Say Mộng Giang Sơn

Chương 715-1: Phúc tướng Mã Kiều (1)

Mười vạn binh mã của lộ quân thứ nhất Đại Chu ồ ạt kéo đến. Bên đường, trong một quân trướng được dựng lên tạm thời, Tả Ưng Dương vệ đại tướng quân Tào Nhân Sư, Hữu Kim Ngô vệ đại tướng quân Trương Huyền Ngộ, Ti nông thiếu khanh Ma Nhân Tiết cùng các vị tướng lãnh mặt đối diện với tấm bản đồ trên bàn cùng nhau thương thảo quân tình.

Tào Nhân Sư nói:

- Vừa mới nhận được tin tình báo, sau khi phản quân Khiết Đan tấn công Hoàn Châu thất bại, từ phía đông lén tập kích Bình Châu, quân coi giữ Bình Châu không nhiều, không dám ra thành quyết chiến, chỉ cố tử thủ thành trì. Vũ khí của đám quân Khiết Đan không được trang bị đầy đủ, nên việc tấn công Bình Châu gặp trở ngại, hiện tại lại đang chuyển quân về hướng Lư Long!

Ti nông thiếu khanh Ma Nhân Tiết không hiểu việc điều quân khiển tướng, chủ yếu là chưởng quản hậu cần và quân công, nghe vậy hỏi:

- Vậy hiện tại quân ta đang ở nơi nào?

Trương Huyền Ngộ chỉ vào bản đồ nói:

- Quân ta vừa mới đuổi tới Mã thành, đang tiến về phía trước, đi qua Hoàng Chương cốc, liền có thể thẳng tiến Lư Long, giải nguy cho Lư Long và Bình Châu!

Ma Nhân Tiết nhìn nhìn bản đồ, trầm ngâm nói:

- Thì ra như vậy, hướng đông Lư Long là biển lớn mênh mông, phản quân Khiết Đan sẽ không tháo chạy theo hướng đó, ta nên phòng chúng lén tập kích hướng tây!

Tào Nhân Sư khẽ mỉm cười nói:

- Lời nói của Ma thiếu khanh thật không sai, cho nên bổn soái dự định phái khoái mã trăm dặm, khẩn cấp điều động một đội quân mã tới Đàn Châu, Tiên Châu, Quy Thuận Châu và Kế Châu, áp sát hướng Thạch thành, cùng đội quân của ta hợp sức tấn công phản quân Khiết Đan, phải diệt hết phản quân tại biên cảnh Lư Long.

Trương Huyền Ngộ nói:

- Khiết Đan một khi thất thế, không thể đi hướng đông, hướng tây có đại quân ta ngăn chặn, bọn chúng nếu muốn chiến, không khác lấy trứng chọi đá, như vậy, chúng sẽ tháo chạy từ hướng bắc, chạy về phía đại bàn tộc Hề.

Tào Nhân Sư suy nghĩ một chút nói:

- Ta cho rằng, có thể phái một sứ giả liên lạc với Hề vương. Chuyến này xuất binh, nhất định phải cố thủ tại Lư Long không để một tên Khiết Đan nào lọt vào địa bàn tộc Hề! Hề tộc là một nước chư hầu của Đường triều ta, tuy thường có những chuyện bằng mặt không bằng lòng. Tuy trước mặt triều đình ta là một con sư tử hùng mạnh nhưng lại không dám công khai bao che bọn tử thần tặc tử đó.

Ma Nhân Tiết vỗ tay hoan nghênh, cười nói:

- Như vậy sẽ không có sơ hở nào, chủ lực Khiết Đan có thể chỉ trong trận này liền diệt vong.

Các tướng lĩnh đều mỉm cười không nói, đây chính là mười vạn quân tinh nhuệ của triều đình. Công đánh mười vạn quân Khiết Đan trên danh nghĩa thật chất không quá sáu vạn, theo bọn họ, chỉ là dễ như trở bàn tay.

Hoàng Chương cốc là con đường tắt tiến quân tới Lư Long của quân triều đình, nếu không đi qua cốc này, quân triều đình phải vòng qua cả một ngọn núi, ít nhất phải mất hơn mười ngày lộ trình, thời gian lâu như vậy, cũng đủ cho người Khiết Đan thong thả chạy trốn. Do đó chủ ý vừa định, Tào Nhân Sư lập tức phái một đội kỵ binh ngày đêm tiến tới Hoàng Chương cốc trước đại đội quân, chiếm cứ vùng chiến lược hiểm yếu này.

Ai ngờ trước cửa Hoàng Chương cốc đã có một nhóm người Khiết Đan chiếm đóng, khi đội quân tiên phong của triều đình ngày đêm cấp tốc tiến tới Hoàng Chương cốc, xa xa trên đỉnh núi thấp thoáng bóng đại kỳ Thương Lang tả tơi. Đội binh mã tiên phong không khỏi chấn động, lập tức đóng quân cắm trại trên thảo nguyên, phái người cấp báo cho trung quân.

Tào Nhân sư nghe báo ở Hoàng Chương cốc người Khiết Đan đã đóng quân, vừa lệnh cho đại quân hành tốc, vừa truyền lệnh cho quân tiên phong trước thăm dò địa hình của Hoàng Chương cốc, điều tra thực lực của người Khiết Đan. Lang tướng tiên phong Võ Thành Chiêu nhận được quân lệnh, lập tức phái lữ soái Mã Kiều dẫn binh mã của mình thăm dò tính tiến công.

Mã Kiều lần đầu tiên viễn chinh đánh giặc, dọc đường đi hưng phấn không thôi, khi mệnh lệnh được truyền xuống, lại cảm thấy thấp thỏm không yên. Tuy rằng, toàn bộ đội quân đều có thái độ coi thường đối với người Khiết Đan, dường như đại quân vừa đến, trong cái nháy mắt liền đánh cho phản quân Khiết Đan tan tác, nhưng y dù sao cũng là lần đầu ra trận.

Mã Kiều vạn phần cẩn thận, trước trinh sát Hoàng Chương cốc một lượt, phát hiện giữa sơn cốc có một khe núi, mặc dù không tính là nhỏ hẹp, nhưng lại nằm trong tầm bắn tên, vì vậy ngoại trừ diệt hết quân địch hai bên đại quân mới có thể đi qua. Sơn cốc này một bên là vách đá sừng sững như tấm gương, dễ thủ khó công, bên kia là một triền núi thoai thoải, nhưng quân Khiết Đan đã cho tăng thêm nhiều binh lính canh giữ.

Triền núi này thoai thoải, có thể cưỡi ngựa leo lên, nhưng tiếc rằng trên triền núi này toàn vụn đá, cho dù là đi bộ cũng không hề dễ dàng, chứ đừng nói là cưỡi ngựa, kỵ binh của y đến nơi này không có đất dụng võ, nhất định phải bỏ ngựa đi bộ mới có thể chiến đấu.

Mã Kiều lần đầu mang binh đánh giặc, cho nên hết sức cẩn thận, y dựa theo binh pháp đã được học trong quân ngũ, trước kể lại tỉ mỉ tình hình thăm dò được, sau khi nhìn rõ mục tiêu cần công chiếm, liền bắt đầu điều phối binh lực.

Binh mã dưới trướng Mã Kiều là kỵ binh, y ra lệnh cho binh mã toàn bộ xuống ngựa, đem ngựa cho một vài binh lính trông giữ, sau đó chia tướng sĩ thành ba đội, đội thứ nhất là binh lính mang đao khiên, đội thứ hai mang cung tên, đội thứ ba mang trường thương cùng cung tên.

Đội thứ nhất làm binh lực chủ công, đội thứ hai thủ hiệp cùng đội thứ nhất tác chiến, là đội tập kích từ xa áp chế đội cung tiễn của người Khiết Đan, đội thứ ba trường thương cùng cung nỏ làm đội dự bị.

Nếu tiến công thuận lợi, đội thứ ba mới xuất trận, nhanh chóng củng cố cho trận địa đã chiếm lĩnh. Nếu đội tiến công không có tiến triển, vậy cũng đạt được mục đích thăm dò thực lực quân coi giữ. Nếu công chiếm trận địa của chúng đầu tiên, lại bị chúng phản kích áp chế, như vậy đội thứ ba liền phụ trách yểm trợ đồng đội rút lui, tránh trong lúc lui quân chịu thương vong nặng nề.

Còn phía dốc núi đứng bên kia, Mã Kiều quyết định trước không chú ý tới.

Cách trung gian một đoạn sơn cốc, cung tiễn phóng tới từ vách núi đối diện đa phần mất đi lực sát thương, không bằng trước chiếm lấy một bên, chiếm lĩnh được sau lại đánh chiếm phía bên kia. Sau khi an bài tất cả, Mã Kiều lập tức sai người nổi trống trận, phất cờ phát động tiến công.

Sườn núi này không đủ độ dốc, người Khiết Đan trên núi không thể lợi dụng lăn cây lôi thạch để ngăn cản quân Đường, chỉ có thể dựa vào cung tiễn ngăn địch. Binh lính của Mã Kiều là kỵ binh, nhưng binh lính Đại Đường dù là binh chủng nào, trên tay đều mang cung nỏ, kĩ thuật bắn cung cũng không tệ, đội cấm quân tinh thông cưỡi ngựa, được trang bị khiên chắn, hoành đao, trường thương, thậm chí có cả đầu thương, một đội quân tập hợp nhiều binh chủng, hoàn toàn có thể đảm nhiệm nhiệm vụ tác chiến Mã Kiều an bài.

Trong tiếng trống trận dồn dập, Mã Kiều ra lệnh một tiếng, đội mang đao khiên dưới sự bảo vệ của tấm khiên, tay cầm hoành đao, từng bước tiến tới sườn núi, đạp lên những mảnh đá vụn sắc bén, gồ ghề, gây cản trở nghiêm trọng tới tốc độ hành động của đội quân, binh lính mang cung nỏ theo sát phía sau, lấy đội quân mang đao khiên làm lá chắn, chuẩn bị áp chế từ xa.

Đội trường thương cung nỏ dự bị cũng theo sát phía sau, dừng lại ở lưng chừng núi, xem xét tình thế mà quyết định tiến công hay yểm trợ chiến hữu rút lui.

Hai bên vừa tiến vào phạm vi bắn cung nỏ của đối phương, từng đợt tên đột ngột bắn tới, bắt đầu cho trận đối xạ. Mã Kiều một tay cầm khiên một tay cầm đao, ự mình dẫn đội đao khiên xông lên phía trước, bọn họ khom người, dùng tấm khiên bảo vệ chỗ yếu hại, dưới sự yểm hộ của đội cung nỏ tiến gần đỉnh núi.

Tên bắn từ trên núi xuống cũng không dày đặc, hoàn toàn bị tên của binh mã triều đình chế trụ, xạ thủ của người Khiết Đan mặc dù không tệ, nhưng kình lực không đủ, trên mặt khiên của Mã Kiều bị bắn trúng mấy mũi tên nhọn. Chỉ nhoáng một cái tên đã cắm vào, Mã Kiều không khỏi thấy kỳ lạ:

- Không phải nói người Khiết Đan chủ yếu là du mục, săn bắn, am hiểu nhất là cung nỏ, lực đạo yếu ớt như vậy, cho dù bắn trúng người, e cũng khó lấy mạng.