Lý Nho lại lặng im suy nghĩ!
Mãi sau, y đứng dậy đi đến góc lều, lấy ra một cái hộp nhỏ từ trong đống đồ lộn xộn, sau đó quay lại và ngồi xuống. Bàn tay nhẹ nhàng vuốt phẳng cái hộp đó, sau một lúc Lý Nho thở dài, giống như hạ quyết tâm mở hộp ra. Dưới ánh đèn, trong hộp có một chuỗi đen xì, đó là những đồng tiền xu thô kệch...
- Công tử có nhận ra được vật này không?
Tào Bằng giơ tay đón lấy đồng tiền xu trong tay Lý Nho rồi chợt nhíu mày lại.
- Đây là...
Kích thước tiền đồng nhỏ hơn tiền Ngũ thù rất nhiều, nhưng chế tác khá thô. Hơn nữa, trên đồng tiền đó không có bất kỳ chữ gì.
Hắn nhận ra, đây là tiền Vô Văn lưu hành trong buôn bán ở thời Đổng Trác.
Đổng Trác khống chế triều đình, vì tiền đồng trong tay không đủ nên đã bắt đầu lén lút đúc tiền. Nhưng đúc tiền cần dùng số lượng lớn đồng, Đổng Trác không có nhiều đồng đến như vậy, vì thế liền đem tiêu hủy các chế phẩm đồng như đồ vật bằng đồng, đồng hồ bằng đồng để đúc tiền. Do Đổng Trác đổi sang đúc tiền trinh, phân lượng không đủ thì không nói làm gì, còn tạo nên tiền giả tràn ngập, khiến cho vật giá tăng vọt. Chỉ trong thời gian ngắn, giá ngũ cốc đã tăng lên tới mấy vạn tiền, thậm chí mấy chục vạn tiền một thạch.
(Tiền trinh: một loại tiền TQ thời xưa)
Lúc ấy có câu nói như thế này, muốn mua một đấu ngũ cốc, nhất định phải lấy ra một đấu tiền đồng để giao dịch...
Về sau, mọi người bắt đầu tự giác đào thải loại tiền xu này.
Ta không mua nữa!
Kết quả đã xuất hiện tình trạng lấy hàng đổi hàng và khiến cho vật giá của toàn bộ thị trường thêm hỗn loạn.
Loại tiền trinh mà Đổng Trác đúc ra chính là tiền Vô Văn trong tay Tào Bằng.
Lý Nho bật cười, hạ giọng nói:
- Chắc chắn công tử đã nhận ra đây là tiền Vô Văn. Năm đó nhạc phụ nắm triều chính trong tay, thảo phạt chư hầu, khiến cho nhạc phụ phải lui tới Trường An. Lúc ấy để nhiễu loạn Quan Đông, ta liền nghĩ ra chiêu sử dụng tiền Vô Văn. Chỉ hai năm ngắn ngủi, ta đã làm cho thị trường Quan Đông hỗn độn, gần như đổ nát... Vốn định kiên trì thêm một hai năm nữa thì nhạc phụ có thể không cần phải đánh nhau cũng giành lấy được thiên hạ. Đáng tiếc... Vậy nên, ta đã giấu chuyện này trong lòng.
- Tiền Vô Văn ra đời từ tay tiên sinh sao?
Tào Bằng ngạc nhiên, nhìn Lý Nho.
Trong trí nhớ của hắn, khi tất cả mọi người nhắc tới ‘tiền Vô Văn" đều sẽ nói đó là thủ đoạn vơ vét của cải bóc lột tàn nhẫn của Đổng Trác.
Nhưng thật không ngờ...
Đồng thời Tào Bằng chợt giật mình.
Tiền giả đào thải tiền thật! Cách của Lý Nho chẳng phải là mánh khóe tài chính của hậu thế sao?
Thông qua số lượng lớn tiền giả đưa vào thị trường, khiến vật giá thị trường của một khu vực hoặc một quốc gia nào đó hỗn loạn, cuối cùng sụp đổ. Thủ đoạn như vậy xuất hiện nhiều vô số kể ở hậu thế, không có gì kỳ lạ. Thế nhưng không ngờ những năm cuối Đông Hán này lại cũng có chuyện như vậy. Những tai họa mà Tiền Vô Văn tạo ra đã không còn nhiều trong trí nhớ của Tào Bằng... Tuy nhiên thường xuyên nghe vợ chồng Tào Cấp, hoặc vợ chồng Đặng Tắc nhắc đến cảnh tượng thê thảm của thời kì mà tiền Vô Văn tràn ngập.
Lấy núi Trung Dương làm ví dụ: Tào Cấp lúc ấy làm nghề sửa chữa nông cụ, chế tạo ra các vật dụng bằng sắt, căn bản không nhận tiền xu mà yêu cầu trực tiếp lấy hàng đổi hàng. Tuy nhiên do sự phân chia giá trị hàng hóa khác nhau nên thường xuyên cãi nhau với mọi người, thậm chí cụt hứng bỏ về.
Những năm đó, thật đúng là thống khổ!
Thực ra, Tào Bằng cũng là ít thấy nên lấy làm ngạc nhiên.
Hắn không biết, cuộc chiến tài chính thời kỳ đầu này chả có gì mới trong những năm Tam Quốc.
Ngay cả Lưu Bị Lưu Hoàng Thúc nổi tiếng với danh hiệu‘nhân nghĩa’ ở hậu thế mà cũng từng làm những chuyện này. Khi y đánh chiếm Ba Thục, vì quân dụng không đủ nên đã đúc một loại tiền lớn có tên là ‘Trực bách ngũ thù’, một đồng tiền to đổi được trăm tiền.
Về sau, Lưu Bị xưng đế ở Ba Thục, lấy hiệu là "Hán", cũng chính là Thục Hán đời sau vẫn gọi.
Tiền tệ ở Thục Hán càng thêm phức tạp, ngoài Trực bách ngũ thù ra còn có những đồng tiền lớn như Thái bình bách tiền, Định bình nhất bách v.v... Trong đó, nổi tiếng nhất chính là "Kiền vi ngũ thù". Lưu Bị thông qua những loại tiền đúc này để liên tục gom góp của cải của Thục Hán.
Ví dụ: nếu tổng lượng tiền trong nhân dân có một vạn tiền, Lưu Bị đúc một đồng tiền lớn, có thể đổi lấy một trăm tiền Ngũ Thù của nhân dân. Như vậy, chỉ cần Lưu Bị đúc một trăm đồng tiền lớn, có nghĩa là đã sở hữu được một vạn tiền. Nghe như vậy thì có vẻ của cải xã hội vẫn không vì thế mà xuất hiện thay đổi gì... Tuy nhiên đừng vội, khi một trăm đồng tiền lớn này được đưa vào lưu thông hết trong thị trường, đổi lấy tiền Ngũ Thù hoặc mua hàng hóa thì một vạn tiền trong tay dân chúng đã bị giảm giá trị đi một nửa, một nửa khác đã chảy vào hầu bao của Lưu Bị.
Có lẽ, Lưu Bị muốn gom góp chi phí cho quân sự...
Hoặc có lẽ, y muốn lấp đầy ngân khố. Tuy nhiên loại tiền lớn này tràn ngập trong thị trường tạo thành những nguy hại mà không cần nói cũng biết.
Thật ra, không chỉ Lưu Bị, Tôn Quyền cũng từng làm chuyện này.
Trong lịch sử, Tôn Quyền từng đúc một loại tiền đồng có tên là "Đại Tuyền Ngũ Bách", nghe tên đã biết, một đồng tiền này đổi lấy năm trăm tiền. Về sau, còn xuất hiện cả những loại tiền như "Đại Tuyền đương thiên", "Đại Tuyền lưỡng ngàn" và "Đại Tuyền ngũ thiên"... Cũng may Tôn Quyền kịp thời phát hiện, cuối cùng đã đình chỉ lưu thông và hạ lệnh cho quan phủ thu về.
Không thu về không được!
Bởi vì những đồng tiền mệnh giá lớn này, suýt nữa đã tạo nên cuộc bạo động của toàn bộ Đông Ngô...
***
Đương nhiên, những việc này Tào Bằng cũng không biết, khi Lý Nho nói ra kế hoạch dùng tiền giả đào thải tiền thật, hắn mới giật mình.
Lý Nho nói:
- Ý định của ta chính là, trước tiên thông qua triều đình, lấy danh nghĩa của ngân lâu, thống nhất đúc Ngũ Thù để củng cố cục diện ở Trung Nguyên. Rồi sau đó, công tử nghĩ cách đúc Ngũ Thù, cho lẫn các tạp vật, để cho bên ngoài trông giống với tiền Ngũ Thù. Tiếp tục đưa lượng lớn tiền giả này vào lưu thông... ví như, Ba Thục! Ồ, đúng là Ba Thục... Ba Thục là nơi giàu tài nguyên thiên nhiên, hiện nằm dưới quyền cai trị của Lưu Chương, đặc biệt rộng lớn. Sản vật ở đây phong phú, thóc gạo đầy đủ, chính là cái mà Lương Châu cần.
Công tử thông qua thương hội của quận Hà Tây, đem lượng lớn tiền giả vào Ba Thục, đổi lấy hàng hóa.
Đây là một quá trình từ từ, có thể một hai năm, có thể bốn năm năm, nhưng Lưu Chương lúc đầu chắc chắn không thể phát hiện ra. Đợi khi rất nhiều tiền Ngũ thù tràn ngập Ba Thục, tất sẽ khiến giá trị hàng hóa quy mô lớn tăng lên. Lưu Chương muốn xử lý cũng đã muộn... Dù gã ta muốn tự bỏ tiền ra để đổi lấy những đồng tiền giả đó, thì chắc cũng khó mang lại hiệu quả. Trong tình huống này, Ba Thục sẽ loạn. Đến lúc công tử xuất binh hoặc có thể không cần dùng tới binh đao đã chiếm được Ba Thục. Đây là ý kiến của ta, nhưng muốn thực hiện còn phải trù tính cẩn thận.
Mẹ chứ, đây chẳng phải tiền giả sao?
Tào Bằng thật sự lú lẫn!
Hắn kinh ngạc nhìn Lý Nho, có phần còn chưa theo kịp.
Tuy nhiên nếu xem xét kỹ càng lại thì thấy đây là cách làm có tính khả thi.
Nhưng điều kiện tiên quyết chính là, phải thống nhất tiền tệ của Trung Nguyên, để tránh những tác động to lớn tạo nên do những đồng tiền giả này chảy ngược trở về.
Ngân lâu tương đương với ngân hàng trung ương ư?
Ngân lâu trong lời nói của Lý Nho chẳng phải có chức năng của ngân hàng trung ương ở đời sau sao?
Có điều như vậy, quyền sở hữu của ngân lâu chắc chắn sẽ bị thu hồi hoàn toàn. Trước đây, ngân lâu này nằm trong tay những người như Tào Bằng và Trần Quần, nếu thật sự muốn thực hiện kế hoạch tiền giả đào thải tiền thật thì Tào Tháo sẽ thu hồi ngân lâu trước tiên.
Nếu nói, trong lịch sử cách làm của Lưu Bị và Tôn Quyền là vì muốn gom góp lương bổng.
Vậy thì Lý Nho đang lợi dụng tiền tệ một cách có ý thức để làm nhiễu loạn thị trường của đối phương, phá hoại kinh tế đối phương...
Thứ này có thể làm sao?
Không hề nghi ngờ gì nữa, có thể làm!
Nếu thật sự có thể làm được điểm này, nói không chừng Tam quốc chinh chiến sẽ không cần kéo dài quá lâu.
Tào Bằng nhắm mắt lại, vừa tiêu hóa kế hoạch của Lý Nho, vừa cố gắng nhớ lại chi tiết cuộc chiến tài chính của hậu thế.
Hắn dù chỉ là cảnh sát hình sự, nhưng đã từng nghe và thấy qua rất nhiều chuyện như vậy.
Vì thế, Tào Bằng không ngừng đưa ra những thủ đoạn phạm tội tài chính trong trí nhớ của hắn, đồng thời được Lý Nho liên tục thay đổi để thích ứng với nhu cầu của thời đại này. Sau đó, Lý Nho cầm lấy giấy bút để ghi lại. Bất giác, trời đã sáng... Khi thân binh của Lý Nho đi vào trong lều muốn đánh thức Lý Nho thì hai người đã viết được một xấp giấy dày.
- Trời đã sáng rồi sao?
Lý Nho không hề mệt mỏi, dường như đã trở về trạng thái trước đây khi hiến kế cho Đổng Trác, cực kỳ phấn khích.
Tào Bằng cảm thấy đầu óc mụ mẫm từng hồi.
Lúc đứng lên, thậm chí hắn còn thấy trời đất quay cuồng...
- Tiên sinh, hôm nay tới đây thôi.
Điều quan trọng là, những thứ này hiện giờ đều chỉ là nét khái quát, khi làm chắc chắn sẽ có rất nhiều vấn đề cụ thể. Chi bằng như thế này, xin tiên sinh hãy trù tính trước, nếu cần ta trợ giúp thì cứ nói. Ta sẽ tìm cơ hội thượng tấu với Tư Không, từng bước hoàn thiện kế hoạch này... Tốt nhất là, chúng ta vừa làm vừa hoàn thiện, thế nào?
Lý Nho nghe xong liền bật cười, liên tục gật đầu.
Y giơ tay nhấc chân, để mọi người cảm nhận được khí phách hăng hái dâng trào.
- Muốn làm, thật ra không khó.
Khi Thương hội của quận Hà Tây hoạt động cũng là ngày mà kế hoạch này được mở rộng. Như vậy, ta không cần binh tốt gì cả, chỉ cần hai người Tô Song, Chúc Đạo và ta là đủ!
Một người là Đại hành thủ của thương hội quận Hà Tây trong tương lai, tinh thông buôn bán.
Người còn lại là hiệp khách, giao du khá rộng, để hai người họ làm trợ thủ quả thật quá tốt. Suy cho cùng, nếu thật sự muốn thực hiện kế hoạch này, cái yêu cầu không phải là tài trí hơn người hay tài văn chương nổi trội. Đây là kế hoạch đòi hỏi những người phải làm thật sự mới được. Nói một cách tương đối, Tô Song và Chúc Đạo đúng là những người được chọn phù hợp nhất.
Tào Bằng nói:
- Ta sẽ để hai người bọn họ toàn lực hiệp trợ.
***
Một ngày cuối cùng của năm Kiến An thứ tám, một năm mới đã sắp đến.
Mặc dù hoàn cảnh nghèo khó nhưng đối với những dân chúng sống tại đại doanh Hồng Thủy thì vẫn vô cùng hào hứng. Bọn họ vui vẻ trang trí trong doanh địa, mỗi lều trại đơn sơ đều được thắt một dải lụa hồng để thể hiện niềm vui. Tào Bằng cũng ra lệnh, bảo mọi người treo dải lụa màu lên những chiếc lồng đèn, tăng thêm không khí năm mới.
Đồng thời, hắn ra lệnh mổ trâu, dê, phân phát một ít cho từng lều trại để làm quà năm mới.
Khi tất cả mọi người đang bận rộn chào đón một năm mới đến, Tào Bằng lại cho tìm Từ Thứ, Bàng Thống và Bộ Chất, Giả Tinh tới, nói hết những chuyện tối qua Lý Nho nói cho mọi người biết. Quả nhiên, đám Bàng Thống nghe xong, lập tức cảm thấy một mối đe dọa. Bọn họ thì thầm to nhỏ với nhau, rồi sau đó đưa ra hết kế hoạch này đến kế hoạch khác cho Tào Bằng...
Màn đêm buông xuống!
Khi Tào Bằng mang theo dáng vẻ mệt mỏi trở về chỗ ở, liền nhìn thấy đám Quách Hoàn, Bộ Loan đang chuẩn bị bữa ăn.
Thái Diễm dẫn theo Chân Mật cũng giúp đỡ một tay, A Mi Quải (Thái Mi) thì dùng bàn tay nhỏ bé chống cằm, nhìn ngắm mọi người bận rộn.
- Đang chuẩn bị gì vậy?
- Năm mới gần kề, đương nhiên phải chuẩn bị một bữa cơm tất niên.
Tào Bằng nhìn lướt qua những thứ mọi người chuẩn bị, đột nhiên vô cùng hào hứng nói:
- Đã là năm mới, sao có thể thiếu được sủi cảo?
- Sủi cảo ư?
- Ha ha ha, đừng sốt ruột, để ta làm mẫu, thật ra cũng không khó.
Tối nay giao thừa, không có gì phải kiêng kỵ... Gọi cả Thái Địch đến đây, chúng ta cùng nhau chúc mừng mọi người có duyên gặp gỡ; Hy vọng năm sau vạn sự như ý, tai qua nạn khỏi... Mọi người đến đây, chúng ta cùng đón năm mới.