Đạo văn? Vô ích? Giả bộ bất tỉnh?

Phút chốc, trong đầu Sở Ngọc nghĩ đến ba ý tưởng.

Đạo văn, con đường này đơn giản, lợi ích thực tế lại rất mau lẹ. Nhất là hơn một nghìn năm trước, trước thời nhà Đường, thơ ca còn chưa phát triển đến độ phồn thịnh. Tất cả thơ Đường, chỉ cần nàng nhớ được là đều có thể sử dụng, tuyệt đối không có người nào nhảy ra truy cứu vấn đề bản quyền.

Thực ra trong lúc “ôn luyện” mấy hôm trước, nàng cũng từng nảy ra ý định này. Nàng đã sàng lọc, loại bỏ những bài thơ có xu hướng và điển tích không phù hợp với thời đại này, cuối cùng chọn được bảy, tám bài, số lượng cũng đủ giúp nàng ứng phó.

Dù nàng định làm như vậy, nhưng cuối cùng vẫn có chướng ngại tâm lý.

Bởi vì những bài thơ mà Sở Ngọc nhớ được, hơn một nửa là nàng cực thích. Thêm nữa còn do lòng tôn kính với các thi nhân, lấy đi kết tinh tài hoa của họ, nàng cảm thấy không đành lòng.

Cách thứ hai gọi là vô ích, bởi vì chuyện Sở Ngọc bịa ra mấy câu đem ứng thí là trăm triệu lần không thể. Chưa nói đến lời hay ý đẹp nàng không có khả năng nghĩ ra, mà ngay cả luật bằng trắc nàng cũng không nắm vững. Thơ của nàng mà đọc lên chắc cằm mọi người ở đây rớt xuống đất hết.

Biện pháp thứ ba so với hai cái kia còn vô sỉ hơn. Có nghĩa là nàng sẽ mặt dạn mặt dày lăn quay ra đất, giả vờ phát bệnh, đầu óc hôn mê, thì có thể tránh được một kiếp. Nhưng nếu nàng làm cách này, vừa mất mặt lại còn ngay lập tức bị tống xuống núi.

Sở Ngọc khuôn mặt ngưng trọng, tay cầm chén rượu vẫn không nhúc nhích, còn đang đấu tranh nội tâm, bỗng nhiên thấy có người kéo tay áo mình. Quay lại nàng thấy Lưu Tang cúi đầu nhắc nhỏ: “Công…” Lời vừa thốt ra bỗng nhớ lời giới thiệu ban nãy của Sở Ngọc, vội vàng sửa lại: “Tử Sở đường ca, mọi người đang chờ huynh đấy!”

(Đường ca, đường huynh: anh họ)

Một tay kéo áo Sở Ngọc, tay kia lại lén vẽ lên mu bàn tay Sở Ngọc một chữ, nàng nhận ra đó là chữ “Chỉ”.

Chỉ? Dung Chỉ?

Nghĩ đến Dung Chỉ, Sở Ngọc bỗng nhớ đến kế mà Dung Chỉ bày cho nàng – Hoàn Viễn. Nàng thế mà lại quên mất người này.

Thế là biện pháp thứ tư bỗng hiện ra trước mắt: dùng “chân gỗ”

Về một nghĩa nào đó, mức độ vô sỉ của cách thứ tư cũng không thua gì ba cách trên, nhưng trước mắt đây là biện pháp tốt nhất.

Sở Ngọc mỉm cười, nâng chén hướng Bùi Thuật nói: “Hiện tại ta chưa làm thơ được, vậy lúc này có thể nhờ đường huynh Dụ Hoàn Viễn thay ta làm thơ hay không?”

Bùi Thuật còn chưa trả lời, Sở Ngọc đã thấy bên cạnh truyền đến thanh âm mang ý cười: “Điều này không ngại, nhưng nếu muốn hắn thay ngươi, thì thơ phải làm hai bài, rượu uống hai cốc”

Nàng quay lại, nhận ra người vừa nói là Vương Ý Chi. Hắn cầm bầu rượu tự rót uống một mình, khóe miệng cười lộ vẻ hứng thú nhìn Sở Ngọc.

Vương Ý Chi đã cất lời trước như vậy, Bùi Thuật cũng không có ý kiến gì, hắn gật đầu: “Cứ quyết định như vậy đi”.

Sở Ngọc nhăn mi một chút, lập tức cười vui vẻ: “Làm thơ thì giao cho đường huynh ta, uống rượu thì để ta”. Không phải nàng nhỏ mọn không cho Hoàn Viễn uống rượu, chính là sợ hắn say sẽ nói ra những điều không nên nói.

Hoàn Viễn khẽ biến sắc, đang định nói điều gì bỗng Sở Ngọc đến bên hắn, thầm thì vào tai: “Hãy vì chính mình mà làm thơ”.

Thanh âm tuy nhỏ nhẹ trìu mến, nhưng Hoàn Viễn nghe xong lại thấy tay run rẩy. Sở Ngọc nói câu này là do Dung Chỉ dạy nàng. Sáng nay trước lúc ra khỏi cửa, Dung Chỉ đã sớm đoán được Hoàn Viễn có thể cự tuyệt không làm thơ, vì vậy bảo nàng chỉ cần nói câu này thì thơ sẽ ra.

Sở Ngọc chẳng qua theo lời mà nói, nhưng trong lòng Hoàn Viễn lại xao động. Hắn nhớ lại hai năm trước, lúc bị dẫn đến phủ công chúa. Hắn nhìn thấy một nữ tử ngạo mạo, dùng ngữ điệu khinh miệt cợt nhả bảo hắn: “Hãy làm cho ta vài bài thơ để ta vui đùa một chút!”

Tất nhiên là hắn cự tuyệt. Từ đó đến nay đã được hai năm, một nửa câu thơ hắn cũng chưa từng làm.

Nhưng lúc này Sở Ngọc lại nói với hắn như vậy.

Vì chính mình mà làm?

Thêm một phen cười nhạo hắn ư?

Tuy lý trí nói như thế, nhưng trong lòng Hoàn Viễn lại dâng lên những xúc cảm không lời. Hôm nay khoảnh khắc được tự do đã làm xao động tâm hồn hắn. Hai năm kiềm chế, tâm tư bị dồn đến cực hạn. Sở Ngọc vừa chạm vào, bỗng chốc thi hứng của hắn như sóng nước trong cơn lũ tuôn trào mãnh liệt.

Phải rèn sắt khi còn nóng, thấy hắn có vẻ dao động, Sở Ngọc cười tít mắt sai người lấy giấy bút đặt trước mặt Hoàn Viễn.

Hoàn Viễn không tự chủ được mà vươn tay ra. Vừa mới cầm bút, thi tứ như nham thạch phun trào, nước chảy cuồn cuộn. Những câu thơ gấm vóc không ngừng tuôn ra.

Thậm chí không thể dừng.

Lúc Hoàn Viễn múa bút thành thơ, Việt Tiệp Phi đứng trong góc khuất, chán ngán đến độ ngồi xổm xuống đếm kiến: đã đến lâu như vậy mà chẳng có chuyện gì xảy ra, công chúa lại còn chăm chỉ nghiêm túc tham gia hội thơ… Chẳng lẽ đổi tính thật sao?

Theo thói quen trước đây của công chúa, lúc này đáng lẽ đã phải mang hai, ba, à không, nhiều mỹ nam về phủ rồi.

Hắn vốn là kẻ phàm tục không biết thưởng thức thơ văn thế nào, chỉ thấy quang cảnh lúc này nhàm chán vô cùng.

Việt Tiệp Phi trong lòng thầm rên rỉ: công chúa, nàng trúng ý ai thì nói thẳng đi, bất kể đó là ai thì ta cũng thay nàng đóng gói đem về.

---------------------------

Dung Chỉ tiến vào Đông Thượng các, hướng tới phòng ngủ của công chúa.

Trên đường, không một kẻ nào ngăn trở. Thậm chí có kẻ còn hỏi hắn có cần giúp đỡ không, Dung Chỉ cười cự tuyệt.

Vào phòng, hắn đóng cửa, cài then, để tránh có thị nữ nào vì nhầm lẫn mà bất ngờ đi vào.

Nhìn quanh căn phòng một lượt, ánh mắt Dung Chỉ sâu thẳm khó lường, khóe miệng lộ nét cười nhợt nhạt.

Sau khi tìm kiếm xung quanh, Dung Chỉ đến bên giường. Đang định cúi xuống xốc chăn đệm lên, tay vịn trên mép giường, ngón tay bỗng chạm phải vết khắc gập ghềnh thô ráp.

Hắn nhíu mày, quay lại nhìn, thấy trên cạnh giường có khắc mấy chữ “Chính” (正). Có chữ mới chỉ khắc được ba nét, vẫn chưa hoàn thành. (*)

Ước chừng một phút sau, Dung Chỉ tay không rời khỏi phòng.