Cao Triều vừa xảy ra một chuyện rất lớn, đi đâu cũng nghe dân chúng bàn tán. Chả là trong lần đi tế Tổ tháng Giêng, bệ hạ và một vị nương nương không may bị gian tặc bắt đi. Chuyện xảy ra rất khó hiểu, đoàn người đông đúc nào là triều thần nào là thị vệ, xe ngựa quạt lộng rình rang. Thoáng một cái gió lốc từ đâu nổi lên, bụi bay mù mịt, đám đông va chạm vào nhau, giẫm đạp hỗn độn, tiếng gọi, tiếng la, tiếng cãi vã í ới. Khi cơn gió kì quái qua đi, long liễn của bệ hạ đã biến mất mà Tú cơ nương nương cũng không thấy đâu.

Mọi người sợ hãi lo lắng, bắt đầu tủa ra đi tìm. Hoàng hôn rồi màn đêm sụp xuống, ngự lâm quân đốt đuốc sáng rực, cả kinh thành nôn nao không ngủ chờ bệ hạ trở về. Mãi tới gần sáng mới có tin tức, thị vệ tìm thấy long liễn rơi dưới vực sâu mà hoàng thượng và Tú cơ thì nằm giữa một trận hỗn độn xác chết cách đó không xa. Những người này vận đồ đen, bịt kín mặt mũi, thân thể thối rữa không ra hình hài gì. Điều tra cho thấy đây là nhóm thích khách chuyên nghiệp, chặn đường cướp xe, muốn thủ tiêu hoàng đế dưới vực nhưng không ngờ bệ hạ kịp thời ôm theo Tú cơ tẩu thoát. Thích khách kiên quyết đuổi theo rồi hai bên xảy ra kịch chiến. Đám người này dần dần bại nên mới uống loại thuốc độc nào đó tự vẫn, không để bị bắt sống. Ngự y kiểm tra nói rằng loại thuốc này quá kì lạ, từ từ hủy thân xác với tốc độ nhanh chóng, không bao lâu thì sẽ thành phân và bộ xương khô… bọn họ… cũng thật là tàn nhẫn với bản thân!

Hoàng thượng bị thương không nhẹ cũng không nặng, chân trái bị nứt xương, thân thể có xay xát, đầu va đập nên hôn mê. Mà Tú cơ nương nương thì bị thương nghiêm trọng hơn, ngực bị đao chém rất sâu, chỉ xê xích một chút là trúng chỗ hiểm, toàn thân ướt máu, hơi thở mong manh gần như không cảm nhận được nữa. Ngự y tuy không hề thấy tia hy vọng nhưng vẫn hết lòng cứu chữa, phải mất mấy ngày mới giành giật được mạng sống của nàng… đây quả là kì tích!

Sau lần tai biến này, ngự lâm quân trải qua đợt huấn luyện cao cấp hơn, kỉ luật nghiêm ngặt hơn. Hình Bộ mở cuộc điều tra quy mô rộng, muốn tìm kẻ chủ mưu phía sau đám sát thủ, tiếc là người đều đã chết, mờ mịt như mò kim đáy bể.

Ba ngày sau bệ hạ tỉnh lại, việc đầu tiên là hỏi về Tú cơ. Một tuần sau có thể rời giường, ngài lại tới Tâm Sương cung nhìn nàng một cái. Xem ra trải qua một kiếp nạn, tình cảm của đế phi bọn họ lại càng sâu nặng…

Ngoài ra còn có vài chuyện nhỏ không ai để ý. Ví dụ như Liễu Giản trong đại lao đã được lệnh thả ra, trở thành đại phu đặc biệt chuyên chăm sóc bệ hạ. Sau lần bị ám sát này sức khỏe của người giảm thấy rõ, thường xuyên mệt mỏi, đau nhức. Mỗi ngày đúng giờ Ngọ, Liễu đại phu pha một hồ dược liệu, bệ hạ ngâm mình nửa canh giờ.

Tú cơ nương nương tuy đã qua cơn nguy kịch nhưng rất lâu về sau mới tỉnh lại. Nàng gầy xộp, xanh xao vàng vọt, cả tóc cũng từ từ rụng đi, hệt như đóa hoa sau một phen vùi dập thì chuẩn bị tàn. Mấy tháng đầu bệ hạ đều ba ngày tới thăm nàng một lần, rồi từ từ chán ngán bộ dạng xấu xí kia mà không bước chân vào Tâm Sương nữa. Tú cơ coi như xong, những ngày độc sủng sung sướng thế là hết.

Sức khỏe không tốt, bệ hạ thường không lên triều, việc lớn nhỏ đều giao cho Thừa tướng và các Thượng thư. Thời gian này vì hoàng đế bỏ bê Quốc sự, triều thần tự tung tự tác, tha hồ lạm quyền. Sức khỏe không tốt nhưng hoàng thượng lại trở nên hứng thú với hậu cung. Đợt tuyển tú sắp tới vốn đã bỏ, nay lại bắt đầu làm. Hoàng quý phi dính chặt bên người bệ hạ như keo dán, hoàn toàn thay thế vị trí của Tú cơ. Ngài cũng bỏ đi thói quen tu thân gò bó, thường xuyên thị tẩm cung tần, đây là thời kì hậu cung như cá gặp nước, sung sướng không thôi…

Về phần người duy nhất bị bỏ rơi ở hậu cung, Tú cơ vẫn bệnh nặng, không ra ngoài, cả ngày nằm trên giường, ăn uống cũng không màng tới. Hôm nay Điềm Điềm chuẩn bị một bát tổ huyết đặc biệt bổ dưỡng, thêm cả trà hoa cúc nhiều đường mà nương nương thích. Nàng bưng khay gỗ, nhẹ nhàng tiến vào phòng. Căn phòng này xưa nay vốn rất giản dị, một bàn nhỏ, một tủ gỗ, một giường, một rương y phục. Bên cạnh cửa sổ là một chậu trồng sen, đôi ba chú cá nhỏ tung tăng bơi lội. Ngày thường bệ hạ luôn quanh quẩn ở đây, y phục của người chiếm nửa không gian chiếc tủ, trên bàn trang điểm ngoài trang sức của nương nương còn có thêm ngọc quan, cây trâm gỗ bệ hạ thường dùng và mấy thứ phụ kiện linh tinh của nam nhân. Khi trưa hè oi bức, hoàng thượng thích bế nương nương ra bên vườn cây hóng mát. Bọn họ rù rì rủ rỉ nói chuyện không chán, những lúc đó cung nhân đều khôn ngoan lui vào trong hết, ai biết được bệ hạ khi nào nổi hứng, muốn âu yếm nương nương ngay trên ghế gỗ… a… nghĩ lại tới đây, Điềm Điềm ngưỡng mộ không sao kể hết! Nàng từng tin rằng ở cung cấm vẫn có những câu chuyện cổ tích, vẫn có thứ gọi là tình yêu khắc cốt ghi tâm, giống như bệ hạ và Tú cơ, bình dị và ấm áp như một đôi phu thê tương thân tương ái…

Nhưng mà… Điềm Điềm thở dài, tình cảm là thứ thật không đáng tin, còn may rủi hơn cả canh bạc. Phòng này vẫn lưu lại hơi ấm và kỉ niệm ngày xưa nhưng người thì từ lâu đã khác, “cảnh còn người mất” là thế này đây. Điềm Điềm rất thích chủ tử của mình, nàng cảm giác Tú cơ không hề giống mô tả bên ngoài. Người ghen ghét Tú cơ quá nhiều, đặt điều nói xấu. Thật ra nương nương rất hiền lành, đối xử với nô tài rất tốt, không đòi hỏi gì cao, không vì sủng mà kiêu, lại còn thân thiện dễ nói chuyện. Khó trách mỗi lần Tú cơ bị hãm hại, bị vu oan, cung nhân Tâm Sương cung là những người đầu tiên dám xông lên cãi lý. Thời đó họ nói gì cũng mạnh miệng, không sợ đắc tội ai bởi vì sớm muộn gì bệ hạ cũng xử lý thiên vị. Còn bây giờ… Điềm Điềm lại thở dài… các nàng cố hết sức chăm lo cho nương nương, coi như trả ơn bao bọc của nương nương, về sau tới đâu hay tới đó, chỉ khấn cầu cho cuộc sống không quá thê thảm, chầm chậm bình yên mà trôi qua…

Khi Điềm Điềm đặt khay gỗ xuống bàn, Tú Thanh cũng vì tiếng động mà mở mắt. Đôi mắt tròn trong suốt bây giờ đờ đẫn, mông lung, thật làm người ta đau lòng.

-Nương nương, người dậy ăn chút cháo tổ huyết nhé, nóng hôi hổi, còn có trà hoa cúc người thích!

Điềm Điềm đỡ nàng dậy, chu đáo chèn cái gối ở sau lưng rồi bưng thức ăn tới. Tú Thanh hạ rèm mi nhìn bát cháo, thấy nuốt không trôi. Nàng cố gắng nếm vài muỗng, vừa ăn vừa hỏi Điềm Điềm:

-Ngươi có nghe được tin tức gì về Lưu công công không?

-Dạ… tháng rồi không biết công công làm sai chuyện gì, chọc giận bệ hạ, bây giờ bị giam trong nhà củi gần phòng bếp…

Điềm Điềm cảm thấy vị công công này sao cứ giống nương nương, từ một tâm phúc bây giờ tuột dốc tới nổi thái giám bình thường cũng trêu chọc được… ôi… quả là vận đổi sao dời!

Tú Thanh nghe vậy lo lắng nhìn lên

-Ngươi có đi xem ông ấy không? Có khỏe không, có được cho ăn đủ bữa không?

Điềm Điềm nhún vai

-Nô tì chỉ nhìn ở xa xa, thấy một ngày hai lần có tiểu đồng đem bánh bao và nước tới. Lưu công công xưa nay ăn ở ngay thẳng, tích không ít đức, cũng có vài thuộc hạ nhớ tình xưa nghĩa cũ lặng lẽ chiếu cố ông ấy…

Tú Thanh yên tâm một chút, gật gật đầu

-Thế à… ngươi xem bữa nào thuận tiện, đem tới một chút đồ bổ và y phục sạch cho lão Lưu… nếu ta khỏe sẽ tới thăm ông ấy!

Điềm Điềm không hỏi lý do, lập tức gật đầu. Tú Thanh ăn bát cháo thật lâu, hôm nay ăn nhiều hơn hôm qua một ít. Nàng dạo này không nói nhiều, thường căn dặn mọi người sống lặng lẽ một chút, ít ra ngoài để tránh đụng chuyện. Bề ngoài nương nương có vẻ chỉ bệnh, tinh thần rất bình tĩnh nhưng Điềm Điềm biết rõ mỗi khi đêm đến, không còn ai ở quanh, nàng lại ôm cây trâm “Tâm Ái” lặng lẽ khóc.

Tâm Ái.

Đâu là Tâm? Đâu là Ái?

Tâm Ái chẳng qua là cảm xúc nhất thời, có lẽ một thời gian sau, người ta thậm chí không nhớ Tâm chốn nào, Ái ra sao…