. Lạnh, lạnh quá. Máu trong người nàng dường
như chảy đi đâu hết. A Kế Mỹ nhìn những ngôi sao lấp lánh đằng xa như
trong giấc mơ, nhỏ dần, nhỏ dần rồi bóng tối chụp xuống toàn thân nàng,
đen và sâu thăm thẳm. Nàng không còn biết gì nữa.
oo Tiếng gọi văng vẳng bên tai làm A Kế Mỹ sực tỉnh. Chân tay nàng lạnh
giá và trên mặt hình như có ai lấy nước lã vã vào. A Kế Mỹ mở mắt lờ đờ
nhìn xung quanh. Một bóng đen đang cúi xuống, giật tóc mai nàng và gọi
khe khẽ:
- Cô nương ! Cô nương ! Tỉnh dậy !
A Kế Mỹ cựa mình, thở dài. Tiếng người kia vui mừng:
- Mô Phật !
Và tiếp theo, giọng ái ngại:
- Ngươi khát không ?
- Đây là đâu ? Phải bãi biển Symiyoshi không ?
Bóng đen lắc đầu:
- Hãy còn mê sảng. Giá có lửa sưởi thì tốt.
Đoạn cởi áo ngoài đắp lên mình A Kế Mỹ. Nhưng nàng vùng dậy, hốt hoảng:
- Không ! Không !
Ngươi đừng sợ ! Tên đó chết rồi !
Và lấy tay chỉ người nằm cách đấy chừng một thước.
A Kế Mỹ nhìn xác chết, giật lùi lại rồi nhìn người ngồi bên cạnh không
hiểu. Giữa bóng đen âm u của những lùm cây rậm rạp, nàng không phân biệt được người đó thuộc thành phần nào trong xã hội, nhưng theo giọng nói,
đoán chừng thuộc loại trung niên trở lên, và nghèo khổ. Tấm áo người ấy
vừa đắp lên mình nàng làm bằng vải gai, chỉ những người bần cùng hoặc
giai cấp đạo sĩ mới mặc.
- Lão ...lão là ai ?
- Ta là Áo Đại Môn đi khất thực qua đây, nghe tiếng cô nương kêu cứu,
chạy lại thì đúng lúc tên côn đồ này định làm hỗn. Ta đập gậy lên đầu
nó, tưởng đâu dọa cho nó bỏ, nào ngờ trúng chỗ phạm làm nó chết tốt.
- Mô Phật. Đa tạ lão trượng đã cứu tiểu nữ.
- Thế còn cô nương ? Nhà ở đâu ? Đêm hôm khuya khoắt đến chỗ này làm gì ?
- Thưa lão trượng ...
- Gọi ta là đạo sĩ. Ta là kẻ tu hành.
- Thưa lão đạo sĩ, tiểu nữ không có nhà và cũng không thân thích. Tiểu
nữ ở xa đến, trời tối, không tìm được nơi quán xá nào hợp với túi tiền
nên định vào khu Teramachi, xem cảnh chùa nào rộng cho tiện nữ ở qua đêm thì tá túc. Không ngờ ...
- Cô nương thật bất cẩn. Vùng Kyoto bây giờ nhiễu nhương lắm, bọn đãng
tử hoành hành khắp nơi, đàn bà con gái ban ngày còn không dám ra chỗ
vắng, huống chi ban đêm.
Nghe giọng nói và xem cách xử sự của đạo sĩ, A Kế Mỹ yên tâm phần nào. Tuy nhiên nàng vẫn dè dặt:
- Gần đây có ngôi chùa nào không, lão đạo sĩ ?
- Không ! Ngôi chùa gần nhất cũng cách đây chừng một dặm. Cô nương sức
còn yếu, không đi nổi đâu. Hay cô nương đến ngụ tạm chỗ ta ở ?
A Kế Mỹ không nói gì, lòng lo lắng. Biết rõ ý nghĩ của nàng, đạo sĩ trấn an:
- Ấy là ta khuyên như thế, còn tùy cô nương quyết định.
- Thưa, thế nhà lão đạo sĩ ở đâu ?
Lão già mỉm cười:
- Ta cũng như cô nương, không có nhà. Ta ở nhờ một ngôi đền gần đây,
cùng với một lão khất cái nữa. Nếu cô nương chẳng chê là hủ lậu thì cứ
tự tiện.
- Đa tạ lão đạo sĩ.
- Vậy cô nương ngồi nghỉ, chờ ta một lát. Ta đọc bài kệ vãng sinh và lấy đá lấp cái xác kia lại, kẻo để quạ rỉa tội nghiệp.
Khi đạo sĩ làm xong việc thì trời đã khuya. Mảnh trăng lưỡi liềm vàng úa nhô lên khỏi đám tùng bách đen sẫm. Một con chim đêm bay ngang, cánh vỗ phành phạch, tiếng “quác” buông khô khan trong đêm tối vắng lặng.
Lão đạo sĩ đưa cho A Kế Mỹ mượn cây thiền trượng chống tạm, rồi cả hai,
kẻ trước người sau, theo con đường hẹp đi sâu mãi vào cảnh hoang dã.
Đến một nơi lau sậy rậm rạp cao quá đầu người, đạo sĩ dừng lại nói:
- Sắp đến rồi !
Nhưng A Kế Mỹ nhìn trước nhìn sau chẳng thấy nhà cửa gì cả, chỉ thấy bốn bề lau lách mọc đầy, tiếng côn trùng ri rỉ trong đám cỏ. Nàng ngạc
nhiên hỏi:
- Lão đạo sĩ ở đây sao ?
- Sau rừng kia là ngôi đền ta ở. Đối với cô nương chắc chẳng đủ tiện nghi, nhưng đối với ta thế cũng đủ.
Đi hết rừng lau, quả nhiên thấy một căn nhà. Một căn nhà gỗ hoang tàn,
đổ nát hơn là một cảnh đền miếu. Lão đạo sĩ trèo lên thềm. Hàng lan can
gỗ nghiêng ngả từ khi Mãn Hà Chí bị lão dùng thế nhu đạo hất ra ngoài,
vẫn còn nguyên đó, không sửa chữa.
Lão già kéo tấm liếp sang bên, đàn dơi thấy động bay tới tấp. A Kế Mỹ giật mình, do dự không dám bước vào.
- Không sao đâu, bên trong ấm hơn nên dơi làm tổ. Chúng sinh cả, mình
trọng nó, nó chẳng hại mình. Ta với nó sống hòa hợp chẳng bên nào cảm
thấy phiền lụy. Để ta mồi chút lửa cho ấm.
Đạo sĩ nói đoạn đánh đá vào bùi nhùi, bẻ cành khô gây lửa. Chẳng bao
lâu, gian phòng sáng hẳn lên, ngọn lửa vàng tươi bập bùng, nổ lách tách, tàn bắn ra xung quanh như những chiếc pháo bông nhỏ xíu.
- Cô nương có sợ ta giống như tên côn đồ lúc nãy không ?
A Kế Mỹ lắc đầu. Đạo sĩ Áo Đại Môn này hình dung kỳ dị, nhưng phong cách nhân hậu, vả dưới ánh lửa trông lão già lắm, có lẽ đến ngoài sáu mươi.
Râu tóc bạc nhiều, da mặt nhăn nheo, dáng dấp mang một vẻ gì phiền muộn, chắc ở tuổi thanh niên lão gặp nhiều đau khổ.
Nàng đưa mắt nhìn quanh phòng. Cảnh bần hàn không còn có thể nào hơn
được, nhưng những đồ dùng cần thiết hàng ngày lão thu góp để hỗn độn làm nàng ngạc nhiên:
hai cái nồi đất, một cái đã mẻ miệng, cái hỏa lò, vài chiếc bát đĩa, mấy đôi đũa cắm trong cái ống tre treo trên vách. Gần đấy là một manh chiếu cũ, một cái gối cáu bẩn.
- Để ta đi nấu cháo. Chắc cô nương cũng đói rồi.
- Cảm ơn đạo sĩ, tiểu nữ không đói. Chỉ thấy sốt và mệt.
- Cảm hàn rồi đấy. Cô nương ra chỗ kia nằm nghỉ đi. Nghỉ là cách tốt
nhất giữ sức khỏe chống bệnh. Đợi ta nấu cháo xong, ăn bát cháo nóng là
khỏi.
A Kế Mỹ cảm động. Nàng thấy lão đạo sĩ này dễ thương quá và đột nhiên nhìn căn phòng dơ bẩn của lão không còn ghê tởm nữa.
Lão đạo sĩ đổ gạo, nước vào nồi, bắc lên bếp rồi lấy ở góc nhà ra một
mảnh gỗ. Lão tìm được ở đâu mấy cọng hành lá, rút dao găm ra, dùng mảnh
gỗ làm thớt thái hành trên đó. Thái xong, lão trút vào bát, lau thớt đặt sang bên, lẩm bẩm:
- Để làm cái khay cũng tiện.
A Kế Mỹ xin phép đi nằm nghỉ. Đạo sĩ mỉm cười:
- Vẽ. Mệt thì đi ngủ. Có cái màn rách đắp tạm, khi nào cháo được ta gọi dậy ăn.
A Kế Mỹ không nề hà, nàng ngả mình xuống chiếu, định quơ tấm màn đắp thì một con vật gì nhảy vụt ra. A Kế Mỹ giật mình ôm mặt kêu lớn. Lão đạo
sĩ chồm dậy:
- Gì thế ? Cái gì thế ?
- Không biết vật gì trong đống chăn nhẩy ra.
- Chắc là chuột.
- Không phải. Nó to như con mèo, màu vàng ...
- Vậy chắc là con sóc. Khu này nhiều sóc và cầy cáo ...Thảo nào ta thấy gạo vương vãi.
A Kế Mỹ vẫn còn lo sợ, đảo mắt nhìn quanh:
- Kia kìa ! Nó kia kìa ! ...
Lão đạo nhìn theo tay chỉ, trông lên cái kệ xiêu vẹo gần nóc nhà, thấy
có đôi mắt tròn xoe, long lanh nhìn xuống không chớp. Đôi mắt nấp sau
pho tượng Phật cụt đầu, loang lổ và ám khói mang một vẻ gì vừa tinh
nghịch vừa chế nhạo làm pho tượng trở nên sinh động một cách kỳ dị. Lão
vỗ tay, dậm chân, đôi mắt bỏ bức tượng chạy sang bên.
Thì ra đó là một con khỉ nhỏ. Nó đánh đu vào xà nhà, đuôi quắp lên xà
gỗ, bỏ thõng mình đu đưa, nhe răng kêu khèn khẹc, da mặt nhăn nheo như
quả táo phơi nắng.
- Cái con quỷ này không biết ở đâu đến. Từ trước ta có thấy nó bao giờ đâu ?
- Trong rừng không có khỉ à ?
- Đây là rừng lau, làm gì có. Chắc của ai nuôi đi lạc. Không sao đâu,
ngươi cứ nằm nghỉ. Để cho nó vài cái hạt dẻ. Chúng sinh cả, chẳng nên
đuổi nó làm gì !
- Nó phá lắm đấy !
- Trông thì cũng có vẻ thuần rồi, không ngại.
Lão đạo sĩ đem mấy quả thông và hạt dẻ ra để lên kệ rồi ngồi xuống mở
nồi cháo ra khuấy nhè nhẹ. Mùi cháo nóng bốc lên thơm nức, tỏa khắp gian phòng. Lão hít hà, nuốt nước bọt ừng ực. Trông lão bấy giờ sung sướng,
bồn chồn, tưởng như nồi cháo hoa kia chứa đựng tất cả cái tuyệt đích của khoái lạc trong cõi nhân sinh mà lão sắp được hưởng.
Chuông chùa Kiyomi từ xa vọng đến. Năm cũ sắp qua, năm mới gần kề, trong tháng này, chùa nào cũng thỉnh chuông lúc sang canh như để cảnh tỉnh
chúng sinh ôn việc đã qua, tránh cảnh trầm luân trong biển u mê, hư
vọng. Tiếng ngân nga theo gió thoảng đưa, êm êm như những tiếng vỗ về từ cõi cao cả xa xôi nào vọng tới, thay lời đức Phật từ bi xoa dịu nỗi đau khổ trong lòng người thiếu nữ. A Kế Mỹ lắng nghe tiếng chuông, thiêm
thiếp dần rồi đắm mình vào giấc mộng.
- Đồ súc vật ! Bỏ ta ra !
Tiếng kêu thất thanh của A Kế Mỹ trong giấc chiêm bao khiến đạo sĩ giật
mình bỏ dở bài kinh. Lão đến bên chiếu, lay thiếu nữ. Nàng ngồi dậy ngơ
ngác. Nỗi sợ hãi còn như ngưng lại trên đôi mắt lạc thần và trên đôi môi run rẩy trắng bệch của A Kế Mỹ.
- Sao vậy ? Chuyện gì kinh động ngươi quá vậy ? Nói ta biết, họa chăng ta giúp ngươi được gì chăng ?
A Kế Mỹ khóc òa. Đạo sĩ khẽ vỗ lưng nàng:
- Chuyện gì rồi cũng qua. Cứ nói đi. Nói đi thì vơi được sầu khổ. Ngẫu
nhiên ta gặp ngươi, âu cũng là tiền định. Biết đâu những kinh nghiệm của ta chẳng giúp ngươi được phần nào.
A Kế Mỹ lắc đầu thổn thức.
- A di đà Phật ! Xin đấng Vô Lượng cứu vớt chúng sinh.
- Đạo sĩ có thương con không ? Đạo sĩ khuyên con phải làm gì bây giờ ?
Thì ngươi phải nói cho ta biết chuyện gì chứ ?
A Kế Mỹ cắn môi. Nàng đã tự nhủ không hở chuyện này cho ai biết nhưng
sao đêm nay, cái đêm gần hết năm, chấm dứt một chặng đường trong cõi vô
thủy vô chung, nàng không còn can đảm một mình mang gánh nặng tội lỗi và khổ đau ấy trên vai nữa.
Nàng muốn làm lại tất cả. Cũng như cây cỏ sang xuân đâm chồi nảy lộc,
nàng thấy cần phải trút bỏ hết mọi ưu phiền cũ để cho dòng nhựa mới luân lưu trong cơ thể.
Nghĩ thế, A Kế Mỹ lau nước mắt. Và nàng kể hết cho Áo Đại Môn nghe cuộc
đời của mình, những chuyện xảy ra từ khi còn thơ ấu trên đồi Ibuki, phải vâng lời mẹ lột xác chết trên bãi hoang bán lấy tiền cung phụng mẹ, rồi gặp Thạch Kinh Tử, theo mẹ mở trà thất, sông những năm sa đọa ở Kyoto,
bị Hoa Sơn Sĩ Khánh cưỡng hiếp, nàng tự tử và được cứu sống ra sao, nhất nhất thuật lại. Nhiều đoạn không dằn được xúc động, A Kế Mỹ nức nở.
Lão đạo sĩ ngồi nghe, không nói gì chỉ thỉnh thoảng lắc đầu. Nước mắt A
Kế Mỹ thấm ướt vạt áo gai trên đùi lão. Thương cho A Kế Mỹ bao nhiêu,
lão không khỏi không ghen tức với Sĩ Khánh. Ôi chao ! Lòng trần còn
nặng, dứt đi thật khó. Nhìn đầu A Kế Mỹ gục trên gối mình, phô làn da
gáy trắng ngần, mịn màng. Áo Đại Môn giơ tay vuốt nhè nhẹ. Lão tự nhủ
lòng:
“À thì ra da thịt này hắn đã làm chủ !”.
Mùi thơm da thịt quyện mùi phấn sáp thoang thoảng đưa lên ngây ngất. Hơi thở Áo Đại Môn nặng nề hơn. Đã lâu lắm lão không ngửi mùi này, bây giờ
gần A Kế Mỹ, lòng ham muốn của lão trỗi dậy. Tấm thân suy nhược tưởng
khô cằn, giờ đây sống lại.
Một ý tưởng tội lỗi vụt hiện. Nhưng lão vẫn ngồi yên, vẻ trầm mặc, mục
quang dán vào làn gáy đầy, trắng có những sợi tóc đen mướt chải thẳng
hàng của A Kế Mỹ. Trong phút hôn mê của lý trí ấy, màu trắng dường như
mở rộng mãi ra, bao bọc lấy lão làm lão ngộp thở.
Một tiếng “kịch” ở đằng sau. Lão đạo sĩ quay lại. Con khỉ đã ngồi đấy từ bao giờ, loay hoay đang tìm cách mở nồi cháo. Đạo sĩ như tỉnh giấc, đẩy đầu A Kế Mỹ ra, đến bên bếp lửa. Tưởng có người đến đuổi, con khỉ chạy
vội ra hiên. Lão quỳ xuống, đầu cúi rạp, miệng lẩm bẩm chẳng hiểu là một đoạn kinh, một bài sám hối hay một lời cảm tạ.
Lúc sau, lão quay vào, A Kế Mỹ vẫn còn phủ phục trên chiếu. Lão ôn tồn nói:
- Con ạ, đời người là bể khổ. Nhưng cái khổ của con so với cái khổ của
bao nhiêu người khác vẫn chưa phải là to lớn. Đức Phật từ bi thương xót
tất cả, cứu vớt tất cả. Con chỉ là nạn nhân của dục vọng. Quan trọng là
tấm lòng. Tấm lòng con trong trắng thì con vẫn trong trắng. Múc cháo ăn
đi con, cháo có lẽ khê rồi đó.
Nói xong, lão đạo sĩ nhặt bồ đoàn, cầm gậy lặng lẽ bước ra cửa. Đêm tàn, trăng lụn. Một tiếng vạc trên từng không vọng xuống, báo hiệu bình minh sắp rạng.
oo Cuối đông, vùng hoang địa quanh khu Teramachi lạnh buốt. Sương mù chỗ xanh lam, chỗ trắng đục, trên những ngọn lau khô còn vương vất chưa tan mặc dầu bấy giờ là cuối giờ thìn sang giờ tỵ.
Một tiếng “choét” sắc, gọn, vài cái lông rơi lả tả, tiếng vỗ cánh bay đi của con chim cắt. Thế là hết. Cuộc đời một sinh vật vừa được cáo chúng. Cắt tha mồi bay đến đậu trên cườm tay của Cát Xuyên Mộc. Hắn giơ con
mồi lên, quay gọi Sĩ Khánh:
- Đại huynh ! Bữa nay mình đi săn thế là hên đấy chứ ! Mới sáng mà đã được chú chim gáy này rồi. Cắt này khá lắm !
Con chó săn theo sau, cất tiếng sủa vang, đuôi ve vẩy.
Cát Xuyên Mộc bỏ mồi vào bị đeo bên hông, lấy tay đập nhẹ nhẹ lên đầu
chim cắt, đậy chiếc mũ da nhỏ xíu che mắt nó lại rồi tiếp tục len lỏi
giữa hàng lau.
Hôm qua cũng gần chỗ này đây, con chó cắn đuôi con khỉ khiến nó bỏ chạy.
Không biết bây giờ đâu, đệ đoán nó trốn ở trong tàn cây đằng kia thôi ...
Không nghe trả lời. Ngạc nhiên, Cát Xuyên Mộc ngoái cổ nhìn, không thấy Sĩ Khánh đâu, bèn quay trở lại.
Nửa tháng nay, ngụ tại võ đường Hoa Sơn, Cát Xuyên Mộc chẳng có việc gì
làm, bày trò tiêu khiển, thường cùng với chưởng môn nhân Hoa Sơn mang
cắt đi săn bắn. Bữa trước qua đây, chẳng may con khỉ của hắn sợ hãi bỏ
đi, bữa nay hắn muốn trở lại tìm.
Sĩ Khánh chẳng có lòng dạ nào đi săn, chỉ vì cần đến võ tài Cát Xuyên
Mộc mà hắn phải chiều. Hai tuần chung sống với gã thiếu niên, nhiều khi
hắn bực mình thấy rõ sự trưởng thành không đi đôi với tuổi trẻ. Cát
Xuyên Mộc ưa rong chơi, tính nết phóng đãng gần như buông thả, y phục
sặc sỡ không ra thế nào. Sĩ Khánh đôi khi dùng lời bóng gió nhắc nhở,
Cát Xuyên Mộc chỉ cười, không để ý.
- Tiểu đệ còn trẻ, để khi nào lập gia đình, sống vào khuôn phép cũng còn kịp chán.
Nhìn Sĩ Khánh cau có, buồn rầu ngồi trên tảng đá, Cát Xuyên Mộc đến bên vồn vã:
- Đại huynh trong người không được khỏe chăng ?
- Không, tại hạ vẫn bình thường.
Một lát lại nói:
- Dạo này ta với thiếu hạ làm điều đó thật lầm.
- Điều gì ?
- Đi săn. Cứ rong chơi mãi chẳng luyện tập, ngày nguyên tiêu gần đến rồi, sao đủ sức địch với hắn !
Cát Xuyên Mộc cười để lộ hàm răng trắng bóng:
- Không sao. Theo ý đệ, ta chẳng nên lo lắng vô ích.
- Nhưng thiếu hạ phải biết hắn là tay ghê gớm, chẳng nên khinh thường.
Binh pháp có nói không bao giờ được khinh địch. Trước khi tranh đua,
phải chuẩn bị và tập luyện kỹ càng.
- Đệ biết chứ. Nhưng bây giờ trễ rồi. Cách tốt nhất là giữ cho lòng bình thản thoải mái. Thắng địch tùy thuộc nhiều yếu tố ...
Tuy nói thế, nhưng trong thâm tâm Cát Xuyên Mộc coi thường Sĩ Khánh lắm. Hắn cho Sĩ Khánh hẹp hòi, không biết nhìn xa trông rộng và thiếu những
dự phóng tương lai.
Tài năng lại kém cỏi, mấy lần thử so gươm với Sĩ Khánh, hắn lấy làm lạ
một người như vậy mà giữ chức chưởng môn một môn phái danh tiếng. Chả
trách gì Hoa Sơn càng ngày càng lụn bại.
Theo ý riêng hắn, có lẽ em Sĩ Khánh là Điền Chính nhiều khả năng hơn,
nhưng nghe nói Điền Chính rượu chè be bét, lại vô trách nhiệm, việc gì
cũng phó mặc ông anh nên chưa chắc Điền Chính bảo vệ được gia phong. Vả
có muốn tìm cũng khó. Hạc nội mây ngàn, biết tung tích hắn đâu mà tìm về cho kịp.
Cát Xuyên Mộc lắc đầu, thương hại Sĩ Khánh và cả phái Hoa Sơn. Nếu
chưởng môn nhân Hoa Sơn đọc được những điều Cát Xuyên Mộc đang nghĩ,
chắc hắn mất tinh thần lắm.
Có tiếng chó sủa dữ dội đằng xa. Cát Xuyên Mộc nói:
- Chó thấy mồi rồi. Để đệ ra xem sao.
- Thiếu hiệp cứ đi săn, nếu muốn. Ta về đây !
Cát Xuyên Mộc sửng sốt định nói gì, nhưng nghĩ lại thôi. Hắn mặc kệ Sĩ Khánh, theo hướng chó sủa, vạch lau xăm xăm đi tới.
Tiếng chó sủa mỗi lúc một gần. Đến nơi, thấy con chó săn đứng trước thềm một căn nhà đổ nát, vươn mình sủa dữ dội. Hắn đá con chó một cái, ghé
mắt nhìn vào trong nhà tối như hũ nút. Hắn giơ tay kéo liếp. Con chó
nhảy xổ vào nhanh như tên bắn. Tiếng kêu thét hãi hùng, tiếng chó sủa
ủng oẳng, đồ đạc đổ vỡ rầm rầm lẫn với tiếng la hét thất thanh của một
thiếu nữ làm căn vách ván rung rinh như sắp sập.
Trong cảnh tranh tối tranh sáng, Cát Xuyên Mộc nhìn con chó đè lên hình
thù một người nằm trên chiếu. Mõm nó ngoạm vào cánh tay người ấy, lắc đi lắc lại định rứt đứt tay áo. Con khỉ lông vàng của hắn nhảy choi choi
trên cái kệ gỗ, nhe răng kêu khẹc khẹc.
Không suy nghĩ, Cát Xuyên Mộc nhẩy xổ đến, hai tay nắm hai hàm răng con
chó bửa mạnh. Một tiếng rắc, tiếp theo là những tiếng ằng ặc, máu tuôn
xối xả, bắn cả vào mặt mũi hắn. Con chó dẫy đành đạch, máu lẫn với rãi
rớt phun ra ướt đầm mảng lông cổ trước ngực. Một lát sau thì tắt thở
hẳn.
Cát Xuyên Mộc quỳ bên A Kế Mỹ nằm thiêm thiếp. Hắn vạch tay áo nàng lên, vết răng chó cắn sâu vào tận trong thịt, máu loang ướt cánh tay trần.
Áng sáng bên ngoài hắt qua khe liếp hé, trông nàng như một đóa phù dung
bị xéo nát.
Cát Xuyên Mộc ghé miệng hút máu từ vết thương ra, nhổ đi mấy lần, rồi xé vạt áo buộc lại. Hắn lượm xác con chó vất ra sân, đoạn xốc A Kế Mỹ lên
vai.
Gió lạnh bên ngoài làm hắn rùng mình. Hắn kéo vạt áo che cho người thiếu nữ.
oo Đến khuya, lão đạo sĩ trở về. Cảnh hoang vắng của căn nhà thê lương
hơn và tự nhiên lão linh cảm có một chuyện gì ghê rợn vừa xẩy ra. Lão
hốt hoảng gọi:
- Cô nương ! Cô nương còn đấy không ?
Không có tiếng trả lời. Chỉ thấy lão hành khất già ở phía sau lê bước tới.
- Nàng bị bắt đi rồi.
- Ai bắt ?
- Một tráng sĩ cao lớn còn trẻ lắm, mặc áo đỏ viền xanh, đeo trường kiếm.
- ...
- Chà ! Con người mới khỏe và đẹp làm sao ! Đẹp trai hơn ta và lão nhiều ! Sức lão chẳng giữ được nàng đâu !
Nói xong như rất vừa ý về câu pha trò đó, lão hành khất cười hềnh hệch.