Ngay khi cánh cửa đóng lại, Hải Uyên mới mở mắt.

Cô không ngủ được, vì cảm thấy không có cảm giác an toàn để ngủ.

Hải Uyên bật dậy, rồi lặng lẽ ngồi trên sofa một lúc rất lâu.

Nhớ đến cuộc gọi khi nãy với mẹ, hốc mắt cô ửng đỏ trở lại.

Cảm giác bị tâm tư trong đầu chi phối tâm trạng lẫn hành vi này, cô rất sợ.

[Ngày mai cái Minh lên đường, ông bà cũng về.

Tranh thủ hôm nay ông bà còn ở đây, con mua ít quà thăm ông bà nhé.]

“Nhưng…ba nói, con có thể không gặp bà.”

[Ba nói là chuyện của ba.

Con là cháu của bà, hai bà cháu hơn 4 năm không gặp rồi.

Lỡ người ta nhìn vào, đánh giá tình cảm gia đình không tốt thì sao hả con?]

Giọng của mẹ cô luôn hiền hòa, ấm áp như vậy.

Nhưng đặt vào quá khứ của Hải Uyên, cô chỉ thấy mình dường như đang bị nhấn chìm trong nó, bức bách, khó thở.

Càng nghĩ, cả người Hải Uyên run rẩy càng dữ dội hơn.

Cô nghiến răng, mắt nhắm chặt.

Tay trái bấu víu vào đùi mình, tay phải mò mẫm phía sau gáy.

Cùng một lúc, cùng với cái run của cơ thể, móng tay cào vào da thịt càng thêm mạnh mẽ.

Đột ngột, Hải Uyên dứt mình khỏi mớ cảm xúc đó.

Cô cố gắng ổn định hơi thở nặng nề như đang ôm ấp cả màn đêm của mình, mồ hôi lạnh trên trán cũng giảm bớt.

Cô dùng đôi chân trần, chậm rãi bước đi trên sàn nhà lạnh như đá.

Cô nhìn thấy hộp cháo của Hồng Khánh ở trên bàn, rất muốn ăn, ăn vì đói, cũng vì anh.

Nhưng cô biết, mình sẽ không nuốt nổi.

Hoặc không thì sẽ vì lý do gì đó mà nôn tất cả ra ngoài.

Vậy nên, hộp cháo vẫn ở đó, còn máy lạnh thì được khởi động trở lại.

Hải Uyên đứng trước máy lạnh, đợi gió phả vào mặt mình, rồi hòa tan với không khí, khuếch tan khắp không gian.

Qua một phần cửa kính trong suốt, hiện rõ hình ảnh mọi người đang bắt đầu quay trở lại công việc.

Thời điểm hiện tại, có lẽ đã gần 2 giờ chiều.

Cảm giác cổ họng hơi khô rát, cô thèm nước lạnh, thèm cảm giác nguồn nước mát mẻ ấy trôi ngang qua cuống họng.

Nên mới xỏ vội đôi giày búp bê, cầm theo ly đựng nước của mình rời đi.

Một người rất cẩn thận trong mọi việc, cẩn thận từng li từng tí.

Uống nước lạnh, ngâm mình trong nước đá, ngồi điều hòa ở nhiệt độ thấp, luôn canh thời gian để đo nhiệt độ cơ thể.

Chỉ cần nhiệt độ tăng bất thường, mấy viên thuốc hạ sốt thủ sẵn trong ngăn bàn và túi sách sẽ được sử dụng.

Vậy mà, người đó lại quên mất rằng, sốc nhiệt cũng là một nguyên nhân gây hại cho cơ thể.

Nhiệt độ ở trong và ở ngoài chênh lệch gần 10 độ C, nhưng Hải Uyên không quá để ý.

Tầm mắt cô rất mông lung, cứ bước và bước.

Đến khi chị Trang nắm cổ tay cô lại, tâm trí mới hoàn toàn bừng tỉnh.

“Quýt, em có đồ bẻ dao rọc giấy không? Hay lưỡi dao mới cũng được, cho chị xin với.” Trang đưa chiếc dao rọc giấy của mình đến trước mặt Hải Uyên, giải thích: “Cái nắp để bẻ này chị làm mất ở đâu rồi ấy, tìm mãi chẳng thấy.”

Hải Uyên niềm nở đáp: “Phòng em có, để em.” Sau đó, cô đưa ly nước của mình cho Trang, nhờ chị lấy đá hộ.

Còn mình thì cầm dao rọc giấy, quay ngược về phòng.

Động tác tay của Hải Uyên rất từ tốn, lưỡi dao chầm chậm được đẩy lên khỏi vỏ.

Đăm chiêu vào đường dao sắc nhọn, bóng sáng do ánh đèn chiếu rọi vào.

Mấy ngón tay trái cô chụm lại, nắm lấy lưỡi dao, dứt khoát bẻ.

Tiếng động vang lên không lâu, mặt bàn trắng bắt đầu điểm thêm những đốm máu nhỏ.

Những đốm máu tụ lại thành những vòng tròn lớn, giống như giọt sương đêm đọng trên phiến lá sen ngoài hồ, không thấm vào được lá.

Căn phòng bên cạnh, Hồng Khánh thoải mái châm một điếu thuốc, rồi một tay xỏ túi quần.

Khói thuốc trắng xám mờ ảo bay ra từ miệng anh, vi vu một khoảng không, và tan biến hoàn toàn.

Lúc này, trong phòng có đến hai mùi hương, mùi của cây tùng thơm trồng một góc phòng, và mùi khói thuốc, tất cả rất nhẹ nhàng, hòa quyện vào nhau.

Chứng kiến toàn bộ hành động của người phòng bên, mẩu thuốc trên tay anh đã rơi xuống đất từ khi nào, tàn thuốc văng tung tóe.

Khóe miệng cơ cứng mấp máy mấy từ với âm lượng nhỏ: “Không lẽ lại mắng cho một trận?”

Hài lòng, không phải là một cụm từ chính xác để miêu tả cảm xúc của Hồng Khánh, nhưng với Hải Uyên thì ngược lại.

Cô rút liên tục mấy tờ khăn giấy ướt, cẩn thận lau vệt máu nhem nhuốc trên dao rọc giấy của Trang.

Mặt bàn làm việc có màu sáng, nên việc lau sạch chất lỏng màu đỏ vấy bẩn nó không phải là một chuyện dễ dàng.

Tiếp đến, Hải Uyên bỏ lưỡi dao đã bị tách vào ngăn kéo tủ.

Và dùng thêm khăn giấy, lau sạch sẽ tay của mình.

Cô khẽ nhún người, nhẹ nhõm hít thở.

Bình thản đặt con dao của Trang xuống bàn làm việc của chị, nhanh chóng giấu tay mình ra sau hông.

Điềm đạm mỉm cười: “Xong rồi, độ dài như vậy được chưa ạ?”

Một tay của Trang đưa ly nước cho Hải Uyên, một tay kia nhận đồ của mình.

Ngón cái đẩy khớp dao lên, tỉ mỉ quan sát lưỡi dao nhọn hoắc, trang nhã gật đầu, “Quá được luôn đấy chứ, chị cảm ơn nhiều.”

Thêm một lần nữa, Hải Uyên tự vẽ lên gương mặt mình một nụ cười đáp lễ.

Vào việc được hơn hai tiếng sau, Hải Uyên quyết định tan làm sớm, với lý do: “Ông nội em mới vào, nên em về thăm ông.”

Trạng thái khi ra khỏi phòng của Hải Uyên, Hồng Khánh không nhìn thấy được.

Bởi vì hành động của cô vô cùng dứt khoát và nhanh chóng.

Giây trước còn nhàn nhã vẽ tranh bằng chì trên giá vẽ, giây sau cây bút chì đã lăn lóc dưới sàn.

Sau đó, túi xách đi theo người.

Tuy rằng hơi hoang đường, nhưng ngay thời khắc đó, Hồng Khánh thật sự đã lầm tưởng rằng, Hải Uyên biết bốc hơi khỏi căn phòng kia.

Trên bàn làm việc của cô, hộp cháo còn nguyên vẹn, chỉ có vị trí của nó được dời sang một góc khác.

Chẳng mấy chốc, Hồng Khánh không còn sững sờ nữa.

Anh trở lại với nét mày cương nghị vốn có, đặt toàn bộ tâm trí vào công việc trước mắt.

Người không còn, căn phòng bên cạnh cũng không còn giá trị để anh để mắt đến.

Mãi hơn 6 giờ tối, thời điểm mà cả tầng 5 không còn lại ai ngoài mình, Hồng Khánh mới tắt màn hình máy tính, thu dọn đồ đạc để ra về.

Tiếng bước chân của anh vang vọng khắp dãy hành lang vắng, không gian trước và sau anh đều tối khịt đi.

Thang máy dừng, cửa thang hé dần, mang theo ánh sáng len lói chiếu ra.

Bác Mai xách trên tay một túi đồ, bên trong đựng quần áo vừa giặt khô của Hải Uyên.

Bà cười phúc hậu, “Khánh hả, giờ này mới về à con?”

Hồng Khánh gặp bác Mai, liền cúi nhẹ đầu, lễ phép chào hỏi, “Vâng, bác còn dọn trên đây ạ?”

“Nào có, bác xong việc lâu rồi.

Bác lên đưa quần áo cho bé Uyên, mới sấy khô xong.” Bác Mai ngó nghiêng vào hướng gian bếp, rồi khu làm việc.

Đồng thời, ôn hòa hỏi: “Ủa, Uyên không có ở trong đó à?”

“Dạ? Uyên về lúc chiều rồi bác.”

Bác Mai tỏ vẻ bất ngờ, ngữ điệu vừa khôi hài, vừa mang ý trách móc: “Thế mà bảo ở đây đến thứ 4 mới đi, xạo thật đấy.”

Bác Mai kéo Hồng Khánh vào thang máy, “Vào đi con, về nhanh không lát nữa kẹt xe dữ lắm, chen không nổi đâu.”

Hồng Khánh gật đầu, mi anh rũ xuống, hướng mắt vào túi đồ trong tay bác Mai.

Bên trong lộ ra một phần vải màu trắng ngà, có in hình mấy con gấu màu xanh lam nhạt.

“Uyên ở đây à bác?”

Bác Mai ngẩng đầu nhìn cậu thanh niên cao ráo, rồi cúi xuống, banh túi đồ ra, ý muốn nói đây là bằng chứng, “Đồ ngủ, đồ đi làm còn ở đây đây này.

Bình thường tầm này là chuẩn bị đi tắm rửa nên bác mới mang đồ lên trước cho đấy chứ.”

Lát sau, bác Mai nói thêm: “Con bé ở đây từ hôm chiều chủ nhật, dự kiến đến chiều thứ tư thì về.

Lý do thì bác không hỏi, chắc nhà có công có việc gì thôi ấy mà.”.