Hào sâu hay nông, khô hay cạn,
Thạch Đạt Lang không biết. Trời tối quá, hắn nhìn xuống dưới chỉ thấy
hun hút. Thạch Đạt Lang chuyền cành, tay bám vào cây, tay cầm đá ném.
Không nghe tiếng đa chạm mặt nước, bèn yên chí tụt dần xuống đến khi
chân chạm đất mới nằm phục vào bụi cỏ. Một lúc sau đỡ mệt và thấy kinh
mạch vẫn điều hòa, Thạch Đạt Lang biết là vết thương không nguy hiểm. Sờ vào cánh tay, máu đã se nhưng hắn cũng cứ xé vạt áo ra buộc lại.
Tiếng sáo đã im hẳn. Đâu đây có tiếng cú rúc làm đêm khuya càng thêm tĩnh mịch. Thạch Đạt Lang tự nhủ:
“Rõ ràng tiếng sáo của Oa Tử. Không biết sao nàng lưu lạc tới đây ! Ở
đời thật lắm chuyện ngẫu nhiên khó mà lường được !”. Một phút phân tâm
đủ thay đổi cả những dự định của hắn, làm hắn lỡ cơ hội gặp Trúc Mộ
Chính nhưng cũng dạy hắn bài học quý báu.
Nhìn ánh sao lờ mờ ẩn hiện trên trời cao, Thạch Đạt Lang không thể nào
không nghĩ tới Oa Tử. Lòng mềm hẳn lại, bao nhiêu kỷ niệm cũ ào đến:
cũng dưới bầu trời sao thưa và lộng gió như đêm nay, hắn đã chia tay cùng Oa Tử trên đỉnh đồi Nakayama.
Nàng hứa đợi, trăm ngày, ngàn ngày cũng đợi. Rồi lúc ở trên cầu Hanada, hắn cũng đã bỏ đi sau khi khắc trên thành cầu bốn chữ:
“Tha lỗi cho ta”. Bây giờ Oa Tử ở đâu ? Nàng làm gì, có nghĩ đến hắn
không ? Thương cảm tràn ngập, hắn lẩm bẩm một mình trong đêm tối, nước
mắt lưng tròng:
“Tha lỗi cho ta ! Tha lỗi cho ta !”.
Gió thổi rì rào qua hàng lau sậy. Trong gió dường như có tiếng than vãn
lẫn với những tiếng rì rầm to nhỏ. Thạch Đạt Lang định thần, lắng tai.
Tiếng rì rầm càng lúc càng lớn, ánh đuốc lập lòe ẩn hiện qua những bụi
cây rậm rạp trên bờ rào. Gia nhân trong cốc đổ đi tìm hắn, lấy gậy và
giáo dài xỉa vào các bụi cây, phạt ngang đầu những ngọn cỏ cao, la gọi
nhau ơi ới. Thạch Đạt Lang nằm yên không động đậy, kiếm tuốt trần nắm
sẵn trong tay, sẵn sàng vùng dậy nếu bị phát giác. Nhưng hình như bọn
kia không biết có hắn trốn ở đó. Sau một lúc tìm kiếm vô hiệu, họ bỏ đi; tiếng ồn ào và ánh đuốc xa dần sau những bụi tre cao và rậm.
Thạch Đạt Lang đưa tay áo quệt nước mắt. Hắn giận mình đã yếu lòng và đã khóc.
Hắn tự nhủ:
“Chắc chúng cho mình hèn. Nhưng chưa đâu, phần thắng bại chưa rõ rệt.
Để rồi xem ! Trúc Mộ Chính mới chính là đối thủ của ta !”.
Thạch Đạt Lang men theo bờ hào, lầm lũi đi trong bóng tối. Một lúc lâu
lắm hắn đến một nơi có tường đá chắn ngang, hắn dừng lại nhìn lên, không thấy trời đâu, chỉ thấy tàng cây xòe ra đen nghịt. Đằng trước là bức
tường sừng sững, sờ vào ẩm ướt và trơn trợt, không sao leo lên được.
Thất vọng, hắn định quay trở lại, bỗng nghĩ ra một kế. Hắn bẻ cành cây
cắm luồn vào khe đá làm bậc, tay nắm chân đạp, hì hục trèo lên khỏi hào.
Trời đã khuya lắm hay sắp sáng, hắn cũng không rõ. Trong một thoáng,
Thạch Đạt Lang nghe như có tiếng Giang gọi, nhưng lắng tai chú ý, chỉ
thấy gió rì rào. Hắn nghĩ đến đồ đệ, không biết thằng bé ra sao, nhưng
tin là nó tháo vát có thể trốn được. Không còn thấy ánh đuốc, Thạch Đạt
Lang chắc bọn gia nhân trong cốc đã đi xa hoặc bỏ cuộc rồi. Sự tháo chạy vừa qua làm Thạch Đạt Lang càng nghĩ càng tự giận mình. Mặc cảm thất
bại ám ảnh, hắn nhất định phải tìm cho được chỗ ở của Trúc Mộ Chính để
thách đấu. Chủ quán Mãn Ý đã cho hắn biết Trúc Mộ lão ở ẩn trong một
thảo am ven suối cạnh rừng trúc, nhưng không rõ về hướng nào. Vả lại
trời tối quá không sao định hướng được nên hắn cứ đi bừa, lợi dụng bóng
đêm tránh bọn gia nhân trong cốc.
Đi mãi, đi mãi ... Lũy đất dài như vô tận báo cho hắn biết hắn vẫn còn
quanh quẩn trong vòng rào đại lâu. Trời bắt đầu hửng sáng, bóng núi xa
đã hiện lên mờ mờ trên nền trời hồng nhạt. Thạch Đạt Lang nghe tiếng
nước chảy đâu đây, bấy giờ mới nhận ra mình khát. Lần theo tiếng nước
chảy, hắn vạch cỏ tìm đường, đến một nơi hình như là đầu ngọn suối. Chỗ
này khoáng đãng, cỏ gai và bụi rậm bớt đi nhiều, chỉ còn những gốc tùng, bách cổ thụ già đến hàng mấy trăm năm sừng sững bên đám loạn thạch ngổn ngang. Một dòng nước nhỏ từ hốc đá trên cao chảy ra trong suốt, đổ
xuống phía dưới tung bọt trắng phau. Thạch Đạt Lang đứng sững, ngây
người nhìn cảnh thiên nhiên ấy.
Dòng suối tươi mát chảy ào ạt bên những gốc thông già trầm lặng kia gợi
hắn liên tưở ng đến dòng đời, tuổi trẻ, thế yếu mạnh của mọi vật. Ánh
dương quang chênh chếch chiếu trên những phiến đá lớn vững vàng như
những nét điêu khắc mạnh mẽ của một nghệ sĩ đại gia. Lòng yêu mến cảnh
đẹp làm hắn quên cả khát và nhọc mệt.
Thạch Đạt Lang ngồi xuống phiến đá, bụm tay vốc nước uống. Nước suối
trong, ngọt và mát làm sao ! Sau mỗi ngụm, hắn cảm thấy dễ chịu. Những
giọt nước theo huyết quản hắn luân lưu trong cơ thể, lòng hắt dạt dào
sung sướng như cùng với thiên nhiên hòa đồng một nhịp. Gió trên cành
thông là hơi thở của hắn, nước suối kia là máu và những tiếng róc rách
là tiếng đập của chính con tim hắn. Không cầm được khích động, hắn để
nguyên cả quần áo nhảy xuống nước, ngụp lặn vùng vẫy say sưa ...
Ở suối lên, Thạch Đạt Lang như trở thành một người khác hẳn. Tâm hồn
cũng như thể xác hắn lâng lâng bay bổng. Hắn cởi bộ quần áo sũng nước
hong lên phiến đá rồi chọn một chỗ khuất ngồi nghỉ.
Mặt trời lên khỏi ngọn cây, chắc vào khoảng cuối giờ mão. Sương lam trên sườn núi bắt đầu tan dần. Thạch Đạt Lang nhìn xa xa thấy một rừng trúc
xanh biếc. Dòng suối dưới chân hắn quanh co lượn khúc, đến khu rừng thì
bị lớp sương chưa tan hết che khuất. Ẩn hiện trong rừng hình như có
nhiều gian nhà cỏ. Thạch Đạt Lang mừng hết sức.
Ngẫu nhiên hắn đã tìm ra chỗ ở của Trúc Mộ Chính.
Hắn hối hả lấy quần áo mặc vào và đi vội xuống núi. Quần áo chưa kịp
khô, gió sớm thổi qua lành lạnh, nhưng mặc, hắn cứ đi tới. Bao nhiêu lâu chờ đợi, bây giờ thấy đây, hắn quyết không bỏ lỡ dịp. Thạch Đạt Lang đã có định kiến, quyết tâm gặp Trúc Mộ Chính và thách đấu. Sự thành bại
ngày hôm nay rất quan trọng:
cởi bỏ cho hắn cái mặc cảm thua kém hay là chết; hắn không có lý do gì để lui bước.
Vườn nhà Trúc Mộ rộng vô cùng. Từ cổng nhìn vào, ngõ lát đá quanh co,
hai bên giồng toàn trúc, thân cao mà thẳng, xanh biếc, cây nào cây nấy
to bằng bắp chân, gốc tỉa cắt gọn gàng trên nền rêu xanh tươi mát. Ngõ
sâu hun hút, bóng trúc che khuất không thấy nhà bên trong, có một vẻ gì
huyền ảo và trang nghiêm phảng phất trong cảnh trí.
Thạch Đạt Lang đã có ý định cứ đẩy cổng bước bừa vào, nhưng khung cảnh
thanh khiết của khu vườn làm hắn e ngại. Hắn bước tới ngồi trên tảng đá
cạnh chân cột dưới mái tranh, vuốt lại tóc và sửa lại nếp áo xô lệch. Dù sao, hắn cũng chỉ là một kiếm khách vô danh, trước khi tiếp xúc với
Trúc Mộ Chính, người hắn kính phục cả về tài năng cũng như nhân cách,
hắn không muốn bị coi thường và bị cho là vô lễ. Hắn chờ.
Gió mát thổi hây hây mơn man trên da thịt, Thạch Đạt Lang ngủ quên lúc nào không biết.
Tiếng chim oanh ríu rít làm Thạch Đạt Lang giật mình thức giấc. Mặt trời lên đã cao, ánh nắng chan hòa đổ trên cây cỏ. Thạch Đạt Lang đứng dậy
vươn vai, trong mình khoan khoái. Bao nhiêu nỗi mệt nhọc dường như tiêu
tan đi cả. Hắn trông trước trông sau, định tâm tìm một vật gì làm dùi gõ cổng thì bỗng nhiên chú ý đến một tấm bảng gỗ dựng bên trong. Tấm bảng
hơi nhỏ, có mái che mưa nắng, trên khắc nhiều hàng chữ.
Thạch Đạt Lang tò mò bước lại xem, té ra là hai bài thơ, nét chữ xương
kính và vết khắc thật sắc sảo. Người viết đã dùng một thứ mực màu chàm
trộn kim nhũ bôi lên nên những chữ khắc vàng rực dưới ánh nắng ban mai
trông rất ngoạn mục. Bài thơ thứ nhất là một bài ngũ ngôn tứ tuyệt:
Đầu non mây trắng bay Nhẹ tênh lòng thế sự Nghìn năm không trú xứ Chân như, cánh hạc gầy.
Bài thứ hai là thất ngôn tứ tuyệt:
Cành thưa nắng rọi, rộn tiếng oanh Liễu hoa theo gió rụng bên mành Tâm
hư, dõi bước người viên giác, Ngõ trúc, ta về gối cỏ xanh.
Hai bài thơ đều do Trúc Lâm cư sĩ sáng tác, có ghi chú ngày tháng và
đóng triện son nhà Trúc Mộ. Thạch Đạt Lang đọc xong hai bài thơ, đứng
lặng cúi đầu, tay khoanh trước ngực. Hiển nhiên đây không phải là hai
bài thơ Trúc Mộ lão đã làm chơi nhân khi ngẫu hứng mà chính là để bày tỏ chí hướng của mình. Ông không tiếp khách giang hồ đến cầu học không
phải vì có ý khinh miệt gì họ, ông từ khước tiếp xúc với mọi người vì
không muốn bị ràng buộc với những hệ lụy nhân thế. Lợi danh ông không
màng, thì thành bại đối với ông có nghĩa lý gì nữa ?
Thạch Đạt Lang khẽ lắc đầu. Hắn không còn muốn gõ cổng nhà Trúc Mộ. Ý
định khiêu khích và thách đấu Trúc Mộ lão đối với hắn bây giờ là một sự
xúc phạm, hành động của kẻ thất phu, man rợ. Hắn tự lấy làm hổ thẹn. “Ta còn trẻ quá ! Đây là một bậc cao nhân thoát tục rồi, ta chẳng nên và
cũng không có quyền làm rộn. May mà ta đọc hai bài thơ này, chứ không đã làm trò cười cho dân trong cốc !”.
Thạch Đạt Lang bỏ ra cổng. Đột nhiên nghe có tiếng chim xào xạc và tiếng chân người bước trên nền đá. Hắn nấp sau bụi cây nhìn vào, thấy một nữ
lang áo trắng, thấp thoáng giữa những thân tre xanh biếc. Bóng nàng đổ
dài trên cỏ. Nhìn nữ lang, hắn sững sờ, tim như muốn ngừng đập. Vì người bước tới chính là Oa Tử, xinh đẹp vô cùng, rạng rỡ dưới ánh nắng. Oa Tử thật rồi, không còn ngờ gì nữa, chính nàng đã thổi điệu sáo ấy !
Thạch Đạt Lang định chạy ra gọi Oa Tử nhưng không biết có sức mạnh gì ghìm chân hắn lại. Con người hắn quả mâu thuẫn:
vừa nhạy cảm đam mê, vừa thực tế lạnh lùng. Nấp trong bụi rậm, hắn phân vân bất định.
Oa Tử đến gần cổng bỗng quay lại khẽ kêu một tiếng ngạc nhiên:
- Ủa, mình vẫn tưởng nó đi theo sau ...
Nàng trở lại đường cũ:
- Giang ! Giang ! Chạy đâu rồi ?
Nghe giọng nói quen thuộc, Thạch Đạt Lang như sực tỉnh. Hắn lui vào bụi cây sâu hơn.
- Giang ! Giang !
- Đây ! Em đến ngay bây giờ đây ! Cô nương ở đâu thế ?
- Ngoài này, gần cổng. Ta đã bảo em không được đi xa, sao em không nghe ?
- Tại thấy con trĩ, em đuổi theo bắt ...
- Đuổi bắt con trĩ ? Em thật không biết gì hết ! Em quên đã nói với ta
là sáng nay chúng ta phải làm một việc rất quan trọng hay sao ?
- Không, em không quên đi tìm sư phụ đâu, nhưng em biết ông không hề gì, ông gặp nhiều may mắn lắm. Thế nào cũng thấy mà !
- Ờ ! Tối hôm qua sao không thấy em nói thế ? Lúc mếu máo đến tìm ta, em đâu có như bây giờ ?
- Tại lúc ấy em vừa lo vừa sợ.
Oa Tử cười:
- Ta cũng thế ! Khi em kể chuyện và nói tên sư phụ em, ta hết hồn.
- Cô nương với sư phụ em là thế nào ?
- Ông ta là người làng.
- Người làng thôi à ?
- Chứ còn gì nữa ?
- Lạ quá nhỉ ! Người làng với nhau mà mới nghe tên đã khóc hết nước mắt !
Oa Tử bẽn lẽn:
- Ta khóc nhiều lắm sao ?
- Khóc nhiều lắm ! Sư phụ em đánh nhau với ba người, bị chém rách tay
áo, em đã kể rồi cô nương không nhớ ư ? Nghe tiếng sáo, em nghĩ đến cô
nương nên tìm đến cầu cứu ...
Oa Tử rùng mình. Hình ảnh Giang áo quần bê bết máu, chạy vào phòng nàng
lúc nửa đêm như hiện ra trước mắt. Nàng săn sóc, nấu cháo cho nó ? Nàng
quay nhìn Giang, mặt nó đã bớt sưng, nàng cũng vui bụng đôi chút.
- Thôi, chuyện đó khoan nói ... Việc phải làm ngay bây giờ là đi tìm sư phụ em.
Oa Tử dắt tay Giang ra cổng. Trong dáng đi vội vã của Oa Tử có một vẻ gì hớn hở như trẻ con đi đón mẹ về chợ. Má nàng ửng hồng, đôi mắt long
lanh. Lo âu hay vui thích? Giang nhìn Oa Tử chằm chằm, ngạc nhiên không
hiểu.
Thạch Đạt Lang nấp trong bụi, nhìn rõ hết. Oa Tử đẹp hơn trước nhiều,
khác hẳn với cô bé âu sầu và lạnh nhạt khi còn ở Tiểu Sơn tự. Bấy giờ Oa Tử chưa yêu, bản tính kín đáo, không thích giao du của nàng có lẽ bắt
nguồn từ tâm sự hổ thẹn mình là đứa trẻ bị bỏ rơi từ tấm bé. Nàng như
con ốc cuộn tròn trong vỏ, dễ mếch lòng và hay hờn giận.
Khi Mãn Hà Chí viết thư từ hôn, tâm trạng bị ruồng rẫy ấy càng thêm nặng khiến nàng suýt liều thân. Thạch Đạt Lang đến. Lòng thương người cô thế dần đổi sang tình yêu và kính trọng. Bây giờ, sau nhiều năm xuôi ngược, nàng đã trưởng thành cả về tinh thần lẫn thể chất, sẵn sàng phấn đấu
cho mối tình gần như vô vọng của mình.
Thạch Đạt Lang muốn nhảy ra ôm Oa Tử, thổ lộ nỗi lòng với nàng rồi dẫn
nàng đi thật xa, sống một cuộc đời hạnh phúc, bỏ hết mọi tham vọng khác. Những lời Oa Tử nói với hắn trên đỉnh đồi Nakayama bữa nào còn như vang vọng bên tai. Hắn muốn xin lỗi Oa Tử về sự phản bội của mình. Nhưng sao trí óc hắn không cho như thế là phải. Con người thực tế trong hắn bảo
hắn dại dột, từ bỏ mục đích cả đời người vì một người đàn bà là điều ngu xuẩn. Đâu là lẽ phải ? Thạch Đạt Lang như đứng trước hai con đường.
Bao nhiêu kiến thức thu thập được qua sách vở hắn đọc được khi còn ở
thạch thất cũng không giúp hắn quyết định dứt khoát. Nỗi đau khổ dày vò
hiện cả lên nét mặt.
Cách chỗ hắn đứng không bao xa, Oa Tử vẫn vui vẻ cùng Giang đi tới.
Thằng bé cúi xuống nhặt vật gì gần cổng làm nàng dừng chân khẽ trách:
- Giang, nhanh lên chứ ! Lại nghịch gì thế ?
- Cô nương, lại đây xem cái này !
Giang đưa miếng vải vừa nhặt được cho Oa Tử:
- Miếng vải này ở áo sư phụ em.
Oa Tử mở to mắt nhìn Giang rồi giật lấy miếng vải. Miếng vải, thực ra là miếng lụa, dài chừng hai gang tay, loang vết máu đã khô, có dệt chìm
hình lá phong với một hàng chữ nhỏ. Giang kiễng chân, lấy tay chỉ hàng
chữ:
- Đây này, cô nương xem. Hôm qua đến đây, sư phụ em mặc chiếc áo này do
bà chủ trọ Ở bờ hồ Sarusawa tặng. Hàng chữ này là Hồ Vọng ... chắc là Hồ Vọng Xương.
Đúng là áo sư phụ em rồi ...
- Trời ơi, Giang ! Em nói thật hay bỡn ? Thạch Đạt Lang đến cổng này đấy ư ?
Oa Tử chạy vội ra ngoài, mắt nhớn nhác tìm quanh. Giang cũng theo bén gót. Nó gọi lớn:
- Sư phụ !
Trong lùm cây có tiếng lá rung động, rồi tiếng chân người chạy. Oa Tử quay phắt lại đuổi theo.
- Cô nương ! Cô nương đi đâu đấy ?
- Thạch Đạt Lang ! Thạch Đạt Lang vừa chạy ... ngả này ...
Giang đến gần. Oa Tử thở hổn hển nói không ra hơi:
- Ta vừa thấy ... vừa thấy ... sư phụ em ... chạy ngả này ...
- Sao em không thấy ?
- Rõ ràng mà. Thạch Đạt Lang ở bụi cây này chạy ra ...
Oa Tử vừa nói vừa đuổi theo.
- Cô nương ! Khoan đã ! Chắc cô nương lầm rồi ! Nếu là sư phụ em thì việc gì ông lại chạy ?
Ừ, việc gì phải chạy ? Giang không hiểu nhưng Oa Tử hiểu. Nàng dừng lại, hít một hơi thật mạnh, gào lên:
- Thạch Đạt Lang ! Thạch Đạt Lang ... Đạt ... L..ang ...
Tiếng gào của nàng to quá, những âm sau lạc hẳn đi lẫn với tiếng gió. Oa Tử không ngăn nổi xúc động, ngã ngồi xuống cỏ, hai tay ôm mặt. Nàng
khóc nức nở.
Giang chạy đến bên.
- Giang ! Gọi sư phụ đi Giang ! Gọi đi !
Nhưng Giang không gọi. Nó kinh hãi nhìn Oa Tử. Nét mặt này nó đã nhìn
thấy ở đâu ... Đôi mắt lạc thần, da trắng bệch như sáp ... Đúng rồi !
Nét mặt của chiếc mặt nạ tuồng Nô, nét mặt của người thiếu nữ điên dại.
Chỉ thiếu có đôi mép nhếch cao, còn các điểm khác giống như tạc. Giang
sợ quá, giật lùi, miệng há hốc.
Oa Tử nói với nó qua nước mắt:
- Gọi đi Giang ! Không gọi, sư phụ em không về nữa, em sẽ ở với ai ?
Bấy giờ Giang mới hoàn hồn. Nó bắc loa tay, lấy hết sức gọi lớn:
- Sư phụ ! Sư phụ Thạch Đạt ... L..ang ... !
Sau mỗi lần gọi, tiếng vọng từ núi xa vang lại như nhại và chế giễu nó cùng Oa Tử.
Trời xanh thăm thẳm trên cao, vài cụm mây trôi hờ hững.
Giang đứng trên đồi nhìn xuống con đường đất đỏ vắng hoe ẩn hiện dưới
những gốc tre già, lòng buồn vời vợi. Nó vẫn không hiểu tại sao thầy nó
lại bỏ đi không nói gì với nó.
Oa Tử dựa đầu vào một thân cây phong, mặc cho nước mắt trào ra đầy má.
Hai tấm lòng cô đơn dưới bầu trời yên lặng, những con người lạc lõng bị
ruồng rẫy, bỏ rơi như những đứa trẻ mồ côi không ai đón nhận. Giang thấy cay cay ở mắt. Nó đến bên Oa Tử, nắm áo nàng, an ủi:
- Thôi, cô nương chẳng nên buồn phiền. Cô và em đi tìm, thế nào cũng gặp.
Oa Tử mỉm cười héo hắt:
- Cảm ơn em.
Rồi nước mắt lại tuôn ra như suối. Nàng không thể tưởng tượng được mối
tình của nàng đối với Thạch Đạt Lang đằm thắm là thế mà chàng chẳng hề
để cho nàng gặp mặt được một chút sau bao nhiêu năm mong nhớ; kể từ cái
ngày chàng bỏ đi trên cầu Hanada. Nàng đã thề không làm phiền Thạch Đạt
Lang, không can thiệp gì vào sự nghiệp của chàng, sao chàng vẫn tìm cách lẩn tránh ? Chỉ có một lý do:
Thạch Đạt Lang không yêu nàng say đắm như nàng tưởng. Oa Tử phải hỏi cho ra:
trong trái tim rướm máu của người thiếu nữ đương thì ấy, thần tượng nàng chọn không dễ gì bị gạt bỏ.
Một cơn gió thoảng qua. Lá phong rung động dường cảm thông với nỗi lòng người thiếu nữ.
Bỗng Giang reo to:
- Cô nương ! Có người lên kìa !
Oa Tử chùi nước mắt, sửa lại mái tóc và nếp áo rồi ngồi xuống gốc cây
giả như ngồi nghỉ. Người đi lên dốc là một nhà sư. Trong khung cảnh tĩnh mịch của khu rừng vắng, nhà sư mặc áo dà đột nhiên xuất hiện sau ngọn
đồi tựa như Phật giáng thế, Oa Tử vừa ngạc nhiên vừa vui mừng vì nhà sư
đó không ai khác hơn là Đại Quán.
- Nam mô a di đà Phật ! Ta không ngờ gặp ngươi ở đây !
- Con cũng thế. Thầy đi đâu vậy ?
- Ta với con trai Trúc Lâm cư sĩ vốn là chỗ thân tình, lại nhận được thư của cốc chủ mời, tiện đường qua đây đến thăm cốc chủ.
Trông mặt Oa Tử, Đại Quán đã đoán ra phần nào. Đôi mắt đỏ mọng và làn da trắng bệch của nàng chứng tỏ nàng vừa trải qua một cuộc khủng hoảng
trầm trọng. Ông ôn tồn hỏi:
- Dạo này hình như ngươi không được khỏe ?
Không dằn được cảm xúc, nước mắt Oa Tử lại trào ra. Nàng không giấu diếm nữa, kể cho Đại Quán nghe hết nỗi niềm u uẩn.
- Ta hiểu lòng con. Con muốn ta khuyên điều gì không ?
- Không cần thầy ạ ! Chí con đã quyết.
- ...
Oa Tử nhìn chằm chằm xuống đất. Nàng như đắm chìm trong nỗi thất vọng cùng cực.
- Nếu còn điều gì nghi ngờ, con đã không bỏ Tiểu Sơn tự. Con biết lòng
con lắm và nhất định phải gặp Thạch Đạt Lang. Con sẽ hỏi nếu sự có mặt
của con trên dương thế này làm chàng vướng bận thì con đã có cách.
Đại Quán nghiêm khắc:
- Ngươi nói thế là nghĩa gì ?
- Xin thầy đừng hỏi thêm nữa.
- Oa Tử ! Hãy cẩn thận. Đó không phải là cách giải quyết vẹn toàn. Trong trường hợp con, chết không giải quyết được gì hết. - Ông cười, tiếp:
Nhất là lại chết vì một mối tình không được đáp ứng.
Oa Tử không đồng ý, nhưng nàng cắn môi không nói thêm gì nữa.
- Ngươi sinh lầm kiếp, đáng lẽ làm đàn ông mới phải. Ý chí sắt đá như ngươi, xã hội hẳn được nhờ lắm !
- Như vậy, những phụ nữ như con không đáng sống hay sao ? Con cản bước tiến thủ của Thạch Đạt Lang chăng ?
- A di đà Phật ! Đừng xuyên tạc lời nói của ta. Trong cõi sinh diệt vô
thường, không gì ngăn nổi sự biến chuyển. Bước tiến thủ của Thạch Đạt
Lang chỉ có hắn mới định được.
- Con yêu Thạch Đạt Lang. Chàng là lẽ sống của con. Dù phải chịu muôn
ngàn gian truân, đau đớn, con cũng không để hạnh phúc đó mất !
- Điều con gọi là hạnh phúc đó không phải là chân hạnh phúc.
- Từ bé, con chưa biết thế nào là chân hạnh phúc.
Giọng Đại Quán trở nên nghiêm nghị:
- Thế mà vẫn có ! Oa Tử, ngươi được nuôi dưỡng trong chùa từ nhỏ, há
không biết dục vọng chỉ đưa đến khổ đau. Cởi bỏ dục vọng, gieo mầm từ bi để tự giải thoát khỏi cảnh giới vô minh và sinh diệt là chân hạnh phúc ! Con đường ngươi định đi là con đường tối tăm của ngã chấp và ngã ái.
Theo đường ấy là tự mang dây oan nghiệt buộc vào mình.
Oa Tử im lặng cúi đầu. Nhà sư cầm tay, giục:
- Oa Tử, theo ta về cốc ! Cả cháu này nữa !
Nhưng Giang cắt ngang, dứt khoát:
- Không ! Cháu phải đi tìm thầy cháu ! Cháu không biết đường nào tối
tăm, sáng sủa, ngã chấp ngã ái là gì, nhưng cháu thấy có bổn phận phải
theo sư phụ ...
Lời nói của Giang làm Oa Tử bừng tỉnh. Nàng ngẩng nhìn Đại Quán:
- Con cảm ơn thầy đã cố sức giúp con nhưng ít con không thể nghe lời thầy được !
- A di đà Phật ! Tùy ngươi, nhưng ít nhất cũng nên trở về từ biệt cố chủ chứ !
- Nhờ thầy từ biệt và tạ lỗi hộ con. Cốc chủ khoáng đạt, chắc chẳng lưu tâm đến những tiểu tiết.
Quay sang Giang, nàng nói:
- Giang, em chạy về lấy hành trang hộ chị.
Trở ra, Giang đeo chiếc mặt nạ làm Đại Quán giật mình đứng lặng. Vì mặt
nạ ấy chính là nét mặt Oa Tử sau khi trôi nổi trong biển trầm luân, quả
nghiệp chập chồng không dứt. Ông cúi đầu niệm Phật:
- Oa Tử ! Trên bước đường con đi, nếu khi nào gặp tột cùng đau khổ, hãy gọi tên ta, hãy gọi tên ta !